CỤ BÀ NGÔ THỊ LÝ, THÂN MẪU CỦA HAI LIỆT SỸ TÔ CHẤN VÀ TÔ HIỆU

Saturday, March 10, 2012


Danh nhân Hưng Yên

_ Tô Quyết Tiến _

Căn cứ theo Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho cụ bà Ngô Thị Lý.


Cụ Ngô Thị Lý sinh năm 1877 tại quê hương thôn Tuấn Dị, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Bắc Ninh, từ năm 1947 thuộc tỉnh Hưng Yên. Thân phụ của cụ Ngô Thị Lý là tướng quân Ngô Quang Huy (1835-1889), một trong những lãnh tụ chủ chốt của khởi nghĩa Bãi Sậy lừng danh chống Pháp cuối thế kỷ 19. Cụ Ngô Quang Huy nổi tiếng là học giỏi, 17 tuổi đỗ cử nhân, 21 tuổi đã được bổ nhiệm đốc học Bắc Ninh. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, cụ đã dấy binh khởi nghĩa cùng các sĩ phu yêu nước khác. Cũng như cụ Nguyễn Thiện Thuật, cụ được nhà vua phong chức Hồng Lô Tự Khanh, Tán Tương Quân Vụ, chịu trách nhiệm lãnh đạo nghĩa quân hoạt động ở vùng bắc Hưng Yên , Hải Dương và Bắc Ninh nên nhân dân gọi cụ là cụ Tán Bắc (hoặc Tán Ngô) trong khi Nguyễn Thiện Thuật được gọi là cụ Tán Đông (hoặc cụ Tán Thuật) vì cụ phụ trách vùng Nam Hưng Yên và các tỉnh phía Đông của Bắc Bộ. Cụ Tán Bắc cùng với cụ Tán Đông đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa một cách kiên cường mưu trí, lập được nhiều chiến công hiển hách, làm cho thực dân Pháp phải hoảng sợ. Năm 1889, khởi nghĩa thất bại cụ cùng một số nghĩa quân chuyển lên vùng Bắc Giang, Lạng Sơn tiếp tục chiến đấu và hy sinh tại đây.

Cụ Ngô Quang Huy là bạn bè thân thiết kết giao với cụ Đốc học Tô Ngọc Nữu của làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang. Tuy khác huyện nhưng 2 làng chỉ cách nhau 1 con sông. Do tình thân hữu này nên cụ đã gả con duy nhất là Ngô Thị Lý kết duyên cùng với cháu nội Tô Y của cụ Đốc Nam. Dân làng thường gọi cụ là cụ Cả Y (cách gọi theo tên chồng xưa kia).

Năm 1915 cụ Tô Y mất khi cụ bà mới 29 tuổi. Chồng chết, một nách nuôi 5 con: Tô Tu, Tô Chấn, Tô Hiệu, Tô Thị Xuyến, Tô Thị Phúc trong đó con lớn nhất Tô Tu mới 15 tuổi. Nhà nghèo, không có ruộng, chỉ có mấy sào vườn, không cần phải nói thì cũng hiểu hoàn cảnh khó khăn như thế nào, bà mẹ phải bản lĩnh, kiên cường ra sao thì gia đình mới không đổ sụp. Cụ Cả Y phải tần tảo thuê mấy sào ruộng cày cấy nuôi con. Ông con trưởng Tô Tu mới 15 tuổi đã phải sang Lào đi làm thuê, “quyền huynh thế phụ” cùng mẹ nuôi dưỡng các em còn nhỏ. Khi cụ Tô Y mất, Tô Hiệu mới 3 tuổi, Tô Chấn 11 tuổi chưa có tên chính thức; sau này tên Tô Hiệu, Tô Chấn là do cụ Tô Tu đặt cho 2 em. Đến năm 21 tuổi, ông Tô Tu mới trở về nước lập gia đình, có việc làm và thu nhập ổn định nên đời sống gia đình mới bớt khó khăn.

Cụ Cả Y được người làng quý mến gần gũi vì là một phụ nữ tháo vát, đảm đang và có tính hài hước, cụ có khiếu kể chuyện cười.

Sinh thời, cụ Tô Tu thường nói: “cái máu làm cách mạng của gia đình là từ bên ngoại truyền sang”. Những mẩu chuyện về người ông ngoại quả cảm hy sinh chống Pháp được bà mẹ Ngô Thị Lý kể cho các con nghe chắc chắn đã lay động những tình cảm yêu nước thương dân đối với các con của bà. Phát huy truyền thống quê hương và noi gương ông ngoại của mình, Tô Chấn và Tô Hiệu đã tham gia các phong trào yêu nước cách mạng từ rất sớm, trở thành những nhà cách mạng nổi tiếng và đều hy sinh khi mới 32 tuổi: Tô Chấn hy sinh khi vượt Côn Đảo năm 1936, Tô Hiệu hy sinh tại nhà ngục Sơn La mùa xuân năm 1944. Suốt những năm 2 con trai của mình bị thực dân Pháp bắt và giam giữ (riêng Tô Hiệu đã bị giam giữ tại 5 nhà tù) cụ cùng con gái là bà Tô Thị Phúc đi hết từ nhà tù này sang nhà tù khác để thăm nuôi.

Cụ có lòng dũng cảm phi thường. Năm 1934 sau khi mãn hạn tù Côn Đảo, Tô Hiệu bị địch quản thúc ở làng, ngoài ra chúng còn lập 1 bốt gác ở ngay đầu cầu Tam Kỳ nhằm kiểm soát những người qua lại và giao dịch với gia đình họ Tô. Tuy vậy, nhà cụ vẫn là nơi nuôi giấu, đi lại của các vị cách mạng tiền bối như các ông Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Trần Tử Bình … cụ chăm sóc các ông như con đẻ của mình. Các ông rất thương cụ và nhận cụ là mẹ nuôi.

Mãi đến sau cách mạng tháng tám thành công, cụ mới biết đích xác Tô Chấn và Tô Hiệu đã hy sinh. Thương con, cụ khóc nhiều nên 2 mắt gần như bị lòa. Năm 1946 cụ được Hồ Chủ Tịch mời ra Hà Nội thăm hỏi và tặng quà. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ dứt khoát không chịu ở lại vùng tề, một mực đòi theo các con cháu đi kháng chiến lên Việt Bắc tản cư. Cụ cùng bà Phúc làm nhà tranh trên một quả đồi ở Phú Thọ, vẫn cuốc đất, trồng ngô sắn tăng gia sản xuất mặc dù mắt không còn nhìn thấy nữa. Cụ mất ngày 08/08/1952 (tức ngày 18 tháng 6 Nhâm Thìn). Sau năm 1954, hài cốt của cụ được chuyển về khu mộ gia đình tại nghĩa trang Tam Kỳ, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên.

24/09/2013



 ✯✯ 


0 nhận xét:

Post a Comment