Hồi tưởng và suy nghĩ - Phụ lục

Sunday, August 21, 2011

Hồi tưởng và suy nghĩ

Nguyễn Tài

Phụ lục


Hà Nội, ngày 12/9/2003

Kính gửi đ/c Nguyễn Khoa Điềm,
Trưởng ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương
Đồng kính gửi Thường Trực Ban Bí thư “để báo cáo”
đ/c Lê Khả Phiêu, nguyên TBT BCHTƯ Đảng khóa VIII
Đảng ủy Công an Trung ương “để biết”

I. Tôi xin cám ơn Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm đã thông qua đ/c Hoa (cán bộ của Ban TT-VH TƯ) chuyển cho tôi bản chỉ thị số 25–CT/TW đề ngày 25/12/1977 do đ/c Lê Khả Phiêu ký, T/M Bộ Chính trị.

Tôi cũng đã gửi tay đ/c Hoa một bộ photocopy 8 văn bản chính thức để nhờ chuyển đến lãnh đạo Ban TT-VH TƯ, gồm:

- của BBT các khoá IV (số 254–10/12/1977 và số 908–18/8/1979) khóa V (số 1519–31/7/1981) và khoá VI (số 570–23/12/1988).

- của Tiểu ban BVĐ (số 149 ngày 10/12/1977), của ban Thượng vụ Thành uỷ Sài Gòn (số 33 ngày 8/4/1978); của ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ (số 14 ngày 5/1/1981)

(Theo chế độ lưu trữ hồ sơ của Đảng, ắt là tại văn phòng TƯĐ hoặc Ban Tổ chức TƯĐ cũng đều còn phải lưu đủ các văn bản kể trên; đủ để chứng minh cho tôi.)

II. Theo nhận thức của tôi, trong chỉ thị số 25 của BCT khoá VIII có 2 câu chủ yếu nhất.

1. Đó là:

BCT yêu cầu các cán bộ đảng viên khi phát ngôn, viết bài, viết hồi ký nếu có những nhận định “về các sự kiện lịch sử và các cá nhân” các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khác với những nhận định đánh giá chính thức” của Đảng thì “phải xin ý kiến cấp uỷ, tổ chức Đảng có thẩm quyền, nếu được đồng ý mới được truyền bá công khai”.

2. Như vậy có nghĩa là phải phân biệt rõ 2 trường hợp:

- trường hợp không phải xin phép ai cả, mà vẫn được tự do công bố bởi các sự kiện lịch sử và các cá nhân đều đã có văn bản chính thức của cấp có quyền trong Đảng kết luận (ví dụ của Ban Bí thư các khoá từ IV đến VI).

- trường hợp phải xin phép và chỉ khi được phép mới được truyền bá công khai (bởi chưa có văn bản chính thức nào của cấp có thẩm quyền quyết luận).

III. Tôi xin dẫn chứng bằng việc tôi bị nghi oan và đã được minh oan:

1. Căn cứ để đình chỉ công tác được viết trong công văn 149/ BVĐ ngày 10/12/1977 là: “ta có phát hiện được bản tài liệu mật trong chiếc valy của một người nước ngoài trong dịp sang Việt Nam; bản tài liệu ấy có liên quan đến đồng chí mà bọn CIA Mỹ đã thanh toán trong thời gian chúng giam giữ đồng chí”.

Năm 1978, khi đ/c Nguyễn Duy Trinh – Thường trực Ban Bí thư chỉ thị cho kiểm tra lại xuất xứ của bản Anh văn, thì chứng cứ đã bị sửa chữa và đồng LQ Thân tiếp tục khẳng định với Ban Bí thư rằng đúng nó đuợc chụp từ tài liệu của người nước ngoài; Dẫn đến kết luận “treo“ số 908 ngày 18/8/1979 của Ban Bí thư ”Hiện nay đối với một số người trước đã bị địch bắt giam, trong đó đ/c NT, Đảng chưa có điều kiện làm rõ một vài điểm cần phải làm rõ trong tài liệu ấy được của địch, những điểm đó cần phải tiếp tục làm rõ thêm”.

Cho đến cuộc họp ngày 24/11/1980 của tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ thì đã nhất trí kết luận và đã có báo cáo chính thức số 14 ngày 5/1/81 lên Ban Bí thư “trong một cuộc họp, do cho bản tài liệu tiếng Anh là chụp trong số tài liệu ở va ly người Nhật, nên đồng chí Hồng Trang đã sửa lại số phim chụp tài liệu Nhật từ số 116.. đến 11699” (thực chất là sửa chứng cứ và phạm pháp). Qua xác minh lại thì “kiểu phim chụp bản tài liệu tiếng Anh có tên đ/c NT không phải chụp từ tài liệu lấy trong va ly người Nhật, mà chụp từ bản tiếng Anh do cán bộ Cục chống gián điệp đưa”; “Về trách nhiệm trong việc nhầm lẫn này chúng tôi sẽ cho kiểm điểm làm rõ trách nhiệm từng đơn vị, từng người”.

Bởi thế trong kết luận số 570 ngày 23/12/1988 của Ban Bí thư khoá VI, ngay tại điều 1 đã viết “Tài liệu làm căn cứ cho việc đình chỉ công tác đối với đồng chí NT để thẩm tra là không đúng.”


3. Về vấn đề cơ sở:

a) Tập thể Ban Thượng vụ thành uỷ Sài Gòn làm việc cùng đại biểu của tiểu ban BVĐ đã có công văn số 33 ngày 8/4/78 trong đó kết luận “Đối chiếu với tài liệu ta đã có và tài liệu địch mà chúng tôi thu được cho đến nay ở Cảnh sát và đặc uỷ trung ương tình báo Nguỵ thì thấy không có gì là mâu thuẫn. Như vậy cho đến nay, một lần nữa chúng tôi xác nhận như bản Kiểm điểm ngày 7/5/1975, đ/c Tư Trọng đã bảo vệ được cơ sở, cán bộ, phong trào và tổ chức của Đảng ở thành phố mà đồng chí biết”.

Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ, ngày 19/3/1980 đã có báo cáo số 112 BC/BCS gửi lên Ban Bí thư “Xác nhận khi đồng chí NT được điều động vào công tác ở An ninh trung ương cục, thì Bộ Công an không giao cơ sở cho đ/c NT, do đó nên khi đ/c NT bị địch bắt thì không có cơ sở nào của BCA bị phá vỡ.”

b) Bất chấp các văn bản chính thức đã khẳng định như trên, tại kết luận 1519 ngày 31/7/1981, đ/c Lê Đức Thọ đã thay mặt Ban Bí thư vẫn viết: “Có lúc đ/c Tài đã dao động, do đó đã phạm khuyết điểm khai báo với địch một số cơ sở của Đảng nhưng không quan trọng, BBT đã phê bình khuyết điểm nói trên của đ/c Tài”.

c) Với tinh thần tôn trọng sự thật tại kết luận số 570 ngày 23/12/1988 BBT khoá VI đã viết: “Kết luận này thay cho kết luận 908 ngày 18/8/1979 và 1519 ngày 31/7/1981”. Mà nó cho ngay thẳng là đã bác bỏ 2 kết luận sai sự thật, trước đó tuy cũng của BBT.

III. Tập hồi ký của tôi nhan đề Khúc khuỷu đường đời kể lại diễn biến từ khi bị đình chỉ công tác do bị nghi oan cho đến khi được minh oan là căn cứ trên các văn kiện chính thức của BBT các khoá IV, V, VI; cũng như các văn bản chính thức của các cơ quan, cấp uỷ có trách nhiệm liên quan. Nội dung hồi ký chỉ minh hoạ bằng những sự kiện, những hành vi cụ thể. Nên nó hoàn toàn đúng với các nhận định chính thức của Đảng (kể cả việc BBT khoá VI sửa lại 2 kết luận của BBT năm 1979 và 1981); vậy không thể coi là tôi nói khác với nhận định của Đảng.

- Từ thực tế đó, quan điểm và nhận thức của tôi là tập hồi ký của tôi không thuộc loại phải xin phép trước khi công bố. Và tác giả tự chịu trách nhiệm về sự thật của các minh hoạ.

- Quan điểm và nhận thức như kể trên của tôi cũng hoàn toàn phù hợp tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình.

Nói về tự phê bình và phê bình (trong Hồ Chí Minh toàn tập NXBCTQG - Tập V, trang 261). Bác Hồ đã viết: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó, như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc, chân chính. Cán bộ càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình”.

Như vậy, theo Hồ Chí Minh “Trong ĐCS từ việc đến người - đều không có vùng cấm phê bình”.

Cho nên Đảng hô hào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh; thì phải hô hào làm đúng và đầy đủ tư tưởng HCM (như dẫn trên) thì mới là đúng. Nếu cấp bộ nào hay cơ quan nào trong Đảng mà quy định có “vùng cấm phê bình” là sai tư tưởng Hồ Chí Minh (không thể chỉ hô hào “học” mà không đòi hỏi “làm theo đúng” HCM) và phải chấn chỉnh ngay.

IV. Nếu các đồng chí có sự hiểu biết sâu sắc hơn đối với lời văn của chỉ thị 25 nói ở đây, thì tôi mong được chỉ giáo thêm.

Đ/c Lê Khả Phiêu là người ký chỉ thị số 25, cùng nhiều đ/c uỷ viên Bộ Chính trị khoá VIII nay đều còn sống; đều có thể phát biểu làm rõ nội hàm của chỉ thị số 25 nói ở đây (đúng với tư tưởng HCM).

Nếu sau một tháng kể từ ngày nhận thư này của tôi mà các đồng chí không có ý kiến nào khác, giải thích cho tôi hiểu, thì mặc nhiên phải coi ý kiến của tôi là đúng và được chấp nhận.

Xin cám ơn và kính chúc sức khoẻ các đồng chí.

Kính,

Nguyễn Tài
Nguồn: Tài liệu chưa xuất bản, lưu hành dưới dạng samizdat. Bản điện tử do talawas thực hiện

0 nhận xét:

Post a Comment