Tô Cương

Saturday, August 27, 2011

Các bài viết sưu tầm trên mạng







Đạo diễn - Nhà quay phim - Nghệ sĩ Nhân dân Tô Cương




Ông tên khai sinh là Tô Văn Cương, ngoài đời thường gọi là Tô Cương, quê làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên nhưng sinh ra ở thôn Đông Kiều, thị xã Hải Dương. Ông sinh năm 1910 trong một gia đình là dân nghèo thành thị.

Ông nội là Nguyễn Đức Chính, bà nội là Đinh Thị Ngân. Ông Nguyễn Đức Chính mất sớm, bà Đinh Thị Ngân tái giá, kết hôn với ông Tô Tôn Lục, nên thân phụ ông là Nguyễn Đức Siêu, lúc đó còn nhỏ cũng cải họ theo bố dượng lấy tên là Tô Tôn Chiêu và ông Cương khi mới sinh đã là người họ Tô.

Thuở nhỏ, ông được cha là Tô Tôn Chiêu dạy học chữ Nho. Đến năm 9 tuổi, ông mới được đi học chữ quốc ngữ và khi nhập học đã quá tuổi nên phải sửa năm sinh trong giấy khai sinh từ 1910 thành 1911, nhưng số 1 cuối cùng viết không rõ ràng đọc thành số 7 nên trong lý lịch của ông, ghi năm sinh là 1917.

Học chưa hết bậc tiểu học, ông đã theo cha lên Hà Nội học nghề, chủ yếu là nghề nhiếp ảnh. Tính thích phiêu lưu nên ông cũng sớm rời gia đình vừa học nghề kiếm sống vừa chu du đây đó. Trải bao thăng trầm, có lúc tạo dựng nên cơ nghiệp nhưng rồi lại trắng tay, ông vẫn không rời cuộc mưu sinh trôi nổi. Khi ra Bắc, lúc vào Nam, có khi phiêu bạt cả sang Lào, Campuchia, Thái Lan. Chính từ cuộc đời phiêu dạt đó đã rèn cho ông bản lĩnh sống và lòng yêu nước, hướng thiện.

Năm 1944, phong trào cách mạng nước ta ngày càng sôi sục. Lúc đó ông đang làm ăn ở Campuchia thì gặp được một số cán bộ cách mạng (ông Nguyễn Kim Cương, ông Lê Văn Sướng...) vận động kiều bào ủng hộ mặt trận Việt Minh, ông liền hăng hái tham gia. Lúc đầu là vận động ủng hộ Việt Minh chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, sau chuyển sang vận động Việt kiều đóng góp tiền của, mua sắm vũ khí để thành lập các đơn vị vũ trang về tham gia kháng chiến bảo vệ chính quyền cách mạng.

Ông đã góp phần quan trọng thành lập được 3 đại đội vũ trang lấy tên là “Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân”. Khi quân Pháp được sự giúp đỡ của liên quân Anh -Ấn phát động chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai (23-9-1945), các đại đội cứu quốc quân lần lượt về nước tham gia chiến đấu. Ông được chỉ định làm đại đội trưởng một đại đội, tham gia chiến đấu ở miền Tây Nam Bộ.

Đầu năm 1946 ông được giao nhiệm vụ về nội thành Sài Gòn tổ chức mạng lưới mua sắm các vật phẩm, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ y tế... cung cấp cho vùng tự do. Năm 1947 ông bị địch nghi ngờ bắt giữ. Chúng tra tấn ông rất dã man, nhưng ông một mực giữ vững khí tiết không khai, quyết bảo vệ mạng lưới hoạt động. Do không có chứng cớ, mặt khác do tổ chức và gia đình chạy chọt, đút lót cho bọn chỉ huy cảnh sát, nên sau 10 ngày ông được trả tự do.

Ngay sau đó ông được điều ra vùng tự do (Quân khu 7). Trải qua một thời gian thẩm tra lòng trung thành khi bị địch bắt, cùng với việc mạng lưới nội thành vẫn an toàn, ông được giao công tác trở lại.

Năm 1949 ông trở thành đảng viên cộng sản và được Trung tướng Nguyễn Bình giao nhiệm vụ xây dựng ngành điện ảnh, nhiếp ảnh. Ông trở thành phóng viên chiến trường, theo sát các đơn vị chủ lực trong chiến đấu. Ông đã tổ chức các cuộc trưng bày ảnh, các buổichiếu phim đèn chiếu đem đến cho nhân dân, bộ đội khu giải phóng những hình ảnh tươi mới và sống động của bộ đội chiến đấu, công đồn, đánh phá giao thông; của nhân dân và dân quân du kích sát cánh bên nhau sản xuất, lập làng chiến đấu, chống địch càn quét. Ông đã tích cực đào tạo nghề cho đội ngũ những người làm công tác điện nhiếp ảnh quân đội và dân sự.

Cuối năm 1952 khi ngành điện ảnh Quân khu 7 đã trưởng thành cả về nhân sự và cơ sở vật chất kỹ thuật, cũng là lúc sức khoẻ ông suy sụp do làm việc quá căng thẳng trong điều kiện gian khổ, ác liệt của chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ông bị sốt rét ác tính và chớm lao phổi nên được điều về Quân khu 9, nơi có điều kiện đỡ khó khăn hơn, vừa công tác, vừa kết hợp chữa bệnh.




Năm 1954, hoà bình lập lại, ông tập kết ra Bắc. Tháng 4 năm 1956 ông được chuyển ngành về lại với ngành điện ảnh, về Xưởng phim Việt Nam. Như cá về với nước, từ đây ông lao vào học tập, tự trau dồi nghiệp vụ chuyên môn và say sưa làm việc. Mảng của ông là phim thời sự, công việc chính là quay phim, nhưng tất cả các khâu có liên quan từ kịch bản, biên kịch, đạo diễn, biên tập, dựng phim... khi cần ông đều làm để tạo ra những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống, chân thực, nóng hổi tính thời sự. Tháng 2 năm 1968 ông được điều về Cục Điện ảnh cho đến ngày nghỉ hưu (năm 1973).

Trong cuộc đời làm phim của mình, ông đã đóng góp vào kho tàng điện ảnh nước nhà hơn 50 bộ phim lớn nhỏ, trong đó có nhiều bộ phim được giải thưởng có giá trị như:

1. Bộ phim “Như đón cả 14 triệu đồng bào miền Nam anh hùng” nhân kỷ niệm 20 năm cách mạng miền Nam 1953 - 1973.
  • Giải Bông Sen vàng - Quay phim

2. Bộ phim “Trung đoàn bộ binh trong tấn công địch phòng ngự có chuẩn bị sẵn”.
  • Giải Bông sen vàng - Đạo diễn kiêm Quay phim
  • Đây là bộ phim giáo khoa quân sự đầu tiên của Việt Nam, đánh
    dấu bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trên
    đường chính quy hoá, hiện đại hoá trong giai đoạn mới.

3. Bộ phim “Việt Nam tổ quốc tôi”, phối hợp với đạo diễn Kai mốp - Liên Xô.
  • Giải Huy chương vàng tại Liên hoan phim Tasken - Liên Xô

4. Bộ phim “Trở lại Điện Biên” tại Liên hoan phim Á - Phi, Jacarta 1964.
  • Giải Lumumba - Đạo diễn kiêm Quay phim

5. Bộ phim “Mở đường Trường Sơn” - Đạo diễn kiêm Quay phim
  • Giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3.
  • Giải Huy chương bạc và “Người quay phim dũng cảm” tại Liên
    hoan phim Mockva lần thứ 8.

Ông được tặng thưởng:
  • Huân chương chiến thắng Hạng Ba
  • Huân chương kháng chiến Hạng Nhất
  • Và nhiều bằng khen của Bộ Văn hoá và Chính phủ.

Ông mất năm 1985 hưởng thọ 76 tuổi.
  • Năm 1983 được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
  • Năm 2012 được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.


TTHTVN

Viết theo tư liệu của con trai ông là Tô Trang










Nhà quay phim Tô Cương: "Ông cụ đã cứu mình"



Ông bồi hổi kể, Bác Hồ có thói quen đi rất nhanh. Bác bước từng sải dài, chỉ nhắm nhanh đến đích, để thực hiện công việc của mình. Anh em quay phim nhiều khi không bắt kịp hình ảnh của Bác, nhưng ngại, không biết làm như thế nào. Một hôm, trong lúc nói chuyện, Bác quay sang hỏi nhà quay phim An Sơn: “Hôm nay các chú có làm được việc không?”. Lúc này, ông mới mạnh dạn bộc bạch với Bác: “Thưa Bác, Bác đi nhanh quá ạ. Phim nhựa mang theo người nặng lắm, mà Bác đi nhanh như thế, cháu không quay được ạ”. Từ đó, khi máy quay hướng vào Bác, Bác chủ động đi chậm lại, tạo thuận lợi để thu được những thước phim về Bác.

Bác Hồ luôn quan tâm đến những việc rất bé như vậy. Câu chuyện của nhà quay phim Tô Cương được nghệ sĩ Việt Tùng kể lại trong niềm xúc động. Đầu năm 1960, gia đình Luật sư Lô-Giơ-Bai, ân nhân của Bác trong vụ án Hồng Kông sang thăm Việt Nam. Bác Hồ đưa các vị khách quý đến thăm Nhà máy Công cụ số 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà quay phim Việt Nam
Trong lúc đang quay phim, đột nhiên máy quay bị hỏng. Bác nghe xoạch một tiếng, biết là máy quay không chạy được. Bác chủ động dừng lại, quay ra nói chuyện với các vị khách, tạo thời gian cho anh em sửa máy. “Cụ lo cho mình như thế đấy. Nếu Cụ đi thẳng, mình không chữa được máy, không quay được hình ảnh Cụ, không hoàn thành được nhiệm vụ, chắc chắn sẽ bị kỷ luật…”. Ông Việt Tùng lúc bấy giờ làm ánh sáng phụ cho ông Tô Cương quay phim về Bác kể lại. Sau lần đó, nhà quay phim Tô Cương cứ xuýt xoa: “May quá, Ông Cụ đã cứu mình”.

Theo Phương Loan - Vietnamnet




0 nhận xét:

Post a Comment