37 Những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương ở Nam Bộ

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Vào dịp đồng chí Lê Văn Lương được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương cao quý nhất – Huân chương Sao vàng, Giáo sư Vũ Khiêu có đề tặng gia đình đồng chí câu đối:

Mười lăm tuổi lên đường chính khí vươn cao trời biển rộng
Bảy mươi năm cùng Đảng công huân rực sáng cổ kim soi
”.

Đúng vậy, năm 1927 khi đang ở tuổi 15, là học trò ở trường Trung học Bảo hộ (Lucee’ du Protectorat), nhân dân ta còn gọi là Trường Bưởi, Hà Nội, đồng chí đã là thành viên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, và tham gia các hoạt động cách mạng do Hội tổ chức. Từ đó đến cuối đời đồng chí liên tục phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Cuối năm 1928, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc kỳ ra nghị quyết mở cuộc vận động “vô sản hóa” để cho các thành viên của tổ chức Thanh niên, họ vốn là những học sinh, trí thức, viên chức đi vào các cơ sở sản xuất cùng làm, cùng ăn, cùng ở với những người lao động, tự rèn luyện mình thành những đại biểu thực thụ của giai cấp vô sản, đồng thời họ tuyên truyền, giác ngộ giai cấp vô sản và những người lao động về lý luận và đường lối cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trang bị cho họ. Phong trào “vô sản hóa” phát triển mạnh mẽ ở Bắc kỳ và lan rộng ra cả nước. Khi ở tuổi 17 (1929), thực hiện chủ trương của Thanh niên, Lê Văn Lương đi “vô sản hóa”.

Tháng 6-1929, đồng chí tham gia Chi bộ Cộng sản Bắc kỳ. Tháng 01-1930, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, và sau đó được cử vào Nam Bộ để cùng Ngô Gia Tự hoạt động gây cơ sở đảng và cách mạng. Tháng 2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí trở thành đảng viên của Đảng. Địa bàn hoạt động nhiều nhất của đồng chí lúc này là Sài Gòn – Gia Định và Mỹ Tho. Tại Sài Gòn, đồng chí hoạt động trong phong trào công nhân, vừa tiếp tục rèn luyện “vô sản hóa”, vừa tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng. Lê Văn Lương vào làm công nhân ở Nhà Bè – Sài Gòn. Ngày 23-3-1931, đồng chí trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh bãi công của hơn 400 công nhân hãng dầu Sôcôny. Trong lần đấu tranh này, quần chúng đánh chết một tên cai và trọng thương một tên bếp, giật mấy khẩu súng khi lính đến đàn áp anh em. Đồng chí Lê Văn Lương bị thực dân Pháp bắt và giam ở Khám Lớn – Sài Gòn, khi đó đồng chí tròn 19 tuổi. Trong nhà tù, bọn Pháp tra tấn dã man đồng chí, nhưng chúng không lấy được một lời khai về Đảng và cách mạng. Bất lực trước tinh thần cách mạng trung kiên của đồng chí, vào đầu tháng 5-1933, thực dân Pháp đã đưa đồng chí Lê Văn Lương và hơn 100 chiến sĩ cách mạng ra tòa án đề hình Sài Gòn xử. Chúng gọi là vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại tòa, chúng không cho người bị xử cãi. Đồng chí Lê Văn Lương chỉ nói được một câu: “Các ông muốn chặt đầu người ta mà chỉ cho người ta nói “ủy-có” hay “nông-không” còn là cái quái gì !”. Cuối cùng, khi nghị án chúng khép đồng chí vào mức án: Tử hình. Chúng giải đồng chí về giam ở xà lim án chém – Khám lớn Sài Gòn, chờ ngày lên máy chém.

Tại xà lim án chém, đồng chí Lê Văn Lương bị giam cùng các đồng chí Phạm Hùng, Trịnh Văn Ó, Nguyễn Văn Cầu, Lê Quang Sung và hai người thường phạm bị án chém là Thanh và Rỗ, bảy người trong một phòng giam hẹp chật ních. Trong thời gian chờ ngày lên máy chém, đồng chí Lê Văn Lương cùng đồng đội vẫn lạc quan và hoạt động tích cực. Các đồng chí mượn báo từ tên xếp ngục, qua báo để biết được tình hình bên ngoài. Nhờ có báo, các đồng chí được theo dõi vụ án Lép-dích, phát xít Đức xử đồng chí Đimitơrốp. Các đồng chí tự hào và học tập bản lĩnh của đồng chí Đimitơrốp mà cảm thấy mình già dặn thêm. Các đồng chí còn tìm cách khôn khéo liên lạc được với tù chính trị ở khám ngoài. Các đồng chí nhường nhịn phần ăn cho các cháu nhỏ phải theo mẹ vào ở tù ở khám phụ nữ, và đấu tranh với bọn ma tà không cho chúng tước quà của người nhà tù nhân gửi vào. Những việc làm này còn làm cho các ma tà càng ngày càng nể phục các đồng chí.

Ở xà lim án chém, đồng chí Lê Văn Lương và đồng đội vẫn phải luôn cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với kẻ thù. Bọn Pháp cho rằng lúc sắp chết, muốn được sống, người ta dễ khai thêm, khai thật. Cho nên, chúng thường hỏi người bị án chém: Có rửa tội không? Có khai gì thêm không? Có viết thư về nhà không?... Các đồng chí đã cảnh giác không mắc mưu chúng. Đặc biệt lần này bọn cai ngục vận động các đồng chí “xin ân xá”. Chúng hỏi: “Sao các anh không xin ân xá?”. Đồng chí Lê Văn Lương cự lại: “Có tội gì mà xin ân xá? Làm cách mạng không có tội... Chúng tôi chỉ chống án, chống lại tòa án, pháp luật của các anh, chứ không xin ân xá. Muốn chém hay thế nào, tùy các anh”. Thực ra từ tháng 3-1933, Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản mở cuộc vận động rất rầm rộ đòi ân xá “10.000 chính trị phạm ở Đông Dương”, đặc biệt đòi bỏ mười mấy án tử hình. Cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Pháp đã giành thắng lợi. Đồng chí Lê Văn Lương, Phạm Hùng,... đã được giảm án xuống chung thân khổ sai. Đồng chí Lê Văn Lương cùng các đồng chí trong xà lim án chém nói với nhau: “Chuyến này chúng mình sống được là nhờ vô sản Pháp... ”.

Thoát khỏi địa ngục ở xà lim án chém Khám Lớn – Sài Gòn, thì ngày 17-01-1934, thực dân Pháp lại đày đồng chí Lê Văn Lương cùng đồng đội ra “địa ngục trần gian – Côn Đảo”. Trước mắt đồng chí là cuộc đấu tranh kiên cường suốt gần 12 năm để thoát khỏi địa ngục trần gian – Côn Đảo trở về với đồng đội, với nhân dân để tiếp tục “cùng Đảng công huân rực sáng gương soi”. Năm 1932, trước khi đồng chí Lê Văn Lương bị đày ra Côn Đảo thì ở đây các tù nhân cộng sản đã thành lập được chi bộ nhà tù. Sau một thời gian ra Côn Đảo, đồng chí Lê Văn Lương đã tham gia vào Ban chi ủy của chi bộ nhà tù. Chi bộ được củng cố và xác định nhiệm vụ cụ thể của chi bộ lúc này là: Lãnh đạo tương tế, lãnh đạo đấu tranh, lãnh đạo học tập và tự học tập; tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, biên soạn và dịch thuật tài liệu cho Đảng; tổ chức vượt ngục trở về đất liền tăng cường lực lượng cho Đảng cho cách mạng. Để thực hiện nhiệm vụ trên, chi bộ lãnh đạo củng cố Hội tù nhân và chuẩn bị lực lượng cho các cuộc đấu tranh. Hè năm 1934, Hội tù nhân thống nhất ra đời, nhằm giúp đỡ nhau lúc đau yếu và trong việc làm khổ sai; đấu tranh đòi cải thiện sinh hoạt và giảm nhẹ khổ sai; tổ chức học tập văn hóa. Một Ban lãnh đạo chung toàn đảo được thành lập, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi ủy, Chi bộ. Đồng chí Lê Văn Lương cùng Chi ủy đã lãnh đạo cuộc đấu tranh đầu tiên đòi giảm nhẹ khổ sai ở khám Chỉ Tồn giành thắng lợi. Cuộc đấu tranh được tổ chức chặt chẽ, cuối cùng địch phải chấp nhận ở kíp vận chuyển để bảy người đẩy một xe, ba chuyến một ngày. Trước đó chúng chỉ cho năm người đẩy một xe và năm chuyến một ngày.

Bị đày ra Côn Đảo cùng thời gian với đồng chí Lê Văn Lương còn có anh em từ nhà tù Sơn La, trong đó có nhiều người ốm yếu nhưng vẫn phải đi làm khổ sai, không làm nổi bị bọn cặp rằng hành hạ. Có đồng chí bị chúng đánh chết ngất, nhiều người bị đánh trọng thương. Trước tình hình đó, Chi ủy đã cử một số đồng chí, trong đó có đồng chí Lê Văn Lương trực tiếp trừng trị bọn cặp rằng lưu manh. Do tổ chức chặt chẽ lại biết đối đáp với bọn gácdăng Pháp, chẳng những bọn cạp rằng lưu manh bị trừng trị mà chúng còn bị phạt nhốt hầm tối. Thắng lợi này mang lại nhiều kinh nghiệm để Chi bộ tiếp tục lãnh đạo các cuộc đấu tranh đòi giảm nhẹ khổ sai ở nhiều sở tù và đã giành thắng lợi. Chi bộ lãnh đạo phong trào tù nhân cũng tranh thủ được những người có lương tâm như đốc-tờ Nhã, là thành viên trong ban tiếp nhận tiếp tế của đảo đã kiên quyết không nhận thóc có trộn nhiều sỏi đất, cũng như ông đã quan tâm tới cấp thuốc men và chế độ ăn tốt hơn cho những người trị bệnh.

Đồng chí Lê Văn Lương cùng Chi ủy, Chi bộ đã tổ chức đấu tranh, phối hợp được với phong trào của Đảng Cộng sản Pháp, của nhân dân tiến bộ Pháp thông qua Ủy ban đòi ân xá chính trị phạm ở Đông Dương. Cuộc đấu tranh đã buộc Thống đốc Nam kỳ phải thị sát Côn Đảo. Đại diện Chi bộ trực tiếp tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù. Trước khí thế cách mạng trong nước và ở Pháp đang lên, Thống đốc Nam kỳ phải giải quyết nhiều yêu sách của tù nhân. Lần đầu tiên mỗi tuần tù nhân được ăn hai bữa thịt, mỗi bữa 50gram, mỗi ngày tù chính trị ở Banh II được ra sân 6 tiếng đồng hồ, tù nhân được nhận thư và bưu kiện của gia đình…, chế độ khổ sai bớt phần hà khắc. Nhờ vậy, tỷ lệ tù nhân chết giảm xuống 3% vào năm 1934 và 1,7% vào năm 1935. Thắng lợi này tạo điều kiện cho bước phát triển mới của phong trào đấu tranh ở Côn Đảo những năm tiếp theo.

Suốt trong nhiều năm, đồng chí Lê Văn Lương cùng Chi ủy, Chi bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh đầy cam go của tù nhân chống chế độ nhà tù hà khắc. Chúng thực hiện giết dần, giết mòn những người con ưu tú của dân tộc, các đồng chí đấu tranh để sống, để trở về với đồng chí, đồng đội tiếp tục sự nghiệp của dân tộc.
Các đồng chí đấu tranh không chỉ đòi cải thiện đời sống vật chất, chế độ khổ sai... , mà còn tổ chức được nhiều loại hình lớp học để nâng cao về lý luận, văn hóa, ngoại ngữ, văn nghệ... Chính cuộc đấu tranh của tù chính trị ở Côn Đảo đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người trong bộ máy nhà tù. Có những gác ngục Pháp đã nói với tù cộng sản: Bây giờ chúng tôi mới hiểu các anh là những người tài giỏi và không có đầu óc dị chủng.

Trong nhà tù, cuộc đấu tranh của các chiến sĩ tù cộng sản với những tù nhân của Việt Nam Quốc dân đảng cũng không kém phần gay gắt. Thực tiễn đấu tranh và lý luận của tù chính trị cộng sản đã giác ngộ nhiều tù nhân Quốc dân đảng, họ chuyển hẳn sang lập trường vô sản. Nhưng có một số thủ lĩnh cực đoan của Quốc dân đảng cho rằng: “Cộng sản là kẻ thù số 1, đế quốc là kẻ thù số 2”. Họ phản đối tất cả các chủ trương đấu tranh và các hoạt động của tù cộng sản. Đồng chí Lê Văn Lương cùng Chi ủy bàn thảo, cử người trực tiếp đấu tranh với chúng. Cuối cùng chúng thất bại, “ta thắng cả về lý trí và lực”.

Một thắng lợi lớn của những người tù cộng sản ở Côn Đảo những năm 1934, 1935 là đã ra được hai tờ tạp chí và báo. Tạp chí Ý kiến chung ra hàng tháng, báo Người tù đỏ, sau đổi tên là Tiến lên ra hàng tuần là những cơ quan thông tin, lý luận và đấu tranh của Chi bộ đặc biệt, được lưu hành bí mật, truyền tay trong những chiến sĩ tù cộng sản. Đồng chí Lê Văn Lương rất tích cực viết bài cho tạp chí Ý kiến chung và báo Tiến lên.

Giữa năm 1936, Mặt trận nhân dân Pháp thắng cử bầu cử Quốc hội. Ngay sau sự kiện này, Chi ủy, Chi bộ Côn Đảo gửi yêu sách đòi Thống đốc Nam kỳ, Bộ trưởng Bộ thuộc địa và Thủ tướng Pháp đại ân xá tù chính trị. Tiếp sau là Chính phủ phái tả của Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, phong trào chống phát xít lên cao, nhiều nội dung trong cương lĩnh của Mặt trận Nhân dân Pháp được thực hiện. Nhờ vậy, trong vòng 4 tháng cuối năm 1936, đã có 500 tù chính trị ở Côn Đảo được trả tự do. Riêng đồng chí Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng.. không được ân xá. Các đồng chí lại tiếp tục đấu tranh ở nhà tù Côn Đảo cho đến cách mạng Tháng Tám 1945 thành công.

Đến cuối năm 1941, Chi bộ đặc biệt của các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù Côn Đảo được kiện toàn và tổ chức lại theo kiểu Đảo ủy, đổi mới phương châm hoạt động cho thích hợp trong tình hình địch đánh phá ác liệt nhằm bảo vệ cán bộ, hạn chế tổn thất. Bí thư Đảo ủy là đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Lê Văn Lương là Ủy viên Ban chấp hành Đảo ủy. Dưới sự lãnh đạo của Đảo ủy, tổ chức của tù nhân được củng cố, mỗi khám cử ra các Ban phụ trách các mặt công tác như: Ban trật tự, Ban học tập, Ban vệ sinh, Ban cứu tế.. Thông qua những tổ chức công khai này mà Đảo ủy thực hiện giáo dục, tập hợp, đoàn kết các tù nhân lại, giúp đỡ lẫn nhau và đấu tranh có hiệu quả với bộ máy thống trị của nhà tù.

Đảo ủy tìm mọi cách giữ vững mối quan hệ với đất liền và với Đảng Cộng sản Pháp để nắm tình hình thế giới, đấu tranh chống chế độ tàn sát tù nhân, và tiếp tục các hoạt động học tập lý luận, văn hóa và văn nghệ. Thời kỳ này, đồng chí Lê Văn Lương và Đảo ủy đã thành công trong việc phân công đảng viên gần gũi, giúp đỡ anh em tù Khơ-me làm cho tình đoàn kết giữa hai dân tộc, hai nước anh em Việt Nam – Campuchia càng gắn bó. Cùng thời kỳ này, ở nhà tù Côn Đảo, bọn Trốt-kít hùa với đám thân Nhật xuyên tạc cộng sản. Đảo ủy lãnh đạo đấu tranh rất khôn khéo và kiên quyết đã cô lập được bọn đầu sỏ, giác ngộ những người trung gian và ngộ nhận để họ đứng hẳn về phái cách mạng. Những thắng lợi trên nhiều mặt này của tù chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảo ủy là bước chuẩn bị tích cực để Đảo ủy lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền ở Côn Đảo vào cuối tháng 8 năm 1945.

Ngày 25 tháng 8 năm 1945, những tên lính Nhật cuối cùng rời Côn Đảo. Ở Côn Đảo lúc này chỉ còn 3000 tù nhân do Tham tá Lê Văn Trà và bọn mã tà cai quản. Một đơn vị bảo an được phái ra đảo làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an. Đảo ủy quyết định thực hiện chủ trương đoàn kết các lực lượng tù chính trị trên đảo, nắm chắc lực lượng bảo an, giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình.

Đồng chí Lê Văn Lương được Đảo ủy được phân công trực tiếp chỉ đạo xuất bản tờ báo Độc Lập để góp phần phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, của Mặt trận Việt Minh. Bản in số đầu được khoảng 20 bản khổ giấy học trò. Cùng với sự ra đời báo Độc Lập, Đảo ủy đã tổ chức các đoàn thể quần chúng: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… nhằm giáo dục vận động những công chức, gác ngục và gia đình họ theo đường lối của Mặt trận Việt Minh.

Sáng sớm ngày 16-9-1945, đoàn tàu thuyền của Chính phủ cách mạng từ đất liền ra Côn Đảo đón các chiến sĩ tù chính trị. Rạng sáng ngày 23-9-1945, đoàn tàu thuyền nhổ neo chuyến thứ nhất đưa 1.800 tù chính trị chiến thắng trở về đất liền, trong đó có đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Tôn Đức Thắng trực tiếp lái chiếc ca-nô mang tên Giải phóng chở đồng chí Bí thư Đảo ủy cùng một số đồng chí trong ban lãnh đạo cắt sóng băng băng về đất liền.

Đồng chí Lê Văn Lương cùng 1.800 tù chính trị từ Côn Đảo về đất liền cập bến Đại Ngãi (Sóc Trăng) vào cuối chiều ngày 23-9-1945, đúng ngày thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta lần thứ hai từ Sài Gòn. Thế là các đồng chí lại cùng dân tộc bước vào cuộc trường chinh mới. Đồng chí Lê Văn Lương, Phạm Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo khác tức tốc lên Sài Gòn, nơi đang diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa quân, dân ta với bọn Pháp xâm lược có quân Anh, quân Nhật hộ chiến.

Ngày 15-10-1945, tại Hội nghị cán bộ toàn xứ của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương được bầu làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ. Tại Hội nghị này, nhiều đồng chí từ Côn Đảo về đã được bầu vào Ban Chấp hành Xứ ủy, như đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng… Hội nghị đã thảo luận và quyết định nhiều vấn đề về xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, tổ chức Việt Minh, và các đoàn thể quần chúng; phê phán tình trạng thiếu thống nhất trong Đảng. Để củng cố Đảng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội nghị quyết định giải thể hai Xứ ủy Tiền Phong và Giải phóng, bầu ra Xứ ủy thống nhất, do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư.

Ngày 25-10-1945, đồng chí Lê Văn Lương dự Hội nghị Xứ ủy mở rộng tại Thiên Hộ, xã Hậu Mỹ, Cái Bè, Mỹ Tho. Hội nghị đánh giá lại tình hình lãnh đạo kháng chiến từ Hội nghị Cây Mai (23-9-1945) và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới. Tại Hội nghị này, đồng chí Tôn Đức Thắng xin thôi giữ chức Bí thư Xứ ủy để sang phụ trách Ủy ban Kháng chiến, chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam Bộ và đề cử đồng chí Lê Duẩn. Hội nghị đã nhất trí cử đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Đồng chí Lê Văn Lương cùng các đồng chí dự Hội nghị đã kiểm điểm tình hình, biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, vạch rõ những sai sót lệch lạc trong việc xây dựng lực lượng vũ trang sau Tổng khởi nghĩa, dự kiến sự tan rã tất yếu của các “sư đoàn dân quân cách mạng”. Hội nghị đã đề ra việc chấn chỉnh xây dựng bộ đội cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đảng viên phải đi tiên phong trong đấu tranh vũ trang, trong chỉ huy chiến đấu. Hội nghị đã chủ trương tổ chức du kích rộng khắp, thực hành du kích chiến tranh.

Sau một tháng Nam Bộ đi đầu kháng chiến chống Pháp, Xứ ủy Nam Bộ đã họp kịp thời đánh giá và chỉ ra phương châm, nhiệm vụ toàn diện, xây dựng Xứ ủy và lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Pháp xâm lược. Vừa tham gia là Ủy viên dự khuyết Xứ ủy, trở thành một người lãnh đạo của Nam Bộ kháng chiến, đang tích cực triển khai nghị quyết tháng 10-1945 của Xứ ủy thì vào tháng 01-1946, đồng chí Lê Văn Lương có lệnh điều ra miền Bắc giúp đồng chí Tổng Bí thư Trường – Chinh chỉ đạo báo Sự Thật và Nhà Xuất bản Sự thật của Đảng.

Như vậy sau 15 năm hoạt động cách mạng ở Nam Bộ mà chủ yếu là cuộc đấu tranh trong nhà tù đế quốc – từ Khám lớn Sài Gòn – xà lim án chém – đến địa ngục trần gian Côn Đảo, đồng chí Lê Văn Lương đã có bước trưởng thành vượt bậc. Từ một học trò nhận lệnh của Đảng từ Hà Nội vào Nam Bộ gây dựng cơ sở cách mạng đã trở thành một cán bộ cách mạng từng trải, dày dạn kinh nghiệm của Đảng. Với vốn hiểu biết và kinh nghiệm phong phú, đồng chí Lê Văn Lương nhận nhiệm vụ trở lại miền Bắc cùng đồng đội, cùng Đảng viết tiếp những trang sử oanh liệt của Đảng và dân tộc./.



---------------------
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment