Câu đối viết tặng Tô Chấn - Tô Hiệu

Monday, December 18, 2017
Câu đối viết tặng Tô Chấn - Tô Hiệu

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày hy sinh của liệt sĩ Tô Chấn, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã làm đôi câu đối lớn gồm 128 chữ đầy công phu và tâm huyết tưởng niệm cuộc đời oanh liệt của nhà cách mạng và tặng nhà thờ liệt sĩ Tô Chấn:
Gió Xuân Cầu lồng lộng chí nam nhi, hai chục tuổi lên đường cứu nước! Nào dựng xây tổ chức, nào giác ngộ đồng bào, nào mở rộng phong trào, nào ngược xuôi Nam Bắc, cùng nhân dân gắn bó nghĩa tình. Rồi phải buổi sa cơ mắc lưới, chốn lao lung tay xích chân cùm: Khí tiết vẫn sáng ngời trong sắt thép!
Hầm Côn Đảo nấu nung gan chiến sĩ, hơn sáu năm đối mặt quân thù. Vẫn vững chắc tinh thần, vẫn đấu tranh bất khuất, vẫn nâng cao kiến thức, vẫn rèn luyện ngày đêm, được Đảng bộ tin giao trọng trách. Cho đến khi vượt biển chìm bè, dù thể phách sóng gió vùi dập: Hồn thiêng còn tỏa rộng giữa trời mây!


Tô Hiệu (1912 - 1944), em ruột của Tô Chấn. Năm 1929, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động cùng với người anh ruột của mình là Tô Chấn. Năm 1930, Tô Hiệu bị địch bắt, đầy đi Côn Đảo. Năm 1934, mãn hạn tù, Tô Hiệu trở về và bị quản thúc tại quê nhà. Năm 1939, Tô Hiệu lại bị địch bắt và giam ở đề lao Hải Phòng, ông bị kết án 5 năm tù và bị đày đi nhà ngục Sơn La. Năm 1944, do bị tra tấn dã man và bệnh lao phổi nặng, Tô Hiệu đã hy sinh tại nhà ngục này. Anh hùng Lao động - Giáo sư Vũ Khiêu đã dành tâm huyết viết câu đối trác tuyệt ca ngợi Tô Hiệu:
“Cuộc đấu tranh vượt bể băng ngàn, Kết giao tuấn kiệt, Tuyển lựa hiền tài, Trọn một đời vì Đảng vì dân, Vầng nhật nguyệt ngời soi khí phách”
“Đường cách mạng vào tù ra tội, Kiên định tử sinh, Đạp bằng uy vũ, Trải bao độ thử vàng thử sức, Đấng anh hùng chói sáng tinh khôi”

Câu đối đề tặng nhà tù Sơn La năm 2000 của Vũ Khiêu:
Vạn lý đào hoa nghinh quốc vận
Giang sơn hồng nhật chiếu gia thanh
Nghĩa:
Giang sơn muôn dặm hoa đào nở
Sử sách ngàn thu tiếng suối reo


Câu đối khắc trên ban thờ Cố Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Lê Văn Lương (1912 - 1995)
Lê Văn Lương tên thật là *Nguyễn Công Miều, sinh tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (xưa thuộc tỉnh Bắc Ninh). Trung ương Đảng đã cử đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Bộ chính trị về Thành ủy Hà Nội và sau đó, đồng chí được BCH Đảng bộ thành phố bầu là Bí thư Thành ủy. Đôi câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu trên gian thờ đồng chí Lê Văn Lương đã khái quát phẩm chất cách mạng của người cộng sản suốt đời vì dân, vì Đảng:
“15 tuổi lên đường, chính khí vươn cao trời biển rộng
70 năm cùng Đảng, công huân rực sáng cổ thu soi”

Nguồn: Câu đối của Vũ Khiêu

Tướng quân Bãi Sậy - Ngô Quang Huy

Saturday, December 16, 2017

284 Anh hùng hào kiệt của Việt Nam

Ngô Quang Huy

_ Vũ Thanh Sơn _

Ngô Quang Huy biệt hiệu là Quang Hiên, sinh năm 1835 ở xã An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Ngô Quang Huy là người thông minh, nổi tiếng hay chữ một vùng, đương thời có câu: “Thần Siêu, Thánh Quát, trẻ Quang Huy”. Năm 17 tuổi ông đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852) tại trường thi Hà Nội, được bổ làm Đốc học tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1883 Triều đình Huế kí Hoà ước với Pháp ra lệnh bãi binh. Nguyễn Thiện Thuật bỏ quan về huyện Đông Triều chiêu mộ quân đánh Pháp. Ngô Quang Huy cùng em trai là Ngô Quang Chước, đỗ cử nhân khoa Đinh Mão, Tự Đức thứ 20 (1867) tại trường thi Hà Nội đang làm Huấn đạo huyện Mỹ Đức đều bỏ quan chiêu mộ được hơn 100 quân đến Đông Triều gia nhập đội quân khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật.

Ngô Quang Huy là nhà nho từng làm đốc học, nên ông hiểu rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục. Ông đã thành lập một đội tuyên truyền gồm các nho sinh hô hào đồng bào gia nhập nghĩa quân, tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. Nghĩa quân do các ông chỉ huy hoạt động mạnh ở các huyện Đông Triều, Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Mỹ Hào và vùng chung quanh lỉnh lị Hải Dương.

Chiều 12/11/1883 nghĩa quân do Nguyễn Thiện Thuật, Hai Kế, Đề Vinh chỉ huy xuất phát từ Đông Triều về hạ thành Hải Dương. Đánh nhau đến gần sáng ngày 13 tháng 11, nghĩa quân không hạ được thành phải rút. Ngô Quang Huy trở về An Lạc cùng Nguyễn Cao, Hoàng Văn Hoè, Tạ Hiện thành lập Tam tỉnh nghĩa quân còn gọi là “Đại nghĩa đoàn". Nghĩa quân có 5.000 người, xây dựng căn cứ ở núi Nham Biền (Yên Dũng, Bắc Giang) và các căn cứ ở Trúc Ty, Vân Cốc, Trung Đồng. Sau vài tháng bị quân Pháp liên tục tấn công, lực lượng nghĩa quân suy yếu, thiếu súng đạn, bị quân Pháp truy kích nghĩa quân tan rã, Ngô Quang Huy trở về An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang chờ thời, bí mật liên kết với các nghĩa sĩ.

Tháng 8/1885, Nguyễn Thiện Thuật được vua Hàm Nghi phong là Lễ bộ thượng thư, sung Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, tước Thuần trung hầu. Nguyễn Thiện Thuật trở về vùng giáp ranh ba tỉnh Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh cho người mời cử nhân Ngô Quang Huy và Nguyễn Hữu Đức tới bàn bạc. Nhận được tin, Ngô Quang Huy lập tức đến gặp Nguyễn Thiện Thuật. Ba ông đã nhất trí phải khôi phục phong trào Bãi Sậy và mở rộng phạm vi hoạt động của nghĩa quân sang Bắc Ninh, Hải Dương và các tỉnh khác. Nguyễn Thiện Thuật giao cho Ngô Quang Huy phụ trách miền Nam Bắc Ninh, Bắc Hưng Yên và Bắc Hải Dương.

Sau đó không lâu, Ngô Quang Huy nhận được sắc phong của vua Hàm Nghi phong cho ông là "Hồng lô Tự khanh, Tán lý quân vụ”. Nghĩa quân và nhân dân coi Ngô Quang Huy là nhân vật số hai của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, nên thường gọi ông là “ông Tán Bắc", "ông Tán Thái Lạc”...

Ngô Quang Huy cùng em trai là Ngô Quang Chước, Tuần Văn người xã Xuân Quan, huyện Văn Giang đã dấy binh từ năm 1883 theo Đổng Quế, Đốc Sung, trợ thủ của Tuần Vân, Đội Văn (Vương Văn Vang) vốn là tướng giỏi của Tam tỉnh nghĩa quân năm 1884, cả hai ông đều được Bắc Kỳ hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật phong là Đề đốc, phát triển lực lượng ra vùng chung quanh.

Ngô Quang Huy thành lập một đội quân tuyên truyền tố cáo tội ác của giặc Pháp và quan lại Nam triều, họp các kỳ hào và dân chúng, tuyên đọc Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi. Ông còn cho đắp đê, trồng tre dọc sông Nghĩa Trụ kéo dài từ xã Ngọc Kinh, qua Tuấn Dị, Vĩnh Bảo đến các xã Đông Khúc, Vĩnh Khúc, Tráng Vũ, Kênh Cầu dài gần 20 cây số, một con đê khác từ Nghĩa Trai đến Cầu Ghênh (Nhạc Miếu) dài 4 cây số làm tuyến phòng thủ. Ông cho đắp nhiều gò đống, đắp nhiều bờ ruộng cao, khơi sâu kênh mương ở dọc đường 5 để quân sĩ ẩn núp phục kích quân Pháp.

Nghĩa quân do Ngô Quang Huy chỉ huy đánh nhiều trận như trận tấn công đồn Bần Yên Nhân, nhiều trận phục kích quân Pháp ở đồn Ghênh, đồn Bần Yên Nhân, đồn Đống Mối (Nghĩa Lộ tổng Đại Từ, Văn Lâm). Các trận càn của quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải vào An Lạc, Đình Dù, Đại Từ, Nghĩa Trai, Đông Khúc, Khúc Lộng... đều bị nghĩa quân đánh bật ra bảo vệ được căn cứ.

Tán lý quân vụ Ngô Quang Huy còn được vua Hàm Nghi và Thượng thư bộ Lễ Nguyễn Quang Bích giao cho việc tổ chức lực lượng kháng chiến ở vùng đồng bằng sông Hồng. Ông thường thảo thư từ liên lạc với các quan lại trong phe chủ chiến và sớ gửi vua Hàm Nghi.

Mặc dù đã nhiều cố gắng, song bị quân Pháp liên tục bao vây, truy kích Ngô Quang Huy đành phải giải tán nghĩa quân rồi cùng em là Ngô Quang Chước cùng mươi nghĩa quân thân tín chạy lên Phủ Lạng Thương (tỉnh Bắc Giang ngày nay), quân Pháp vẫn đuổi sát phía sau, để giữ trọn danh tiết không sa vào tay giặc, ngày 1 tháng 4 năm Kỷ Sửu (khoảng 1/5/1889), Ngô Quang Huy đã tự tử. Ngô Quang Chước cùng mấy nghĩa quân chôn cất, rồi san bằng mặt ruộng cho mất dấu tích. Mươi năm sau, ông Chước quay lại tìm thì không thấy.




 ✯✯ 
Nguồn Dựng nước - Giữ nước - hoi_ls Thượng tá, 28 Tháng Mười Một, 2011.


Ngô Quang Huy

Quê xã Yên Lạc huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh, nay là huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Đỗ Cử nhân khoa Nhâm tý 1852 triều Tự Đức.

Con Ngô Quang Diêu, anh Ngô Quang Chước, cha con anh em đều thi đỗ, làm Huấn đạo, thăng Đốc học.

Cùng Ngô Quang Chước phối hợp với Nguyễn Cao, Nguyễn Thiện Thuật chống nhau với quân Pháp ở chiến khu Bãi Sậy(Khởi nghĩa Bãi Sậy 1883-1892).

Vua Hàm Nghi phong Hồng lô tự khanh (hàm Chánh Tứ phẩm),sung Tán lý quân vụ, chỉ huy quân Cần vương vùng nam Bắc Ninh, bắc Hưng Yên, Hải Dương,tục gọi Ông Tán Bắc.Khi Nguyễn Thiện Thuật lánh sang Trung Quốc,ông tiếp tục chỉ huy cuộc kháng chiến ít lâu, rồi rút lên mạn ngược.

Thất truyền.
Theo NHÂN VẬT HỌ NGÔ (TIẾP THEO)H-M - Blog Trảo Nha

Hội thảo khoa học "Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên"

Monday, November 20, 2017

Tin, ảnh: TTXVN

"Đồng chí Tô Hiệu là người chiến sỹ cộng sản kiên trung mẫu mực, mãi mãi là tấm gương sáng ngời về tinh thần hy sinh vì độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân". Đây là vấn đề được các nhà nghiên cứu khẳng định tại hội thảo khoa học "Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên", diễn ra ngày 12-10 do Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp tổ chức.
Quang cảnh hội thảo.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Chương, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã đánh giá cao những cống hiến của đồng chí Tô Hiệu tập trung vào các vấn đề gồm: Truyền thống quê hương, gia đình đã góp phần hình thành tư tưởng yêu nước, dẫn dắt đồng chí Tô Hiệu trở thành chiến sĩ cách mạng; Con đường đến với cách mạng, giác ngộ lý tưởng cộng sản, hiến dâng tuổi trẻ cho dân tộc và nhân dân của đồng chí Tô Hiệu; Đồng chí Tô Hiệu thuộc lớp đảng viên đầu của Đảng, có những đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám; Đồng chí Tô Hiệu, tấm gương người cộng sản kiên trung, trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Nhiều tham luận của các đại biểu, nhà khoa học đã cung cấp những tư liệu quý, giá trị như: "Những hoạt động yêu nước của đồng chí Tô Hiệu tại Hưng Yên và Hà Nội"; "Hoạt động và cống hiến của đồng chí Tô Hiệu trong thời kỳ xây dựng Đảng bộ Hải Phòng"; "Vai trò của đồng chí Tô Hiệu trong khôi phục cơ quan lãnh đạo của Đảng và phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ"; "Đồng chí Tô Hiệu với công tác xây dựng tổ chức Đảng trong ngục tù Sơn La"...

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi, hy sinh tại nhà tù Sơn La ở tuổi 32, người chiến sỹ cộng sản Tô Hiệu là tấm gương chói lọi về tinh thần phấn đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, vì lý tưởng cách mạng cao đẹp cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Với 32 tuổi đời, 18 năm hoạt động cách mạng, dù 2 lần bị địch bắt tù đày nhưng đồng chí Tô Hiệu vẫn bất khuất kiên cường, "Tinh thần Tô Hiệu" được coi là biểu tượng của ý chí cách mạng, của niềm tin chiến thắng.

Kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: những ý kiến tham luận tại hội thảo đều khẳng định đồng chí Tô Hiệu có đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Quê hương Hưng Yên cũng như dòng họ, gia đình có những ảnh hưởng tích cực đến nhận thức, lòng yêu nước, nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Tô Hiệu. Lý tưởng cao đẹp, tinh thần bất khuất, bản lĩnh kiên trung của người chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu là tấm gương sáng ngời cho thế hệ sau học tập và noi theo.

Tin, ảnh: TTXVN

Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Văn Lương với Cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên"

Sunday, November 19, 2017

TTXVN

"Đồng chí Lê Văn Lương là một nhà lãnh đạo xuất sắc, là tấm gương đạo đức trong sáng của Đảng và cách mạng Việt Nam, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc". Đây là nội dung được khẳng định tại hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Văn Lương với Cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên" diễn ra ngày 12-10. Hội thảo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp tổ chức.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận, đi sâu làm rõ những hoạt động và cống hiến của đồng chí Lê Văn Lương như: Truyền thống quê hương, gia đình và con đường đến với cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương; đồng chí Lê Văn Lương là nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà tổ chức tài năng, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng; những tình cảm của đồng chí đối với quê hương Hưng Yên. Các ý kiến thảo luận đã phân tích rõ đồng chí Lê Văn Lương là một nhân cách lớn, có lý tưởng sống cao đẹp, đồng chí đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Cộng sản, có nhiều cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh năm 1912 trong một gia đình nho học tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ khi còn trẻ tuổi, đồng chí Lê Văn Lương đã giác ngộ cách mạng và tham gia các hoạt động yêu nước. Đồng chí được Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách: Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội... Đồng chí Lê Văn Lương là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, III, IV, V; Ủy viên Bộ Chính trị (khóa II, khóa IV); Bí thư Trung ương Đảng khóa III; là đại biểu Quốc hội khóa VI và khóa VII.

Trong suốt 70 năm cuộc đời hoạt động, đồng chí Lê Văn Lương luôn nêu cao tấm gương của một người Cộng sản mẫu mực, cống hiến hết mình cho công việc với phương châm "nhanh chóng, chính xác, bí mật, an toàn". Đồng chí luôn có tinh thần phê bình và tự phê bình, tác phong dân chủ, quan tâm sâu sắc đến đời sống nhân dân, được nhân dân tin yêu và quý trọng. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng làm việc với tinh thần tự giác, tận tụy, có trách nhiệm trước Đảng và dân tộc.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên khẳng định: Hội thảo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những hoạt động và cống hiến của đồng chí Lê Văn Lương, làm sáng tỏ hơn về cuộc đời sự nghiệp và tầm vóc cùng những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cũng như đối với quê hương Hưng Yên. Hội thảo sẽ để lại những tư liệu quý để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, là niềm tự hào, sự cổ vũ động viên đối với Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên. Tự hào là miền quê văn hiến và cách mạng, tỉnh Hưng Yên đang nỗ lực cùng cả nước đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên cũng luôn tri ân những bậc cha anh, những người con ưu tú của quê hương đã góp phần làm rạng danh cho đất nước như đồng chí Lê Văn Lương.

TTXVN

 ✯✯ 




Ngỡ ngàng giếng ngọc nghìn năm

Friday, November 17, 2017

ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ NHÃN
Vi Ngoan

Tình cờ biết đến giếng ngọc Tam Kỳ vào một ngày ghé qua làng, dừng chân trước cổng Đồng – tên cổ của cổng làng Tam Kỳ, thấy kỳ lạ sao bên đường một khoảng không gian bỗng nhiên tĩnh lặng...

“Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm”


Câu ca dao nói về làng Xuân Cầu xưa của xã Nghĩa Trụ (Văn Giang), nay đã thành 3 thôn: Tam Kỳ, Phúc Thọ và Lê Cao. Theo thời gian, vật đổi, sao dời, nghề bán thuốc lào, nghề nhuộm vải ở Xuân Cầu đã mai một, những cô hàng xén cũng thưa vắng, đánh rơi mất nụ cười răng đen vào những ngày xưa cũ… Nhưng về Xuân Cầu hôm nay, vẫn sẽ gặp cổng làng sừng sững, cổ kính, rêu phong mà ấm áp nghĩa tình, vẫn được đi trên con đường gạch rộng thênh thênh, nhẵn bóng bước người qua. Và nhất là ngay nơi đầu làng đây, giếng ngọc của làng vẫn văn vắt xanh trong, in màu của trời, của mây, của những tầng đá xanh bao quanh thành giếng.

Người dân làng Tam Kỳ, xã Nhãi Trụ làm lễ bên giếng Ngọc


Tình cờ biết đến giếng ngọc Tam Kỳ vào một ngày ghé qua làng, dừng chân trước cổng Đồng – tên cổ của cổng làng Tam Kỳ, thấy kỳ lạ sao bên đường một khoảng không gian bỗng nhiên tĩnh lặng. Một chiếc tường nhỏ thâm thấp bao quanh, chính giữa một miệng giếng tròn đường kính cỡ hơn 1m, xung quanh hoa nhài, hoa trạng nguyên, mẫu đơn… đua nhau khoe sắc, tỏa hương. Ôi chao, khi đâu đâu cũng là cảnh nhà nhà san sát, làng dần thành phố mà người Tam Kỳ vẫn gìn giữ, tôn thờ chiếc giếng đào cổ xưa, đẹp đẽ nhường này!. Niềm yêu thích dâng lên, khiến tôi không thể không lần nữa trở lại làng để được thêm tường tận.

Ngày trở lại Tam Kỳ, không hẹn trước mà gặp đúng ngày hội xuân. Cách giếng ngọc không xa, chùa Xuân Cầu vang nhịp trống phách của đoàn nữ tế. Từng xóm, từng xóm, già trẻ, gái trai, ai cũng quần là áo lượt, xếp thành hàng dài, trong lòng ngập tràn thành kính. Trước tiên, đoàn lễ đến bên giếng, như một nghi lễ tôn thờ trước thần giếng, trước mắt rồng, trước hồn của làng, ai ai cũng một lòng chiêm bái. Khi hương hoa đã nghi ngút trên ban thờ trước miệng giếng ngọc, dân làng mới lần lượt theo nhau đội lễ lên chùa, để lại quanh giếng một không gian tĩnh tại, thoảng mùi trầm hương.

Ngồi bên thành giếng, chạm tay vào từng phiến đá xanh mát lạnh, tôi được ông Nguyễn Quang Huy, trưởng thôn Tam Kỳ kể cho nghe những câu chuyện xung quanh chiếc giếng quý của làng. Ông Huy tạm gỡ chiếc lồng sắt bảo vệ miệng giếng ra để người khách phương xa là tôi đây được ngắm hết vẻ đẹp của giếng ngọc nghìn năm. Tôi chầm chậm nhìn xuống tận đáy giếng. Nước trong thế kia, một khoảng trời soi thấu xuống đáy, những nhành dương xỉ và từng đường nét khuôn mặt mình, tôi đều trông rõ dưới bóng nước mát màu ngọc. Tôi buột miệng hỏi ông trưởng thôn: Có phải là giếng hơi nông không? Cháu nhìn như nước chỉ có vài gang tay thôi! Ông cười: Vài gang mà cô nói ấy xưa kia là nguồn nước sạch của cả làng tôi đấy. Mùa mưa, mạch đầy, nước dâng cao tới gần miệng giếng, dùng gáo múc được. Mùa khô, nước xuống thấp như bây giờ đây, nhưng chỉ xuống thấp chứ không bao giờ cạn, cả làng dùng suốt mùa khô hạn mà nước vẫn trong vắt như gầu đầu tiên múc lên vậy! Nước mát, ngọt và lành lắm. Phúc đức cho nhà nào gần giếng, ai cũng khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, con gái tóc mượt dài đen lay láy!. Các cụ trong làng còn truyền lại một vài câu chuyện dân dã mà thần kỳ, như có người đi làm đồng bị cảm nắng, may sao được dân làng dìu đỡ đến bên giếng, múc cho uống một bát nước và lấy nước giếng rửa mặt mà tỉnh được. Rồi có một năm trời nắng hạn như rang, cỏ cây khô héo, ao hồ cạn sạch, người làng nhờ có giếng ngọc này mà qua cơn hạn hán, cứu được vật nuôi, hoa màu, giúp đỡ người dân làng khác… thế mà mực nước trong giếng vẫn không cạn.

Bên giếng Ngọc


Giếng Tam Kỳ đã là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà lịch sử, địa lý trong và ngoài tỉnh. Qua nhiều lần khảo sát, đánh giá, dựa trên cách xây dựng, nguyên liệu, kỹ thuật… gắn với một số di tích của làng, các nhà nghiên cứu đã xác định niên đại của giếng cổ ở Tam Kỳ đến nay là hơn 1.200 năm. Nhà sử học Lê Văn Lan vào năm 2013 về làng Tam Kỳ, khi giếng được trùng tu, khánh thành, đã có lời đề tự rằng đây là nơi “tụ Thủy như tụ Nhân”.

Giếng Tam Kỳ quả là một công trình kỳ bí và độc đáo. Một chiếc giếng đào đơn giản mà không bao giờ cạn nước, mạch nước trong lành, sạch sẽ bốn mùa. Phải chăng được một thầy địa lý tài ba chọn được vị trí đắc địa mới cho nguồn nước tốt đến thế. Ngắm giếng mới thấy, từ cả nghìn năm trước, không một chút vôi vữa, xi măng mà giếng bền bỉ, đẹp đẽ với thời gian. Thành giếng thẳng tắp không tỳ vết, mà kỳ lạ ở chỗ chỉ đơn giản là bàn tay tài hoa của người xưa đã xếp từng viên gạch, từng viên gạch… mà tạo được sự vững vàng đó! Gạch xếp làm giếng là loại “gạch thất”, từng vòng, từng vòng xếp so le nhau. Miệng giếng có 3 tầng đá xanh, không phải đá thường, mà là những chiếc cối đá tròn, cũng khéo léo xếp lên nhau y như xếp gạch vậy. Ngay cả thành giếng cũng là đá xanh nguyên phiến nhẵn bóng và mát lạnh theo thời gian. Ông trưởng thôn còn chỉ cho tôi những vết dây gầu múc nước, đời nối đời, mài lên thành giếng, kéo từng gầu, tạo thành nhiều vệt lõm bóng mịn.

Giếng ngọc của làng còn gắn với di tích Quán Dố - một ngôi miếu cổ, thờ Ma lỗ Đại vương. Theo lệ làng, cứ đến tháng Sáu âm lịch, dân làng tổ chức lễ rước nước từ giếng ngọc về Quán Dố để cầu mưa. Khi ấy, các cụ cao niên trong làng sẽ khăn áo chỉnh tề, trai tráng thì vác kiệu, vác lọng, bê ché ra trước giếng, xin Thần giếng cho nước thiêng về thờ tại Quán Dố, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Thế nên sau này dù có một khoảng thời gian bị vùi lấp, rồi đến ngày nay, dù nước giếng không được sử dụng để ăn uống như xưa nhưng người làng Tam Kỳ vẫn luôn quý trọng giếng như bảo vật của làng. Khi tôn tạo lại giếng vào năm 2012, dân làng Tam Kỳ người góp đất, người góp công, người góp tiền… giữ cho giếng một khoảng trời riêng bên cổng làng, để quanh giếng luôn là sắc hương của hoa tươi bốn mùa. Năm 2016, Quán Dố cũng được tôn tạo. Bắt đầu từ tháng Sáu âm lịch năm nay dân làng sẽ khôi phục lại lễ rước nước, cầu mưa, thật kỳ vọng sẽ được trở lại nơi đây vào ngày lễ đặc biệt của giếng ngọc nghìn năm này.

Trước khi rời Tam Kỳ, tôi vẫn lưu luyến ngắm nhìn giếng ngọc thêm một lần. Có chú chim sâu nho nhỏ lích tích nhảy bên bờ giếng, soi cái bóng bé xinh của mình xuống gương nước, hạt nắng cuối ngày vô tình buông xuống, hắt lên thứ ánh sáng dìu dịu như màu ngọc thạch… Mong rằng vẻ đẹp này, công trình cổ xưa và quý giá này sẽ luôn được người dân, chính quyền địa phương trân quý bảo tồn, để những lữ khách gần xa và cả con cháu đời sau càng thêm hiểu, thêm yêu quý và tự hào.

Vi Ngoan

Nguồn: "baohungyen.vn" - 25/04/2017, 11:08 [GMT+7]






Chuyện chưa từng kể về hai giếng cổ hơn 1.200 năm tuổi ở Hưng Yên
Nguyễn Đức

(Dân Việt) Người dân thôn Tam Kỳ truyền tai nhau những câu chuyện kỳ lạ xung quanh hai chiếc giếng cổ hơn 1.200 năm tuổi có nguồn nước trong xanh, không bao giờ cạn.

CCâu chuyện về hai chiếc giếng cổ tồn tại cả ngàn năm ở thôn Tam Kỳ, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên khiến ai nghe cũng tò mò, ngỡ ngàng. Trong những ngày cuối tháng 7/2018, chúng tôi có dịp về thôn Tam Kỳ “ mục sở thị” hai chiếc giếng cổ này.

Hai giếng cổ có niên đại hơn 1.200 năm

Đường vào thôn Tam Lỳ được trải bê tổng phằng lỳ hai bên đường là hàng cây xanh xòa tàn rợp bóng mát. Ngay đầu làng là chiếc cổng làng mang đâm nét cổ kính, rêu phong. Nhìn sang phải thấy một chiếc giếng cổ có đường kính khoảng 1m.

Chiếc giếng cổ ở gần cổng làng thôn Tam Kỳ



Nguồn nước trong giếng luôn trong vắt, không bao giờ cạn




Ông Vũ Như Lân, bí thư thôn Tam Kỳ cho biết, đây cũng chính là chiếc giếng cổ mới được dân làng Tam Kỳ khôi phục lại cách đây vài năm. Mở nắp đậy, ông Lân giới thiệu về chiếc giếng cổ có nguồn nước xanh trong, in đậm màu trời: “Chiếc giếng cổ này có đường kính 1m, độ sâu gần 14m. Những viên gạch làm thành giếng là loại “gạch thất”, từng vòng xếp so le nhau. Miệng giếng có 3 tầng đá xanh với những khối đá tròn xếp lên nhau”.

Miệng giếng có 3 tầng đá xanh với những khối đá tròn xếp lên nhau


Ông Lân cho biết thêm, gạch làm thành giếng có chiều dày 7cm, chiều ngang 17cm và dài là 27cm. Còn các khối đá tròn có chiều cao là 17cm, đáy 27cm.

Cách chiếc giếng cổ này khoảng 200m là một chiếc giếng cổ thứ 2. Chiếc giếng cổ này nằm trong khuôn viên của một gia đình trong thôn Tam Kỳ. Đến nay, gia đình này vẫn sử dụng nguồn nước trong giếng để sinh hoạt hàng ngày.


Phía thành giếng có một lớp sắt che đậy tránh người dân rơi xuống giếng


Chiếc giếng cổ thứ hai có đường kính 1m, chiều sâu hơn 10m. Những viên gạch làm thành giếng là loại “gạch thất”m từng vòng xếp so le nhau. Còn thành giếng là loại đá xanh nguyên phiến nhẵn bóng.

“2 chiếc giếng cổ trong thôn Tam Kỳ được ví như là hai mắt thần và được coi là linh khí của thôn Tam Kỳ. Bởi vậy, mà người dân trong thôn rất trân trọng giữ gìn và bảo vệ giếng cổ. Trải qua thời gian, hai chiếc giếng cổ vẫn còn gần như nguyên vẹn”, ông Lân chia sẻ.

Ông Lê Đức Dân, chủ tịch UBND xã Nghĩa Trụ cho hay, hai chiếc giếng cổ tại thôn Tam Kỳ cũng là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà lịch sử nổi tiếng, trong đó có nhà sử học Lê Văn Lan. Qua nhiều lần khảo sát, đánh giá, và dựa trên cách xây dựng, các di tích, ông Lan xác định niên đại của hai chiếc giếng cổ này có niên đại khoảng hơn 1.200 năm.

Nước giếng cổ trong vắt, không bao giờ cạn

Ông Nguyễn Quang Huy (SN 1962), Trưởng thôn Tam Kỳ kể rằng, trước kia, hai giếng cổ này là nguồn nước sạch của cả thôn. Mùa mưa, mạch đầy, nước dâng cao tới gần miệng giếng nên có thể dùng gáo múc được. Mùa khô, nước xuống thấp hơn, nhưng chỉ xuống thấp chứ không bao giờ cạn.

Thông tin về chiếc giếng cổ được khắc trên tấm bia đá


“Tôi nghe các cụ kể lại rằng, vào mùa khô ao trong làng gần như cạn nước nhưng riêng hai chiếc giếng nước này nước vẫn trong vắt, không hề cạn nước. Đặc biệt, nguồn nước ở giếng cổ này sạch, không ô nhiễm nên dân nào trong thôn cũng dùng nước này để ăn uống, tắm rửa”, ông Huy nói.

The lời ông Huy, các cụ trong thôn Tam Kỳ còn truyền tai nhau những câu chuyện kỳ lạ xung quanh hai chiếc giếng cổ này. Người ta kể rằng, vào trưa mùa hè, có người phụ nữ đi làm đồng bị cảm nắng, được dân làng dìu đến bên giếng, rửa mặt bằng nước giếng và múc nước giếng cho uống. Sau đó, người phụ nữ này dần mở mắt tỉnh lại.
Chiếc giếng cổ này nằm trong khuôn viên của một gia đình trong thôn Tam Kỳ



Ông Huy cho hay, từ năm 1980 trở về đây, nhiều người dân bắt đầu sử dụng nước giếng khoan để dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Cũng kể từ đó, mọi người không sử dụng nước ở chiếc giếng cổ gần cổng làng để ăn uống như xưa, nhưng người thôn tam Kỳ vẫn luôn quý trọng giếng như bao vật.

Thành giếng là loại đá xanh nguyên phiến nhẵn bóng



“Năm 2012, dân làng Tam Kỳ người góp đất, người góp công, người góp tiền tôn tạo một phần nhỏ của chiếc giếng cạnh cổng làng nhằm bảo tồn giá trị văn hóa cổ xưa hàng ngàn năm tuổi. Bắt đầu từ tháng sáu âm lịch năm 2017, dân làng Tam Kỳ đã khôi phục lại lễ rước nước, cầu m ưa. Khi ấy, các cụ cao niên trong làng sẽ khăn áo chỉnh tề, trai tráng thì vác kiệu, vác lọng, bê chén ra trước giếng, xin thần giếng cho nước thiêng về thờ tại Quán Dố, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt”, ông Huy chia sẻ.

Nguồn: Báo điện tử Dân Việt - Chủ Nhật, ngày 29/07/2018 18:55 PM


Mời xem bài:

Giải mã bí ẩn giếng ngọc 1.200 tuổi tại Hưng Yên


Người dân thôn Tam Kỳ, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang - Hưng Yên) cho rằng, sử dụng nước giếng ngọc hơn 1.200 tuổi khiến ai cũng khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, con gái tóc mượt dài và đen như gỗ mun.



Những câu chuyện lạ kỳ

Thôn Tam Kỳ (Xuân Cầu), xã Nghĩa Trụ (Văn Giang - Hưng Yên) được nhiều người biết đến bởi là quê hương của nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu - Tô Chấn. Trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này, người dân thôn Tam Kỳ mới khôi phục được hai chiếc giếng ngọc có niên đại hơn 1.200 năm tuổi.

Về Tam Kỳ, chúng tôi dừng chân trước cổng làng cổ kính rêu phong. Nhìn sang phải thấy một chiếc giếng có đường kính khoảng 1m. Đây chính là giếng ngọc mới được dân làng khôi phục lại.

Chúng tôi không khỏi tò mò bước đến gần. Nước giếng xanh trong, in màu của trời, của mây, của những tầng đá xanh bao quanh thành giếng. Phía trên có bia giếng ngọc "Cổng Đồng". Bàn thờ vẫn đang nhả khói hương nghi ngút.


Chiếc giếng ngọc hơn 1200 năm tuổi tại thôn Tam Kỳ. (Ảnh: Kim Thược)



Thấy tôi tò mò ngắm nghía chiếc giếng cổ, ông Nguyễn Quang Huy (SN 1962) - Trưởng thôn Tam Kỳ lên tiếng:
"Xưa kia, giếng này là nguồn nước sạch của cả làng Xuân Cầu. Mùa mưa, mạch đầy, nước dâng cao tới gần miệng giếng nên có thể dùng gáo múc được.

Mùa khô, nước xuống thấp hơn, nhưng chỉ xuống thấp chứ không bao giờ cạn. Cả làng dùng suốt mùa khô hạn mà nước vẫn trong vắt như gầu đầu tiên múc lên. Nước mát, ngọt nên nhà nào sử dụng nước giếng cũng khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, con gái tóc mượt dài đen như gỗ mun".


Ông Nguyễn Quang Huy bên chiếc giếng cổ hơn 1200 năm tuổi. (Ảnh: Kim Thược)



Ông Huy còn cho biết, các cụ trong thôn Tam Kỳ còn truyền tai nhau những câu chuyện kỳ lạ xung quanh chiếc giếng cổ này. Người ta kể rằng, có người đi làm đồng bị cảm nắng, được dân làng dìu đến bên giếng, rửa mặt bằng nước giếng và múc nước giếng cho uống. Người này dần mở mắt tỉnh lại. Rồi có một năm trời nắng hạn, cỏ cây khô héo, ao hồ cạn sạch. Duy chỉ có giếng ngọc không lúc nào cạn đã giúp người dân Tam Kỳ vượt cơn hạn hán.

Giải thích về những câu chuyện kỳ lạ về chiếc giếng, ông Huy cho hay:
"Nhiều người không hiểu cho rằng mê tín dị đoan. Nhưng tôi nghĩ có gì lạ khi một người bị cảm do làm việc quá sức có hớp nước mát uống thì tỉnh táo là điều dễ hiểu.

Quan trọng nước ở giếng ngọc này sạch, không ô nhiễm nên dùng nước này để ăn uống sẽ ít bệnh tật, tắm rửa da không mụn nhọn, gội đầu tóc sẽ mềm mại. Chẳng phải bây giờ nhiều người mắc ung thư hay cá chết hàng loạt cũng một phần là do nguồn nước bị ô nhiễm? Những câu chuyện truyền tai nhau là để con cháu Tam Kỳ trân trọng nguồn nước sạch và quý hiếm".


Chiếc giếng ngọc của thôn mới được trùng tu nên hiện tại người dân chưa sử dụng. (Ảnh: Kim Thược)




Hai mắt thần và con số 7 bí ẩn

Lời đồn quả không sai, chiếc giếng Tam Kỳ quả là một công trình độc đáo. Giếng đào thủ công và chưa bao giờ cạn nước. Mạch nước trong lành, sạch sẽ bốn mùa do chọn được vị trí đắc địa cho nguồn nước tốt.

Quan sát kĩ giếng sẽ thấy, giếng được đào từ cả nghìn năm trước, người dân chỉ dùng những viên gạch xếp chồng lên nhau không chút vôi vữa vậy mà miệng giếng vẫn tròn, đẹp và không hề bị xuống cấp theo thời gian.


Còn chiếc giếng cổ hơn 1300 năm tuổi này vẫn được một gia đình trong thôn sử dụng. (Ảnh: Kim Thược)


Ông Đặng Xuân Chính (SN 1953), một người dân ở Tam Kỳ cũng là người sưu tầm nhiều thông tin và hình ảnh về giếng ngọc thôn Tam Kỳ cho biết, những viên gạch làm thành giếng là loại "gạch thất", từng vòng xếp so le nhau. Miệng giếng có 3 tầng đá xanh, không phải đá thường, mà là những chiếc khối đá tròn, cũng xếp lên nhau y như công thức xếp gạch. Ngay cả thành giếng cũng là đá xanh nguyên phiến nhẵn bóng.

Nói về lối xếp "gạch thất", ông Chính giải thích:
"Gạch làm thành giếng có chiều dày 7cm, chiều ngang 17cm và dài là 27cm. Còn các khối đá tròn úp phía trên giếng được làm thủng, chiều cao của khối đá là 17cm, đáy 27cm và miệng cối đá úp xuống là 37cm.

Tại sao các cụ lại lấy con số 7 thì đến giờ chúng tôi chưa lý giải được. Chỉ biết, khi lắp vào thì rất là khít. Dù không có vôi vữa, chỉ xếp các viên gạch, viên đá vào nhau nhưng đã tạo được sự vững chắc. 1.200 năm tuổi, giếng vẫn nguyên vẹn".


Ông Đặng Xuân Chính bên những hình ảnh về chiếc giếng cổ trong làng. (Ảnh: Kim Thược)



Ngoài ra, chiếc giếng cổ còn lại nằm trong khuôn viên của một gia đình trong thôn. Chiếc giếng này có tuổi đời hơn 1.300 năm và đến nay vẫn được gia đình này sử dụng để lấy nước sinh hoạt hàng ngày.

Sở dĩ, giếng phải khôi phục là do thời kì kháng chiến chống Pháp, giếng đã bị lấp đi. Người dân thôn Tam Kỳ quan niệm: "
2 chiếc giếng cổ là hai mắt thần và là linh khí của thôn Tam Kỳ. Bởi vậy, việc lấp hai chiếc mắt thần đã vô tình động linh khí của làng. Muốn linh khí tốt, người dân phải khôi phục lại hai chiếc giếng cổ".

Được biết, giếng ngọc của làng còn gắn với di tích Quán Dố - một ngôi miếu cổ, thờ Ma Lỗ Đại Vương. Theo lệ làng, cứ đến tháng sáu âm lịch, dân làng tổ chức lễ rước nước từ giếng ngọc về Quán Dố để cầu mưa.

Khi ấy, các cụ cao niên trong làng sẽ khăn áo chỉnh tề, trai tráng thì vác kiệu, vác lọng, bê ché ra trước giếng, xin Thần giếng cho nước thiêng về thờ tại Quán Dố, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.


Nhiều đứa trẻ trong làng rất tò mò về câu chuyện xoay quanh chiếc giếng cổ. (Ảnh: Kim Thược)



Thế nên sau này dù có một khoảng thời gian bị vùi lấp, dù nước giếng ngọc không được sử dụng để ăn uống như xưa, nhưng người thôn Tam Kỳ vẫn luôn quý trọng giếng như bảo vật. Khi tôn tạo lại giếng vào năm 2012, dân làng Tam Kỳ người góp đất, người góp công, người góp tiền giữ cho giếng một khoảng trời riêng bên cổng làng, để bảo tồn giá trị văn hóa cổ xưa hàng ngàn năm tuổi.

Năm 2016, Quán Dố cũng được tôn tạo. Bắt đầu từ tháng sáu âm lịch năm 2017, dân làng sẽ khôi phục lại lễ rước nước, cầu mưa. Trước khi rời Tam Kỳ, ông Nguyễn Xuân Huy - Trưởng thôn Tam Kỳ tâm sự:
"Tôi mong rằng vẻ đẹp này, công trình cổ xưa và quý giá này sẽ luôn được người dân, chính quyền địa phương trân quý bảo tồn, để những lữ khách gần xa và cả con cháu đời sau càng thêm hiểu, thêm yêu quý và tự hào về truyền thống của quê hương Tam Kỳ".
Không chỉ là truyền miệng, giếng Tam Kỳ đã là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà lịch sử nổi tiếng. Qua nhiều lần khảo sát, đánh giá và dựa trên cách xây dựng, nguyên liệu, kỹ thuật gắn với một số di tích của làng, Nhà sử học Lê Văn Lan đã xác định niên đại của giếng cổ. Theo đó, giếng có từ thời nhà Đường, tức là cách đây khoảng 1200 năm. Năm 2013, khi giếng ngọc Tam được trùng tu và khánh thành, Nhà sử học Lê Văn Lan cũng đã có lời đề tự rằng đây là nơi: "Tụ Thủy như tụ Nhân".





KIM THƯỢC, THEO VTC



Nguồn: Kenh14.vn, 09:28 14/05/2017




Mời xem bài:

Nhà lưu niệm liệt sỹ Tô Hiệu

Thursday, November 16, 2017

Làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, Văn Giang là mảnh đất liệt sỹ Tô Hiệu sinh ra và lớn lên. Năm 2000, tại khu đất cũ của gia đình đồng chí, nhà lưu niệm được xây dựng và trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.


Đoàn cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Trụ (Văn Giang) viếng mộ liệt sỹ Tô Hiệu (ảnh Báo HY)



Ðồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, là chiến sĩ cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, hy sinh ngày 7/3/1944 tại nhà tù Sơn La. Ðồng chí sớm giác ngộ, đi theo cách mạng, tham gia vào các phong trào yêu nước khi còn rất trẻ. Đồng chí từng hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức nhiều cuộc đình công, biểu tình và trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại thực dân Pháp xâm lược. Tháng 2/1939, đồng chí Tô Hiệu được phân công về phụ trách Liên khu B (gồm các tỉnh miền Duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên), trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Bị địch bắt lần thứ 2 khi đang kiểm tra việc in truyền đơn chuẩn bị cho phong trào đấu tranh mới (1/12/1939), tại xóm thợ Thượng Lý (quận Hồng Bàng), cuối tháng 12/1939, thực dân Pháp kết án 5 năm tù và đày đồng chí đi nhà tù Sơn La. Dù hai lần bị địch bắt, giam cầm nhưng đồng chí vẫn luôn lạc quan, kiên trung với con đường cách mạng. Đặc biệt tại nhà ngục hà khắc của thực dân Pháp, mặc dù bị lao phổi nặng do di chứng trong những ngày lao tù tại Côn Đảo, với cương vị là Bí thư chi bộ nhà tù, đồng chí đã hăng hái tham gia lãnh đạo anh em trong tù đấu tranh, giữ vững khí tiết cách mạng, đồng thời biến nhà tù thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ cốt cán cho Đảng, cho cách mạng. Đồng chí được anh em tuyệt đối tín nhiệm, tin tưởng, được coi như linh hồn của phong trào đấu tranh cách mạng trong nhà tù Sơn La. Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại bài học to lớn về tinh thần đấu tranh cách mạng, về công tác xây dựng Ðảng. Bản lĩnh kiên cường, bất khuất, tinh thần lạc quan cách mạng cũng như tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Tô Hiệu đã trở thành di sản quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng và lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong suốt 4 năm trong nhà ngục Sơn La - “Địa ngục trần gian”, ông đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ cảm tình với cách mạng, sau đó tham gia cách mạng. Ngày 7/3/1944, Tô Hiệu hy sinh tại nhà tù Sơn La lúc 33 tuổi.
Được sự quan tâm của Đảng, nhà lưu niệm liệt sỹ Tô Hiệu được khánh thành năm 2000, nằm bên cạnh nhà thờ Tổ, trong khuôn viên rộng hơn 700 m2 . Năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh, gia đình đồng chí đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục nhà lưu niệm, năm 2014 xây thêm khu nhà đón tiếp khách đến tham quan, thăm viếng.

Tổng thể kiến trúc của công trình mang đậm nét truyền thống với kết cấu kiểu chữ Đinh gồm 2 tòa: Tòa ngoài 3 gian, tòa trong là 1 gian làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch Bát Tràng. Phần trang trí tập trung của nhà lưu niệm ở tòa trong và gian trung tâm tòa ngoài với việc bài trí nhiều đồ thờ tự. Đây là nơi đặt ban thờ đồng chí Tô Hiệu với di ảnh và tượng bán thân đồng chí được đúc bằng đồng. Phía trên ban thờ treo bức hoành phi "Đại nghĩa lưu phương" (Đại nghĩa - sự nghiệp của Đảng để lại tiếng thơm mãi mãi về sau). Hai bên ban thờ treo đôi câu đối chữ Hán:

"Vạn lý đào hoa nghinh quốc vận;
Thiên thu hồng nhật chiếu gia thanh
"
Dịch nghĩa: “Muôn dặm hoa đào mừng vận mới của Tổ quốc;
Ngàn thu mặt trời rọi sáng trên thanh danh của gia đình họ Tô"

Các bức hoành phi, câu đối trên đây đều do Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu đề tặng nhân dịp khánh thành nhà lưu niệm với nội dung ca ngợi công đức của đồng chí Tô Hiệu.

Hai bên tòa nhà là nơi trưng bày hơn 100 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu nhằm tái hiện lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí đối với quê hương, đất nước thể hiện rõ nét qua 3 chủ đề chính:
1: Quê hương Xuân Cầu và dòng họ Tô ở Xuân Cầu;
2: Tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu;
3: Tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đồng chí Tô Hiệu.

Cây đào ở nhà tù Sơn La được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945 khi cách mạng đã thành công để tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng của một chiến sỹ kiên cường. Sau này một cành của cây đào này đã được triết và đưa về trồng bên Lăng Bác. Nghĩa trang Gốc Ổi ở thành phố Sơn La cũng trồng đào sau khi lấy giống từ cây đào này. Ngày nay cây đào Tô Hiệu ở Nhà tù Sơn La luôn xanh tươi chào đón du khách mọi miền có dịp đến thăm. Trong sân của nhà lưu niệm liệt sỹ hiện có cây đào được nhân giống từ cây đào Tô Hiệu tại nhà tù Sơn La để tưởng nhớ tới người anh hùng đã khuất.

Hàng năm, vào ngày mất của liệt sỹ, con cháu trong dòng họ dù xa hay gần đều tề tựu đông đủ về nhà thờ Tổ, nhà lưu niệm để thắp nén nhang thơm tỏ lòng thành kính tới người con ưu tú của dòng họ Tô. Nhà lưu niệm liệt sỹ Tô Hiệu sẽ là nơi chào đón nhân dân và du khách thập phương khi về thăm mảnh đất Hưng Yên địa linh, nhân kiệt.

TTTTXTDL

Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân người thầy lớn của nền Mỹ thuật Cách mạng

Cứ mỗi dịp đất nước kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các thế hệ thầy trò Trường ĐH Mỹ thuật VN lại nhớ về họa sĩ Tô Ngọc Vân...



Chân dung họa sỹ Tô Ngọc Vân, chì màu của Lê Lam. Trên tranh có chữ ký của các sinh viên khóa Kháng chiến.



Ông là một người thầy lớn có nhiều đóng góp trong kháng chiến và để lại nhiều niềm tôn kính và tiếc thương trong lòng các thế hệ giáo viên mỹ thuật khi ra đi ngay sau chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ.

Học trò của ông vẫn truyền lại hoàn cảnh hi sinh của ông như để nhắc nhở nhau về một tấm gương lao động nghệ thuật chân chính vì dân vì nước. Sau chiến thắng “chấn động địa cầu”, lúc đó, trên đường làm nhiệm vụ, với cương vị của mình, họa sỹ Tô Ngọc Vân hoàn toàn được tiêu chuẩn đi ô tô, nhưng ông đã khước từ, tự nguyện đi cùng đoàn bộ đội để được chứng kiến đoàn quân khải hoàn phục vụ cho công việc ký họa chân thực của một nghệ sĩ cách mạng.

Thời gian đó, dù thất bại trên chiến trường Điện Biên Phủ, quân Pháp vẫn điên cuồng bắn phá ta. Ông đã hi sinh ngày 17 tháng 6 năm 1954 trong một cuộc dội bom của Pháp tại Km41, Ba Khe, Sơn La.

Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân (1906 -1954) sinh ra ở Hà Nội, có quê gốc làng Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên. Ông học khoá II Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 -1931), sau này trở thành giáo sư hội hoạ của trường.

Tác giả bức tranh nổi tiếng “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hà Nội vùng đứng lên” đã tham gia hoạt động bán công khai trong Mặt trận Việt Minh, là một trong những hoạ sỹ đầu tiên được vào vẽ Bác Hồ tại Bắc Bộ phủ.


Thiếu nữ bên hoa huệ. Tác giả: Tô Ngọc Vân



Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ có Nghị định mở lại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và hoạ sỹ Tô Ngọc Vân được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam là một trong 6 trường Đại học và Cao đẳng đầu tiên của nền giáo dục Cách mạng.

Năm 1946, khóa học đầu tiên tồn tại từ tháng 10 đến ngày toàn quốc kháng chiến (12/1946). Đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng nhiều văn nghệ sĩ đã lên chiến khu tham gia kháng chiến trường kỳ. Năm 1950, sau những nỗ lực vận động và hoàn cảnh kháng chiến cho phép, Trường Cao đẳng Mỹ thuật tiếp tục khai giảng với khóa học 21 sinh viên. Khóa học này có tên đặc biệt Khóa Kháng chiến.

PGS. NSND. họa sỹ Ngô Mạnh Lân là một trong số các sinh viên của khóa học đặc biệt đó. Ông còn nhớ như in trong điều kiện kháng chiến gian khổ ấy, họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng các giảng viên của Trường Mỹ thuật Kháng chiến luôn cố gắng đảm bảo chất lượng giáo dục, đời sống cho các sinh viên. Người thầy ấy cùng gia đình có lúc đã bỏ tiền của để nuôi sinh viên qua những năm gian khó.


Hà Nội vùng đứng lên, khắc gỗ, 1946. Tác giả: Tô Ngọc Vân



Từ phương thức “Học trong cuộc sống”, thầy giáo Tô Ngọc Vân và các đồng nghiệp của Trường đã tạo ra một chuyển biến quan trọng trong sinh viên là đưa nghệ thuật trở về với cuộc sống đời thường nhật, phục vụ công cuộc kháng chiến của dân tộc.

“Thầy Tô Ngọc Vân nói rằng, nhân dân nuôi chúng ta cơm ăn áo mặc thì chúng ta phải trả lại nhân dân bằng hội họa, bằng tác phẩm của mình” – PGS, NSND. Họa sỹ Ngô Mạnh Lân chia sẻ: “Với phương châm ấy, những người cán bộ và họa sĩ là cán bộ cũng công tác như mọi người khác và phục vụ nhân dân bằng tác phẩm của mình. Anh em chúng tôi đã thực hiện được điều đó”.

Do hoàn cảnh chiến tranh chưa có điều kiện để xây dựng các tác phẩm lớn, các sáng tác của thầy trò Khóa Kháng chiến thời ấy chủ yếu tập trung vào mảng ký họa, tranh cổ động. Chính những sáng tác này đã tạo nên những giá trị hết sức độc đáo của một giai đoạn lịch sử. Bắt đầu từ đây, người nghệ sỹ dấn thân vào công cuộc kháng chiến, xác lập ý thức công dân, khẳng định vai trò của người cán bộ mỹ thuật-cán bộ văn hóa.

Họa sỹ Tô Ngọc Vân (ngồi thứ 5, hàng dưới, từ trái sang) cùng các giảng viên và sinh viên Trường Mỹ thuật Kháng chiến, tại Việt Bắc



“Họa sỹ Tô Ngọc Vân đã có công truyền thụ những giá trị nhân văn, phương pháp sư phạm khoa học của Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng tình yêu Tổ quốc cho một thế hệ nghệ sỹ của nền tạo hình cách mạng” – PGS, NGND. Họa sỹ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật VN khẳng định: “Những quan điểm và phương pháp giáo dục của họa sỹ Tô Ngọc Vân đã tạo nên một thế hệ nghệ sỹ kháng chiến tài năng, có vị trí trang trọng trong lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại”.

Ông có nhiều tiểu luận phê bình có tính học thuật đăng trên các báo được dư luận chú ý như: “Bước đầu của Hội họa Việt Nam” (1942), “Học hay không học” (1949), “Người vẽ” (1950), “Tranh tuyên truyền và hội họa” (1947-1948). Những bài viết và tham luận của họa sỹ Tô Ngọc Vân đã đưa ông vào vị trí một cây bút lý luận phê bình thuộc hàng tiền bối.

Với những đóng góp to lớn của mình, họa sỹ Tô Ngọc Vân đã được nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất năm 1996. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Những đường phố mang tên của ông xuất hiện trên nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam.

Nhà phê bình mỹ thuật Trần Thức khẳng định: “48 năm tuổi đời, 28 năm tuổi nghề với những đóng góp lớn lao không mệt mỏi, đầy nhiệt tâm, nhiệt huyết, nhiệt tình và trọng trách, Tô Ngọc Vân thực sự đã bắc được những nhịp cầu nhân ái và trí thức từ nghệ thuật với các thế hệ nối tiếp, vì tương lai văn hóa nước nhà”


Họa sỹ Tô Ngọc vân
- Sinh ngày 15 tháng 12 năm 1906
- Quê quán: Xã Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
- Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, năm 1931.
- Ông mất ngày 17 tháng 6 năm 1954

Quá trình công tác:
- Năm 1939 - 1945: Giáo sư Trường Mỹ thuật Đông Dương.
- Năm 1945 - 1954: Hiệu trưởng Trường Đại học thuật Việt Nam,
trực tiếp giảng dạy Khóa Mỹ thuật Kháng chiến tại Việt Bắc
- Trưởng đoàn Văn hóa Kháng chiến.
- Giám đốc Xưởng Sơn mài Việt Nam.
- ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam.
- ủy viên Ban Mỹ thuật Trung ương

Những công trình chính:
- Thiếu nữ bên hoa huệ, sơn dầu, 1943
- Thuyền trên sông Hương, sơn dầu
- Hồ Chủ tịch làm việc, khắc gỗ, 1946
- Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ phủ, sơn dầu, 1946
- Bộ đội nghỉ chân bên đường, sơn mài, 1948
- Xưởng quân giới, sơn dầu, 1951
- Tập ký họa trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Giải thưởng
- Bằng danh dự của triển lãm Thuộc địa Paris năm 1931
(Honorary certificate at the Colonial Exposition of Paris in 1931)
- Khen thưởng danh dự tại triển lãm của Hội Họa sỹ Pháp - Salon Paris năm 1932.
- Giải nhất triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1954.
- Huân chương Độc lập Hạng Nhất.

đăng bởi: vovnews

Nguồn: Xaluan.com

Hưng Yên dâng hương tưởng niệm Bác Hồ, đồng chí Lê Văn Lương và liệt sĩ Tô Hiệu

Friday, April 21, 2017

Đức Sỹ

Nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Mam thống nhất đất nước và nhân kỷ niệm ngày mất của nhà cách mạng Lê Văn Lương (25/4/1995), sáng 21/4, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, nhà nước và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tại nhà thờ Bác Hồ ở xã Đình Dù, huyện Văn Lâm; nhà tưởng niệm Lê Văn Lương và tượng đài liệt sĩ Tô Hiệu ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.


Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tại nhà tưởng niệm đồng chí Lê Văn Lương


Dự lễ dâng hương, dâng hoa nhân ngày mất của nhà cách mạng Lê Văn Lương có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đại tướng Nguyễn Quyết, Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng nhà nước; ông Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ; ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Phóng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28/3/1912 tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, mất ngày 25/4/1995. Ông là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng và công tác của mình, luôn nêu cao phẩm chất người chiến sĩ cách mạng, có nhiều công lao trong xây dựng tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở nhiều địa phương. Ông được Đảng, Nhà nước phân công giữ nhiều trọng trách như: Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Nguyên chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng đạo tỉnh Hưng Yên dâng hoa tại tượng đài liệt sĩ Tô Hiệu


Cũng nhân dịp này, Nguyên chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng đạo tỉnh Hưng Yên và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã đến dâng hoa tại tượng đài liệt sĩ Tô Hiệu nằm trong khuôn viên nhà truyền thống xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.

Tiếp đó, đoàn đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà thờ Bác Hồ ở xã Đình Dù, huyện Văn Lâm. Tại nơi đây, vào ngày 3/7/1958, Bác Hồ đã về thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đình Dù vì là xã có thành tích chống hạn tốt nhất tỉnh.



Đức Sỹ

Làng ba bước chân gặp một 'rừng người' nổi tiếng

Wednesday, April 5, 2017
_ DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG _

Nơi đó, từng bờ ao, góc giếng, gốc cây, con ngõ làng đều in dấu những danh nhân. Đây là ao nơi Lê Văn Lương từng ra tắm, kia là nhà nơi Tô Hiệu từng dạy học...



Đây là ao nơi Lê Văn Lương từng ra tắm, kia là nhà nơi Tô Hiệu từng dạy học hay đánh cờ, nọ là chốn mà Tô Ngọc Vân từng kê giá vẽ, kề bên đó là góc vườn của nhà văn Nguyễn Công Hoan…

Người tình của Tô Hiệu

Làng Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên) không quá lớn, chỉ rảo bộ một lúc đã hết lượt. Bởi vậy mật độ người nổi tiếng càng thêm đậm đặc, cảm tưởng cứ ba bước chân lại gặp một nhà người nổi tiếng. Bốn cái giếng đá gắn với lịch sử của làng từ 12 thế kỷ nay như minh chứng về một vùng đất của người Việt gốc Hoa di dân.

Một cái cổng làng Xuân Cầu

Dân làng thường tự hào rằng:
“Làng tôi ăn nước giếng khơi.
Xây toàn bằng đá nước thời trong veo.
Ba thôn không có người nghèo.
Có muốn lịch sự thì theo anh về”
.

Đã từng có những năm tháng lầm lỡ báng bổ thánh thần, chùa chiền khắp nơi bị biến thành các kho phân đạm của HTX, tấm bia văn chỉ của làng cũng bị cánh thanh niên phá ra định để nung vôi, có một ông lão tiếc rẻ mới xin về làm cái cầu giặt. Sau nhờ cánh sinh viên khoa sử của một trường đại học sơ tán về, tình cờ đọc được những văn tự trên cái cầu giặt đó mới giật mình bởi làng có 11 người đỗ đại khoa gồm 9 tiến sĩ và 2 phó bảng.

Làng chia làm hai nghề rõ rệt là làm ruộng và đi buôn. Đã buôn là buôn lớn nên ở Hà Nội hay Hải Phòng đều có những tiệm sang trọng bắt đầu bằng chữ Xuân. Cũng chính bởi sự ganh đua buôn bán, ganh đua học hành hay ganh đua đi làm cách mạng ở cái thủa “gươm kề cổ, súng kề tai” đã khiến cho người làng trở nên nổi tiếng.
Thế hệ thứ nhất có thể nói đến các nhà cách mạng như Tô Chấn, Tô Hiệu, Lê Giản, Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miều - em của nhà văn Nguyễn Công Hoan) hay họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhà văn Nguyễn Công Hoan. Thế hệ thứ hai là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền (bố của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tài (con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan)…

Nhà lưu niệm về Tô Hiệu

Làng có ba thôn nhưng hầu hết những người nổi tiếng đều ở Tam Kỳ, tập trung quanh khu giếng đình Ba, nơi đất phát của dòng họ Tô. Trong hồi ức của ông Tô Ngọc Thực thì:
Cho đến năm 1934 vào khoảng cuối mùa thu, một buổi chiều nắng dịu, các bà, các cô gái đi chợ Nhiễm về hớn hở: “Anh Hiệu đã về. Anh Hiệu đã về”.
Bác Hiệu tầm thước, mảnh dẻ, gương mặt hiền hậu hay cười. Bác mặc quần áo tù màu xám, chân đi guốc mộc kèm theo là hai tên lính cơ đưa về cho lý trưởng làng Xuân Cầu quản thúc… Trong sân miếu cổ ngay trước cổng nhà Tô Hiệu đã biến thành một sân vận động nhỏ, tập thể dục, tập võ, lên xà đơn. Ngoài lập ra hội nông dân cứu tế, bác còn mở lớp dạy học ngay tại nhà rồi vận động thành lập trường kiêm bị Xuân Cầu.
Còn đây là những dòng đầy cảm xúc của ông Lê Giản (Tô Gĩ) khi viết về Tô Hiệu:
Tô Hiệu là trạng cờ... Người ta đánh một ván cờ mất hàng giờ hay hơn nữa. Những người chơi là tướng cờ nổi tiếng trong vùng, bao nhiêu tâm trí tập trung vào ván cờ nên thường lườm nguýt những người chầu rìa hay tán chuyện.
Còn Tô Hiệu thì cứ ung dung, nhiều lắm một nước đi cũng chỉ vài ba phút vừa đánh cờ vừa tán chuyện đâu đâu với bọn cùng lứa tuổi nhưng cuối cùng ông đàn anh ba bốn chục tuổi vẫn thường phải cười nói cho đỡ ngượng: “Ban nãy mình tính nhầm một nước, biết là phải để phần thắng cho chú mà”.
Tôi rảo bộ đến nhà bà Nguyễn Thị Gái - học trò của ông thủa nào để nghe những câu chuyện quá vãng và nghe hát trống quân.
Bà Gái (bên phải) - học trò của Tô Hiệu đang hát trống quân
Tôi lại đến nhà người tình của ông, bà Nguyễn Thị Vân Tường (tên thường gọi là bà Tì). Bà đã mất chỉ còn người cháu họ tên là Nguyễn Thị Sơn vẫn ngày ngày bên chái nhà cũ kể lại chuyện ngày xưa.

Ông Hiệu và bà Tì lúc còn ở làng hai nhà đã gán ghép cho nhau, khi ông đi tù ở Sơn La thì bà do hoạt động cách mạng cũng tù ở Hải Phòng. Ra tù, bà lên Sơn La thăm, ông thấy sức khỏe mình yếu, liệu không qua khỏi mới khuyên người yêu đi lấy chồng nhưng bà nào có chịu.
Về sau ông mất đi, khi nhận được tấm ảnh cũ kĩ còn lưu tại sở mật thám Pháp bà cứ ôm lấy mà khóc rằng:
“Cùng nhau xa cách đã bao đông.
Nhìn ảnh càng thêm chạnh nỗi lòng.
Cay đắng bất bình khi nhớ tiếc.
Ngậm ngùi ly biệt lúc sầu tuôn.
Tím gan tưởng nhớ lời giao ước.
Nát ruột đành cam giọt lệ hồng.
Nhà tù canh tàn ngơ ngẩn bóng.
Xa xôi tình nghĩa chẳng vân mòng”.


Bà Tì sống một đời phúc hậu nhưng cô độc ở làng. Trước khi chết, có một đoàn cán bộ đến thăm, hỏi bà cần gì không? Bà đáp: “Tôi không chồng, không con, sau này chết có được tiêu chuẩn hương khói gì không?”. Vị cán bộ đáp: “Có bà ạ”. Thế nhưng cứ như bà Sơn cho hay thì từ lúc mất đi, ngày giỗ, ngày tết không có một nén hương nào của chính quyền, nghĩ mà thêm tủi.


Ông Lê Văn Lương “biết thôi miên”

Mẹ ông Tô Nhụ thường nói rằng: “Cậu Miều thôi miên giỏi lắm, nhìn vào mắt người khác là khiến được họ” (ông Lê Văn Lương có tên thật là Nguyễn Công Miều).
Về chuyện này ông Quản Ngọc Tuấn nguyên Bí thư xã Nghĩa Trụ lại giải thích sở dĩ dân làng đồn thổi ông Lê Văn Lương biết thôi miên là bởi mắt ông bình thường hay lim dim nhưng khi mở to thì rực sáng lạ thường: “Ông Lương thường ra khu Mả Giang Ao Trại khi mặt trời còn chưa mọc để tập thể dục. Mặt trời mọc, ông ngồi hướng thẳng nhìn về phía đó để luyện mắt…”.

Ảnh của những người dòng họ Tô

Ngôi nhà cũ của dòng họ Nguyễn Công về sau được bán cho một người cùng làng nên giờ đây nhà tưởng niệm Lê Văn Lương dựng trên đất được chính quyền cấp. Trong cương vị là Bí thư xã ông Tuấn cũng đã nhiều lần được tiếp kiến anh ông Lương là nhà văn Nguyễn Công Hoan và rất ấn tượng bởi dễ gần, nhất là thích… tổ tôm.

Chuyện về ông Lê Giản - đoạn trước cách mạng rất kỳ bí. Khi đi hoạt động ông bị Pháp bắt đày ở nước ngoài, được chính quân đồng minh giải thoát, huấn luyện làm gián điệp để chống lại phát xít Nhật rồi thả xuống Việt Nam năm 1944. Có lẽ ông là người giữ kỷ lục thế giới khi là người đầu tiên nhảy dù từ pháo đài bay B29 xuống trên một hành trình bay thẳng gần 3.000km từ Ấn Độ đến Việt Nam.
Sau này ông làm công an, rất nổi tiếng với vụ án Ôn Như Hầu phá tan âm mưu lật đổ của Việt Nam quốc dân đảng năm 1946, được phong Tổng giám đốc Nha công an Trung ương.

Còn chuyện ông Nguyễn Tài thì chính kẻ thù giam cầm ông cũng phải khiếp.
Số là trong kháng chiến chống Mỹ, chẳng may ông bị bắt, biết là cán bộ to nên áp dụng phương pháp tra tấn tinh thần mới nhất của CIA là nhốt trong một xà lim 4 m2 sơn trắng toát và chiếu đèn cường độ cao. Không biết ngày đêm, không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì. Ông đã vẽ một ngôi sao lên tường rồi ngày ngày chào cờ, hát lên, “viết” lên trong đầu để không rơi vào trạng thái quẫn trí mà phát điên.
Suốt 4 năm giam giữ như thế, các máy phân tích nói dối của CIA đều vô hiệu khiến cho người Mỹ phải gọi ông là "The Man in the Snow White Cell" - tức người đàn ông trong buồng ngục tuyết trắng. Kẻ tra tấn tinh thần ông, Frank Snepp sau này đã viết một cuốn sách về cuộc chiến trong đó dành trọn một chương để viết về ông, Nguyễn Tài.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai năm 1951 làng có 5/158 đại biểu tham dự. Làng có hai Ủy viên Bộ Chính trị là nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Văn Lương và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Tiến sĩ xưa có 9 người còn nay đếm sơ cũng trên dưới 30 người.




DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam, 13:15, Thứ 3, 07/03/2017


"Nhân tình thế thái" cùng danh hiệu nghệ sĩ...

Friday, March 24, 2017

"Nhân tình thế thái" cùng danh hiệu nghệ sĩ...

Trần Mùi

Đội nhạc dân tộc của Đoàn múa hát Giải phóng với ca sĩ Tô Lan Phương

Ảnh: Tô Lan Phương 19 tuổi tại chiến trường miền Đông Nam Bộ 1968.

Rất nhiều người yêu mến nghệ sĩ này hỏi: "Ủa, Tô Lan Phương chưa phải là nghệ sĩ nhân dân sao?" - "Sao bây giờ chị vẫn là nghệ sĩ ưu tú!" và nhiều câu hỏi khác nữa...

Tôi chỉ cười, cái cười với nhiều dụng ý..., không trả lời bởi nếu trả lời thì dài dòng lắm...

"Nhân tình thế thái" là vậy!

Tô Lan Phương đã sống nhiều năm qua như thế này: lặng lẽ, tịnh yên, tịnh tại, sống đẹp, sống tử tế và không thích bon chen... An bài với mình với gia đình cùng những chú Cún trung thành do chị nuôi, thương nó từ tấm bé.

Cuộc sống người nghệ sĩ nổi tiếng của một thời bom đạn nhiều năm qua đến giờ là như vậy, không buôn bán hay kinh doanh..., chỉ với đồng lương hưu nhà nước mà thôi...

Chị được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú đợt đầu tiên vào ngày 25/1/1984; Giải thưởng đặc biệt cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế "Bratislavski" 1981 tại Tiệp Khắc; Giải thưởng nghệ sĩ ấn tượng nhất của Gala Festival Habana Cuba 7/1984; Huy chương vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội 1976...

Bức thư sau đây đề tên người gửi là Nguyễn Chiến - Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 Quận Thủ Đức TP HCM - người mà Tô Lan Phương không biết, không quen viết cách đây mười năm (2008) cho tới hôm nay vẫn còn mang nhiều ý nghĩa... Tôi muốn chia sẻ với bè bạn để có cái nhìn đánh giá khách quan:



Tô Lan Phương – Nghệ sĩ Chiến sĩ

Nguyễn Chiến


Quả thực từ lâu, Tô Lan Phương đã là một hình ảnh đẹp trong lòng tôi và những người bạn tôi.

Một câu hỏi luôn đặt ra trong tôi? Hết năm nọ đến năm kia sau mỗi lần công bố của Nhà nước: các danh hiệu NSUT – NSND sao không có chị???

Và rồi tôi lại cho rằng: ca hát không còn là người bạn đường của chị do một lẽ gì đó...

Nhưng rồi mọi băn khoăn của tôi được giải tỏa khi tờ báo An Ninh cuối tháng 2/2008 đăng bài của Bình Nguyên Trang: “Nghệ sĩ Ưu tú Tô Lan Phương – Ngọt ngào ký ức ngậm ngùi một chút hôm nay”

Đọc bài báo, sao tôi thấy ngậm ngùi quá… Với tôi: cái vô lý cứ đè nặng, một Tô Lan Phương cô gái Hà Thành xinh đẹp từ chối không đi du học nước ngoài (một ước mơ của bao bạn trẻ hồi đó) để vào chiến trường mang ca hát và lòng nhiệt thành phục vụ kháng chiến.

Tiếng hát của chị đã động viên và khích lệ, là tiếng kèn xung trận của bao chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, của anh bộ đội Cụ Hồ, của nhiều chàng trai cô gái thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Chị đã cống hiến cả tuổi xuân cho chiến trường ác liệt và vẫn tiếp tục cống hiến cho đời bằng tất cả tâm sức của mình.

Nhưng sao chị lại thiệt thòi như vậy?

Tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng làm sao để trả lời?

Tôi lại đem chị so sánh với bao nghệ sĩ khác và thật sự tôi không thể tự mình giải thích cho mình khi sự vô lý, sự thiếu công bằng đối với chị cứ làm tôi day dứt. Chất giọng có, tài năng có, cống hiến có, nhan sắc có, quần chúng yêu mến có… Vậy thì chị thiếu cái gì để được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân?

Tôi nghĩ chị cần được Tổ Quốc phong tặng một danh hiệu xứng đáng với những gì chị đã hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng, một sự nghiệp cách mạng hào hùng của Đảng, của Bác Hồ trong đó có Tô Lan Phương đã từng như một huyền thoại.

Mặc dầu chẳng ai phong thì chị cũng đã được mọi người yêu kính và vẻ vang thay cho nghệ sĩ Tô Lan Phương đã trở thành tên của một đại đội, biểu tượng của một nghệ sĩ cách mạng – một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa khốc liệt thời chống Mỹ mà không phải nghệ sĩ nào cũng vinh dự có (ở đây như một nghịch lý: cái chị có thì không mấy ai có – đại đội mang tên chị, cái chị không có – nghệ sĩ nhân dân thì nhiều người có!

Tôi nghĩ con người vừa bản lĩnh xông pha nơi chiến trường, vừa mang bầu nhiệt huyết ca lên những bài ca đi cùng năm tháng đầy khích lệ động viên bao chiến sĩ lao vào cuộc chiến để đánh bại kẻ thù, cũng như công cuộc xây dựng thời bình với Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tiếng đàn Ta Lư, Qua sông, Câu hát Bông sen, Tiếng hát giữa rừng Pắc bó, Bóng cây Kơ Nia…

Âm hưởng của những bài hát ấy vẫn vang trong tôi mỗi khi nghe chị hát và lạ lùng thay nhiều ca sĩ khác khi hát những bài hát này tôi lại nghĩ ngay đến chị với một nỗi niềm xúc động: giá đây lại là Tô Lan Phương.

Trong bài báo của chị Bình Nguyên Trang có đoạn:
“Tôi nhớ có một lần tại rừng vùng Tây Ninh chỉ tích tắc nữa thôi là tôi và Phương đã vĩnh viễn không trở về nữa. Đó là một buổi trưa chúng tôi đi thăm các nghệ sĩ trong chiến khu. Đang lúc chuẩn bị ăn trưa thì máy bay B52 bất ngờ ập tới, chúng tôi chưa kịp định thần thì đã thấy cây cối quanh mình đổ rạp, cháy xém cùng những tiếng nổ lớn liên tiếp. Tôi nhảy vội xuống hầm nhưng Phương thì chậm hơn, tôi phải nhoài người kéo Phương xuống… Khi hết bom chúng tôi ngoi lên được thì trước mắt mình với những cánh rừng tan nát, xác người và vật nằm ngổn ngang, chúng tôi bàng hoàng với khung cảnh ấy...”.


Đúng là một hình ảnh bi thương mà đậm tình người. Khi đọc đến đoạn này tự nhiên tôi lạnh cả người và lẩm bẩm: “Ơn trời, anh chị hãy còn sống”.

Bom đạn kẻ thù không giết được họ cũng như lời ca tiếng hát của họ, nhưng rồi tôi lại nghĩ: “Nếu họ mãi mãi về cõi vĩnh hằng từ hôm đó, có lẽ ngày hôm nay mỗi lần nhắc đến họ chúng ta lại: “Tiếc quá, vô cùng tiếc nuối cho một cặp tài hoa đã bị bom đạn xâm lược Mỹ cướp đi cuộc sống đẹp đẽ của họ. Họ đã hiến dâng cả tuổi xuân cho độc lập và tự do của dân tộc. Tổ quốc mãi mãi ghi tên tạc tượng họ. Họ xứng đáng hơn tất cả…”.

Nhưng nay họ còn đó, sao ta nỡ quên họ, khắt khe với họ… Và đòi hỏi ở chị cái gì nữa?

Vùng Lộc Ninh cách đây 2 năm (2006) tôi và các em sinh viên của trường có đến đây trong một chiến dịch “Mùa hè xanh” do Thành đoàn Thanh niên Cộng sản HCM thành phố HCM phát động – chúng tôi đến đây với nhiệm vụ xây nhà tình nghĩa, sửa sang hệ thống giao thông nông thôn, dạy học và xoá mù chữ. Chúng tôi đã được nghe ngưòi dân ở đây tự hào khi nói: “Vùng đất ác liệt này trong những ngày khói lửa của cuộc chiến chống quân xâm lược Mỹ đã từng có đại đội mang tên nghệ sĩ Tô Lan Phương…”.

Và tôi đã nói với các bạn trẻ rằng:
“Các bạn có biết Tô Lan Phương không? Người con gái Hà Thành xinh đẹp đã tự nguyện vào chiến trường bất chấp hiểm nguy để trực tiếp chiến đấu, trực tiếp đem lời ca động viên chiến sĩ góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Có những ngưòi như vậy mới có Việt Nam sạch bóng quân thù, mới có Việt Nam của độc lập tự do hôm nay. Hãy sống xứng đáng với họ các bạn ạ! Các bạn biết không? Stalin đã từng nói: “Những bài thơ của Erenbua có giá trị khích lệ như một sư đoàn đang xông ra mặt trận… Tiếng hát Tô Lan Phương cũng vậy, là hồi kèn xung trận, là hừng hực khí thế cho quan ta tiêu diệt kẻ thù”.


Một lời sau cuối khi viết bài này: đề nghị với tất cả thành viên trong Hội đồng xét chọn Danh hiệu NSUT, NSND hãy đừng nâng lên đặt xuống so bì mà hãy vì công chúng, hãy vì những đồng đội còn, mất của chị mà thể hiện lòng tri ân với Tô Lan Phương người nghệ sĩ thật sự xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Với những cảm nhận trền đây, cho phép tôi gửi tới gia đình nghệ sĩ Tô Lan Phương và anh Trần Mùi sự chia sẻ sâu sắc và sự tôn vinh thầm lặng của tôi và cũng như bao người yêu kính anh chị.

Cái xứng đáng nhất, cái đẹp đẽ nhất vẫn lả hình ảnh anh chị được sống đẹp đẽ trong lòng công chúng yêu thương, mến mộ, biết ơn anh chị.

Hy vọng Tô Lan Phương là Nghệ sĩ Nhân dân trong tương lai gần.

Cô gái Hà Thành hiên ngang vào trận đánh
Chị Phương ơi vang mãi khúc quân hành
Giữa hoà bình dẫu đôi chút lăn tăn
Vẫn say hát với nụ cười kiêu hãnh

Đêm chiến trận vẫn sao trời lấp lánh
Máu xương rơi chị chẳng tiếc thân mình
Máu nghệ sĩ lồng trong tim ngưòi lính
Quyện vào nhau thành sức mạnh Việt Nam…



Gửi tặng Tô Lan Phương
Nguyễn Chiến – Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 Quận Thủ Đức TP Hồ Chí Minh.

Nguồn: Hội Nhạc Sĩ Việt Nam - 23/03/2017 - 20:32

Cái chết của tổng giám đốc bình dân học vụ

Sunday, February 26, 2017


  Loạt bài về "Phong trào bình dân học vụ" - Báo Tuổi Trẻ Online

CUỘC TRƯỜNG CHINH VƯỢT QUA ĐÊM TỐI

QUỐC VIỆT (nguyenquocviet@tuoitre.com.vn)
Mùa xuân năm 1949, tổng giám đốc Nha Bình dân học vụ Nguyễn Công Mỹ đi hỗ trợ các lớp học ở nông thôn thì bị Pháp bắn chết ngay tại bến đò Yên Lệnh...
TT - Phong trào bình dân học vụ giúp người nghèo thất học đang phát triển mạnh khắp cả nước thì bàng hoàng nhận tin buồn: tổng giám đốc đầu tiên của Nha Bình dân học vụ bị máy bay Pháp bắn chết trên sông Hồng.

Ông Nguyễn Công Mỹ - Ảnh tư liệu



Câu chuyện càng bi thương hơn khi gần đến ngày giỗ đầu của ông, cả gia đình ba người gồm mẹ, vợ và con trai út lại bị máy bay Pháp ném bom chết...


Người đi đầu

Người ấy đã ra đi nhiều năm, nhưng những chứng nhân lịch sử vẫn kể rất nhiều kỷ niệm đẹp về ông. Ngày 8-9-1945, tức chưa đầy một tuần sau ngày độc lập, ông Nguyễn Công Mỹ được Chính phủ mới bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc Nha Bình dân học vụ.

Ông Nguyễn Thìn Xuân vẫn nhớ mãi những kỷ niệm xúc động về ông Mỹ - Ảnh: Quốc Việt



Ông Nguyễn Thìn Xuân ở tuổi gần 90, chủ tịch câu lạc bộ Chiến sĩ diệt dốt, kể từ trước năm 1945 ông Nguyễn Công Mỹ đã được rất nhiều người biết đến.

Ông sinh năm 1909 ở Hưng Yên, là em trai nhà văn hiện thực phê phán Nguyễn Công Hoan, là anh của ông Nguyễn Công Miều, tức nguyên bí thư Trung ương Đảng Lê Văn Lương.

Từ năm 1925, ông Mỹ đã hưởng ứng biểu tình đòi Pháp thả cụ Phan Bội Châu, sau đó bị Pháp buộc thôi học ở Trường Sư phạm Hà Nội vì tham gia dán truyền đơn. Về Hải Phòng dạy học tư, ông vẫn hoạt động cách mạng và làm trưởng ban cổ động Hội Truyền bá quốc ngữ ở vùng này...

Sau năm 1945, tuy đi đầu phong trào bình dân chỉ được vỏn vẹn bốn năm nhưng ông Mỹ đã làm được rất nhiều việc quan trọng. Thời kỳ đầu chống dốt, một số nơi và một số người đã xảy ra tình trạng hành xử cứng nhắc, hấp tấp theo suy nghĩ chủ quan của mình.


Thầy giáo Đinh Khắc Nhĩ, dạy học ở Nam Định năm 1945, kể: “Không biết từ đâu người ta lại tổ chức ở cổng chợ những “cổng mù” và những hố bùn, ai không biết chữ phải lội qua hố bùn và chui qua “cổng mù”. Cũng may sáng kiến này chỉ tồn tại một thời gian ngắn...”.

Tổng giám đốc Nha Bình dân học vụ Nguyễn Công Mỹ biết chuyện này đã phản ứng quyết liệt và yêu cầu không được làm như vậy nữa.

Thực tế nhiều địa phương làm “cổng sáng”, treo bảng có chữ cái ở đầu chợ cho người biết chữ đi qua. Đó chỉ là hình thức cổ động và khích lệ người chưa biết chữ nên học theo. Còn thêm “cổng mù” để phân biệt, bắt người không biết chữ chui qua là hành động tự phát ở một số nơi.


Để xác định chính sách và phương thức phù hợp cho phong trào xóa mù chữ rộng khắp cả nước, từ ngày 8-10-1945 ông Nguyễn Công Mỹ và Chính phủ liên tiếp tổ chức nhiều khóa huấn luyện ở Hà Nội và khu vực.

Lớp đầu tiên dành cho cán bộ phụ trách ở các tỉnh về mang tên “khóa Hồ Chí Minh” gồm 79 người, trong đó có 15 nữ.

Họ xúc động đọc lời tuyên thệ ái quốc: Sẽ hành động xứng đáng với lòng tin cậy của Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo để mưu việc ích chung. Sẽ hi sinh, kiên quyết, vui vẻ, tuân theo kỷ luật và giữ mãi tinh thần tranh đấu để mưu việc ích chung. Sẽ tuyệt đối thi hành mệnh lệnh của Chính phủ khi có ngoại xâm, nhất là thi hành triệt để chính sách bất hợp tác để đánh đuổi kẻ thù chung.

Trong buổi lễ khai giảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nêu rõ ba nhiệm vụ cấp bách trước mắt là “chống nạn đói, nạn thất học, nạn ngoại xâm” và khẳng định “chống nạn thất học cũng như chống ngoại xâm”. Ông Nguyễn Công Mỹ đã đứng lên đại diện đội ngũ bình dân học vụ hứa sẽ thực hiện tốt những nhiệm vụ quốc dân này...


Tình bạn và ngày cuối cùng

Ngay sau đó, công cuộc xóa mù chữ lớn nhất lịch sử Việt Nam được triển khai rộng khắp. Kế thừa thành quả thực hiện được và kinh nghiệm Hội Truyền bá quốc ngữ, lớp học bình dân học vụ lan rộng khắp nước, trải từ Lạng Sơn đến Cà Mau, ở những nơi còn yên bình đến những địa phương đang kháng chiến khốc liệt với quân Pháp.

Các lớp bình dân học vụ còn tỏa vào nhà máy, công sở như chính Nhà in sách quốc ngữ để dạy học Ngô Tử Hạ, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, xưởng sửa chữa ôtô Avia và các đơn vị công an, vệ quốc đoàn, tăng ni chùa chiền...

Mãn khóa học đầu tiên tháng 2-1946, ông Nguyễn Công Mỹ nhận được báo cáo: 815.715 học viên đã hết mù chữ từ 29.963 lớp học với 31.686 giáo viên. Tuy nhiên đó mới chỉ là báo cáo của 25 ty bình dân học vụ Bắc bộ và 10 ty ở Trung bộ, còn nhiều địa phương khác như Nam bộ chưa kịp gửi về.

Nhắc nhớ lãnh đạo đầu tiên công cuộc toàn dân chống nạn thất học, nhiều bậc cao niên trong cuộc vẫn còn mãi hồi ức xúc động.

Nguyên phó trưởng Ty Bình dân học vụ Quảng Bình Nguyễn Văn Lương kể: “Biết tổng giám đốc nha là ông Nguyễn Công Mỹ - một chiến sĩ văn hóa lỗi lạc, tôi rất mong có dịp gặp ông để học hỏi. Năm 1946, nhân cơ hội ra Hà Nội dự thính phiên họp Quốc hội đầu tiên, tôi tranh thủ đến phố Bà Triệu xin gặp ông Mỹ. Khuôn mặt vuông vức đầy nghị lực và chân tình cũng như những ý kiến sâu sắc của ông đã cuốn hút tôi...

Cuối năm 1948, tôi từ chiến khu Quảng Bình lên Việt Bắc dự mấy hội nghị toàn quốc. Vừa đến nơi, thấy một người mặc đồ nâu chạy ra đón, nhìn kỹ là ông Mỹ. Ông Mỹ và ông Trịnh Cao Bàn (chánh văn phòng), áo quần nâu, dép cao su, mũ lá, vai đeo bị cói như hai người bán rong. Nhìn lại bộ đồ kaki tôi đang mặc, dép Bình Trị Thiên có quai hậu, mũ rộng vành, balô da có khung sắt đỡ lưng... tôi thấy mình sang quá mà ngượng”.

Ông Vương Đình Tiến, nguyên cán bộ bình dân học vụ Khu 3, cũng có ấn tượng khó quên về ông Mỹ. Trong cuốn kỷ yếu 50 năm bình dân học vụ, ông Tiến kể mặc dù là tổng giám đốc nhưng ông Mỹ thường xuyên dùng chiếc xe đạp cũ kỹ, không chuông, không phanh đi kiểm tra, chỉ đạo học hành khắp nơi xa xôi.

Bằng giọng trầm ấm, ông Mỹ đến đâu cũng “thắp lửa” tinh thần hiếu học. Nhiều cuộc trò chuyện thân mật đến rất khuya mặc dù sáng hôm sau ông lại phải đạp xe tiếp... Còn ông Hoàng Tử Đồng nhớ mãi kỷ niệm từ Sở Bình dân học vụ Trung bộ ra Hà Nội nhờ giúp đỡ.

Đích thân ông Mỹ ngồi cả buổi sáng lắng nghe chi tiết vấn đề địa phương. Sau đó ông lại dẫn ông Đồng xuống các phòng, yêu cầu họ giúp đỡ sách quốc ngữ, tài liệu tuyên truyền, giáo cụ, học cụ...

Sáng 6-1-1949, trời rét cắt da thịt. Ông Mỹ dừng xe đạp, qua đò bến Yên Lệnh thăm các lớp học Hưng Yên. Đò vừa rời bến sông Hồng thì một tốp máy bay Pháp ập đến, bắn súng máy xối xả. Ông trúng đạn. Tình cảnh càng bi thảm khi cũng trong năm đó, máy bay Pháp lại dội bom trúng nhà mẹ ông, lấy đi sinh mạng cả ba người là mẹ, vợ ông và con trai út mới 16 tháng tuổi còn bế trên tay...

Nhà thơ Vũ Đình Liên, người cùng chuyến đò Yên Lệnh với ông Mỹ nhưng may mắn thoát nạn, đã làm bài thơ khóc bạn thổn thức: ... Ai khiến anh chìm, tôi lại nổi? Để cho chị, cháu vội theo anh. Bốn nhăm năm ấy, dài hay ngắn. Gặp lại nhau, chờ kiếp tái sinh.

QUỐC VIỆT (nguyenquocviet@tuoitre.com.vn)
28/08/2015 15:07

__________

  Người đi đầu xóa mù chữ hi sinh, nhưng công cuộc giúp dân vượt qua thất học vẫn tiếp tục lên cao. Ngay sau khi ông mất, có trường học đã được đặt tên ông...



  Kỳ 7:

  Những ngọn đèn vẫn sáng


TT - Cú sốc quá lớn với phong trào xóa mù chữ cả nước khi tổng giám đốc đầu tiên của Nha Bình dân học vụ Nguyễn Công Mỹ bị Pháp giết chết.

Vở học bằng mo tre ở Bắc Ninh trong thời kháng Pháp - Ảnh: Quốc Việt chụp tại Bảo tàng Việt Nam



Tuy nhiên, công cuộc gieo ánh sáng học hành lớn nhất lịch sử Việt Nam không hề bị chùng lại. Thậm chí nhiều nơi như ở Nam bộ đã nhanh chóng lấy tên ông để đặt tên cho trường học...

Mót lúa để đi học

Chiến tranh và bao thời cuộc thăng trầm đã trôi qua, nhưng giáo sư sử học Văn Tạo vẫn nhớ nhiệt huyết xóa mù chữ cho đồng bào bừng bừng cả nước.

Hồi ấy người ta cũng gọi thầy giáo xóa mù chữ là chiến sĩ và có cả thơ sinh động về họ như bài Chiến sĩ vô danh của Ngọc Tỉnh: “... Đây đoàn chiến sĩ bình dân/ Hi sinh chẳng chút ngại ngần gian lao/ Tâm hồn phơi phới thanh cao/ Dẫn đường chỉ lối, vui nào vui hơn/ Còn trời, còn nước, còn non/ Còn người thất học ta còn xông pha”.

Giáo sư Tạo kể: “Tôi vẫn không thể quên những mùa trung thu, cả trẻ em và người lớn đều đi rước đèn. Người ta dán trên các lồng đèn chữ cái, rồi cầm cả băngrôn khẩu hiệu hô hào chống nạn mù chữ”.

Để cuốn hút người học, ông Tạo hay lấy thơ ra dạy. Những câu thơ thông dụng như: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hầu như ai cũng thuộc lòng nhưng không biết đọc, biết viết như thế nào. Khi học được họ thú vị lắm.

Nhắc chuyện xưa, ông Tạo nhớ mãi câu chuyện người học trò đặc biệt Nguyễn Văn Xiêm của mình.

Gia đình Xiêm chết gần hết trong nạn đói năm 1945. Về sau cậu quay quắt tồn tại bằng việc “đồng điếu” ở làng mình, tức mang ấm chè (trà) và điếu bát hút thuốc lào ra đồng cho thợ gặt. Họ trả công lại cậu bằng cách cho mót lúa.

Khi Xiêm vào lớp bình dân học vụ, cả ông Tạo và mẹ mình đều thương cậu như người trong nhà. Ông dạy cậu từ bập bẹ đánh vần từng chữ cái rồi kèm cặp cậu thi đậu vào Trường trung học Phan Bội Châu, rồi học tiếp ngành canh nông.

Sau này cậu bé nhà nghèo, mù chữ ngày nào lên làm cục phó ở Hà Nội, gặp ông Tạo vẫn khoanh tay lễ phép chào thầy. Nhiều học trò khác ở lớp xóa mù chữ của ông về sau cũng thi đậu vào Trường lục quân khóa 6. Có người trở thành tướng tá vẫn trở lại thăm thầy giáo làng năm xưa...

Nguyên phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đoàn Duy Thành, người bạn thân của giáo sư Văn Tạo, còn kể hồi ấy người ta bày ra mọi cách để dạy và học hiệu quả trong hoàn cảnh đói kém và chiến tranh khốc liệt.

Riêng ông sử dụng chính ngôi nhà mình ở làng Tường Vu, huyện Kim Thành, Hải Dương để dạy học cho bà con hàng xóm nghèo khổ, mù chữ.

Tuy điều kiện rất thiếu thốn, phải lấy chính cửa làm bảng, còn người học phải xếp bằng dưới nền đất, nhưng bà con mù chữ ở lớp ông chỉ sau sáu tháng đã tạm đọc, viết được.

Ông Thành cười nhớ kỷ niệm: “Ai đến lớp cũng rất chăm học. Chỉ khó nhất là sửa tật nói ngọng của đồng bào địa phương. Họ cứ phát âm nhầm lẫn chữ n thành chữ l và ngược lại. Tôi phải chỉnh mãi, họ mới phát âm chuẩn để ráp được đúng chữ”.

Ông Thành lúc ấy cũng có cái lợi là vừa học qua Trường tiểu học Pháp - Việt ở Hải Dương. Trường này dạy chương trình Pháp nhưng giáo viên Việt đứng lớp, nên ông có kiến thức giáo khoa chuẩn để dạy lại cho đồng bào mù chữ.

Ngoài dạy tại nhà, ông còn phụ các giáo viên bình dân học vụ mở lớp ở đình làng. Toàn nông dân đi học, đến lớp người ta còn mang theo cả cuốc liềm để ra đồng.



Những cô giáo bình dân

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp ngày càng ngày khốc liệt, nhiều lớp bình dân học vụ cũng xuất hiện các cô giáo nhiều hơn. Họ thay thế các nam chiến sĩ lên đường ra mặt trận. Bà Phạm Thị Hiền, 88 tuổi, tâm sự hồi ấy bà mới học đến khoảng lớp 3 bây giờ nhưng vẫn tình nguyện làm giáo viên lớp vỡ lòng.

Bà Phạm Thị Hiền không quên những ngày giúp người nghèo thất học - Ảnh: Quốc Việt



Thật ra hồi ấy cũng không có nhiều nữ được cho ăn học cao, nên người ta phải mời gọi cả những ai chỉ vừa đủ đọc thông viết thạo để dạy lại cho người chưa biết gì.

Lớp học của bà Hiền được mở tại xóm An Nhân gần Ô Cầu Dền, Hà Nội.

“Vừa trải qua nạn đói khủng khiếp, người nghèo thoát chết cũng xác xơ. Nhiều người mặc đồ không thể gọi là quần áo được mà chỉ như quấn miếng vải rách để đến lớp. Họ cũng chẳng có giấy bút gì để viết mặc dù ở ngay Hà Nội. Có người phải lấy cả hạt mồng tơi để vò ra nước thay mực” - bà Hiền tâm sự nhìn hoàn cảnh của học viên mà ứa nước mắt. Bà dùng cả tiền dành dụm vô cùng quý lúc ấy để mua giấy bút cho người học.

Hầu hết học viên lớp xóa mù chữ của bà là những người kéo xe nên chỉ có thể học vào ban đêm. Họ đến lớp, mang theo đèn dầu lạc (đậu phộng). Cả lớp tù mù trong ánh sáng leo lét mà ai cũng cố gắng học.

Bà Hiền có cái bàn học rất đặc biệt, đó chính là chiếc giường ngũ cũ kỹ. Bà kê nó ra giữa phòng, học viên ngồi quanh làm bàn học và lấy nền nhà làm ghế. Lớp học ban đầu cũng rất khó khăn. Học viên đều đã lớn tuổi, lại phải nặng nhọc kiếm sống ban ngày nên buổi tối đi học rất khó tiếp thu. Nhưng bù lại họ rất cố gắng học và tiến bộ dần.

Bà Hiền nhớ mãi hình ảnh những người phu kéo xe này đã lượm những tờ nhật trình (báo) vương vãi trên đường để tự ê a đánh vần học thêm. Đến ngày họ đọc trôi chảy được cả câu, cô giáo Hiền mừng ứa nước mắt...

Ngoài những cô giáo có trình độ vừa đọc thông viết thạo, Hà Nội lúc ấy còn một số phụ nữ trí thức dấn thân vào công cuộc xóa mù chữ ngay thời kỳ đầu từ Hội Truyền bá quốc ngữ.

Trong cuốn hồi ký về bình dân học vụ, ông Hoàng Đình Tuất kể lại mình chính là chứng nhân sự nhiệt tình hiếm có của bà Nguyễn Thị Quang Thái, vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Chị Thái hồi ấy vừa dạy Trường tư thục Thăng Long, vừa học Trường đại học Luật. Chị tính tình điềm đạm, kín đáo nhưng cởi mở, nói chuyện có chiều sâu. Biết tôi là công chức mới vào nghề, chị căn dặn chớ có sa vào vòng trụy lạc và nên vận động thanh niên, công chức tham gia truyền bá quốc ngữ để giúp ích đồng bào.

Tỏ ra hiểu biết thời cuộc, chị nói chính phủ phe tả ở Pháp không bền lâu đâu, ta phải làm nhanh những gì có thể làm được, Hội Truyền bá quốc ngữ phải tranh thủ thời cơ thuận lợi mau ra đời...”
- ông Tuất kể thêm đã chứng kiến bà Thái cùng những người bạn như bà Hằng Phương - vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan, cụ Nguyễn Văn Tố, Phan Thanh, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, và chồng mình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp... tất bật gầy dựng công cuộc xóa mù chữ cho đồng bào.

Chính ông Tuất cũng có dịp được dạy chung với bà Thái ở hội quán Trí Tri. Năm 1942 bà bị Pháp bắt giam ở Hỏa Lò nhưng vẫn nỗ lực dạy chữ và chăm sóc người bệnh trong tù.

Năm 1944 bà mất ngay ở Hỏa Lò. Về sau, tấm gương giúp dân nghèo thất học của liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái luôn được truyền kể trong các cô giáo bình dân học vụ...


QUỐC VIỆT (nguyenquocviet@tuoitre.com.vn)
29/08/2015 10:30
_________

  Cùng với việc dạy chữ nghĩa, người ta đã thổi bừng lên tinh thần yêu nước như những câu thơ ở lớp i tờ: “Bà Trưng quê ở Châu Phong/ Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên”.

  Kỳ tới: Hồn ái quốc đẫm trong từng con chữ

 ✯✯ 





(Loạt bài về "Phong trào bình dân học vụ")
CUỘC TRƯỜNG CHINH VƯỢT QUA ĐÊM TỐI - Báo Tuổi Trẻ Online
Kỳ 1: Đêm dài tăm tối - 23/08/2015 10:17
Kỳ 2: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu - 24/08/2015 09:34
Kỳ 3: Lớp học dưới tán rừng U Minh - 25/08/2015 10:51
Kỳ 4: Buổi học đầu tiên - 26/08/2015 10:50
Kỳ 5: Xóa mù chữ ở Sài Gòn - Gia Định - 27/08/2015 11:57
Kỳ 6: Cái chết của tổng giám đốc bình dân học vụ - 28/08/2015 15:07
Kỳ 7: Những ngọn đèn vẫn sáng - 29/08/2015 10:30
Kỳ 8: Hồn ái quốc đẫm trong từng con chữ - 30/08/2015 09:52