Trọn một đời vì nước vì dân

Thursday, March 8, 2012


Kỷ niệm 100 năm Năm sinh Nhà cách mạng Tô Hiệu (1912-2012)

_ Quang Minh _
Trong số các nhà cách mạng tiền bối trước cách mạng Tháng Tám 1945 , Tô Hiệu nổi lên như một ngôi sao sáng, một nhà lãnh đạo tài năng đức độ, có ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất.


“Đừng phút nào quên nhiệm vụ của mình”


Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang – tỉnh Hưng Yên. Năm 14 tuổi khi đang học ở Hải Dương, Tô Hiệu đã tham gia phong trào bãi khoá để tang nhà cách mạng Phan Chu Trinh, vì vậy, ông đã bị nhà cầm quyền đuổi học. Từ năm 1927 – 1929, ông được người anh cả Tô Tu đưa ra Hà Nội học và tiếp tục hoạt động trong các phong trào yêu nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Nhà Cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu

Cuối năm 1929, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động cùng với người anh ruột của mình là nhà cách mạng Tô Chấn. Năm 1930, mới 18 tuổi Tô Hiệu bị địch bắt kết án 4 năm tù, đẩy đi Côn Đảo. Ông bị giam cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Phạm Hùng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng… Chính tại nơi địa ngục trần gian này, ông đã chịu đựng mọi cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, tích cực tham gia các cuộc đấu tranh chống bọn cai ngục, không ngừng học tập lý luận cách mạng và trở thành một đảng viên cộng sản trẻ tuổi, kiên trung bất khuất.

Năm 1934 mãn hạn tù, Tô Hiệu trở về và bị quản thúc tại quê nhà, nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động xây dựng phong trào. Cuối năm 1936, Tô Hiệu cùng với các đồng chí nòng cốt Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lương Khánh Thiện, Hoàng Văn Nọn khôi phục lại Xứ uỷ Bắc Kỳ, ông được bầu vào Thường vụ Xứ uỷ. Đầu năm 1938, Tô Hiệu được cử làm bí thư liên khu B gồm các tỉnh duyên hải Bắc Bộ, Hải Dương, Hưng Yên, trực tiếp làm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng.

Cuối năm 1939 trong lúc đang chỉ đạo phong trào đấu tranh, Tô Hiệu lại bị địch bắt và giam ở đề lao Hải Phòng. Đầu năm 1940, ông bị kết án 5 năm tù và bị đày đi nhà ngục Sơn La. Ngày 7 tháng 3 năm 1944, do bị tra tấn dã man và bệnh lao phổi nặng, Tô Hiệu đã hy sinh tại nhà ngục này.

Đọc lại tiểu sử ngắn ngủi của Tô Hiệu đủ thấy ông không lúc nào ngừng đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tuổi trẻ của ông là dấn thân cho lý tưởng cao cả giành độc lập tự do cho tổ quốc. Những năm tháng đấu tranh và trong cảnh tù đày khắc nghiệt, Tô Hiệu đã thể hiện bản lĩnh chính trị và đức độ của một nhà lãnh đạo. Ông chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với đồng chí, đồng đội. Ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ nhà tù Sơn La, viết tài liệu huấn luyện, đào tạo nhiều cán bộ nòng cốt cho Đảng.

Biết mình không thể qua khỏi, Tô Hiệu đã yêu cầu bạn tù không tiêm thuốc cho mình mà để dành cho các đồng chí khác. Trước lúc mất, Tô Hiệu căn dặn: “Các đồng chí hãy cố gắng hơn lên, đừng phút nào quên nhiệm vụ của mình” , ông nói tiếp “Ánh sáng ngày mai đã ló ở chân trời, hãy chuẩn bị đương đầu với thử thách lớn nhất”.


Ngày mai mà Tô Hiệu dự báo, hơn 1 năm sau đã trở thành sự thật. Đó là cuộc cách mạng Tháng 8 - 1945 long trời lở đất và sự ra đời của nước Việt Nam mới. Những ngày cuối cùng ở nhà ngục Sơn La, Tô Hiệu tâm sự: “Mình chỉ e chết sớm không làm được hết những điều đã dự định”.

Lời nhắn gửi cuối cùng của Tô Hiệu đã được các đồng chí của ông đón nhận và thực hiện. Đó là lớp lớp cán bộ cách mạng được ông bồi dưỡng, rèn luyện và đào tạo đã trở thành lớp cán bộ nòng cốt của cách mạng sau này. Nhiều người là cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội. Đại tướng Văn Tiến Dũng nói: “Tô Hiệu là người thầy, người anh được mọi người tin yêu cảm phục”.



Còn mãi với đời sau


“Hổ chết để da, người chết để tiếng”, Tô Hiệu bằng cuộc đời cách mạng, bằng sự kiên cường bất khuất trước kẻ thù, bằng đức độ và sự hiểu biết sâu rộng đã để lại cho đời sự kính trọng và tiếng thơm. Cuộc đời ông tuy ngắn ngủi, ông chỉ sống 32 năm mà có đến hơn nửa thời gian hoạt động suốt trong Nam ngoài Bắc, vào tù ra tội khiến kẻ thù phải sợ hãi kính nể, anh em đồng chí thương yêu kính phục. Ông đã bồi dưỡng, đào tạo hàng loạt cán bộ ưu tú, nhiều người trở thành những nhà lãnh đạo tài giỏi sau này. Chính vì vậy mà danh tiếng của ông, sự nghiệp của ông luôn được ghi nhớ, nhắc nhở cho bao lớp người Việt Nam kế tiếp noi gương học tập.

Tên tuổi của nhà cách mạng Tô Hiệu đã được đặt cho nhiều đường phố, nông trường, xí nghiệp, trường học trên khắp cả nước. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Thành uỷ Hải Phòng đã đặt tên ông cho thành phố của mình là Thành phố Tô Hiệu, mà vẫn thường gọi là Thành Tô. Tháng 9 năm 1947, Trung ương mở lớp huấn luyện chính trị tại xã Sơn Phú, huyện Định Hoá – Thái Nguyên, khi làm lễ khai giảng, đồng chí Lê Đức Thọ - Thường vụ Trung ương Đảng thông báo: Trung ương quyết định đặt tên lớp huấn luyện là lớp Tô Hiệu – chính là tiền thân của trường Nguyễn Ái Quốc sau này. Bây giờ đi khắp các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam, nơi đâu cũng có đường phố, trường học mang tên Tô Hiệu…

Chưa có một thống kê đầy đủ nhưng có thể nói rất nhiều các địa chỉ mang tên ông. Cây đào ông trồng những năm 1940 khi chịu án tù ở Sơn La vẫn xanh tốt, được nhân giống ở quê ông và nhiều nơi khác. Đồng chí Đỗ Mười – nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “...Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc cho cách mạng thật là to lớn...”. Rất nhiều những đánh giá của các nhà cách mạng tiền bối như Nguyễn Văn Trân, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Tùng… khi viết về Tô Hiệu đã dùng những lời kính trọng nhất như “người thầy, người anh”, “là người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo xuất sắc”…

Anh hùng Lao động – Giáo sư Vũ Khiêu đã dành tâm huyết viết những bài phú, câu đối trác tuyệt ca ngợi Tô Hiệu. Bốn chữ đại tự “Đại Nghĩa Lưu Phương” – sự nghiệp lớn, lưu lại tiếng thơm cho đời sau treo tại nhà tưởng niệm Tô Hiệu tại quê hương Xuân Cầu thật ý nghĩa. Giáo sư đã tổng kết cuộc đời cách mạng Tô Hiệu bằng bức trướng đối, mỗi vế 5 câu khúc triết mà sâu sắc:

“Cuộc đấu tranh vượt bể băng ngàn
Kết giao tuấn kiệt
Tuyển lựa hiền tài
Trọn một đời vì Đảng vì dân
Vầng nhật nguyệt ngời soi khí phách”

“Đường cách mạng vào tù ra tội
Kiên định tử sinh
Đạp bằng uy vũ
Trải bao độ thử vàng thử sức
Đấng anh hùng chói sáng tinh khôi”


Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 68 năm ngày hy sinh của nhà cách mạng liệt sĩ Tô Hiệu vào sáng ngày 07 tháng 03 năm 2012 tại nhà tưởng niệm liệt sĩ ở quê hương ông, thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

1/3/2012

 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment