31 Đồng chí Lê Văn Lương - Tấm gương người cộng sản trong lao tù đế quốc

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Lê Văn Lương là người cộng sản kiên trung thuộc thế hệ lớp đầu của Đảng ta, một cán bộ lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí đã nêu cao tấm gương trong sáng: Hiên ngang bất khuất với quân thù, coi án chém nhẹ tựa lông hồng; tận tụy, trung thành, liêm chính đối với công việc, bao giờ cũng đặt lợi ích cách mạng lên trên hết và trước hết; chăm lo thiết thực, cụ thể đối với đời sống nhân dân; khiêm nhường, chu đáo, gần gũi thân tình đối với bạn bè, đồng chí, đồng chí là tấm gương sáng về tự phê bình, có lối sống giản dị, trong sáng và khoan dung. Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Đỗ Mười đã viết: “Đồng chí Lê Văn Lương người đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên của Đảng ta, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng suốt đời gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng”.

Khi tìm hiểu tiểu sử và những cuốn sách hồi ký về những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí chúng ta không khỏi khâm phục, ngưỡng mộ tinh thần, ý chí của người cộng sản Lê Văn Lương trong những năm trong tháng bị kẻ thù giam cầm, đặc biệt là ở địa ngục trần gian Côn Đảo. Đòn roi của lũ cai ngục và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc không dập tắt được ý chí đấu tranh mà ngược lại càng tôi luyện ý chí và nhiệt huyết cách mạng trong đồng chí. Đồng chí Lê Văn Lương cùng anh em trong chi bộ nhà tù đã dũng cảm đấu tranh một cách quyết liệt và đồng chí trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt, có uy tín trong các cuộc đấu tranh và giành chính quyền tại Côn Đảo, hòa vào thắng lợi của đồng bào cả nước trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám - 1945.

Sinh ra và tuổi thơ được tắm mình trong truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ và quê hương, ngay từ khi còn là học sinh, đồng chí đã thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, căm thù bọn đế quốc thực dân xâm lược và phong kiến tay sai, sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1927, ở tuổi 15, khi đang là học sinh Trường Bưởi, Lê Văn Lương đã tham gia các cuộc đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Châu Trinh rồi gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, đồng chí được đọc tài liệu, sách báo bí mật của Hội như: Đường Kách mệnh, Bản án chế độ thực dân Pháp, báo Thanh Niên…lúc này được tuổi trẻ hết sức ngưỡng mộ. Qua đó, đồng chí cắt nghĩa được vì sao dân tộc ta vẫn phải chìm đắm trong vòng nô lệ, cuộc sống nhân dân hết sức khổ cực; Vì vậy, muốn giải phóng dân tộc, muốn nhân dân thoát khỏi cảnh “một cổ hai tròng” không có con đường nào khác là phải vùng lên đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến…Trong những ngày tháng hoạt động đó, Lê Văn Lương hăng hái tham gia công việc của Hội, say sưa nghiên cứu học tập thấm nhuần con đường cứu nước, đồng thời tích cực tuyên truyền những tư tưởng mới tiếp thu được cho một số thanh niên tiến bộ khác. Dưới ánh sáng soi đường của tư tưởng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về con đường giải phóng dân tộc, với nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn được hiến thân cho sự nghiệp vĩ đại giải phóng dân tộc, khi 17 tuổi, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Được sự dìu dắt, giúp đỡ của các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Lê Văn Lương cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ và nhiều thanh niên trí thức khác như Hoàng Quốc Việt, Lương Khánh Thiện, Tô Hiệu ...tham gia hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều tỉnh Bắc Kỳ, đặc biệt là các mỏ than vùng Hồng Quảng.

Rời Trường Bưởi, Lê Văn Lương được tổ chức vào hoạt động ở Nam Kỳ. Để che mắt mật thám Pháp, anh phải nhập nhiều vai, khi thì làm công nhân ở Hãng dầu Socony (Nhà Bè), khi làm phu khuân vác ở cảng Ba Son. Cùng với Ngô Gia Tự và một số đồng chí khác, Lê Văn Lương đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh chống lại giới chủ tư bản, chống đánh đập, đòi tăng lương, giảm giờ làm… Hoà chung với phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, nhân sự việc một công nhân nữ đang có thai bị tay sai chủ Hãng Socony đánh trọng thương, (ngày 23-3-1931), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Văn Lương, Chi bộ Đảng quyết định phát động công nhân tham gia cuộc đấu tranh phản đối sự hà khắc của bọn chủ xưởng. Từ 5 giờ sáng, hơn 400 công nhân đã tập trung mít tinh trước cửa hãng. Đồng chí Trần Thị Ngọc Hân - đại diện cho công nhân nữ - đã đứng lên diễn thuyết, vạch trần tội ác của chủ hãng, chỉ ra nỗi thống khổ của công nhân, nhất là đối với công nhân nữ, đòi chủ không được đánh đập, ngược đãi công nhân và phải bồi thường cho nữ công nhân bị đánh. Không chấp nhận yêu sách của công nhân, bọn chủ đã huy động lính đến đàn áp. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ, đội tự vệ của công nhân chống trả quyết liệt, nhưng do chênh lệch về lực lượng, bọn chủ đã thẳng tay đàn áp và giải tán cuộc đấu tranh, đồng chí Lê Văn Lương và một số đồng chí bị bắt đưa về Khám Lớn Sài Gòn.

Năm 1933, đồng chí bị tòa đại hình đưa ra xét xử trong vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương, bị kết án tử hình cùng với Phạm Hùng, Lê Quang Sung. Trải qua thời gian hơn nửa năm trời bị giam cầm trong xà lim án chém ở Khám Lớn Sài Gòn, gần một tháng đồng chí bị cấm cố, nhưng vẫn không một phút bi quan, dao động, mà luôn luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng của Đảng. Cuộc sống tù đày cơ cực không đè bẹp được ý chí của đồng chí mà ngược lại càng tôi luyện thêm tinh thần lạc quan, hun đúc khí tiết, tình đồng chí, nghĩa đồng bào ở người cộng sản Lê Văn Lương.


Bản lĩnh kiên cường và tinh thần lạc quan của người cộng sản được Lê Văn Lương thể hiện trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Trong tù Lê Văn Lương cùng với đồng chí Phạm Hùng và một số đồng chí khác vẫn tìm cách đọc sách báo, tổ chức đấu tranh để bảo vệ tù nhân, đòi tổ chức lại cuộc sống trong xà lim, cử người đại diện tù nhân đứng ra đấu tranh lý lẽ với địch, cùng san sẻ khó khăn với các bạn tù.

Với tấm lòng nhân hậu cao vời, tình yêu thương đồng bào, yêu thương những người đồng cảnh ngộ như anh em ruột thịt và ý chí cách mạng quật cường, đồng chí Lê Văn Lương đã cảm hoá, giáo dục và giác ngộ tinh thần yêu nước cho nhiều phạm nhân không phải là tử tù chính trị, làm cho bọn ma tà phải khâm phục. Tinh thần lạc quan còn được thể hiện rõ nhất khi đồng chí cùng một số anh em bạn tù coi cái chết thật nhẹ nhàng tựa lông hồng. Tuy bị án chém nhưng đồng chí nghĩ “phải chuẩn bị mọi việc khi ra máy chém, để có chết cũng chết một cách đường hoàng”, đồng chí hỏi bọn gác điêng tả cho xem hình thù cái máy chém ra sao để “Lúc bước lên khỏi bỡ ngỡ”. Cùng các bạn tù, đồng chí chuẩn bị trước khi lên máy chém sẽ nói gì để buộc tội đế quốc, tuyên truyền cho Đảng và hô hào quần chúng và đồng chí chọn bốn câu khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp” “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Cách mạng Đông Dương muôn năm” “Quốc tế cộng sản muôn năm”; đồng thời học thuộc lòng Quốc tế ca để làm sao hát cho đúng nhịp khi ra máy chém. Ý chí cách mạng, son sắt một lòng với Đảng, với cách mạng, không nao núng trước hoàn cảnh của một người cộng sản chân chính còn được tỏa sáng qua việc khi tên gác điêng hỏi các đồng chí: “Sao các anh không xin ân xá?” , đồng chí trả lời: “Có tội gì mà ân xá? Làm cách mạng không có tội...Chúng tôi chỉ chống án, chống lại tòa án, pháp luật của các anh, chứ không xin ân xá. Muốn chém hay thế nào, tùy các anh”

Do Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp đấu tranh mạnh đòi bỏ án tử hình và trả tự do, ân xá cho “10.000 tù chính trị phạm ở Đông Dương”, đặc biệt đòi bỏ mười mấy án tử hình, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Lê Văn Sung được giảm xuống án khổ sai chung thân và bị đày ra Côn Đảo (1-1934).

Tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, Lê Văn Lương thể hiện một ý chí kiên cường bất khuất trước kẻ thù, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Lê Văn Lương được bổ sung vào cấp ủy Chi bộ đặc biệt do đồng chí làm Bí thư. Đồng chí là một trong những hạt nhân lãnh đạo cuộc đấu tranh của tù nhân chống lại chế độ hà khắc ở Côn Đảo. Đồng chí liên tục là Chi ủy viên Chi bộ nhà tù, đóng góp trí tuệ quý báu cho việc xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và giữ vững ngọn lửa đấu tranh nơi gông xiềng tàn bạo nhất của đế quốc Pháp ở Đông Dương. Với phương châm đoàn kết các lực lượng tù nhân, đấu tranh giành lấy quyền sống là yêu cầu bức thiết nhất, Chi bộ nhà tù xác định nhiệm vụ:

  1. Lãnh đạo tương tế;
  2. Lãnh đạo đấu tranh;
  3. Lãnh đạo học tập và tự học tập, đào tạo cán bộ cho Đảng;
  4. Tổ chức vượt ngục
  5. Tổng kết kinh nghiệm đấu tranh; biên soạn và dịch thuật tài liệu gửi về cho tổ chức Đảng ở đất liền.

Đồng chí Lê Văn Lương cùng các đồng chí Ngô Gia Tự, Phạm Hùng được cử vào ban lãnh đạo chung với nhiệm vụ trọng tâm là đấu tranh chống khổ sai hà khắc; điển hình là cuộc đấu tranh nổ ra vào tháng 7-1934 do Lê Văn Lương cùng với một số đồng chí khác lãnh đạo. Cuộc đấu tranh này được báo Lutte (Tranh đấu) đăng tải liên tục trong 35 số, đã làm cho bọn thực dân hết sức lúng túng.

Ở đây, những kinh nghiệm của một chiến sĩ cộng sản chín chắn và sâu sắc, đã được đồng chí phát huy để tập hợp đoàn kết anh em, chú trọng công tác học tập nâng cao trình độ hiểu biết văn hoá, chính trị cho các bạn tù. Với vai trò cây bút chủ lực trong “Chi bộ đặc biệt”, Lê Văn Lương đã không quản khó khăn, ngày đi làm khổ sai, tối về cặm cụi nơi góc khám, miệt mài, cần mẫn viết bài cho tờ Tiến Lên và Ý Kiến Chung lưu hành bí mật trong tù, góp phần định hướng công tác tư tưởng và nghiên cứu lí luận cho anh em tù nhân và bí mật gửi về đất liền.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 23-9-1945, đoàn tàu của Ủy ban hành chính Nam Bộ rời Côn Đảo, đón 2.000 chiến sĩ cách mạng bị tù đầy trở về với đồng chí, đồng bào, trong đó có đồng chí Lê Văn Lương. Trở về với cách mạng đồng chí được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm giao phó cho nhiều trọng trách.

Có thể nói, những năm bị cầm tù tại Côn Đảo đồng chí Lê Văn Lương và nhiều đồng chí ta kiên trì hoạt động. Anh trở thành tấm gương sáng về tinh thần chịu đựng gian khổ, ý chí quyết tâm chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do cho đất nước. Tất cả những công việc của đồng chí làm không gì ngoài mục tiêu cao cả đó. Tinh thần lạc quan và lòng thương yêu đồng chí thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng tỏa sáng giữa chốn lao tù đế quốc. Những đóng góp to lớn của đồng chí đã được Đảng ta khẳng định "Đồng chí Lê Văn Lương, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, suốt đời gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng. Đồng chí đã nêu gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, đức cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị và trung thực. Bao giờ đồng chí cũng đặt lợi ích cách mạng lên trên hết và trước hết. Cuộc đời hoạt động cách mạng trong sáng của đồng chí gắn liền với sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân"[1][1] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Văn Lương, ngày 5-5-1995..

---------------------
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Văn Lương, ngày 5-5-1995.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment