LỄ KHÁNH THÀNH QUÁN DỐ

Sunday, June 19, 2016

QUẦN THỂ DI TÍCH LỊCH SỬ

VĂN HÓA TÂM LINH QUÁN DỐ





Quán Dố là một trong những di tích lịch sử văn hóa lâu đời và linh thiêng nằm trên vùng đất địa linh nhân kiệt thuộc thôn Tam Kỳ, làng Xuân Cầu.

Quán Dố được xây dựng từ trước thế kỷ thứ 15 thời Hồng Đức vua Lê Thánh Tông. Quán thờ ông Dố tức Ma Lỗ Đại Vương. Ông Dố có vóc người cao lớn, mắt to, trán dô, lông mày rậm. Tuy ông có khuôn mặt dữ tợn nhưng rất hiền lành. Ông có tính hài hước hay trêu những người qua lại. Theo truyền thuyết Ông có công phù hộ mưa thuận gió hòa, bảo vệ đồng điền, giữ gìn trị an, đem nhiều điều phúc, may mắn cho dân lành, phù hộ cho học trò học giỏi đỗ đạt cao. Điển hình là nho sinh Đỗ Nhân (tức Đỗ Nhân Cương) người thôn Lại Ốc, xã Long Hưng, huyện Văn Giang được Ông phù hộ đỗ tiến sỹ (1493), con trai cả là Đỗ Tổng đỗ trạng nguyên (1529), con trai thứ hai là Đỗ Tấn đỗ tiến sỹ (1535), cháu nội Đỗ Trực đỗ tiến sỹ (1580).

Thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp, quán Dố là địa chỉ liên lạc, gặp gỡ hội họp của các đồng chí xứ ủy Bắc Kỳ, cán bộ tỉnh ủy Hưng Yên và địa phương.

Quần thể di tích bao gồm miếu thờ Ông Dố và quán Dố - nơi nghỉ ngơi của người làm đồng sau những giờ lao động nặng nhọc.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, quán Dố đã bị hủy hoại suy tàn. Mùa xuân Bính Thân 2016, bà con thôn Tam Kỳ và những người con xa quê hương đã đồng tâm hiệp lực xây dựng lại quán Dố đẹp đẽ, trang nghiêm:
"Miếu mạo trang nghiêm thiên cổ tại
Đồng dân phụng sự bách niên hương"

Biên soạn theo các sách "Lịch triều hiến chương loại chí",
"Đại Việt sử ký toàn thư", "Văn hóa dân gian làng Xuân Cầu"



 ❀ ❀ ❀ ❀ ❀


Ảnh: Tô Quang Vinh

Danh nhân đất Việt: Thầy Đốc Nam

Tuesday, June 7, 2016
Lời Tiểu Dẫn Phả hệ họ Tô:

[...] Tô Ngọc Nữu, Cử NhânCử Nhân: có thể chỉ đến một trong các khái niệm sau:
• Cử nhân (học vị) - học vị dành cho người tốt nghiệp đại học (ngoại trừ ngành kỹ thuật).
• Bằng cử nhân - bằng tốt nghiệp đại học.
• Một tên gọi khác của Hương cống - một học vị trong hệ thống khoa bảng thời phong kiến ở Việt Nam.

Hương cống (chữ Nho 鄉貢) là một loại học vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến. Loại học vị này được xác định trong kỳ thi Hương.
Xem Thi Hương
khoa Canh Tuất (1850), nguyên Giáo thụGiáo thụ: Học quan ở một phủ coi việc học chính, dùng Cử nhân, quan hàng lục, thất phẩm (6-7/9). Thời Minh-Mệnh, quan hàng ngũ, thất phẩm (5-7/9). Xem Học quan. phủ Trường KhánhPhủ Trường Khánh: Có 2 thông tin:
1. Thuộc trấn [sau năm 1832 gọi là tỉnh] Lạng-Sơn; Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông định lại bản đồ toàn quốc, chia cả nước thành 12 thừa tuyên. Theo đó, Lạng Sơn được gọi là Lạng Sơn thừa tuyên gồm 1 phủ 7 châu (phủ Tràng Định và các châu: Châu Ôn, Lộc Bình, Yên Bác, Văn Uyên, Văn Lan, Thất Nguyên, Thoát Lãng). Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), vua Minh Mệnh đã bỏ đơn vị trấn và đặt đơn vị mới là tỉnh. Trấn Lạng Sơn được đổi thành tỉnh Lạng Sơn gồm 1 phủ và 7 châu (phủ Trường Khánh và các châu: châu Ôn, Lộc Bình, Thoát Lãng, Văn Uyên, Văn Quan, Thất Tuyền, Yên Bác). Trường Khánh sau đổi là Trường Định, tức huyện Trường Định (Tràng Định), tỉnh Lạng Sơn.
2. Thuộc tỉnh Ninh Bình.
, tựTên tự: Theo định nghĩa của Đại Từ Điển Tiếng Việt, tên tự là tên đặt dựa vào tên vốn có thường phổ biến trong giới trí thức thời phong kiến. Đối với dân gian xưa, tên tự còn được gọi là tên chữ vì các cụ thường dùng từ Hán Việt để đặt tên này.
Tên chữ ((表)字 - (biểu) tự) là tên gọi của một người vào thời gian trưởng thành của cuộc đời. Sau năm 20 tuổi, tên chữ sẽ được đặt thay cho tên gọi như một biểu tượng của sự trưởng thành và kính trọng. Tên chữ chỉ thường dùng cho nam giới, và thường do cha mẹ đặt tên, cũng có thể là thầy giáo đầu tiên trong buổi học đầu tiên đặt cho, hay thậm chí do chính bản thân tự đặt cho mình.
Theo quyển Lễ ký, sau khi một người đàn ông đến tuổi trưởng thành, sẽ rất thiếu kính trọng khi những người cùng lứa gọi ông ta bằng tên thực (名 - danh). Vì thế, tên thực chỉ dùng khi một người tự nói về bản thân mình hoặc để một người lớn hơn gọi, còn tên chữ sẽ được những người ngang lứa gọi nhau một cách long trọng hoặc dùng trong văn bản, nên mới được gọi là tên chữ.
Tên chữ thường có hai âm và thường dựa trên ý nghĩa của tên thực.
Xem thêm Tên tự
là Đính Phủ.

Nguyên tên tôi là Nữu (Nữu), trước nay vẫn viết một bên là chữ Kim (Kim), một bên là chữ Sửu (), tên tự là Đính Phủ thì chữ Đính (Đính) cũng có chữ Kim một bên, bên kia là chữ Đinh (Đinh) Nay theo điều lệ của bộ Lễ, chữ Kim là quốc húyQuốc húy: là việc tránh tên thật (tên húy) của đế vương và tổ tiên của ông ta. (tên Nguyễn Kim). Bởi vậy từ nay đổi lại: chữ Nữu thì thay bộ Kim bằng bộ Ngọc (Ngọc), bỏ tên tự Đính Phủ thay bằng tên tự mới là Ôn Như cho phải phép nước.



8 - Cụ Đinh Phủ, hiệu Trọng Liêu, thụy Trầm Ước, húy Ngọc Nữu.
Sinh ngày mùng 8 tháng 11 năm Đinh Sửu (1817).
Mất ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Sửu (1889).
Thọ 73 tuổi.

Đỗ Cử Nhân khoa Canh Tuất đời nhà Nguyễn (1850).
Năm Tân Hợi cụ đi thi hội văn lý dự đắc tứ phân mây? bổ giáo thụ phủ trường Khánh rồi kế tiếp: giáo thụ phủ Lý Nhân, Tri huyện Bình Lục, giáo thụ phủ Nghĩa Hưng, quyền Đốc học Nam Định hàm Văn lâm lang rồi về hưu trí.


Cụ có 3 cụ bà. (Cụ nọ chết lấy tiếp cụ kia).
Cụ chính thất
cưới năm Canh Dần là con gái cụ tiền chiêu văn quán Nguyễn Kỳ Phong tiên sinh người làng Xuân Cầu.
Mất ngày 9 tháng 6 năm Canh Thân (27/06/1860), tên hiệu là Quý Hiếu.

Cụ sinh được 4 con trai.
Tô Mậu tên tự là Bá Mậu.
Sinh ngày 15 tháng 7 năm Mậu Tuất (1837?) (1838).
Mất ngày mùng 1 tháng 2 năm Tân Dậu (1861)

Bà Tô Mậu họ Đặng hiệu Ngọc Thục. Mất ngày 22 tháng 3 năm Đinh Hợi 15/04/1887

Sinh được một con trai
Tô Xướng tên tự là Mỹ Phát tên hiệu là Tĩnh Trai
Sinh ngày 30 tháng 10 năm Canh Thân (12/11/1860). Mất ngày 16 tháng 4 năm Mậu Tý (26/05/1888). Đỗ Cử Nhân thứ 8 khoa Bính Tuất (1886).
Tô Phát tên tự là Xuân Dục.
Sinh tháng Giêng năm Quý Mão (6/2/1843).
Mất ngày 26 tháng 3 năm Mậu Tý (6/5/1888).
Bà Tô Phát họ Chu hiệu Dần Thục con cụ Đề lại người làng Triều đông xã Vĩnh Khúc. Mất ngày 21 tháng 3 năm Đinh Hợi (14/4/1887)

Sinh được 1 trai và 4 gái
Tô Thị Giá. Sinh ngày mùng 2 tháng 7 năm Giáp Tý (3/8/1864).
Tô Thị Mậu. Sinh ngày 16 tháng Giêng năm Đinh Mão (20/2/1867).
Tô Thị Thân. Sinh ngày 20 tháng 8 năm Nhâm Thân (Tân Mùi - theo GIA PHẢ HỌ TÔ - Tô Ngọc Nữu) (4/10/1871).
Tô Y. Sinh năm Đinh Sửu (1877). Sinh ra Tô Tu, Tô Hiệu, Tô Chấn, Tô Thị Xuyến, Tô Thị Phúc.
Tô Thị Năm. Sinh năm Tân Tỵ (1881).
Tô Sính tên tự là Trọng Đài
Sinh ngày mùng 1 tháng 3 năm Mậu Thân (1847?) (1848).
Mất ngày mùng 6 tháng 4 năm Mậu Tý (1888)

Bà Tô Sính họ Tô. Mất ngày 23 tháng Chạp âm lịch
Sinh được 3 trai và 3 gái
Tô Thị Noãn. Sinh ngày 10 tháng 11 năm Đinh Mão (1867).
Tô Tuân. Sinh ngày 18 tháng 2 năm Quý Dậu (1873). Sinh ra Tô Đê.
Tô Thị Thủ. Sinh năm Giáp Tuất (1874).
Tô Diễn. Sinh ngày 5 tháng 10 năm Mậu Dần (1878).
Tô Kỷ. Sinh năm Tân Tỵ (1881). Sinh ra Tô Nhu, Tô Quang Đẩu, Tô Tuấn.
Tô Thị Thành tức bà Cả Thành. Sinh năm Nhâm Ngọ (1882).
Tô Khanh tên tự là Thứ Công
Sinh ngày mùng 8 tháng 4 năm Ất Mão (1854?) (1855).
Mất ngày 29 tháng 3 năm Mậu Tý (1888)

Bà Tô Khanh họ Tô, con cụ Tú Thục. Mất ngày 24 tháng 5 năm Bính Tuất.
Cụ trắc thất
tên hiệu là Thủ Nhất
cưới năm Quý Hợi là con gái cụ cựu Ngự sử Đào phủ quân người làng Nhân Nội xã Vĩnh Bảo.
Mất ngày 18 tháng 12 năm Kỷ Tỵ.

Cụ sinh hạ được 2 con gái
Tô Thị Tư tức bà chánh Đồng Than.
Sinh ngày 15 tháng 10 năm Giáp Tý (1864).
Cụ sinh được 1 con gái là Phạm Thị Mệnh lấy con cụ Tú Nhân nội Văn Giang.
Tô Thị Dần tức bà Bát Ngọc Lịch.
Sinh ngày tháng 9 năm Bính Dần (1866).
Không có con.

Cụ trắc thất (thứ 2)
cưới năm Canh Ngọ là con gái cụ thông lại phủ Lý Nhân Nguyễn Phủ quân người làng Mọc quan nhân ngoại thành Hà Nội.
Mất ngày 16 tháng 7 âm lịch, tên hiệu là Diệu Tâm.

Cụ sinh hạ được 4 con gái
Tô Thị Bẩy vợ ông Tô nguyên là ông nội Lê Giản.
Sinh tháng 9 năm Ất Hợi (1875).
Sinh hạ được 4 trai và 1 gái
Tô Chuẩn
Tô Phiếm
Tô Chử
Tô Phái
Tô Thị Trị

Tô Thị Tám vợ ông Nguyễn Đạo Khung sinh ra Lê Văn Lương.
Sinh ngày 13 tháng 3 năm (Ất? Mão 1855) Kỷ Mão (1879).
Sinh hạ được 5 con trai và 2 con gái
Nguyễn Công Hân
Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Mỹ
Nguyễn Công Miều
Nguyễn Công Bồng
Nguyễn Thị Học
Nguyễn Thị Bình

Tô Thị Chín vợ ông Quản Xuân Đính
Sinh ngày 21 tháng 2 năm Nhâm Ngọ (1882).
Sinh hạ được 5 con trai và 2 con gái
Quản Xuân Bình
Quản Xuân Thi
Quản Xuân Ngữ
Quản Xuân Được
Quản Xuân Thỉnh
Quản Thị Giáp
Quản Thị Uất

Tô Thị Mười vợ ông Tô Xung tức Ấm Kinh
Sinh năm Giáp Thân (1884).
Sinh hạ được 1 trai và 1 gái.
Tô Chương
Tô Thị Đường

Mấy năm cuối đời cụ Đốc Nam từ năm Giáp Thân đến năm Mậu Tý (1884 – 1888) xảy ra nhiểu việc biến cố bất thường làm cho cụ đau buồn.
Năm Giáp Thân (1884) Tự Đức ký hiệp ước bán nước ta cho thực dân Pháp. Nhân cơ hội này bọn côn đồ nổi lên cướp đoạt tài sản của nhân dân trong đó tất cả đồ đạc sách vở của cụ bị bọn chúng cướp sạch. Cụ phải tạm lánh ra Bát Tràng.
Tiếp đến năm Bính Tuất (1886) con dâu thứ 4 là bà Tô Khanh chết.
Năm Đinh Hợi (1887) con dâu thứ 1 và thứ 2 là bà Tô Mậu, Tô Phát chết.
Năm Mậu Tý (1888) 3 con trai thứ 2,3,4 là các ông Tô Phát, Tô Sính, Tô Khanh và cháu đích tôn là bác Cử Nhân Tô Xướng chết.

Ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Sửu 1889 cụ cũng mất theo.

Chép lại theo bản photocopy
Tháng 3 năm 2007
Tô Thắng




Video đã phát trên VTV VN: vtv.vn/video/danh-nhan-dat-viet-thay-doc-nam-151746.htm


CHƯƠNG TRÌNH DANH NHÂN ĐẤT VIỆT VTV1:

CỤ ĐỐC NAM - CỤ TỔ TÔ NGỌC NỮU

_ Tô Thành _

Hôm nay, chủ nhật ngày 5/6 chương trình VTV1 đã chiếu một bộ phim truyền hình về Cụ Tổ dòng họ Tô - Xuân Cầu: Thầy Đốc Nam Tô Ngọc Nữu.
Bộ phim nói khá đầy đủ về cuộc đời dạy học của người thầy yêu nước, yêu trò, yêu sự nghiệp giáo dục Việt Nam Tô Ngọc Nữu. Trong thời kỳ đó, nước nhà đang đứng trước họa ngoại xâm, giới trí thức Việt đã xuất hiện những người thày mẫu mực về lòng yêu nước, về trí tuệ, về đạo đức, về kiến thức...
Ba người thầy đã được giới sĩ phu miền Bắc mệnh danh Tam sư Bắc xứ: cụ Đốc Nam Tô Ngọc Nữu, cụ Đốc Bắc Ngô Quang Huy, cụ Đốc Đông Tô Huân... Không chỉ là những đồng nghiệp kiệt xuất, những tấm gương sáng về đạo đức, về nghề nghiệp mà đó còn là những tình bạn thủy chung, son sắt. Khi vua Hàm nghi ban chiếu Cần Vương, những chí sĩ Bắc Hà đó đã bỏ bút nghiên trở thành những võ tướng anh hùng có tài thao lược. Với những đạo binh phụ tử, đoàn quân thầy trò do họ lập ra như "Tam tính quân", "Đại nghĩa Đoàn" đã lập nên những chiến công chấn động từ năm 1883-1892: Hạ thành Hải dương, tấn công đồn Bần Yên Nhân, nhiều trận phục kích quân Pháp ở đồn Ghênh, đồn Bần Yên Nhân, đồn Đống Mối (Nghĩa Lộ tổng Đại Từ, Văn Lâm), đánh chiếm Gia lâm trực tiếp uy hiếp quân Pháp ở thành Hà Nội, bắn chết thiếu tướng Pháp Louise Ney, diệt tên bang tá tỉnh Nguyễn hữu Hào, đuổi bắt Hoàng cao Khải...


Vận nước chưa đến, giặc thêm viện binh, vua Hàm nghi bị bắt, triều đình bội phản... giữa vòng vây trùng điệp của quân thù, người chỉ huy nghĩa quân - thầy giáo Ngô Quang Huy trước trận đánh cuối cùng đã gửi gắm người con gái thân thương độc nhất Ngô thị Lý cho người bạn tri kỉ cụ Tô Ngoc Nữu cố thoát hiểm với tâm sự:
"Sống làm sao? Chết làm sao? Cậy bạn vượt trùng vi đem con về nơi đất tổ giữ lấy dòng anh kiệt.
Thành thế nào? Bại thế nào? Sảng khoái diệt giặc nước. Hồn dẫu đi địa phủ vẫn trợ thiếu niên quân..." - Thần phả Ký.
Những tâm hồn lớn có những tình bạn lớn.


Tô Thành





Vĩnh biệt Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tài

Sunday, March 6, 2016

Vĩnh biệt anh Nguyễn Tài: Người chiến sĩ công an mẫu mực

Nguyễn Trọng Xuất

(CATP) Đồng chí Nguyễn Tài (Nguyễn Tài Đông), bí danh Tư Trọng, sinh ngày 11-12-1926, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ), nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Khóa VIII) đã từ trần hồi 4 giờ ngày 16-2-2016 (nhằm ngày 9 tháng Giêng năm Bính Thân).
Được tin anh mất, thật đột ngột, tuy biết rằng anh đã bước vào tuổi 90. Những kỷ niệm về những ngày được cùng công tác với anh ở đặc khu Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước bỗng ùa về, sống động như mới ngày nào.

Tôi từ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam về nhận nhiệm vụ ở đặc khu Sài Gòn - Gia Định năm 1965. Ban Tuyên huấn khu lúc đó bị thiệt hại khá nặng, một bộ phận lớn của lực lượng vũ trang tuyên truyền bị địch phát hiện và bị bắt gần hết.
Đồng chí Nguyễn Tài (thứ hai từ trái sang) trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Trong thời gian đang củng cố lại tổ chức nội thành của Ban Tuyên huấn, tôi nhận được tin nhắn của một nòng cốt trong nội thành: “Anh nên vào đứng chân trong nội thành để nắm lại lực lượng vũ trang tuyên truyền và chỉ đạo anh em. Như vậy mới khôi phục được đội ngũ. Anh em nhiệt tình còn nhiều nhưng thiếu chỉ huy thì khó vực dậy được phong trào. Trong này chỗ ăn ở an toàn cho anh, chúng tôi đã chuẩn bị xong cả”.

Tôi xin ý kiến anh Trần Bạch Đằng, lúc đó phụ trách chung. Anh Đằng cử anh Nguyễn Tài đến trực tiếp gặp tôi, trước khi quyết định. Anh Nguyễn Tài lúc đó là Ủy viên Thường vụ Thành ủy, phụ trách An ninh của T4 (mật danh của Khu Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến). Gặp anh, tôi trình bày thực trạng của cánh Tuyên huấn T4 sau vụ thiệt hại. Theo quán tính về nguyên tắc bí mật, tôi còn e ngại không thể nói hết cho người khác biết mọi thông tin về cơ sở nội thành.

Anh Nguyễn Tài chăm chú lắng nghe và hiểu những e ngại của tôi. Anh ôn tồn bảo: “Ngành An ninh của cách mạng được lập ra là để bảo vệ cách mạng, bảo vệ các đồng chí. Nếu không biết một số chi tiết cần thiết cho nghiệp vụ thì làm sao chúng tôi có được kế hoạch, tham mưu, giúp các đồng chí, giúp Đảng trong hoạt động cách mạng? Như vậy chúng tôi sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ”.
Tôi bị thuyết phục bởi cái lý và nhất là cái tình của anh Nguyễn Tài. Hai chúng tôi làm việc cả ngày. Cuối cùng anh Tài kết luận: “Đồng chí chưa nên vào nội thành theo đề nghị của cơ sở. Tôi cảm giác thấy có hiện tượng nội gián trong lực lượng của cánh Vũ trang tuyên truyền của Tuyên huấn T4, qua những chi tiết mà đồng chí cho tôi biết. Cần phân công, giao việc cho những nhánh còn tồn tại. Những nhánh bị bể cần dứt khoát cắt liên lạc, cho điều lắng một thời gian. Sau đó, dựa vào quần chúng lao động tại chỗ, đào tạo người mới, rà soát thật kỹ những lực lượng cũ còn lại, tuân thủ đúng nguyên tắc ngăn cách, bảo mật, rồi mới có thể từ từ giao việc...”.

Quả nhiên, nhờ kinh nghiệm của các anh bên An ninh, trực tiếp là anh Tư Trọng (bí danh của anh Nguyễn Tài), chúng tôi tránh được cái bẫy do địch giăng ra để đưa những cán bộ cách mạng chủ chốt vào lưới của chúng. Việc củng cố cánh Vũ trang tuyên truyền của Tuyên huấn T4 được tiến hành quy củ. Đến năm 1968, chúng tôi đã thực hiện được nhiều công tác quan trọng như: tổ chức cuộc vũ trang tuyên truyền quy mô lớn ngay tại chợ Bến Thành lúc Nguyễn Văn Thiệu đi thăm chợ; diệt được tên thượng sĩ nhất Trần Kim Thành phụ trách thám báo nguy hiểm của Sư đoàn Dù quân Sài Gòn có căn cứ ở sân bay Tân Sơn Nhất, phá kềm ở khu ngã tư Bảy Hiền, một địa bàn nằm ngay sát sân bay...

Lúc biết anh bị địch bắt (năm 1970), tôi vẫn vững tin vào phẩm chất của anh, dù trong lần làm việc với anh trước đó, anh đã được biết khá rõ nhiều cơ sở bí mật của cánh Tuyên huấn T4.

Sau khi anh bị bắt, cơ sở bí mật của Tuyên huấn T4 không hề bị tổn thất. Hoạt động của cánh Tuyên huấn T4 không hề bị lộ, vẫn tiếp tục phát triển và đã xây dựng được một số lõm chính trị tại Bảy Hiền, Gò Vấp, Khánh Hội, Bình Thới... Các lõm chính trị của cánh Tuyên huấn T4 tồn tại cho đến tháng 4-1975 và đã xuất sắc thực hiện nổi dậy vào đêm 29-4-1975 ở khu Bảy Hiền, trước khi đại quân tiến vào Dinh Độc Lập sáng 30-4-1975...

Kỷ niệm về anh Tư Trọng - Nguyễn Tài, chính là kỷ niệm sâu sắc về người chiến sĩ Công an nhân dân, An ninh nhân dân, đã thể hiện sự nối tiếp và phát huy tuyệt vời những giá trị tinh thần truyền thống dân tộc: đó là chủ nghĩa yêu nước, khí phách kiên cường bất khuất, đi cùng với bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng, trong công tác cũng như khi đối mặt với địch, như những chuyện về cuộc chiến đấu sinh tử trong suốt bốn năm của anh với kẻ thù cực kỳ thâm hiểm. Được biết sau này, kể cả những oan khuất, anh kiên trì và dũng cảm chịu đựng khi trở lại phục vụ cách mạng.

Xin vĩnh biệt Anh Tư!

Xúc động tự đáy lòng tiễn Anh Tư với bài học quá tuyệt vời anh để lại cho chúng tôi, trong đó điểm cốt lõi là bài học về sự nối tiếp và phát triển những giá trị tinh thần truyền thống dân tộc mà qua anh đã trở thành “nét văn hóa của Công an nhân dân”.

Nguyễn Trọng Xuất



Theo Báo Công an TPHCM, Thứ Sáu, 19/02/2016.


 ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀




Tưởng nhớ một người cộng sản tiền bối - Hữu Tính

Monday, February 29, 2016


KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY HY SINH CỦA ĐỒNG CHÍ TÔ CHẤN (1936-2016)

_ Hữu Tính _
Hưng Yên địa linh nhân kiệt, đã sinh ra những tài danh nổi tiếng trên các lĩnh vực chính trị (như Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương...), quân sự (như Nguyễn Thiện Thuật, trung tướng Nguyễn Bình), y học (như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác), văn học nghệ thuật (như Đoàn Thị Điểm) v.v...

Trong những chiến sỹ cách mạng kiên cường của buổi đầu thành lập Đảng, riêng thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang) đã có những tên tuổi là niềm tự hào của nhân dân Hưng Yên và nhân dân cả nước. Trong các nhà cách mạng ưu tú ấy, có hai anh em ruột Tô Chấn và Tô Hiệu.

Đồng chí Tô Chấn khi bị đày ra Côn Đảo năm 1930



Đồng chí Tô Chấn, anh ruột của đồng chí Tô Hiệu, sinh năm 1904 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Cụ nội của đồng chí là cụ Tô Ngọc Nữu, đốc học Nam Định. Khi triều đình Huế ký hiệp ước Giáp Thân 1884 gọi là hòa ước, thực chất là hàng ước Patenôtre, đặt nước Việt Nam bị chia làm 3 kỳ dưới sự thống trị của thực dân Pháp, cụ đã phản đối bằng cách từ chức về dạy học. Ông ngoại của đồng chí là cụ Ngô Quang Huy, đốc học Bắc Ninh, người lãnh đạo có uy tín trong phong trào Bãi Sậy (Hưng Yên) do cụ Nguyễn Thiện Thuật (tức Tán Thuật) đứng đầu. Cũng như Nguyễn Thiện Thuật, cụ được vua Hàm Nghi phong chức Tán Tương Quân Vụ, thường được nhân dân gọi là cụ Tán Ngô hay cụ Tán Bắc.

Bà Ngô Thị Lý, mẹ đẻ của đồng chí đã có công lớn trong việc nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ thời kỳ hoạt động bí mật trước 1945. Các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Tử Bình, Trần Huy Liệu... thường về Xuân Cầu hoạt động, được bà chăm sóc chu đáo. Năm 2015, bà đã được Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Phát huy truyền thống cao đẹp của gia đình và quê hương, đồng chí tham gia cách mạng từ rất sớm. Từ năm 1925, đồng chí tích cực tham gia hoạt động cách mạng trong các tổ chức yêu nước ở Hà Nội, Sài Gòn và Nam Bộ. Năm 1927, đồng chí tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học đứng đầu và trở thành một đảng viên cốt cán, kiên cường, được cử làm Đảng trưởng Kỳ bộ Nam kỳ.


Tháng 10 năm 1930, khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp xử tử hình, đồng chí được đề cử thay Nguyễn Thái Học và tiến hành mưu sát toàn quyền Đông Dương, vì chúng đang cấu kết để đàn áp phong trào cách mạng. Việc chưa thành thì đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội, kết án tử hình, sau đó giảm án xuống chung thân, đày đi Côn Đảo. Giai đoạn những năm 1930 - 1936, trong nhà tù Côn Đảo, đồng chí đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí hăng hái tham gia đấu tranh kiên cường, tích cực học tập, trở thành một đảng viên nổi tiếng có kiến thức uyên bác và trí nhớ tuyệt vời về lý luận Mác - Lênin, được anh em rất tín nhiệm. Mùa xuân năm 1936, đồng chí được chi bộ nhà tù bố trí vượt Côn Đảo cùng đồng chí Ngô Gia Tự và một số đồng chí khác, song không may, đều bị hy sinh trên biển.

Đồng chí Tô Chấn cũng là người đã dìu dắt, giác ngộ đồng chí Tô Hiệu và một số thanh niên của làng Xuân Cầu hoạt động cách mạng như các đồng chí: Tô Gĩ (Lê Giản), Tô Quang Đẩu...

Tưởng nhớ Tô Chấn, những đồng chí cùng bị đi đày với Tô Chấn tại Côn Đảo đã tặng câu đối:

"Từ Xuân Cầu chọn hướng đời trai, chí cách mạng Tô hồng trang sử Đảng
Từ Côn Đảo tìm về Đất Mũi, gương hy sinh Chấn động một vùng trời".


Năm 2001, tỉnh ta đã tham gia lễ đón nhận tượng đồng danh nhân cách mạng Tô Chấn do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trao tặng và đặt tại nhà thờ họ Tô (Xuân Cầu, Văn Giang). Có thể nói liệt sỹ Tô Chấn hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ (32 tuổi) nhưng đã có những cống hiến lớn lao cho cách mạng và dân tộc kể cả khi tham gia lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng yêu nước cũng như khi trở thành đảng viên cộng sản. Năm 2010, để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí Tô Chấn cũng như góp phần giáo dục thế hệ thanh thiếu niên về truyền thống cách mạng, HĐND tỉnh nhà đã quyết định đặt tên Tô Chấn cho một đường phố tại thành phố Hưng Yên.

Anh Tô Quyết Tiến, cháu ruột Nhà Cách mạng Tô Chấn đứng dưới tấm biển đường phố mang tên ông tại TP Hưng Yên.



Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã trân trọng sáng tác đại câu đối 124 chữ, mỗi vế 64 chữ tổng kết cuộc đời oanh liệt của nhà cách mạng, liệt sỹ Tô Chấn như sau:

"Gió Xuân Cầu lồng lộng chí nam nhi, Hai chục tuổi lên đường cứu nước. Nào dựng xây tổ chức, Nào giác ngộ đồng bào, Nào mở rộng phong trào, Nào ngược xuôi Nam Bắc cùng nhân dân gắn bó nghĩa tình. Rồi phải buổi sa cơ mắc lưới, chốn lao lung tay xích chân cùm: Khí tiết vẫn sáng ngời trong sắt thép!

Hầm Côn Đảo nấu nung gan chiến sỹ, Hơn sáu năm đối mặt quân thù. Vẫn vững chắc tinh thần, Vẫn đấu tranh bất khuất, Vẫn nâng cao kiến thức, Vẫn rèn luyện ngày đêm, Được Đảng bộ tin giao trọng trách. Cho đến khi vượt biển chìm bè, Dù thể phách sóng vùi gió dập: Hồn thiêng còn toả rộng giữa trời mây".


Mùa xuân Bính Tuất GS Vũ Khiêu kính đề


Nhà báo Hữu Tính
02/02/2016
 ✯✯ 


Nguồn baohungyen.vn.

Bánh Xuân Cầu, nay còn đâu! - Bảo Anh

_ Bảo Anh _


(BĐT) - “Ăn chiếc bánh Xuân Cầu rưới mật, cái ngon ngọt có ý triền miên hơn, y như ta được đọc hết bài “Trường hận ca” của Bạch Lạc Thiên mà ta vẫn còn phảng phất thấy đâu đây cái buồn lả lướt của đức vua Đường thương nhớ người đẹp họ Dương”
(Món ngon Hà Nội – Vũ Bằng).

Vừa mê ẩm thực, lại vừa mê thơ Đường, nên từ khi đọc đoạn văn… ngon mê ly ấy, tôi đã quyết tìm hiểu về món bánh này, thứ bánh đặc trưng cho ngày Tết cổ truyền ở vùng đồng quê Bắc Bộ xưa. Cụ Vũ Ngọc Phan trong cuốn sách “Những năm tháng ấy”, với phong cách học thuật, miêu tả khá ngắn gọn: “Bánh huê Cầu là thứ bánh làm bằng bột nếp, vuông gần bằng ba ngón tay, màu vàng, xanh và đỏ, bỏ vào chảo mỡ đang sôi, bánh nở cong rất đẹp. Bánh huê Cầu do làng Xuân Cầu làm, Xuân Cầu thuộc Văn Giang, trước thuộc Bắc Ninh, nay thuộc Hưng Yên. Nhiều nhà sáng mồng một mới đem rán bánh. Bánh nở nhiều thì năm mới làm ăn thịnh vượng”.

Còn theo các bậc cao niên trong làng Xuân Cầu, thì bánh Xuân Cầu, hay Huê Cầu còn có tên dân dã là bánh mỡ (có lẽ do được rán bằng mỡ). Gia tộc Nguyễn Văn ở làng từng nổi danh khắp xứ nhờ nghề làm bánh này. Sau bao thăng trầm, nay nghề đã mai một, dù cách thức làm bánh dường như không quá phức tạp. Khâu đầu tiên là chiết xuất phẩm màu từ các loại hoa lá lành hiền, phổ biến ở làng quê: hoa hoè cho màu vàng tươi sáng, quả gấc cho màu đỏ thắm, lá gừng cho màu xanh mát mắt và rau dền đỏ đem lại màu hồng hoa đào... Gạo nếp ngâm kỹ, đãi sạch, để ráo rồi đem nhuộm gạo mỗi thứ một màu; đổ vào riêng từng góc chõ.

Đồ chín, đem xôi giã nhuyễn, dùng con lăn cán mỏng, cắt thành từng miếng vuông tròn tùy ý, nhưng chỉ nho nhỏ xinh xinh cỡ hai đầu ngón tay thôi, vì khi rán mỡ, bánh sẽ nở phồng. Bí quyết để bánh nở đều, không bị “nổ” xấu là gia giảm thêm đậu xanh hoặc gạo tẻ ngâm kỹ, đồ cùng xôi nếp. Sau khi được đem phơi khô giòn, cất kỹ chỗ khô ráo.

Trước khi ăn, đem bánh rán trong chảo ngập mỡ. Bánh càng nở tròn đều, màu sắc tươi tắn thì gia chủ càng phấn khởi, tin tưởng vào một năm mới hanh thông thuận lợi đang mở ra trước mắt. Vì thế mà người sành ăn đất Bắc dùng bánh Xuân Cầu vừa là thưởng thức một món ngon quê hương, vừa là muốn xem một quẻ bói vui về năm mới.

Nhưng bánh rán giòn tan rồi cũng chưa được ăn ngay. Trước khi mời khách thưởng thức, gia chủ sẽ đem nước mật nấu với thảo quả tưới đều lên bánh thành những đường chỉ màu nâu đẹp mắt. Chiếc bánh lúc ấy mới đủ vị giòn tan, bùi, béo, ngọt…

Cũng nên nói thêm rằng, quê hương của chiếc bánh Xuân Cầu ý nhị ấy là một làng khoa bảng, với nhiều vị đại khoa thành danh. Xuân Cầu cũng là chiếc nôi sản sinh ra nhiều nhân sĩ, trí thức thời hiện đại. Đó là họa - sĩ - cha Tô Ngọc Vân; họa - sĩ - con Tô Ngọc Thành; nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà cách mạng Tô Hiệu, nhà cách mạng Lê Văn Lương…

Xuân Cầu cũng từng nổi tiếng với nghề nhuộm vải thâm, đã có tự ngàn năm trước. Vải thâm Xuân Cầu được nhuộm bằng củ nâu, đun trong nước lá sòi (một loại cây thân gỗ mọc hoang), có khi dùng lá bàng, hoặc hạt dền; được dận bùn rồi mới giặt, phơi. Tấm vải nhuộm kiểu ấy dai, bền, không phai màu dẫu gội nắng phơi sương cùng người nông dân tần tảo.

Những đặc sản ấy đã thất truyền cùng những người muôn năm cũ, tiếc lắm thay!

Bảo Anh 13/02/2016


Miếng ngon Hà Nội - Phần 5: BÁNH KHOÁI + BÁNH XUÂN CẦU



BÁNH XUÂN CẦU: 3:50

Một làng quê ở Hưng Yên có năm đại biểu dự Đại hội II của Đảng

Saturday, January 2, 2016


_ Minh Huệ _
Làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang) vinh dự là làng quê duy nhất của cả nước có năm người con là đại biểu dự Đại hội II của Đảng.

Từ trái qua phải:  Ðồng chí Tô Duy, Lê Giản, Lê Văn Lương, Trần Bình, Tô Quang Ðẩu tại Ðại hội Ðảng lần thứ II (1951) ở Việt Bắc.      Ảnh Tư liệu .
Từ trái qua phải: Ðồng chí Tô Duy, Lê Giản, Lê Văn Lương, Trần Bình, Tô Quang Ðẩu tại Ðại hội Ðảng lần thứ II (1951) ở Việt Bắc. Ảnh Tư liệu.


Cảo thơm lần giở

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến 19.2.1951, giữa núi rừng Việt Bắc. Đây là Đại hội đầu tiên họp trong nước, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, một vùng trong thủ đô kháng chiến.

Ở Đại hội này, các đại biểu đã nghiên cứu và thảo luận báo cáo chính trị do Hồ Chủ tịch trình bày, nêu nên những nhiệm vụ chính trong giai đoạn trước mắt, quyết định đưa Đảng ra công khai hoạt động sau hơn 5 năm rút vào bí mật với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua chính cương, tuyên ngôn và Điều lệ của Đảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường chinh là Tổng Bí thư của Đảng.

Điều đặc biệt là trong 158 đại biểu chính thức về dự đại hội, đại diện các lớp đảng viên từ ngày Ðảng mới thành lập trên mọi miền Tổ quốc, có 5 đại biểu là người làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang), quê hương của đồng chí Tô Hiệu - liệt sỹ cách mạng của Đảng hồi tiền khởi nghĩa.

Năm đại biểu đó là các đảng viên: Tô Duy, Lê Giản (Tô Gĩ), Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miều), Trần Bình, Tô Quang Đẩu. Tại Ðại hội II của Ðảng, đồng chí Lê Văn Lương được bầu vào Ban chấp hành Trung ương và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị.

Làng Xuân Cầu vinh dự là địa phương duy nhất của cả nước có năm người con là đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II.

Trong 5 đại biểu dự Đại hội II của Đảng quê làng Xuân Cầu thì đồng chí Tô Duy là cháu, đồng chí Lê Văn Lương là em con bác con cô đồng chí Tô Hiệu, hai đồng chí Lê Giản, Tô Quang Đẩu là em họ và đồng chí Trần Bình là người cùng làng.

Thật là một sự kiện hiếm có, độc nhất vô nhị ở nước ta, Đảng ta, niềm tự hào của bao thế hệ cán bộ, đảng viên và người dân Xuân Cầu nói riêng và Hưng Yên nói chung.

Ngoài 4 người con họ Tô: Tô Chấn, Tô Hiệu, Tô Gĩ, Tô Quang Đẩu, làng Xuân Cầu còn có đảng viên Nguyễn Đức Cảnh hoạt động cách mạng rất sớm. Hai họ Tô, họ Nguyễn làng Xuân Cầu có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng bằng những người con ưu tú, sau này còn có nhiều người trở thành cán bộ giữ vị trí trọng yếu của cách mạng.


Ngôi làng cổ giàu truyền thống

Sải bước trên con đường mang tên Tô Hiệu rộng thênh thang, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Xuân Cầu, miền quê “địa linh nhân kiệt” là những ngôi nhà cao tầng san sát, là cây đa cổ thụ phủ dấu thời gian nhiều thế kỷ, rủ bóng bên một giếng nước rất sâu, xây bằng đá, nước mạch lên trong vắt...

Không chỉ là quê hương của những nhà cách mạng xuất sắc mà tầm vóc và ảnh hưởng đã trở thành biểu tượng còn mãi với thời gian, Xuân Cầu còn nổi danh là vùng đất hiếu học, khoa bảng của cả nước.

Những gì ngôi làng cổ có tuổi hàng nghìn năm này đã và đang đóng góp cho đất nước khiến người ta không khỏi khâm phục. Dưới thời phong kiến, thôn Xuân Cầu có tới 11 người thi đỗ Đại khoa.

Làng Xuân Cầu cũng là “của hiếm” trong cả nước khi có 2 người con được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là hai nhà văn hóa nổi tiếng: nhà văn, nhà giáo Nguyễn Công Hoan và họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Tại Xuân Cầu hiện có hai Nhà tưởng niệm hai chiến sỹ cách mạng xuất sắc: Tô Hiệu, Lê Văn Lương. Cả hai Nhà tưởng niệm được trân trọng đặt tại khu đất cũ của gia đình, nơi hai nhà cách mạng xuất sắc đã sinh ra và lớn lên, như biểu hiện của lòng khắc ghi, tôn kính, tri ân, như lời nhắc nhở lớp lớp con cháu mai sau, tự hào và sống xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha ông.

Một góc làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ ( Văn Giang)Một góc làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ ( Văn Giang)


Một góc làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ ( Văn Giang)
Về Xuân Cầu hôm nay, người ta không khỏi ngạc nhiên về một miền quê sầm uất, nhộn nhịp. Thay vì ngôi làng nghèo, hoang sơ năm xưa là những ngôi nhà cao tầng, những cửa hàng, cừa hiệu mọc lên san sát. Sự đổi thay nhanh chóng khiến ít người nghĩ rằng đây vốn là một địa phương thuần nông. Không nhiều làng quê trong tỉnh như Xuân Cầu có tới vài chục chiếc xe ô tô các loại, ngót trăm người đi xuất khẩu lao động, hàng chục trang trại VAC lớn, nhỏ với sự đột phá về năng suất, hiệu quả...

Với ý chí vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng bằng khối óc, bàn tay cần cù, năng động, người dân nơi đây đã phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương gần thị trường Hà Nội và các khu công nghiệp, kết hợp giữa sản xuất, chăn nuôi gắn với phát triển cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả....

Quỹ khuyến học của các dòng họ Tô và họ Nguyễn rất phát triển nhằm động viên con em nỗ lực học tập. Nhiều năm nay, Xuân Cầu luôn là điểm sáng trong phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư của Hưng Yên.

Tự hào về vùng quê giàu truyền thống, người dân Xuân Cầu hôm nay càng nỗ lực vượt khó, vươn lên học tập, làm giàu chính đáng bằng bàn tay, khối óc cần cù, năng động để xây dựng quê hương, xứng đáng với công lao của tiền nhân.



Minh Huệ
 ✯✯ 


Nguồn baohungyen.vn - 30/11/2015.