Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”
Bài phát biểu khai mạc của đồng chí Đinh Thế Huynh,
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”
(Tổ chức tại Tỉnh ủy Hưng Yên, ngày 22 tháng 3 năm 2012)
Kính thưa các đồng chí lão tháng cách mạng!Hôm nay, Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy Hà Nội long trọng tổ chức hội thảo khoa học nhân dịp kỉ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương- người chiến sỹ cách mạng kiên cường, người cộng sản kiên trung, tận tụy, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng và hạnh phúc của nhân dân. Đây là dịp để chúng ta tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến lớn của đồng chí Lê Văn Lương đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp cách mạng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, các vị đại biểu khách quý và đại diện gia đình đồng chí Lê Văn Lương đã về dự hội thảo khoa học đầy ý nghĩa này.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên!
Thưa các nhà khoa học, các vị đại biểu, đại diện gia đình đồng chí Lê Văn Lương và các đồng chí!
Kính thưa các vị đại biểu và các đồng chí!Sinh ra và lớn lến trên quê hương Hưng Yên- một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hiến, yêu nước, chống ngoại xâm, chứng kiến nỗi thống khổ của người dân bị mất nước, bị áp bức, bóc lột, đồng chí Lê Văn Lương đã tham gia hoạt động yêu nước từ khi còn là học sinh trường Bưởi và sớm trở thành hội viên của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí là một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng- một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng ta.
Vào đầu những năm ba mươi của thế kỉ XX, phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo đã xây dựng, phát triển trên phạm vi cả nước. Đồng chí Lê Văn Lương được phân công vào hoạt động trong phong trào công nhân ở Sài Gòn. Cùng với các đồng chí lãnh đạo của Đảng như đồng chí: Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng…đồng chí Lê Văn Lương đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền, giác ngộ lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lênin cho công nhân; mở các lớp đào tạo cán bộ, xây dựng, phát triển và tổ chức trên phạm vi cả nước. Đồng chí Lê Văn Lương được phân công vào hoạt động trong phong trào công nhân ở Sài Gòn. Cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng: Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng…đồng chí Lê Văn Lương đã tích cực tham gia tuyên truyền, giác ngộ lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lênin cho công nhân; mở các lớp đào tạo cán bộ, xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng ở hầu hết các tỉnh thuộc Nam Kỳ. Năm 1931, đồng chí đã bị địch bắt, bị kết án tử hình. Sau đó, phong trào đấu tranh của các lực lượng yêu nước và tiến bộ trong nước cũng như trên thế giới, đã buộc chính quyền thực dân Pháp phải giảm án tử hình đối với đồng chí và một số chiến sỹ cách mạng xuống chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo. Vượt qua đòn roi tra tấn, giam cầm đày ải trong xà lim án chém của nhà tù đế quốc, đồng chí Lê Văn Lương luôn thể hiện ý chí bất khuất, kiên cường, giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản.
Với tinh thần “biến nhà tù thành trường học cách mạng”, đồng chí đã tham gia chi bộ đảng bí mật của nhà tù, tổ chức, động viên anh em tù chính trị vừa đấu tranh, vừa tranh thủ học tập, rèn luyện, để nâng cao nhận thức lý luận cách mạng. Trong thời gian gần 15 năm (từ năm 1931 đến năm 1945), đồng chí Lê Văn Lương đã bị giam giữ, đày ải trong các nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp như: Khám Lớn (Sài Gòn), Côn Đảo. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng đón từ Côn Đảo trở về, không có một ngày nghỉ ngơi, đồng chí tham gia vào Xứ ủy Nam Bộ, tham gia lãnh đạo nhân dân Nam Bộ tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1946, đồng chí được điều ra Bắc giúp đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh về công tác báo chí và xuất bản. Sau đó, đồng chí được Đảng tin cậy giao giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước, như: Bí thư Văn phòng Ban Thường vụ Trung ương; Giám đốc Trường Đảng Trung ương mang tên Nguyễn Ái Quốc; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Bí thư Khu ủy Tả Ngạn; Chánh Văn phòng Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng giao phó.
Kính thưa các vị đại biểu và các đồng chí!Trong gần 70 năm liên tục phấn đấu, hy sinh cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, hoạt động của đồng chí Lê Văn Lương in dấu trên cả hai miền đất nước. Đồng chí thể hiện tấm gương của một chiến sĩ cộng sản mẫu mực, luôn trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân.
Trên cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã dành nhiều thời gian, trí tuệ và sức lực chăm lo công tác tổ chức và xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ của Đảng. Với sự nhiệt tình và cái tâm trong sáng, đồng chí đã góp phần xây dựng, kiện toàn từng bước hệ thống tổ chức của Đảng; góp phần đào tạo được một đội ngũ cán bộ kế cận đủ trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo của mỗi gian đoạn cách mạng. Chăm lo công tác xây dựng Đảng, để Đảng ta ngày càng vững mạnh, đồng chí yêu cầu mỗi đảng viên phải học tập nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức lý luận, trau dồi phẩm chất đạo đức, năng lực, để trở thành người cán bộ vừa Hồng, vừa Chuyên, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Những cống hiến to lớn của đồng chí đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Là Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng Trung ương mang tên Nguyễn Ái Quốc (từ năm 1949 đến năm 1956), đồng chí quan tâm, chú trọng chỉ đạo công tác giáo dục, đào tạo, rèn luyện phong cách, phương pháp lãnh đạo của cán bộ, đảng viên là cần phải sâu sát, gần gũi với quần chúng: yêu cầu mỗi cán bộ, học viên phải học tập, thấm nhuần tư tưởng, tác phong của Hồ Chí Minh: học tập lý luận phải gắn liền với thực tiễn; thường xuyên thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Có thể nói, những quan điểm chỉ đạo về công tác giáo dục, đào tạo cán bộ của đồng chí Lê Văn Lương đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội (từ năm 1977 đến năm 1986), đồng chí đã mang hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, chăm lo cuộc sống nhân dân thành phố; cùng với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, đồng chí đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế- văn hóa, xứng đáng là Thủ đô - trái tim của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin của nhân dân cả nước. Với tác phong gần gũi đồng chí, đồng bào, sâu sát thực tiễn, đồng chí Lê Văn Lương là người luôn đồng cam cộng khổ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; phong cách sinh hoạt giản dị, ghét thói xa hoa, phô trương, lãng phí, đồng chí là một cán bộ có ý thức kỷ luật cao; thẳng thắn, trung thực, hòa nhã với mọi người, luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Vì vậy, đồng chí Lê Văn Lương được nhân dân và bạn bè quốc tế tin yêu và kính trọng.
Tình cảm của đồng chí Lê Văn Lương với quê hương Hưng Yên và tình cảm của quê hương Hưng Yên với đồng chí Lê Văn Lương rất sâu đậm và gắn bó. Ngay từ khi tiếp thu ánh sáng của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Lê Văn Lương đã đem nhiệt huyết vận động tuyên truyền giác ngộ thanh niên, học sinh ở quê nhà. Trên cương vị lãnh đạo Đảng, do bận nhiều công việc của Đảng, Nhà nước, đồng chí Lê Văn Lương ít có dịp về thăm và làm việc ở Đảng bộ tỉnh Hưng Yên. Nhưng những lần về thăm quê hương, đồng chí dành nhiều thời gian quan tâm thăm hỏi, gặp gỡ đồng chí, đồng bào, để lại cho Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên những tình cảm sâu sắc. Nhân dân Hưng Yên tự hào về đồng chí Lê Văn Lương, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và luôn dành tình cảm đặc biệt sâu nặng với người con ưu tú quê hương.
Kính thưa các vị đại biểu và các đồng chí!
Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương được tổ chức trong lúc các cấp ủy Đảng đang tích cực triển khai, quyết tâm đưa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay vào cuộc sống. Thành công của Hội thảo hôm nay làm tăng thêm động lực tinh thần, góp phần động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, hăng hái thi đua học tập, nghiên cứu, sản xuất; thực hành sáng tạo, làm nhiều việc tốt. Đồng thời, Hội thảo cũng là dịp để chúng ta tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những học trò xuất sắc của Người, do đó Hội thảo càng có ý nghĩa sâu sắc.
Hội thảo khoa học của chúng ta được tổ chức tại tỉnh Hưng Yên- quê hương của đồng chí Lê Văn Lương và nhiều nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng ta như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đồng chí Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ Tô Hiệu…đây là sự kiện sinh hoạt chính trị quan trọng và giàu ý nghĩa đối với Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên.
Tưởng nhớ về đồng chí Lê Văn Lương, chúng ta càng tự hào và bày tỏ lòng tri ân đối với một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng. Noi gương đồng chí Lê Văn Lương, chúng ta nguyện học tập tinh thần làm việc tận tụy, tinh thần hy sinh phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng và hạnh phúc của nhân dân; học tập nhân cách đạo đức của người cộng sản mẫu mực, kiên cường. Tấm gương sáng ngời của đồng chí Lê Văn Lương sống mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam, trong cán bộ, đảng viên chúng ta.
Kính chúc các vị đại biểu và các đồng chí sức khỏe, gia đình hạnh phúc!
Xin trân trọng cảm ơn!
✯✯✯
0 nhận xét:
Post a Comment