25 Đồng chí Lê Văn Lương với công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Phê và tự phê là một trong những quy luật phát triển của Đảng, là một trong những nguyên tắc, chế độ thường xuyên, là điều kiện tiên quyết đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên nhắc nhở: “Mỗi cán bộ đảng viên, mỗi ngày tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Là một trong những người thuộc lớp chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Đảng, trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, từng giữ nhiều trọng trách quan trọng trong Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã thấm nhuần, thực hiện triệt để lời dạy của Bác và có những đóng góp quan trọng với công tác phê và tự phê bình trong Đảng, qua đó, không ngừng củng cố, phát triển Đảng qua các thời kỳ cách mạng.

Đồng chí Lê Văn Lương tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 15 tuổi, khi đang học trường Bưởi, đồng chí được giác ngộ cách mạng và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, đồng chí vào Sài Gòn hoạt động trong phong trào công nhân dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự. Tháng 3 năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt. Tháng 1-1934, đồng chí bị đày đi Côn Đảo. Biến nhà tù thành trường học và rèn luyện khí tiết của người cộng sản, trong thời gian tù đày, đồng chí cùng chi ủy nhà tù lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh cải thiện đời sống, tự học tập lý luận, tổng kết nhiều kinh nghiệm đấu tranh trong nhà tù; góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Đảng ở nơi gông xiềng tàn bạo nhất của đế quốc Pháp ở Đông Dương. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được đón về Nam Bộ. Tháng 1-1946, đồng chí được điều ra Bắc, đến tháng 12-1946, đồng chí được cử làm Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương. Trên cương vị Bí thư Văn phòng Thường vụ, đồng chí có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, cùng với Ban Thường vụ Trung ương phát động Cuộc vận động phê bình và tự phê bình trong Đảng. Đồng chí đã tiến hành khảo sát thực trạng của tình hình phát triển đảng viên tuy tăng nhanh về số lượng nhưng trình độ giác ngộ, ý thức Đảng rất kém; từ trước đến nay, việc phê bình và tự phê bình tuy đã làm ở khắp các chi bộ, nhưng không thu lượm được mấy kết quả vì đảng viên chưa có ý thức đối với phê và tự phê, nên chỉ làm cho lấy lệ, các chi bộ không được cấp trên hướng dẫn chỉ đạo nên không biết nhằm vào điểm quan trọng để phê bình, kiểm thảo, dẫn đến hiệu quả của phê bình kém. Bởi vậy, cần mở cuộc vận động phê bình và tự phê bình trong toàn thể các chi bộ để xem xét công tác của đảng viên, rèn luyện tính Đảng, nâng cao trình độ chính trị của đảng viên và chấn chỉnh tổ chức cơ sở Đảng. Trong khi tiến hành cuộc vận động cần chú ý đến việc giải thích sâu rộng trong toàn thể chi bộ về ý nghĩa cuộc vận động, quy định những vấn đề chính cần kiểm thảo, phải có sự giáo dục và thưởng phạt nghiêm minh, phải có báo cáo tổng kết kinh nghiệm theo thời hạn nhất định. Sự phê bình không dừng lại ở mỗi đảng viên, từng chi bộ mà cả sự phê bình giữa các cấp.

Tháng 2-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, sau đó là Ủy viên chính thức Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Trên cương vị người đứng đầu Ban Tổ chức mới thành lập, đồng chí đã góp phần trong việc xây dựng, từng bước kiện toàn cơ cấu bộ máy, đào tạo đội ngũ cán bộ. Thời gian này, đồng chí chỉ đạo Ban Tổ chức tập trung công tác chỉnh đốn tổ chức, mở nhiều cuộc vận động chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ trung tâm của công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ này. Một trong những nội dung quan trọng của cuộc vận động là vận động chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, làm cho cán bộ nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức chấp hành nghiêm chỉnh mọi nghị quyết của Đảng, của Chính phủ và tinh thần thật thà tự phê bình và phê bình một cách đúng đắn. Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí ký nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về Công tác củng cố nội bộ, về Cuộc vận động chỉnh đốn Đảng…trong đó nêu rõ công tác phê bình và tự phê bình đối với mỗi đảng viên, mỗi chi bộ trở thành điều kiện, nền tảng vững chắc cho sự thành công của cuộc vận động.

Tháng 9-1960, tại Đại hội Đại biểu toàn lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, điều hành công việc hàng ngày của Ban Bí thư bên cạnh Tổng Bí thư Lê Duẩn. Để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, công tác xây dựng Đảng, đặc biệt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giáo dục cán bộ đảng viên được Ban Bí thư rất quan tâm. Tháng 5-1969, nhân dịp mừng thọ Hồ Chủ tịch 79 tuổi, đồng chí Lê Văn Lương thay mặt Ban Bí thư ký Chỉ thị số 171-CT/TW về đợt sinh hoạt chính trị nội bộ, tiến hành một đợt phê bình, tự phê bình về phẩm chất, đạo đức cách mạng nhằm nâng cao ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng; nâng cao lề lối lãnh đạo của các cấp ủy, chống lối làm việc cá nhân, độc đoán, cục bộ; giữ vững lối sống cần cù, giản dị, trong sạch của mỗi cán bộ, đảng viên. Tiếp đó, tháng 2 năm 1972, đồng chí ký Chỉ thị số 196-CT/TW về tăng cường chỉ đạo cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên ở các cơ quan Trung ương, trong đó nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phê bình, tự phê bình và tập trung phê bình những quan điểm sai trái, ưu khuyết điểm của đảng viên, mối quan hệ giữa cơ quan Trung ương với các địa phương, phê bình nghiêm khắc về những hiện tượng tiêu cực mất đoàn kết nội bộ. Kết quả đạt được của các cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn này đã góp phần to lớn vào thành công của công tác xây dựng Đảng cũng như thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đại hội toàn quốc lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trong thời kỳ xây dựng, phát triển kinh tế, cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong Đảng lại càng gay go, quyết liệt hơn; nhiều vấn đề mới, phức tạp nảy sinh giữa những nguyên tắc của Đảng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Bởi vậy, trên cương vị là Bí thư Thành ủy, mặc dù bận nhiều công việc nhưng đồng chí thường xuyên quan tâm và yêu cầu mỗi đảng viên và các cấp ủy Đảng của Thủ đô luôn chú ý công tác phê bình và tự phê bình, coi đó là nguyên tắc hàng đầu, là công việc hàng ngày để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Năm 1986, do điều kiện sức khỏe và tuổi tác, đồng chí về hưu, nhưng vấn tiếp tục được Bộ Chính trị phân công tham gia tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ. “Đồng chí đã làm nhiệm vụ ấy với tinh thần trách nhiệm cao, thường xuyên theo dõi tình hình của đất nước, tình hình của nội bộ Đảng và có những đề nghị trung thực, thẳng thắn với Bộ Chính trị không ngoài mục đích tăng cường sức mạnh lãnh đạo và tăng cường tinh thần đoàn kết trong Đảng” [1][1] Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 81..

Không chỉ trong công tác chỉ đạo, đồng chí Lê Văn Lương còn là tấm gương của tinh thần phê và tự phê. Đối với bản thân, đồng chí luôn tự nghiêm khắc rèn luyện đạo đức cách mạng, một lòng vì nước vì dân. Dù nắm nhiều trọng trách quan trọng trong Đảng, nhưng đồng chí luôn giữ lối sống khiêm nhường, giản dị, không hề có chút cá nhân chủ nghĩa. Khi Trung ương Đảng và Bác Hồ phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đồng chí là người rất tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình, xác minh sai lầm, giúp Bác Hồ, Trung ương Đảng đề ra những biện pháp sửa sai. Trong báo cáo chuẩn bị trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm tháng 9 năm 1956, đồng chí thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, tổn thất của cải cách ruộng đất. Là thành viên của Ban Cải cách ruộng đất, nhận thấy trách nhiệm của mình, đồng chí tự xin rút khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương có một thời gian khá dài phụ trách công tác cán bộ. Đồng chí luôn căn dặn cán bộ “làm cách mạng phải đạt nhiều thành công những cũng có thể phạm sai lầm. Quan trọng là sáng suốt nhận thức đúng, tìm sai lầm” [2][2] Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 81.. Trong đánh giá cán bộ, đồng chí hết sức công tâm, coi trọng ưu điểm, tin tưởng vào khả năng phát triển của cán bộ. Đồng chí Hoàng Tùng - Nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương viết: “Anh không bao giờ khuất phục trước uy quyền và sử dụng uy quyền của mình trong quan hệ với đồng chí. Nghiêm khắc đối với những lỗi lầm nhưng coi trọng danh dự, tin tưởng khả năng sửa chữa của con người. Nhận xét con người bao giờ cũng coi trọng chỗ mạnh, không vùi dập ai” [3][3] Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Sđd, tr. 103.. Đồng chí Hà Thị Quế, nguyên Phó Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng có một thời kỳ làm cùng với đồng chí Lê Văn Lương trong Ban kiểm tra Trung ương Đảng nhiệm kỳ Đại hội Đảng III có kể lại về trường hợp xử lý một cán bộ mắc sai lầm về quan điểm chính trị: “Anh khách quan phân tích cả hai mặt xấu, tốt của cán bộ, tìm hiểu nguyên nhân cặn kẽ, đặt nhiều câu hỏi tại sao. Trước khi ký quyết định kỷ luật, bao giờ anh cũng triệu tập cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm tra đến báo cáo để anh kiểm tra lại. Bao giờ anh cũng căn cứ Điều lệ Đảng để quyết định kỷ luật cán bộ” [4][4] Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Sđd, tr. 162-163.. Một trường hợp khác là đồng chí Nguyễn Tài - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, có một thời gian bị đình chỉ công tác vì nghi oan về chính trị. Trong lúc Tiểu ban Bảo vệ Đảng làm việc không đúng, đồng chí đã có thư ngắn, nêu ý kiến đóng góp để có nhận xét đúng về cán bộ.

Tuy không có những bài viết riêng về phê bình và tự phê bình trong Đảng, nhưng trong nhiều bài viết về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, đồng chí Lê Văn Lương đều đề cập đến vấn đề phê bình và tự phê bình, coi đó là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong xây dựng, phát triển Đảng. Qua các bài viết, qua công tác chỉ đạo và bằng những hành động thực tiễn của mình, đồng chí Lê Văn Lương đã góp phần to lớn vào công tác phê và tự phê bình trong Đảng cả về lý luận và chỉ đạo thực hiện. Quan điểm của đồng chí về công tác phê và tự phê trong Đảng, có thể tóm lại ở mấy điểm chính sau:

1. Phê và tự phê bình phải trở thành công việc hàng ngày, tự giác của mỗi đảng viên, phải đưa vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức Đảng, thông qua các định kỳ kiểm điểm công tác và sinh hoạt chính trị. Phải gắn việc tự phê bình và phê bình với những biện pháp về tổ chức, với các phong trào đấu tranh quần chúng.

2. Phê và tự phê bình trong Đảng là nguyên tắc hoạt động, là vũ khí sắc bén của Đảng. “Điều then chốt để mở rộng dân chủ và nâng cao sự lãnh đạo tập thể trong Đảng là đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Chúng ta cần thực hành và khuyến khích việc phê bình và tự phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên” [5][5] Trích bài viết Tăng cường chế độ tập trung dân chủ trong Đảng ta của Lê Văn Lương in trong Thấu suốt nguyên tắc tổ chức của Đảng, Nxb Sự thật, H, 1962, tr. 51. đồng thời khuyến khích nhân dân phê bình và giám sát cán bộ, đảng viên. Cần phải tránh tình trạng: “ít chú ý khơi gợi ý kiến của cấp dưới; một số cán bộ và đảng viên cấp dưới thường rụt rè, e ngại, không thẳng thắn vì quyền lợi chung của Đảng phát biểu ý kiến và báo cáo kinh nghiệm của mình với cấp trên. Có nơi lại gây dư luận, thầm thì bàn tán, phê bình vô trách nhiệm” [6][6] Trích bài viết Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng của Lê Văn Lương in trong Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Sđd, tr. 63..

3. Phê bình nhiều mặt trước hết là đạo đức cách mạng bởi đạo đức là gốc của mỗi con người, vấn đề giữ gìn và nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề cơ bản của một đảng thật sự cách mạng, đảng nắm chính quyền bởi “phải gánh vác nhiều nhiệm vụ rất nặng nề, cán bộ, đảng viên được giao phó nhiều cương vị rất trọng yếu trong bộ máy nhà nước và các đoàn thể quần chúng” [7][7] Đảng, Bác Hồ về tự phê bình và phê bình, Nxb CTQG, H, 2005, tr. 310-311.. Trong cuộc vận động phê bình và tự phê bình “mỗi đảng viên trước hết phải kiểm thảo lại ý thức phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân của mình. Mỗi đảng viên cần tự hỏi: từ ngày giác ngộ Đảng, mình đã làm được những gì, có lợi hay có hại cho Đảng và cho nhân dân ra sao….? Yêu cầu quần chúng xung quanh nhận xét mình về mặt ấy. Phải hết sức nghiêm khắc với mình, dù thấy những khuyết điểm nhỏ, cũng không nên coi thường, mà trái lại, phải quyết tâm sửa chữa” [8][8] Trích bài viết Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng của Lê Văn Lương in trong Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Sđd, tr. 54.. Đối với các cấp ủy Đảng, không chỉ dừng lại ở việc phê và tự phê trong công việc nội bộ mà trong mối quan hệ với quần chúng, với cấp ủy các cấp.

4. Phương pháp phê bình: đi đôi với việc khêu gợi tinh thần tự giác của mỗi người, cần phải có sự giúp đỡ của tập thể. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên cần “bình tĩnh xem lại công việc, thành thật tự phê bình, sửa chữa sai lầm để tiếp tục tiến lên” [9][9] Trích bài viết Nhân ngày thành lập Đảng, Nhớ anh Ngô Gia Tự của Lê Văn Lương in trong Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Sđd, tr. 71.. Trước khi phê và tự phê trong nội bộ, cần dựa vào các đoàn thể, cơ quan mà thu thập ý kiến phê bình, nhận xét của quần chúng rộng rãi. Khi phê bình, phải nêu rõ cả ưu và khuyết điểm, việc tốt và việc xấu. Phê bình trên cơ sở lắng nghe, đi tìm hiểu cụ thể, trực tiếp và trên hết là tâm trong sáng, một tấm lòng hết mực yêu thương đối với cán bộ, đồng chí của mình. Sau khi nêu hiện tượng thì tìm rõ nguyên nhân, để có biện pháp thiết thực phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Làm việc với tinh thần nghiêm túc, không xuê xoa, không vùi dập lẫn nhau.

5. Kết quả của phê và tự phê bình không chỉ dừng lại ở việc khen thưởng hay xử phạt đối với các đảng viên, các cấp ủy mà quan trọng hơn là giúp các đảng viên, các cấp ủy nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của bản thân, rèn luyện ý thức chính trị, “tạo được nền dân chủ rộng rãi và trên cơ sở đó mà nâng cao sự tập trung về mặt lãnh đạo” [10][10] Trích bài viết Tăng cường chế độ tập trung dân chủ trong Đảng ta của Lê Văn Lương in trong Thấu suốt nguyên tắc tổ chức của Đảng, Nxb Sự thật, H, 1962, tr. 51., trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Với tài năng, cống hiến và nhân cách của mình trong sự nghiệp cách mạng của Đảng nói chung, trong công tác xây dựng Đảng nói riêng, đồng chí Lê Văn Lương xứng đáng là là một cán bộ lãnh đạo mẫu mực của Đảng, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.





---------------------
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 81.
[2] Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Sđd, tr. 162.
[3] Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Sđd, tr. 103.
[4] Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Sđd, tr. 162-163.
[5] Trích bài viết Tăng cường chế độ tập trung dân chủ trong Đảng ta của Lê Văn Lương in trong Thấu suốt nguyên tắc tổ chức của Đảng, Nxb Sự thật, H, 1962, tr. 51.
[6] Trích bài viết Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng của Lê Văn Lương in trong Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Sđd, tr. 63.
[7] Đảng, Bác Hồ về tự phê bình và phê bình, Nxb CTQG, H, 2005, tr. 310-311.
[8] Trích bài viết Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng của Lê Văn Lương in trong Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Sđd, tr. 54.
[9] Trích bài viết Nhân ngày thành lập Đảng, Nhớ anh Ngô Gia Tự của Lê Văn Lương in trong Lê Văn Lương, Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Sđd, tr. 71.
[10] Trích bài viết Tăng cường chế độ tập trung dân chủ trong Đảng ta của Lê Văn Lương in trong Thấu suốt nguyên tắc tổ chức của Đảng, Nxb Sự thật, H, 1962, tr. 51.



 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment