Một làng quê có năm đại biểu dự Ðại hội lần thứ II của Ðảng

Sunday, February 3, 2013



_ Tạ Quang Dũng _
Ðại hội II của Ðảng diễn ra từ ngày 11 đến 19-2-1951, giữa núi rừng Việt Bắc, tại xã Vinh Quang (Chiêm Hóa, Tuyên Quang). Trong số 158 đại biểu chính thức về dự đại hội, làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang, Hưng Yên) vinh dự có năm người là đại biểu tham dự. Ðây là niềm tự hào của bao thế hệ cán bộ, đảng viên và người dân Xuân Cầu.



Từ sự kiện hiếm có trong lịch sử Ðảng

Chúng tôi may mắn được gặp đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư T.Ư Ðảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, là một trong hai đại biểu tham dự Ðại hội II của Ðảng hiện còn sống. Mặc dù đã 97 tuổi, nhưng đồng chí vẫn nhớ rất rõ những kỷ niệm về Bác Hồ và Ðại hội II của Ðảng. Ðồng chí nhớ lại: Ðại hội II là Ðại hội đầu tiên sau khi Ðảng ta giành được chính quyền toàn quốc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trở thành Ðảng cầm quyền, lãnh đạo cuộc kháng chiến cứu nước lần thứ nhất. Ðây cũng là lần đầu Ðảng ta, sau những năm rút vào hoạt động bí mật, ra hoạt động công khai với tên gọi mới - Ðảng Lao động Việt Nam. Nhiệm vụ chính của Ðại hội là đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Ðảng Lao động Việt Nam. Chủ đề này của Ðại hội đã được nêu bật trong Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc cũng như trong Luận cương Cách mạng Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày. Ðại hội II thể hiện một cách sâu sắc bản lĩnh chính trị, tầm trí tuệ, tinh thần cách mạng, dân chủ kỷ luật và đoàn kết, thống nhất trong Ðảng... Ấn tượng đặc biệt đối với tôi là những phút giải lao trong những ngày diễn ra Ðại hội. Trong không khí phấn khởi và chân tình, Bác Hồ đã tới chia sẻ, hỏi thăm, động viên các đại biểu về dự Ðại hội.

Ðại hội II của Ðảng với sự tham dự của 158 đại biểu chính thức, đại diện các lớp đồng chí từ ngày Ðảng mới thành lập trên mọi miền Tổ quốc. Trong số các đại biểu tham dự Ðại hội lần này có năm đại biểu là người con làng Xuân Cầu, gồm các đồng chí: Lê Văn Lương (tên thật là Nguyễn Công Miều), Tô Quang Ðẩu, Lê Giản (Tô Gĩ), Tô Duy, Trần Bình (Nguyễn Thưởng). Theo đồng chí Nguyễn Văn Trân, một làng quê mà có đến năm người là đại biểu cùng dự một kỳ Ðại hội là sự kiện hiếm có trong lịch sử Ðảng ta. Ðồng chí Trân kể: "Tại Ðại hội II của Ðảng, đồng chí Lê Văn Lương được bầu vào BCH T.Ư, được T.Ư bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Tôi có nhiều dịp làm việc và trò chuyện với các đồng chí này, nhất là đồng chí Lê Văn Lương trong những năm giúp việc Bác Hồ. Họ là những chiến sĩ cộng sản kiên trung, một lòng, một dạ theo Ðảng và sau này đã trở thành những cán bộ cao cấp của Ðảng, Nhà nước".



Vùng quê giàu truyền thống

Từ xa xưa, Xuân Cầu (trước đây có tên là Hoa Kiều, Hoa Cầu, Huê Cầu) vốn là miền đất nổi tiếng không chỉ có nhiều người kiệt xuất mà còn là mảnh đất cửa ngõ phía đông của kinh thành Thăng Long xưa. Xuân Cầu án ngữ cả đường thủy và đường bộ lai kinh của hào kiệt trấn Ðông và là đường đi trấn giữ vùng Hải Ðông, có cửa biển Vân Ðồn giao thương với bên ngoài của Nhà nước phong kiến Ðại Việt. Làng Xuân Cầu có tên trong "Dư Ðịa Chí" (1435) của Nguyễn Trãi.

Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất này luôn sản sinh ra những danh nhân, những nhà khoa bảng cho đất nước. Xuân Cầu có đến 12 người thi đỗ đại khoa trong các triều đại phong kiến, nhất là dòng họ Nguyễn và họ Tô. Thuộc dòng họ Nguyễn, có cụ Nguyễn Hằng đỗ tiến sĩ năm 1586, Nguyễn Tính đỗ tiến sĩ năm 1640, Nguyễn Hành đỗ tiến sĩ năm 1688, Nguyễn Gia Cát đỗ tiến sĩ năm 1787... Ðối với dòng họ Tô, có cụ Tô Trân đỗ tiến sĩ năm 1826, Tô Ðăng đỗ cử nhân năm 1867, Tô Huân đỗ phó bảng năm 1868, Tô Ngọc Huyền đỗ cử nhân năm 1825, Tô Ngọc Nữu đỗ cử nhân năm 1850... Ðầu thế kỷ 20, làng Xuân Cầu lại xuất hiện nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan, với nhiều tác phẩm văn học có giá trị lớn, đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn học Việt Nam và Tô Ngọc Vân - họa sĩ bậc thầy trong làng hội họa nước ta, người đầu tiên được vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ Phủ năm 1954...

Xuân Cầu là một làng quê giàu truyền thống cách mạng, với những người con ưu tú, những chiến sĩ cộng sản kiên trung như: Tô Hiệu, Tô Chấn, Lê Văn Lương (tức Nguyễn Công Miều), Tô Quang Ðẩu, Tô Gĩ (Lê Giản), Tô Duy... Tấm gương liệt sĩ Tô Hiệu sáng mãi trong lịch sử dân tộc ta, với tinh thần lạc quan cách mạng. Tấm gương về bản lĩnh và khí phách cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương. Trong suốt 15 năm lao tù, trong đó có 11 năm bị giam giữ tại nhà tù Côn Ðảo, nơi được coi là địa ngục trần gian, nhưng đồng chí luôn giữ vững khí tiết cách mạng, phẩm chất người cộng sản kiên trung, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng...



Từ trái qua phải:  Ðồng chí Tô Duy, Lê Giản, Lê Văn Lương, Trần Bình, Tô Quang Ðẩu tại Ðại hội Ðảng lần thứ II (1951) ở Việt Bắc.      Ảnh Tư liệu .
Từ trái qua phải: Ðồng chí Tô Duy, Lê Giản, Lê Văn Lương, Trần Bình, Tô Quang Ðẩu tại Ðại hội Ðảng lần thứ II (1951) ở Việt Bắc. Ảnh Tư liệu.



Phát huy truyền thống quê hương

Cụ Tô Hiểu, 87 tuổi đời, 66 năm tuổi Ðảng nhớ rất rõ những kỷ niệm khi được chứng kiến tình cảm của đồng chí Lê Văn Lương với quê hương Xuân Cầu. Mặc dù hoạt động cách mạng xa quê, nhưng đồng chí vẫn luôn hướng về quê hương. Ðồng chí Lê Văn Lương trực tiếp về đổ móng xây dựng nhà truyền thống của xã Nghĩa Trụ tại làng Xuân Cầu, khánh thành cây cầu nối xã với quốc lộ 5... Trong câu chuyện thường ngày, cụ Tô Hiểu vẫn hay kể cho con, cháu nghe về truyền thống quê hương, cụ cho biết: "Xuân Cầu tự hào vì có năm người con là đại biểu dự Ðại hội II của Ðảng và điều đặc biệt nữa là năm đại biểu ấy đều là những người con ưu tú của dòng họ Nguyễn và họ Tô ở Xuân Cầu. Xuân Cầu còn tự hào có bốn người con ưu tú được đặt tên đường phố lớn ở Hà Nội: Lê Văn Lương, Tô Hiệu, Nguyễn Công Hoan, Tô Ngọc Vân. Thời nào Xuân Cầu cũng có những người con ưu tú và thế hệ trẻ Xuân Cầu hôm nay cần phải tiếp nối truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương".

Năm 2012 đối với người dân Xuân Cầu có ý nghĩa đặc biệt, là năm Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu và đồng chí Lê Văn Lương. Ðây cũng là dịp để thế hệ trẻ làng Xuân Cầu ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương. Bí thư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Nghĩa Trụ Lê Văn Thành cho biết: "Hằng năm, chúng tôi thường tổ chức lễ dâng hương tại nhà thờ các đồng chí Tô Hiệu, Lê Văn Lương. Ðến đây, chúng tôi có dịp ôn lại truyền thống của quê hương và nhất là tấm gương của những nhà cách mạng tiền bối. Ðiều đó thôi thúc lớp trẻ của Xuân Cầu hôm nay phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong lao động, sản xuất, học tập để xứng đáng với truyền thống của các thế hệ đi trước. Những năm qua, Ðoàn thanh niên xã tích cực tham gia vào thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực".

Trong những năm đổi mới, xã Nghĩa Trụ cũng như thôn Xuân Cầu, đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tại thôn Xuân Cầu, Quỹ khuyến học của các dòng họ Tô và họ Nguyễn rất phát triển nhằm động viên con em nỗ lực học tập. Hằng năm, Xuân Cầu có 40-50 em thi đỗ các trường đại học. Bí thư Ðảng ủy xã Nghĩa Trụ Lê Ðức Dân phấn khởi cho chúng tôi biết: Cùng với việc tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Ðảng bộ xã luôn quan tâm công tác xây dựng Ðảng. Trong nhiều năm liền, Nghĩa Trụ được Tỉnh ủy Hưng Yên công nhận là Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2012, Ðảng bộ xã đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực như các phong trào xây dựng quỹ "Tình đồng đội" của Hội Cựu chiến binh, xây dựng gia đình "bốn chuẩn mực" của Hội Phụ nữ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ của Ðoàn Thanh niên xã...

Tự hào là một vùng quê có truyền thống yêu nước và cách mạng người dân Xuân Cầu đều nhận thức được trách nhiệm để truyền thống ấy tiếp tục tỏa sáng, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.


 ✯✯