Từ năm 1977, mọi ý kiến phát biểu, tôi đều làm văn bản chính thức; ngoài ra có ghi nhật ký về những chuyện quan trọng. Nên đến nay, dựa vào nhật ký để ghi lại những chuyện cũ được dễ dàng chính xác.
Như thế là đã xong phần đầu của tập ghi chép này.
Mới ngày nào, mà nay đã đúng 20 năm trôi qua; kể từ ngày mà, đang là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tôi đột nhiên bị đình chỉ công tác, vì có nghi vấn chính trị - và nói cho đúng – bị nghi là CIA.
Không phải đến năm nay, khi nhiều người trong cuộc đã qua đời, tôi mới dám trở lại câu chuyện đó.
*
* *
Việc đình chỉ công tác để thẩm tra về chính trị trong trường hợp của tôi, bắt đầu từ 10-1977; qua một lần chấm dứt đình chỉ công tác, và “kết luận treo” năm 1979; một lần “kết luận chụp mũ” để phân công năm 1981; đã đi đến kết luận đúng đắn lần thứ ba (số 570 ngày 23-12-1988) của Ban Bí thư Trung ương khoá VI.
Có người cho rằng tôi may mắn; vì nếu để sang đến nhiệm kỳ khoá VII, với người mới chưa hiểu việc cũ, lại bề bộn công việc, chưa biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ.
Có người cho rằng tôi còn may mắn hơn những đồng chí đã bị ông Hai Văn bắt giam hồi đó (tuy sau đã phải tha, nhưng vẫn chưa được giải quyết tốt các chính sách).
*
* *
Từ 10-1977 đến 12-1988, là 11 năm.
Vụ việc lẽ ra có thể kết luận dễ dàng ngay từ đầu 1978, phải trải qua nhiều rắc rối, gần như một chuyện trinh thám bí ẩn, để cuối cùng mới được làm sáng tỏ.
Vậy mà trường hợp của tôi cũng phải mất đến 11 năm chịu đựng oan trái.
Do kiên trì đấu tranh nội bộ, cuối cùng, chân lý và lẽ phải, đã được thừa nhận.
Chẳng riêng sáng tỏ vụ này cho tôi ; mà còn vén lên tấm màn bí mật đã cản trở việc làm sáng tỏ vụ này trong suốt 11 năm.
*
* *
Tuy nhiên
một câu hỏi được đặt ra là:
Xung quanh “vụ án chính trị nội bộ” đã xẩy đến với tôi, phải chăng mọi vấn đề đều đã được kết luận rõ ràng, và có thể đã kết thúc hoàn toàn?
Người ngoài cuộc, vì không biết đầu đuôi câu chuyện, nếu hiểu một cách đơn giản rằng: mọi việc đã ổn, thì là điều có thể giải thích được.
Còn những người đã ở trong cuộc, trong đó có tôi, chỉ cần với lương tâm bình thường ắt có thể thấy rõ là:
Có nhiều việc cần phải làm rõ, và có đủ khả năng làm rõ, để có kết luận đàng hoàng, nhưng đã bị bỏ qua và bị chìm đi theo thời gian; không rõ vô tình hay do cố ý?
Đó là:
Về tính trung thực của cán bộ Công an
Nhất là cán bộ bảo vệ nội bộ
A. Phải thừa nhận, như kết luận 570 ngày 23-12-1988 của Ban Bí thư khoá VI rằng:
Việc bản Anh văn (nói là đã lấy trong va ly người nước ngoài đến Việt Nam)
đã là gốc đặt vấn đề chính trị đối với tôi từ 1976, và đình chỉ công tác tôi từ 10/1977 để thẩm tra.
Việc này, đến đầu năm 1981, Bộ Nội vụ đã có văn bản kết luận, là bản đó của cục D3; nói rằng của người nước ngoài là không đúng.
1. Về tính lô gích của các sự kiện:
a) Tại cuộc họp tối 22/8/1980 ở Bộ Nội vụ để làm rõ xuất xứ bản Anh văn, khi biện bạch rằng mình làm đúng (trước khi anh Dịch tố giác có việc sửa chữa sổ gốc ghi chép chụp ảnh microfilm) cô Trang, là cán bộ Cục G3 đã trình ra
sổ của Cục G3, ghi chuyển giao ảnh cho Cục E4, có người ký nhận, đề rõ là ngày 16/7/1976.
b) Với tư duy lô gích thông thường, ai cũng nghĩ rằng:
Chỉ sau khi nhận, và xem hơn 40 tấm ảnh, cán bộ Cục E4 mới phát hiện có bản Anh văn có tên tôi. Tiếp đó, Cục E4 mới dịch nội dung (tiếc là đã dịch sai); rồi mang đi báo cáo cho anh Lê Quốc Thân. Sau đó, anh Lê Quốc Thân gặp anh Trần Quốc Hoàn, rồi cứ thế mang tiếp đi báo cáo anh Lê Đức Thọ.
c) Vậy,
thời gian để tuần tự làm các việc kể trên, cho là nhanh nhất, cũng phải diễn ra, và chỉ có thể diễn ra,
trong ngày 16-7-1976. Kể từ mốc thời gian sau lúc cán bộ của Cục E4 ký nhận ảnh từ cô Trang, phải có thì giờ xem 40 tấm ảnh, phát hiện ra bản Anh văn, chọn riêng ra, và dịch sai bản Anh văn. Nếu được Cục E4 báo cáo, mà anh Lê Quốc Thân vẫn chưa gặp được anh Lê Đức Thọ trong ngày 16-7-1976, mà ắt
phải sang đến ngày 17-7-1976 thì bản Anh văn (dịch sai) mới đến tay anh Lê Đức Thọ được.
d) Nhưng cũng tại phòng họp ở Bộ Nội vụ tối 22/8/1980 (ngay sau khi cô Trang trình ra sổ trả ảnh), anh Nguyễn Trung Thành (Bảo vệ Đảng) đã phát hiện sự mâu thuẫn về thời gian tính giữa các chứng cứ.
Đó là: Bản dịch bản dịch Anh văn, viết tay bằng chữ Việt (dĩ nhiên là bản dịch sai) do anh Lê Quốc Thân đưa đến anh Lê Đức Tho; mà sau khi xem xong, anh Lê Đức Thọ đã giao cho anh Nguyễn Trung Thành (Bảo vệ Đảng) lưu, thì lại được ghi ngày là:
15/7/1976, cũng là ngày tôi đưa photocopy bản Anh văn để gửi Thành uỷ Sài Gòn(!).
e) Tối hôm đó chỉ có vài người ngồi gần đã nghe thấy lời anh Nguyễn Trung Thành. Vài hôm sau, tôi đã hỏi lại, thì anh Nguyễn Trung Thành vẫn khẳng định ý anh ấy đã nói tối 22/8/1980; vì bản dịch Anh văn đề ngày 15/7/1976 đó, đến nay, vẫn còn được lưu một cách an toàn trong hồ sơ của Bảo vệ Đảng.
2. Vì thế, ngày 22/6/1981, tôi đã có thư cho BCSĐ/BNV (đồng gửi Bảo vệ Đảng và Đảng uỷ Bộ Nội vụ) nêu vấn đề và yêu cầu được làm rõ (Văn bản có tên là: “Cung cấp tình hình và đóng góp ý kiến kiểm điểm làm sai về bản Anh văn 1976 ở Bộ Nội vụ”; gồm 4 trang chính và 14 trang Phụ lục)
Tôi không thể tự giải đáp được, nên đã yêu cầu những người có trách nhiệm liên quan phải trả lời trước Đảng 2 vấn đề sau:
Một là:
a) Ai ở Cục E4 đã có bản Anh văn để dịch (và dịch sai) ngay từ ngày 15/7/1976 (trái với logic và thực tế là, mãi đến ngày 16/7/1976, Cục E4 mới được cô Trang chính thức bàn giao 40 tấm ảnh chụp các tài liệu của người nước ngoài; có ghi sổ chuyển giao và có ký nhận rõ ràng; từ đó mới phát hiện có bản Anh văn).
b) Tại sao người ấy biết đến bản Anh văn sớm thế? Và tại sao người ấy chú ý ngay đến bản Anh văn đó; mặc dù nó không hề là tài liệu của ngưòi nước ngoài (vì chỉ là tài liệu của người nước ngoài mới là việc thuộc trách nhiệm của Cục E4)?
c) Theo quy tắc, Cục E4 không được quyền đòi Cục G3 giao cho mình tài liệu không thuộc yêu cầu chụp ảnh của Cục.
Ở sổ gốc ghi nhật ký chụp ảnh, đã được cô Trang ghi số, chứng tỏ rằng:
Phim chụp ảnh bản Anh văn là việc khác; nằm ngoài các phim chụp ảnh tài liệu của người nước ngoài, được làm theo phiều yêu cầu của Cục E4.
d) Vậy, diễn biến cụ thể ra sao, mà Cục E4 lại có được ảnh chụp bản Anh văn? Và, tại sao, vào lúc nào, anh Lê Tẩu (cán bộ Cục E4 đã có thể có kiểu phim chụp bản Anh văn (là tài liệu tối mật của Cục G3) để cắt để lưu riêng cho mình. Trước khi Cục G3 trả ảnh cho Cục E4? Mà sau đó cô Trang phải đòi mãi, đến 1978 mới trả (!).
e) Anh Lê Tẩu làm được việc trái quy tắc đó, là do tự ý (và cô Trang tự tiến vượt quy tắc để đồng ý); hay được ai chỉ thị và cho phép?
Hai là:
a) Do tôi yêu cầu giám định pháp lý về xuất xứ của bản Anh văn và do anh Nguyễn Duy Trinh có chỉ thị, nên mãi đến 2/1979 Bộ Nội vụ mới làm việc này.
b) Rõ ràng là: Đã không hề có sự kiểm tra thận trọng, chu đáo ngay từ 7/1976 khi muốn dùng bản Anh văn để đặt vấn đề chính trị đối với tôi năm 1976 khi muốn dùng bản Anh văn để đặt vấn đề chính trị đối với tôi năm 1976 (ngưng đi Đại hội IV);
và đình chỉ công tác tôi từ 10/1977 để thẩm tra về chính trị.
c) Nay
đã kiểm tra lại - lẽ ra thì phải do một đồng chí không hề dính dáng đến việc này đứng ra chủ trì cuộc kiểm tra mới đúng nguyên tắc. Nhưng lại do chỉ anh Lê Quốc Thân họp với Cục G3 mà không lập biên bản một cách trung thực.
d) Sau khi Bộ Nội vụ đã ra kết luận năm 1981, rằng bản Anh văn là của Cục D3 (chứ không phải là của người nước ngoài như trước đây đã báo cáo sai); thì năm 1981, anh Trần Quốc Hoàn đã có tự phê bình về trách nhiệm của anh ấy là đã quan liêu, thiếu kiểm tra hồi 1976, về xuất xứ bản Anh văn.
Còn anh Lê Quốc Thân có làm hay chưa, nội dung ra sao, tôi không được biết rõ.
3. Theo tôi, thì anh Lê Quốc Thân còn chưa trả lời một vấn đề nghiêm trọng hơn nữa, thuộc trách nhiệm hành vi của anh Lê Quốc Thân.
3.1. Đã không ai cãi được lời tố giác của anh Dịch tại cuộc họp tối 22/8/1980
a) Vậy đúng là: Tại cuộc họp 2/1979 để kiểm tra lại việc chụp ảnh của Cục G3: Chỉ sau khi anh Lê Quốc Thân kêu lên hỏi
“Ghi thế này, thì bản Anh văn có phải là của ngưòi nước ngoài đâu?”; mới có việc cô Trang chữa mấy chữ trong sổ nhật ký gốc ngay trước mắt Lê Quốc Thân và mọi người cùng có mặt hôm đó. Việc sửa trong sổ là chữa số thứ tự ghi phim chụp bản Anh văn, làm cho từ chỗ bản Anh văn nguyên không phải tài liệu của người nước ngoài
(thực chất là sửa chứng cứ).
b) Cũng đúng là:
Chính anh Lê Quốc Thân trông thấy cô Trang chữa chữ số trong sổ trước mắt mình. Tại sao anh ấy đã không ngăn cản một hành vi sửa chứng cứ, trái pháp luật, chà đạp trắng trợn lên sự thật như thế?
Anh Lê Quốc Thân lại còn giả bộ như không hề có xẩy ra sự sửa chữa chứng cứ trong sổ nhật ký gốc của Cục G3, và nhiều lần khẳng định với nhiều người rằng Cục G3 đã làm việc chính xác, và bản Anh văn đúng là của người nước ngoài?
c) Anh Lê Quốc Thân là đảng viên, hơn nữa là Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, lại là Ủy viên Trung ương Đảng, vì sao:
Sau hôm kiểm tra, đã có việc sửa chứng cứ của cô Trang trước mắt mình, mà nhiều lần anh Lê Quốc Thân vẫn báo cáo một cách không chút ân hận lên anh Nguyễn Duy Trinh, anh Lê Đức Thọ, anh Trần Quốc Hoàn, khẳng định bản Anh văn là của người nước ngoài; và không hề có nhầm lẫn (như phỏng đoán của tôi)?
(Đến nay, có thể khẳng định:
Đúng là ban đầu cô Trang không hề nhầm lẫn, vì đã ghi bản Anh văn là của Cục D3. Còn Cục E4 thì ban đầu có nhầm. Rồi chỉ trong buổi kiểm tra của anh Lê Quốc Thân đầu năm 1979, mới có sự xuyên tạc nó thành ra của người nước ngoài.
Không thể coi việc xuyên tạc chứng cứ là “nhầm lẫn”
được).
3.2. Nên, rất cần làm rõ các chi tiết sau đây:
a) Một số cán bộ chủ chốt của Cục G3 cũng biết việc làm sai trái trên. Cớ sao họ không dám báo cáo trung thực cho cấp trên của anh Lê Quốc Thân? Rằng đã có việc sửa chứng cứ, ít nhất cho anh Trần Quốc Hoàn (như anh Dịch đã báo cáo cho anh Trần Quyết, trước khi nói công khai ở cuộc họp tối 22/8/1980)?
b) Ngược lại, họ đã có những hành vi sai trái khác, như: O ép cấm anh Dịch nói lộ; cố ý báo cáo gian dối ở các lần kiểm tra sau đó; thậm chí bố trí làm thử (để đạt kết quả theo ý họ) nhằm lừa dối anh Trần Quyết (Thứ trưởng) và anh Vũ Trọng (Bí thư Đảng uỷ); sau khi mọi việc đã rõ, thì họ còn bầy ra lập luận là có thể có song song 2 bản Anh văn (một của Cục D3, và một của người nước ngoài (hòng vấn đề sẽ không thể kết luận).
c) Có ai đứng sau lưng thúc đẩy và khuyến khích họ hay không?
4. Có mấy vấn đề nữa phải đặt ra để xem xét:
a) Nay phải đặt câu hỏi là:
Nếu đã kiểm tra với đầy đủ tinh thần trách nhiệm ngay từ 7/1976, về xuất xứ của bản Anh văn thì: Liệu có xảy ra việc Ban Bí thư phải gạt tên tôi, không cho đi Đại hội IV, hay không? Và liệu có xẩy việc phải đình chỉ công tác tôi tháng 10/1977 để thẩm tra, hay không?
b)
Nếu anh Lê Quốc Thân đã trung thực, nhận ngay từ 2/1979 là có nhầm lẫn ban đầu về xuất xứ bản Anh văn, thì liệu việc thẩm tra và nghi vấn tôi về chính trị có đến nỗi tiếp tục kéo dài, dẫn đến “kết luận treo” năm 1979, và “kết luận chụp mũ” năm 1981? Hay tình hình sẽ khác hẳn?
c) Đánh giá trách nhiệm và tư cách của anh Lê Quốc Thân như thế nào cho đúng?
(Tiện đây, phải nhắc lại để hiểu thực chất anh Lê Quốc Thân: Qua những lần gặp và trả lời tôi hồi 1979 rằng việc bản Anh văn đã kiểm tra kỹ rồi, đúng là của người nước ngoài – khi tôi còn hoàn toàn tin tưởng sự trong sáng của anh ấy – cũng như anh ấy im lặng gián tiếp giữ ý cũ suốt từ 1979 đến 1988).
5. Về sự tuân thủ nguyên tắc trong công tác Đảng:
a)
Mặc dù tôi đã có văn bản chính thức nêu vấn đề một cách có căn cứ, tại sao: Những cơ quan và người có trách nhiệm và có quyền kiểm tra, lại vẫn bỏ qua việc triệt để làm rõ các vấn đề ấy? Trong khi chứng cứ để xác minh, kiểm tra đều có sẵn đầy đủ? Những ai phải trả lời về trách nhiệm của họ xung quanh sự buông trôi lạ thường này?
b) Thực ra, nếu thật lòng muốn làm rõ, thì đến năm nay 1995, vẫn còn làm được. Vì hãy so sánh với trường hợp của tôi. Đến cuối 1977, Đảng còn bắt tôi viết lại tỉ mỉ, chỉ dựa vào trí nhớ của tôi, những việc xẩy đến cho tôi suốt 1970 đến 1975, thì sao!
c) Thêm nữa: Khi – năm 1978 – anh Nguyễn Duy Trinh chấp thuận đề nghị của tôi cho giám định lại việc bản Anh văn:
Lẽ ra phải giao cho một người hay một nhóm người trước đây không hề dính dáng đến việc này đứng ra kiểm tra mới đảm bảo nguyên tắc khách quan, vô tư. Nhưng Bộ Nội vụ lại để cho anh Thân chủ trì kiểm tra nên mới có việc sửa sổ như đã xảy ra; gây rắc rối kéo dài hơn 2 năm, mà nếu tôi không kiên trì tìm mọi cách làm rõ thì chẳng làm sao có được việc Ban Bí thư khoá VI minh oan cho tôi năm 1988.
B. Về các đồng chí làm công tác thẩm tra trường hợp của tôi:
1. Anh Hai Văn: Trong chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, tôi đã từng làm việc với anh Hai Văn – lúc đó là Phó Bí thư TƯ Cục miền Nam của Đảng kiêm Trưởng ban An ninh R – Hồi đó tôi rất cảm phục ý chí cách mạng của anh ấy (khi Ngô Đình Diệm đàn áp dã man phong trào quần chúng cách mạng miền Nam, anh ấy đã dùng thuyền gỗ vượt biển ra Bắc, xin Trung ương cho vũ trang khởi nghĩa). Từ năm 1975 cho đến khi anh ấy qua đời, tôi không có dịp gặp lại; kể cả trong thời gian tôi bị anh ấy thẩm tra. Tôi không hề oán trách gì anh Hai Văn; bởi tôi hiểu anh Hai Văn bị thần kinh nặng, lại thiếu kiến thức về chuyên môn.
Nhưng việc Ban Bí thư phân công cho anh Hai Văn làm Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Đảng là một vấn đề cần rút kinh nghiệm
về chọn người giao trách nhiệm đứng đầu một tổ chức hệ trọng đến sinh mệnh chính trị người khác.
2. Cũng dễ hiểu thái độ cơ hội của các anh Hoàng Thao, Dương Thông; hay sự bấp bênh hoặc lảng tránh trách nhiệm của các anh Hai Sớm và Phạm Ngọc Mậu. Bài học cần rút kinh nghiệm là
cấu tạo nhân sự lãnh đạo một cơ quan quan trọng sao cho phát huy được đầy đủ, đúng mức tác dụng của tập thể.
3. Còn về anh Lê Đức Thọ: Với cương vị lớn trong Đảng thời đó – và nay đã qua đời - đối với anh Thọ phải do Bộ Chính trị, hoặc BCH TƯ Đảng xem xét một cách toàn diện mới có thể nhận định chính xác được. Riêng tôi chỉ có thể nêu vài suy nghĩ thông qua vụ án chính trị nội bộ đối với tôi mà thôi.
a) Ban đầu do quá tin anh Thân với bản Anh văn bị dịch sai, anh Thọ cũng suy diễn khá nhiều nghi vấn chính trị đối với tôi. Nhưng khác anh Hai Văn, anh Thọ thẳng thắn nêu hết cho tôi, bởi thế tôi mới biết để trả lời trúng vào vấn đề gì; hoặc cãi lại những ý gì không đúng. Có thể do anh Thọ là người đã huấn luyện để bồi dưỡng kiến thức cách mạng cho tôi từ lúc tôi mới gia nhập Đảng hồi bí mật,
nên anh Thọ có cách cư xử gia trưởng đối với tôi - nhất là khi ký kết luận 1519 “chụp” mũ tôi “khai cơ sở”. Nhưng Ban Bí thư khoá VI đã sửa sai cho tôi rồi, nên từ đó đến nay, tôi hoàn toàn thanh thản.
b) Anh Thọ cũng có điểm đặc biệt là:
Khi chuyện bản Anh văn đã ra ánh sáng, thì anh Thọ gạt bỏ ngay được hết mọi nghi vấn chính trị mà chính anh ấy đặt ra trước đó đối với tôi. Có thể thấy rõ điều này trong mối quan hệ làm việc sau khi tôi tiếp tục công tác trở lại – anh ấy rất tin cậy tôi trong thời gian tôi làm Phó Tổng Thanh tra Nhà nước và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan – tuy lúc đó vẫn chưa được minh oan hoàn toàn.
c) Bài học kinh nghiệm nên rút ra ở đây, theo tôi là:
-
Người lãnh đạo cao nếu chỉ dựa vào vài ngưòi “thân tín” mà không kiểm tra họ thì có khi bị lừa và mình bị phạm sai lầm nghiêm trọng
- Người lãnh đạo ngành Tổ chức phải rất vô tư khách quan, mạnh dạn thay đổi cách nhìn của mình đối với cán bộ thuộc quyền quản lý, khi đã có căn cứ chính xác mới, để xét đoán họ.
Về chính sách đối với đảng viên
Về cái gọi là nguyên tắc
“cán bộ Công an, Tình báo bị địch bắt trở về, không bố trí làm công tác ở ngành cũ”. Sau này tôi được nghe, không phải của anh Lê Đức Thọ, mà là của anh Lê Duẩn nói.
1. Giả sử đó đúng là chính sách của Đảng, thì có
được bàn trong tập thể Trung ương hay Bộ Chính trị, hay không? Cá nhân một người lãnh đạo của Đảng có quyền định ra mọi chính sách theo ý riêng của mình, hay không? Tại sao, cùng có trách nhiệm và quyền hạn trong tập thể cấp uỷ Đảng, mà các cán bộ lãnh đạo khác của Đảng hồi đó, có thể để tình trạng như thế trong Đảng?
2.
Người đã qua thẩm tra, đã được kết luận là tốt, cớ sao lại đẩy đi khỏi công tác mà người ta đã qua thử thách, và đã tích lũy kinh nghiệm?
3. Và như thế, thử hỏi
: Vì sao cũng là cán bộ Đảng, cũng ra tù, mà có thể bố trí nhiều đồng chí vào Trung ương, là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng được?
Trong khi mình thì đã ở Trung ương Đảng được, mà người khác cũng ở tù như mình, đã được kết luận là tốt, thì lại không thể bố trí vào Công an, Tình báo được? Vậy: Trung ương Đảng, Công an, Tình báo, ở đâu quan trọng hơn?
Rõ ràng
không có đạo lý. Và không nhất quán trong chính sách cán bộ của Đảng.
4.
Đến nay, Trung ương Đảng còn duy trì nguyên tắc này trong chính sách cán bộ của Đảng, hay thôi? Tôi đặt vấn đề này không phải để đòi hỏi cho bản thân được trở lại trong ngành Công an làm gì (vì tôi đã nghỉ hưu 10 năm rồi); mà để tránh tái diễn sai lầm tương tự cho người khác trong một thế giới còn đầy bất trắc này.
Sống được là nhờ có tình bạn trong sáng
Bây giờ đã là tháng 3 năm 1995.
Sắp đến kỷ niệm ngày giải phóng Buôn Ma Thuột, trận mở màn để đi đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cả nước sắp kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Đất Nước. Cũng là ngày kết thúc 4 năm 4 tháng 10 ngày tôi bị tù biệt giam từ đầu đến cuối.
Cũng là gần đến ngày 21-3 là ngày trước đây 31 năm, tôi lên đường tình nguyện vào Nam chống Mỹ.
Trong những năm tôi còn ở chiến trường miền Nam, có hai người bạn thân từ kháng chiến chống Pháp, đã tự ý làm những việc hoàn toàn không vụ lợi đối với các con tôi. Anh Lê Nghĩa, ở Hà Nội, biết con trai út tôi thích xem bóng đá, kỳ nào có thi đấu bóng đá, anh ấy cũng gửi sẵn ở nhà một vé cho con tôi. Anh Vũ Tá Ngọc, lúc đó công tác ở Liên Xô, đã quan tâm săn sóc hai con tôi đang học ở bên đó.
Ngay từ lúc nghi vấn chính trị còn đặt đối với tôi, không ngại liên lụy, những bạn bè với đúng nghĩa của từ đó, vẫn đến an ủi và động viên tôi.
Ngay trong Tiểu ban Bảo vệ Đảng cũng có người trung thực, vì chân lý và lẽ phải, vẫn nói hết ý mình, có lúc bị thiểu số trong Tiểu ban.
Anh Linh, anh Kiệt và mấy anh trong Thành uỷ Sài Gòn, kiên trì chính thức phát biểu nhận định của mình, đối với một đồng chí mà mình đã hiểu rõ, vì đã từng chung sống, cùng chiến đấu.
Anh Dịch dũng cảm, không ngại bị trù, đã tố giác việc chữa sổ, nên mọi việc mới sáng tỏ; anh ấy mới qua đời năm ngoái.
Bạn bè và ngay bản thân tôi cũng không giải thích được, vì sao:
Một người đã trải qua 2 cuộc kháng chiến gian khổ hao mòn thể lực, lại ở tù biệt giam gần 4 năm rưỡi như tôi; không bị điên, không bị chết vì bệnh hay vì tuyệt vọng? Ngược lại, vẫn sống, và đủ sức phát hiện những vấn đề để đấu tranh “tự cãi cho mình trắng án” (như một người bạn đã vui tính đùa như thế).
Phải chăng, tình bạn, tình người đã giúp tôi sức mạnh để vượt qua những năm đau khổ đó?
Suốt đời còn lại của tôi, tôi ghi nhớ những hình ảnh và những con ngưòi đã có tình đồng chí, tình bạn, tình người như thế đối với tôi.
*
* *
Tôi bỗng nhớ đến một vấn đề mà khi quá tin ở bản Anh văn bị dịch sai, anh Hai Văn đặt ra để nghi ngờ tôi; mà anh Lê Đức Thọ thì hỏi thẳng tôi hôm gặp, là: “
Tại sao địch có chủ trương giết cậu, mà cậu không chết?”
Ngay hồi đó, tôi đã có thư trả lời : và đã hỏi lại các anh đó rằng: “
Vậy tôi phải chết mới đúng hay sao ?”
Tôi cũng ghi lại đây những sự tương phản đáng phải cười ra nước mắt.
Lúc tôi bị địch bắt. Chúng rất muốn tôi phải nói. Và tìm mọi cách để bắt tôi phải nói. Chúng sẵn sàng nghe, nói càng kỹ càng tốt. Còn tôi thì cố tránh để không phải nói, càng ít càng tốt.
Ngược lại,
khi tôi bị Đảng thẩm tra. Tôi đủ để trả lời mọi câu chất vấn của anh Lê Đức Thọ và Tiểu ban BVĐ. Tôi muốn nói, và cần phải nói. Nhưng sau khi tung ra các nghi vấn vô căn cứ, thì dường như anh Hai Văn và Tiểu ban BVĐ lảng tránh, không chịu nghe tôi trả lời. Khác gì đặt tôi vào ngõ cụt. Rồi với tinh thần thất bại chủ nghĩa, cứ nói là không thể làm rõ được vấn đề bản Anh văn, đi đến kết luận treo, giữ nghi vấn (may mà sau này đã làm rõ được).
Từ lâu, tôi đã có chính thức phát biểu về
tình trạng vi phạm nguyên tắc trong hoạt động của nhiều cấp uỷ và đảng viên, cán bộ Đảng.
Cũng như thế,
về tình trạng vi phạm luật tối thiểu trong hoạt động của cơ quan, cán bộ Đảng và Nhà nước.
Một trong các nguyên nhân là như Lê Nin đã từng nói: “Nếu dốt nát cộng với quyền lực thì như thuốc súng cộng với lửa, sẽ rất tai hại, sẽ cực kỳ nguy hiểm”.
Thực chất có vấn đề mất dân chủ. Không tôn trọng quyền của công dân và của đảng viên. Chỉ mới là nói miệng về dân chủ. Nói một đàng, nhưng làm một nẻo. Người ý thức được quyền này, yêu cầu thực hiện thì trù úm.
Như trường hợp của tôi.
Tôi biết rất rõ là tôi có lẽ phải.
Tôi chỉ yêu cầu hãy công khai, trực diện tranh cãi với tôi.
Nhưng người ta kiếm đủ lý do để tránh né. Không gặp, thì làm sao nói được !
Phải thấy đó là một sự ức chế ghê gớm đối với con người.
Cũng phải nói lại về nghịch lý trong cách làm việc.
Tổ chức có quyền nghi ngờ, có quyền buộc tội. Nhưng chứng minh sự nghi ngờ, buộc tôi phải do Tổ chức đưa ra căn cứ, lý lẽ của mình (cũng như Công tố viên trước toà án).
Đồng thời, cũng chính tổ chức phải xác minh, tìm lời giải đáp.
Còn ở đây, ngưòi ta suy diễn ra nghi vấn rồi lại cứ bắt người bị đặt vấn đề phải cung cấp chứng cứ để minh oan cho mình !
Sự ức chế chính là ở cách làm việc kỳ lạ ấy.
Thần kinh tôi đã suy nhược sau mấy năm bị giam trong xà lim trắng toát suốt đêm ngày ; nay lại thêm một bước suy nhược mới. Còn may là không phát điên !
Tôi cũng bất giác nhớ đến ngày mới giải phóng Sài Gòn. Bộ đội ta vào trại tù 3 Bạch Đằng, giải thoát tôi trưa 30/4/1975. Đêm đó tạm đưa tôi sang nơi trú quân ở Bộ Tư lệnh Hải quân của Ngụy, cũng ở đường Bạch Đằng. Hôm sau, 1/5/1975, đơn vị này tiếp tục phải hành quân, nên gửi tôi cho đơn vị ở Dinh Độc lập, đợi Ủy ban Quân quản.
Tại đây, thấy anh em bộ đội ta mới vào Sài Gòn, kém cảnh giác quá (trong khi bọn sĩ quan Ngụy ở đây vẫn dễ dàng đến chỗ gom súng, thì anh em mải đi gom lon bia cũ – hình như để làm đèn dầu). Tôi có góp ý với người chỉ huy. Thì anh ta nói rằng:
Anh mới ra tù, mà gây rối. Và cho đuổi tôi khỏi Dinh Độc lập (Sau này Sáu Hoàng kể rằng, nếu họ để tôi chờ ở đó chỉ 1 giờ nữa thì Sáu Hoàng vào đến nơi này, là gặp ngay).
Ra đường, không một xu, quần áo mặc của người khác, râu ria tua tủa. Chưa biết tính sao, thì gặp hai cháu nữ sinh, trạc 15, 16 tuổi, đồng phục trắng, ở một phố gần Dinh Độc Lập. Hai cháu hỏi thăm tôi; tôi mới ra tù, tìm đến Ủy ban Quân quản, nhưng chưa gặp được ; nên tìm về nhà cơ sở ở Bình Thới. Hai cháu liền bảo tôi đi theo. Đến một bến chờ xe buýt gần nhất, hai cháu cùng tôi lên; lấy vé cho tôi vào chợ Bến Thành. Hết chặng, hai cháu từ biệt ; nhưng mua vé khác cho tôi về Bình Thới, và gửi một bà không quen cùng chuyến xe, dặn là khi đến Bình Thới thì nhắc tôi xuống.
Cho đến nay, tôi không biết tên hai cháu đó. Năm nay, chắc họ đã có gia đình.
Cách đối xử giữa đồng chí với nhau, mà không bằng người không hề quen biết.
*
* *
Đêm 1/5/1975 ở nhà anh chị Ba, tôi đã ghi lại ở một bản khác rồi.
Sáng 2/5/1975, bỗng cháu Nhơn, con trai lớn của anh chị Ba, thoát ly từ đợt hai Mậu Thân, dừng xe ôtô ngay cửa nhà. Vào nhà, chưa kịp hỏi thăm ba, má – cháu thấy tôi, ôm chầm lấy tôi và khóc. Thì ra các đồng chí ở T4 cũ, không ai ngờ là tôi còn sống sót trở về. Hỏi, mới biết cháu vẫn đi bảo vệ anh Sáu Dân. Trên đường cùng anh Sáu Dân vào tiếp quản Sài Gòn, cháu được anh Sáu Dân cho ghé thăm gia đình. Cháu vội đi báo ngay cho anh Sáu Dân là tôi còn sống. Lát sau anh Sáu Ngọc (Lê Thanh Vân) và anh Hai Ngọ (đều là cán bộ an ninh T4 từ thời tôi phụ trách) đến nhà anh chị Ba đón tôi về Công anh Thành phố. Vài ngày sau, tôi làm kiểm điểm với Thường vụ Thành Ủy, được công nhận Đảng liên tục. Và theo quy định của Ban Bí thư, được phân công ngay theo chức vụ cũ là Uỷ viên Thường vụ Thành ủy Sài Gòn, Trưởng ban An ninh. Và tôi đã đảm nhận ngay công việc từ những ngày đầu Sài Gòn giải phóng.
Anh Trần Quốc Hoàn vừa vào đến Sài Gòn, được tin, đã thu xếp gặp thăm tôi ngay. Và điện về Bộ là tôi còn sống; báo tin ngay cho gia đình tôi.
Nhưng do làm việc căng thẳng, sức tôi xuống nhiều. Đang ngồi ăn, mà cơm vọt ra đằng miệng. Đêm chỉ ngủ được vài tiếng.
Trong dịp Đảng ủy đặc biệt tiếp quản và Thành ủy Sài Gòn được cấu tạo lại thành một cấp ủy, hồi tháng 6-1975, tôi được về Bắc để đi chữa bệnh.
Sau 11 năm liên tục ở chiến trường miền Nam, tôi mới được nhìn lại Hà Nội.
*
* *
Và sau đó, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên,
tôi đã phải trải qua đúng 11 năm nữa, chịu đựng oan trái, và liên tục đấu tranh gian khổ trong nội bộ Đảng và Công an, để sự thật và lẽ phải được thừa nhận.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khác:
Tôi bị địch bắt ngày 23-12-1970. Quyết định của Ban Bí thư TƯ Đảng khoá VI, khôi phục sự thật và lẽ phải đối với tôi được ký đúng ngày 23-12-1988.
Sự oan trái xảy ra, chỉ do sự làm việc hồ đồ ban đầu, lại rất thiếu trách nhiệm của chính cán bộ ngành Công an, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo.
*
* *
11 năm, nếu cố tìm trong cái xấu có được cái tốt, trong cái dở có được cái hay; thì rút lại tôi đã được tôi luyện thêm một bước. Và một lần nữa, tôi đã tự khẳng định và chứng minh được: Tôi vẫn là tôi, trước sau như một.
Đọc lại Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi tâm đắc bài “
Nghe tiếng giã gạo”:
Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.
Còn đối với ngành Công an thì một bài học về xây dựng lực lượng phải nghiêm túc đặt ra là:
Tính trung thực của ngưòi cán bộ Công an, nhất là người cán bộ Bảo vệ nội bộ.
Năm nay tôi đã 76 tuổi. Nghỉ hưu đã 10 năm. Trong 10 năm đó, với lương tâm hoàn toàn thanh thản, tôi thấy rằng: Tốt hay xấu, vui hay buồn, vinh quang hay tủi nhục đều sẽ qua đi; tất cả đểu lùi vào dĩ vãng. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi đã quên những điều xấu mà người khác đã gây cho tôi; mà chỉ luôn nhớ đến những điều tốt, - dù nhỏ - mà người khác dã giúp cho mình.
Khi chép và chỉnh đốn lại những trang nhật ký cũ, tôi không hề có chút ý nghĩ oán hận người này hay ngưòi khác trong cuộc.
Tuy nhiên, nếu bản hồi ký này của tôi không phải là để đọc cho vui, thì nhiều vấn đề coi như bỏ ngỏ.
Hà Nội 10/1977 – 4/1995 - 4/1997 – 12/2002
Nguyễn Tài (Tư Trọng)
0 nhận xét:
Post a Comment