35 Hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương trong những năm 1927-1930

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

1. Công cuộc giải phóng Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân Pháp đã do lớp lớp cha ông ta tiến hành từ nửa cuối thế kỷ XIX. Vì độc lập tự do của dân tộc nhiều người thế hệ cha ông ta đã bị tù đày, đổ máu và hy sinh. Nhưng tất cả những phong trào chống thực dân Pháp đều thất bại. Sang đầu thế kỷ XX, các phong trào đấu tranh theo ngọn cờ dân chủ tư sản có những yếu tố tiến bộ, nhưng đến năm 1930 cũng đi đến chung cuộc là bị kẻ thù "dìm trong máu". Đó là những trang sử bi hùng của dân tộc Việt Nam. Về lịch sử đấu tranh của nhân dân ta thời kỳ này, Hồ Chí Minh viết: "Trong suốt gần một thế kỷ thống trị của thực dân Pháp, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy. Nhưng tất cả các cuộc khởi nghĩa ấy đã bị dìm trong máu. Những đám mây đen lại bao phủ đất nước Việt Nam... Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản" [1][1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQG, H, 1996,T.9, tr.314.. Đây là một đánh giá mang tính sáng tạo cách mạng vô cùng to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên điều kiện lịch sử cụ thể Việt Nam lúc ấy còn đang thiếu nhiều yếu tố; trong đó trước hết đòi hỏi phải được trang bị những quan điểm, lập trường cách mạng tiên tiến. Chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm đường, mở đường cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin - lý luận cách mạng tiên tiến của thời đại vào Việt Nam, sáng lập Đảng ta, giải quyết tình trạng khủng khoảng đường lối lãnh đạo phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc ở Việt Nam đầu thế kỉ XX.

Đồng chí Lê Văn Lương, sinh trưởng trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, quê hương giàu truyền thống yêu nước chống thực dân Pháp. Hưng Yên đã nổi tiếng với các địa danh Văn Giang, Yên Mỹ, với khởi nghĩa Bãi Sậy thuộc phong trào Cần Vương và hàng loạt phong trào đấu tranh chống Pháp sau này. Hưng Yên cũng tự hào với những người con yêu nước như Nguyễn Thiện Thuật, Đinh Gia Quế, Đốc Vinh, Nguyễn Thiện Kế… Những tấm gương hy sinh vì nước oanh liệt đó đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và sự lựa chọn con đường học hành, lập nghiệp và hoạt động của Lê Văn Lương ngay khi trên ghế nhà trường.

Khoảng năm 1925-1926, sau khi tốt nghiệp chương trình tiểu học ở quê nhà, Lê Văn Lương thi đỗ vào Trường Bưởi (Hà Nội). Tuy là một trường mà học trò phần lớn là con em các nhà giàu có, nhưng đây cũng là nơi hội tụ nhiều anh tài tương lai của đất nước. Được học tập và giao tiếp trong môi trường mới ở Hà Nội - trung tâm chính trị văn hóa và đầu mối giao thông quan trọng, Lê Văn Lương không chỉ có điều kiện mở mang kiến thức văn hóa, mà còn có cơ hội được tiếp xúc, kết bạn với nhiều thanh niên cùng chí hướng như Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ... Đây là điều kiện cực kỳ thuận lợi để Lê Văn Lương sớm hiểu biết về thực trạng xã hội đương thời, thấy rõ hơn về cuộc sống lầm than, cơ cực của thợ thuyền và các tầng lớp nhân dân lao động bị áp bức, về nghịch cảnh giàu - nghèo. Trong anh hình thành bao câu hỏi mà tự mình cùng với sách vở của nhà trường không thể trả lời được. Vì vậy, Lê Văn Lương hăng say tìm hiểu những hoạt động chống Pháp của các bậc tiền bối, tìm đọc các sách báo tiến bộ. Cũng như nhiều thanh niên cùng trang lứa đã bí mật truyền đọc các báo chí tiến bộ như báo Thanh niên, các tác phẩm Đường cách mệnh, Bản án chế độ thực dân Pháp... của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài chuyển về. Trong những năm 1925-1926 Lê Văn Lương cũng tích cực tham gia đấu tranh bãi khoá đòi nhà cầm quyền trả tự do cho nhà ái quốc Phan Bội Châu và làm lễ truy điệu, để tang nhà ái quốc Phan Châu Trinh mới ở Pháp về vừa mất tại Sài Gòn. Lo sợ trước "sự biểu dương lực lượng", bọn Pháp và tay sai đã huy động mật thám, cảnh sát, binh lính đàn áp và giải tán các cuộc tụ họp đông người.

2. Mặc dù những hoạt động của Lê Văn Lương trong thời gian này còn lẻ tẻ, tự phát, nhưng đang đi theo một định hướng đúng. Anh được Học sinh Đoàn - một tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên kết nạp vào Hội. Việc gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không chỉ phản ảnh quá trình giác ngộ và trưởng thành trong nhận thức mà còn đánh dấu sự đóng góp đầu tiên của Lê Văn Lương đối với phong trào cách mạng Việt Nam.

Trở thành hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Lê Văn Lương càng hăng hái tuyên truyền lý luận Mác – Lênin, cổ động cho nhiều người đọc sách báo cách mạng, bồi dưỡng và phát triển hội viên mới. Ngoài việc học tập, anh thường xuyên đi vận động các giới đồng bào, khuyến khích người mít tinh, phát truyền đơn, treo cờ, giăng biểu ngữ, dán áp phích tuyên truyền ý nghĩa lịch sử của các ngày lễ lớn, như Quốc tế Lao động 1-5, Kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7-11), Ngày thành lập Quốc tế Cộng sản (19-3), Công xã Pari, Công xã Quảng Châu...

Một trong những đóng góp nổi bật của Lê Văn Lương trước năm 1930 là những hoạt động không mệt mỏi trong phong trào "vô sản hoá". Tháng 9 năm 1928, Hội nghị đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đề ra chủ trương “vô sản hóa”: Đưa các hội viên vào thực tế đời sống công nhân. Việc hướng hoạt động của tổ chức này vào giai cấp công nhân để nhanh chóng nâng cao lập trường giai cấp công nhân trong Thanh niên. Các hội viên đi vào nhà máy, hầm mỏ, làm việc và sinh hoạt cùng công nhân không chỉ vì mục đích hiểu rõ đời sống công nhân, tuyên truyền lý luận, cách thức đấu tranh cho họ mà còn rèn luyện chính bản thân mình, đồng thời tổ chức, lãnh đạo công nhân đấu tranh. Đây là chủ trương đúng đắn, sát hợp với tình hình cách mạng nước ta, vì vậy chủ trương đó đã được Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chính thức đưa vào Chương trình hành động của Hội. Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội, ngày 10-1-1929 đã nêu rõ: “Để chấm dứt tình trạng thiếu kỷ luật của bọn thất bại chủ nghĩa và bọn giả danh, Hội phải áp dụng một phương pháp giáo dục thực sự cách mạng. Thật vậy, nhất thiết tất cả các đồng chí phải tự mình “vô sản hóa”, tự mình “cách mạng hóa” để có một ý nghĩ, một lối sống, một ngôn ngữ của quần chúng. Chỉ bằng cách đó, các đồng chí chúng ta mới có thể đưa lại cho các chi bộ chưa định hình và còn non nớt trên đất nước ta sự quả cảm và sức mạnh. Một khi các đồng chí và những người vô sản hòa làm một cả thể xác lẫn tâm hồn thì không gì có thể phá vỡ Hội và thắng lợi của cách mạng sẽ tới gần” [2][2] Xem: “Lịch sử phong trào công nhân và tổ chức công đoàn Hà Nội”, H. 1988, tr.35-36..

Từ đầu năm 1929, các hội viên Thanh niên hăng hái đi vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, cùng lao động, cùng ăn, cùng ở với công nhân để tuyên truyền lý luận Mác- Lênin, đồng thời qua đó rèn luyện nâng cao tư tưởng và lập trường giai cấp công công nhân của mình. Phong trào “vô sản hóa” diễn ra sôi nổi. Tấm gương của các đồng chí Vũ Thị Mai ở Nhà sàng Cửa Ông, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ ở mỏ than Vàng Danh, Mạo Khê, đồng chí Nguyễn Lương Bằng kéo xe tay ở Hải Phòng... đã có tác dụng rất lớn tới phong trào công nhân Việt Nam. Hồi tưởng về những ngày Vô sản hóa, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cho biết: “Tất cả đều mặc quần áo xanh. Người nào lọt được vào nhà máy làm được, thì tìm hết cách mà lọt vào. Ai không xin vào nhà máy được thì đi làm bất cứ một nghề lao động nào khác” [3][3] Nguyễn Lương Bằng “Nhân dân ta rất anh hùng”, Hồi ký cách mạng, Nxb.VH, H. 1976, tr.20.. Phong trào “vô sản hóa” của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã thực sự trở thành một động lực quan trọng để thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân ngày càng phát triển mạnh khắp Bắc, Trung, Nam như cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Nhà máy Sợi Nam Định, Nhà máy Xe lửa Trường Thi (Vinh), Nhà máy Avia (Hà Nội)...

Giữa năm 1929, những phần tử tiên tiến nhất của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ sớm thấy rõ cần đưa kỳ Bộ phát triển thành một tổ chức xứng tầm với quy mô và trình độ nhận thức mới. Vì vậy, ngày 16-7-1929 tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, Kỳ bộ Bắc Kỳ quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và cử các đảng viên đi xây dựng cơ sở trong cả nước. Hội nghị đã cử Ban Chấp hành, chủ trương đẩy mạnh “Vô sản hoá", đánh đổ CNTB, thành lập chuyên chính vô sản. Sự thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng phản ánh sự chín muồi sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất , mà trước hết thúc đẩy sự xuất hiện của An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên doàn.

Những hoạt động tích cực, hiệu quả và đúng hướng của Lê Văn Lương đã mang lại kết quả tích cực. Anh được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, sinh hoạt ở Chi bộ xích tổ Trường Bưởi [4][4] Những người được kết nạp vào xích tổ, tuy chưa phải là đảng viên chính thức, nhưng tự rèn luyện để đảm đương được nhiệm vụ đảng viên và không phải đóng góp nguyệt phí.. Sự kiện này đánh dấu một bước trưởng thành lớn của Lê Văn Lương, khẳng định sự đóng góp của anh đối với quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và những cống hiến đối với đường cách mạng Việt Nam ngay từ thời dựng Đảng.

3. Là một chiến sĩ tích cực và sáng tạo, giữa tháng 7 năm 1929, Lê Văn Lương cùng một số đồng chí được cử vào Nam Bộ thực hiện nhiệm vụ vận động, phát triển tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ.

Điều đặc biệt là trong những tháng ngày hoạt động ở Nam Kỳ, Lê Văn Lương cùng hoạt động với đồng chí Ngô Gia Tự - người bạn đã gặp nhau ở Hà Nội, đang là Bí thư Chấp uỷ lâm thời Nam Kỳ [5][5] Xem: Từ diển Bách khoa Việt Nam, T4, tr.129.. Anh nhanh chóng hòa mình vào sống đời thợ ở nhiều cơ sở công nghiệp có đông công nhân, vừa hoạt động vừa bám sát tổ chức, bí mật liên hệ để nhận nhiệm vụ và báo cáo tổ chức. Có thời gian Lê Văn Lương hoạt động cùng với Bác Tôn ở Xưởng Ba Son. Đồng chí Hoàng Quốc Việt kể lại: “Tôi với anh Lương ở cùng một chỗ, sáng nấu một nồi cơm rồi đổ mỡ muối lên trên, ăn rồi, còn thì nắm, vác đi làm. Trưa đến, xách gói cơm ra vỉa hè đường, tìm đến chỗ anh em công nhân ngồi ăn, ngả cơm nắm ra cùng ăn rồi lân la nói chuyện. Chúng tôi cứ lấy thí dụ thực tế trong đời sống mà phân tích, gợi cho anh em liên hệ, so sánh, anh em rất dễ nhận ra chân lý cách mạng” [6][6] Nhân dân ta rất anh hùng, Hồi ký cách mạng, Sdd, tr.134.. Có thời kỳ Lê Văn Lương liên tục thay đổi chỗ ở, khắp vùng xóm Chiếu, Nhà Bè, rồi lên tận Thủ Thiêm. Ở đâu Anh cũng sống giản dị, gần gũi những người lao động, anh dạy các cháu thiếu nhi học chữ, học hát, rồi tổ chức hội chơi bóng, hội đọc sách báo,… để tập hợp, tuyên truyền giác ngộ quần chúng theo đường lối đấu tranh của Đảng. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, tại Sài Gòn – Gia Định, Lê Văn Lương và các đồng chí của mình đã phát triển được nhiều cơ sở Đảng, như ở Xưởng Ba Son, Hãng Faci, Hãng rượu Bình Tây, Nhà đèn Chợ Quán, Hãng dầu Nhà Bè… có thời kỳ còn mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển cơ sở Đảng đến các đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ và xuống vùng nông thôn miền Tây Nam Bộ.

Những hoạt động tích cực và có hiệu quả của đồng chí Lê Văn Lương đã góp phần quan trọng trong thời dựng Đảng - Sự kiện vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để đồng chí Lê Văn Lương được gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng ngay từ tháng 1 năm 1930 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2 năm 1930, khi mới 18 tuổi.

83 tuổi đời, 65 tuổi Đảng, gần 70 năm hoạt động liên tục, đồng chí Lê Văn Lương đã hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách do Đảng, Nhà nước giao phó: Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Khu uỷ Tả Ngạn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Bí thư Thành uỷ Hà Nội 3 khoá liên tục (VII, VIII, IX) - những năm tháng đất nước và Thủ đô đứng trước nhiều thử thách lớn lao. Trong đó khoảng thời gian 1927-1930 tuy ngắn ngủi, nhưng nó là nền tảng quan trọng, có tính định hướng và cơ sở để đồng chí sớm trở thành người Cộng sản kiên trung thời dựng Đảng, chiến sĩ tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh [7][7] Xem: Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp cách mạng, Nxb, CTQG,H.2000, tr.5..



---------------------
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQG, H, 1996,T.9, tr.314.
[2] Xem: “Lịch sử phong trào công nhân và tổ chức công đoàn Hà Nội”, H. 1988, tr.35-36.
[3] Nguyễn Lương Bằng “Nhân dân ta rất anh hùng”, Hồi ký cách mạng, Nxb.VH, H. 1976, tr.20.
[4] Những người được kết nạp vào xích tổ, tuy chưa phải là đảng viên chính thức, nhưng tự rèn luyện để đảm đương được nhiệm vụ đảng viên và không phải đóng góp nguyệt phí.
[5] Xem: Từ diển Bách khoa Việt Nam, T4, tr.129.
[6] Nhân dân ta rất anh hùng, Hồi ký cách mạng, Sdd, tr.134.
[7] Xem: Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp cách mạng, Nxb, CTQG,H.2000, tr.5.



 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment