(Tưởng niệm 75 năm ngày hy sinh của nhà cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu 07.3.1944 – 07.3.2019)
Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hưng Yên và các đại biểu trao học bổng Tô Hiệu Hưng Yên cho học sinh đợt 1 năm 2019
Nhà cách mạng Tô Hiệu (1912 - 1944), quê quán thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, là con út trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước, hiếu học và cách mạng, thuộc đời thứ 11 của cụ Thủy Tổ - Minh Biện hiệu Đạo Khoan giám sinh trường Quốc Tử Giám, đời Hậu Lê. Ông nội đồng chí Tô Hiệu là cụ Tô Ngọc Nữu, từng được bổ nhiệm thăng quyền đốc học Nam Định. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, cụ tỏ thái độ bất hợp tác, từ quan về quê dạy học. Ông ngoại đồng chí Tô Hiệu là cụ Ngô Quang Huy, đốc học Bắc Ninh, là một thủ lĩnh có uy tín của nghĩa quân Bãi Sậy. Thân mẫu đồng chí Tô Hiệu, bà Ngô Thị Lý là con gái danh tướng Ngô Quang Huy. Bà là người được nhân dân địa phương kính trọng vì lòng quả cảm, có công nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng, được suy tôn là một trong những bà mẹ gương mẫu, tiêu biểu của phong trào phụ nữ cách mạng tỉnh Hưng Yên, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, quê hương nhà cách mạng Tô Hiệu là vùng đất đã có trên 2000 năm lịch sử, có bề dày truyền thống văn hóa, những nét đẹp thuần phong mĩ tục và tập quán hay:
''Ai về Đồng Tỉnh, Xuân Cầu. Đồng Tỉnh bán thuốc, Xuân Cầu nhuộm thâm''. Xã Nghĩa Trụ cũng từng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì và Huân chương Chiến công hạng Ba vì đã có những đóng góp và hy sinh to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ và quê hương sớm ảnh hưởng sâu sắc tới tư tưởng yêu nước và cách mạng của đồng chí Tô Hiệu.
Tiếp nối truyền thống quê hương, truyền thống gia đình, dòng họ, với đồng chí Tô Hiệu, yêu nước, cách mạng là đạo đức, lý tưởng và chân lí sống của một người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân. Tình yêu thương nhân dân, yêu thương con người ở đồng chí Tô Hiệu là sợi dây gắn bó đồng chí với giai cấp vô sản. Đồng chí Tô Hiệu giác ngộ cách mạng rất sớm. Ngay từ năm 1926, khi 14 tuổi, đồng chí Tô Hiệu đã hăng hái tham gia các phong trào yêu nước, tham gia bãi khóa, để tang cụ Phan Chu Trinh. Ông tham gia hoạt động khắp miền Bắc - Nam. Năm 1930, đồng chí bị địch bắt, giam cầm, thực dân Pháp đánh đập tra tấn dã man, kết án 4 năm tù và đày ra địa ngục Côn Đảo. Tuy nhiên, tại nơi đây, đồng chí Tô Hiệu được sống cùng các đồng chí cộng sản, được giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin và ngọn cờ của Đảng.
Năm 1934, đồng chí Tô Hiệu được mãn hạn tù trở về, nhưng bị thực dân Pháp quản thúc tại làng quê Xuân Cầu. Sự quản thúc của quân thù tại quê nhà Xuân Cầu cùng 4 năm địa ngục Côn Đảo không làm nao núng tinh thần cách mạng của người chiến sỹ cộng sản Tô Hiệu. Ở quê hương Xuân Cầu, đồng chí tiếp tục gây dựng phong trào cách mạng, không ngừng tổ chức các hoạt động nâng cao dân trí, dân sinh, lập ra
“Hội Nông dân tương tế”, vận động thành lập thư viện và bí mật tuyên truyền đọc sách báo của Đảng tại nhà anh Nguyễn Phùng. Đặc biệt, đồng chí Tô Hiệu trực tiếp vận động bà con và người làm ăn xa góp công, góp của xây dựng Trường Kiêm Bị Xuân Cầu, một hình thức trường tiểu học chỉ có ở huyện lúc ấy. Sự kiện thành lập Trường Kiêm Bị Xuân Cầu đánh dấu bước phát triển mới của phong trào vận động cách mạng tại địa phương, hơn cả là việc chắp cánh ước mơ được học hành, nâng cao dân trí. Đây là kết quả của cuộc vận động chính trị sâu sắc, chắp cánh lí tưởng cách mạng, thức tỉnh đông đảo quần chúng tin tưởng vào đồng chí Tô Hiệu, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, một lòng hướng theo Đảng.
Những kết quả bước đầu trong phong trào cách mạng tại Xuân Cầu đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, vận động, tuyên truyền lý tưởng cộng sản cho thanh niên yêu nước các vùng lân cận, công sức ấy đã góp phần không nhỏ vào sự ra đời chi bộ cộng sản ghép Liễu Khê - Liễu Ngạn - Ngu Nhuế (thành lập năm 1938). Đây là chi bộ cộng sản ghép đầu tiên của khu vực nam tỉnh Bắc Ninh, bắc tỉnh Hưng Yên và đông thành phố Hà Nội.
Cuối năm 1936, đồng chí Tô Hiệu cùng những người tích cực trong anh em tù chính trị mới được tha, tổ chức cuộc họp trên một căn gác ở phố Hàng Bột để khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí Tô Hiệu được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, tham gia hoạt động ở thành phố Hà Nội và một số tỉnh. Những năm 1938 - 1939, đồng chí được đặc trách Bí thư Liên khu B, kiêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, tích cực hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng tại thành phố Hải Phòng, đưa phong trào đi lên mạnh mẽ.
Mặc dù năm 1938, do hoạt động đấu tranh vất vả lại trải qua đòn roi tra tấn dã man của địch trước đây, sức khỏe bị suy yếu, đồng chí Tô Hiệu đã mắc bệnh lao, song vẫn tiếp tục lãnh đạo những cuộc đấu tranh với hàng vạn thợ thuyền nổ ra liên tiếp ở khắp các ngành kĩ nghệ, lan rộng khắp nhà máy và đông đảo quần chúng nhân dân, khiến thực dân Pháp hoảng sợ.
Mùa đông năm 1939, đồng chí Tô Hiệu bị địch bắt tại thành phố Hải Phòng, bị giam cầm tại Hỏa Lò. Tháng 02/1940, đồng chí bị kết án 5 năm tù, đày đến địa ngục Sơn La. 5 năm tù đày kìm kẹp, bị tra tấn dã man tại địa ngục Sơn La, nhà cách mạng Tô Hiệu không nhụt chí chiến đấu, tích cực vận động phong trào “Lập ra Chi bộ”. Bằng sự quả cảm của mình, nhà cách mạng Tô Hiệu đã biến địa ngục Sơn La thành trường học cộng sản vĩ đại, đào tạo những chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhiều cán bộ cốt cán cho Đảng, với tinh thần bất khuất thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao. Nhà cách mạng Tô Hiệu trở thành linh hồn của nhà tù, của chi bộ
Đối mặt cơn sốt rét ác tính, rụng tóc, vàng da, tiểu ra máu, lá lách và gan sưng, bản thân mắc lao phổi, ho ra máu, nhà cách mạng Tô Hiệu càng khẳng định tinh thần đấu tranh không nao núng, không mệt mỏi, một ý chí, nghị lực kiên cường, là người truyền lửa nhiệt huyết và niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng của Đảng cho đồng đội.
Ngày 07/3/1944, ở tuổi đời 32, nhà cách mạng Tô Hiệu đã ra đi mãi mãi trong vòng tay thương mến của đồng đội. Đến lúc hấp hối, nhà cách mạng vẫn gắng gượng căn dặn đồng đội lời tâm can cuối cùng “các đồng chí hãy cố gắng hơn lên, đừng phút nào quên nhiệm vụ của mình”. Sáng mãi một cốt cách tinh thần Tô Hiệu, dù không một tấm huân chương trên ngực, song những đóng góp to lớn của đồng chí đã góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tưởng nhớ và biết ơn nhà cách mạng Tô Hiệu, tháng 9/1947, Trung ương Đảng mở lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ trung cao cấp đặt tên lớp là Lớp huấn luyện chính trị Tô Hiệu, tiền thân của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
75 năm mùa xuân sau ngày nhà cách mạng Tô Hiệu về nơi vĩnh hằng, màu hoa đào vẫn thắm in dấu những mùa xuân bất tử của dân tộc trường tồn, như biểu tượng mãi xanh mùa xuân đất nước, vượt qua mọi khắc nghiệt và giá rét mùa đông. Màu hoa ghi dấu niềm tự hào về tinh thần Tô Hiệu, một người con ưu tú của đất mẹ Hưng Yên. Cùng những đóng góp xương máu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên, tinh thần và sự hy sinh của nhà cách mạng Tô Hiệu tô thắm niềm tự hào về miền đất, con người Hưng Yên, miền đất với bề dày truyền thống văn hiến và anh hùng. Quê hương Hưng Yên nguyện viết mãi những trang sử hào hùng về tinh thần nhà cách mạng Tô Hiệu, tiếp nối và phát huy, nâng thêm tầm cao mới truyền thống yêu nước và cách mạng, dựng xây hòa bình và hạnh phúc trường tồn trên miền đất Hưng Yên.
Nguyễn Văn Hạnh