Hồi tưởng và suy nghĩ - Chương 11: Kết luận chụp mũ (Một sự cửa quyền trong Đảng)

Sunday, August 21, 2011

Hồi tưởng và suy nghĩ

Nguyễn Tài

Chương 11: Kết luận chụp mũ (Một sự cửa quyền trong Đảng)


Tình hình tiếp tháng 2 và tháng 3/1981

1. Ý kiến và thái độ Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ

Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ không trả lời gì thư của tôi nói rằng Bộ Nội vụ còn trách nhiệm đối với việc làm rõ trường hợp của tôi. Và cũng không trả lời việc tôi đề nghị gặp.

- Tiếp xúc anh Thế Tùng, nói chuyện của tôi một giờ rưỡi. Anh Trần Đông kể lại sự khó khăn để đi đến làm rõ và nhất trí kết luận chuyện bản Anh văn. Cho biết tôi có điểm chưa đồng ý kết luận số 14, nhưng kết luận như thế là tốt lắm. Có đưa ra BCSĐ/BNV bàn việc của tôi, nhưng anh Phạm Hùng nói đây thuộc thẩm quyền Trung ương, BCSĐ/BNV không bàn; khi nào Ban Bí thư bàn, thì anh Hùng sẽ có ý kiến. Bộ Nội vụ không đề nghị cụ thể về công tác, do TƯ quyết định. Như nói với tôi là việc trong nội bộ, tế nhị, nên kiên trì, nói ra thì khó, mong hiểu.

- Tiếp xúc anh Thế Tùng, anh Trần Quyết nói: việc bản Anh văn, Bộ Nội vụ sai rõ rồi còn gì.

- Nhân Hội nghị Công an, một số đồng chí đề nghị thông báo tiếp việc của tôi. BCSĐ/BNV không đáp ứng. Trả lời miệng cho anh Kha, anh Trần Đông nói: Trước thông báo là phải xin ý kiến anh Thọ, nay chưa có ý kiến cấp trên, nên chưa thể làm.

Nói chung nhiều anh em trong Ngành đã biết, nhưng họ nói: Không có vấn đề, nay là do Trung ương; giống như ý nói của BCSĐ/BNV. Riêng đồng chí Phan Ân, viết một trang ý kiến góp với Bộ Nội vụ việc của tôi, với hậu quả tiêu cực.

2. Ý kiến và thái độ Tổ chức TƯ Đảng

- Sau hơn một tháng không có trả lời của Ban Bí thư và anh Thọ, giữa tháng 1/1981 tôi gửi thư đến từng đồng chí Bộ Chính Trị, Ban Bí thư. Và gửi cho anh Tâm, Trưởng ban Tổ chức TƯ Đảng, xác định trách nhiệm của Tổ chức TƯ Đảng khi Tiểu ban BVĐ đã giải thể; và trên cương vị giúp TƯ quản lý cán bộ, nghiên cứu phân công.

- Anh Thành BVĐ điện thoại cho biết.

Anh Trinh đầu tiên định gặp anh Thành nghe lại, nhưng sau gặp anh Thọ, anh Thọ nhận sẽ giải quyết nên anh Trinh thôi luôn.

Anh Tâm đã báo cáo anh Thọ. Anh Thọ nói để nghe lại, rồi sẽ giải quyết. (Anh Tâm làm công văn 297 để trả lời chính thức là anh Thọ chưa định được ngày, sẽ báo sau).

Anh Vũ Quang Văn phòng TƯ trả lời là tài liệu đã tập trung nơi anh Thọ rồi.

Nghe nói ở Văn Phòng TƯ, các anh Bộ Chính trị, Ban Bí thư gửi tài liệu lại cho Văn phòng, không rõ có kèm ý kiến hay không? Hay chỉ quan niệm đã phân công cho anh Thọ, thì để anh Thọ giải quyết. Anh Thọ cũng bảo thư ký và Văn phòng TƯ thu xếp lịch để gặp tôi.

Sau Hội nghị tư tưởng, trước khi anh Thọ đi công tác, anh Tâm hỏi thì anh Thọ nói tháng 5/1981 mới gặp được; anh Tâm đề nghị giải quyết công tác trong lúc chờ, thì anh Thọ nói để phải trao đổi với mấy đồng chí Bộ Chính trị đã, nhưng không thấy nói gì – anh Tâm nói lại với anh Thành rằng anh Thọ vẫn than vãn là Mỹ nó mang hết hồ sơ đi (tóm lại là: quay lại luận điệu thiếu hồ sơ, sau khi lý do bản Anh văn không còn tồn tại được); ngoài ra, dường như anh Thọ cũng có nói với anh Tâm một số ý kiến gì khác, thuộc về suy luận hoặc định kiến, mà anh Thành không nói lại.

- Nhân Hội nghị CA, anh Vũ Oanh đến. Có đồng chí hỏi chuyện tôi. Anh Vũ Oanh tỏ ý tiếc và nói cũng do chính trước đây Bộ Nội vụ báo cáo, nay lại cũng chính do Bộ Nội vụ đính chính. Đây là một vấn đề đau đầu. Và anh Thọ đang nghiên cứu bố trí công tác cho thỏa đáng.

Một cán bộ Ban Tổ chức TƯ theo dõi cán bộ CA cũng trả lời cán bộ CA là các anh TƯ đã biết chuyện của anh Tài, anh Thọ đang nghiên cứu công tác.

3. Các chuyện khác ngoài lề

Quốc Minh hiện làm hợp đồng ở BVĐ nói với Kỷ về hưu: Thành nó phàn nàn là tích cực giục; nhưng càng giục thì trên họ càng lờ đi.

Kỷ kể là một cán bộ ở Kiểm tra nói: ông Thọ nói chuyện đó bới ra, ích gì (nói về bản Anh văn).

- Nhân gặp anh Mười Hương, được biết thư gửi anh Sáu Dân, thì có đưa cho anh Mười Hương xem; và anh Sáu Dân có thư riêng về việc này gửi ra Ban Bí thư.

Kể ý kiến anh Thành về việc anh Thọ nói chuyện hồ sơ, thì anh Mười Hương cũng nghe; và cho rằng chính bây giờ phải làm cho mọi người hiểu rõ về chuyện hồ sơ. Nhưng tôi nói: Không phải tôi có trách nhiệm chứng minh; tôi chỉ báo cáo sự thật phần tôi, trách nhiệm chứng minh là BVĐ, Tổ chức, Vì họ nắm tài liệu. Vả lại, nếu buộc tội tôi, thì người buộc tội phải chứng minh tài liệu, không được nói tùy tiện; không thể cứ suy diễn đặt vấn đề buộc tội người ta, rồi bắt người bị buộc tội phải chứng minh tài liệu để giải đáp.

- Cũng dịp này, anh Trung Thành - cán bộ cũ của Cục D3 - lâu nay không gặp, vì nhiều lẽ. Anh ấy đến thăm, và kể cho biết chính mắt đã được đọc:

Một bản tài liệu địch mà tên Kiệt ghi đại ý là một tù nhân đặc biệt, không chịu khai, mà lại gây khó chịu cho tình báo TƯ Ngụy. Y ký tên thể hiện sự bực bội khi ghi ý kiến.

Một bản tự khai của thị Chi là trước nó không hiểu và có sợ Cộng sản. Nhưng qua làm phiên dịch cho Mỹ, thì mới thấy người Cộng sản như thế nào. Cảm phục và chuyển biến tư tưởng. Tên Kiệt thấy vậy, định thay người khác. Nhưng tụi Mỹ cho rằng thị Chi là Trưởng phòng phiên dịch, được tin cậy mà còn bị ảnh hưởng, thì đưa đứa khác cũng vậy. Càng thêm vết dầu loang. Chi bằng, nói thẳng cho con Chi, mua chuộc và khống chế nó, cấm lộ bí mật và tiếp tục dùng. (Điều này lý giải việc vì sao có thằng Mỹ đến dịch có một buổi thay con Chi).

Đúng là tờ Trắng Đen, báo của bọn di tản, số 37, 38, 39 năm 1977, hồi cuối năm, có giới thiệu cuốn Decent Interval của tên Frank Snepp. Và đến 1978 có dịch đoạn sách nói về tôi, với đầu đề là CIA giết gián điệp Cộng sản như thế nào (lý giải sự hồ đồ của Tiểu ban BVĐ và ông Thọ khi nói tên F. Snepp viết bài báo bào chữa; khi họ chưa nhận được chính cuốn sách này từ nước ngoài mua gửi về, và Bộ Ngoại giao chưa dịch).

Tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho việc gặp Tổ chức TƯ và anh Thọ với nội dung và lý lẽ. Trở ngại bây giờ không phải là có gì chưa rõ. Mà chính là không dám đảm bảo quyền dân chủ trong Đảng, để tôi được quyền trình bầy ý kiến của tôi; còn người đã làm sai nhưng có quyền, thì cứ nói lấn lướt sau lưng tôi, và tránh né không dám trực tiếp đấu lý lẽ với tôi. Tình trạng làm việc không tập thể; còn tập thể thì tự thoái thác trách nhiệm và quyền kiểm tra cá nhân được phân công, khi cá nhân đó làm sai: đó là yếu tố quan trọng làm cho sự tiêu cực kéo dài.

* * *

Những việc tháng 4 và đầu tháng 5/1981

1. Cơ quan của Chún - con trai lớn của tôi - chọn người đi học ở Pháp, đúng ngành nghề của Chún. Trưởng phòng của Chún, rể ông Ba, cho Chún biết: Phòng đề cử, Phân viện và Phòng cán bộ lưỡng lự, chọn người khác, vì gia đình có chuyện phải xem xét. Anh này biết rõ chuyện, không có gì, nhưng khuyên nên lấy giấy tờ chính thức.

Sau khi có thư phản ánh các nơi, thì anh Trần Đông ở Bộ, anh Tâm ở Tổ chức TƯ (qua anh Thành) điện thoại cho anh Chỉ, Cục trưởng BVQĐ, yêu cầu không gây khó khăn về lý do gia đình, nếu đã đủ tiêu chuẩn.

Trưởng phòng của Chún, Phân viện trưởng hứa tích cực. Chủ nhiệm chính trị tự dưng gọi Chún giải thích không có gì về gia đình, nhưng chủ trương chung là chọn người lâu năm. Trưởng phòng của Chún nói: “Mấy người này chẳng hiểu gì công việc cả”.

Chuyện này không riêng đụng đến chuyện học, mà cả về chuyện vào Đảng.

Bé Đoan - con gái thứ ba của tôi - đang làm lý lịch để xét kết nạp Đảng ở Trường Không quân.

2. Nhắc anh Trần Đông gặp về một số chuyện, nhưng không có trả lời. Nhân có việc Chún, anh ấy điện thoại nói đã giải quyết. Và cho biết việc kiểm điểm trách nhiệm chuyện bản Anh văn nhất định làm, nhưng chờ ý kiến anh Phạm Hùng. Đã một lần đưa ra ở BCSĐ/BNV về chuyện của tôi, nhưng anh Hùng gạt đi, nói đó là thẩm quyền Ban Bí thư, khi nào Ban Bí thư bàn thì anh Hùng sẽ phát biểu ý kiến. Cuộc điện thoại này tôi đi vắng, vợ tôi nghe và nói lại.

Gặp anh Hợi, Thường trực Đảng ủy Bộ. Nói việc chậm trễ xét khiếu nại, kiểm điểm trách nhiệm, hỏi vì sao Đảng ủy không triệu tập các đợt học Nghị quyết Đảng. Anh Hợi nói chống chế: có khi anh em thiếu sót, vì có đồng chí khác cũng bị quên. Thế nhưng, liền đó có học Nghị quyết tư tưởng, cũng vẫn không triệu tập.

Nhờ anh Thành hỏi anh Tâm Tổ chức TƯ, anh Tâm nói: Có thể định giao làm Pháp chế; sao lại không cho học Nghị quyết Đảng? Sẽ hỏi anh Thọ chuyện này.

Nhân gặp anh Trần Đông ở sân bóng. Anh ấy giải thích việc kiểm điểm trách nhiệm; đang bàn sắp đặt tổ chức; muốn kiểm điểm mời trực tiếp về, chứ không phải như thông báo đúng sai chuyện bản Anh văn, nói một cách buông trôi là “quan liêu, quá tin anh em”. Tuy nhiên chưa biết đến bao giờ. Tôi đã chuẩn bị dự thảo bản phát biểu ý kiến.

3. Thăm anh Hoàn ở 108. Anh ấy cũng rất nhiều tâm tư, về cung cách làm việc trong Đảng.

Hỏi tôi đi làm chưa. Trả lời chưa ai nói gì, mới gặp anh Tâm, đợi gặp anh Thọ.

Anh Hoàn nói: “Ban Bí thư bàn rồi, làm Phó Chủ nhiệm Pháp chế, sẽ thành Bộ Tư pháp”. Khuyên: “Cũng như việc tôi, không đi làm, lắm ý kiến; đi làm tự nhiên dẹp hết. Việc cũ đã rõ, chờ làm với anh Thọ không biết bao giờ anh Thọ gặp được”.

Tôi chỉ nghe, không trả lời. Quan điểm của tôi: Trắng đen phải rõ. Sai thì phải sửa. Công tác gì là phụ. Không thể dùng thủ đoạn, ép nhận công tác, mà không xét sửa sai.

Anh Lại Tuệ đến thăm, kể có gặp Dương Thông. Cho rằng Dương Thông cũng có quen, nên biết sẽ làm Tòa án. Anh Tuệ hỏi, vì sao không có vấn đề, lại chuyển? Dương Thông nói, đúng là chẳng có vấn đề gì; nhưng người ta quan niệm là “có khai”.

Tôi đáp: Chuyện cơ sở thì đủ bằng chứng là buộc tội bậy. Cung khai khác thì anh Thọ đã kết luận rồi. Nếu dẫn chứng trong Đảng, thì vô khối Ủy viên TƯ thậm chí cao hơn, còn khai cả cơ sở. Vậy cấp ủy Đảng giá trị thấp hơn Công an sao?

Anh Mười Hương ra họp, đến chơi. Hỏi thăm tình hình. Kể các chuyện. Anh ấy nói cũng nghe rằng có băn khoăn của một số đồng chí là việc Mỹ hỏi cung không có tài liệu.

Tôi nổi nóng: Đó là sự nói bậy, lòe người không đi sâu vào việc. Nếu quả thế thì sao kết luận 908 lại treo đầu dê bán thịt chó như vậy. Có rất đủ chứng minh về lúc Mỹ hỏi cung.

4. Anh Tâm Tổ chức TƯ đã cùng anh Thành BVĐ gặp, nghe tôi nói ngày 15/4/1981.

Tôi có văn bản đánh máy sẵn nội dung phát biểu ý kiến: Sự thật về vấn đề cơ sở và chuyện bản Anh văn, đi đến phải sửa kết luận 908. Phân tích về công văn 149 của Tiểu ban BVĐ: Chuyện bản Anh văn là gốc đẻ ra sai nói “liên quan CIA”, nói “CIA toan tính…”. Từ Đó viết bậy về “hợp tác có giới hạn”, về “Mỹ hỏi cung 3 năm, nghi ngờ Mỹ thất bại, phiên dịch Mỹ”, và móc chuyện “hỏi cung 4 tên Ngụy 6/1976” vào. Và đề xuất ý kiến giải quyết đúng chân lý. Phát biểu nhận thức và quan điểm về chính sách sử dụng cán bộ.

Trước đó đã gửi cho anh Thọ, anh Trinh, anh Tâm một bản kê, để tra cứu lịch trình diễn biến của cuộc thẩm tra, để đi đến kết luận: Văn bản 908 đã loại bỏ chuyện tên phiên dịch Mỹ, và chuyện hỏi cung bọn Ngụy. Nếu muốn gán điều 2 kết luận 908 bao gồm cả hai việc đó là không nghiêm túc.

Ngoài ra đã theo yêu cầu của BVĐ, sao lại công văn 254 và 908, vì BVĐ không có sẵn trong tay.

Sau khi nghe, anh Tâm nói: Lúc ở địa phương, chi nghe láng máng. Về Tổ chức TƯ, thấy là việc phải quan tâm. Đã nghe anh Thành vài lần. Nay nghe trực tiếp, thấy có hệ thống. Sai thì sửa, không có gì lạ. Chỉnh đốn tổ chức, suy diễn này lại đẻ ra suy diễn khác, vô cùng. Cũng muốn tập thể Ban Bí thư bàn. Nhưng thế nào cũng phải làm trước với anh Thọ.

Giao cho anh Thành chuẩn bị một báo cáo viết để nói lại vụ này. Ngắn gọn, và phụ lục. Để gửi anh Thọ. Và sau có thể gửi Ban Bí thư. Làm kịp để khi anh Thọ ở Campuchia về là sẵn sàng.

5. Tiếp tục nhiều lần làm việc với anh Thành BVĐ. Đã phát biểu bằng văn bản ý tôi đóng góp vào báo cáo tổng hợp của anh Thành. Anh Thành cho là có nhiều gợi ý tốt, sẽ dùng. Nhưng anh ấy sẽ chọn vấn đề mà anh ấy hiểu là cần giải đáp, cho gọn và viết theo cách đỡ căng.

Qua làm việc, thấy thời kỳ Mỹ hỏi cung, không những đã có tài liệu thu được của địch; mà lời khai khi trình diện của bọn Ngụy 1975 cũng đủ rõ. Sau này; hồi 1978, bọn chúng khai lại cũng thế. Đặc biệt là cuộc anh Thọ gặp chúng, thì chúng cũng không thay đổi ý kiến. Vậy mà đã có lúc những tài liệu đó bị dìm bỏ.

Đáng chú ý có mấy việc:

- Ý kiến tên Kiệt và thị Chi đánh giá tôi, khi anh Thọ hỏi chúng 1978; anh Thọ nói: “nó càng khen cậu, tôi càng nghi cậu”.

- Công văn 149 nói lúc tên F. Snepp hỏi cung, không có Ngụy. Nhưng rất nhiều đứa khai có Ngụy tham gia. Thậm chí có tên Quận, viết tường thuật cả những lời đối đáp cụ thể của tôi. Nhiều cái tôi không nhớ khi viết báo cáo kiểm điểm, nhiều chuyện khớp với báo cáo kiểm điểm (mà tên này chưa bao giờ gặp tôi sau 1975). Có người xem lời khai đó nói: Phu-xích Việt Nam. Có người cho rằng cán bộ ngoại giao phải học tập sự đối đáp vững vàng, sắc bén, khôn ngoan. Vậy mà chỉ có ý kiến của anh Thọ và anh Hai Văn: Đây là luận điệu thủ đoạn của địch đề cao như anh hùng, kẻ đã đầu hàng chúng mà thôi.

- Anh Thọ truy thị Chi chuyện tên Mỹ da đen, nói mớm rằng tên Kiệt khai như thế. Thị Chi tỏ vẻ ngạc nhiên và nói không bao giờ thấy vậy. Nhưng anh Thọ cứ giữ ý kiến đó để coi như sự báo cáo, khai báo mâu thuẫn, để gọi là chưa rõ.

- Anh Thọ cũng nói tên Hai Lâm khai có lúc máy ghi âm bị tắt. Nhưng thị Chi thì cam đoan với anh Thọ: Thằng Mỹ không thể tắt máy. Nó không thấy bao giờ. Hai Lâm không biết nói tiếng Mỹ, nói gì phải qua thị Chi dịch. Vậy mà thị Chi không bao giờ dịch cho Hai Lâm phản đối tụi Mỹ việc đó. Nhưng anh Thọ vẫn giữ ý kiến, coi đó như một nghi vấn.

- Đến nay, đã đối chiếu băng ghi âm anh Thọ hỏi tên Kiệt, Thắng, thị Chi năm 1978; thấy ý kiến anh Thọ đặt vấn đề không đúng với lời khai của bọn đó với anh Thọ.

- BVĐ lại đưa toàn bộ biên bản tôi hỏi cung 4 tên Ngụy tháng 6/1976 là đầu đề nghi vấn. Tôi đã có văn bản phân tích riêng.

Không nói đến những thực tế bác bỏ những lời buộc tội vô lý như: lén lút gặp, gặp để khống chế, để dò xem bọn này biết gì sự không bình thường của CIA Mỹ liên quan đến mình, sự không bình thường của tôi.

Không nói đến những kết quả thực tế dùng cho công tác Công an.

Đi sâu vào các biên bản, thấy nổi rõ:

- Công văn 149 nói bậy chuyện lúc tên F. Snepp hỏi cung, không có Ngụy tham gia. Chính tên phản bội Hai Lâm thú nhận F. Snepp có gặp y, và y có đến xem qua ti vi cuộc hỏi cung của F. Snepp vài lần; chính tên Thắng khai rõ việc có 2 sĩ quan ban U theo dõi làm báo cáo, và mượn băng ghi âm về sao lại (Lời khai này 1976 phù hợp các lời khai 1975 và 1978. Nhưng không hiểu vì sao, người ta cố ý bỏ qua những sự thật này, để tung ra cho các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư rằng không có tài liệu lúc Mỹ hỏi).

- Lời khai tháng 6/1976 của các tên Thắng, thị Chi, Hai Lâm đều nói CIA hỏi cung thất bại; thậm chí thị Chi còn nói các tên Mỹ khác cũng như thế. Nhưng người ta không cần đếm xỉa gì đến những tài liệu đó. Mặc dù lời khai này phù hợp lời khai từ 1975, và sau này lúc 1978, và giống như tài liệu thu được của địch.

- Về ý kiến anh Thọ nói tên Hai Lâm khai máy ghi âm có lúc bị tắt, nghi có sự mờ ám gì, và nó đã phản đối tụi Mỹ. Nhưng trong lời khai này, thì nó chỉ nói có khi mất tiếng. Mất tiếng là bình thường làm sao trở thành “tắt máy” được?

- Ý kiến nghi rằng sau 1973 vẫn bị hỏi cung (3 năm), thì đã có tài liệu thu được của địch, kèm theo ảnh chụp thư tôi phản đối địch vi phạm Hiệp định Paris cho thấy ngược lại. Và có nhiều sự kiện mà lời khai của tên Thắng đề cập giúp thấy rõ.

Công văn 149 viết bị CIA hỏi cung 3 năm. Anh Thành BVĐ đã xác minh biết là không đúng. Trước khi giao công văn ngày 12/12/77, anh Thành hỏi ông Hai Văn: Nếu anh Tài chất vấn thì trả lời sao? Ông Hai Văn không trả lời ngay, đứng dậy, đi lại, rồi đập tay lên bàn trả lời: Bây giờ là lúc chúng ta phản kích họ, chứ không phải để họ phản kích chúng ta. Nếu tôi gặp anh Tài, tôi sẽ nói, chỉ cần anh gặp CIA một phút là đủ kết luận rồi.

Do đó mà thảo luận trong Tiểu ban BVĐ có lần bỗng dưng ông Hai Văn hét nên: Đứa nào bảo Hai Văn không muốn thống nhất, không muốn xã hội chủ nghĩa? Và nay đã kết luận các vụ ông Hai Văn làm sai, như vụ Biên Hòa, vụ vợ Chín Lê.

Cuộc thảo luận trong Tiểu ban BVĐ có trường hợp căng thẳng. Ông Hai Văn và ông Thao về một phía, kết luận là CIA, không tiếp tục làm nữa, báo cáo trả lại anh Thọ; anh Thành cho là không có vấn đề; ông Hai Sớm ý kiến lúc thế này, lúc thế khác; ông Phạm Ngọc Mậu không đồng tình ông Hai Văn, không phát biểu. Cuối cùng ông Hai Văn yêu cầu anh Thành làm biên bản ý kiến từng người trong Tiểu ban; và được làm báo cáo riêng biệt ý kiến mình. Anh Thọ “quạt” nặng ý kiến khẳng định CIA; nhưng cũng “quạt” nhẹ ý kiến coi là không có vấn đề. Ý kiến nêu lại 3 việc nói 10/1978 tuy có chi tiết hơi khác, nhưng cơ bản là ý kiến ông Hai Văn trong báo cáo lên Ban Bí thư, trả việc không làm nữa.

Vì đến nay, xem lại tài liệu cũ, thấy khá rõ; mà có lúc đã bị dìm bỏ; anh Thành cho là có khả năng làm rõ triệt để. Dựa sự thỏa thuận của anh Tâm, anh Thành đang tiếp tục gặp lại bọn Ngụy ta đang giam, để lấy thêm tài liệu. Lời khai của chúng vẫn như đã viết 1975, hoặc lúc gặp anh Thọ 1978.

Trong dịp này, anh Thành có yêu cầu Cục D3 cung cấp cho tài liệu về cuộc phỏng vấn của báo L'Express ở Pháp, với tên Frank Snepp, trong dịp dịch và in cuốn Decent Interval ra tiếng Pháp, dưới nhan đề “Sauve qui peut’’. Đồng chí Trần Vân, người cung cấp và dịch, tự ý viết một bức thư cho Ban Tổ chức TƯ yêu cầu trả tôi về công tác Công an. Ý kiến tự động này đã làm cho anh Thành rất quan tâm, và đã phản ánh để anh Tâm biết.

Ngoài ra ở Bộ Nội vụ cũng đã photocopy cung cấp cho BVĐ 8 trang sách trong cuốn Decent Interval, đoạn nói về tôi.

Sơ bộ nhận xét của tôi về cung cách làm việc của anh Thọ và Tiểu ban BVĐ:

- Định kiến chuyện bản tài liệu Anh văn do Bộ Nội vụ cung cấp 7/1976, nên suy diễn, thậm chí phủ định cả sự thật.

- Làm việc hồ đồ đại khái, vô trách nhiệm; và có người lấy cả sự ngu dốt để làm những việc quan trọng, đòi hỏi trí tuệ.

- Không nên loại trừ có những động cơ không chính đáng, coi đây là cơ hội để thực hành mưu đồ riêng.

6. Có chuyện cũng đáng chú ý

Cách đây khá lâu, khi chuyện bản Anh văn sắp ra ánh sáng, anh Lê Quốc Thân đã nói với một Cục trưởng ở Bộ Nội vụ: Chuyện bản Anh văn chỉ là một chuyện. Có người định chạy cho ông Tài, nhưng chạy gì nổi (?).

Cũng thời kỳ đó, anh Lê Quốc Thân cho thư ký đến gặp anh Thành BVĐ, nói: Bản Anh văn của Thành ủy Sài Gòn chắc gì là đúng. Bản của Cục D3 làm gì có. Đúng lúc D3 vừa tìm được bản lưu trong hồ sơ của Cục.

Gần đây, thư ký của anh Lê Quốc Thân lại đến thăm dò anh Thành: “nghe nói anh Tài sắp sang Thanh tra? Nghe nói sẽ trụ lại CA ?” Anh Thành đáp: “Đó là quyền Ban Bí thư”.

Nhưng không nên bỏ qua: quy định của Ban Bí thư cho phép Ban Nội chính giúp quản lý cán bộ trong khối. Và anh Lê Quốc Thân đã có ý kiến đối với nhiều trường hợp cán bộ ở Ban Nội chính và ở một số ngành, mà người ta có ý kiến không đồng tình. Anh Lê Quốc Thân cũng trực tiếp triệu tập cán bộ Bộ Nội vụ phổ biến ý kiến Bộ Chính trị (!), đến nỗi anh Phạm Hùng phải ra bản quy định: Ngoài BCSĐ/BNV không ai được thay mặt Bộ Chính trị phổ biến chủ trương cho cán bộ Bộ Nội vụ.

7. Trong một lần trao đổi ý kiến công tác, anh Thành nhận xét là ý kiến tôi viết hay căng, và có khi đi vào chi tiết tham quá.

Tôi đáp, do người ta đặt vấn đề lung tung; nếu tôi không trả lời đủ, để lưu, thì người ta cho là không thể trả lời được, tức là tôi có vấn đề. Vậy dùng cái gì để trả lời đúng băn khoăn của đồng chí có trách nhiệm, là việc của BVĐ. Tôi cứ cung cấp tài liệu.

Anh Thành nghĩ rằng, không cần yêu cầu chính thức bác bỏ công văn 149, sinh ra căng thẳng. Vì nếu sửa 908 thì mặc nhiên đã là bác bỏ 149 rồi.

Anh Thành cũng nói, nội dung dịch sai bản Anh văn, không ai chú ý để đặt vấn đề. Nói về “sự toan tính của CIA” tuy viết ở công văn 149, nhưng không phải ai cũng chú ý.

Nay đã kết luận không phải của người nước ngoài, là ổn. Nghe đến đây, tôi bất giác thấy rằng: không hiểu như thế thì người ta căn cứ vào đâu để đặt vấn đề chính trị đối với sinh mệnh chính trị đảng viên?

Hôm gặp anh Tâm, cả anh Tâm và anh Thành đều nói, anh Thọ rất bực Bộ Nội vụ về chuyện bản Anh văn. Sau anh Thành còn nói: Kết luận này làm cho từ anh Thọ trở đi bật ngửa người. Cho nên việc của anh Tài gỡ được 70-80%. (Nói với Dương Thông, Trần Vân).

Đầu tháng 5/1981, anh Thành gặp anh Tâm. Anh Tâm nghĩ là cũng có thể gửi báo cáo viết cho anh Thọ; nhưng cũng nhiều khi anh Thọ chỉ nghe trực tiếp, không đọc. Gửi cũng tốt, nhưng có khi cũng căng. Vậy để chọn lúc “vui” nhắc việc và tìm cách tổ chức báo cáo lại. Gợi ý tôi có thể có thư nhắc anh Thọ để các anh ấy có cớ nhắc.


Những việc tháng 5 và 6/1981

1. Đại - con trai út của tôi - làm tốt nghiệp Đại học bách khoa. Nó không hỏi ý kiến gia đình. Theo quy định của Trường, nó ghi nguyện vọng công tác hai nơi là Bộ Nội vụ và Bưu điện. Vì nghe anh Thắng rủ rê về công tác cùng nơi anh ấy. Chị An - ở Vụ Tổ chức Cán bộ lập danh sách xin 6 người về Bộ, trong đó có Đại, và con anh Thân (thằng này ghi nguyện vọng đi bất cứ đâu, trừ Bộ Nội Vụ). Theo chị An thì chỉ có Cục Thông tin cần người. Anh Trác nói sẽ có công tác dùng ở vô tuyến điện; nhưng ban đầu nghe nói, lại thành ra Đại ghi nguyện vọng không về Bộ. Anh ấy nói để hỏi lại, và đính chính.

2. Anh Sáu Dân ra họp, hỏi địa chỉ để đến chơi; nhưng quên nhà, tìm không ra. Anh ấy lại cho người mang thư đến, cho biết gặp anh Phạm Hùng, có đặt vấn đề xin tôi, nhưng anh Hùng nói rằng nghe nói anh Thọ đã có hướng công tác rồi.

Anh Năm Xuân ra họp lưu thông phân phối, cùng anh Mười Hương đến chơi. Lúc đó đã hơi muộn. Nghe chuyện càng ngày càng thêm chứng minh, anh ấy băn khoăn: ông Hai Văn thì hiểu được do thần kinh; nhưng ông Lê Quốc Thân và ông Hoàng Thao thì không hiểu được.

Anh Sáu Hoàng trước khi đi Cuba, đến chơi khá khuya.

3. Anh Tiếu băn khoăn, vì sao vẫn chưa giao công tác.

Anh Mười Hương gặp anh Hùng, anh Hùng nói “nghe là đã giao công tác nhưng không nhận”. Anh Hùng nói “có hiểu Tài từ lâu; nhưng bây giờ về công tác, gặp toàn những người làm sai, thì cũng khó lắm”. Anh Mười Hương khuyên nếu công tác tương đối hợp thì nên nhận.

4. Anh Du - Phó Ủy ban Kiểm tra trung ương - kể: sau khi đi Campuchia về, anh Thọ rất mệt nhọc. Đến chơi anh Du khoảng 10 phút, nói sẽ đi nghỉ ở Liên Xô. Anh Du chẳng nói được chuyện gì định nói.

5. Làm thư nhắc anh Thọ gặp tháng 5/1981 như đã hẹn. Tổ chức TƯ ngại bị phê bình tiết lộ ý việc định gặp tháng 5/1981. Nên đã sửa lại thư nhắc. Nhưng lại nói rõ hơn những chi tiết khác. Có bản lưu.

Ở Bộ Nội vụ, có thêm cán bộ viết thư lên Tổ chức TƯ nói về việc phải trả tôi về công tác CA. BVĐ cho là những thư như thế tốt.

6. BVĐ tiếp tục thu thập thêm tài liệu giải đáp các vấn đề tồn tại thắc mắc của anh Thọ.

Anh Cần, một cán bộ Cục D3 được giao giúp anh Thành. Theo anh Thành, thì anh này không quen tôi. Và tôi cũng không quen. Nhưng ca tụng tôi hết lời. Anh Cần này tiếp xúc mấy tên Ngụy để nhận các lời khai, cũng nói chuyện lại với anh em trong đơn vị là những lời khai rất tốt. Tôi cũng nêu một số yêu cầu khi làm việc với anh Thành, xung quanh việc nên khai thác gì ở bọn Ngụy.

Đã lấy được tài liệu lưu ở trong Nam, về các lời khai của tên phản bội Hai Lâm. Rõ ràng bản viết của y năm 1975 lúc mới bị CA ta bắt, chỉ nói sơ qua việc y nhận diện tôi, và việc Mỹ dùng y khi hỏi cung tôi; không có ý gì gọi là tố giác, mặc dù y hiểu chính sách lập công chuộc tội. Các bản khai của năm 1979 có thể ngại là bị tác động sau khi tôi bị đình chỉ công tác, nhưng rút cục cũng không cung cấp vấn đề gì bậy bạ, như BVĐ đã dùng để buộc tội tôi.

Cũng đã có biên bản ghi âm anh Thọ hỏi tên Hai Lâm, thì chỉ thấy đó là ý anh Thọ gợi hỏi; nhưng tên Hai Lâm trả lời không khẳng định. Vậy thì mượn danh tên Hai Lâm để nói là y “tố giác” hoặc “nhận định xấu” về tôi, chỉ hoàn toàn là một sự suy diễn.

Đã xác định được: bản Anh văn là lấy được ở Tổng Nha Cảnh sát Ngụy; phúc trình lúc tên Paul Peters hỏi cung cũng có ở đó. Cũng xác định được qua lời khai của bọn Ngụy, thì có phúc trình lúc tên Frank Snepp hỏi cung tôi (nhưng bọn chúng gọi nhầm là Frank Steff). Và hồ sơ của tôi mang bí số TT4 hoặc Tư tưởng 4; vậy mà Cục 2 cung cấp tài liệu lấy được ở số 3 Bạch Đằng đã có về năm 1971 và 1973, nhưng lại không có về năm 1972 lúc 2 đợt Mỹ hỏi cung. Thật vô lý; hoặc do lỗi của Cục 2, hoặc họ có đưa cho ông Hai Văn mà bị dìm đi chăng? (Nếu đã không có ở 3 Bạch Đằng, thì tại sao lại có ở Tổng Nha Cảnh sát Ngụy được). Tôi đã có bản phân tích riêng về vấn đề này.

Cũng được biết băng ghi âm biên bản hỏi cung từng buổi, được sao thành 2 bản, lưu một bản ở ban Q đến tận giải phóng, lưu một bản ở ban U (mà có tin bị đốt 29/4/1975). Dù sao, không có chuyện CIA mang hết về Mỹ, như người ta vẫn thường loan tin. Và nếu chưa thấy, là do lỗi của Cục 2.

BVĐ tình cờ tìm thấy thằng Nghĩa ở ban T (TƯ TB Ngụy) đã từng lưu hồ sơ “Tư tưởng 4”. Như thế càng rõ là: Có đủ hồ sơ; nói không có hay không đủ là nói bậy. Thằng này được hỏi đến, nhưng có lẽ người hỏi không cụ thể, nên nó trả lời chung chung.

Đã tìm được tên Quận, ta đang giam ở Chí Hòa. Trước đây anh Thành đã được nó cung cấp theo trí nhớ, nội dung đối đáp của tôi lúc Mỹ hỏi cung; đã xác minh lại qua con phiên dịch là đúng. Đến năm 1981, không hiểu ai hỏi nó tháng 2/1981, mà nó khai thêm về “Tư tưởng 4”.

BVĐ nhờ Bộ Nội vụ dịch lại đoạn sách của tên F.Snepp. Và cho biết có ý kiến muốn ghim ở ý tên này nói “hồ sơ ngày càng dầy thêm”.

7. Ngày 20/8/1981 gửi thư cho anh Thọ, phân tích toàn bộ các việc trong lúc anh Thọ vẫn chưa gặp được. Bản này qua BCSĐ/BNV chuyển. Đã có thư nhắc thêm Bùi Ngọc, thư ký anh Thọ. Có bản lưu.

Ngày 22/8/1981, có văn bản phát biểu về kiểm điểm trách nhiệm làm sai về bản Anh văn 1976. Gửi BCSĐ/BNV, đồng gửi Đảng ủy. Và có gửi Tổ chức TƯ. Có bản lưu. Đây là để cung cấp tình hình, và thúc đẩy gián tiếp Bộ Nội vụ tiến hành.

8. Ngày 25/8/1981 làm việc thêm với BVĐ. Anh Thành đang thảo dở dang báo cáo tổng hợp xác minh trường hợp tôi, ý chủ đạo của anh ấy là giải đáp ba việc anh Thọ nêu tháng 10/1978. Và kết luận không có gì tồn tại, vì rõ ràng. Và cũng nhắc sửa điều 1 kết luận 908 về cơ sở. Chưa biết hôm nào xong. Nhưng Tổ chức TƯ ngại lấy danh nghĩa Tổ chức TƯ, do đó hay để Vụ BVĐ danh nghĩa báo cáo.

Nhân đó được biết ngày 1/4/1978, ông Hai Văn ký một báo cáo danh nghĩa Tiểu ban BVĐ kết thúc cuộc thẩm tra. Nêu mấy việc: Tinh thần tư tưởng không vững vàng (không dám nói khai cơ sở như kết luận 908; nhưng nói là vừa bị bắt đã nhận ngay là đại úy dân quân, rồi tình báo; và nói là chính tên Hai Lâm cũng nhận xét tư tưởng tinh thần không vững; nghĩa là lấy ý anh Thọ đã mớm cho nó để coi như lời khai của nó). Không thành thật báo cáo với Đảng việc Mỹ hỏi cung (tỏ ra cay cú ý tôi nói “trả lời hỏi cung”. Hoặc “đối phó, thủ đoạn đối phó với địch”. Vin vào chuyện bản Anh văn. Và vin vào việc ngay sau khi bị đình chỉ công tác, tên F. Snepp viết sách thừa nhận CIA thất bại). Việc tôi gặp hỏi cung bọn tình báo Ngụy đã từng hỏi cung tôi là sự không bình thường của tôi (sao trích cắt xén làm Phụ lục 1 đoạn đối thoại của tôi hỏi tên Hai Lâm, nhằm chứng minh là tôi cố ý dò hỏi về việc Mỹ hỏi cung; thật là cách làm việc vô cùng nguy hiểm, khi lạm dụng lòng tin của Đảng đối với Tiểu ban BVĐ); và cắt xén bóp méo sự thật (nếu đối chiếu với bản thống kê kết quả hỏi cung tôi mới làm lại và đã gửi BVĐ, BNV). Có điều đáng chú ý là:

- Bản báo cáo này có trước 8/4/1978 là ngày Thường vụ Thành ủy Sài Gòn ra văn bản xác nhận tình hình cơ sở yên ổn.

- Anh Thọ gặp 4/1978 là dựa vào báo cáo này để thêm râu ria chất vấn tôi.

- Anh Thọ kết luận miệng 1/1978 cũng cơ bản là dựa vào báo cáo này (và anh Thành cho biết kết luận 908 là chịu ảnh hưởng của báo cáo này).

Điều lệ Đảng quy định đảng viên phải được thông báo ý kiến của tổ chức nói về đảng viên. Vậy mà mấy năm nay, tôi không được biết gì về một bản báo cáo vu cáo tôi như vậy (nay anh Thành cho biết, nhưng vẫn yêu cầu giữ bí mật; và coi như không chính thức).

Lối làm việc như thế này trong Đảng thật là nguy hiểm ở chỗ: Tiểu ban BVĐ có quyền bóp méo sự thật để buộc tội ai cũng được; và người đó không được thanh minh; và cũng không được biết để mà thanh minh.

Như thế, thì rồi người ta có thể dùng cách này để đánh ai vào lúc nào cũng được cả.

Kết luận báo cáo 1/4/1978 này, Tiểu ban BVĐ đề nghị anh Thọ gặp nói thẳng là tư tưởng tinh thần không vững, việc không kết luận được, và chuyển công tác khác. Nay càng rõ thực chất các cuộc gặp của anh Thọ.

9. Ngày 27/6/1981, anh Bùi Ngọc, Văn phòng anh Thọ điện thoại nói anh Thọ đã nghe thư 20/6/1981. Việc đã rõ. Ban Bí Thư sẽ kết luận. Về công tác, làm Phó Tổng Thanh tra.



Những việc tháng 7/1981

1. Bùi Ngọc, VP anh Thọ thông báo bằng điện thoại sáng 27/6/1981 các ý anh Thọ về kết luận và về công tác. Đã có thư gửi anh Thọ, xác nhận và đề xuất các việc.

Ngày 30/6/1981 gửi thư cho anh Tâm Tổ chức TƯ báo việc đó, và cũng đề xuất ý kiến.

Nhưng đến 3/7/1981, thì anh Thành BVĐ cho biết: Nhận thư gửi anh Tâm, rất mừng; nhưng Ngọc nhân nói chuyện thì cải chính việc kết luận và đổ tại nghe nhầm. Đã có thư cho anh Thành trả lời về thái độ này của Ngọc; và yêu cầu trả lời giúp (Bùi Ngọc không nói thẳng với tôi). Ít ngày sau, anh Thành nói chưa có dịp nói lại cho Ngọc. Đằng sau, có điều gì đó chưa hiểu được.

2. Việc kiểm điểm trách nhiệm bản Anh văn. Tôi đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ; đồng gởi Tổ chức TƯ. Nhân thư ngày 27/6/1981 gửi anh Thọ, đã gửi kèm bản đó.

Ngày 5/7/1981, anh Trăng kể là anh Huynh được triệu tập họp và báo cho chuẩn bị báo cáo. Hỏi tôi có đi không? Đáp chưa thấy báo gì.

Ngày 6/7/1981, anh Thành BVĐ cho biết có mời anh ấy, nhưng đang họp dở Kiểm tra, nên chỉ gửi cho Bộ Nội vụ mượn bản tài liệu anh Thân đưa ngày 15/7/1976 thôi.

Ngày 9/7/1981, nhân họp chi bộ, tôi hẹn gặp anh Đông Bộ Nội vụ. Hỏi vì sao họ không triệu tập, câu trả lời hết sức không rõ ràng là: còn phải một số bước nữa, chắc anh Hùng cũng sẽ mời anh. Hỏi đã kết luận chưa, yêu cầu thông báo; thì không nói là đã kết luận; chỉ nói là anh ấy đã đọc bản phát biểu và có đưa anh Hùng xem. Anh Hoàn được mời, nhưng không đến, gửi ý kiến, đại ý: việc rõ là sai; cương vị Bộ trưởng, Bí thư Đảng đoàn đã quan liêu không kiểm tra. Cũng cho biết anh Thân nghe ngóng, biết là tôi có phát biểu về anh ấy nhưng Bộ Nội vụ không đưa cho xem bản của tôi. Cũng không cho biết anh Thân nói gì. Nhưng cho biết anh Hùng nhận xét: “Báo cáo lên TƯ thì được, nhưng không kiểm tra là sai, chỉ có bản tài liệu đó thì không có gì đặt vấn đề về anh Tài được, nếu có đặt, thì đặt về Quyết và Phong chứ”. Tôi nhắc lại yêu cầu phát biểu trực tiếp ý kiến và được biết kết luận.

Sau này được biết thêm:

- Anh Thân cho rằng tôi cũng có trách nhiệm trong vụ sai. Vì khi được đọc bản Anh văn đó không báo cáo cho lãnh đạo; và khi kiểm tra đã không nhớ là Mão đưa cho xem; nên chậm ra vấn đề; và Cục G3 tiếp tục sai.

- Anh Hợi Đảng ủy nói ý anh Tài muốn các đồng chí có trách nhiệm thấy rõ; và cũng đồng tình, nếu anh Tài xử sự đúng thì không xẩy việc sai này (!).

- Mai Khiêm vẫn cho rằng chưa tin báo cáo của Việt và Sâm; nên anh Quyết Và Đông phải phê phán ngay tại chỗ.

- Anh Huynh cho biết anh Hùng nói Cục G3 có 3 tội: tự ý chụp ảnh, báo cáo sai, sửa sổ. Nhưng cho rằng cuộc làm chưa đi vào thực chất.

- Anh Mười Hương gặp làm việc với anh Quyết, hỏi phải làm rõ chuyện này; thì anh Quyết nói mới làm xong. Nhắc cần đủ thành phần, thì đáp đã có đủ; và đổ mọi tội cho Mão (Huynh nói anh Hùng có phê Mão; nhưng nói trong bối cảnh bị o ép, Mão sợ, nên cũng hiểu được).

Anh Dư, Văn phòng BCSĐ/BNV nói trong cuộc họp cũng có nói đến việc tôi không báo cáo lãnh đạo và không nhớ ai đưa xem; nhưng “đề nghị hỏi anh Đông để phát ngôn có trách nhiệm”, và cho biết chưa báo cáo lên TƯ, vì còn làm tiếp (anh Dư nói với anh Thành BVĐ là cuộc làm “tốt”, chưa rõ theo ý nghĩa nào).

3. Ngày 20/7/1981, anh Thành cho biết anh Thọ cho gọi Hàm là người đã báo cáo láo lên gặp. Theo anh Thành thì để anh Thọ phê phán kịch liệt, anh Thành không phải dự; vì anh Thọ đã nghe, nắm hết vấn đề rồi.

Khi anh Thành BVĐ biết, anh ấy hứa tìm hiểu; đồng thời nói hôm gặp anh Thọ, nhân làm việc khác, có nhắc việc tôi; anh Thọ vẫn nêu lại việc hỏi cung bọn Ngụy 6/1976.

4. BVĐ đã hoàn thành báo cáo viết, kết quả thẩm tra việc của tôi.

Theo tinh thần được thông báo, thì khẳng định mọi việc đã rõ, không có gì tồn tại; và đánh giá tốt thời kỳ ở tù, về bảo vệ cơ sở và sự đấu tranh đối phó trong tù.

Nhưng BVĐ chưa được trình bầy báo cáo.

Anh Thành cho biết trước đây, anh Tâm sốt sắng với việc báo cáo làm xong việc này. Nhưng nay, thấy không được sốt sắng như trước. Có đồng chí cho rằng do bận thôi.

Có thư gửi anh Tâm yêu cầu Ban Bí thư kết luận vào dịp nhận công tác (kèm dự thảo). Bởi việc đã rõ, cần thiết để dễ làm việc, và cũng là để tuân thủ nguyên tắc Đảng. Chưa có trả lời.

5. Anh Ngọc thông báo đã gần một tháng, nhưng vẫn chưa nhận được quyết nghị về công tác.

Có ý kiến cho biết: Tổ chức TƯ đã gửi văn bản, nhưng còn chờ ý anh Thọ chưa ký. Lý do, có ý kiến cho là lề lối làm việc; có ý kiến cho là có người thọc gậy bánh xe. Về Thanh tra (cũng như Công an, Kiểm sát) là 3 loại công tác mà người chống tôi coi là thất bại của họ; cũng có ý kiến rằng do Thành ủy Sài Gòn xin, nên còn đang lưỡng lự.

Chú Lương thì khuyên cứ nhận việc, rồi nhắc kết luận. Và làm cho người ta hiểu.

Anh Mười Hương kể là anh Năm Xuân nói phải trả về CA; phải đấu tranh việc này.

Cậu Đắc gặp anh Thọ (Vụ trưởng Tổ chức Bộ Nội vụ). Anh này nói việc bản Anh văn rõ, đưa về lấn cấn nội bộ; nhưng hình như cũng có gì khác, mà do trong Nam chưa thống nhất ý kiến, nhất là ý kiến ông Hai Văn. Cũng dễ hiểu.

Anh Du tưởng đã đi làm. Và nói nếu Bộ Nội vụ không làm rõ trách nhiệm bản Anh văn, thì có quyền gửi Kiểm tra Đảng.



Những việc cuối tháng 7 và tháng 8/1981

1. Ngày 30/7/1981 anh Thành gặp anh Thọ báo cáo.

Trước đó anh Thọ đã qua thư ký, phàn nàn anh Thành cùng làm việc đã mấy chục năm, mà làm báo cáo như vậy. Báo cáo và tài liệu gửi nhiều quá không đọc được. Ngày 28/7/1981, gửi lại công văn 254 và 908 cho anh Thọ xem.

Khi gặp anh Thành, định khoảng gần 60 phút. Anh Thọ nói hết một giờ rưỡi. Không đọc toàn bản báo cáo, mà chỉ đọc đoạn đầu và đoạn kết. Phê phán anh Thành. Và giao cho gặp tôi thông báo dự kiến kết luận, do thư ký anh Thọ trực tiếp với anh Thọ làm, chứ không giao cho BVĐ làm.

2. Ngày 1/8/1981, anh Thành gặp tôi, thông báo dự kiến kết luận của anh Thọ (theo chỉ thị của anh Thọ).

Điều 2 tưởng là khó, nhưng anh Thọ đồng ý ngay là không còn vấn đề gì cần phải làm rõ; và kết luận này xóa bỏ mọi ý kiến và kết luận trước đây, nghi vấn về chính trị.

Điều 1 về cơ sở, ai cũng tưởng hai năm rõ mười, nên BVĐ cũng chỉ đề cập như dĩ nhiên phải sửa. Không ngờ anh Thọ phê phán BVĐ sao lại kết luận là tôi không khai cơ sở và bí mật. Vì “chính cậu Tài đã tự phê bình như vậy mà”. Và nhắc lại những ý như: người ở sứ quán Anh, phá hợp đồng với giao liên, xin khai,... Anh Thành nói cần báo cáo lại cho rõ, nhưng không được nghe.

Nghe xong, tôi không đồng ý. Anh Thành điện thoại ngay cho anh Ngọc, được biết chưa đánh máy kết luận. Cho biết, tôi không đồng ý và yêu cầu gặp anh Thọ. Ngọc ghi nhận.

Về công tác, vẫn như đã nghe anh Ngọc thông báo gần một tháng trước.

3. Ngày 2/8/1981, tôi gửi thư ngắn cho anh Thọ, nói đồng ý điều 2 như tinh thần anh Thọ; không đồng ý giữ lại điều 1, vắn tắt lý do.

Ngày 3/8/1981, lại gửi cho anh Ngọc, bản báo cáo 11/7/1978 đã gửi anh Thọ, đã tập trung chứng minh vào chuyện cơ sở.

4. Sáng 8/8/1981, anh Thành điện thoại báo anh Tâm hẹn gặp lúc 1 giờ.

Cuộc gặp có anh Tâm, anh Thành và tôi.

Anh Tâm nói: Kết luận, và Quyết nghị công tác đã ký, đã gửi theo đường giây. Phổ biến vắn tắt miệng. Tôi phát biểu những ý không đồng tình (giống như văn bản đã gửi).

Hỏi về lý do thay đổi công tác, anh Tâm cho biết Tổ chức TƯ muốn đưa về Bộ Nội vụ. Hỏi ý kiến Ban Cán sự, thì được trả lời là sợ nội bộ lủng củng; không phải chuyện này, mà trước nữa (!). (Anh em cấp Cục, nhiều người phản ứng lý lẽ này; và cho là không hề có trưng cầu ý kiến trong Bộ).

5. Nội dung của Kết luận số 1519 do anh Lê Đức Thọ ký thay mặt Ban Bí thư đề ngày 31/7/1981 gồm 2 điểm; mà điểm 1 là sai sự thật:

“1) Trong quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Tài cho đến trước khi bị địch bắt, đồng chí Tài là một đảng viên tốt, có năng lực. Trong thời gian bị địch bắt, tuy đồng chí có tinh thần chịu đựng sự tra tấn của địch, nhưng cũng có lúc đồng chí Tài đã dao động, do đó đã phạm khuyết điểm khai báo với địch một số cơ sở của Đảng nhưng không quan trọng. Ban Bí thư đã phê bình khuyết điểm nói trên của đồng chí Tài.

2) Quyết định này thay cho quyết định 908 ngày 18-8-1979”.

Ngày 9/8/1981, có thư gửi Ban Bí thư, ghi điểm nào tiếp thu, điểm nào không tiếp thu trong kết luận nhận được chiều 8/8/1981. Đáng chú ý là kết luận đánh máy nội dung đầy đủ, còn ngày thì đánh máy sau, đề ngày 31/7/81. Ngụ ý là ký trước ngày anh Thành thông báo dự kiến kết luận; và trước khi nhận thư 2/8/1981 của tôi. Thế nhưng, anh Thọ cho thư ký gặp anh Tâm và anh Thành, nhận xét là anh Thành không thông với kết luận, nên không thuyết phục được.

6. Yêu cầu BCSĐ/BNV gặp trước khi đi nhận công tác mới. Sáng 12/8/1981 anh Thành cho biết có điện thoại cho anh Quyết, được trả lời là sẽ làm, nhưng đợi đông đủ về. Sáng 14/8/1981, được Văn phòng BCSĐ/BNV cho biết có thể làm chiều 15/8/1981. Đã chuẩn bị bản kiểm điểm và các vấn đề cần nêu.

7. Trung ương Đảng trệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V.

Đảng bộ Ủy ban Thanh tra Chính phủ, thuộc quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tại Đảng bộ cơ sở, khi bầu Đại biểu đi họp Quận, anh em Đảng ủy giới thiệu tôi; mặc dù tôi mới về, và mới làm được cuộc thanh tra về vấn đề xăng dầu, phát hiện sự lỏng lẻo trong quản lý, thuộc trách nhiệm của lãnh đạo Bộ. Cuối cùng, tôi trúng; mà Đảng bộ Ủy ban Thanh tra chỉ được một Đại biểu.

Qua cấp Quận, đến Thành phố. Tôi cũng trúng Đại biểu của Thành phố đi Đại hội V. Tại Đại hội Thành phố, cũng có người chất vấn Ban Nhân sự, đã được giải đáp trước khi bầu. Tôi có thư cho anh Thọ là tôi được cử làm Đại biểu Hà Nội đi Đại hội V, xem anh ấy phản ứng ra sao.

8. Dịp Đại hội V, anh Thân thông qua Bộ Nội vụ, có một thư ngỏ ý muốn gặp tôi.

Tôi đã có thư ngày 30/3/1982 gửi BCSĐ/BNV về việc anh Thân muốn gặp tôi địp Đại hội. Ý kiến tôi sẵn sàng gặp, có mặt Đại diện Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức TƯ Đảng. Tôi thừa biết lối gặp tay đôi như thế rồi người ta đi nói với mọi người rằng, giữa 2 người không có gì tồn tại.

Ngày 31/3/1982, tôi nhận được một bản thư của anh Thân gửi Bộ Nội vụ, từ chối gặp tôi.

9. Bí thư Đảng ủy của Ủy ban Thanh tra Chính phủ là anh Nguyễn Đôn, trước đã tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và xây dựng đội du kích Ba Tơ. Tôi đã có dịp đưa anh Đôn xem mọi tài liệu liên quan đến tôi (các kết luận về cơ sở; và kết luận 1519), chuyện nghi vấn ban đầu và kết luận về bản Anh văn. Tôi có kể chuyện tiếp tục khiếu nại. Anh Đôn cho tôi là đúng. Nay tôi là đảng viên của Đảng bộ Thanh tra; nên ngày 2/5/1982, bằng công văn 22-VP/ĐU, Đảng ủy UBTTCP đã chuyển khiếu nại của tôi đến Ủy ban Kiểm tra trung ương (cùng ngày); đồng gửi Ban Tổ chức TƯ và Bộ Nội vụ.

Tôi cũng có thư ngày 1/5/1982 gửi Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng; Đảng ủy Ủy ban Thanh tra Chính phủ cũng làm công văn số 34/VPĐU chuyển ngày 11/5/1982.

10. Suốt từ đó về sau, vẫn không ai đả động gì đến khiếu nại đúng nguyên tắc, đúng thời hạn của Điều lệ Đảng của tôi cả.

Ở Ủy ban Thanh tra Chính phủ, tôi đã làm thêm mấy cuộc thanh tra lớn. (Khi tôi mới về nhận nhiệm vụ ở Thanh tra, anh Phạm Hùng là Phó Thủ tướng phụ trách Nội chính mời tôi đến gặp để bàn về một cuộc thanh tra do tôi trực tiếp làm Trưởng đoàn. Vừa nhìn thấy tối, anh ấy vừa đi vừa cười, đến bắt tay tôi với câu đầu tiên: “Tôi chịu là “ông” kiên trì thật đấy!”. Quan hệ làm việc giữa tôi và anh Phạm Hùng rất tốt cho đến khi anh ấy đột ngột qua đời. (Anh em giúp việc anh Phạm Hùng kể cho tôi rằng anh Hùng có nhận xét về tôi với anh Thọ: “Tài, nó trực tính lắm; giá như chúng mình có làm gì sai nó cũng phê bình thẳng”).

Cuộc (thanh tra - BT) về Hàng không dân dụng. Cuộc về Ủy ban Kinh tế đối ngoại, do Phó Thủ tướng Trần Quỳnh trực tiếp làm Chủ nhiệm. Cũng như cuộc trên, làm theo Quyết định của Bộ Chính trị, và đích thân Thủ tướng ký Quyết định. Cuộc Thanh tra về điện ảnh. Kết luận của Đoàn Thanh tra phân biệt những hoạt động phải bao cấp trong lãnh vực văn hóa, và những hoạt động có khả năng thu để trang trải cho Ngân sách, đã giải đáp một vấn đề “kinh tế trong văn hóa” được lãnh đạo Bộ Văn hóa chấp nhận, mà trước đây không thấy rõ.

11. Mùa thu năm 1984, tôi được chỉ định đi Liên Xô dự lớp Quản lý kinh tế ở Viện Hàn lâm Kinh tế quốc dân Liên Xô. Làm Bí thư chi bộ. Cùng đoàn có anh Năm Xuân. Gần cuối khóa, nghe tin từ trong nước là chuyển sang làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Về nước, từ chối không được, tôi đã làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hơn 4 năm. Cũng là những năm đầy sóng gió; mà tôi đã có riêng những trang hồi ký, viết theo yêu cầu của anh Phan Văn Dĩnh, Tổng cục trưởng hiện nay của Tổng cục Hải quan.

Thời gian này có Đại hội Đảng lần thứ VI. Tôi được Ban Bí thư giới thiệu đi ứng cử ở Lạng Sơn; cùng anh Trần Xuân Bách.

Cũng dịp Đại hội Đảng lần thứ VI, Ban Bí thư ủy nhiệm cho hai đồng chí Phạm Hùng và Lê Văn Lương đến Bộ Nội vụ, họp cán bộ cấp Cục để lấy ý kiến đối với anh Lê Quốc Thân. Theo những người đã dự cuộc họp đó, thì rất nhiều người phát biểu ý kiến dẫn chứng và nhận xét về anh này. Tập trung vào thái độ đối xử không tốt đối với người đã giúp đám tang bố đẻ ra mình, quan hệ làm việc, tinh thần trách nhiệm trước sai lầm; đặc biệt họ phê phán mạnh về trách nhiệm làm sai trường hợp của tôi.

Nhiều người cho rằng: việc lấy ý kiến như vậy rất tốt. Kết quả là TƯ Đảng không tiếp tục cấu tạo anh Lê Quốc Thân vào danh sách đề cử vào TƯ khóa VI. Lúc đó, anh Lê Quốc Thân đang là Trưởng ban Nội chính trung ương. Sau Đại hội VI, anh Bình Phương là Trưởng ban Nội Chính; anh Lê Quốc Thân xin làm Phó cho đến lúc nghỉ hưu. Anh Bình Phương làm đến năm 1987 hay 1988, thì anh Mười Hương, Bí thư trung ương Đảng, thay làm Trưởng ban.

Nguồn: Tài liệu chưa xuất bản, lưu hành dưới dạng samizdat. Bản điện tử do talawas thực hiện

0 nhận xét:

Post a Comment