Nhớ một người cộng sản liêm chính

Thursday, March 29, 2012

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà cách mạng Lê Văn Lương (28/3/1912 - 28/3/2012)

_ Thanh Liêm _
ANTĐ - Là một trong những Đảng viên thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Văn Lương (1912-1995) luôn nêu cao tấm gương một chiến sĩ cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, liêm chính, khiêm nhường… một mẫu mực về tự phê bình, nếp sống trong sáng, giản dị và khoan dung.




Nói không với “Nghị quyết suông”


Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương diễn ra trong thời điểm rất có ý nghĩa khi các bộ ngành, địa phương đang quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Những nội dung của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà đồng chí Lê Văn Lương nêu ra cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt gương sáng về tinh thần tự phê bình và phê bình, mạnh dạn nhận khuyết điểm và hình thức kỷ luật của đồng chí Lê Văn Lương, giúp chúng ta có dịp liên hệ, thấm nhuần hơn những kinh nghiệm và rút ra nhiều bài học quý báu về công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ.

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28-3-1912 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Trong những năm tháng trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội (1976-1986), đồng chí Lê Văn Lương luôn chú trọng nâng cao năng lực chỉ đạo và quản lý của đội ngũ cán bộ, nêu gương sáng của người cộng sản mẫu mực, tận tụy.

Lê Văn Lương.

Các cán bộ Thành ủy thời kỳ đó đã quen với hình ảnh đồng chí Lê Văn Lương thức khuya để tính toán cân đối lương thực từng tuần, từng tháng cho các quận, huyện. Đồng chí nói với mọi người thật giản dị, chân thành: “Dẫu ta vất vả đến mấy nhưng lương thực được đảm bảo cho đồng bào, đấy là hạnh phúc”. Đối với Thành ủy và UBND thành phố, đồng chí nhắc cần cải tiến lề lối làm việc từ chính tư duy, lề lối của cán bộ lãnh đạo: “Phải chống một quan niệm hình như cho rằng: Cơ quan lãnh đạo ra nghị quyết, hoặc tổ chức một hội nghị cán bộ thông báo nghị quyết, thế là đã tròn nhiệm vụ... Vấn đề cơ bản vẫn là phải biến nghị quyết thành hành động cách mạng thực tiễn của đông đảo quần chúng nhân dân để cải biến tình hình, đưa cách mạng tiến lên. Đó là một vấn đề phải dứt khoát để thanh toán hiện tượng một số nghị quyết không thực hiện được hoặc thực hiện “đầu voi đuôi chuột”. Đồng chí đã rút ra bài học quý, đó là: Địa phương nào nắm vững nghị quyết, năng động, sáng tạo, đi từ thực tế của địa phương mình, cụ thể hóa nghị quyết, đề ra những biện pháp sát, đúng, làm rõ chế độ trách nhiệm, động viên được tình cảm cách mạng, ý thức làm chủ tập thể của quần chúng trong quá trình thực hiện thì địa phương đó biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực.

Năm 1984-1985 tình hình kinh tế - xã hội vẫn chưa ổn định, thị trường rối loạn, đời sống của cán bộ, nhân dân gặp nhiều khó khăn, những hạn chế, khuyết điểm của Thủ đô Hà Nội đã bộc lộ tập trung, rõ rệt nhất hậu quả của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp.


Đường Lê Văn Lương - một trong những con đường đẹp và hiện đại của Thủ đô.Đường Lê Văn Lương - một trong những con đường đẹp và hiện đại của Thủ đô.

Tại Đại hội X của Đảng bộ Thành phố (tháng 10-1986), đồng chí Lê Văn Lương trong bản Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đã nhấn mạnh cương lĩnh hành động cách mạng của Đảng bộ, trong đó nêu rõ phương châm hành động cho toàn Đảng, toàn dân Thủ đô: “Mọi công việc phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu; coi trọng tổ chức công tác thực tiễn, kiên quyết chuyển đổi cơ chế quản lý từ tập trung quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa... nâng cao sức chiến đấu của Đảng, đặc biệt coi trọng củng cố tổ chức Đảng ở cơ sở, kiên quyết đưa những phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất ra khỏi Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh”.


Dám nhận lỗi


Khi phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất (1953-1956) và chỉnh đốn tổ chức, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã dũng cảm tự phê bình và đề ra phương hướng sửa chữa. Đồng chí Lê Văn Lương đã tích cực xuống cơ sở nắm tình hình và xác minh những sai lầm để báo cáo với Bác Hồ, với Trung ương Đảng, giúp Trung ương đề ra những biện pháp sửa sai. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, đồng chí Lê Văn Lương đã dũng cảm, trung thực nêu lên tất cả những sai lầm, thể hiện trong bản báo cáo do đồng chí chuẩn bị trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1956. Bản báo cáo đã nhìn thẳng vào sự thật, tổng hợp đầy đủ những sai lầm, tổn thất để Hội nghị Trung ương xem xét và được Hội nghị Trung ương chấp nhận. Hội nghị Trung ương cũng đồng ý những biện pháp sửa sai đã đề ra trong báo cáo như: thả ngay những người bị bắt oan; minh oan ngay cho những người bị bắt oan, bị xử oan; khôi phục đảng tịch cho những đảng viên bị xử lý sai, v.v… Do đó, công tác sửa sai của Đảng được tiến hành rất khẩn trương và có kết quả. Bản thân đồng chí Lê Văn Lương thấy mình có phần trách nhiệm về sai lầm trong công tác chỉnh đốn tổ chức Đảng, đã tự xin rút khỏi chức Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. Đồng chí được điều về làm Bí thư Khu ủy Tả Ngạn.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương đã nêu cao tấm gương trong sáng: trước quân thù - hiên ngang bất khuất, coi án chém nhẹ tựa lông hồng; với công việc - tận tụy, trung thành, liêm chính, bao giờ cũng đặt lợi ích cách mạng lên trên hết và trước hết; với đời sống của nhân dân - chăm lo thiết thực, cụ thể; với đồng chí - khiêm nhường, chu đáo, gần gũi thân tình... đối với bản thân - một tấm gương sáng chói về tự phê bình, một nếp sống đặc biệt trong sáng, giản dị và khoan dung.

"Đồng chí Lê Văn Lương là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về khí tiết của người cộng sản". Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã khẳng định như vậy tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Lê Văn Lương (28-3-1912/28-3-2012) diễn ra tại Hưng Yên ngày 27-3. Tới dự lễ kỷ niệm có các đồng chí đại diện các bộ, ban, ngành, Trung ương, thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên cùng thân nhân đồng chí Lê Văn Lương.

Cũng trong bài phát biểu, đồng chí Lê Hồng Anh nêu rõ: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm bồi dưỡng truyền thống cách mạng, lý tưởng và đạo đức và lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu tại lễ kỷ niệm

28/03/2012
 ✯✯ 

0 nhận xét:

Post a Comment