Tô Cương

Saturday, August 27, 2011

Các bài viết sưu tầm trên mạng







Đạo diễn - Nhà quay phim - Nghệ sĩ Nhân dân Tô Cương




Ông tên khai sinh là Tô Văn Cương, ngoài đời thường gọi là Tô Cương, quê làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên nhưng sinh ra ở thôn Đông Kiều, thị xã Hải Dương. Ông sinh năm 1910 trong một gia đình là dân nghèo thành thị.

Ông nội là Nguyễn Đức Chính, bà nội là Đinh Thị Ngân. Ông Nguyễn Đức Chính mất sớm, bà Đinh Thị Ngân tái giá, kết hôn với ông Tô Tôn Lục, nên thân phụ ông là Nguyễn Đức Siêu, lúc đó còn nhỏ cũng cải họ theo bố dượng lấy tên là Tô Tôn Chiêu và ông Cương khi mới sinh đã là người họ Tô.

Thuở nhỏ, ông được cha là Tô Tôn Chiêu dạy học chữ Nho. Đến năm 9 tuổi, ông mới được đi học chữ quốc ngữ và khi nhập học đã quá tuổi nên phải sửa năm sinh trong giấy khai sinh từ 1910 thành 1911, nhưng số 1 cuối cùng viết không rõ ràng đọc thành số 7 nên trong lý lịch của ông, ghi năm sinh là 1917.

Học chưa hết bậc tiểu học, ông đã theo cha lên Hà Nội học nghề, chủ yếu là nghề nhiếp ảnh. Tính thích phiêu lưu nên ông cũng sớm rời gia đình vừa học nghề kiếm sống vừa chu du đây đó. Trải bao thăng trầm, có lúc tạo dựng nên cơ nghiệp nhưng rồi lại trắng tay, ông vẫn không rời cuộc mưu sinh trôi nổi. Khi ra Bắc, lúc vào Nam, có khi phiêu bạt cả sang Lào, Campuchia, Thái Lan. Chính từ cuộc đời phiêu dạt đó đã rèn cho ông bản lĩnh sống và lòng yêu nước, hướng thiện.

Năm 1944, phong trào cách mạng nước ta ngày càng sôi sục. Lúc đó ông đang làm ăn ở Campuchia thì gặp được một số cán bộ cách mạng (ông Nguyễn Kim Cương, ông Lê Văn Sướng...) vận động kiều bào ủng hộ mặt trận Việt Minh, ông liền hăng hái tham gia. Lúc đầu là vận động ủng hộ Việt Minh chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, sau chuyển sang vận động Việt kiều đóng góp tiền của, mua sắm vũ khí để thành lập các đơn vị vũ trang về tham gia kháng chiến bảo vệ chính quyền cách mạng.

Ông đã góp phần quan trọng thành lập được 3 đại đội vũ trang lấy tên là “Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân”. Khi quân Pháp được sự giúp đỡ của liên quân Anh -Ấn phát động chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai (23-9-1945), các đại đội cứu quốc quân lần lượt về nước tham gia chiến đấu. Ông được chỉ định làm đại đội trưởng một đại đội, tham gia chiến đấu ở miền Tây Nam Bộ.

Đầu năm 1946 ông được giao nhiệm vụ về nội thành Sài Gòn tổ chức mạng lưới mua sắm các vật phẩm, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ y tế... cung cấp cho vùng tự do. Năm 1947 ông bị địch nghi ngờ bắt giữ. Chúng tra tấn ông rất dã man, nhưng ông một mực giữ vững khí tiết không khai, quyết bảo vệ mạng lưới hoạt động. Do không có chứng cớ, mặt khác do tổ chức và gia đình chạy chọt, đút lót cho bọn chỉ huy cảnh sát, nên sau 10 ngày ông được trả tự do.

Ngay sau đó ông được điều ra vùng tự do (Quân khu 7). Trải qua một thời gian thẩm tra lòng trung thành khi bị địch bắt, cùng với việc mạng lưới nội thành vẫn an toàn, ông được giao công tác trở lại.

Năm 1949 ông trở thành đảng viên cộng sản và được Trung tướng Nguyễn Bình giao nhiệm vụ xây dựng ngành điện ảnh, nhiếp ảnh. Ông trở thành phóng viên chiến trường, theo sát các đơn vị chủ lực trong chiến đấu. Ông đã tổ chức các cuộc trưng bày ảnh, các buổichiếu phim đèn chiếu đem đến cho nhân dân, bộ đội khu giải phóng những hình ảnh tươi mới và sống động của bộ đội chiến đấu, công đồn, đánh phá giao thông; của nhân dân và dân quân du kích sát cánh bên nhau sản xuất, lập làng chiến đấu, chống địch càn quét. Ông đã tích cực đào tạo nghề cho đội ngũ những người làm công tác điện nhiếp ảnh quân đội và dân sự.

Cuối năm 1952 khi ngành điện ảnh Quân khu 7 đã trưởng thành cả về nhân sự và cơ sở vật chất kỹ thuật, cũng là lúc sức khoẻ ông suy sụp do làm việc quá căng thẳng trong điều kiện gian khổ, ác liệt của chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ông bị sốt rét ác tính và chớm lao phổi nên được điều về Quân khu 9, nơi có điều kiện đỡ khó khăn hơn, vừa công tác, vừa kết hợp chữa bệnh.




Năm 1954, hoà bình lập lại, ông tập kết ra Bắc. Tháng 4 năm 1956 ông được chuyển ngành về lại với ngành điện ảnh, về Xưởng phim Việt Nam. Như cá về với nước, từ đây ông lao vào học tập, tự trau dồi nghiệp vụ chuyên môn và say sưa làm việc. Mảng của ông là phim thời sự, công việc chính là quay phim, nhưng tất cả các khâu có liên quan từ kịch bản, biên kịch, đạo diễn, biên tập, dựng phim... khi cần ông đều làm để tạo ra những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống, chân thực, nóng hổi tính thời sự. Tháng 2 năm 1968 ông được điều về Cục Điện ảnh cho đến ngày nghỉ hưu (năm 1973).

Trong cuộc đời làm phim của mình, ông đã đóng góp vào kho tàng điện ảnh nước nhà hơn 50 bộ phim lớn nhỏ, trong đó có nhiều bộ phim được giải thưởng có giá trị như:

1. Bộ phim “Như đón cả 14 triệu đồng bào miền Nam anh hùng” nhân kỷ niệm 20 năm cách mạng miền Nam 1953 - 1973.
  • Giải Bông Sen vàng - Quay phim

2. Bộ phim “Trung đoàn bộ binh trong tấn công địch phòng ngự có chuẩn bị sẵn”.
  • Giải Bông sen vàng - Đạo diễn kiêm Quay phim
  • Đây là bộ phim giáo khoa quân sự đầu tiên của Việt Nam, đánh
    dấu bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trên
    đường chính quy hoá, hiện đại hoá trong giai đoạn mới.

3. Bộ phim “Việt Nam tổ quốc tôi”, phối hợp với đạo diễn Kai mốp - Liên Xô.
  • Giải Huy chương vàng tại Liên hoan phim Tasken - Liên Xô

4. Bộ phim “Trở lại Điện Biên” tại Liên hoan phim Á - Phi, Jacarta 1964.
  • Giải Lumumba - Đạo diễn kiêm Quay phim

5. Bộ phim “Mở đường Trường Sơn” - Đạo diễn kiêm Quay phim
  • Giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3.
  • Giải Huy chương bạc và “Người quay phim dũng cảm” tại Liên
    hoan phim Mockva lần thứ 8.

Ông được tặng thưởng:
  • Huân chương chiến thắng Hạng Ba
  • Huân chương kháng chiến Hạng Nhất
  • Và nhiều bằng khen của Bộ Văn hoá và Chính phủ.

Ông mất năm 1985 hưởng thọ 76 tuổi.
  • Năm 1983 được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
  • Năm 2012 được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.


TTHTVN

Viết theo tư liệu của con trai ông là Tô Trang










Nhà quay phim Tô Cương: "Ông cụ đã cứu mình"



Ông bồi hổi kể, Bác Hồ có thói quen đi rất nhanh. Bác bước từng sải dài, chỉ nhắm nhanh đến đích, để thực hiện công việc của mình. Anh em quay phim nhiều khi không bắt kịp hình ảnh của Bác, nhưng ngại, không biết làm như thế nào. Một hôm, trong lúc nói chuyện, Bác quay sang hỏi nhà quay phim An Sơn: “Hôm nay các chú có làm được việc không?”. Lúc này, ông mới mạnh dạn bộc bạch với Bác: “Thưa Bác, Bác đi nhanh quá ạ. Phim nhựa mang theo người nặng lắm, mà Bác đi nhanh như thế, cháu không quay được ạ”. Từ đó, khi máy quay hướng vào Bác, Bác chủ động đi chậm lại, tạo thuận lợi để thu được những thước phim về Bác.

Bác Hồ luôn quan tâm đến những việc rất bé như vậy. Câu chuyện của nhà quay phim Tô Cương được nghệ sĩ Việt Tùng kể lại trong niềm xúc động. Đầu năm 1960, gia đình Luật sư Lô-Giơ-Bai, ân nhân của Bác trong vụ án Hồng Kông sang thăm Việt Nam. Bác Hồ đưa các vị khách quý đến thăm Nhà máy Công cụ số 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà quay phim Việt Nam
Trong lúc đang quay phim, đột nhiên máy quay bị hỏng. Bác nghe xoạch một tiếng, biết là máy quay không chạy được. Bác chủ động dừng lại, quay ra nói chuyện với các vị khách, tạo thời gian cho anh em sửa máy. “Cụ lo cho mình như thế đấy. Nếu Cụ đi thẳng, mình không chữa được máy, không quay được hình ảnh Cụ, không hoàn thành được nhiệm vụ, chắc chắn sẽ bị kỷ luật…”. Ông Việt Tùng lúc bấy giờ làm ánh sáng phụ cho ông Tô Cương quay phim về Bác kể lại. Sau lần đó, nhà quay phim Tô Cương cứ xuýt xoa: “May quá, Ông Cụ đã cứu mình”.

Theo Phương Loan - Vietnamnet




Tô Lâm

Friday, August 26, 2011

  



Tô Lâm (sinh 1957) là một chính khách và là tướng lĩnh Công an Nhân dân Việt Nam hàm Thượng tướng. Ông hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Ông có học hàm, học vị là Giáo sư, Tiến sĩ ngành Khoa học An ninh.


Tiểu sử
Ông sinh ngày 10 tháng 7 năm 1957, quê quán tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Thời trẻ, ông là học sinh khóa 6 (1974-1979) Trường Công an Trung ương sau đổi là Đại học An ninh Nhân dân, nay là Học viện An ninh Nhân dân. Sau khi tốt nghiệp, ông phục vụ trong ngành An ninh và thăng tiến qua nhiều chức vụ. Năm 2007, ông giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, hàm Thiếu tướng. Năm 2010, ông được thăng lên giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, hàm Trung tướng

Ngày 12 tháng 8 năm 2010, ông được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm vào chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an. Tháng 1 năm 2011, ông dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 16 tháng 9 năm 2014, ông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăng cấp hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng.[1]

Ngày 22 tháng 10 năm 2015, ông được phong học hàm Giáo sư ngành Khoa học An ninh

Tháng 1 năm 2016, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.[2]

Ngày 9 tháng 4 năm 2016, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Công an.


Tô Lâm
Phong tặng
Huân chương Quân công hạng Ba (2011).[4]
Huân chương Quân công hạng nhất (5/8/2015).

Mời xem:
  1. Tô Lâm - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Đồng chí Tô Lâm - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
  3. To Lam - Website thông tin về Thứ trưởng Bộ Công An Tô Lâm

Họa sĩ Hoàng Đình Tài (1945 - 2016)

Wednesday, August 24, 2011



Xem trang WEB: ARTIST HoangDinhTai



Nơi ký ức thăng hoa
Tôi bước vào căn phòng vừa là phòng khách vừa là xưởng vẽ của họa sĩ Hoàng Đình Tài. Khắp trên tường, dưới đất, chỗ nào cũng kín những bức sơn mài "im ắng, nặng nề". Lại thêm cái tủ chè cũ đầy ắp những lọ bình cổ, khiến tôi liên tưởng ông như một vị gia chủ đầy thâm trầm, nghiêm nghị...

Phá tan những suy đoán của tôi bằng tiếng cười sảng khoái, ông vui vẻ kể cho tôi nghe những chuyện đã qua của đời mình, những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên. Câu chuyện cứ mở ra như cách người họa sĩ tạo nên bức tranh sơn mài, từng lớp màu trầm ấm của gỗ, của đất, của nước, len qua vóc là những ánh vàng, ánh bạc, các hình hài như đang trở về, đang trỗi dậy, cuốn hút một cách dai dẳng.


Sinh ra tại làng cách mạng Xuân Cầu (Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên), nơi sản sinh ra hai vị tiền bối của nền văn nghệ Việt Nam đương đại là Nguyễn Công Hoan và Tô Ngọc Vân, nhưng Hoàng Đình Tài lại có tuổi thơ gắn bó với thành phố Hải Phòng. Ông sớm sinh hoạt trong Hội Văn nghệ Hải Phòng, tham gia vẽ tranh, làm áp-phích cổ động. Những ngày cả nước hướng ra tiền tuyến, ông đã tình nguyện nhập ngũ. Cùng đợt ấy còn có Nguyễn Khắc Phục, Thi Hoàng, Vũ Hữu Ái, những văn nghệ sĩ đất Cảng đầy nhiệt huyết.

Hoàng Đình Tài đã nhận công tác tại Binh trạm 8 (thành phố Vinh), và may mắn, cũng là cái duyên khi ông được cùng đơn vị với nhà thơ Phạm Tiến Duật. Hai người trở nên thân thiết khi cùng nhau qua Bộ Tư lệnh 500, rồi lại cùng chuyển về Bộ Tư lệnh 559. Hai ông đã lăn lộn khắp các tuyến đường 20 để sáng tác, đi theo các đơn vị thanh niên xung phong, bộ đội mở đường, lấp hố bom, trực chốt. Phạm Tiến Duật khoác máy ảnh, súng, gạo, còn Hoàng Đình Tài thì cắp cặp vẽ cùng nhau rong ruổi khắp các rừng thẳm, những trọng điểm lở loét bom thù, những con đường vận tải như ruột thú cào xé. Khi thì trên đỉnh Aki vừa vẽ vừa chạy máy bay địch, khi thì khẽ khàng nhón chân qua bãi bom bi lăn lóc trên đường tới Tale Phutanhic.

Trên đỉnh núi Tale, Hoàng Đình Tài đã vẽ một bức ký họa đẹp, ghi lại phút thi hứng của nhà thơ: Phạm Tiến Duật đang ngồi làm thơ trên mỏm đá, bên hông là chiếc máy ảnh Kiev, tóc bay lòa xòa và con mắt như xa mờ. Bức ký họa này, Hoàng Đình Tài có ý giữ riêng cho bản thân, nhưng 30 năm sau, ông đem tặng thi sĩ như một món quà đầy yêu thương.

Thời gian ấy, Hoàng Đình Tài vẽ với tất cả tình yêu vụng về của tuổi trẻ: Từ những con đường, dòng suối, căn hầm tới khuôn mặt bạn bè trẻ trung lúc vào trận. Ông vẽ hang đá, vẽ chiếc cầu treo lung lay vắt qua vực thẳm, vẽ em gái Việt kiều ở Campuchia xinh tươi may áo cho chiến sĩ, vẽ người dân Lào Thưng dời làng mở đường. Có những bức thật sống động, như bức "Ngủ ngày" vẽ về những chiến sĩ công binh ngủ trong hang đá. Họ ngủ miên man nhưng trên mỗi khuôn mặt vẫn ánh lên vẻ hồn nhiên tươi sáng của tuổi trẻ...

Tranh của Hoàng Đình Tài được "triển lãm" ngay trong hang đá, trên cổng trời, giữa vùng cây cháy ngổn ngang, dọc đường giao liên hay đơn giản là hai cánh tay giơ cao bên đường quân đi. Do thiếu mực, thiếu giấy, nhiều khi ông vẽ cả lên giấy lót hòm mìn công binh, bạt xe cháy sót, vẽ bằng cả que chấm mực, bằng nhựa cậy và đất núi Xê Công, Tha Mé, những địa danh bất tử của chiến trường. Nhiều bức như "Lòng dân A Lắc", "Giữa hai trận đánh", "Trọng điểm Văng Mu", "Bản mới giải phóng" vẽ rất công phu, được cán bộ chiến sĩ rất tán thưởng.

'Kiếp người' - tranh sơn mài của hoạ sĩ Hoàng Đình Tài được Giải thưởng nhà nước năm 2007."Kiếp người" - tranh sơn mài của họa sĩ Hoàng Đình Tài
được Giải thưởng nhà nước năm 2007.


Năm 1970-1972, Hoàng Đình Tài ra miền Bắc công tác. Những bức họa từ mặt trận của ông được dịp quảng bá. Lúc này cái tên Hoàng Tài Vị đã trở nên quen thuộc trên các báo Nhân dân, Tổ quốc, Thống Nhất, Quân đội Nhân dân, Văn nghệ... Bút danh này được Hoàng Đình Tài chọn như cách nhớ về người mẹ tần tảo nơi quê nhà, bà Tô Thị Vị.

Tháng 1 năm 1972, do những hoạt động mỹ thuật ở chiến trường, Hoàng Đình Tài được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, khi ấy ông mới 25 tuổi. Ông Huỳnh Văn Gấm, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ nói, đây là họa sĩ trẻ nhất Hội Mỹ thuật Việt Nam, mà lại không qua trường lớp nào. Cùng năm ấy, Hoàng Đình Tài còn được tham dự trại sáng tác ở Hà Nội. Đây là cơ hội ngàn vàng để ông gặp gỡ với những danh họa như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng... Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung - Phó giám đốc trại, đã phát hiện ra Hoàng Đình Tài, ông chỉ ra cái mạnh, cái yếu của họa sĩ trẻ. Ông từng xúc động khi nhìn những nét bút của Tài: "Ký họa của cậu có lửa và có cả ngọc nữa". Đây là một phần thưởng lớn cho người họa sĩ mới ở rừng ra còn nhiều bỡ ngỡ.
Họa sĩ Hoàng Đình TàiHọa sĩ Hoàng Đình Tài

Ba tháng ở trại với sự hướng dẫn của các họa sĩ bậc thầy, Hoàng Đình Tài cảm thấy những năm vẽ một cách "bản năng" ở chiến trường giờ mới được khơi mở, thoát khỏi lối vẽ trực tiếp để có thể xây dựng những tác phẩm lớn, có những hư cấu, cách điệu.

Những năm học tại Trường Mỹ thuật Hà Nội (1974-1979), Hoàng Đình Tài lại có cơ hội gần gũi với các danh họa như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên... Nhiều phác thảo của ông được các danh họa góp ý. Dường như cái dáng vẻ bộ đội xanh xao, gầy gò và hơn cả là tấm lòng chân thật của Hoàng Đình Tài lại càng khiến các bậc tiền bối thêm cảm động, thêm yêu và hết lòng chăm sóc, hướng dẫn ông.

Có người nói Hoàng Đình Tài ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những người thầy này, đặc biệt trong cách tạo hình có hơi hướng của Nguyễn Sáng. Ông không phủ nhận điều này vì cho rằng đó là cái tất yếu của những thân phận, khi sinh ra đều đã thấy trên đầu mình những cái bóng đại thụ. Không chỉ ảnh hưởng bởi phương pháp tạo hình, Hoàng Đình Tài còn bị Nguyễn Sáng mê dụ bởi cách sống, bởi cái sáng trọng vốn có trong nghệ thuật của ông.

Với Hoàng Đình Tài, Nguyễn Sáng là người họa sĩ của đời sống, ông đã kết hợp được cái hào sảng đậm chất Nam Bộ với cái sâu xa, thâm thúy rất Bắc Kỳ. Cách tạo hình thô mộc, chắt lọc, nét bút to khỏe đậm đà và một cách nhìn phi thời gian. Ông còn nhớ rõ những lời khuyên chân thành của Nguyễn Sáng, như lần đầu mang tranh đến hỏi họa sĩ, chỉ cần thấy vết xước đằng sau tranh, Nguyễn Sáng đã dạy cho ông về cách trân trọng mỗi tác phẩm.

Hay như lần Hoàng Đình Tài sử dụng chất liệu thiếc thay cho bạc trong một bức sơn mài, đã bị họa sĩ phát hiện ra ngay, ông chân thành nói: "Nếu em ít tiền thì nên vẽ bột màu, chứ đừng đi theo sơn mài. Đã đi theo chất liệu nào thì phải đáp ứng đầy đủ, chứ đừng vì ít tiền mà thay thế như vậy". Đây là một lời khuyên mà Hoàng Đình Tài nhớ mãi. Ông như học được cái chất sang trọng ở bậc thầy này, một thế giới thần tiên, trong trẻo. Cũng đã không ít lần Nguyễn Sáng bảo ông xóa bức này bức khác, một sự góp ý chân thành, yêu quý nhau, nhưng cũng có lần Hoàng Đình Tài được ông khen: "Tranh của em đã có con mắt nhìn của người Việt Nam". Sự gần gũi giúp Hoàng Đình Tài hiểu hơn về một con người có dáng vóc cao lớn, vẻ mặt dữ nhưng lại đầy yếu đuối, đau thương. Trong từng câu chuyện, từng lời chỉ bảo, ông như cảm nhận nỗi khát khao yêu thương, nỗi buồn nhớ quê, nhớ mẹ của bậc đàn anh.

Nguyễn Tư Nghiêm, một họa sĩ luôn sống ẩn mình cũng nhận ra cái nhiệt tình và hóm hỉnh ở Hoàng Đình Tài. Ông đối với Hoàng Đình Tài như một người em chân thành, một người bạn thường xuyên to nhỏ chuyện trò. Đã nhiều lần hai người thuê chung một người mẫu để vẽ, nhưng ông Nghiêm đều giành phần trả tiền. Trong một lần ăn cơm rang với lạc muối, Hoàng Đình Tài cũng được ông Nghiêm kể cho về các chất dinh dưỡng trong lạc, phong phú và đầy đủ như đang ăn một bữa tiệc. Chỉ thế thôi mà Hoàng Đình Tài cứ nhớ mãi, ấn tượng mãi về một người trong gian khổ vẫn lạc quan sống, vẫn tìm ra được sự thăng hoa trong tinh thần.

Sau mười năm làm việc tại Công ty Mỹ thuật trung ương (1980-1990), Hoàng Đình Tài trở về làm một họa sĩ tự do. Tác phẩm như nhiều hơn, đề tài cũng phong phú hơn. Không bị chìm đắm trong mảng đề tài chiến trường như nhiều người, ông quay về với những sắc màu dân gian, văn hóa đình làng hay những ký ức về tuổi thơ. Các tác phẩm "Khát vọng", "Nhảy múa", "Đất bazan", "Trẻ em đến trường", "Miền quan họ", "Nhạc rock"... mở ra những không gian mơ hồ đầy cảm xúc của người nghệ sĩ. Sau bao nhiêu bồi đắp và mài rửa, Hoàng Đình Tài đã tìm ra thứ màu riêng cho mình, không giống với ai đã vẽ chất liệu này.

Với 3 triển lãm cá nhân, cùng Giải thưởng Nhà nước (2007) - đó là những dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời người họa sĩ hết lòng vì nghệ thuật. Ở tuổi 60, Hoàng Đình Tài như đang kiểm lại hành trang đời mình. Trước mắt, ông còn nhiều dự định cho một cuộc triển lãm mới về Trường Sơn hay lập một bảo tàng của riêng mình...

Tường Hương


Nguồn: Báo Công An Nhân Dân Điện tử





Các bài viết sưu tầm trên mạng


  1. Sơn mài Hoàng Đình Tài - Phạm Tiến Duật, Mỹ thuật Hải Phòng (theo Báo Văn nghệ (2148) Ngày 17/03/2001).
  2. Hoạ sĩ Hoàng Đình Tài: Một mình một lối - Nguyễn Văn Học, 07/11/2009, Báo Công An Nhân Dân Điện tử.
  3. HOÀNG ĐÌNH TÀI - VẺ ĐẸP CỦA SỰ BÌNH YÊN - Đỗ Đức, 20/11/2008, Mỹ thuật Việt Nam - Tạp chí Mỹ thuật.
  4. Trường Sơn trong từng nét vẽ - Huyền Trang, 19/05/2009, Báo điện tử Đài TNVN.
  5. Hoàng Đình Tài và những ký họa về Trường Sơn - Hà Thanh, 11/04/2013, Thời báo Ngân hàng.
  6. Hoàng Đình Tài dấn thân vào sơn mài - Vương Tâm, 20/05/2013, Báo An ninh Thủ đô.
  7. Hoàng Đình Tài: Đi tới bồ tát nghệ sỹ - NÔNG HỒNG DIỆU, 24/08/2014, báo điện tử Tiền Phong.
  8. Tranh “Tình dê” của Hoàng Đình Tài - Thùy Hương, 16/02/2015, Tạp chí Gia đình và trẻ em.
  9. Hoàng Đình Tài, một vóc dáng hội họa - Chu Hồng Tiên, 17/11/2015, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.
  10. Người họa sĩ có “hai trái tim” - Vương Tâm, 27/04/2017, Báo điện tử Tổ Quốc.

  1. Hải Phòng Trong mắt người Hoạ sỹ - Hoàng Đình Tài, 07/06/2009, Diễn Đàn về TP Hải Phòng.
  2. Tranh sơn mài đích thực và bản lĩnh người họa sĩ - Hoàng Đình Tài, 28/09/2011, vanchuongviet.org.
  3. TRƯỜNG SƠN TRONG CẶP VẼ - Hoàng Đình Tài, Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam

❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖




Tới trường - sơn mài - 150cmx100cm
Hoàng Đình Tài và tác phẩm

Hoàng Đình Tài


Hí họa của Nguyễn Xuân Hoàng






Hoàng Đình Tài
Họa sĩ Hoàng Đình Tài
(1945 - 2016)


  • Hoạ sĩ Hoàng Đình Tài, sinh ngày 16/6/1945 tại Hưng Yên, mất ngày 12/8/2016 tại Hà Nội

  • Tốt nghiệp khoa Hội họa, hệ chính quy khóa 18 (1974-1979), Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam

  • Hội viên hội mỹ thuật Việt Nam

  • 1947 - 1965: Sống tại Hải Phòng.

  • 1966 – 1974: Họa sĩ quân đội sống, vẽ ở Trường Sơn, Lào, Campuchia, Tây Nguyên thời chiến tranh chống Mỹ

  • Từng triển lãm ở Trường Sơn, Hà Nội, Matxcơva, Latvia, Đức, Trung Quốc, Lào, Campuchia...

  • Nhiều tác phẩm trong sưu tập ở Malaysia, Singapore, Pháp, Thái Lan, Mỹ, Canada, Đức, Australia,

  • Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007)
    Sơn mài: Nhảy múa (78x115cm) (2000); Đêm núi rừng Trường Sơn (96x196cm) (2001); Giữa hai trận đánh (100x150cm) (1978); Kiếp người (90x190) (1999)

  • Giải A Hội mỹ thuật Việt Nam (2002)

  • Giải B Hội mỹ thuật Hà Nội (2002)

  • Giải B Văn học nghệ thuật Bộ Quốc Phòng Việt Nam (1999 – 2004)

Nguồn: Blog Mỹ thuật Hải Phòng


Hoàng Đình Tài - Đêm Paris - Màu nước - 6/2016
Hoàng Đình Tài - Mưa trên đồi Montmartre - Màu nước - 6/2016



Hoàng Đình Tài - Quán rượu trên đồi Montmartre - Màu nước - 14/6/2016
Hoàng Đình Tài - CHỢ TRỜI (Nơi kết nối quá khứ và hiện tại) - Acrylic 6/2016
Hoàng Đình Tài - Chợ đồ cũ ở Frankfurt - Ký họa 4/6/2016
Hoàng Đình Tài - Chợ rau quả - Ký họa 28/5/2016



Hoàng Đình Tài - Biển vắng (Den Haag-Holland) - Ký họa 16/5/2016
Hoàng Đình Tài - Chân dung - Ký họa 2012


Hoàng Đình Tài - Chân dung - Sáp màu 11/2014
Hoàng Đình Tài - Chân dung - Ký họa 2/2014


Hoàng Đình Tài - Thánh đường trên đồi Montmartre - Màu nước - 6/2016
Hoàng Đình Tài - Bà mẹ trẻ - Ký họa 23/6/2013


Hoàng Đình Tài - Ký họa 2012
Hoàng Đình Tài - Tranh cắt dán


Hoàng Đình Tài - Đi lễ chùa - Tranh cắt dán (56cm x 80cm)



Tranh sơn mài của họa sĩ Hoàng Đình Tài:

Hoàng Đình Tài - Chiều Trường Sơn - Sơn mài (96cm x 196cm)
Hoàng Đình Tài - Đất Bazan - Sơn mài (96cm x 196cm) 2002


Hoàng Đình Tài - Miền quan họ - Sơn mài (96cm x 196cm) 2004
Hoàng Đình Tài - Ngày xuân - Sơn mài (96cm x 196cm)


Hoàng Đình Tài - Miền nhớ - Sơn mài (100cm x 150cm) 2008
Hoàng Đình Tài - Nhạc rock - Sơn mài (100cm x 150cm) 2003


Hoàng Đình Tài - Nhảy múa - Sơn mài (100cm x 150cm)
Hoàng Đình Tài - Nhảy múa 2 - Sơn mài (100cm x 150cm) 2007


Hoàng Đình Tài - Thiếu nữ và hoa - Sơn mài (77cm x 77cm) 2000
Hoàng Đình Tài - Tình yêu - Sơn mài (80cm x 90cm) 1998


Hoàng Đình Tài - Trẻ em tới trường - Sơn mài (60cm x 90cm) 1999
Hoàng Đình Tài - Bên hồ Gươm - Sơn mài (60cm x 90cm)


Hoàng Đình Tài - Khỏa thân - Sơn mài (63cm x 64cm) 1993
Sưu tập của ông Dương Hoàng Nam
Hoàng Đình Tài - Sao lại ghen - Sơn mài (80cm x 80cm) 1987


Hoàng Đình Tài - Đi lễ - Sơn mài (96cm x 196cm) - Giải thưởng Nhà nước 2007


Hoàng Đình Tài - Bố cục - Sơn mài (45cm x 60cm)




Một số ký họa thời chiến của họa sĩ Hoàng Đình Tài:


Hoàng Đình Tài - Vượt sông Ta Lê - Ký họa màu nước
Hoàng Đình Tài - Hố bom - Ký họa màu nước - 1971


Hoàng Đình Tài - Bắn trên Đường 9 - Ký họa màu nước
Hoàng Đình Tài - Cấp cứu bệnh nhân sốt rét - Ký họa màu nước


Hoàng Đình Tài - Hành quân - Ký họa màu nước
Hoàng Đình Tài - Bãi trú quân giữa rừng - Ký họa màu nước


Hoàng Đình Tài - Công binh rời hang đá (108cm x 78cm) - Ký họa màu nước
Hoàng Đình Tài - Nghỉ ven suối (78cm x 108cm) - Ký họa màu nước - 1969




Hoàng Đình Tài - Sinh hoạt giữa nơi bom đạn - Ký họa màu nước - 1972
Hoàng Đình Tài - Vác pháo vào trận địa - Ký họa màu nước


Hoàng Đình Tài - Pha chế thuốc giữa rừng - Ký họa màu nước
Hoàng Đình Tài - Bản Chê La Mông (Lào) - Ký họa màu nước - 1972


Hoàng Đình Tài - Đường qua trọng điểm Bô Phiên - Ký họa màu nước - 1972
Hoàng Đình Tài - Chăm sóc thương binh (39cm x 54cm) - Ký họa màu nước


Hoàng Đình Tài (39cm x 54cm) - Ký họa bút chì
Hoàng Đình Tài - Sửa xe bên đường (39cm x 54cm) - Ký họa


Hoàng Đình Tài - Trên rừng (39cm x 54cm) - Ký họa mực nâu
Hoàng Đình Tài - Ký họa 1971


Hoàng Đình Tài (39cm x 54cm) - Ký họa mực nho
Hoàng Đình Tài - Thương binh chiến trường Quảng Nam - Ký họa



Hoàng Đình Tài - Dệt vải - Ký họa màu nước
Hoàng Đình Tài - Thanh niên xung phong Đường 20 (39cm x 54cm) - Ký họa


Hoàng Đình Tài - Chiến sĩ giao liên (39cm x 54cm) - Ký họa màu nước
Hoàng Đình Tài - Dân quân A Lắc - Ký họa màu nước


Hoàng Đình Tài - Trong rừng (39cm x 54cm) - Ký họa mực nho
Hoàng Đình Tài - Thương binh chiến trường Đường 9 - Ký họa màu nước



Sưu tầm trên mạng:

Hoàng Đình Tài, Nắng, sơn mài, 2000

Hoàng Đình Tài, Phong cảnh làng quê, sơn mài

Không đề, 1970 - Bút sắt trên giấy, 35 x 21 cm – Họa sĩ Hoàng Đình Tài


Hoàng Đình Tài, Phiên chợ Xín Mần, sơn dầu, 2013
Họa sĩ Hoàng Đình Tài lại thể hiện phong cách khác biệt trong lối thể hiện các nhận vật được tạo hình bằng những chu vi của nét và mảng màu bẹt. Phiên chợ Xín Mần của Hoàng Đình Tài mang thể thống nhất trong phong cách riêng của họa sĩ. Một kỹ năng thể hiện không gian đồng hiện, lan tỏa khắp bề mặt tranh, thứ không gian như được lạ hóa dàn trải trên bề mặt bức tranh. (NGUYỄN QUỐC BẢO)






Tranh “Tình dê” của Hoàng Đình Tài













TRƯỜNG SƠN NHỮNG NGÀY ĐÁNG NHỚ - PHẠM MINH LỢI - (Trích nhật ký)
19-10-1972

Trời vẫn sụt sùi mưa, lạnh và u ám.

Tại cuộc họp vào lúc 7 giờ tối ở Phòng Tuyên huấn, chúng tôi được thông báo tin quan trọng: từ 0 giờ ngày 21 tháng 10 năm 1972 Mỹ sẽ ngừng ném bom miền Bắc; 1 ngày sau đó sẽ ngừng bắn ở miền Nam và một tháng sau ở Lào...

Tuy nhiên, theo lời trung tá Hoàng Nguyễn thì việc đó chỉ xảy ra "nếu không có gì thay đổi". Ông nói: Theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh thì nhiệm vụ của tuyến đường chiến lược trở nên rất gấp và nặng nề. “Trong một tuần, từ hôm nay cho đến ngày thực hiện lệnh ngừng bắn ở miền Nam, bộ đội đường Hồ Chí Minh phải vận chuyển bằng xong một khối lượng hàng cực lớn cho các hướng chiến trường”. Tất cả mọi phương tiện vận chuyển đều phải huy động tối đa kể cả đường bộ, đường biển, đường sông, đường không... Hiệp định Pari được ký kết đối với cả nước là niềm vui, nhưng bộ đội đường Hồ Chí Minh nhiệm vụ sẽ vô cùng căng thẳng.

Tất cả chúng tôi lặng người, tự nhiên có cảm giác như là chiến tranh đang bước vào hồi kết thúc.

Trăng mờ: Mưa vẫn rơi rả rích ngoài rừng. Không ai ngủ được. Những người lính Trường Sơn từng chịu đựng quá nhiều bom đạn tưởng như đã ngủi thấy mùi ẩm ướt của cánh rừng già trong không khí hòa bình?

Gần sáng, trời mưa to hơn nhưng máy bay địch hoạt động nhiều ở phía Tây. Tôi biết cả tuyến đường đang căng thẳng... Hàng ngàn xe vận tải đang dồn vào Khu 4. Liệu có ngừng bắn thật không?

26-10-1972

Hơn một tuần chúng tôi đợi chờ và mừng... hụt. Ai cũng như phản xạ nhanh hơn để tránh bom cho khỏi phải chết trước lúc hòa bình. Nhưng lẽ ra những sự kiện quan trọng đã nói trên phải được giải quyết vào ngày 21-10-1972 (gồm việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, ngừng bắn ở miền Nam và thành lập Hội đồng hòa giải dân tộc...). Do sự tráo trở của Mỹ, những văn kiện đó đã không được ký kết.

Trưa ngày 26 tháng 10 đài Hà Nội truyền đi bản Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nêu rõ sự tráo trở của Mỹ, vin cớ "còn một vài khó khăn ở Sài Gòn"... Bản Tuyên bố kêu gọi quân và dân ta đẩy mạnh cuộc chiến đấu.

Dư luận trong bộ đội Trường Sơn: Nhiều người cho rằng ta phải đánh thêm trong nhiệm kỳ ba năm làm tổng thống nữa của Ních-xơn. Một số ít hy vọng hạn cuối (ngày 31-10-1972) việc ký kết Hiệp định hoà bình sẽ trở thành hiện thực. Chúng tôi hiểu Mỹ phải ký hay không cũng còn do sức mạnh của con đường Hồ Chí Minh lịch sử...

1-11-1972

Trưởng Ban biên tập báo "Trường Sơn" Lục Văn Thao cổ quấn khăn dù vừa ho sù sụ vừa "ra lệnh" cho tôi và họa sĩ Hoàng Tài Vị làm cuộc hành quân "Xuyên Đông Dương" theo Tiểu đoàn vận tải 101...

Chiếc xe Gát-69 chạy ban ngày, ngụy trang nhìn như một lùm cây di động. Xe vượt qua trọng điểm địch vừa ném bom. Mùi bom lân tinh tanh lợm và khét lẹt, vài chiến sĩ đang cấp cứu thương binh...

Đường vào Tiểu đoàn 101 là một dòng suối được rừng già che kín đến mức sẫm tối dưới trời mưa. Những xe Zin 157, Hồng Hà đi nhận hàng về lội ùng ục theo dòng suối đục ngầu. Lán chỉ huy mù mịt khói vì ngọn đèn "mazut ống bơ".
Trợ lý tiểu đoàn đang nài nỉ xin cấp thêm xăng, qua điện thoại, giọng anh the thé như con gái, liên tục đệm những câu "cơ mà" "thế ạ" trong chuỗi ngôn ngữ thỉnh cầu:

- Cơ mà, báo cáo đồng chí 100 lít không đủ đâu ạ? Lần trước dự trữ những 600, chuyến này cấp 100 thì chỉ một phần sáu thôi ạ... vâng, vâng, cơ mà...

Ngoài suối xe đi lại ầm ầm, những chiếc Zin 157 còn khá mới chạy phăm phăm. Tiểu đoàn dồn xăng cho số lớn xe chạy trước. Tôi chọn chiếc Zin chở 4 tấn thuốc nổ, trèo lên ca-bin. Ông bạn lái xe lè lưỡi: "Sao ông chọn xe chở của độc thế này?".

- Yên trí, tôi cùng ông chia sẻ với nhau; nói dại lỡ có làm sao chắc ta chả kịp biết đau đớn là gì?

Chúng tôi cùng cười mà không thành tiếng.

Họa sĩ Hoàng Tài Vị ngồi xe sau, chở đạn B40. Đoàn xe xuất phát khi đêm xuống. Đèn gầm mờ quá, tôi nhìn con đường trước mũi xe một lát mắt đã cay xè giàn giụa. Thương anh em lái xe biết bao? Có lẽ khi về già (nếu còn sống) tất cả các anh sẽ bị mắc bệnh quáng gà. Cái đèn nhỏ xíu đã thụt trong gầm xe lại còn phải trát thêm bùn để tránh khí tài quan sát ban đêm cực kỳ hiện đại của không quân địch...

2-11-1972

Ban chỉ huy tiểu đoàn 101 trú quân dã chiến ven một dòng suối hẹp. Con suối hoang sơ bỗng chốc bị đoàn xe sục nát, nước đục ngầu và đầy váng dầu. Điện thoại réo liên tục. Chính trị viên phó Giảng nhắc các "xê" giấu xe thật cẩn thận và phải cắt người canh gác: "Này, các ông cử người gác thật nghiêm mật. Xe đẩy chất nổ, nhỡ dân công hỏa tuyến mò vào xem, thuốc lào, thuốc lá thì bỏ bố".

Họa sĩ Vị cứ loay hoay với mấy cuộn giấy to. Cậu ta còn khệ nệ ôm cả mấy tập tranh "Đường ra tiền tuyến", nói là để quẳng cho mấy trạm ba-ri-e ở tuyến trong. Mực nho của Hoàng Tài Vị đổ ra áo lót đen ngòm, thối khăm khẳm mùi keo da trâu.

Hai máy điện thoại réo như phát rồ. Một chiếc gào trong nội bộ, chiếc kia báo cáo với trung đoàn và Bộ tư lệnh ... ấy vậy mà có lúc Giảng vẫn đùa được với tổng đài “Sông hương":

- Thế nào, trên đó có "em” không? Tên ai là Lan vậy? Ồ có nữ thì đã việc gì "Giường chật thì phải nằm kề, chân tay co lại động hề gì em". Thế ra tổng đài mà không có nữ thật à?...

Máy bên kia một cán bộ nói với cấp' trên:

- Dạ, xin khất đến 8 giờ tối, chúng em bận quá chưa tổng hợp được ạ!

Dưới suối xe của C3 đi lấy hàng, va quệt vào cây, đá sầm sầm. Buổi chiều đã tắt nắng trên các vạt rừng. Giữa không khí ồn ào căng thẳng mà cái đài Liđô trên võng vỏng ra một giọng nữ thẻ thọt như đọc truyện đêm khuya.

Đêm nay cả đoàn nằm lại chờ xăng. Tiểu đoàn trưởng Tuất không ngủ được, ôm khư khư cái máy điện thoại để đợi lệnh trung đoàn. Ngọn đèn ác quy vàng như ngái ngủ. Ngày mai dứt khoát đoàn xe phải chạy mà 2 cái xe téc xăng sa sẩy ở đâu vẫn chưa vào...

Một loạt tiếng nổ khiến rừng rung lên bần bật. Anh em lái xe báo cáo máy bay địch rải bom bi xuống tuyến đường. Toàn bộ khu giấu xe như nín thở.
...
Nguồn: Dựng nước - Giữ nước > Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam > Tài liệu - Hồi ký Việt Nam (Quản trị: macbupda) > Lính Trường Sơn