4 Những đóng góp của đồng chí Lê Văn Lương trong công tác xây dựng Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Đồng chí Lê Văn Lương, người đảng viên cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng ta, một cán bộ lãnh đạo có uy tín của Đảng và nhân dân, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, nhiều năm đồng chí Lê Văn Lương được Đảng phân công phụ trách công tác tổ chức của Đảng: Từ năm 1948 đến năm 1950, đồng chí trong Ban lãnh đạo Bộ Tổ chức Trung ương [1][1] Theo Quyết nghị số 50-QN/TW, ngày 5-12-1948.. Từ năm 1951 đến năm 1953, đồng chí là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương [2][2] Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 16-4-1951.. Từ tháng 8-1957 đến năm 1958, làm Phó Ban Tổ chức Trung ương. Từ năm 1973 đến năm 1976, làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, nêu tấm gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, đức cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị và trung thực. Là một cán bộ lãnh đạo công tác tổ chức của Đảng, đồng chí Lê Văn lương đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đặc biệt là về tư tưởng. Qua thực tiễn, đồng chí đã nêu lên bốn vấn đề cơ bản của công tác xây dựng Đảng, đó là:

1. Nâng cao ý thức phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân.
Đồng chí Lê Văn Lương khẳng định: "Mục đích của Đảng ta là mưu lợi ích cho quần chúng nhân dân. Lợi ích của quần chúng nhân dân tức là lợi ích của Đảng. Ngoài lợi ích của quần chúng nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Nhiệm vụ của mỗi đảng viên là hết lòng phụng sự lợi ích của quần chúng nhân dân, lợi ích của Đảng, tuyệt đối phục tùng nghị quyết và kỷ luật của Đảng" [3][3] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.. Đồng chí cho rằng, trong Đảng có rất nhiều đảng viên thực hành đúng nguyên lý ấy, họ không sợ hy sinh, gian khổ, khó khăn, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân. Tuy nhiên, trong Đảng vẫn còn một số đảng viên coi trọng lợi ích cá nhân hơn lợi ích của Đảng, của nhân dân. Khi cần lựa chọn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của Đảng, họ lựa chọn lợi ích cá nhân, hoàn toàn không nghĩ gì đến lợi ích của Đảng, của nhân dân nữa. Đồng chí chỉ rõ: "Nhiều đồng chí đã có những tư tưởng và hành động mưu danh lợi, địa vị, tự tư tự lợi, cầu an hưởng lạc. Có đồng chí không ham địa vị trong xã hội, nhưng ham địa vị trong Đảng. Được vào cấp chỉ đạo thì hăng hái, không được thì chán nản. Được cắt công tác vừa ý thích thì chăm làm, không được thì tiêu cực. Vì tự kiêu, tự ái mà sinh ra xích mích, chống chọi nhau... Chủ nghĩa cục bộ, địa phương, bản vị, sinh ra không những chỉ vì thói quen, vì lý luận kém, mà còn vì muốn cho việc gì do mình phụ trách thì hoàn toàn, còn việc của các đồng chí khác ra sao thì mặc kệ" [4][4] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.. Theo đồng chí, điều ấy không có gì là lạ, bởi, "Đảng ta không phải tự trên trời rơi xuống, mà chính là từ trong hoàn cảnh xã hội hiện tại mà ra. Tất nhiên nó không tránh được những vết tích cá nhân chủ nghĩa của chế độ xã hội cũ" [5][5] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.. Muốn nâng cao ý thức phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân cho đảng viên, một mặt, Đảng phải chú ý việc giáo dục lý luận; phải làm cho mỗi đảng viên hiểu rõ vai trò và lực lượng vĩ đại của nhân dân, sự thắng lợi tất yếu của cách mạng. Mặt khác, phải làm cho đảng viên nhận thức được vai trò của Đảng, sự nghiệp vĩ đại và tiền đồ vẻ vang của Đảng; nhiệm vụ mà mỗi đảng viên phải làm để đưa Đảng đến tiền đồ vẻ vang ấy...

2. Nắm vững lập trường và quan điểm giai cấp của Đảng.
Đồng chí cho rằng, đảng viên muốn phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân đúng cần nắm vững lập trường và thấm nhuần quan điểm giai cấp của Đảng. Đồng chí khẳng định: "Đảng ta, về thực chất là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, nên lập trường của Đảng là lập trường của giai cấp công nhân. Về mọi vấn đề, Đảng ta đều đứng trên lập trường đó để giải quyết và ấn định chủ trương, chính sách thích hợp" [6][6] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.. Đồng chí yêu cầu, mỗi đảng viên phải nắm vững lập trường và thấm nhuần quan điểm giai cấp của Đảng thì mới hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng, do đó mới có thể chủ trương đúng, hành động đúng trong công tác hàng ngày, tránh được sai lầm khuyết điểm. Đồng chí nêu rõ: Có hai khuynh hướng sai lầm xảy ra cần phải tránh: Một là, coi nhẹ lập trường giai cấp và thiếu quan điểm giai cấp, do đó phạm vào sai lầm hữu khuynh; Hai là, theo lập trường và quan điểm giai cấp một cách máy móc, do đó phạm vào sai lầm tả khuynh.

3. Đi đúng đường lối quần chúng của Đảng.
Đồng chí Lê Văn Lương khẳng định: "Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, có nhiệm vụ lãnh đạo đấu tranh để mưu lợi ích cho nhân dân. Lợi ích của nhân dân là lợi ích của Đảng. Trái lại việc gì có hại đến nhân dân tức là có hại cho Đảng" [7][7] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.. Muốn đi đúng đường lối quần chúng của Đảng, đảng viên cần phải:

- Ra sức phục vụ quần chúng, có tinh thần phụ trách quần chúng, tin tưởng quần chúng, học tập kinh nghiệm của quần chúng. Có nắm vững được các quan điểm này, thì mới có thể thực hiện được phương pháp lãnh đạo "từ trong quần chúng mà ra, rồi lại trở về quần chúng".

- Theo đúng lối làm việc dân chủ, mọi việc phải đem bàn bạc với quần chúng, khi quần chúng chưa giác ngộ và chưa tiếp thu ý kiến thì phải kiên nhẫn tiếp tục giải thích cho quần chúng, quyết không được dùng mệnh lệnh cưỡng bách quần chúng thi hành.

Làm được hai điều trên thì nhất định từ bỏ được các chủ nghĩa mệnh lệnh, quan liêu, quân phiệt, khiến liên hệ giữa Đảng và quần chúng thêm chặt chẽ [8][8] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951..

4. Nâng cao ý thức tổ chức.
Đồng chí Lê Văn Lương nêu lên nhiệm vụ của mỗi đảng viên đối với tổ chức Đảng: Tất cả cán bộ, đảng viên, bất kỳ hoạt động ở ngành nào, cũ hay mới, công nông hay trí thức, cấp trên hay cấp dưới đều phải đoàn kết nhất trí. Phải hăng hái công tác, hăng hái chấp hành nghị quyết của đa số và cấp trên, tuyệt đối phục tùng kỷ luật của Đảng. Đồng thời, đem ý kiến, sáng kiến, kinh nghiệm của mình góp vào việc quyết định các chủ trương, chính sách của Đảng và giúp sức các cơ quan chỉ đạo làm việc [9][9] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951..

Đồng chí Lê Văn Lương cho rằng, đa số đảng viên đều hiểu rõ và thi hành đúng những nhiệm vụ cơ bản đó. Nhưng vẫn còn một số đảng viên vì ý thức tổ chức chưa cao, nên trong tư tưởng, thái độ và hành động hàng ngày còn nhiều khuyết điểm, như: Không thành thật cùng nhau đoàn kết để phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân, mà vì đầu óc cá nhân tự kiêu, tự ái, rồi sinh ra xích mích, lục đục. Đồng chí nêu rõ: "Đối với mọi chủ trương, chính sách của Đảng, mỗi đảng viên đều có quyền và có nhiệm vụ giãi bày hết ý kiến của mình. Vì có gom góp được tất cả ý kiến, sáng kiến, kinh nghiệm của đảng viên thì chủ trương, chính sách của Đảng mới đảm bảo là đúng, sát với trình độ và nhu cầu của quần chúng. Nhưng do ý thức tổ chức kém, một số cơ quan chỉ đạo ít chú ý khơi gợi ý kiến của cấp dưới, một số cán bộ, đảng viên cấp dưới thường rụt rè, e ngại, không thẳng thắn vì quyền lợi chung của Đảng phát biểu ý kiến và báo cáo kinh nghiệm của mình với cấp trên. Có nơi lại gây dư luận, thầm thì bàn tán, phê bình vô trách nhiệm. Kết quả là chẳng những không đem lại lợi ích thiết thực gì cho Đảng, mà còn gây thành kiến, gây chia rẽ" [10][10] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.. Cần phải khắc phục những khuyết điểm ấy thì công tác Đảng mới tiến bộ.

Bốn vấn đề nêu trên, theo đồng chí Lê Văn Lương là những vấn đề chủ chốt của công tác xây dựng Đảng. Có nắm vững mấy vấn đề chủ chốt này, thì có thể dễ dàng giải quyết những vấn đề khác.

Đồng chí Lê Văn Lương yêu cầu công tác xây dựng Đảng phải gắn liền với nhiệm vụ chính trị. Củng cố Đảng là thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, qua thực hiện nhiệm vụ chính trị mà xây dựng Đảng. Do đó cần phải: Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị trong Đảng kết hợp với việc quán triệt Nghị quyết của Đảng. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi ban phải có kế hoạch cụ thể để làm; phải sắp xếp kiện toàn đội ngũ cán bộ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phải cải tiến chế độ làm việc từ Trung ương đến địa phương; phải đẩy mạnh phê bình và tự phê bình trong Đảng.

Những vấn đề về công tác xây dựng Đảng mà đồng chí Lê Văn Lương nêu trên cho đến nay vẫn còn giá trị khi Đảng ta nêu lên một số nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đó là:

- Nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ lý luận cho đảng viên, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, làm cho mỗi đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ.

- Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, tăng cường quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, có cơ cấu hợp lý, chất lượng tốt, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Hiện nay toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa bảo vệ Tổ quốc, nhằm mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức, Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp. Không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa đủ sáng tỏ. Trong khi đó, trình độ nhận thức, trí tuệ của chúng ta có mặt còn hạn chế. Bên cạnh mặt tích cực, thành tựu, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng còn những tiêu cực, yếu kém đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên; tình trạng quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm. Đó là chưa kể các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tiến công phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng ta, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong hết sức thâm độc và nguy hiểm.

Trong tình hình ấy, nếu Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên.

Nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, với tinh thần tích cực và kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về đạo đức; củng cố sự kiên định về mục tiêu lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất về ý chí và hành động, củng cố tổ chức chặt chẽ, tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trung ương đã ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", với ba nội dung trọng yếu:

Một là, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.

Ba nội dung này có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cũng là vấn đề cấp bách nhất.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rằng, đây là công việc không đơn giản, dễ dàng, trái lại, vô cùng khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể nói là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ diễn ra ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Nó đòi hỏi toàn Đảng phải có nỗ lực rất cao, mỗi cá nhân và tập thể phải quyết tâm rất lớn, phấn đấu bền bỉ, kiên trì với những biện pháp thật kiên quyết và tích cực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đảng có vững cách mạng mới thành công". Với truyền thống 82 năm vẻ vang của Đảng, với niềm tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, đảng viên được rèn luyện trong thực tiễn cách mạng, được nhân dân tin yêu giúp đỡ, chúng ta tin tưởng rằng, sẽ từng bước ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tình trạng tham nhũng tiêu cực, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng lòng mong mỏi, tin yêu của nhân dân.






---------------------
Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] Theo Quyết nghị số 50-QN/TW, ngày 5-12-1948.
[2] Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 16-4-1951.
[3] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.
[4] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.
[5] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.
[6] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.
[7] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.
[8] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.
[9] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.
[10] Lê Văn Lương: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, từ ngày 26-6 đến ngày 26-7-1951.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment