7 Đồng chí Lê Văn Lương Chánh Văn phòng Trung ương đầu tiên của Đảng

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28-03-1912 trong một gia đình nho học tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đồng chí Lê Văn Lương là đảng viên cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng ta, một cán bộ xuất sắc, suốt đời gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng. Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao những trọng trách: Uỷ viên dự khuyết Xứ uỷ Nam Bộ, Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Khu uỷ Tả ngạn, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI và VII[1][1] Lý lịch đảng viên đồng chí Lê Văn Lương – Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.. Đối với Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương được cử làm Bí thư Văn phòng Trung ương đầu tiên từ năm 1947 đến năm 1948 và lần thứ hai làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng từ năm 1958 đến năm 1960[2][2] Thông tri số 181-TT/TW, ngày 11-12-1958. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.

Văn phòng Trung ương Đảng được chính thức thành lập tháng 5-1947 tại xã Quảng Nạp (nay là xã Bình Thành, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên), trong căn cứ địa Việt Bắc. Khi mới thành lập, Văn phòng Trung ương Đảng được gọi là Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng. Chánh Văn phòng được gọi là Bí thư Văn phòng. Đồng chí Lê Văn Lương làm Bí thư Văn phòng Trung ương Đảng tháng 5-1947 đến tháng 9-1948[3][3] Thông tri số 2998-VP/TW, ngày 16-10-1948 của Ban Chấp hành Cứu quốc Hội – Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.. Trước khi Văn phòng Trung ương Đảng được thành lập, việc phục vụ Thường vụ Trung ương Đảng là nhiệm vụ của Đội Công tác và Văn phòng Tổng Bí thư. Từ khi Văn phòng Trung ương Đảng ra đời đã thống nhất nhiệm vụ của Đội Công tác và Văn phòng Tổng Bí thư để tập trung phục vụ tốt hơn cho Trung ương Đảng trong việc chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Văn phòng Trung ương Đảng những ngày đầu mới thành lập trong hoàn cảnh chiến tranh điều kiện hết sức khó khăn, vừa phải xây dựng, củng cố tổ chức, vừa tìm tòi, bồi dưỡng phương pháp làm việc, lại phải di chuyển liên tục để đảm bảo giữ bí mật và an toàn cho Trung ương, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Văn Lương mọi công việc đều được thực hiện thông suốt. Văn phòng Trung ương Đảng có nhiệm vụ theo dõi tình hình, thực hiện các công việc về hành chính, quản trị. Đồng chí Lê Văn Lương trực tiếp giúp chuẩn bị chương trình công tác của Thường vụ Trung ương Đảng, triệu tập các cuộc họp và ghi biên bản hội nghị; soạn thảo tài liệu, văn bản của Trung ương Đảng nhất là về những vấn đề không do cơ quan giúp việc nào phụ trách. Chánh Văn phòng cũng là người sắp xếp và xây dựng chương trình hoạt động của Thường vụ Trung ương Đảng, bảo đảm sự vận hành có hiệu quả công việc của Đảng, giữ mối liên hệ giữa Trung ương với các khu uỷ, tỉnh uỷ.

Văn phòng Trung ương Đảng lúc mới thành lập được tổ chức gọn nhẹ gồm hai phòng và bộ phận mật mã, điện đài. Phòng 1: Làm nhiệm vụ hành chính, quản trị; Phòng 2: Làm nhiệm vụ theo dõi, nghiên cứu tình hình, đề xuất ý kiến, xử lý công việc hằng ngày với các đồng chí lãnh đạo Đảng. Tuy tổ chức bộ máy còn đơn giản nhưng dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Văn Lương, với lòng trung thành vô hạn với Đảng, tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết nhất trí khắc phục khó khăn của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, Văn phòng Trung ương đã hoàn thành tốt công việc mà Trung ương Đảng giao phó: đảm bảo thông tin thông suốt và an toàn từ Trung ương đến các cấp trực thuộc, bảo đảm những điều kiện cần thiết cho hoạt động của các đồng chí lãnh đạo (đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh) trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Tháng 5-1948, Ban Chấp hành Trung ương đã triệu tập Hội nghị cán bộ Trung ương (miền Bắc Đông Dương) để bàn về tổ chức các ban, tiểu ban ở Trung ương và cấp uỷ địa phương. Đây là hội nghị đầu tiên bàn về công tác văn phòng cấp uỷ theo hệ thống tổ chức của Đảng. Đồng chí Lê Văn Lương với cương vị là Chánh Văn phòng đã góp phần không nhỏ trong việc soạn thảo Nghị quyết Hội nghị. Nghị quyết Hội nghị nhấn mạnh Văn phòng Trung ương Đảng không chỉ làm nhiệm vụ hành chính phục vụ Thường vụ Trung ương Đảng, mà còn phục vụ tất cả các cơ quan Trung ương của Đảng. Như vậy, nhiệm vụ của Văn phòng Trung ương giai đoạn này bao quát rộng và nặng nề hơn.

Do điều kiện chiến tranh ác liệt, thời gian ở Chiến khu Việt Bắc, cơ quan Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng thường xuyên phải di chuyển. Đầu năm 1948, Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng chuyển qua Tân Trào (khu Lũng Tẩu, Tuyên Quang), cuối năm 1948 trở lại Thái Nguyên, ở Điềm Mặc, Định Hoá đến cuối năm 1949. Mặc dù cơ quan phải di chuyển nhiều nơi làm việc, nhưng đồng chí Lê Văn Lương với cương vị là Chánh Văn phòng Trung ương luôn tổ chức thông suốt công việc của Văn phòng, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo, bảo vệ tất cả tài liệu góp phần vào thắng lợi to lớn, toàn diện của cuộc cách mạng. Theo lời kể của GS.TSKH Đặng Thu: “Trong quá trình di chuyển hành trang của mỗi người là một ba lô, riêng anh Lương mang nhiều tài liệu của cơ quan khá nặng. Anh không chia cho anh em mà lấy một cái gậy gánh ba lô một bên, bên kia là tài liệu, sách vở”.

Tháng 10-1948, đồng chí Lê Văn Lương được Trung ương phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Cuối năm 1958, đồng chí Lê Văn Lương lại được phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đến năm 1960. Mặc dù thời gian đảm nhiệm vị trí Chánh Văn phòng không dài nhưng bằng kinh nghiệm đã từng trực tiếp tổ chức chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Trung ương trong những năm đầu mới thành lập và với tấm lòng trung thành, tận tuỵ với công việc, đồng chí Lê Văn Lương đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Văn phòng Trung ương Đảng và xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Trung ương trong giai đoạn cách mạng mới.




Cuối năm 1959, Văn phòng Trung ương được mở rộng, nâng cấp gồm hai vụ: Vụ Nghiên cứu, Vụ Ngân sách - Quản trị và 5 phòng: Phòng Hành chính, Phòng Tổ chức-cán bộ, Phòng Lưu trữ, Phòng Cơ yếu, Phòng Điện đài[4][4] Bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và lề lối làm việc của Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 11-12-1959.. Trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, đồng chí Lê Văn Lương đã chỉ đạo cải tiến lề lối làm việc của Văn phòng: định được chương trình công tác năm, quý, tháng và hàng tuần cho toàn cơ quan cũng như từng đơn vị. Các bộ phận cơ yếu, nghiên cứu còn xây dựng kế hoạch đến từng tổ, từng cá nhân. Văn phòng Trung ương cũng như từng vụ, từng phòng đều đã xây dựng được nội quy, chế độ về lề lối làm việc, về mối quan hệ công tác trong và ngoài đơn vị[5][5] Bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và lề lối làm việc của Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 11-12-1959.. Ngoài việc cải tiến lề lối làm việc của Văn phòng Trung ương, ngày 3-6-1959 đồng chí Lê Văn Lương đã chỉ đạo xây dựng báo cáo về lề lối làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ tháng 12-1958 và đề nghị bổ sung một số nội dung về cải tiến lề lối làm việc trong thời gian sắp tới. Trong bản báo cáo đã nêu rõ nhiệm vụ của Văn phòng: “Để giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình chặt, Văn phòng có trách nhiệm làm các bản thông báo tình hình cần thiết và chuẩn bị kỹ các Hội nghị Ban Bí thư để họp đỡ mất nhiều thì giờ”[6][6] Báo cáo của đồng chí Lê Văn Lương ngày 03-6-1959. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.. Như vậy, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cũng như lề lối làm việc của Văn phòng Trung ương đã có bước phát triển đáng kể, bảo đảm thông tin thông suốt và an toàn từ Trung ương đến các cấp trực thuộc, bảo đảm những điều kiện cần thiết cho hoạt động của các đồng chí lãnh đạo của Đảng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Văn Lương, mọi bộ phận, mọi cán bộ, nhân viên của Văn phòng Trung ương đều tham gia vào công tác chuẩn bị và phục vụ Đại hội, đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị và các văn kiện khác trình Đại hội lần thứ III của Đảng. Đồng chí Lê Văn Lương cùng với đồng chí Trần Quỳnh đã trực tiếp ghi biên bản Đại hội[7][7] ĐBQ số 71, Phông số 07. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng..

Ngoài việc ký ban hành các văn bản của Văn phòng Trung ương Đảng, trong thời gian làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã thừa lệnh Ban Bí thư ban hành khoảng 90 văn bản quan trọng. Trong đó, chủ yếu là Chỉ thị, Thông tri và Công văn trên nhiều lĩnh vực hoạt động của Đảng.

Về lĩnh vực tuyên truyền có: tuyên truyền về ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh[8][8] Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 02-04-1948. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng., tuyên truyền về xây dựng làng "Kiểu mẫu", tuyên truyền về luật hôn nhân gia đình, về công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội[9][9] ĐVBQ 309, ML số 02, Phông số 11. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.

Về lĩnh vực tổ chức – cán bộ có: Quy định về biên chế của Tỉnh uỷ; quy định về số lượng cấp uỷ viên huyện, quận, châu, thị; tăng cường công tác tổ chức cán bộ của Toà án nhân dân các cấp; tổ chức lại các trường Đảng trong toàn quốc; về giải thể Bộ Thương binh và Bộ Cứu tế xã hội; thành lập Ban Việt kiều Trung ương[10][10] ĐVBQ 307, ML số 02, Phông số 11. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng

Lĩnh vực quản lý kinh tế có các văn bản chỉ đạo về: tăng cường cải tạo thương nghiệp tư bản tư doanh; củng cố hợp tác xã; tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiền lương; phân cấp quản lý ngành ngân hàng[11][11] ĐVBQ 308. ML số 02, Phông số 11. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.

Ngoài ra, thực hiện Thông đạt số 01 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác lưu trữ tài liệu, thừa lệnh Ban Bí thư, đồng chí đã ký ban hành văn bản quan trọng quy định về công tác này: “Việc lưu trữ công văn tài liệu là một công tác hết sức quan trọng và cơ yếu, nó phục vụ lãnh đạo, phục vụ quần chúng và là một công tác có tính chất đấu tranh với địch”[12][12] Thông tri số 259-TT/TW, ngày 08-9-1959. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.. Từ năm 1959, Phòng Lưu trữ của Văn phòng Trung ương được thành lập có nhiệm vụ quản lý tài liệu lưu trữ của Trung ương, Văn phòng Trung ương, các ban Đảng và giúp đỡ nghiệp vụ cho cả hệ thống lưu trữ của các cấp uỷ Đảng.

Đồng chí Lê Văn Lương là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đầu tiên và hai lần được Trung ương Đảng giao giữ cương vị nhiệm vụ này cùng nhiều trọng trách quan trọng khác của Đảng và Nhà nước. Ở cương vị nào đồng chí cũng thể hiện rõ vai trò của người lãnh đạo mẫu mực. Đặc biệt, đối với Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí là người có công lớn trong việc thành lập, tổ chức và điều hành thông suốt hoạt động của Văn phòng Trung ương ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trong quá trình phát triển, đồng chí luôn quan tâm đến việc không ngừng hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cải tiến lề lối làm việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, tạo tiền đề cho sự trưởng thành và phát triển của Văn phòng Trung ương Đảng trong hơn nửa thế kỷ qua.


---------------------
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng.
[1] Lý lịch đảng viên đồng chí Lê Văn Lương – Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
[2] Thông tri số 181-TT/TW, ngày 11-12-1958. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
[3] Thông tri số 2998-VP/TW, ngày 16-10-1948 của Ban Chấp hành Cứu quốc Hội – Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
[4] Bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và lề lối làm việc của Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 11-12-1959.
[5] Bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và lề lối làm việc của Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 11-12-1959.
[6] Báo cáo của đồng chí Lê Văn Lương ngày 03-6-1959. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
[7] ĐBQ số 71, Phông số 07. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
[8] Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 02-04-1948. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
[9] ĐVBQ 309, ML số 02, Phông số 11. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
[10] ĐVBQ 307, ML số 02, Phông số 11. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
[11] ĐVBQ 308. ML số 02, Phông số 11. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
[12] Thông tri số 259-TT/TW, ngày 08-9-1959. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment