Bí ẩn về số 7 trong lòng hai giếng cổ hơn 1.200 năm tuổi ở Hưng Yên

Thursday, October 10, 2019

Theo Triệu Quang – Hoàn Như



Kích thước của những viên gạch và cối đá xếp trong lòng 2 giếng cổ ở Hưng Yên đều liên quan đến con số 7 khiến người dân khó lý giải.
Con số 7 kỳ lạ trong lòng giếng cổ

Trải qua cả ngàn năm, 2 chiếc giếng cổ ở thôn Tam Kỳ (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên) nước vẫn đầy ắp và trong vắt. Tuy nhiên, người dân hiện nay đã không còn sử dụng phổ biến như ngày xưa do đã có nước máy.


Giếng cổ Cổng Đồng nằm ở vệ đường lớn, gần với cổng làng và ao đình


Chiếc giếng Cổng Đồng hơn 1.200 tuổi từng bị lấp đã được người dân khôi phục và bảo vệ cẩn thận. Giếng Đình Ba hơn 1.300 tuổi nằm trong khuôn viên của một gia đình thì vẫn được gia đình này sử dụng và gìn giữ.

Có một điều mà người dân Tam Kỳ lấy làm lạ, đó là những viên gạch và cối đá quanh lòng giếng đều liên quan đến số 7. Gạch có 14 viên thì viên nào cũng có chiều dày 7cm, chiều ngang 17cm và dài là 27cm; cối đá có 11 chiếc, chiếc nào cũng cao 17cm, đáy 27cm và miệng là 37cm.

Chúng tôi trao đổi với GS sử học Lê Văn Lan – người góp công khôi phục giếng cổ này nhưng ông cho hay, ông chỉ là người làm lịch sử và góp phần khôi phục lại chiếc giếng cổ Cổng Đồng chứ không biết gì về những điều liên quan đến con số 7 trong gạch và cối đá dưới lòng giếng.

“Tôi chỉ chỉ biết giếng đó là một vết tích từ thời thực dân địa của Trung Quốc chứ tôi không hiểu biết về phong thủy hay bói toán nên không biết con số 7 có ý nghĩa gì”, GS Lan cho biết.


Những viên gạch và cối đá xếp trong lòng giếng đều có kích thước liên quan đến số 7 khó lý giải


Ông Đặng Xuân Chính –người làng Tam Kỳ bỏ nhiều công sức tìm hiểu về chiếc giếng cổ cũng chưa thể lý giải được vì sao các cụ ngày xưa lại lấy con số 7 để đưa vào kích thước các viên gạch, cối đá dưới giếng.

“Tôi cho rằng, ngày xưa các cụ coi số 7 là con số may mắn nên làm gạch và cối đá đều liên quan đến con số 7”, ông Chính phỏng đoán.

Ông Chính cho biết thêm, những viên gạch có kích thước liên quan đến số 7 còn gọi là “gạch thất”. Hồi khôi phục lại giếng, ông tìm hiểu thì biết có một gia đình ở Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vẫn còn lưu giữ khuôn đóng loại gạch này nên đã sang nhờ người ta đóng và bán cho một ít về để xếp dưới giếng.

Chẳng ai hiểu được chính xác ý nghĩa của số 7 trong kích thước của những viên gạch và những cối đá xếp trong lòng 2 giếng cổ thôn Tam Kỳ. Thế nhưng, có một điều người dân nhìn thấy rất rõ ràng, những viên gạch, cối đá xếp so le chồng lên nhau rất vừa khít, chẳng cần phải vôi vữa nhưng đã trường tồn qua cả ngàn năm.

Ông Đặng Xuân Chính –người làng Tam Kỳ, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên



“Báu vật” của dân làng

Ngày trước khi chưa có nước máy, 2 chiếc giếng cổ ở thôn Tam Kỳ luôn đông đúc, nhộn nhịp người đến tắm giặt, gánh nước sinh hoạt. Mùa mưa, nước dâng cao đến gần miệng có thể dùng gáo múc; mùa cạn giếng cũng chưa bao giờ hết nước.

Ông Chính nhớ hồi còn nhỏ, ông và các bạn cùng trang lứa vẫn ra sân đình chơi hay đi chăn trâu về khát thì vục chiếc nón xuống múc nước nước lên uống.

“Nước rất ngọt và mát, dù uống nước lã nhưng không hề bị đau bụng. Dân làng khi đi làm đồng về qua, dừng chân lại giếng rửa chân tay, mặt mũi thì tỉnh táo cả người”, ông Chính chia sẻ.

Có năm hạn hán lớn, ao hồ nhiều nơi cạn trơ đáy, nhiều giếng khơi của người dân hết nước nhưng tuyệt nhiên, 2 chiếc giếng cổ ở Tam Kỳ vẫn đầy ắp nước. Dân các làng lân cận đến xin nước, xếp hàng lần lượt người này đến người kia múc đầy các thau, chậu, xô, thùng phi… mang về mà giếng chỉ vơi đi chứ không cạn.


Sau khi được khôi phục, người dân bảo vệ những chiếc giếng cổ rất cẩn thận



Người dân còn kể lại rằng, con gái làng ngày xưa tắm bằng nước giếng nhiều nên da dẻ hồng hào, khỏe mạnh; tóc thì suôn mượt, đen như gỗ mun.

Lý giải điều này, ông Chính giải thích: “Quan trọng là nước giếng sạch, không ô nhiễm nên sử dụng nước này sẽ đỡ bệnh tật, da dẻ không có mụn nhọt… Thế nên người dân đồn vậy cũng không có gì sai”.

Được biết, giếng đình Ba còn gắn với di tích Quán Dố - một ngôi miếu cổ thờ Ma Lỗ Đại Vương. Theo lệ làng, cứ đến tháng Sáu âm lịch, dân làng tổ chức lễ rước nước từ giếng về Quán Dố để cầu mưa.

Khi ấy, các cụ cao niên trong làng sẽ khăn áo chỉnh tề, trai tráng thì vác kiệu, vác lọng, bê ché ra trước giếng, xin “Thần giếng” cho nước thiêng về thờ tại Quán Dố, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.


Theo Triệu Quang – Hoàn Như (Dân Việt)

Nguồn: 24h theo Dân Việt - 22/9/2019


Mời xem bài:


0 nhận xét:

Post a Comment