TÔ QUANG ĐẨU MỘT LÃO THÀNH CÁCH MẠNG CỘNG SẢN CHÂN CHÍNH

Friday, July 15, 2022

TÔ QUANG ĐẨU MỘT LÃO THÀNH CÁCH MẠNG CỘNG SẢN CHÂN CHÍNH

Tô Đức Minh

Tô Quang Đẩu (tức Tô Điển) sinh năm 1906, – là em họ Tô Chấn và Tô Hiệu. Tô Quang Đẩu sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, đánh máy chữ cho hãng tàu Bạch Thái Bưởi ở Hải Phòng, sau đó chuyển sang hiệu Xuân An bán hàng tạp hóa ở Kinh Môn, Hải Dương. Tại đây, Tô Quang Đẩu đã tham gia phong trào đòi để tang cụ Phan Chu Trinh. Rồi ông lên Hà Nội làm thợ xếp chữ cho nhà in Ngô Tử Hạ, ở cùng Tô Chấn và Tô Hiệu. Ông có điều kiện tiếp cận nhiều sách báo cách mạng. Thấm nhuần tinh thần yêu nước, ông và Tô Chấn, Trần Huy Liệu vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động trong Việt Nam Quốc dân Đảng, tham gia truy điệu cụ Lương Văn Can, bán sách tuyên truyền chính trị của Hội “Duy Tân thư xã” do Trần Huy Liệu sáng lập.

Năm 1929, ông cùng Tô Chấn thực hiện kế hoạch mưu sát 2 tên toàn quyền

Đông Dương và Nam Dương (Indonesia). Kế hoạch không thành, cuối năm 1930, ông bị truy nã phải chạy chốn lên làng Đình Bảng (Bắc Ninh) làm nghề bán thuốc, lại bị lộ ông phải chốn sang Chợ Chờ, Yên Phong (Bắc Ninh) ở ẩn. Sau một thời gian nghe ngóng không thấy động tĩnh gì của bọn mật thám, Tô Quang Đẩu lại về Hà Nội làm nghề nấu nước mắm ở Cầu Giấy. Ông gặp các đồng chí Tô Hiệu, Trần Huy Liệu từ Côn Đảo và đồng chí Minh ở Liên Xô trở về nên tiếp tục hoạt động cách mạng, cho đến năm 1938, được Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ dạy chữ Quốc ngữ cho tổ chức Hữu ái những người lái xe ô tô con và làm phóng viên cho báo “Đời nay”.

Tháng 9 – 1939, Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, chưa kịp rút vào bí mật thì ông bị mật thám bắt và đưa xuống Hải Phòng, tòa án Hải Phòng xử 6 tháng tù về tội tuyên truyền sách báo cách mạng. Hết hạn tù, đang chờ Thành ủy phân công công tác ông lại bị bắt và bị kết án tù 5 năm, đày lên nhà tù Sơn La

Trải qua các nhà tù ở Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, nay phải đi Sơn La, ông vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Hết hạn nhà tù Sơn La , vừa trở về Hà Nội hoạt động, ông lại bị bắt vào nhà tù Hỏa Lò. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ở Hỏa Lò ra ông là cán bộ Xứ ủy An toàn khu ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông. Đến tháng 8 - 1945, Xứ ủy quyết định cử ông xuống phụ trách công tác Đảng ở Hải Phòng, hồi đó ông Trần Quốc Hoàn là Bí thư. Tháng 1-1946, đồng chí Lê Thanh Nghị phụ trách miền Duyên Hải điều ông sang làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Kiến An, đồng chí Mai Côn làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 5 - 1946, đồng chí Nghị lại điều ông sang làm Chủ tịch UBHC, kiêm Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Yên, đồng chí Trần Qúy Kiên là Bí thư Tỉnh ủy. Khi Pháp đánh Hải Phòng, ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến (UBKC) Khu 3 vừa mới thành lập. Năm 1948, ông làm khu ủy viên, Phó Chủ tịch UBHVKC liên khu 10, Bí thư Đảng toàn chính quyền liên khu. Năm 1950-1953, ông là Ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ Năm 1954 là Ủy viên Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, phụ trách bộ phận hỏa tuyến từ Sơn La đến Điện Biên. Từ tháng 9 - 1954 đến 12 - 1956 là Tham tán Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, Bí thư cán sự Đảng. Từ năm 1957 đến 1975 là Bí thư Đảng đoàn Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Với những công lao đóng góp cho cách mạng, ông đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; năm 1991, ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Ông mất ngày 25 tháng 11 năm 1990 (tức 9 - 10 Canh Ngọ), tại Hà Nội, hưởng thọ 84 tuổi.