Phim tài liệu: Anh về cùng mùa hoa

Sunday, March 20, 2022
Phim tài liệu:

Anh về cùng mùa hoa

Video VTV2

Giỗ lần thứ 78 - Nhà cách mạng liệt sỹ TÔ HIỆU (7/3/1944-7/3/2022) và kỷ niệm 110 năm năm sinh của ông (1912-2022).

Nguồn: YouTube 19 thg 3, 2022

Chuyến làm phim cho tôi hiểu những đóng góp to lớn của liệt sĩ Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam

Tuesday, March 15, 2022

Chuyến làm phim cho tôi hiểu những đóng góp to lớn của liệt sĩ Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam

Nguyễn Công Đán

Lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng thân nhân gia đình đồng chí Tô Hiệu và các đại biểu tham quan triển lãm về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)



Từ thời đi học và cho mãi đến nhiều năm sau này, tôi chỉ hiểu một cách chung chung rằng liệt sĩ Tô Hiệu (1912-1944) là một nhà cách mạng và là người trồng đào tại nhà tù Sơn La.
Đó là vào đầu xuân Quý Mùi 2003, tôi cùng các phóng viên quay phim Mạnh Khởi, Anh Phương và lái xe Văn Cẩn của Đài PT&TH Hưng Yên đi Sơn La làm phim về liệt sĩ Tô Hiệu. Chúng tôi đã nhờ bạn bè tại Báo Sơn La đi xem xét chọn thời điểm cây đào do liệt sĩ Tô Hiệu trồng năm xưa nở hoa để quay cho đẹp. Quay cảnh tại Sơn La xong, một thời gian sau, chúng tôi điện lên xin lịch và bố trí ghi hình phỏng vấn một số đồng chí lão thành cách mạng, là bạn tù của đồng chí Tô Hiệu như đồng chí Nguyễn Thanh Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực ban Bí thư, đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư TW Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư TW Đảng, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội và nhà văn Hoàng Công Khanh. Tất cả những bạn tù cùng thời với đồng chí Tô Hiệu đều tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi ghi hình phỏng vấn tại nhà riêng. Và chính nhờ chuyến làm phim này, được tai nghe các bậc lão thành cách mạng kể chuyện và giảng giải, được mắt thấy nhà ngục Sơn La với những dãy hầm xà lim chìm sâu trong lòng đồi núi, chúng tôi hiểu biết hơn về Tô Hiệu - Một chiến sĩ cách mạng đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ (Tô Hiệu mất khi mới 32 tuổi) nhưng đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, có đóng góp to lớn cho cách mạng và là một nhân cách cộng sản cao đẹp.

TÔ HIỆU CÓ TẦM NHÌN XA TRÔNG RỘNG

Nói về tầm nhìn xa trông rộng của nhà cách mạng Tô Hiệu, đồng chí Hoàng Tùng cho biết: Trước năm 1940, những người đảng viên Cộng sản và đảng viên của Việt Nam Quốc Dân đảng tại nhà tù Sơn La chia rẽ nhau, thậm chí công kích lẫn nhau. Thêm vào đó, tù thường phạm cũng không hợp tác với đảng viên, lại thêm có cả mật thám cài trong tù nhân, do đó, bộ máy quân Pháp tại nhà tù dễ dàng thực hiện âm mưu chia để trị, chúng đối xử dã man với tù chính trị, nhiều tù chính trị bị gông cùm, bị khủng bố, bị đói khát nên chết nhiều, và nhà ngục Sơn La trở thành “mồ chôn chính trị phạm”. Nhưng từ khi Tô Hiệu bị đày lên đây vào cuối năm 1940, nhờ tầm nhìn cũng như sự phân tích thuyết phục của ông mà các tù nhân gồm đủ các loại thành phần đã thống nhất với nhau và chịu ảnh hưởng của những người tù Cộng sản, từ đó họ đoàn kết chống lại bộ máy tàn bạo của thực dân, gần 300 tù nhân đã thành lập được “Uỷ ban tự quản” để đòi được đối xử nhân đạo, do đó số tù nhân chết giảm hẳn. Còn đồng chí Nguyễn Văn Trân kể: Nếu không có “tầm nhìn xa trong rộng” của Bí thư chi bộ Tô Hiệu thì có thể hàng trăm tù chính trị sẽ chết và không có cuộc vượt ngục năm 1943. Khi ấy, ta đấu tranh và tuyệt thực, chúng lùa hơn một trăm chính trị phạm xuống dãy hầm xà lim ngầm, bỏ mặc cho những người tù cộng sản đói khát, có người đã phải uống nước tiểu, một số người bị lả, nếu cứ đấu tranh thì không tránh khỏi tổn thất, đồng chí Tô Hiệu cho họp chi uỷ và đề ra chủ trương nhượng bộ bọn Giám thị để tìm cơ hội khác, nhờ đó an toàn về lực lượng. Về cuộc vượt ngục năm 1943, đồng chí Nguyễn Văn Trân cho biết: Trước đó đã có 2 tù chính trị vượt ngục nhưng không thành và bị chúng chặt đầu treo tại hành lang nhà tù để khủng bố tinh thần tù chính trị, nhưng Bí thư Chi bộ Tô Hiệu chỉ đạo vẫn phải tiếp tục vượt ngục. Đồng chí Tô Hiệu yêu cầu phải học tiếng Thái cho tiện hỏi đường, và phải xác định phương hướng đường đi lối lại nhân lúc được ra ngoài lao động khổ sai, đồng thời phải chuẩn bị áo quần giống như thổ dân… Tháng 8/1943, bốn đồng chí là Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu là những người chịu án khổ sai và án tù chung thân được chọn vượt ngục. Đoàn người không theo đường số 6 về xuôi mà quyết định vượt sông Đà để sang Yên Bái. Nhưng khi đó nước to, không thể đi bè qua sông, 4 cán bộ đành men sông băng rừng và về xuôi an toàn. Đây là chuyến vượt ngục thành công hiếm có.

CÓ CÔNG ĐÀO TẠO NHIỀU CÁN BỘ CHO ĐẢNG

Về những đóng góp của Tô Hiệu cho cách mạng Việt Nam, các đồng chí cùng hoạt động đều khẳng định đồng chí Tô Hiệu có công lớn trong công tác đào tạo những cán bộ cốt cán cho Đảng. Với vai trò là Thường vụ Xứ uỷ Bắc kì tham gia chỉ đạo phong trào vùng Duyên hải Bắc bộ từ năm 1936 đến 1939, và sau này là Bí thư Chi bộ nhà tù Sơn La từ 1941 đến 1944, đồng chí Tô Hiệu rất chú trọng huấn luyện đào tạo cán bộ cho Đảng. Các đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Tùng, Nguyễn Văn Trân nhận xét: Trong khoảng 4 năm ở nhà tù Sơn La, với vai trò là Bí thi chi bộ, đồng chí Tô Hiệu đã xây dựng kế hoạch học tập và trực tiếp biên soạn những tài liệu liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Nhà nước cách mạng, công tác xây dựng đảng, công tác nông hội, địch vận…
Đồng chí Tô Hiệu cùng các đảng viên của Đảng đã biến nhà tù thành trường học. Chính tại nhà tù Sơn La, đã rèn luyện và đào tạo được nhiều cán bộ xuất sắc của Đảng, đã có 196 đồng chí ra tù và lần lượt đảm nhận nhiều chức vụ cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước như các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng (nguyên Phó Chủ tịch nước), Nguyễn Thanh Bình (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), Trần Quốc Hoàn (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), Văn Tiến Dũng (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), Mai Chí Thọ (Ủy viên Bộ Chính trị), Lê Đức Thọ (Ủy viên Bộ Chính trị), Nguyễn Đức Tâm (Ủy viên Bộ Chính trị), Lê Thanh Nghị (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), Nguyễn Cơ Thạch (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), Xuân Thuỷ (Bí thư TW Đảng), Hoàng Tùng (Bí thư TW Đảng), Nguyễn Văn Trân (Bí thư TW Đảng), Trần Độ (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội), Đặng Việt Châu (nguyên Phó Thủ tướng), Lưu Đức Hiểu (nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội), Song Hào (thượng tướng), Phạm Ngọc Mậu (thượng tướng), Lê Quang Hoà (thượng tướng), Trần Kiên (Bí thư Thành uỷ Hải Phòng), Lê Lam (nguyên Phó Thủ tướng) Trần Huy Liệu (nguyên Bộ trưởng Tuyên truyền), Ngô Minh Loan (nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực), Hoàng Quốc Thịnh (nguyên Bộ trưởng Bộ Nội thương), Nguyễn Hữu Mai (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông), Dương Quóc Chính ( Bộ trưởng Bộ Thương binh Xã hội), Nguyễn Khang (nguyên Bộ trưởng Phủ Thủ tướng)…

VÀ MỘT NHÂN CÁCH CỘNG SẢN CAO ĐẸP

Chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu sinh 1912 tại Xuân Cầu, Văn Giang trong một gia đình có truyền thống nho giáo và yêu nước. Ông cùng anh trai là Tô Chấn tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng. Anh trai ông là lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng. Hai anh em Tô Hiệu hăng hái tham gia các phong trào chống Pháp. Rồi Tô Hiệu bị địch bắt và đày đi Côn Đảo vào cuối năm 1929. Thời gian ở Côn Đảo, ông chuyển hướng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng, ông tham gia Thường vụ Xứ uỷ Bắc kì và phụ trách phong trào các tỉnh Duyên hải Bắc bộ gồm Quảng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương. Ông bị bắt cuối năm 1939, và bị đưa đày tại nhà ngục Sơn La vào cuối năm 1940 và mất vào tháng 7/3 năm 1944 tại nhà ngục Sơn La vì chế độ hà khắc của nhà tù và vì bệnh lao quá nặng. Trước đó Tô Chấn - anh trai của ông cũng đã chuyển sang hàng ngũ những người cộng sản và được bố trí vượt ngục Côn Đảo cùng chiến sĩ cách mạng Ngô Gia Tự. Nhưng tiếc là thuyền gặp bão, cả đoàn hy sinh trên biển. Kể về nhân cách cao đẹp của đồng chí Tô Hiệu, nhà văn Hoàng Công Khanh nhớ lại: Anh Tô Hiệu rất yêu mẹ, anh lúc nào cũng thể hiện là mình còn bé để cho mẹ vui. Với người yêu, anh luôn nhắn nhủ rằng hãy đi lấy chồng chứ không thể chờ đợi một người tù như anh… Nhà văn Hoàng Công Khanh xúc động kể việc đồng chí Tô Hiệu nhường thuốc để chữa bệnh lao phổi cho nhà văn, mặc dù đồng chí Tô Hiệu cũng mắc lao phổi rất nặng. Đồng chí Nguyễn Văn Trân kể lại câu chuyện Tô Hiệu trồng cây đào cạnh phòng giam thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời bất chấp ngục tù. Những chi tiết đó cho thấy nhân cách cao đẹp của nhà cách mạng Tô Hiệu.

Và tôi rất nhớ lời của nhà tuyên huấn Hoàng Tùng, ông kể: “Khi nghe tin Tô Hiệu mất, Tổng Bí thư Trường Chinh đã khóc rất nhiều”. Và ông nói thêm: “Tô Chấn và Tô Hiệu đều có tầm lãnh tụ, một nhà có hai bậc quân vương mà tiếc là không thành. Nhưng đấy là những tấm gương đẹp đã một đời hy sinh vì nước vì dân”.

Năm đó chúng tôi làm phim tài liệu về nhà cách mạng Tô Hiệu có tựa đề “THẮM MÃI MỘT SẮC ĐÀO CỘNG SẢN”. Năm nay, nhân cán bộ và nhân dân Hưng Yên đang chuẩn bị kỉ niệm 110 năm ngày sinh của nhà cách mạng Tô Hiệu, (1912-2022) và 78 năm ngày mất của ông(7/3/1944-7/3/2022), xin ghi lại câu chuyện làm phim cách nay đã 20 năm, và xin cảm ơn các bạn tù của liệt sĩ Tô Hiệu là các đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Tùng, Nguyễn Văn Trân, Hoàng Công Khanh đã kể cho chúng tôi những điều không thể nào quên về Tô Hiệu - Một chiến sĩ có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Công Đán
Nguồn: Người làm báo Hưng Yên - Thứ sáu - 04/03/2022




Tự hào Tô Hiệu và quê hương

Nguyễn Đán

Giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho học sinh tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.



Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày mất (7/3/1944-7/3/2022) nhà cách mạng – liệt sỹ Tô Hiệu, xin có đôi dòng cảm nhận về quê hương ông, cũng như về bản thân Tô Hiệu một người con ưu tú của Đảng, sinh ra, lớn lên ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.
Tôi có may mắn nhiều lần được đến làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang và Nhà tù Sơn La tỉnh Sơn La. Đây là hai địa chỉ đỏ nổi tiếng, đầy tự hào, gắn liền với tên tuổi của nhà cách mạng – liệt sỹ Tô Hiệu.

Nằm bên bờ sông Bắc Hưng Hải hiền hòa, tháng năm miệt mài chở nước tưới cho ruộng đồng, từ xa xưa thôn Xuân Cầu xã Nghĩa trụ nơi Tô Hiệu sinh ra và lớn lên đã nổi tiếng khắp vùng qua câu ca; “Ai về Đồng Tỉnh Xuân Cầu, Đồng tỉnh bán thuốc, Xuân Cầu nhuộm thâm”. Không chỉ nổi tiếng với các ngành nghề kể trên, xã Nghĩa Trụ còn là vùng đất hiếu học khoa bảng có truyền thống yêu nước và cách mạng. Chế độ khoa bảng thời phong kiến, xã Nghĩa Trụ có 12 người đỗ đại khoa như cụ Nguyễn Hằng đỗ tiến sỹ năm 1586, Cụ Nguyễn Hành đõ tiến sỹ năm 1688, cụ Nguyễn Gia Cát đỗ tiến sỹ năm 1787... Đến giai đoạn đầu cách mạng do Đảng lãnh đạo, ở xã Nghĩa Trụ có nhiều chiến sỹ cách mạng kiên trung, một lòng theo Đảng và nhiều nhà văn hóa lớn như chiến sỹ cách mạng Tô Chấn, Tô Hiệu, nhà văn Nguyễn Công Hoan, danh họa nổi tiếng Tô Ngọc Vân...Sau này là các đồng chí Lê Văn Lương, Tô Lâm...là những cán bộ cốt cán của Đảng. Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Trụ đoàn kết đồng lòng, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra, là xã nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng ấy, đồng chí Tô Hiệu (sinh năm 1912) đã sớm phát huy tinh thần yêu nước và cách mạng của quê hương, năm 1927 ông lên Hà Nội ở với anh trai là Tô Tu. Tại đây, ông vừa đi học, vừa tham gia các hoạt động cách mạng trong các tổ chức của Đảng. Cuối năm 1929, ông vào Sài Gòn hoạt động cách mạng với anh trai là Tô Chấn. Hai anh em ông bị địch bắt trong một cuộc họp, rồi bị chúng đầy ra giam cầm tại nhà tù Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo Tô Hiệu tham gia tổ chức vượt ngục nhưng không thành. Năm 1934, Tô Hiệu mãn hạn tù trở về quê hương. Mặc dù bị địch theo dõi, quản thúc chặt chẽ nhưng Tô Hiệu vẫn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, tham gia lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương và được bầu vào Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ.
Trong hai năm 1936 – 1937, ông tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng tại Hà Nội và một số địa phương khác. Năm 1938 – 1939, ông được điều về đặc trách Bí thư liên khu B (bao gồm các tỉnh duyên hải Bắc bộ; Hải Dương, Hưng Yên và kiêm Bí thư thành ủy Hải Phòng). Cuối năm 1939, Tô Hiệu bị địch bắt và giam cầm tại nhà tù Hải Phòng, nhà tù Hỏa Lò, rồi bị kết án 5 năm khổ sai, bị đầy lên nhà tù Sơn La vào cuối năm 1940. Tại đây ông bị thực dân Pháp coi là một nhân vật cực kỳ nguy hiểm. Chúng lấy cớ ông bị lao phổi nặng lên biệt giam ông ở xà lim hình tam giác có diện tích chưa đầy 4 m2, nhằm cách ly ông hoàn toàn với các tù nhân khác. Mặc dù trong hoàn cảnh đó, song Tô Hiệu vẫn tìm cách liên lạc với với các tù nhân chính trị như Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và một số đồng chí tù nhân nữa thành lập chi bộ nhà tù Sơn La. Chi bộ đề ra đường lối, nhiệm vụ cụ thể, lãnh đạo tù nhân chống lại chế độ nhà tù hà khắc, bảo toàn lực lượng cách mạng. Tháng 5.1940, Tô Hiệu được bầu làm Bí thư chi bộ nhà tù Sơn La. Với kinh nghiệm hoạt động của mình, vượt lên bệnh tật, chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, Tô Hiệu tổ chức công tác tuyên truyền cách mạng ngay trong nhà tù, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng như mở các lớp học văn hóa, chính trị, quân sự, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn đấu tranh cho các tù nhân...Ngày 7.3.1944 Tô Hiệu chút hơi thở cuối cùng tại nhà tù Sơn La khi mới 32 tuổi. Mộ của ông được đặt tại vị trí trung tâm nghĩa trang liệt sỹ nhà tù Sơn La.

Giờ đây, nếu có dịp đến thăm khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La nằm trên đồi Khau Cả, thuộc tổ 9, phường Tô Hiệu thành phố Sơn La, ta vẫn cảm nhận được không khí lao tù khắc nghiệt, đòn roi man rợ của kẻ thù và tinh thần sục sôi ý chí đấu tranh cách mạng của những người cộng sản.

Tô Hiệu mất đi nhưng tấm gương về tinh thần và ý chí cách mạng vẫn chói sáng, hun đúc, lan tỏa tinh thần yêu nước, cách mạng cho muôn đời con cháu noi theo.

Nguyễn Đán
Nguồn: Người làm báo Hưng Yên - Thứ hai - 07/03/2022

Thời sự Hưng Yên Chủ nhật ngày 06/03/2022


Thời sự Hưng Yên Chủ nhật ngày 06/03/2022
Trọn chương trình tôn vinh cuộc đời của nhà cách mạng TÔ HIỆU

Video Truyền hình Hưng Yên - HYTV

Giỗ lần thứ 78 - Nhà cách mạng liệt sỹ TÔ HIỆU (7/3/1944-7/3/2022) và kỷ niệm 110 năm năm sinh của ông (1912-2022).

Nguồn: YouTube 06/03/2022

Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên

Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên

Truyền Hình Quốc Hội Việt Nam

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912-2022), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh uỷ Hưng Yên đã tổ chức Hội thảo khoa học "Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và Hưng Yên". Tại Hưng Yên, Sơn La cũng diễn ra các hoạt động kỉ niệm, dâng hương để nhớ về "tinh thần Tô Hiệu", về người suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng.

Sáng 6/3, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh uỷ Hưng Yên tổ chức Hội thảo khoa học "Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và Hưng Yên" theo hình thức trực tuyến. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo.

Hội thảo khoa học là hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912-2022), nhằm tri ân, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Tô Hiệu đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên.

Đồng chí Tô Hiệu sinh tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, ngay từ tuổi thiếu niên, Tô Hiệu đã tham gia tích cực phong trào yêu nước của học sinh. Năm 1930, đồng chí Tô Hiệu bị Thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn, kết án 4 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo. Năm 1932, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, ra tù, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động, lần lượt được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc kỳ- Bắc Trung Kỳ. Phụ trách Khu B. Cuối năm 1939 đồng chí lại bị Thực dân Pháp bắt, sau đó bị đày lên Nhà tù Sơn La. Tại đây, Tô Hiệu đã lãnh đạo Chi bộ, đấu tranh chống chế độ tàn bạo của nhà tù Sơn La, huấn luyện, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức vượt ngục thành công cho một số cán bộ chủ chốt của Đảng. Những cống hiến và hy sinh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy được các đại biểu phân tích làm rõ trong hội thảo.



Ông LÒ MINH HÙNG, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La: “Đồng chí Tô Hiệu và các chiến sĩ cộng sản thực sự đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, chiến thắng sự tàn ác, khắc nghiệt ở chốn lao tù. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tô Hiệu và Chi ủy, nhà tù Sơn La trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng, ươm mầm những hạt giống đỏ cung cấp cho phong trào cách mạng Việt Nam và trực tiếp đóng góp vào thành công của cao trào khởi nghĩa giành chính quyền đến cách mạng Tháng Tám”.



Ông NGUYỄN HỮU NGHĨA, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên: “Biết ơn công lao to lớn của đồng chí Tô Hiệu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta nguyện noi gương đồng chí Tô Hiệu rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu suốt đời vì mục tiêu lý tưởng độc lập và chủ nghĩa xã hội”.

Đồng chí Tô Hiệu hy sinh vào ngày 7/3/1944 tại nhà tù Sơn La khi mới 32 tuổi. Cây đào do đồng chí trồng ở nhà tù Sơn La sau này được mang tên cây đào Tô Hiệu, để tưởng nhớ tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của một con người kiên gan, anh dũng. Tinh thần ấy không bao giờ tắt, mãi mãi toả sáng. Tinh thần và bản lĩnh phẩm chất người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu là tài sản vô giá của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.



DÂNG HƯƠNG KỶ NIỆM 110 NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ TÔ HIỆU

Tại Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ Dâng hương kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu - Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam và lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Lịch sử quốc gia khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tham dự buổi lễ.

Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu được xây dựng vào năm 2000 và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ về tấm gương bất khuất, kiên trung, trọn đời của chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu. Tại lễ đón nhận bằng di tích lịch sử Quốc gia cho khu lưu niệm này, đại diện Đảng uỷ, Chính quyền và gia đình đồng chí Tô Hiệu bày tỏ lòng biết ơn đối với sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước, đồng thời xin hứa sẽ giữ gìn và phát huy tối đa giá trị của di tích. Đại tướng Tô Lâm cùng với các đại biểu đã dâng hương và dành phút mặc niệm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn tới công lao của đồng chí Tô Hiệu đối với cách mạng. 32 năm tuổi đời, 18 năm đồng chí Tô Hiệu đã dấn thân, hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, trở thành một tấm gương sáng về người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng .

THẮM MÃI SẮC ĐÀO TÔ HIỆU

Có những cái chết hoá thành bất tử, có những hy sinh để mãi mãi hồi sinh, điều này có lẽ đúng với những người chiến sỹ cộng sản kiên trung nói chung, và với đồng chí Tô Hiệu nói riêng. Sinh ra ở quê hương Hưng Yên, cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng; đặc biệt là phần lớn thời gian thanh xuân và tuổi trẻ, đồng chí bị giam cầm và hy sinh trong “địa ngục trần gian” - nhà tù Sơn La, song đồng chí đã viết lên những trang Sơn La được biết đến là nơi rừng thiêng nước độc, heo hút, thời tiết khắc nghiệt. Nhà cách mạng, nhà thơ Xuân Thuỷ đã từng thốt lên:

Lại đến Sơn La lại núi rừng
Nằm trên đỉnh núi mà như bưng
Lờ mờ cửa ngục thông ba lỗ
Thăm thẳm hầm giam sâu mấy tầng
Tháng tháng cơm xôi đau cả bụng
Ðêm đêm sàn đá buốt sau lưng...

Thực dân Pháp lợi dụng nơi "rừng thiêng nước độc" này để biến Nhà tù Sơn La thành "địa ngục trần gian" để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người cộng sản Việt Nam. Vượt lên trên gông cùm và tội ác của thực dân Pháp, những người cộng sản Việt Nam đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, biến những phòng giam lạnh lẽo thành tổ ấm, thắm tình đồng chí của những bạn tù. Chi bộ nhà tù Sơn La đã tổ chức đại hồi lần đầu tiên vào tháng 5/1940 và đã bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư chi bộ.



Bà NGÔ THỊ HẢI YẾN – Giám đốc Bảo tàng Sơn La: “Các cựu tù nhân và các vị tiền bối CM đều nhận định sự ra đời của chi bộ nhà tù Sơn La là sự kiện mang tính chất lịch sử, Chi bộ ra đời được tổ chức bí mật, chặt chẽ và hoạt động hiệu quả. Và đồng chí Tô Hiệu thể hiện tinh thần kiên trung bất khuất, lạc quan cách mạng và là linh hồn của chi Bộ nhà tù Sơn La”

Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với thầy trò trường Trung học Phổ thông Tô Hiệu, và đối với thân nhân gia đình ông. Lễ khánh thành tượng đài bán thân nhà cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu diễn ra vào đúng thời điểm dịch bệnh phức tạp, các em học sinh nghỉ học online, song vẫn được tổ chức giản dị và ấm cúng. Một căn phòng nhỏ lưu giữ những cuốn sách và những kỷ vật về người con ưu tú, người chiến sỹ cộng sản kiên trung đã thể hiện sự trân trọng quá khứ, sự quan tâm trong giáo dục truyền thống cách mạng của thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh hôm nay.



Ông TÔ QUYẾT TIẾN – Cháu ruột đồng chí Tô Hiệu: “Tôi biết rằng do dịch bệnh nên nhiều hoạt động tri ân và tưởng niệm phải tạm dừng hoặc giảm quy mô nhưng cái không thay đổi được trong lòng tôi là sự tri ân biết ơn sâu sắc của lãnh đạo và nhân dân Sơn La. Các hoạt động đó có ý nghĩa giáo dục với nhân dân, thế hệ trẻ, về truyền thống cách mạng của các tiền nhân”.

Còn với lớp lớp thế hệ trẻ và các học sinh đang vinh dự được học tập rèn luyện dưới mái trường mang tên liệt sỹ Tô Hiệu nói riêng, bài học lịch sử các em được học hôm nay là hành trang để các em mang theo, vững vàng trong những chặng đường chinh phục tri thức và góp sức xây dựng quê hương



Em DƯƠNG THẾ HIẾU, Trường THPT Tô Hiệu, thành phố Sơn La: “Là một học sinh của ngôi trường được mang tên người anh hùng CM Tô Hiệu chúng em thấy mình phải có trách nhiệm phát huy truyền thống của nhà trường. chúng em cần phải học tập tốt hơn, cố gắng trau dồi tri thức hoàn thiện bản thân mình từ đó lan tỏa mạnh mẽ tinh thần Tô Hiệu đến mọi người , đến lớp lớp thế hệ học sinh sau của nhà trường”.

Ngục tù chật hẹp, sàn đá lạnh căm không giam hãm, không ngăn nổi những mầm đào bật lên, để hôm nay những mùa hoa đào thắm mãi, như một nhân chứng lịch sử về tấm gương lạc quan, kiên cường, dũng cảm, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của người anh hùng liệt sỹ./.

Sáng mãi tinh thần Tô Hiệu

Thursday, March 10, 2022
Phim tài liệu

Sáng mãi tinh thần Tô Hiệu


Kỷ niệm 110 năm sinh (1912-2022) và 78 năm ngày mất của đồng chí Tô Hiệu (07/3/1944-07/3/2022).

DUC THANH DAO

Tô Hiệu là ai mà được đặt tên cho hàng chục con đường ở các thành phố, nông trường, thị xã, các trường học trong cả nước mang tên ông? Tô Hiệu người chiến sĩ cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, người đã dấn thân, kiên định với con đường mình lựa chọn.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu ( 7/3/1912-7/3/2022) Hãng phim Tài Liệu và Khoa học Trung ương sản xuất bộ phim tài liệu: Sáng mãi tinh thần Tô Hiệu. Phim do Ban Tuyên Giáo Trung ương chỉ đạo.
Phim đã phát sóng trên VTV1 vào 20h15p tối ngày mồng 6/3/2022.
Nguồn: YouTube 07 thg 3, 2022






Truyền hình Hưng Yên - HYTV

Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên

Monday, March 7, 2022

Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên

LÊ MẬU LÂM

Kỷ niệm 110 năm sinh (1912-2022) và 78 năm ngày mất của đồng chí Tô Hiệu (07/3/1944-07/3/2022)
Hội thảo khoa học: “Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo.



Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912-2022), ngày 6/3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”, hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và Tỉnh Hưng Yên.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương; tỉnh Hưng Yên; đại diện gia đình đồng chí Tô Hiệu.

Đồng chí Tô Hiệu sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước và cách mạng tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Từ tuổi thiếu niên, đồng chí Tô Hiệu đã tích cực tham gia phong trào yêu nước của học sinh. Năm 1930, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn, kết án 4 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo. Năm 1932, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1934 ra tù, Đồng chí bị đưa về quản thúc ở quê nhà. Sau đó, Đồng chí tìm cách lên Hà Nội để bắt liên lạc với tổ chức, tham gia tái lập hệ thống tổ chức Đảng và khôi phục phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ.

Tháng 5/1937, Đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ; tháng 11/1937 được cử làm Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ-Bắc Trung Kỳ. Đầu năm 1939, Đồng chí được cử phụ trách Khu B (sau là Liên tỉnh B), trực tiếp phụ trách Thành ủy Hải Phòng. Tháng 12/1939, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, bị giam ở Đề lao Hải Phòng, Nhà tù Hỏa Lò, rồi bị kết án 5 năm tù, đày lên Nhà tù Sơn La và hy sinh khi mới 32 tuổi.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động thiết thực Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912-2022)-người cộng sản kiên trung, bất khuất, nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương người cộng sản trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đây là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tiếp tục tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Tô Hiệu đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên.

Với 40 bản tham luận, Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá những hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Tô Hiệu: Ảnh hưởng của quê hương giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, gia đình nền nếp và yêu nước-cái nôi hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, nhiệt huyết, hình thành chí khí cách mạng của Tô Hiệu; phân tích, đánh giá những đóng góp quan trọng của đồng chí Tô Hiệu trong quá trình đấu tranh cách mạng từ khi trở thành người chiến sĩ cộng sản đến lúc hy sinh vì sự nghiệp của Đảng và dân tộc; bị giam cầm, tra tấn, đày ải trong lao tù đế quốc, đồng chí Tô Hiệu tiếp tục nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Tại Nhà tù Sơn La, Đồng chí tích cực tham gia hoạt động và trở thành hạt nhân lãnh đạo Chi bộ Nhà tù. Tháng 2/1940, Chi bộ chính thức Nhà tù Sơn La được bí mật thành lập, Đồng chí được cử vào Ban Chi ủy, tháng 5/1940, Đồng chí được bầu là Bí thư Chi bộ. Đồng chí hy sinh ngày 7/3/1944 tại Nhà tù Sơn La, với một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tất thắng của cách mạng.

Từ sự phân tích những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Tô Hiệu với Đảng và cách mạng Việt Nam, Hội thảo thống nhất khẳng định, đồng chí Tô Hiệu là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. Đồng chí là người yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, trí tuệ, kiên trung, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Cuộc đời ngắn ngủi nhưng hào hùng, phẩm chất cách mạng cao đẹp của đồng chí Tô Hiệu mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Tinh thần, bản lĩnh, phẩm chất người cộng sản của đồng chí Tô Hiệu là tài sản vô giá của Đảng và cách mạng Việt Nam, có giá trị trường tồn và sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.

Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên mãi mãi tự hào, tri ân sâu sắc những đóng góp của Đồng chí với quê hương, đất nước; ra sức học tập và noi theo tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu, xây dựng và phát triển quê hương Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.

LÊ MẬU LÂM
Nguồn: Hương Sen Việt - 6/3/2022