Đổi thay trên vùng quê cách mạng

Tuesday, March 27, 2012
_ Minh Huệ _

Không chỉ nổi danh là vùng đất hiếu học, khoa bảng, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang) còn gắn liền với tên tuổi của những nhà cách mạng xuất sắc mà tầm vóc và ảnh hưởng đã trở thành biểu tượng còn mãi với thời gian. Tiếp nối truyền thống, thực hiện công cuộc đổi mới, với sự đoàn kết sáng tạo, nhân dân Nghĩa Trụ đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Về thăm Nghĩa Trụ vào dịp kỷ niệm 100 năm năm sinh đồng chí Tô Hiệu và 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương, chúng tôi hồi hộp sải bước trên con đường mang tên Tô Hiệu rộng thênh thang. Ấn tượng đầu tiên về miền quê “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống cách mạng này là những ngôi nhà cao tầng san sát, song vẫn còn đó cây đa cổ thụ phủ dấu thời gian nhiều thế kỷ, rủ bóng bên một giếng nước rất sâu, xây bằng đá, nước mạch lên trong vắt...

Nghĩa Trụ trong lịch sử nổi tiếng là vùng đất hiếu học, đất khoa bảng. Những gì miền quê này đã và đang đóng góp cho đất nước khiến người ta không khỏi khâm phục. Dưới thời phong kiến, riêng thôn Xuân Cầu của Nghĩa Trụ có tới 11 người thi đỗ đại khoa. Nghĩa Trụ cũng là số ít trong các địa phương có 2 người con được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là hai nhà văn hóa nổi tiếng: Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Công Hoan và họa sĩ Tô Ngọc Vân. Từ miền quê cổ kính, thơ mộng giàu truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường này đã xuất hiện những nhà cách mạng ưu tú mà lịch sử mãi ghi danh, được người dân Nghĩa Trụ nhắc đến đầy trìu mến, thân thương và tự hào, đó là các đồng chí: Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Tô Chấn… Nghĩa Trụ cũng là địa phương duy nhất của cả nước đến nay có 5 đại biểu được dự Đại hội Đảng toàn quốc, đó là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 (1.1951), gồm các đồng chí: Tô Duy, Lê Giản, Lê Văn Lương, Trần Bình, Tô Quang Đẩu.

Về Nghĩa Trụ, không thể không tới thăm Nhà tưởng niệm các đồng chí Tô Hiệu, Lê Văn Lương. Cả hai Nhà tưởng niệm được trân trọng đặt tại khu đất cũ của gia đình, nơi 2 chiến sĩ cách mạng xuất sắc đã sinh ra và lớn lên, thể hiện của lòng khắc ghi, tôn kính, tri ân, như lời nhắc nhở lớp lớp con cháu mai sau tự hào và sống xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha ông. Ngôi nhà xưa của gia đình đồng chí Tô Hiệu được xây dựng, tôn tạo làm khu tưởng niệm, mang đậm phong cách truyền thống, 3 gian, 2 chái, cửa bức bàn. Tại đây, một cành chiết của cây đào Tô Hiệu ở Nhà tù Sơn La, biểu tượng gắn với tên tuổi người Bí thư Chi bộ Đảng kiên trung của nhà tù, cứ mỗi mùa xuân về lại trổ hoa rực rỡ.

Trong nhà tưởng niệm đồng chí Lê Văn Lương có ban thờ và trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến gia đình, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của ông. Khi mới 15 tuổi, còn là học sinh trường Bưởi, ông đã được giác ngộ cách mạng, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ông là một trong những đảng viên cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng. Suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng, dù ở cương vị nào (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội)… ông luôn thể hiện tấm gương của một chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...

Những di tích lịch sử này gắn liền với thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động của 2 nhà cách mạng xuất sắc, giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước, cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Tới Nghĩa Trụ hôm nay, người ta không khỏi ngạc nhiên về một miền quê sầm uất, nhộn nhịp. Thay vì vùng đất nhỏ nghèo nàn, hoang sơ bên bờ sông Bắc Hưng Hải năm xưa là những ngôi nhà cao tầng, những cửa hàng, cửa hiệu mọc lên san sát. Sự đổi thay nhanh chóng khiến ít người nghĩ rằng đây vốn là một địa phương thuần nông… Cụ Tô Tần, năm nay đã 80 tuổi, không giấu nổi cảm xúc của mình trước sự thay đổi của quê hương, kể rằng: “Nghĩa Trụ ngày xưa rất nghèo. Bây giờ thì khác rồi, quê tôi thay đổi nhiều lắm, đời sống của bà con cũng khá giả”. Thực vậy, nhờ công cuộc đổi mới, Nghĩa Trụ giờ đã thực sự khởi sắc, không chỉ no cơm ấm áo, người Nghĩa Trụ vươn lên làm giàu. Không nhiều xã trong tỉnh như Nghĩa Trụ có tới vài chục chiếc xe ô tô các loại, khoảng 200 người đi xuất khẩu lao động, vài chục trang trại VAC lớn, nhỏ với sự đột phá về năng suất, hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Xã không còn nhà tranh tre nứa lá... Với ý chí vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng bằng bàn tay, khối óc cần cù, năng động, người dân nơi đây đã phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương gần thị trường Hà Nội và các khu công nghiệp, kết hợp giữa sản xuất, chăn nuôi gắn với phát triển cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả. Bình quân thu nhập 18 triệu đồng/người/năm, giá trị trung bình trên 1 hécta đạt 80 triệu đồng/năm. Nhiều năm nay, Nghĩa Trụ là điểm sáng trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư của huyện.

Những năm qua, Nghĩa Trụ quan tâm nhiều cho sự nghiệp giáo dục, xã đã đầu tư trên 7 tỷ đồng để xây dựng, tu sửa trường lớp các cấp học. Hiện toàn xã đã có 7 khu lớp mầm non khang trang với đầy đủ tiện nghi cho các cháu ăn bán trú. 100% các cháu đến độ tuổi đều được đến trường. Cùng với đó, các chế độ, chính sách với người có công với cách mạng được thực hiện tốt. Thời gian qua, xã đã dành 3 trăm triệu đồng để tu sửa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ và các khu nhà tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng địa phương cùng hàng trăm triệu đồng hỗ trợ xây, sửa chữa nâng cấp nhà, thăm tặng quà vào các dịp lễ tết, mua tặng xe lăn và máy chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng chính sách. Nhắc nhớ trang sử vẻ vang của quê hương đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, xã luôn quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Nhiều buổi học ngoại khóa tại khu Nhà tưởng niệm các nhà cách mạng được tổ chức. Lịch sử quê hương, đất nước, cuộc đời hoạt động cách mạng, tinh thần đấu tranh bất khuất, cả đời hy sinh cho cách mạng của các chiến sĩ cách mạng quê hương được các cháu học sinh thấm thía qua những câu chuyện lịch sử sống động...

Nghĩa Trụ đã và đang thay da đổi thịt từng ngày, người dân nơi đây vinh dự vì được sinh ra ở vùng quê cách mạng, được thừa hưởng truyền thống anh dũng của cha anh đi trước. Phải chăng, tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường năm xưa của vùng quê cách mạng đang rèn luyện, hun đúc ý chí vượt khó, vươn lên học tập, làm giàu chính đáng bằng bàn tay, khối óc cần cù, năng động của người dân nơi đây để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

26/3/2012

0 nhận xét:

Post a Comment