Hồi tưởng và suy nghĩ - Chương 3: Công văn buộc tội số 149 của Tiểu ban Bảo vệ Đảng

Sunday, August 21, 2011

Hồi tưởng và suy nghĩ

Nguyễn Tài

Chương 3: Công văn buộc tội số 149 của Tiểu ban Bảo vệ Đảng


Chiều ngày 12/11/1977, đồng chí Thành ở Vụ BVĐ điện thoại nói muốn gặp tôi tại nhà riêng, hoặc tại trụ sở Tiểu ban BVĐ để trao cho tôi một thư của Tiểu ban BVĐ, mà hiện còn đang đánh máy dở. Tôi hẹn sẽ đến trụ sở Bảo vệ Đảng vào sáng 13/12/1977.

Tại buổi gặp, đồng chí Thành trao cho tôi một văn bản 2 trang, mà một lát sau mới được điền thêm số 149/BVĐ; nói là số công văn của Tiểu ban từ trong Nam báo ra. Công văn này do đồng chí Phan Văn Đáng (Hai Văn) ký tên.

Theo đồng chí Thành thì phải đợi sau Hội nghị Trung ương, các đồng chí chủ chốt của Tiểu ban mới có thể làm việc với tôi được; đồng chí Hai Văn mới ký văn bản này hồi sớm hôm đó để tôi báo cáo tiếp, rồi sẽ thu xếp làm việc.

Tôi đọc sơ qua một lần để nắm được ý, xem có gì cần hỏi cho rõ để trả lời được trúng. Đồng chí Thành cho biết tùy tôi muốn viết báo cáo ở trụ sở hay mang về nhà viết đều được. Sau chúng tôi thỏa thuận, tôi sẽ viết ở nhà và đánh máy sẵn, bởi chữ tôi viết khó xem.

Bữa đó, tôi có nhận xét với đồng chí Thành:

Tuy chưa đọc kỹ, nhưng tôi thấy văn bản này nêu lên các vấn đề hoặc dẫn chứng không đúng sự thật. (Ngụ ý của tất cả các vấn đề nêu ra, đều là suy diễn; mà sau này càng ngày càng bộc lộ rõ).

Tôi nêu ví dụ - về điều nói không có sự thật - như việc nói tôi tự tập hợp hồ sơ về tôi trong thời gian tôi còn công tác ở Sài Gòn hồi tháng 5 và 6/1975. Nhân chuyện đó, tôi có kể rằng có lẽ do hiểu sai mấy việc:

  • Hồi đó, cán bộ của Bộ công tác ở phía Nam có cho tôi đọc tờ khai của một tên tình báo ra trình diện, nói về việc bọn chỉ huy đánh báo Ngụy đã có… lệnh giết tôi hồi cuối tháng 4/1975, nhưng bọn tay chân bên dưới không dám làm.
  • Năm 1976, các đồng chí gửi cho tôi 2 bản tài liệu của địch có nói đến tôi.

    • Một là bản báo cáo của Ban U Tình báo Ngụy, về việc tên Mỹ Paul hỏi cung tôi năm 1972 mà thất bại.
    • Hai là một tờ đề xuất ý kiến bằng tiếng Anh - hồi đầu 1973 - về việc nên trao trả 4 cán bộ cao cấp của ta hơn là tiếp tục giam giữ, trong đó có tên tôi.

Tôi lại dùng giấy bút viết cho đồng chí Thành đầu đề của bản đó, và lưu ý rằng từ “handling of” trong Anh ngữ có 2 nghĩa; dùng với đồ vật thì có nghĩa là “sử dụng”; còn dùng cho người, thì có nghĩa là “cách đối đãi, giải quyết, xử lý”.

Tôi cũng nói rằng, tôi đã gửi đến đồng chí Mười Hương, Thường trực Thành ủy Sài Gòn 1 bản photocopy tài liệu này - từ giữa năm 1976 - để chuyển đến cơ quan Tổ chức Đảng.

Sau đó tôi về nhà để viết báo cáo trả lời công văn 149/BVĐ.

(Đến đây, phải ghi lại ngay chuyện - mà sau khi việc của tôi đã sáng tỏ - do chính anh Thành kể:

Hôm đó, khi nghe tôi tình cờ nói tại trụ sở của cơ quan BVĐ về bản Anh văn, anh Thành “thấy như lửa đốt trong bụng”. Sau buổi làm, anh Thành đi báo cáo ngay với anh Lê Đức Thọ. Bởi vì bản tài liệu mà công văn 149/BVĐ nói là tìm thấy trong va ly một người nước ngoài đến Việt Nam, và dùng để chất vấn tôi, có nội dung đúng như tôi kể.

Anh Thọ nói với anh Thành: “Phải vào ngay Sài Gòn tìm xem có đúng hay không? Nếu vì nhầm lẫn thì hại cho người khác, nếu vì mục đích diệt nhau thì càng nguy hiểm”. Ý kiến anh Thọ lúc này, ta phải thừa nhận là khách quan và nhậy bén. Nó hoàn toàn khác với thái độ của anh Thọ mà tôi sẽ kể lại các năm sau này. Anh Thành bay ngay vào Sài Gòn, gặp Thành ủy Sài Gòn, và đã nhận để mang về cho anh Thọ tờ photocopy bản Anh văn có chữ chú thích viết tay của tôi).

(Cũng sau này tôi mới được anh Thành cho biết: Theo lệnh của anh Thọ, hồi đó Bộ Nội vụ đã phải di chuyển ra Hà Nội, một số tên tình báo Ngụy cũ - mà tôi đã hỏi cung chúng hồi giữa năm 1976 - để cho anh Thọ trực tiếp hỏi chúng về tôi. Nội dung anh Thọ hỏi đều có ghi âm. Ngoài ra, anh Thành còn tìm được tên Quận (tôi không biết tên nó, và tôi cũng không gặp hỏi cung nó hồi 1976); tên này chuyên theo dõi các cuộc Mỹ hỏi cung tôi qua máy truyền hình và ghi âm, mở băng để làm báo cáo cho bọn chỉ huy Tình báo Ngụy. Nó có trí nhớ giỏi, ghi lại cho anh Thành từng đoạn đối thoại lúc bọn Mỹ hỏi cung tôi; mà khi đưa cho con phiên dịch xem, nó nói khi dịch chỉ như cái máy, nay đọc, thấy “đúng là khẩu khí của ông Tư Trọng”.

Ngoài ra, cơ quan BVĐ cũng thu được nhiều tài liệu của địch về tôi. Chẳng hạn những tờ tôi viết, đấu tranh đòi được trao trả; những tấm ảnh bọn Tình báo Ngụy bố trí cảnh và chụp trộm tôi, để làm ra vẻ chúng đối xử tử tế với tôi; nhưng các chú thích của chúng đã giúp cơ quan BVĐ hiểu được sự thật).

Về nhà nghiên cứu kỹ công văn 149/BVĐ, thì thấy nêu lên 6 loại vấn đề - đều là suy diễn để đánh giá về con người tôi, mà tuần tự suy diễn nọ nối tiếp suy diễn kia; để cuối cùng chốt lại kết luận tôi là người của CIA.

Cụ thể là:

  1. “Nhân đây, cũng xin nói thêm để đồng chí khỏi lo ngại chúng tôi hiểu sai cái mà bọn tình báo Ngụy ghi trong phúc trình của chúng, là đồng chí chịu hợp tác có giới hạn” sau khi đồng chí chịu không nổi nên đã khai với chúng có mức độ. Và ở đây chúng tôi muốn nói thêm để đồng chí rõ là bọn CIA Mỹ chúng đã nắm được nhược điểm của đồng chí lúc mới bị bắt, lúc ấy nữ đồng chí giao liên đưa đồng chí đi dù bị địch tra tấn dã man nhưng không khai gì mà đồng chí đã nhận mình là “đại uý tình báo” trong khi địch chưa biết tí gì về đồng chí cả, và khi về Sài Gòn đồng chí không chịu nổi sự tra tấn của bọn tình báo Ngụy như nói trên nên đồng chí đã khai có mức độ với chúng”. (Chứng tỏ đã không đọc kỹ báo cáo kiểm điểm 9/11/77 của tôi. Mà muốn chụp mũ cho tôi là: Bạc nhược khai báo ngay từ phút đầu bị bắt).

  2. “Qua bản viết tự thuật của đồng chí ngày 9-11-1977 và chúng tôi cũng đã nghiên có các hồ sơ của đồng chí trong thời gian địch giam giữ mà ta đã lấy được sau ngày giải phóng Sài Gòn (các hồ sơ này, đồng chí đã tập hợp lại và có xem lúc còn ở Sài Gòn sau ngày giải phóng)” (Ngụ ý gán cho tôi trách nhiệm đã thủ tiêu hồ sơ có hại cho tôi, nên nay không đủ hồ sơ về tôi).

  3. “Và chúng tôi cũng có nghiên cứu các bản do đồng chí trực tiếp hỏi những tên tình báo Ngụy trước đây thẩm vấn đồng chí và tên nữ thông dịch cho CIA Mỹ thẩm vấn đồng chí (đồng chí ở Hà Nội vào Sài gòn hỏi bọn này hồi tháng 6-1976). Ngoài ra, trong tháng 11 và đầu tháng 12-1977, chúng tôi có tranh thủ gặp hỏi các tên nói trên cũng có phần làm rõ thêm một số vấn đề”.

    “Những biểu hiện không bình thường của bọn CIA Mỹ nói trên, chúng tôi muốn được đồng chí nói rõ thêm về việc này. Và chúng tôi liên hệ những câu hỏi của đồng chí lúc vào Sài Gòn hồi tháng 6-1976 đã trực tiếp hỏi tên Hai Lâm (tên phản bội ta đang giam) và tên Lệ Chi (nữ thông dịch cho CIA Mỹ thẩm vấn đồng chí). Qua nghiên cứu những câu hỏi của đồng chí với 2 tên này, chúng tôi thấy đồng chí cố ý tìm hiểu xem 2 tên này có hiểu biết gì về sự không bình thường của bọn CIA mà có liên quan đến mình như đã nói trên”. (Tỏ ra không đọc kỹ biên bản ghi âm để thấy kết quả các cuộc hỏi của tôi – những việc có ích cho CA ta như thế nào. Mà suy diễn và lập luận là tôi gặp chúng để bịt miệng chúng nhằm đối phó với sự kiểm tra của Đảng).

  4. “Đồng chí đã biết rõ từ khi bọn CIA Mỹ không cho bọn tình báo Ngụy thẩm vấn đồng chí, vì bọn CIA Mỹ bố trí phòng giam giữ đồng chí với những máy móc hiện đại mà bọn tình báo Ngụy cũng nói lần đầu tiên chúng mới được thấy ở Sài Gòn. Mỹ sử dụng những máy móc hiện đại này (như ghi âm, ghi hình trên ti vi, v.v…ở tại chỗ giam giữ). Với những máy móc hiện đại như vậy, với chế độ “ưu đãi” của chúng như vậy, với những tên CIA Mỹ trực tiếp thẩm vấn đồng chí và chúng đã biết rõ cấp bực, chức vụ của đồng chí mà chúng không đạt được một yêu cầu tối thiểu nào trong thời gian 3 năm đồng chí nằm trong tay bọn CIA Mỹ hay sao? (từ tháng 4-1972 đến 30-4-1975)”.

    “Trên cơ sở đánh giá âm mưu của đế quốc Mỹ và những thủ đoạn thâm độc của bọn CIA Mỹ, chúng tôi thấy qua bản tự thuật của đồng chí trong khoảng thời gian bọn CIA Mỹ thẩm vấn đồng chí còn có những vấn đề chưa rõ như đã ghi trên. Trong thời gian bọn CIA Mỹ thẩm vấn đồng chí, thời gian đầu mỗi lần chúng thẩm vấn thì có mặt tên Hai Lâm (tên cán bộ phản bội được CIA Mỹ tin cậy) và tên Lệ Chi (nữ thông dịch cho Mỹ) cũng như những tên tình báo Ngụy có mặt ở phòng ghi âm và ghi hình để theo dõi giúp chúng, nhưng sau đó thì tất cả những tên nói trên chúng không cho đến, mà chỉ dùng người Mỹ biết tiếng Việt Nam làm phiên dịch khi chúng tiếp xúc với đồng chí, và chúng cũng không ghi âm ghi hình nữa” (Ngụ ý: Có sự mờ ám trong thời gian CIA trực tiếp hỏi cung tôi).

  5. “Xung quanh vấn đề chúng tôi nêu trên để gợi ý đồng chí suy nghĩ về CIA Mỹ đánh giá về sức chịu đựng của đồng chí, và nó có liên quan đến việc CIA Mỹ có đành chịu “thất bại” mà chúng không đạt được một yêu cầu tối thiểu nào của bọn tình báo Mỹ chăng? Ý định của chúng tôi muốn biết là như vậy, vì thế đồng chí khỏi cần trình bầy tình tiết về những việc đã xẩy ra nêu trên rồi không tập trung vấn đề chính cần được trình bầy rõ.”(Ngụ ý: Coi CIA là rất ghê gớm nên - vốn bạc nhược như nói đoạn trên - ắt tôi phải bị CIA khuất phục trong thời gian chúng trực tiếp hỏi cung tôi).

  6. “Ngoài ra còn một việc quan trọng đặc biệt khác nữa mà không thể không lưu ý được. Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về việc này, vậy xin báo thật với đồng chí là ta có phát hiện được bản tài liệu mật trong chiếc va ly của một người nước ngoài trong dịp sang Việt Nam, bản tài liệu ấy có liên quan đến đồng chí mà bọn CIA Mỹ đã toan tính trong thời gian chúng giam giữ đồng chí.

    Rất mong đồng chí bình tĩnh khi được biết việc này. Đặt lợi ích của Đảng, của giai cấp lên trên sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả.

    Mong đồng chí đủ nghị lực để chiến thắng”. (Ngụ ý: Đã có tài liệu đích xác tôi bị CIA sử dụng; và kêu gọi tôi thú tội trước Đảng).

Xét một cách thực tế khách quan, thì chính là do ban đầu đã quá tin và chỉ dựa vào “bản tài liệu mật” (bị dịch sai) coi là “bằng chứng hiện thực” có trong tay nên Tiểu ban BVĐ đã khẳng định nhầm tôi là người của CIA; vậy thì “theo lô gích hình thức” đương nhiên tôi phải sẵn có “nhược điểm” trong thời gian bị địch bắt giam giữ và phải có “hành vi mờ ám” trước khi bị đình chỉ công tác. Từ đó, bằng suy diễn, Tiểu ban BVĐ đã tự đẻ ra sự “bạc nhược” của tôi, để coi là CIA đã nắm được và chúng đã tận dụng để khuất phục tôi; tự đẻ ra hành vi “chống thẩm tra” của tôi. Rồi cũng “theo lô gích hình thức”, các suy diễn (được viết ở phần đầu của công văn 149/BVĐ) tuy bắt nguồn từ “bản tài liệu mật” lại trở thành chứng minh nhằm củng cố giá trị của “bằng chứng duy nhất ấy” mà Tiểu ban BVĐ dụng ý đặt vào đoạn cuối công văn 149/BVĐ, để hùng hồn kêu gọi tôi thú tội trước Đảng.

Tóm tắt lại - qua công văn 149/BVĐ - Tiểu ban BVĐ nêu 2 vấn đề lớn:

Một là: Cho rằng trong mấy năm chúng giam giữ tôi thì CIA Mỹ ắt đã phải đạt được gì đó trong mưu đồ của chúng, và không tin rằng tôi có thể thắng được chúng.

Hai là: Dẫn chứng sự kiện phát hiện được trong va ly một người nước ngoài đến Việt Nam, một bản tài liệu mật có liên quan đến tôi; mà lời lẽ của văn bản muốn khẳng định tôi đã nhận việc của CIA, và kêu gọi tôi thú tội trước Đảng.

Đáng chú ý là văn bản đã sử dụng những căn cứ không có sự thật, nhưng lại không muốn tôi trả lời tất cả những điểm đó, mà chỉ muốn tôi nói vào “vấn đề chính” mà thôi.

Ban đầu, tôi cũng định làm theo hướng dẫn, chỉ trả lời vào vấn đề chính, gồm 2 ý:

Một là: Kẻ địch không thể và chưa bao giờ có thể mua chuộc hoặc làm cho tôi bị biến chất.

Hai là: Tôi yêu cầu cho kiểm tra giám định pháp lý sự kiện bản tài liệu mật trong va ly người nước ngoài.

Nhân tiện gặp đồng chí Mai Chí Thọ ra Hà Nội họp Trung ương, tôi tham khảo ý kiến; vì đồng chí đã ở Thành ủy lâu năm, và hiểu rõ trường hợp của tôi.

Đối với công văn 149/BVĐ, đồng chí Mai Chí Thọ cho là “lẩm cẩm”, vì nêu hàng loạt dẫn chứng sai sự thật mà lại không cho trả lời; và đồng chí nhận xét là do người có nghiệp vụ Công an viết lắt léo.

Đối với dự thảo trả lời của tôi, đồng chí nói:

“Về nội dung thì Anh chịu trách nhiệm; nhưng cần trả lời tất cả các vấn đề cụ thể, đồng thời tổng hợp lại.’’

Bởi thế nên tôi đã bổ sung dự thảo thành bản báo cáo ngày 15/12/1977 trả lời công văn 149/BVĐ nội dung gồm có:

  • Xác định thái độ tôi đối với việc Đảng thẩm tra mình, quan niệm của tôi về công tác thẩm tra;
  • Nêu những vấn đề mà cách đặt vấn đề mập mờ trong công văn 149/BVĐ;
  • Nêu những sự thật bác bỏ những suy diễn không đúng công văn 149/BVĐ. Trả lời thẳng vào mối băn khoăn của Tiểu ban BVĐ;
  • Nhắc lại đề nghị được trực tiếp trả lời có ghi âm những buổi chất vấn của Tiểu ban BVĐ, để sớm đi đến kết luận rõ ràng về trường hợp của tôi;
  • Yêu cầu cho giám định pháp lý sự kiện bản tài liệu mật trong va ly người nước ngoài.

Do công văn 149/BVĐ đã được gửi đến Ban Bí thư, các đồng chí Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn “để báo cáo”; nên báo cáo trả lời của tôi cũng cần gửi đến các nơi đó. Nhờ được các đồng chí Dư, Gia, và đồng chí đánh máy ở Văn phòng Bộ đã giúp đỡ tận tình, nên đêm 15/12/1977 tôi đã kịp gửi tay đồng chí Mai Chí Thọ một bản để chuyển đến đồng chí Lê Đức Thọ (vì 2 đồng chí này là anh em ruột); các nơi khác thì thông qua Văn phòng Đảng Đoàn Bộ Nội vụ để gửi đi; còn của Tiểu ban BVĐ thì tôi tự đến trao tay cho đồng chí Thành.

Đến đây, tuy chưa ai chính thức nêu cho tôi lý do bị đình chỉ công tác để kiểm điểm, nhưng cũng có thể hiểu ngầm rằng Tiểu ban BVĐ đã dùng những ý thể hiện trong công văn 149/BVĐ để báo cáo Bí thư.

Điều đáng quan tâm là Tiểu ban có 2 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, 2 đồng chí cấp Thứ trưởng, 1 đồng chí Vụ trưởng Bảo vệ Đảng đã có nhiều kinh nghiệm. Thế mà trong công văn 149/BVĐ thì đã sử dụng những việc không có thật để lập luận, hoặc tài liệu đáng phải nghi ngờ để buộc tội một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Bởi thế, trong báo cáo trả lời ngày 15/12/1977, tôi có nêu một câu hỏi: Đây là ý kiến riêng của đồng chí Hai Văn; hay ý kiến chung của Tiểu ban; hay đã có ý kiến Ban Bí thư?

Đảng ta đã từng có kinh nghiệm trong Cải cách ruộng đất và Chỉnh đốn Tổ chức, cũng chỉ vì dùng tài liệu hoặc lời khai vu vơ mà gây biết bao tác hại to lớn trong một thời gian dài. Không có lẽ nào, sau khi Cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn và trọn vẹn, bước và giai đoạn cách mạng mới, mà trong Đảng ta lại để tái diễn - dưới hình thức mới - những sai lầm cũ?

Không có lẽ nào trong Đảng ta - vẫn thường tự hào là trước sau như một mà bây giờ lại bắt đầu có chuyện đổi trắng thay đen một cách dễ đàng như vậy? Lương tâm đảng viên tôi vẫn yên ổn, tôi không bao giờ phải cúi mặt khi gặp các đồng chí và những người thân. Ai cũng thường tin Đảng, tin Trung ương làm việc thận trọng; nhưng rõ ràng một đồng chí ủy viên Trung ương đặt bút ký vào công văn 149/BVĐ, với nội dung mà người nghiêm khắc có thể gọi đó là sự vu cáo chính trị, vậy giải thích tình hình đó như thế nào cho đúng? Và Ban Bí thư quyết định đình chỉ công tác của tôi một cách cấp tốc, phải chăng cũng do quá tin vào báo cáo mà nội dung như công văn 149/BVĐ?

Trả lời xong công văn 149/BVĐ, tôi mừng vì đã đóng góp với Đảng để giải đáp một sự hiểu lầm, và tôi hy vọng sớm có kết luận về trường hợp của tôi.

Đồng thời tôi cũng buồn là sau Đại hội IV, Đảng ta đã 47 tuổi, mà trong Đảng còn xẩy ra loại việc như cách xử sự trên đây đối với tôi, là một cán bộ cao cấp.

Tôi càng đau khổ vì: Khi mặt đối mặt với địch, quyết hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, mà nay lại chính là Đảng của mình nghi ngờ sự trong sáng của mình! Bị xúc phạm không đúng về danh dự chính trị là sự đau khổ gấp trăm lần bị tra tấn và bị giam cầm, mà tôi đã phải chịu đựng hơn 4 năm trong xà lim của nhà tù Mỹ - Ngụy.

Tôi cũng không hiểu nổi:

  • Vì sao hôm gặp tôi 28/10/77, đồng chí Sớm không thể nêu ngay cho tôi trả lời miệng, hoặc viết trả lời 2 vấn đề đó?
  • Hoặc: Vì sao các đồng chí không nêu ngay từ lúc có chuyện rắc rối đối với tôi trong dịp chuẩn bị Đại hội Đảng IV?
  • Hay: Vì sao các đồng chí đã không nêu ngay từ 6/1975, khi tôi mới rời Sài Gòn?
  • Cứ cho rằng sự kiện gọi là “bản tài liệu mật trong va ly một người nước ngoài” xẩy ra vào một lúc nào đó sau này, thì các vấn đề khác mà các đồng chí băn khoăn đối với tôi, rõ ràng không phải đợi đến 10/1977 mới có thể xuất hiện - Mà nhất định nó đã làm cho người đề xuất việc đình chỉ công tác tôi một cách cấp tốc để thẩm tra phải bận tâm từ khi không muốn để tôi công tác ở Sài Gòn sau giải phóng. Và rất có thể đó cũng là một ý kiến gây rắc rối cho tôi trong dịp Đại hội IV của Đảng.

Nhưng nếu đúng như vậy, thì tại sao tháng 3/1976, Ban Bí thư lại quyết định giao cho tôi giữ nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ?

Nếu sự kiện “bản tài liệu mật trong va ly người nước ngoài” là lý do chính, thì cũng vô lý. Vì Đảng ta thừa kinh nghiệm để đánh giá thủ đoạn địch ly gián nội bộ ta.

Căn cứ trên các sự kiện đã xẩy ra, theo như Đảng ta thường nói: Chân lý là cụ thể; thì lập luận theo cách nào cũng đều không thấy có lẽ phải, đủ sức thuyết phục lòng người.

Còn nếu trong muôn một, mà lý do lại là như có đồng chí bạo miệng đã phán đoán, đây có những chuyện cá nhân xen vào, thì thật tình chẳng nên mất nhiều thì giờ tìm kiếm lẽ phải ở đâu làm gì.

Đến đây, thấy cũng cần ôn lại những việc đã từng xẩy đến rắc rối cho tôi trước 10/1977, vì có lẽ nó có liên quan không ít đến câu chuyện hiện nay.

Trước hết là những chuyện từ sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Sau khi ra tù, tôi viết bản kiểm điểm xong ngày 6 hay 7/5/1975; và ngày 10 hay 11/5/1975 thì làm kiểm điểm với đại diện Thành ủy và Ban An ninh Thành, gồm các đồng chí Mười Hương, Chín Lực, Thanh Vân và Tám Nam. Ngày 15/5/1975, Thường vụ Thành ủy ra Nghị quyết 627 công nhận Đảng tịch của tôi và cho tính Đảng tịch liên tục; đồng chí Mai Chí Thọ - lúc đó là Bí thư Thành ủy - trực tiếp phổ biến miệng cho tôi là căn cứ các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi được khôi phục chức vụ cũ, tham gia trở lại ngay Thường vụ Thành ủy và phụ trách An ninh. Tôi làm việc ngay. Nhưng sức khỏe xuống dần, nên cuối tháng 6/75 bệnh liên tục; một bữa chỉ ăn một muỗng cơm, có khi đang ngồi ăn mà cơm vọt ra đằng miệng. Một trưa đang nằm bệnh, đồng chí Mười Hương đến thăm, và nói kỳ này cấu tạo lại cấp ủy, nhập Đảng ủy đặc biệt (tiếp quản) với Thành ủy (cũ). Do tôi bệnh, nên được về Bắc chữa bệnh và công tác ngoài đó luôn. Đảng phân công sao cũng được, tôi lo chuẩn bị tốt cho các đồng chí ở lại, tiếp tục công việc. Ngay khi đó, nhiều đồng chí cán bộ Bộ Công an đến thăm tôi, tỏ vẻ ngạc nhiên. Vì mới đây, địa phương vừa báo cáo với anh Hoàn, xin cho tôi ở lại Sài Gòn, nay lại thôi; mà cũng chưa có ý kiến anh Hoàn. Theo ý các đồng chí đó thì có uẩn khúc gì trong vấn đề này. Chính tôi sau đó, cũng được anh Hoàn, anh Thân nói là rất ngạc nhiên về vấn đề này; nhất là anh Hoàn lúc đó cũng tham gia Trung ương Cục miền Nam, và quyết định này nhằm lúc anh Hoàn ra Hà Nội. Rất lâu về sau, một lần nói chuyện với anh Mai Chí Thọ, tôi được biết anh ấy kể là bị anh Lê Đức Thọ phê bình việc sớm phân công cho tôi hồi 5/1975.

Tháng 6/1976, khi tôi đã làm nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ (tên mới của Bộ Công an sau giải phóng miền Nam), nhân dịp vào Sài Gòn họp về công tác tin học của Ngành - sau khi đã báo cho anh Trần Quyết là Trưởng Ban Đại diện Bộ Nội vụ ở phía Nam, và anh Sáu Hoàng là một trong các Phó Ban đó - tôi đã cùng các đồng chí Thanh Vân, Phú, Ngự, Chi, đến hỏi cung mấy tên cán bộ tình báo Ngụy cũ ta đang giam - nhằm tìm tung tích một số nhân viên tình báo Ngụy mà tôi chỉ biết mặt - lúc bị biệt giam trong nhà tù Mỹ Ngụy – nhưng không biết tên; việc này trong báo cáo 15/12/1977 đã nói kỹ. Khi trở về Hà Nội, tôi nghe đồng chí Minh Tiến nói lại là: “Có ý kiến nói Anh làm việc vô nguyên tắc, không thông qua Ban đại diện Bộ”; thực tế là tôi có nói trước với anh Quyết và anh Sáu Hoàng - là hai đồng chí trong Ban Đại diện của Bộ ở miền Nam. Sau lại nghe có dư luận khác, nói tôi lén lút gặp bọn đó - thật là điều bịa đặt có dụng ý xấu.

Cũng trong dịp này, một đồng chí cán bộ của Bộ công tác ở phía Nam kể cho tôi rằng đồng chí Cục phó Cục hồ sơ của Bộ ở phía Nam nói được một đồng chí Phó ban Đại diện của Bộ ở phía Nam giao cho tìm hồ sơ của anh Tài. Ngay lúc đó, tôi cười và nói: “Tôi không có gì lo sợ, rất mong tìm đầy đủ cho được rõ ràng”. Về tới Hà Nội, tôi có báo cáo đến anh Hoàn và anh Thân sự kiện khác thường đó trong nội bộ, vì Ban Bí thư đã phân công cho tôi, thì Tổ chức việc gì còn phải làm việc đó nữa; còn nếu chuyện là do cá nhân đồng chí nào đó thì tôi không hiểu được.

Ngày 22/12/1977, nhân gặp đồng chí Thành, Bảo vệ Đảng, tôi thấy tận mắt thư kể trên của tôi viết cho anh Hoàn, anh Thân, hiện ở chỗ Bảo vệ Đảng, cùng với bản photocopy báo cáo của Ban U Tình báo Ngụy, mà tôi gửi đến 2 anh.

Nhưng đầu tháng 1/1978, tôi lại nghe đồng chí X. Thành, đã về hưu, kể là nghe nói: “Anh phản đối việc thu thập hồ sơ về Anh phải không?” Tôi cho rằng chỉ là việc này.

Vậy bây giờ có thể hiểu được vấn đề: Thư tôi báo cáo anh Hoàn, thì với công tâm, anh Hoàn phải chuyển cho Bảo vệ Đảng, vì kèm đó có bản photocopy tài liệu địch. Đồng chí Hai Văn, nay là Trưởng Tiểu ban BVĐ - trước đây là Trưởng ban Tổ chức của Trung ương cục miền Nam - tất nhiên đã đọc thư tôi; mà việc chỉ đạo một đồng chí Phó Ban Đại diện của Bộ ở phía Nam cho tìm hồ sơ về tôi, không thể không liên quan đến đồng chí Hai Văn. Nhưng tại sao lại thành ra chuyện tôi phản đối thu thập hồ sơ về tôi? Nếu không phải là người trong cơ quan Tổ chức, hay Tiểu ban BVĐ, thì không ai biết chuyện này. Vậy tại sao lại đến tai một đồng chí đã về hưu?

Cuối năm 1976, chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ IV. Tôi đi dự Hội nghị bồi dưỡng nội dung do Trung ương Đảng triệu tập; cùng tổ với đồng chí Ngô Ngọc Du. Tình cờ đồng chí Du hỏi tôi hôm nào đi Hải Hưng họp? Tôi đáp không thấy ai nói gì; thì đồng chí bảo về hỏi lại, kẻo giấy tờ thất lạc; vì chính đồng chí đã thấy có tên tôi về ứng cử Đại biểu ở Hải Hưng, là tỉnh quê tôi. Tôi có hỏi anh Hoàn, anh Thân, và hỏi Văn phòng Trung ương. Tôi được biết rằng, chỉ người nào chưa kiểm điểm về thời kỳ bị tù đầy hoặc còn vấn đề tồn tại, thì mới không được đi Đại hội. Nhưng tôi lại được anh Hoàn và anh Thân cho biết “Lúc đầu tôi có được đề cử, nhưng sau Trung ương định rằng các đồng chí mới ở tù về thì chưa đi Đại hội, nên ta cũng phải tuân theo”. Tôi không hề có ý nghĩ rằng tôi nhất định phải đi Đại hội, hoặc đi Đại hội để làm gì; cho nên tôi cũng không băn khoăn gì lắm, mà vẫn làm việc như thường, tuy trong lòng thấy tại sao lại có cái nguyên tắc kỳ lạ như vậy!

Tôi bèn viết một thư hỏi đồng chí Lê Đức Thọ, nêu những sự không sáng rõ về vấn đề. Tôi không yêu cầu gì việc đi Đại hội, mà chỉ đề nghị: “Nếu Quyết định bổ nhiệm công tác của Ban Bí thư đối với tôi có giá trị coi trường hợp của tôi là rõ ràng, thì tôi xin ra văn bản đàng hoàng, còn nếu Ban Bí thư phân công là một chuyện, còn vẫn để trường hợp của tôi rõ hay chưa rõ lại là một chuyện khác (!?), thì tôi yêu cầu cho kiểm điểm lại, tôi cũng xin mời những đồng chí hiểu rõ trường hợp của tôi dự, và cho ghi âm cuộc kiểm điểm”. Một hôm, đến Văn phòng Trung ương Đảng, tôi gặp đồng chí Lê Đức Thọ ở sân; đồng chí nói đã nhận được thư, nhưng đang bận chuẩn bị Đại hội, nên chưa trả lời được. Và đến nay, tôi cũng không hề nhận được một thư trả lời nào của đồng chí Lê Đức Thọ, hay của thư ký riêng của đồng chí. Trừ một lần anh Hoàn có nói với tôi rằng: “anh Thọ đã đọc kiểm điểm của Anh, có vài điều anh Thọ muốn hỏi thêm, nhưng đang bận”.

Ít ngày sau khi tôi được anh Hoàn và anh Thân trả lời như kể trên, thì Văn phòng Trung ương gọi cho tôi, báo là đồng chí Lê Văn Lương, Thường trực Ban Bí thư hẹn tôi đến Văn phòng để gặp. Trong cuộc gặp này, tôi nói lại những điều không sáng tỏ về việc tôi không được đi dự Đại hội; đồng chí Lương trả lời “không rõ những việc cụ thể”; nhưng “Ban Bí thư chỉ quy định người nào chưa kiểm điểm hoặc kiểm điểm chưa xong thì mới không đi Đại hội, chứ không quy định người ở tù Mỹ Ngụy thì không đi, vì như thế sẽ biết bao nhiêu người không được đi, vấn đề nhân sự Đại hội thì Trung ương giao cho anh Thọ và anh Hoàn; vậy có lẽ trường hợp của Tài là các anh muốn xem xét thêm điều gì đó thôi”. Khuyên tôi cứ tích cực công tác. Tôi không thắc mắc gì về chuyện đi hay không đi Đại hội, nhưng tôi cảm thấy có chuyện gì không sòng phẳng và không có lẽ phải; mà trong nội bộ Trung ương có lẽ không có sự thảo luận cho rõ ràng cho nên mỗi người nói một cách.



Do không đi địa phương ứng cử Đại biểu, nên tôi ở cơ quan chuẩn bị Hội nghị Công an toàn quốc năm đó. Mọi lần anh Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng - có việc gì cần gặp, thường mời tôi đến nơi làm việc của anh ấy, không hiểu vì sao một chiều, anh Hoàn đến tận phòng làm việc của tôi, hỏi tình hình chuẩn bị Hội nghị, trao đổi vài ý kiến. Xong, cứ thấy anh Hoàn nán ngồi, mà thực ra không còn việc cần bàn; lúc đó tôi có cảm giác anh ấy có gì muốn nói, mà ngập ngừng. Đến nay, ôn lại chuyện cũ, tôi nghĩ: có lẽ lúc đó anh Hoàn đã muốn đề cập chuyện bản Anh văn; nó là cái cớ trực tiếp làm cho tên tôi bị anh Thọ xóa khỏi danh sách được đề cử tham gia BCH TƯ Đảng - mà anh Hoàn là người giới thiệu.

Sau khi câu chuyện về bản Anh văn đã bị phanh phui, tôi mới hiểu vai trò của anh Lê Quốc Thân trong việc này; đối chiếu với những sự giả tạo bề ngoài qua những lần tiếp xúc, từ thời điểm này cho đến các năm sau.

Lúc đó, nhân gặp hai anh Mai Chí Thọ và Mười Hương ra họp, tôi được nghe chuyện, “chút nữa thì anh Mười Hương không được đi Đại hội, chỉ vì lúc đầu người ta không hỏi khi bị bắt anh ấy khai tên gì để tìm hồ sơ, nên báo là không có hồ sơ, sau hỏi thẳng anh Mười Hương, thì hồ sơ đã sẵn có đủ”. Tuy không nói ra, nhưng cũng có ý gián tiếp an ủi tôi, rằng tôi cũng ở trường hợp không may đó mà thôi; mà chính hai đồng chí này cũng công khai tỏ phản ứng với một số đồng chí lãnh đạo về trường hợp tôi không được đi Đại hội. Tôi thì cho rằng: Tập thể định nguyên tắc thế nào thì tùy; nhưng không tìm được hay chưa tìm được hồ sơ, đâu phải khuyết điểm hay tội lỗi của người cán bộ đó!

Nhưng đến nay, liên hệ với công văn 149/BVĐ, tôi càng thấy tại sao người ta muốn gán cho tôi trách nhiệm về việc tự tập hợp hồ sơ của tôi; hẳn là với ý muốn gán cho tôi là đã cố ý thủ tiêu hồ sơ có hại cho tôi. Riêng tôi, thì đã trả lời rằng, đó là trách nhiệm Cục Tình báo quân đội (là cơ quan tiếp quản khu vực 3 Bạch Đằng; và ta cũng lưu ý rằng Cục này không chịu cho ai vào làm việc, tìm hoặc mượn hồ sơ cả; vậy ai đã biết Cục đó đã làm gì bên trong, hoặc trong số cán bộ của Cục đó có thể tin cậy được hết hay không?).

Thêm nữa, ngay sau ngày giải phóng Sài Gòn, nhân gặp anh Hai Văn ở cuộc họp tại trụ sở tạm của Trung ương Cục, tôi đã nhắc anh ấy cho người đến tiếp nhận hồ sơ trong tàng thư của Tình báo Ngụy ở 3 Bạch Đằng.

Sau này, khi mọi việc đã sáng tỏ, anh Thành cho tôi biết ở đó có đủ hồ sơ của tôi. Thế mà người ta vẫn cố tình lập luận là chưa đủ. Mà khi anh bị coi là hồ sơ chưa đủ, thì anh bị xếp ngay vào trường hợp có vấn đề chưa rõ; bởi người ta có thể nêu ra bất cứ việc gì để yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh - mà ngay đến cả người có thiện chí nhất trong cơ quan tổ chức hay bảo vệ Đảng cũng đành chịu bó tay - huống chi anh là người bị thẩm tra, bị chất vấn.

Tuy nhiên, đó chỉ là tình hình lúc Đại hội IV. Còn công văn 149/BVĐ ngày 12/12/1977 thì đã nói rõ là Tiểu ban Bảo vệ đã nghiên cứu hồ sơ của tôi rồi. Ta cũng cần biết, nếu hồ sơ có, mà không đầy đủ, thì trách nhiệm rõ ràng là ở cơ quan quản lý nó, hoặc của người nào có dụng ý nào đó. Có điều là, trong nội bộ Đảng, nếu đúng là lúc Đại hội chưa tìm được hồ sơ của tôi, thì cứ nói thẳng ra, có hay hơn là nói loanh quanh không?

Tháng 9/1977, nhân tôi viết một bài báo ở Nội san Công an, đề cập một vấn đề lớn của Ngành, một đồng chí đến trao đổi góp thêm ý kiến. Sau chuyện đó, đồng chí này bỗng chuyển sang góp ý rằng tôi chớ chủ quan trong quan hệ nội bộ, vì đồng chí đó thấy lâu nay ở Trường Công an, cán bộ xầm xì bàn nhau rằng “ông Tài nay không còn là thần tượng chống Mỹ nữa”... Lúc đó tôi chỉ khuyên đồng chí ấy chớ nên xem quá quan trọng những loại chuyện ngoài lề đó. Nhưng bây giờ thì thấy dường như những việc ấy đều có liên quan đến những chuyện đang xẩy đến cho tôi từ cuối tháng 10/77 đến nay.

Cũng năm 1976, ngành Công an có Hội nghị tuyên đương Anh hùng. Công an TP Hồ Chí Minh đưa anh Hai Mỏ, Trưởng Công an huyện Củ Chi, được chấp nhận. Anh Hoàn về cơ quan, nói riêng với tôi đã có gợi ý trong đó đề nghị cả tôi; nhưng không thấy có ý kiến trong đó trả lời, nên đành để đó.

Cũng có đồng chí nói đến tai tôi rằng, khi tôi được giao nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thì có những đồng chí không được vừa lòng. Điều đó có liên quan đến những vấn đề nội bộ Đảng, mà tôi thấy cũng không nên nhắc đến ở đây làm gì.

Nhắc lại những chuyện này chỉ để thấy rằng, có những ý kiến không được thuận lợi - nếu không muốn gọi là không tốt đối với tôi - nhất là từ sau khi tôi ra tù, vẫn theo dõi trường hợp của tôi; và với những lý do hợp pháp trong Đảng, đã gây khó khăn cho tôi đúng lúc; mà gần đây nhất là liên quan đến việc đình chỉ công tác đối với tôi; chỉ tiếc rằng những dẫn chứng để gán cho tôi thì lại không thật, nếu không muốn gọi là bịa đặt hay vu cáo.

Sau khi gửi báo cáo trả lời công văn 149/BVĐ, tôi tưởng rằng chỉ sau đó ít ngày là tôi được chất vấn để trả lời thêm, và việc của tôi cũng mau đi đến kết luận. Và người đầu tiên nói chuyện với tôi phải là Tiểu ban BVĐ.

Nhưng tôi đã nhầm.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn hẹn gặp tôi ngày 19/12/1977. Đúng ra là tôi có ngỏ ý thăm anh Hoàn, vì nghe nói anh bệnh, phải đi điều trị lâu; và cũng muốn nói về trường hợp của tôi phải chờ lâu quá không rõ lý do.

Chiều hôm đó, sau khi nói chuyện về bệnh, thì anh Thân cũng đến. Trước mặt cả hai anh, tôi nói lại tóm tắt công việc với Tiểu ban BVĐ từ sau khi bị đình chỉ công tác, nhắc lại ý kiến đã nói với anh Quyết, và việc trả lời công văn 149/BVĐ mới đây.

Anh Thân mới đi xa về nên chỉ ngồi nghe.

Anh Hoàn nói:

- Lâu nay tôi nghỉ bệnh, bác sĩ không cho đọc tài liệu; nhưng anh em Văn phòng thấy việc của Anh (Tài) gấp nên đã đưa. Sau khi đọc thư ngày 15/12/1977 của Anh, tôi (anh Hoàn) mới hỏi và được đọc công văn 149/BVĐ.

Nhắc lại ý kiến cũ đã nói với tôi về sự tế nhị trong cương vị của anh Hoàn đối với việc này, anh nói tiếp:

- Vì chưa được đọc báo cáo 200 trang mới đây của Anh, nên tôi (anh Hoàn) không thể có ý kiến cụ thể. Nhưng tôi đã nói qua anh Thành - Vụ Bảo vệ Đảng - yêu cầu Tiểu ban nên làm việc tập thể, từ việc nghiên cứu báo cáo kiểm điểm của anh Tài, đến nội dung công văn 149/BVĐ, cũng như bản trả lời của anh Tài.
Tôi (anh Hoàn) cũng nghĩ rằng việc này phải do Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị quyết định; và Đảng ta đã có kinh nghiệm sai lầm trong Cải cách ruộng đất, và Chỉnh đốn tổ chức, nên không để mắc lại đâu. Về tập thể Đảng đoàn, thì không thể có thì giờ đi sâu vào trường hợp của Anh, nên các anh Thao, Dương Thông làm việc bên Bảo vệ Đảng thường có báo cáo về; nếu có gì cần thì Bộ sẽ góp ý.

Về nhà, tôi nhận được thư viết ngày 20/12/1977 số 350/VPAT do anh Nguyễn Duy Trinh ký tên, nói là đã nhận được thư tôi gửi Ban Bí thư, và anh Trinh trả lời có 2 ý chính:

Một là: “Trong quá trình thẩm tra thì Ban Bí thư chưa có ý kiến gì, khi đã có báo cáo thẩm tra thì mới nghiên cứu và có kết luận”.

Hai là: “Đồng ý với đề nghị của anh cho ghi âm cuộc thẩm tra.”

Sự trả lời của đồng chí Thường trực Ban Bí thư rõ ràng là vừa mau chóng, vừa nghiêm túc. Nhưng qua đây, tôi cũng thấy phải nêu lên vài nhận xét: Nếu như thư 350/VPAT với quan điểm rất đúng đắn; thì thư 331/VPAT nói “tinh thần Ban Bí thư định thay đổi công tác của tôi, trước khi cuộc thẩm tra kết thúc”, thì tôi cho rằng quan điểm trong thư 331/VPAT không hợp lẽ. Và có thể hiểu rằng thư 350/VPAT chưa thừa nhận những ý trong công văn 149/BVĐ là chính thức; vậy thì không rõ Tiểu ban BVĐ đã báo cáo lên Ban Bí thư như thế nào để đi đến đình chỉ công tác của tôi, đến nỗi gây thành dư luận không hay trong nội bộ cũng như ngoài xã hội? Phải chăng, có thể nói rằng khi đó Ban Bí thư đã quá tin ở lời báo cáo một chiều, và nay Ban Bí thư mới bắt đầu thấy một phần sự thật qua báo cáo trả lời ngày 15/12/77 của tôi?

Sáng 2 1/12/1977, đồng chí Thành ở Vụ Bảo vệ Đảng mời tôi đến.

Đồng chí nói lại ý đồng chí Hai Văn là “còn bận họp Quốc hội nên chưa gặp được anh Tài”, vả lại, do báo cáo ngày 15/12/77 của tôi, nên các đồng chí còn phải đi xác minh thêm; do đó cũng cần có thêm thời gian, vậy tôi hãy chờ.

Đồng chí cũng có phần muốn thanh minh về phương pháp công tác; “đã từng tìm ra những việc để minh oan, chứ không phải chỉ muốn buộc tội người”. “Công việc rất bề bộn, việc của Anh (Tài) trước đây đã có đề nghị làm trước Đại hội, nhưng mãi đến tháng 7/1977 mới bàn và có quyết định. Thực ra trong Tiểu ban có 5 người, nhưng chỉ có đồng chí Hai Văn và tôi (Thành) đọc hết các báo cáo của Anh, còn các đồng chí khác chưa đọc hết. Chúng tôi cũng mới nhận được ý kiến chỉ đạo của anh Hoàn là phải nghiên cứu tập thể”. Sau đó cũng nói chuyện thêm những điều lặt vặt khác.

Theo đồng chí Thành:

- Anh cũng chủ quan; mình cho việc của mình là rõ, nhưng người khác thì lại có thể cho là chưa rõ. Chẳng hạn như việc Anh bị biệt giam, cũng có người cho là không thể nào xác minh được; hoặc có người cho rằng Anh có thể chịu đựng và giữ vững được tinh thần được năm đầu, nhưng biết đâu sau đó lại chẳng khai; hoặc nếu Anh có khai cơ sở thì địch nó cũng không cần bắt, để nó giữ bí mật mà mua chuộc Anh.

Qua câu chuyện, đồng chí Thành cho biết “bây giờ còn phải đi gặp chị giao thông và anh Bẩy Sết - là 2 người cùng bị bắt với tôi - để hỏi lại; hoặc phải gặp Thành ủy và có khi phải gặp các cơ sở để hỏi, cho nên cũng lâu”. Tôi rất ngạc nhiên là đã 2 năm rưỡi, Đảng muốn thẩm tra tôi, và các đồng chí đã có làm ít nhiều từ 1976, thế mà những việc tối thiểu cơ bản đó thì lại chưa được làm.

Tôi cũng bác bỏ ý kiến cho rằng không thể xác minh trường hợp của tôi. Dẫn chứng là sau năm 1973, tôi có nhiều thư phản đối địch không trao trả tôi, mà những thằng gác là người chuyển giao. Đồng chí hỏi, ghi để xác minh; như vậy tôi không hiểu cơ quan Bảo vệ Đảng đã gặp ai, và làm gì trước đây.

Tôi cũng nói đến việc lời khai của bọn Ngụy thì phải đánh giá thận trọng. Đồng chí nói “chúng tôi đã hỏi nhiều tên, có cán bộ của Bộ Nội vụ tham gia; bảo chúng nó phải lập công chuộc tội, nhưng cũng không thu thập được bao nhiêu”.

Tôi kể đến những dư luận lung tung bên ngoài, mà có lẽ do sự lộ bí mật của cơ quan Bảo vệ Đảng. Đồng chí nhận xét “nhiều khi họ nghe loáng thoáng rồi thêm vào”.

Tôi hứa sẽ gửi cho đồng chí mượn một số vật kỷ niệm của tôi ở tù để các đồng chí nghiên cứu; như tập thơ, và bộ xếp hình bằng giấy rời (hôm sau, tôi đã gửi các thứ đó đến Tiểu ban).

Trong khi nói chuyện, đồng chí Thành có nói một ý mà tôi không tranh cãi; đó là ý “có khi việc của Anh cũng chỉ có thể rõ đến mức nào đó, rồi phải tạm kết luận, chứ không làm hơn được”. Tôi thì không đồng tình với quan điểm thiếu triệt để đó, nhất là ở chỗ không thấy sự thuận lợi hiện nay để thẩm tra nội bộ, sau khi ta đã thắng lợi trọn vẹn.

Thêm nữa, tôi cũng không thể đồng ý với cách làm việc là: Người ta đang bình thường, nhưng do sự suy luận chủ quan của cơ quan Bảo vệ Đảng, hoặc do định kiến của một người nào đó có trách nhiệm và có quyền, thì đặt ra nghi vấn này nọ không có căn cứ, thậm chí dùng cả những điều bịa đặt làm căn cứ. Đến khi người ta bác bỏ thật có lý, thì do sự thiếu mẫn cán, hoặc do phương pháp công tác không tốt, hoặc thậm chí xen kẽ cả tự ái cá nhân, hoặc để bảo vệ sĩ diện với cấp trên mà mình đã chót báo cáo không đúng, cho nên dùng giải pháp nửa vời như vậy; có hại cho sinh mệnh chính trị của ai thì mặc, còn mình thì không sao cả về mọi phương diện. Nếu trong Đảng để tồn tại quan điểm và cách làm như vậy, thì khác gì người ta trắng và mọi người đều nói là trắng, duy chỉ có mình thì bảo là đen; đến khi người ta chứng minh rõ là trắng, thì dùng quyền của mình mà nói rằng: “Vì tôi đã nói anh đen, thì anh không sao trở lại trắng được” nữa. Tôi cho rằng, nếu để tồn tại quan điểm và cách làm việc như vậy trong Đảng thì rất nguy hiểm, vì nó sẽ khuyến khích sự vô trách nhiệm, sự lộng quyền, và nhất định sẽ dẫn đến những sự “ngậm máu phun người”, không thể xứng đáng với người cộng sản được.

Như vậy là tôi lại phải đợi.

Ngày 23/12/1977, tôi có nói chuyện trong gia đình, nhân ngày mà trước đây 7 năm tôi đã bị địch bắt; đề cập một số tình tiết mà công văn 149/BVĐ đã nói không đúng sự thật; hoặc có người đang xuyên tạc, hoặc có người nghiên cứu không kỹ nên có nhận xét hồ đồ.

Ngày 26/12/1977, tôi nhờ Bộ Nội vụ làm photocopy bản Nghị quyết 627 ngày 15/5/1975 của Thường vụ Thành ủy Sài Gòn về Đảng tịch của tôi, và thư 350/VPAT đồng ý cho ghi âm cuộc thẩm tra; sau đó gửi cả đến Tiểu ban Bảo vệ Đảng.

Cùng ngày, tôi gửi qua đồng chí Thanh Vân một thư đến Thường vụ Thành ủy Sài Gòn, Sở Công an Sài Gòn, yêu cầu phát biểu về tình hình cơ sở trong thời gian tôi bị tù, để giúp cho công tác thẩm tra của Đảng.

Đợi 20 ngày không thấy được làm việc, tôi gửi tiếp ngày 5/1/78 một bản phát biểu ý kiến đóng góp vào việc thẩm tra chỗ gọi là chưa rõ trong trường hợp của tôi. Tôi khẳng định việc của tôi nhất định có thể làm rõ và làm một cách nhanh chóng được. Ngoài ra, tôi cũng nhắc lại yêu cầu cho kiểm tra phương pháp công tác đã dẫn đến sự kiện gọi là “bản tài liệu mật trong va ly một người nước ngoài đến Việt Nam”, và việc giám định pháp lý sự kiện đó.

Các đồng chí thỉnh thoảng vẫn có người đến thăm. Hoặc để được giải đáp sự thắc mắc của các đồng chí đó, không tin những sự đồn đại về trường hợp của tôi. Nhưng cũng có người đến, mà có vẻ như nếu không đến thì không tiện, nên cũng phải đến cho có, vậy thôi.

Có chuyện buồn cười là có hai đồng chí trước công tác ở Hà Nội, nhân 1/1/1978 đến chơi, lại chúc mừng tôi sắp nhận việc trở lại. Tôi đáp là làm gì có chuyện lạ đời như vậy.

Hầu hết các đồng chí có lòng tốt đều khuyên tôi cố gắng kiên nhẫn chịu đựng, tìm cách dùng thì giờ sao cho có ích; cũng có đồng chí biết tính tôi, nên khuyên tránh nổi nóng viết lách đốp chát quá, có khi đụng vào tự ái cá nhân, việc dễ cũng thành khó. Nói thật tình, tôi rất cảm động về những chi tiết đó, mà các đồng chí tỏ ra hiểu tôi, và lo lắng cho tôi, để đi tới mau chóng giải quyết được vấn đề.

Ngày 27/12/1977, đồng chí Hùng đến thăm, hỏi tình hình tiến triển ra sao, tôi kể lại. Đồng chí khuyên tôi kiên nhẫn, vì có người chỉ chuyện trai gái mà 3 năm mới nhận được quyết nghị; huống chi đây lại là vấn đề chính trị. Theo đồng chí, thì “ai chẳng thấy câu chuyện bản tài liệu trong chiếc va ly là vô lý, nhưng vẫn có thể có người cho là có lý, và tranh luận thì rồi cũng chẳng lý nào thắng được lý nào, rút cục ai là ngươi dám có gan để khẳng định là anh hoàn toàn không có chuyện gì cả, vì lỡ ra có chuyện gì sau này, thì họ chịu trách nhiệm”. Cho nên tốt hơn hết là: “Không buộc tội được Anh, nhưng người ta sẽ vận dụng chính sách này nọ, và giao cho Anh một công tác khác cho đến hết đời, để cho mọi người đều có thể yên tâm”.

Đồng chí hỏi, sao tôi không yêu cầu được chất vấn và trả lời trực tiếp cho nhanh? Tôi đáp, đã nói nhiều rồi, mà chưa được. Suy nghĩ về điều mà đồng chí Hùng nói, tôi tự hỏi: Từ bao giờ trong Đảng ta nẩy sinh và dung dưỡng loại tư tưởng thất bại chủ nghĩa, thiếu triệt để nghiêm túc đối và chân lý như vậy? Nếu Đảng còn sử dụng và tin cậy loại người như vậy, thì nhất định sẽ hỏng việc, không trách nào quần chúng ca thán rất nhiều về những hiện tượng tiêu cực, mà hầu như không có chuyển biến gì đáng kể.

Trong thời gian này, dư luận có nhiều trường hợp đã hướng vào chỗ tôi có vấn đề chính trị, và khá rộng; không hiểu vì sao lại phù hợp với nội dung cách đặt vấn đề của công văn 149/BVĐ? Ngành Văn nghệ, sát ngày Đại hội Đảng bộ, thì cũng có anh chị em văn nghệ sĩ đến hỏi em gái tôi về chuyện của tôi, mà họ nghe là có kẻ xấu muốn dựng chuyện để gây khó khăn cho em gái tôi. Đáng chú ý là có một số trường hợp có xuất xứ rõ ràng. Đó là cơ quan Tuyên huấn trung ương, không hiểu sao lại thông báo cho một số cán bộ rằng “Tài là CIA”; và một đồng chí Phó ban Tổ chức trung ương nói với người khác rằng: “Đảng bảo kiểm điểm thế thôi, chứ đã có tài liệu rõ rồi, có một danh sách người làm cho CIA, trong đó có tên Tài”. Tôi đã từng bỏ ngoài tai những dư luận không có xuất xứ rõ, bởi vì đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Thường trực Ban Bí thư đã trả lời tôi rằng Ban Bí thư chưa có kết luận; nhưng đối với các trường hợp này, tôi không thể bỏ ngoài tai được.

Vì thế, ngày 11/1/1978, tôi gửi một thư lên Ban Bí thư, báo cáo về những sự loan truyền tin không đúng sự thật, ngược lại ý kiến Ban Bí thư, và có tính chất vu cáo chính trị như thế. Tôi yêu cầu Ban Bí thư có thái độ đối với các cán bộ Đảng có hành động như vậy; đồng thời đề nghị Ban Bí thư thúc dục Tiểu ban BVĐ làm việc trực tiếp với tôi để cho công việc có thể kết thúc sớm.

Ngày 15/1/1978, đồng chí Trung Việt, trước đây cùng công tác ở Hà Nội, nay làm công tác Kiểm tra, đến thăm. Cũng chỉ vì đồng chí nghe dư luận này nọ, nhưng không tin, nên tìm gặp trực tiếp cho được thực sự cầu thị. Đồng chí nói:

- Tôi cũng nghe nói có chuyện đoàn nước ngoài nhờ chuyển thư; và mới đây do có việc bắt cóc máy bay, nên lại có dư luận ông Tài bảo lãnh cho một thằng Ngụy, và chính nó cướp máy bay đi.

Đồng chí kể rằng:

Những người đã biết “bài bản” thì thông thường đình chỉ công tác là Đảng nắm chắc trong tay tài liệu đến 9/10 rồi; chỉ làm động tác theo thủ tục, để tiếp theo là kỷ luật Đảng thi hành; cho nên khi nghe chuyện giật gân này, thì người ta chờ đón một vụ kỷ luật quan trọng. Nhưng đợi mãi vẫn thấy im lặng, lại nghe những chuyện không đâu vào đâu, nên có người cho là “tịt ngòi”, và nhiều người chuyển sang bàn tán rằng đây là chuyện nội bộ có gì với nhau đây. (Dĩ nhiên loại dư luận đó chẳng tốt gì cho Đảng cả).

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Vì Tiểu ban BVĐ vẫn chưa làm việc với tôi. Cho nên, cùng ngày 11/1/1978, tôi gửi tiếp đến Tiểu ban BVĐ thêm một vài chi tiết về những tài liệu có liên quan đến tôi, mà tôi đã gửi đến Đảng, trong đó nhắc đến báo cáo của Ban U Tình báo Ngụy, bản tiếng Anh nói về việc trao trả 4 cán bộ ta, báo cáo của cán bộ An ninh Sài Gòn về việc giao dịch bí mật với CIA Mỹ nhằm trao đổi một số tù binh đặc biệt trước Hiệp nghị Paris, một số hiện vật kỷ niệm của tôi trong nhà tù.

Đồng thời tôi cũng nhấn mạnh đến việc kiểm tra phương pháp công tác mà đã dẫn đến sự kiện “bản tài liệu mật trong va ly một người nước ngoài”, và việc giám định pháp lý. Tôi gợi lên ý kiến về kiểm tra phương pháp công tác, và nói rõ rằng, nếu cần thì tôi có thể phát biểu ý kiến cụ thể về cách làm việc đó. Tôi kiên quyết đòi hỏi giám định pháp lý một sự kiện có quan hệ đến công tác Nhà nước, bởi vì đó là biểu hiện tôn trọng pháp chế xã hội chủ nghĩa, tôn trọng chân lý; và nhất là bởi vì trong Tiểu ban BVĐ có một Thứ trưởng Công an, và người ký công văn 149/BVĐ không những là một ủy viên Trung ương Đảng, mà chính đồng chí đó lại là Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội hiện thời. Tôi nghĩ rằng: Nếu người ta kiếm cớ để không làm các việc đó, hoặc làm không đúng thủ tục, thì bản thân sự kiện được viết trên giấy trắng mực đen, có ký tên chức vụ hẳn hoi, không lẽ lại là một sự vu cáo chính trị trắng trợn đến mức như vậy trong Đảng Cộng sản Việt Nam ta? trong chế độ xã hội chủ nghĩa của ta? Và như vậy, thì thái độ của Trung ương Đảng sẽ ra sao?

Tuy chuyện chưa kết thúc, nhưng hôm nay, gần tròn 3 tháng tôi phải nghỉ việc, cũng có thể tạm sơ kết.

Tôi bị đình chỉ công tác một cách bất ngờ, cấp tốc, với những biện pháp không bình thường từ 28/10/1977.

Sau đó, tôi chỉ được yêu cầu viết lại bản kiểm điểm. Việc đó đã làm xong ngày 9/1l/1977. Theo “bài bản” thông thường, như có người nói, thì đó là đặc ân của Đảng để cho tôi tự giác một lần nữa.

Nhưng kế đó, tôi đã phải đợi trên một tháng, để ngày 12/12/1977 mới nhận được công văn 149/BVĐ nêu 2 vấn đề chất vấn, mà một thì dựa trên căn cứ không đúng sự thật, một thì ai cũng thấy là không đáng tin cậy chút nào. Tôi đã trả lời sau 3 ngày.

Tiếp đó, tôi lại phải đợi trên một tháng nữa, mà chưa được chất vấn gì. Nếu đúng như đồng chí Thành nói, thì các đồng chí còn đi xác minh, trong đó có cả những việc mà lẽ ra không phải đợi đến bây giờ mới làm. Cũng trong khi đó, thì loan ra những dư luận có tính chất vu cáo chính trị như nói trên.

Có người nói rằng do Ban Bí thư còn bận, nên chưa giải quyết. Vậy hãy chờ xem.

Nhưng có hai vấn đề vẫn có thể nêu ra để suy nghĩ, và có thể rút kinh nghiệm sớm. Đó là vì lý do gì mà đình chỉ công tác của tôi, và ý nghĩa của việc đình chỉ đó, đối chiếu với cung cách làm việc để thẩm tra trường hợp của tôi.

Khách quan mà nói, thì nếu không phải là Đảng, thì cũng là một số đồng chí muốn thẩm tra trường hợp của tôi ngay từ khi không chịu để cho tôi công tác ở Sài Gòn hồi 6/1975; và rõ ràng là từ 1976 đã tiến hành những việc thu thập tài liệu về tôi, và như đồng chí Thành nói, thì ngay trước Đại hội IV, đồng chí đó đã đề nghị làm cho xong việc của tôi. Vậy đâu có phải đợi cho tôi viết xong báo cáo 9/11/1977, hoặc sau khi đã trả lời công văn 149/BVĐ ngày 15/12/1977, thì mới đi thẩm tra xác minh một cách tràn lan và bị động như vậy.

Bởi vì Quyết định đình chỉ công tác của Ban Bí thư đã ghi rõ là “căn cứ vào báo cáo và đề nghị của Tiểu ban Bảo vệ Đảng trung ương”, xét tôi có một số vấn đề chưa rõ... Vậy vấn đề gọi là chưa rõ đã được xác định rồi. Cho nên đợi tôi trả lời ngày 15/12/1977 mới đi hỏi Thành ủy về tình hình cơ sở, hoặc gặp chị giao thông để đối chiếu báo cáo thì là một việc làm không nhằm hướng trọng tâm là vấn đề chưa rõ, đã được dùng làm căn cứ để đề nghị đình chỉ công tác của tôi. Như vậy, có thể hỏi: Kết quả của sự thu thập tài liệu một cách mẫn cán và có trách nhiệm, có phương pháp của các người có trách nhiệm trong hai năm qua là ra sao?

Bây giờ tôi vẫn yêu cầu các đồng chí, nếu có tài liệu gì làm căn cứ mà chưa đưa ra, thì xin đưa ra nốt để tôi trả lời. Cũng cần nói rằng, nếu có mà các đồng chí chưa đưa ra, thì kể cũng là “hơi lâu quá”; nhưng có cũng còn hơn không. Tuy nhiên, nếu đó lại là lời cung của bọn Ngụy, thì tôi xin được phép nghi ngờ, và cần yêu cầu Đảng cho kiểm tra xem lời khai đó là trước hay sau 12/10/77 - là ngày mà Ban Bí thư ký Quyết định đình chỉ công tác của tôi. Bởi vì, dù là trong Đảng hay trong Nhà nước, thì yếu tố thời gian này vô cùng quan trọng. Căn cứ làm lý do để đề nghị đình chỉ công tác của tôi mà lại được “sinh sôi, nẩy nở” như vậy thì là một điều kỳ lạ, ngoài sức tưởng tượng của những người chỉ có thể chấp nhận sự thật và lẽ phải. Thêm nữa, cũng cần lưu ý đến cách động viên “lập công chuộc tội” mà cán bộ ta dùng để nói với bọn Ngụy khi hỏi chúng để thu thập tin tức về tôi, bởi vì Đảng ta đã có khá nhiều kinh nghiệm về vấn đề này rồi.

Nói chung, thì lý do đình chỉ công tác và các biện pháp đã áp dụng, thì có vẻ “nước sôi, lửa bỏng” như vậy, nhưng khi làm việc thì lại “đủng đỉnh” như thế; nhất là nội dung thì lại không có gì chứng minh sự cần thiết phải “nước sôi, lửa bỏng” như vậy. Thế thì, ý nghĩa của việc đình chỉ công tác là thế nào, rất khó có thể ai tự giải thích cho thông suốt được. Có người bảo rằng, vì tôi giữ cương vị quan trọng trong Công an, cho nên ngồi đó sẽ khó thẩm tra; nếu chỉ vì lý do đó, thì Đảng không thiếu gì cách làm khác tốt hơn, mà vẫn đạt kết quả tương đương, việc gì phải làm một việc giật gân như vậy, mà rõ ràng đã mang lại dư luận không hay cho Đảng; còn làm hại uy tín cá nhân tôi thì đã quá rõ.

Nhưng không thể quên thư 331/VPAT nói rằng, theo tinh thần Ban Bí thư, thì tôi sẽ được giao công tác mới sau khi thẩm tra. Với nội dung vu vơ và bịa đặt như vậy, hay còn gì khác, mà Ban Bí thư đã có chủ trương sớm thế? Vậy tại sao việc thẩm tra không tiếp tục theo kiểu “nước sôi, lửa bỏng” cho phù hợp với tinh thần đó của Ban Bí thư? Tại sao Tiểu ban BVĐ không đưa được sớm và có gì hơn công văn 149/BVĐ?

Tóm lại, chỉ xung quanh vấn đề lý do gì, và ý nghĩa gì mà đột ngột đình chỉ công tác một Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cần phải để cho các đồng chí đã tham gia quyết định, với tinh thần quang minh chính đại, chí công vô tư, trả lời thì mới rõ được. Và việc đó, nếu không thể làm ngay, thì xin nhường lại cho những đồng chí nghiên cứu lịch sử Đảng, và lịch sử chung, sau này tìm lại trong tàng thư lưu trữ các văn kiện của Đảng và Nhà nước sẽ kết luận, sau khi đối chiếu với những chuyện tôi kể theo sự thật đã xẩy ra vào khoảng thời gian này, cùng với các bản lưu văn bản qua lại trong dịp này về trường hợp của tôi.

Bởi vì, theo tôi: Mọi người đều sẽ chết. Khi đó sẽ không có ông to, ông nhỏ. Khi đó sẽ không ai có quyền “cả vú lấp miệng em”. Khi đó cũng sẽ không có lộng quyền, không có lợi dụng cương vị để vu cáo chính trị. Mọi người đã chết đều sẽ bình đẳng trước sự thật, trước lịch sử, và thời gian, cũng như trước dư luận công chúng hết sức công bằng và nghiêm khắc. Bất chính chẳng bao giờ bền, bóng mây chẳng bao giờ che nổi mặt trời.

Chân lý và chính nghĩa nhất định thắng.

(Hôm nay -1955 [1] - chép đúng nguyên văn nhật ký của tôi ghi trong thời gian đó, tôi cảm thấy cần giữ lại chính bản gốc, để không ai hiểu nhầm rằng đó là những ý nghĩ của ngày hôm nay, sau khi vụ án chính trị của tôi đã kết thúc, với kết luận cuối cùng của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI, mà ta sẽ đọc nguyên văn ở những trang cuối của bản viết này. Đó là những ý nghĩ của tôi, thông qua việc xẩy ra cho bản thân, suy nghĩ về những vấn đề chung của Đảng, Nhà nước, và xã hội. Đến nay, tôi vẫn giữ nguyên những ý nghĩ đó để xét việc đời).



[1]Đúng bản gốc, có thể là 1995 và là lỗi đánh máy chưa sửa (BT).




Nguồn: Tài liệu chưa xuất bản, lưu hành dưới dạng samizdat. Bản điện tử do talawas thực hiện

0 nhận xét:

Post a Comment