Chương 5: Tiểu ban BVĐ lúng túng và chất vấn loanh quanh
Sau Tết âm lịch, đến ngày hẹn, tôi nhờ liên lạc với cơ quan Bảo vệ Đảng. Thì được hẹn sẽ làm vào ngày 21/2/1978. Theo như đã được anh Nguyễn Duy Trinh đồng ý, tôi nhờ cơ quan Bộ Nội vụ đưa máy ghi âm đến trụ sở Bảo vệ Đảng, để ghi âm các buổi làm việc.
Sáng 21/2/1978, đến trụ sở Bảo vệ Đảng - ở khu vực Ban Tổ chức trung ương Đảng - chỉ thấy có một mình anh Thành, và người Vụ phó là anh Tấn. Anh Thành giải thích:
- Anh Hai Văn, anh Hai Sớm còn bệnh ở Sài Gòn; còn ở Hà Nội thì anh Phạm Ngọc Mậu nói công việc thẩm tra bên quân đội là đã nhiều rồi nên xin vắng; anh Hoàng Thao thì cũng bận.
Anh Thành nói:
- Tôi đã báo cáo nội dung làm việc và được thư ký anh Lê Đức Thọ trả lời ý anh Thọ là cứ một mình tôi (anh Thành) làm việc cũng được.
Hôm trước tôi đã có thư yêu cầu giải quyết thủ tục làm việc có ghi âm. Nên anh Thành cũng nói trước vào máy những ý như:
ngày nào, ở đâu, thành phần làm, giờ làm,…
Vào việc trước tiên anh Thành nói về phương pháp làm việc:
- Gợi ý, nêu vấn đề để suy nghĩ, trả lời nói hoặc viết. Tiểu ban BVĐ có thể hỏi thêm cho rõ. Mục đích góp phần làm rõ các vấn đề chưa rõ mà anh Thọ và Tiểu ban đã nêu ra. Xác định tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nghiêm túc, khách quan, bình tĩnh, lắng nghe, tìm hiểu,... chứng minh vấn đề, làm rõ sự thật - giúp cho Tiểu ban và cấp trên rõ.
Tiếp đó anh Thành cho biết vắn tắt sự làm việc của tập thể Tiểu ban về trường hợp của tôi:
- 18/10/1977, Tiểu ban họp thảo luận trường hợp của Anh (tôi, Tài).
- 21/12/1977 đã gặp lại Anh để thông báo.
- 11/1/1978 anh Hai Văn, Hai Sớm và tôi (anh Thành) làm việc với anh Thọ xin ý kiến tiếp tục.
- 21/1/1978 anh Thọ nghe báo cáo. Gặp anh Năm Xuân, anh ấy nói “có nhận được thư của anh Tài gửi Thành ủy và hứa sẽ có báo cáo lại Tiểu ban”.
- 31/1/1978 báo cáo anh Thọ cho ý kiến tiếp tục; các thư của anh gửi Ban Bí thư, Tiểu ban BVĐ, anh Thọ đã xem, và nhắc việc làm tiếp “yêu cầu Thành ủy báo cáo tình hình cơ sở sau khi Tài bị bắt”. Anh Thọ sẽ trực tiếp gặp mấy tên tình báo để hỏi, gặp anh Tài nêu vấn đề. Sau ba việc đó sẽ báo cáo lại Tiểu ban và anh Thọ - anh Thọ sẽ cùng Tiểu ban gặp anh Tài gợi ý lần chót và kết thúc.
- 1/2/1978 báo cáo cho anh Hai Văn, Hai Sớm. 1/2/78 cũng gặp anh Mười Hương và được Thành ủy cho biết “đang giao cho anh Sáu Ngọc chuẩn bị”.
- 4/2/1978 điện thoại mời thì anh Mậu thoái thác.
- 16/2/78 làm với anh Thao cũng thoái thác.
Ngoài ra, anh Thành cho biết:
- Đã gặp anh Bẩy Sết và chị Năm giao thông. Riêng chị Năm, thì anh Hai Văn và anh Hai Sớm cũng đã gặp.
Đáng chú ý là không thông báo cho tôi biết công việc mà Tiểu ban đã làm việc về trường hợp tôi từ sau ngày 28/10/1977 đến 18/12/1977. Đây chỉ nói sau khi có công văn 149/BVĐ ngày 12/12/1977, và báo cáo trả lời của tôi ngày 15/12/1977.
Về chị Năm giao thông, thì anh Thành cho biết:
- Chị ấy báo cáo không nhận là giao thông, nhưng tôi (anh Thành) tìm hồ sơ thì trong đó chị ấy khai là giao thông. Hiện chị ấy đang làm việc ở Phòng Bưu điện quận V Sài Gòn. Chị ấy cũng không chịu nhận đã có sự thông cung bữa lãnh đồ ở trại Cải huấn Bến Tre, trước khi đi Cần Thơ.
Bắt đầu đi vào nội dung các vấn đề mà Tiểu ban nêu ra, để chất vấn. Theo dự định của Tiểu ban, thì hôm đầu, 2/12/1978, đề tài trả lời
các vấn đề về Ngụy, rồi hôm sau sẽ làm về Mỹ. Giữa, để ngày nghỉ cho Tiểu ban nghe lại báo cáo làm việc; còn tôi thì có thể viết lại thành báo cáo chuyên đề.
Nêu lên gọi là ba vấn đề, nhưng thực ra là bên trong có hàng lô những vấn đề nhỏ.
So với công văn 149/BVĐ ngày 12/12/1977 nêu 2 vấn đề, thì 3 vấn đề này khác hẳn. Đó là điểm đầu tiên cần chú ý, không hiểu khi đề nghị lên Ban Bí thư đình chỉ công tác của tôi thì có văn bản hay không, và nêu những vấn đề gì? Mà các vấn đề thẩm tra lại xoay chuyển như vậy.
Đầu tiên, tôi yêu cầu:
- Xin được cho biết kết quả kiểm tra giám định pháp lý sự kiện “bản tài liệu mật trong va ly người nước ngoài” mà nói tôi “liên quan”.
Anh Thành trả lời:
- Để khi gặp cả Tiểu ban và anh Thọ thì sẽ trả lời. Thật đáng ngạc nhiên về sự trả lời này, vì tôi đã yêu cầu việc trả lời đó trong các văn bản của tôi ngày 15/12/1977 và 11/1/1978.
Sau đó tôi giải đáp vào vấn đề:
Suy nghĩ như thế nào mà nhận là đại úy tình báo mới ở Bắc vào; ngụ ý của Tiểu ban là tôi dao động, mong được trao trả sau này, và có lẽ nhận thế là để chuẩn bị cho việc nhận tên thật sau đó; do nhận như vậy mà lộ tung tích thật
. (Việc này trong báo cáo 9/11/77 tôi đã viết rõ. Không biết các đồng chí có đọc hay không, mà cứ suy diễn theo ý riêng nhằm buộc tội tôi như thế?)
Rồi tôi trả lời vào việc ngắn hơn là:
Tại sao hồi 1976, tôi vào Sài Gòn gặp mấy tên Ngụy cũ ta đang giam; nay đã xác định tôi làm việc đó có bàn trước với anh Quyết, và kết quả đã được ghi thành biên bản. Nhưng lại suy diễn và lập luận cho là tôi hợp thức hóa khéo việc làm mờ ám của tôi mà thôi; vì thằng Hai Lâm nó nói với anh Thọ rằng
“cảm giác” của nó là tôi muốn
“khống chế” nó.
Hỏi: „Tại sao anh làm việc đó thêm rối vấn đề ra?“
Cuối cùng nói vào địch hỏi cung và
tôi khai ra sao?
Tôi đã phải nhiều lần nói:
- Tôi không đồng ý cách đồng nhất
“trả lời hỏi cung” với
“khai”. Và đã giải thích tại sao tôi trả lời thế này hay thế khác, nhằm che giấu cho những điều bí mật quan trọng.
Vào giữa buổi chiều, sau khi nghỉ một chút, anh Thành cho tôi xem tờ giấy có dán tấm hình của tôi có mấy dòng chữ của tôi xác nhận tên và cấp quân hàm giả mạo, đại tá.
(Có lẽ để tỏ cho tôi biết là Tiểu ban BVĐ cố đủ hồ sơ tôi trong tay).
Nhưng điều này lại càng làm cho tôi thấy những sự không chính đáng của việc hồi đầu 11/77 đánh tiếng cho tôi là không có hồ sơ, trong lúc tôi viết lại báo cáo. Phải chăng, định để tôi thấy thế mà báo cáo sai với Đảng chăng? Và công văn 149/BVĐ - tại sao lại nói tôi đã tự tập hợp hồ sơ, có lẽ với dụng ý nói tôi đã tiêu hủy hay giấu bớt đi? Vậy hôm nay đưa tài liệu lấy trong hồ sơ ra, thì chính hành động này vạch rõ những sự gian dối trước, nhằm gài bẫy tôi.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn là sau đó, đọc cho tôi nghe
một bản “phúc trình” của địch nói tôi “khai” 14 cơ sở Điệp báo An ninh Sài Gòn.
Tôi bèn dùng ngay báo cáo 6/5/1975 và 9/11/1977 của tôi đang lưu ở Bảo vệ Đảng, chỉ dẫn cho anh Thành thấy ở trang nào tôi đã báo cáo là bịa
“người ma” nào để đánh lạc địch, mà do các anh ấy không nghiên cứu kỹ và không đối chiếu nên không thấy; trong tài liệu địch có ghép cả cán bộ ta đã bị bắt trước tôi vào, để nói là tôi
“khai”.
Lẽ ra, nếu Tiểu ban BVĐ có tài liệu này thì phải gặp Thành ủy để xác minh trước khi báo cáo Ban Bí thư đình chỉ công tác tôi; mà không hiểu khi báo cáo Ban Bí thư ngày 12/10/1977 thì có trình bầy việc đó hay không? Mà sao không đưa ra hỏi tôi ngay hôm tuyên bố đình chỉ công tác ngày 28/10/77 hoặc sau khi tôi viết lại báo cáo ngày 9/11/77? Hoặc khi gửi công văn chất vấn số 149 ngày 12/12/1977; mà phải đợi 4 tháng sau khi đình chỉ mới nêu ra một số việc có vẻ là đích xác như vậy? Mà là sau khi Tiểu ban BVĐ thoái thác trả lời tôi việc kiểm tra giám định sự kiện bản tài liệu mật trong va ly người nước ngoài.
Cảm giác của tôi là, muốn từ chỗ gán không cho tôi tội gián điệp, thì nay xoay sang tội khai phá cơ sở. Nhưng rủi là việc đó lại không đâu vào đâu cả.
Nghỉ ngày 22 và 23/2/1978 do Tiểu ban chưa kịp làm việc, tôi soạn ngay 2 bản chuyên đề: 04/VT/D77 trả lời
lý do nhận là đại úy tình báo (22/2/1978), và 05/VT/D77 trả lời
về sự đấu tranh của tôi bảo vệ cán bộ và cơ sở bí mật (23/2/1978) để kịp gửi Tiểu ban BVĐ sáng 24/2/1978 ngay khi làm việc lại.
Cả ngày 24/2/1978 làm
vấn đề Mỹ hỏi cung.
Có những thắc mắc xung quanh việc “
Tại sao chúng muốn mua chuộc tôi? Tại sao Mỹ trực tiếp hỏi cung nhiều lần? Chúng biết nhược điểm của tôi thì ắt chúng phải đạt kết quả gì chứ? Nếu không có cơ sở, thì chúng hỏi chiến lược (!?)”.
Việc
“thằng Mỹ biết tiếng Việt Nam” nhưng nó giấu việc biết tiếng Việt (chính là do tôi báo cáo Đảng theo sự tiết lộ của một thằng gác), thì nay lại có lập luận
“có lẽ thằng Mỹ đã nói chuyện trực tiếp với tôi không cần phiên dịch”. “Về tác động tâm lý của Mỹ”.
Anh Thành cho biết:
- Thằng Mỹ hỏi cung anh có viết sách, và viết riêng về anh khoảng 15 trang.
Tôi đã giải đáp mọi chuyện, và yêu cầu:
- Xin Tiểu ban BVĐ cho tôi đọc bài viết của thằng Mỹ, để có gì đúng hay sai, tôi cũng có dịp phát biểu ý kiến.
Nhưng anh Thành chỉ hứa báo cáo với Tiểu ban.
Ngày này làm không hết giờ. Theo anh Thành, thì
“Tiểu ban sắp họp ở Sài Gòn”. Nên tiện có ghi âm, tôi nhờ anh Thành nói giúp với anh Thọ một số ý kiến của tôi (bởi vì tôi còn phải dành thì giờ viết tiếp các báo cáo chuyên đề).
Tôi yêu cầu được biết:
“Lý do đình chỉ công tác, và các vấn đề thực được đặt ra đối với tôi. Yêu cầu cho biết kết quả giám định pháp lý việc “bản tài liệu mật trong va ly người nước ngoài”. Yêu cầu
“giải quyết cách tiến hành thẩm tra sao cho nhanh hơn và tốt hơn”.
Sau đó tôi đã tiếp tục làm các văn bản: 06/VT/D77 trả lời
việc gặp hỏi cung 4 tên Ngụy ta đang giam hồi 1976 (ngày 25/2/1978); 07/VT/D77 trả lời
về tình hình địch hỏi cung (ngày27/2/1978), kèm đó có văn bản 08/VT/D77 (ngày 1/3/1978) giới thiệu những đoạn quan trọng trong văn bản 07 kể trên.
Ngoài việc gửi đến Tiểu ban Bảo vệ Đảng các văn bản đó, tôi cũng đồng gửi luôn đến anh Thọ, anh Hoàn và anh Trinh (Thường trực Ban Bí thư). Tôi cũng gửi đến Thành ủy Sài Gòn với yêu cầu phát biểu ý kiến.
Do tôi đã gửi thư ngày 26/12/1977 cho Thành ủy và An ninh Sài Gòn, yêu cầu phát biểu tình hình cơ sở trong thời gian tôi bị địch bắt giữ; nên ngày 17/2/78, tôi nhờ Bộ Nội vụ chuyển điện nhắc: “Yêu cầu gửi ý kiến ra cho kịp buổi làm việc với Tiểu ban BVĐ”.
Sau khi điện đã gửi rồi, thì nhận điện của anh Năm Xuân cho biết “do anh Mười Hương mới ra viện, nên sắp họp bàn và sẽ trả lời sau”.
Tôi lại nhờ Bộ Nội vụ chuyển điện “kể vắn tắt kết quả làm việc với anh Thành, yêu cầu Thành ủy và An ninh căn cứ vào các báo cáo chuyên đề của tôi,vào thực trạng tình hình, vào tài liệu của Bảo vệ Đảng, để đối chiếu và phát biểu”.
Ngày 7/3/1978 và 8/3/1978, anh Mười Hương, rồi anh Năm Xuân điện cho tôi “đã nhận đủ tài liệu, đang giao cho các anh Sáu Ngọc, Chín Lực chuẩn bị để Thường vụ Thành ủy sẽ phát biểu ý kiến, và sẽ gửi cho anh bản đó”. “Trong đó sẽ làm với Tiểu ban BVĐ, và cũng yêu cầu Tiểu ban BVĐ khi làm với anh, thì cho Đại biểu Thành ủy dự”.
Ngày 7/3/1978, tôi tổng hợp tình hình công việc cũng như các nhận xét của tôi gửi anh Trần Quốc Hoàn, dịp anh Hoàn đi trị bệnh sắp về.
Nhân tôi đến thăm anh Tạo, và cũng cho anh ấy biết tiến triển công việc thẩm tra, do anh ấy tỏ ra quan tâm. Anh Tạo nói:
- Tôi có nhờ anh Thức nhắn cho Anh (tôi, Tài) rằng chắc chắn anh sẽ không còn công tác ở Công an nữa đâu. Nếu Trung ương hỏi ý kiến muốn nhận công tác ở đâu, thì anh xin sang Lâm nghiệp, vì công việc đó anh có thể sớm quen được. Vả lại tôi (anh Tạo) có nhiều kinh nghiệm nên có thể giúp Anh mau chóng thành thạo công tác.
Anh Tạo là đồng chí lâu năm trong Đảng, thường rất nhiệt tình, trực tính; và riêng đối với nghề rừng thì rất say mê. Sau anh Thức có đến nói lại với tôi ý anh Tạo, chúng tôi đều thấy lòng tốt của anh Tạo. (Hôm nay, chép lại đến đoạn này, tôi thấy vô cùng thương nhớ anh Tạo - đã qua đời rồi, sau buổi mừng thọ 90 tuổi một thời gian. Trong buổi mừng thọ, anh em có nhắc lại, hồi còn làm việc, trong lúc mọi người chưa chú ý gì đến bảo vệ rừng, thì anh Tạo một lần trước Bộ Chính trị, đã nghiêm chỉnh báo cáo rằng “cho đến nay, về cơ bản, chúng ta đã phá hết rừng rồi”; đó là những năm 60 của thế kỷ này. Hôm đám tang anh Tạo, chị Tạo xúc động nói với tôi rằng: lúc anh Tạo còn sống, chị ấy biết là tôi rất trọng anh Tạo, và anh Tạo cũng rất quý tôi).
Chiều 3/3/1978, bỗng nhiên đồng chí Việt Hồng - bí thư mới của Chi bộ nhiệm kỳ này, đến “thăm” và hẹn tôi đến họp chi bộ thường lệ vào ngày 8/3/78. Anh ấy nói là: Đảng ủy dặn phải triệu tập tôi, và nói ý Đảng ủy giải thích tránh né đi là do trước đây thấy tôi bận công việc trên Tiểu ban BVĐ, nên không triệu tập để tôi tập trung thì giờ làm việc. Tôi đã đính chính ý kiến Đảng ủy.
Tối 8/3/1978 họp chi bộ thường lệ. Đồng chí Bí thư chi bộ nói một cách không rõ ràng, khi nói về việc tôi đến họp chi bộ. Nói là: Đảng ủy đã thông báo. Cho nên trong cuộc họp, tôi đã nói rõ lại rằng: Việc không triệu tập tôi họp chi bộ là trái nguyên tắc; nếu tôi không nêu vấn đề lên và anh Thân không có ý kiến, thì có lẽ tôi không có mặt hôm nay; nên tôi đề nghị rằng việc đó đúng sai ra sao cứ nên nói thẳng, để giáo dục trong Đảng, không nên nói tránh né.
Tháng 3 lại trôi qua. Tôi phải nghỉ việc đã tròn 5 tháng; và bắt đầu sang tháng thứ sáu.
Những đồng chí trước công tác ở Hà Nội - trong tháng này - nhiều người đến thăm tôi. Trong đó có đồng chí Tiến Đức hồi trước ở cùng cấp ủy Hà Nội, và lúc công tác ở nội thành hồi Pháp tạm chiếm thì tôi lại có liên hệ công tác với vợ đồng chí ấy. Đồng chí Tiến Đức trong thời kỳ xẩy ra vụ án chống Đảng, bị nghi ngờ về mặt lập trường chứ không phải có quan hệ tổ chức; nằm nhà gần 10 năm, và mới làm việc lại từ năm 1976. Theo anh Du - trước ở Kiểm tra Đảng, thì sự buộc tội đức Tiến Đức là quá mức; nhưng có người khác thì lại cho là vì đồng chí Tiến Đức có thái độ không đúng mức đối với cán bộ Bảo vệ Đảng. Đồng chí Tiến Đức nói kinh nghiệm bản thân sử dụng thì giờ như thế nào trong những ngày chờ đợi, với hy vọng là tôi không bị lãng phí.
Đồng chí Tường đã làm việc với tôi từ 1945, nay công tác ở ngành khác, đến nhà tìm tôi 2 lần không gặp, lần thứ 3 mới gặp. Cũng góp ý cách sử dụng thì giờ để học. Và không hiểu bằng cách nào mà đồng chí Tường biết và kể “có được nghe băng ghi âm cuộc đối thoại giữa tôi và tên trung tá Ngụy trong buổi nó còn tưởng tôi là đại úy Hợp và dẫn đi xem phố Sài Gòn ban đêm, cuộc đối thoại giữa tôi và đứa ra nhận diện đối chất với tôi, được đọc bản khai của con phiên dịch khi Mỹ hỏi cung tôi” mà theo đồng chí Tường thì đồng chí ấy “tự hào về những lời đối đáp của tôi”. Cũng theo đồng chí Tường thì “có một bản tài liệu địch nói về tôi là một người mà các người hỏi cung đều rất bực tức”, và “chữ ký của thằng chỉ huy Ngụy cũng bộc lộ sự bực tức của nó”. Đồng chí Tường cũng nói là “chúng chẳng bắt được cơ sở nào cả”. Chẳng hiểu đồng chí Tường lấy đâu ra những chuyện ấy mà lần đầu tiên tôi được nghe, nhưng lại rất phù hợp với những sự kiện đã xẩy ra thật đối với tôi. Đồng chí Tường cho rằng có ba khả năng:
“một là: Anh có thể có sơ hở trong lúc đối phó với địch”, nhưng đồng chí ấy hiểu tôi, và tin là “nếu có - thì Anh cũng không ngại gì mà không báo cáo cho Đảng”,
“hai là: có âm mưu ly gián của địch;
ba là: có vân đề nội bộ”.
Cách đây ít lâu, cũng có một đồng chí về hưu nói chuyện, nhịu miệng nói rằng: có người nói cho đồng chí ấy là có chuyện nội bộ, lẽ ra đồng chí ấy không nói cho tôi nhưng vui miệng nên trót nói, đồng chí yêu cầu tôi “không nên nói cho ai biết”.
Tôi đã trả lời đồng chí về hưu cũng như đồng chí Tường rằng: Tôi cũng có nghe có người nói như vậy, và tôi đã từng khuyên người đó - không nên đặt vấn đề có chuyện nội bộ, bởi vì không giải quyết được gì lúc này cả. Vả lại, nếu tôi nói rộng thì càng thêm mất đoàn kết nội bộ, tôi tự tin ở tôi, cho nên tôi cho là việc của tôi trước sau phải sáng tỏ; và sau khi đó thì ai cũng có thể tự kết luận được, như vậy tốt hơn là nói bây giờ.
Các đồng chí đều cho thái độ tôi là đúng.
Đồng chí Xứng ngày 1/1/1978 đã chúc mừng tôi sắp đi làm việc, lại đến thăm và đính chính xin lỗi sự nói không đúng lần trước. Và cũng lại nói có nghe tôi cũng sắp đi làm việc thật; theo người ta nói cho đồng chí, thì tôi chẳng có chuyện gì, trừ việc sau này có vài “lệch lạc” mà Trung ương muốn “uốn nắn” mà thôi; sở dĩ phải chậm vì còn phải đợi chung một số đồng chí khác cùng trong đợt kiểm tra này (?).
Đồng chí Xứng nói: trước đây cũng có nghe những dư luận nói xấu về tôi, đại ý là: “bắt được băng ghi âm của địch hỏi cung, đưa lên Bộ Chính trị nghe, thì đúng là tiếng của anh Tài (?); đề bạt quá sớm; tại “ông ấy” khai thì mới nên nỗi”.
Ngoài câu chuyện băng ghi âm trùng hợp với chuyện đồng chí Tường nói, thì cũng có một số đồng chí khác kể rằng: “Chính người ở Văn phòng Trung ương cũng nói là có hồ sơ đầy đủ, có đồng chí ủy viên TƯ cũng trả lời một đồng chí khác rằng người ta có thu được đầy đủ hồ sơ, người ta cũng tìm được tài liệu về anh Tài ở 4 hay 5 nguồn khác nhau cho nên rất chính xác (?).
Tôi không hiểu tại sao những chuyện như vậy cứ lọt ra ngoài, và tại sao nếu tài liệu đủ như thế mà không đưa ra chất vấn buộc tội tôi (?). Chứ nếu những loại tài liệu như tấm hình có chữ tôi xác nhận tên, mà đã đưa ra cho tôi thấy, thì chỉ chứng minh tôi đã báo cáo trung thực với Đảng, và chẳng có gì đáng là khuyết điểm; hoặc là loại tài liệu như tờ “phúc trình” của địch nói tôi “khai” 14 cơ sở bí mật, thì thật ra chẳng có giá trị gì.
Bởi hôm cuối tháng 3/1978, tôi điện nhắc Thành ủy Sài Gòn trả lời yêu cầu của tôi phát biểu về tình hình cơ sở trong thời gian tôi ở tù. Nên các đồng chí điện trả lời tôi là “tập thể đã nghe anh em An ninh và Bảo vệ Đảng chuẩn bị trả lời cho Tiểu ban BVĐ; đầu tháng 4/78 các đồng chí Thành ủy Sài Gòn sẽ làm việc trực tiếp với Tiểu ban BVĐ để nếu có băn khoăn gì thì thanh toán cho hết”.
Có đồng chí mới ra Hà Nội cũng nói rõ là Thành ủy vẫn khẳng định như cũ: là cơ sở trong thời gian anh Tài ở tù là yên ổn, không suy suyển gì.
Dù sao, tôi cũng đã điện cho Thành ủy là “các đồng chí nên sớm gửi cho tôi văn bản mới, bởi vì không nên cho rằng văn bản năm 1975 đã đủ để chứng minh, đối với những vấn đề quan trọng thì không nên dùng nói miệng thay cho văn bản; hơn nữa, đó là việc do tôi đã chính thức yêu cầu”.
Như thế có thể thấy rằng: câu chuyện về “bản tài liệu mật trong va ly người nước ngoài”, đến nay thì Tiểu ban BVĐ thoái thác trả lời; mà với sự tự hiểu của tôi thì có thể nói 100% rằng: nếu đó không phải một sự nhầm lẫn, hoặc tài liệu ly gián của địch, thì đứt khoát là tài liệu bịa đặt; mà chính cơ quan BVĐ cũng không một chút tin ở giá trị của nó.
Vậy, đặt ra chuyện khai báo, khai phá, để nếu quả thật tôi có chuyện gì gợn ở điểm này, thì có thể dùng làm tiền đề để móc lại chuyện nghi vấn việc Mỹ mua chuộc uy hiếp tôi. Nhưng rõ ràng là chuyện này cũng không còn có thể đứng vững trước sự làm việc khá chu đáo của Thành ủy Sài Gòn và thái độ tôn trọng sự thật của các anh Thành ủy Sài Gòn.
Tôi không hiểu rồi đây sẽ còn có thể xoay sang chuyện gì khác nữa không? Và nếu không, thì bao giờ sẽ kết thúc việc của tôi, và sẽ kết thúc như thế nào? Tất nhiên là phải chờ thực tế trả lời; và cũng sẽ căn cứ vào cách kết thúc, sự kết luận mà cụ thể là sự giải quyết công tác của tôi như thế nào, để có thể hiểu được thái độ mọi người trong cuộc, đối với việc bảo vệ chân lý, đấu tranh không khoan nhượng chống mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, mọi tác phong sai trái các nguyên tắc của Đảng, cũng như các tiêu chuẩn đạo đức của Đảng như thế nào - mà kết cục là chủ trương cụ thể giải quyết trường hợp của tôi có triệt để phù hợp với chân lý cộng sản chủ nghĩa của chúng ta, hay lại có những sự xuê xoa nhân nhượng lẫn nhau, mà bây giờ người ta thường che đậy bằng lập luận nghe rất hay là “chờ đợi nhau”.
Mà đã từng xẩy ra những sự “chờ đợi nhau”, phủ định chân lý, vi phạm nguyên tắc Đảng, và người chịu đựng sai trái thiệt thòi thì lại không được tính gì đến cả.
0 nhận xét:
Post a Comment