Báo cáo kết luận Hội thảo

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”


KẾT LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC
“Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”


do Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tất Giáp,
Phó Giám đốc Học viện CTHCQG Hồ Chí Minh trình bày


Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước,
Thưa các vị đại biểu, các nhà khoa học,
Thưa các đồng chí và các bạn!

Sau một buổi sáng làm việc nghiêm túc, Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên” kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912-28/3/2012) do Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên, các Ban Đảng Trung ương, Học viện CT-HC QG Hồ Chí Minh, Thành ủy Hà Nội phối hợp tổ chức đã thành công tốt đẹp.

Hội thảo đã nhận được hơn 40 báo cáo của các nhà hoạt động chính trị, các nhà khoa học, với sự tham dự của các đồng chí đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương, đại diện Tỉnh ủy Hưng Yên, đại diện các địa phương nơi đồng chí Lê Văn Lương từng công tác và sự tham gia của các nhà khoa học ở Trung ương, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí. Hội thảo được tiến hành với sự hiện diện gia đình, thân tộc đồng chí Lê Văn Lương.

Hội thảo đã nghe bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và báo cáo đề dẫn của đồng chí Nguyễn Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên cùng 8 tham luận trình bày tại Hội thảo.

Theo chủ đề Hội thảo, từ nhiều góc độ khác nhau, các nhà hoạt động chính trị và các nhà khoa học đã tập trung làm rõ những nhân tố khách quan, chủ quan hình thành nên quyết tâm, ý chí cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương và đều nhất trí khẳng định rằng: giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, gia đình mà nổi bật nhất là chủ nghĩa yêu nước, nhân văn Việt Nam với những giá trị đặc sắc trong văn hóa truyền thống của quê hương văn hiến Hưng Yên, của dân tộc Việt Nam, là những yếu tố căn bản đã thúc đẩy đồng chí Lê Văn Lương sớm hoạt động cách mạng và đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, suốt đời phấn đấu theo tư tưởng Hồ Chí Minh, theo lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và đã có nhiều cống hiến to lớn cho cách mạng nước ta.

Các tham luận khoa học đã tập trung nghiên cứu quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến nổi bật của đồng chí Lê Văn Lương theo tiến trình cách mạng nước ta: từ trước cách mạng Tháng Tám đến khi nhà nước Việt Nam ra đời; trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Từ các minh chứng khoa học lịch sử trên, các tham luận đều thống nhất khẳng định đồng chí Lê Văn Lương - “người đảng viên cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên, một cán bộ xuất sắc của Đảng” [1][1] Tất cả những chữ trong ngoặc kép (“ ”) Kết luận này đều trích trong Lời điếu do đồng chí Đỗ Mười đọc trong lễ tang đồng chí Lê Văn Lương ngày 5-5-1995.., là một tiêu biểu về “giữ vững khí tiết của người cộng sản, nhất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”.

Đó là tấm gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, đức cần, kiệm, liêm, chính, giản dị và trung thực, ”luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết”.


Đó là tấm gương “trọn đời giữ vững danh hiệu đảng viên cộng sản”, “một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cống hiến trọn đời cho lý tưởng cao cả của Đảng”.

Đặc biệt, nhiều tham luận đã đi sâu nghiên cứu những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Văn Lương - cả trên phương diện lý luận và thực tiễn - trong lĩnh vực xây dựng Đảng nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh, góp phần đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng của Đảng trong hai cuộc kháng chiến xâm lược cũng như trong xây dựng Hà Nội ngày càng xứng đáng với vai trò thủ đô của cả nước theo lời dạy của Bác Hồ. Những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lê Văn Lương trên lĩnh vực tổ chức cán bộ đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nhất là đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng hiện nay.

Bên cạnh những kết quả quý báu đã đạt được trên đây, một thành công nữa rất quan trọng của Hội thảo là, với các tư liệu và những kiến giải mới mà các nhà khoa học đã cung cấp trong Hội thảo này, sẽ giúp nhiều cho việc viết tiểu sử đồng chí Lê Văn Lương - với tư cách là một nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam. Hy vọng rằng, sau đây, các nhà khoa học sẽ tiếp tục hoàn thiện những vấn đề đã được nêu lên trong Hội thảo này để góp phần vào việc viết tiểu sử chính thức của đồng chí Lê Văn Lương, cũng như của các nhà lãnh đạo tiền bối khác của Đảng và cách mạng Việt Nam, theo chủ trương của Đảng ta.


Thưa các đồng chí và các bạn!
Được tổ chức trong lúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang tích cực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Người và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khóa XI) của Đảng, sự thành công của Hội thảo hôm nay càng có thêm ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Thay mặt Ban Tổ chức, tôi chân thành cám ơn các đồng chí đại biểu ở Trung ương, địa phương và các nhà khoa học đã gửi bài và hiện diện tại đây để đem lại sự thành công của Hội thảo. Chúng tôi đặc biệt cám ơn đại diện gia đình đã tới dự và góp phần đem lại kết quả tốt đẹp của Hội thảo hôm nay.

Xin kính chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thắng lợi trong trọng trách của mình!

Tôi xin tuyên bố kết thúc Hội thảo!

Xin chân thành cảm ơn!





---------------------
Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Tất cả những chữ trong ngoặc kép (“ ”) Kết luận này đều trích trong Lời điếu do đồng chí Đỗ Mười đọc trong lễ tang đồng chí Lê Văn Lương ngày 5-5-1995.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment