Trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ 9 - 2019

Saturday, May 2, 2020

Trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ 9 - 2019

Bài -ảnh: Thanh Hiệp

391 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT
(Trích đăng)


(NLĐO) – Chiều 29-8-2019, lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) cho 391 nghệ sĩ đã được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.


NSND - ca sĩ Tô Lan Phương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ
Trong lần xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9, hội đồng cấp nhà nước đã nhận được 84 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 307 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT từ 46 hội đồng cấp bộ -ngành, tỉnh - TP.

Sau khi 5 hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước họp xét duyệt, thảo luận theo từng chuyên ngành, có 79 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 299 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT đủ điều kiện trình hội đồng cấp nhà nước. Hai nghệ sĩ cao tuổi được xét tặng danh hiệu đợt này là NSND Đường Tuấn Ba (Hãng Phim Giải phóng, SN 1927) và NSND Phó Thị Đức (Đài Tiếng nói Việt Nam, SN 1931).

Hội đồng cấp nhà nước đã bỏ phiếu kín về từng hồ sơ và nhất trí trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước ra quyết định phong tặng danh hiệu cho 79 NSND và 299 NSƯT, đồng thời truy tặng 5 NSND và 3 NSƯT

Đánh giá về công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: "Các hồ sơ đề nghị xét tặng NSND, NSƯT đều được thực hiện qua 3 cấp hội đồng. Trong đó, hội đồng cấp nhà nước được thực hiện qua 2 bước xét: Hội đồng chuyên nghành cấp nhà nước và hội đồng cấp nhà nước. Các nghệ sĩ chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ từ hội đồng cấp cơ sở. Hồ sơ gốc của nghệ sĩ được gửi lên hội đồng cấp trên; việc sao lưu hồ sơ tại các cấp hội đồng do các đơn vị thực hiện. Quy định này giảm thiểu phiền hà cho nghệ sĩ, đảm bảo thực hiện cải cách hành chính theo quy định".


Phát biểu tại lễ trao tặng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng danh hiệu NSND, NSƯT là phần thưởng cao quý mà Đảng, nhà nước trao tặng những đại diện tiêu biểu của đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng, những người có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với nghiệp, có tài năng nghệ thuật, có nhiều cống hiến to lớn, góp phần trực tiếp xây dựng và phát triển nền nghệ thuật cách mạng của đất nước, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu.

Những năm qua, anh chị em văn nghệ sĩ đã kế thừa và phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa của dân tộc, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, là những cán bộ, chiến sĩ tài năng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ - những người đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang nền văn hóa nghệ thuật cách mạng, trong đó có những đóng góp tích cực của những NSND, NSƯT.

NSND Thanh Tuấn, người được trao tặng danh hiệu NSND dịp này, bày tỏ: " Cho đến thời điểm này, tôi vẫn bảo lưu ý kiến không nên lệ thuộc vào giải thưởng để xét danh hiệu mà chỉ cần sự ghi nhận của nhân dân. Để tránh làm theo cảm tính, vai trò của Hội Văn học nghệ thuật địa phương rất quan trọng. Tôi được biết nhiều nghệ sĩ đã được xét đặc cách khi có những đóng góp đặc biệt về nghề nghiệp. Hãy ghi nhận sự cống hiến của nghệ sĩ qua thành tựu được công chúng biết đến, chứ đừng đong đếm HCV, HCB".

Bài -ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn: Báo Người lao động - 29-08-2019 - 03:53 PM

Người nghệ sĩ gắn liền với những huyền thoại

Người nghệ sĩ gắn liền với những huyền thoại

Hội Quân

Được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) đợt đầu tiên, năm 1984, nhưng phải chờ đến 35 năm sau, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) mới đến với Tô Lan Phương. Kể cũng là muộn, nhưng ít nhất nó cũng an ủi chị phần nào.


1.
Cách đây 10 năm, tôi đến thăm gia đình NSƯT Tô Lan Phương ở TP Hồ Chí Minh. Buổi đó, tiếp tôi là chồng chị, anh Trần Mùi, nghệ sĩ violon, Tô Lan Phương không được khỏe nên xin phép vào trong. Theo lời anh Trần Mùi thì từ lâu chị Phương rút vào sống lặng lẽ, tĩnh tâm để thiền, không tiếp xúc với báo chí.

Anh Mùi lén chia sẻ rằng, Tô Lan Phương có chút tâm trạng vì nhiều đợt phong danh hiệu NSND qua đi, tên của chị vẫn không có trong danh sách, dù chị là lứa nghệ sĩ đầu tiên được phong danh hiệu NSƯT.

Hình ảnh nghệ sĩ Tô Lan Phương trên bìa một đĩa nhạc



Anh Mùi bảo: “Không phải là Phương cần cái danh hiệu đó đâu, tôi rất hiểu tính Phương. Vấn đề chỉ là Phương thấy lòng bị tổn thương. Bạn phải đặt mình vào vị trí của Phương, một người nghệ sĩ, từ bỏ tất cả mọi vinh quang, kể cả suất học bổng nước ngoài năm 19 tuổi, tình nguyện mang tuổi thanh xuân cùng tiếng hát vào chiến trường bạn mới hiểu tâm trạng của Phương bây giờ”.

Một người sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, không dễ để có thể hiểu hoàn toàn tâm trạng của người nghệ sĩ mà câu chuyện về tuổi trẻ của chị trước đó tôi đã từng nghe giống như một huyền thoại.

Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, có một đại đội thuộc Sư đoàn 9 đã lấy tên nữ nghệ sĩ Tô Lan Phương đặt tên cho đại đội mình trước giờ tấn công. Những người lính trong đoàn quân ấy quá yêu và say mê tiếng hát của người ca sĩ bé nhỏ. Họ giữ hình ảnh chị trong trái tim để ra trận.

Câu chuyện xúc động đó là một minh chứng cho thấy tiếng hát của nghệ sĩ Tô Lan Phương có một ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với những người lính trong những năm chiến tranh.

Quá khứ đó nay đã lùi xa và bánh xe lịch sử vẫn đang tiến về phía trước, nhưng những người cùng thời vẫn nhớ mãi hình ảnh Tô Lan Phương với chiếc mũ tai bèo và áo bà ba đứng hát trên những dốc cao của núi rừng Trường Sơn để động viên tinh thần chiến sĩ, thương, bệnh binh.

2. Nghệ sĩ Tô Lan Phương sinh năm 1948. Chị có mẹ là một nghệ sĩ đàn dân tộc, ông ngoại rất mê nhạc cổ. Lớn lên trong một gia đình như vậy nên Tô Lan Phương biết chơi đàn từ rất sớm. Bố của chị là một cán bộ cách mạng. Ông nội chị chính là nhà cách mạng Tô Hiệu, người từng bị giặc Pháp bắt giam trong nhà tù Sơn La.
Nghệ sĩ Tô Lan Phương những năm tháng ở chiến trường.



Từ nhỏ, Tô Lan Phương đã là đội viên đội sơn ca của Đài phát thanh. Tốt nghiệp phổ thông, Tô Lan Phương thi vào Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hết trung cấp khoa Thanh nhạc, đang học dở năm thứ nhất hệ đại học, nhà trường chọn Tô Lan Phương đi học 7 năm tại Nhạc viện Bình Nhưỡng (Triều Tiên), nhưng thật bất ngờ cô gái nhỏ đã từ chối cơ hội may mắn này.

Tô Lan Phương xung phong đi B, vào chiến trường miền Nam. Với một người con gái 19 tuổi, lứa tuổi rực rỡ nhất, sự lựa chọn ấy của Tô Lan Phương có lẽ đến hôm nay còn là một bài học thấm thía cho những người trẻ tuổi, về trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ.

Tô Lan Phương bảo rằng chị không bao giờ quên những đêm hành quân, trên những gò đất nổi, xung quanh ngập nước, chị đứng hát để động viên những người lính trước giờ vào trận đánh.

Ở bất kỳ nơi nào, hễ gặp bộ đội là Tô Lan Phương hát phục vụ. Bộ đội Trường Sơn còn lan truyền câu chuyện về cô văn công có khả năng hát một mạch hàng chục bài liền, rằng người con gái đó sẵn sàng đứng hát ngay bên một quả bom nổ chậm để cổ vũ bộ đội. Và cả cái đầu dốc, nơi người con gái đứng cất cao tiếng hát, anh em bộ đội đặt luôn một cái tên mới: Dốc Tô Lan Phương.


Những năm tháng sau hòa bình, nghệ sĩ Tô Lan Phương vẫn có mặt trong các chương trình nghệ thuật kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc.


Tô Lan Phương nhớ lại một kỷ niệm, một lần nhóm xung kích của Tô Lan Phương thuộc Đoàn văn công Quân Giải phóng nhận nhiệm vụ đi phục vụ một đơn vị chiến đấu ở cách đoàn chừng nửa ngày đường. Con đường đến với đơn vị rất xa vì nhiều đoạn phải đi vòng để tránh biệt kích, thám báo.

Cuối cùng, sau những chặng đường rừng, nhóm của Tô Lan Phương đã đến được địa điểm đóng quân của đơn vị nhưng bất ngờ là nơi này vắng ngắt. Thì ra, mới cách đó chừng một tiếng đồng hồ, đơn vị nhận được lệnh hành quân gấp.

Nếu trở về đoàn báo cáo không gặp đơn vị, đó cũng là điều thường gặp của anh em văn nghệ sĩ đi biểu diễn ở chiến trường, nhưng Tô Lan Phương nghĩ, điều chủ yếu với người ca sĩ ở mặt trận là phải đưa bằng được tiếng hát của mình động viên các chiến sĩ dù trong hoàn cảnh nào.
Nghệ sĩ Tô Lan Phương thời trẻ.


Và chị cùng mọi người trong đoàn quyết định đi tiếp. Sau một ngày lặn lội, có lúc phải đánh lạc hướng để thoát ra khỏi vòng vây của giặc, Tô Lan Phương mới đuổi kịp đơn vị. Biết các chiến sĩ hành quân cũng có lúc tranh thủ nghỉ dọc đường, Tô Lan Phương đón gặp và hát ngay cho các chiến sĩ nghe hết bài này đến bài khác. Ai cũng xúc động, rưng rưng.

Một cán bộ chỉ huy xúc động nói: “Ngày mai ra trận, chúng tôi coi như chị luôn luôn có mặt bên cạnh, trận đánh của đơn vị sẽ có một phần đóng góp rất lớn của ca sĩ Tô Lan Phương…”.

Xuân Mậu Thân 1968, Tô Lan Phương vinh dự được đứng hát trước một đơn vị quân Giải phóng thuộc Sư đoàn 9 trong một cánh rừng ở miền Đông Nam bộ. Chị hát mà nước mắt lăn dài, vì nghĩ, chỉ ít phút nữa thôi, những chiến sĩ ngồi đây sẽ vào tuyến lửa khốc liệt, ai còn ai mất sao mà biết được.

Những gương mặt trẻ trung tuổi 20 đẹp đẽ trong bộ quân phục màu cỏ úa đã khiến trái tim người nghệ sĩ nức nở. Người hát và người nghe cùng xúc động bên một cửa rừng già miền Đông chờ đợi giờ tổng tấn công. Bất ngờ người đại đội trưởng đầu đội mũ tai bèo đứng dậy nói: Chị hát hay quá, đề nghị chị cho chúng tôi đặt tên chị cho đại đội. Từ nay, sẽ gọi là Đại đội Tô Lan Phương”.

Và câu chuyện về một đại đội mang tên Tô Lan Phương còn được kể đến hôm nay như một minh chứng về tình quân dân gắn bó, tình đồng đội keo sơn của những người lính trong chiến trận. Anh Trần Mùi, người đồng đội vào sinh ra tử, sau này là chồng của nghệ sĩ Tô Lan Phương kể lại, sau ngày hòa bình anh chị có quay về cánh rừng năm xưa nơi đoàn quân đã đứng đó nghe chị hát, vừa thắp nén nhang thơm tưởng nhớ những người đã khuất vừa hát cho linh hồn các anh nghe.

3. Tôi biết chị Tô Lan Phương giữ một tâm trạng không vui nhiều năm tháng đã qua. Tên tuổi của chị gắn liền với những câu chuyện mang bóng dáng huyền thoại. Chị được phong danh hiệu NSƯT ngay trong đợt đầu tiên, nhưng suốt 35 năm qua, tên chị luôn ở ngoài danh sách những người được phong tặng danh hiệu NSND.

Phải thừa nhận rằng công tác xét duyệt phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ở ta, ở đâu đó, trong thời điểm nào đó vẫn còn không ít bất cập. Trong không ít trường hợp, chúng ta chỉ chăm chú vào hiện tại mà quên đi công lao của những người đã cống hiến cho Tổ quốc trong những năm tháng chiến tranh đã lùi xa vào lịch sử. Chúng ta đánh giá chưa đúng về những hy sinh lớn lao của họ.

Ở lần xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã làm tất cả để Tô Lan Phương được nhận danh hiệu mà chị xứng đáng, vì tất cả những gì chị đã cống hiến. Chúc cho người nghệ sĩ của núi rừng Trường Sơn, của miền Đông Nam bộ năm nào vẫn nồng nàn tình yêu dành cho nghệ thuật và cuộc đời.

Danh hiệu NSND đến vào thời điểm chị không còn quan tâm nhiều nữa, như chị chia sẻ, nhưng ít nhất nó cũng nói lên một điều, rằng việc đánh giá cho đúng công lao của những người nghệ sĩ như chị là việc cần phải làm và phải làm cho bằng được; chúng ta không bao giờ quên công lao của những người nghệ sĩ chiến sĩ đã cống hiến tuổi xuân, tài năng cho đất nước.

Hội Quân
NSND Tô Lan Phương từng giành các giải thưởng: Giải thưởng đặc biệt cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế "Bratislavski" năm 1981 tại Tiệp Khắc, Giải thưởng nghệ sĩ ấn tượng nhất của Gala Festival Habana Cuba tháng 7-1984, Huy chương vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1976...
Nguồn: Báo Công an nhân dân điện tử - 19:31 01/09/2019

Người nghệ sĩ cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước

Người nghệ sĩ cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước

QUỲNH TRANG

Trong danh sách phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần thứ 9 mới đây, có tên Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Tô Lan Phương. Bà là nghệ sĩ được rất nhiều thế hệ người nghe nhớ đến bởi giọng hát đẹp và tinh thần quả cảm, đã cống hiến tuổi trẻ của mình phục vụ đồng bào, chiến sĩ trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Nghệ sĩ Tô Lan Phương khi còn trẻ.
Những người lính có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn mùa xuân năm 1968 còn nhắc mãi câu chuyện một đại đội, vì yêu mến giọng hát Tô Lan Phương đã lấy tên của bà để đặt tên cho đại đội mình trước giờ xung trận. Tiếng hát Tô Lan Phương có sức cổ vũ rất lớn đối với những người chiến sĩ trên đường Trường Sơn và chiến trường miền đông, miền tây Nam Bộ, góp phần tạo nên những chiến công vang dội. Bà trở thành biểu tượng về tinh thần yêu nước của những người nghệ sĩ trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Không chỉ với người cùng thời, mà cả đối với thế hệ trẻ hôm nay, câu chuyện về nghệ sĩ Tô Lan Phương còn mang bóng dáng của một huyền thoại.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, chú ruột của Tô Lan Phương là nhà cách mạng Tô Hiệu, người tù cộng sản đã trồng cây đào giữa nhà ngục Sơn La. Thấm nhuần tinh thần yêu nước của gia đình, năm 19 tuổi, Tô Lan Phương tình nguyện gia nhập Đoàn văn công Giải Phóng đi vào chiến trường Nam Bộ, quyết mang tài năng và tuổi trẻ của mình cống hiến cho cách mạng. Khi đó, bà vừa học xong hệ trung cấp thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia), được nhà trường cử đi học bảy năm ở Nhạc viện quốc gia Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Thế nhưng, cô gái Hà Nội chân yếu tay mềm có giọng hát hay nổi tiếng từ những năm còn học Trường Chu Văn An đã bỏ lại cơ hội đó, để khoác ba-lô và bộ quân phục mầu xanh lá úa, hòa vào đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tô Lan Phương thường hồi tưởng những năm tháng tuổi trẻ gắn liền với bom đạn khốc liệt; những đêm biểu diễn trên các đỉnh dốc cao hay mô đất ven đường làm sân khấu; phông màn là những mảnh dù pháo sáng, ánh đèn sân khấu có khi là ánh sáng của những chiếc xe ô-tô chở lương thực, vũ khí.


Người ca sĩ không son phấn, không thiết bị âm thanh hỗ trợ, chỉ có tiếng hát bay lên từ trái tim thiết tha yêu quê hương và khát khao một ngày hòa bình trở lại. Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tiếng đàn ta-lư, Câu hát bông sen, Qua sông… là những bài hát gắn với tên tuổi nữ ca sĩ Hà thành một thời. Là một người nghệ sĩ - chiến sĩ nơi chiến trường, Tô Lan Phương không nề hà, chùn bước. Sau Chiến thắng mùa xuân năm 1975, Tô Lan Phương trở về với cuộc sống đời thường, kết hôn cùng nghệ sĩ vi-ô-lông Trần Mùi, người đồng chí, đồng đội và cũng là một nghệ sĩ từng chia ngọt sẻ bùi trong những năm chiến tranh ở Đoàn văn công Giải Phóng. Bà không tham gia một cách sôi động vào đời sống biểu diễn ở TP Hồ Chí Minh; chỉ nhận lời biểu diễn trong các chương trình kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của dân tộc, như một cách hồi tưởng về tuổi trẻ của mình; đồng thời tri ân những người lính, những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên khắp các chiến trường.

Trong sự nghiệp của mình, nghệ sĩ Tô Lan Phương đã giành nhiều giải thưởng như: Giải đặc biệt cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế Bratislavski năm 1981 tại Tiệp Khắc, Giải thưởng nghệ sĩ ấn tượng nhất của Gala Festival Habana Cuba năm 1984, Huy chương vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1976, cùng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Năm 1984, bà được phong tặng danh hiệu NSƯT đợt đầu tiên.

Những năm tháng sau này, Tô Lan Phương chọn cách sống tĩnh tại, có phần khép kín, đây có lẽ là lý do bà bị “bỏ quên” trong danh sách đề nghị phong tặng NSND trong suốt hơn 30 năm vừa qua. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam là người trực tiếp đưa tên tuổi Tô Lan Phương vào danh sách những nghệ sĩ được đề nghị phong tặng lần này.

QUỲNH TRANG
Nguồn: Báo Nhân Dân - Thứ Sáu, 11/10/2019, 02:12:32

NSND Tô Lan Phương trong "Đất nước tình yêu 30/4/1975 - 30/4/2020"

NSND Tô Lan Phương trong "Đất nước tình yêu 30/4/1975 - 30/4/2020"

MC Mỹ Vân- Anh Tuấn


Nguồn: YouTube