Chuyện bên cây đào Tô Hiệu

Thursday, March 8, 2012


Kỷ niệm 100 năm Năm sinh Nhà cách mạng Tô Hiệu (1912-2012)

_ Đức Tuấn _
Ðã rất nhiều lần vào thăm di tích nhà tù Sơn La, nhưng cảm giác của tôi hôm nay thật khác lạ, có lẽ bởi khoảnh khắc mùa xuân, cái không khí "Hẹn với non sông đưa mới lại/Mở toang cửa ngục đón xuân vào" (Câu đối mừng Xuân 1942 của đồng chí Tô Hiệu) của những người cộng sản trong tù năm xưa vẫn còn phảng phất đâu đây.


Chị Cao Thị Dung, Trưởng phòng Di tích Bảo tàng tỉnh Sơn La là người hơn 30 năm công tác gắn bó với di tích lịch sử cách mạng này nắm giữ khá nhiều câu chuyện thú vị. Bên cây đào Tô Hiệu, giọng nhẹ nhàng, truyền cảm, chị kể: Nhà tù Sơn La xây dựng năm 1908. Lợi dụng vùng rừng núi xa xôi cách trở, biệt lập với bên ngoài, thực dân Pháp những tưởng nơi "rừng thiêng nước độc" này sẽ làm nhụt ý chí đấu tranh của những người yêu nước. Trong tình thế không thể liên lạc được với Trung ương Ðảng và bị cô lập giữa chốn lao tù khổ sai, nhưng những người cộng sản vẫn hướng về Ðảng, tổ chức hoạt động bí mật...

Vào cuối tháng 12-1939, các đảng viên trong tù đã thảo luận về việc thành lập tổ chức cơ sở Ðảng. Ban chi ủy lâm thời, gồm 10 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư chi bộ. Ðến tháng 2-1940, chi bộ chuyển thành chính thức, do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư, đồng chí Tô Hiệu làm Ủy viên. Chi bộ đã đề ra 5 nhiệm vụ công tác lớn, trong đó xác định việc đào tạo, huấn luyện lý luận Mác - Lê-nin, nâng cao phương pháp đấu tranh cách mạng cho đảng viên. Xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong và ngoài nhà tù. Từ chủ trương đúng đắn, hoạt động của chi bộ được tổ chức chặt chẽ nên một thời gian ngắn phong trào yêu nước, đấu tranh cách mạng ở Sơn La đã lan tỏa, phát triển đến nhiều vùng. Ðầu năm 1943, chi bộ đã giác ngộ và gây dựng được hai cơ sở cách mạng đầu tiên là tổ chức: "Mú nón chất mương", dịch theo tiếng Thái là "Hội người yêu bản mường". Chính người thanh niên dân tộc Thái có cảm tình với cách mạng là anh Lò Văn Giá đã dẫn đường cho các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Lưu Ðức Hiểu, Trần Ðăng Ninh, Nguyễn Văn Trân vượt ngục thành công.

Tôi đã đến thắp hương và thăm khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá, được trang trọng đặt tại bản Cọ, xã Chiềng An (thành phố Sơn La) quê hương anh. Ðến thăm cụ Lò Văn Sôn, 93 tuổi ở bản Tông Panh, xã Chiềng Xôm cách thành phố Sơn La 5 km. Cuộc đời và những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của cụ Sôn là cả một câu chuyện dài thú vị. Năm 1940, lúc đó cụ tròn 20 tuổi, bị Pháp bắt đi lính làm cai ngục ở nhà tù Sơn La. Nhờ các đồng chí Khuất Duy Tiến, Phạm Hảo và nhiều đồng chí khác trong chi bộ nhà tù Sơn La tuyên truyền, giác ngộ, cụ đã trở thành tai mắt của chi bộ. Cụ là người tham gia giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám ngày 26-8-1945 tại đồi Khau Cả. Sau này, cụ tham gia chỉ huy chiến đấu nhiều trận đánh, lên đến chức Trưởng ban quân quản tỉnh Ðiện Biên, Tỉnh đội trưởng Sơn La, v.v.

Biến nhà tù trở thành trường học đấu tranh cách mạng, Chi bộ nhà tù Sơn La ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tổ chức hoạt động, sinh hoạt cho anh em trong tù. Nhiều người vào đây chưa biết chữ, sau một thời gian được tổ chức giúp đỡ đã đọc thông viết thạo. Có người còn học tiếng Pháp, tiếng Trung, nói được tiếng dân tộc Thái, nên sinh hoạt của tù nhân giai đoạn này rất sôi nổi, luôn đặt niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Nếu giai đoạn 1930-1939, tháng nào cũng có tù nhân chết do tra tấn hoặc thiếu điều kiện chăm sóc thuốc men, thì giai đoạn 1940-1945, số tù nhân chết trong tù giảm hẳn. Theo một số đồng chí lão thành cách mạng kể lại, anh em tù nhân từ chỗ đấu tranh tự phát đến tự giác, từ chỗ không có tổ chức đến có tổ chức Ðảng, ai cũng ý thức rèn luyện chăm sóc sức khỏe để sống, sớm trở về với cách mạng. Trong tổng số 1.013 người bị giam tại nhà tù Sơn La, hiện nay Bảo tàng tỉnh Sơn La đã sưu tầm được 250 hồ sơ gốc của tù nhân, danh sách 63 liệt sĩ,...


Ðại tá Lò Văn Sôn, cán bộ lão thành cách mạng kể chuyện với thanh niên các dân tộc bên di tích lịch sử Nhà tù Sơn La.Ðại tá Lò Văn Sôn, cán bộ lão thành cách mạng kể chuyện với thanh niên các dân tộc bên di tích lịch sử Nhà tù Sơn La.

Những câu chuyện về một thời kỳ đấu tranh cách mạng tại nhà tù Sơn La cho thấy hoạt động của Ðảng ta thật sinh động, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng thật đáng tự hào. Ngay trong lòng địch, mặc dù bị tra tấn, tù đày dã man, thâm độc, người cách mạng vẫn khao khát sống, chiến đấu để trở về với tổ chức, với Ðảng.

Trong câu chuyện với đồng chí Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La, chúng tôi rất đồng tình khi cùng cho rằng,

Di tích nhà tù Sơn La là một tài sản quý báu của Ðảng và nhân dân ta. Ðây phải trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Giai đoạn vừa qua, Sơn La là một trong những địa phương giành được nhiều thành công trong công cuộc đổi mới, mang lại những đổi thay to lớn trên mảnh đất này.

Trong chuyến công tác đầu năm 2012 vừa qua đến tỉnh Sơn La, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rất vui mừng trước những con số, việc làm của tỉnh Sơn La. Năm 2011 là năm đầu tiên Sơn La bước vào câu lạc bộ thu ngân sách địa phương hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 1.394 tỷ đồng. Mức tăng trưởng kinh tế GDP 5 năm qua bình quân đạt 13,9%/năm. Tỉnh Sơn La có tới 57 nhà máy thủy điện lớn nhỏ, tổng công suất tới 3.800 MW. Riêng Nhà máy thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012. Khi các nhà máy đi vào hoạt động, nguồn thu từ thủy điện lên tới hơn 1.380 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 5 năm trước khoảng 300 USD, nay đạt hơn 830 USD. Ðời sống của đại bộ phận đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 36% (theo tiêu chí mới). Ðời sống văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe của nhân dân được quan tâm cải thiện. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố vững chắc, khối đại đoàn kết giữa các dân tộc anh em ngày càng bền chặt. Mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 13 là từ nay đến năm 2015, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía bắc.

Năm nay là năm kỷ niệm tròn 100 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912- 2012). Tỉnh Sơn La đang triển khai nhiều hoạt động hướng tới sự kiện quan trọng này. Trên địa bàn tỉnh, tên người chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu đã được chọn đặt cho con đường lớn nhất thành phố Sơn La, Trường THPT Tô Hiệu, Nông trường Tô Hiệu, phường Tô Hiệu, v.v. Thật xúc động khi thầy giáo Lê Xuân Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, cho biết: Thể theo nguyện vọng của các thế hệ học sinh nhân kỷ niệm 50 năm thành lập nhà trường vừa qua, tới đây trường sẽ xây dựng tượng đài đồng chí Tô Hiệu làm biểu tượng, niềm tự hào của nhà trường.



31/01/2012


 ✯✯ 


0 nhận xét:

Post a Comment