34 Lê Văn Lương – Người cộng sản kiên cường – Người lãnh đạo xuất sắc trong nhà tù Côn Đảo 1934-1945

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

1. Người lãnh đạo trẻ tuổi luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh

Lê Văn Lương (tên thật là Nguyễn Công Miều) sinh ngày 28-03-1912 tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Sớm giác ngộ cách mạng, Lê Văn Lương gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên từ năm 1927, khi mới 15 tuổi. Thực hiện chủ trương vô sản hóa, tháng 6-1929, Lê Văn Lương vào Sài Gòn, làm công nhân ở Hãng dầu Socony Nhà Bè, bị bắt ngày 23-3-1931, khi đang trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh của hơn 400 công nhân Hãng dầu Socony, bị tòa đại hình đưa ra xét xử trong vụ án Đảng cộng sản Đông Dương (5-1933), bị kết án tử hình cùng Phạm Hùng, Lê Quang Sung.

Nhờ nỗ lực tranh đấu của Đảng cộng sản Pháp và nhiều nhân sỹ, trí thức có tên tuổi trong Uỷ ban đấu tranh đòi ân xá chính trị phạm ở Đông Dương, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Lê Quang Sung được giảm án tử hình xuống khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo (1-1934).

Nhà tù Côn Đảo khi ấy mới có hai trại giam chính: Banh I giam tù mang án khổ sai và Banh II giam tù mang các án chính trị. Tù chính trị ở Banh I đã thành lập chi bộ cộng sản từ đầu năm 1932, do Nguyễn Hới làm Bí thư. Tôn Đức Thắng, một trong những sáng lập viên tham gia cấp ủy. Tôn Đức Thắng đã biết Lê Văn Lương khi anh đi vô sản hóa vào Sài Gòn.

Cùng với Ngô Gia Tự[1][1] Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Diểu cùng bị xử một vụ với Lê Văn Lương, lãnh án chung thân khổ sai, bị đày ra Côn Đảo từ cuối tháng 5-1933. và Phạm Hùng, Lê Văn Lương được bổ sung vào cấp ủy, Ngô Gia Tự được cử làm Bí thư. Chế độ đày ải của nhà tù thời kỳ này vô cùng hà khắc. Theo báo cáo của Thanh tra thuộc địa, từ năm 1930 đến 1934 đã có 718 tù nhân Côn Đảo chết, tỉ lệ bình quân là 10%, cao nhất trong các nhà tù ở Đông Dương. Đoàn kết các lực lượng tù nhân, đấu tranh giành lấy quyền sống là yêu cầu bức thiết lúc đó. Với sự đóng góp xuất sắc của Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Diểu, nhiệm vụ của chi bộ trong tù được xác định cụ thể là:

  • Lãnh đạo tương tế;
  • Lãnh đạo đấu tranh;
  • Lãnh đạo học tập và tự học tập, đào tạo cán bộ cho Đảng;
  • Tổ chức vượt ngục;
  • Tổng kết kinh nghiệm đấu tranh, biên soạn và dịch thuật tài liệu gửi về cho tổ chức Đảng ở đất liền.

Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Phạm Hùng được cử vào Ban lãnh đạo chung với nhiệm vụ trọng tâm là lãnh đạo cuộc đấu tranh chống khổ sai hà khắc. Cuộc đấu tranh chống khổ sai do chi bộ tổ chức nổ ra vào tháng 7-1934. Ngô Gia Tự, Trần Quang Tặng, Phạm Hùng và Lê Văn Lương trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh này.

Kíp xe củi từ An Hải về Lò Than, bọn chúa ngục bắt 5 người đẩy một xe, mỗi ngày 5 chuyến. Tại bãi củi An Hải, Ngô Gia Tự đại diện cho kíp tù nhân xe củi nêu yêu sách đòi 7 người đẩy một xe, ngày chỉ đi ba chuyến. Đó là mục tiêu đấu tranh mà chi bộ đã giao cho Ban Đấu tranh chỉ đạo thực hiện bằng được.

Tên gác ngục Ludowic de Lys vung roi đánh túi bụi. Cả kíp tù bỏ việc vây quanh xe. Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Phạm Hùng động viên anh em chấp hành kỷ luật đấu tranh, không ai rời vị trí. Đánh đập, giằng co suốt một giờ không kết quả, tên gác ngục đành chịu để cho 7 người đẩy một xe. Đến đoạn đường dốc, lầy cát, tù nhân phải gò lưng nhích từng bước. Bọn gác ngục được dịp xông vào đánh trả thù. Cả kíp tù lại bỏ xe, chạy vòng quanh, hô khẩu hiệu phản đối. Đến khi chúng ngừng đánh, anh em mới đi tiếp.

Ngày hôm sau, kíp xe gạch từ Lò Gạch về xây Banh III cũng đấu tranh đòi 7 người đẩy một xe. Cả kíp bị đánh một trận tơi tả, bị phạt xiềng tại khám 6. Chi ủy họp, kiên quyết duy trì cuộc đấu tranh đến thắng lợi. Đảng viên trung kiên phải đi đầu, dẫn dắt quần chúng (kể cả tù thường phạm) vào cuộc đấu tranh, giành lấy quyền sống.

Kíp xe thóc từ Cầu Tàu về kho (Banh II) cũng đòi 7 người một xe. Ban đấu tranh chỉ định người cầm càng, định từng chặng nghỉ và tốc độ đi, sao cho vừa đúng hai chuyến là hết buổi sáng, một chuyến là hết buổi chiều. Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Trần Quang Tặng, Nguyễn Chí Diểu bao giờ cũng đi đầu, trực tiếp chỉ đạo các cuộc đấu tranh, giao nhiệm vụ cho từng người, bám sát mục tiêu, kiên quyết tranh đấu nhưng tuyệt đối không manh động để địch tạo cớ đàn áp.

Cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt trong nhiều tháng. Kíp đập đá đòi hạ mức từ 0,3 m3 xuống 0,2 m3 mỗi người một ngày. Kíp dọn tàu phải làm việc nặng nhọc, anh em tổ chức thành hai ca luân phiên, vừa làm, vừa nghỉ cho lại sức. Vừa vận động đông đảo quần chúng, tù thường phạm tham gia, chi ủy vừa tranh thủ sự ủng hộ của gác ngục Pháp - Việt. Song mỗi thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, tù nhân đều phải đổi bằng máu của chính họ.

Ngày 28-8-1934, kíp khổ sai dọn thóc từ xàlan vào bờ đã thuyết phục được tên gác ngục đồng ý chia làm hai ca luân phiên, tốp làm, tốp nghỉ. Giám thị trưởng Cristiani đến vung roi đánh túi bụi, phạt Nguyễn Chí Diểu 90 ngày hầm tối, 40 ngày phải ăn cơm nhạt, uống nước lạnh. Hầu hết tù nhân kíp chở thóc hôm ấy đều bị đánh đập đầy thương tích. Nhà thương hết chỗ, bọn gác ngục phải dành riêng khám 10 (Banh I) nhốt người bị thương.

Kíp mò san hô, chúng khoán mỗi người phải nộp 40 tảng một ngày. Ai không nộp đủ là bị đánh đập, cúp phạt. Chúng còn sử dụng bọn tù lưu manh, loại anh chị có hạng để tiếp tay cho chúng, hành hạ tù nhân. Mỗi kíp tù, chúng cử một tên làm cặprằng (caporan: cai tù). Mỗi cặprằng lại tập hợp năm bảy tên đàn em lưu manh để khống chế những người đồng cảnh. Chúng không lao động mà bắt tù nhân trong kíp phải nộp thêm phần của chúng. Một lần, anh Nguyễn Ngọc Cư (tức Trần Cung) mới từ nhà tù Sơn La đày ra đảo, bị sốt rét nặng, không nộp đủ số san hô quy định, bị cặprằng Tư Nhỏ đánh trọng thương. Trước đó ít ngày, hắn đã đánh anh Tăng Văn Thiều ngất lịm khiến tù nhân hết sức phẫn nộ.

Chi ủy quyết định trừng trị Tư Nhỏ, lật đổ chế độ cặprằng lưu manh. Buổi tối về khám, Ngô Gia Tự, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Vũ Duy Cương, Liêm, Manh, Chuẩn tổ chức đánh Tư Nhỏ một trận nhừ tử. Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương được phân công ngoại giao, đã giải thích cho Giám thị trưởng Cristiani và quản đốc Crémazi rằng lỗi tại Tư Nhỏ, vì Tư Nhỏ đánh Nguyễn Ngọc Cư dập lá lách trước. Crémazi vừa ra làm chúa đảo thay cho tên đao phủ Bouvié. Vốn là một tên mật thám cáo già, Crémazi bỏ qua vụ này.

Đánh đập, cúp phạt nhiều lại thiếu nhân công. Nhà tù đang cần nhiều lao động khổ sai. Trước lý lẽ xác đáng của tù chính trị, bọn gác ngục bắt đầu nhượng bộ.

Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Ngô Gia Tự được bố trí chuyển sang kíp san hô để lãnh đạo cuộc đấu tranh ở kíp khổ sai lấy san hô. Ra bãi biển, Phạm Hùng hỏi tên gác ngục:

- Các ông cần san hô hay cần hành hạ tù nhân?
- San hô – Tên gác ngục buông một câu cộc lốc.
- Vậy thì ông cứ ngồi trên bờ, để chúng tôi sắp xếp.

Không còn chế độ cặprằng, tù chính trị lãnh đạo kíp san hô, bố trí người khỏe kèm người yếu, người biết làm kèm người chưa biết làm. Hôm ấy không ai bị roi vọt. Cả kíp làm đủ số san hô quy định trước thời gian. Trong lúc chờ con nước lớn để bốc lên xà lan, anh em chia nhau bắt cá tôm cải thiện. Tù thường phạm ngày càng kính nể tù chính trị. Họ bảo nhau: "Xem đống san hô cộng sản làm là biết tài cộng sản".

Các kíp khổ sai khác, tù chính trị cũng lật đổ chế độ cặprằng lưu manh, bầu cặprằng cộng sản. Chế độ khổ sai đã bớt phần khắc nghiệt. Chi ủy cử Đào Gia Lựu làm cặprằng nhà bếp, chăm lo cải thiện bữa ăn cho anh em. Từ nhiều năm trước, bọn gác ngục chỉ cho tù nhân ăn rặt một loại cá khô mục rữa, bốc mùi thối khẳn, ăn đắng như thuốc quinine. Chi ủy đã vận động tù nhân đấu tranh đòi nhà tù phải hủy bỏ khô mục, cấp khô tốt, mỗi tháng phải cấp hai lần thịt bò. Giám thị trưởng Crémazi cười giễu cợt: "Thịt bò ư? Có mà đòi ngôi sao trên trời".

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ đặc biệt, đợt đấu tranh mới của tù nhân bùng lên. Ngày 12-2-1935, tàu Méclanh chở ra 125 sọt cá khô, trong đó có 100 sọt khô mục, lúc nhúc dòi. Đó là thứ cá phế thải mà chủ thầu thực phẩm nhà tù mua tranh của chủ thầu phân bón với giá rẻ mạt. Đốc tờ Nhã, một bác sỹ có lương tâm, đã xác nhận là cá không thể ăn được. Giám thị trưởng Cristiani đã được chủ thầu hối lộ, bảo rằng xưa nay tù nhân vẫn ăn như vậy. Đốc tờ Nhã đã được tù chính trị cảm hóa đã kiên quyết không ký biên bản kiểm hóa, yêu cầu trả về Sài Gòn. Crémazi buộc lòng phải hứa trả lại 100 giỏ cá thối.

Nói vậy nhưng chúa đảo lại lệnh cho Giám thị trưởng phát số cá thối này cho các sở tù khổ sai. Được sự chỉ đạo thống nhất của chi ủy, toàn thể tù nhân các sở tù Đá Trắng, Sở Tiêu, Sở Củi - Chuồng Bò đều tẩy chay, không nhận cá thối, buộc chúng phải đổ 100 sọt cá làm phân bón.

Chuyến tàu tiếp theo, nhà thầu chở ra 150 sọt, chỉ có 50 sọt cá ngon, được phân phối cho gác ngục, còn lại là cá thối cấp cho tù nhân, bất chấp sự phản đối. Chi bộ nhà tù đã phát động một đợt đấu tranh lớn, quy mô toàn đảo, phản đối việc cho tù nhân ăn cá thối. Ngày 1-3-1935, 20 tù nhân kíp đốn cây ở Bãi Bàng từ chối nhận khô mục thối đã bị phạt xiềng, ăn cơm nhạt, uống nước lã. Hôm sau, 50 tù nhân sở Bản Chế (công xưởng) và Sở Tải (làm vệ sinh) bị phạt xiềng vì phản đối cá thối. Theo sự chỉ đạo của chi bộ, chiều 2-3, hàng trăm tù nhân sở Chỉ Tồn, sở khổ sai lớn nhất đã tuyệt thực, bãi công đòi hủy bỏ lệnh phạt đối với 70 tù nhân tại hai khám 6 và 7.


2. Nghiên cứu lý luận, tham gia mặt trận báo chí bí mật

Các cuộc đấu tranh của tù nhân Côn Đảo được báo La Lutte (Tranh Đấu) đăng tải liên tục trong 35 số, bắt đầu từ số 6, ra ngày 11-10-1934 tại Sài Gòn làm cho bọn thực dân vô cùng lúng túng. Tác giả của loạt bài phóng sự đặc biệt này là Nguyễn Văn Nguyễn, một chiến sỹ cộng sản vừa mãn tù Côn Đảo tháng 8-1934.

Được chi bộ nhà tù giao nhiệm vụ, Nguyễn đã liên lạc với một số đảng viên ở Sài Gòn và duy trì liên lạc với Côn Đảo. Những bài viết sắc sảo, chân thực, hóm hỉnh, đầy chất thời sự của Nguyễn về ngục Côn Lôn đã cuốn hút dư luận ở Sài Gòn và tiếp sức cho cuộc đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo. Ngoài những điều mà Nguyễn tận mắt chứng kiến và từng trải trong ba năm lưu đày, những bức thư bí mật của bạn tù Côn Đảo gửi về đều đặn đã tạo nên sinh khí cùng một bức tranh sinh động về cuộc sống tù đày và cuộc đấu tranh giành lấy quyền sống do tù chính trị lãnh đạo.

Khi ấy Nguyễn chưa biết rằng phần lớn những bức thư gửi cho Nguyễn là do Lê Văn Lương viết. Lê Văn Lương là cây viết chủ lực của chi bộ. Ngày đi làm khổ sai, tối về anh cặm cụi viết rất khuya dưới ngọn đèn tù mù trong góc khám. Cần mẫn, kiên trì, trách nhiệm. Anh viết bài cho báo Tiến Lên, tờ báo bí mật của Hội tù nhân, hướng dẫn cuộc đấu tranh trong tù. Bài viết của anh đúc kết những ý kiến chỉ đạo của chi ủy. Anh viết bài cho tờ Ý Kiến Chung, tập san nghiên cứu lý luận trong tù. Hai tờ báo này do Ban lãnh đạo tù chính trị ở Banh II xuất bản từ những năm trước, sau chuyển về Banh I để kịp phục vụ các cuộc đấu tranh lúc đó.

Lê Văn Lương được chi ủy giao nhiệm vụ viết thư và tài liệu gửi về đất liền. Tài liệu là những tác phẩm kinh điển của Mác-Ăngghen-Lênin do Nhà xuất bản Xã Hội của Đảng cộng sản Pháp ấn hành, các thủy thủ Pháp mua tặng tù chính trị qua đầu mối là cựu thủy thủ Tôn Đức Thắng. Bác Tôn khi ấy được đưa từ Hầm xay lúa ra lái canô cho chủ Sở Lưới Lantali, giữ đường dây liên lạc với các đồng chí ở Sài Gòn và các thủy thủ Pháp-Việt.

Theo lịch, tàu Harmand Rousseau từ Sài Gòn đi Singapore ghé Côn Đảo vào sáng thứ hai hàng tuần để tiếp tế. Ngoài ra, mỗi tuần còn hai chuyến tàu của Hãng Năm Sao chạy tuyến Mácxây - Hồng Công - Hải Phòng - Sài Gòn - Singapore ghé qua Côn Đảo. Nhiều thủy thủ tiến bộ của Hãng đã được giác ngộ, trở thành giao liên tin cậy của Đảng ta từ những năm trước. Họ chuyển thư, tài liệu về Sài Gòn và mua sách từ Pháp cho tù chính trị. Sách báo, tài liệu được chuyển vào, địch thuật ở Banh II, sau đó chuyển sang Banh I. Lê Văn Lương tóm lược hoặc chép lại toàn bộ (những bản dịch không dài lắm).

Giấy bút trong tù rất hiếm. Có một loại giấy mà bọn gác ngục không kiểm soát là những tờ giấy cuốn thuốc lá loại Lenil mỏng và thấm nước. Phạm Hùng sáng kiến, lấy nước cơm đặc sánh quét lên một lớp, phơi khô là viết được. Lương dùng ngòi bút sắt incomperap nét nhỏ, nắn nót viết, theo bề dọc được 32 hàng, theo bề ngang được 12 dòng. Tài liệu được luồn vào trong gấu quần, gấu áo, giao cho những đồng chí mãn án chuyển về đất liền làm tài liệu học tập cho các đồng chí ở trong nước. Với những mảnh giấy nhỏ và mỏng như vậy, các anh có thể luồn vào một bộ quần áo tù phiên bản từ một đến hai cuốn sách. Bọn gác ngục khi khám xét thường chỉ nắn túi và vuốt qua nên không phát hiện được. Tài liệu còn được viết bằng mực tàu trên giấy khổ lớn rồi bồi vào trong bìa sách kinh thánh để anh em mãn án công khai mang về.

Năm 1935, thực dân Pháp đày ba chuyến tù ở các nhà lao miền Trung ra Côn Đảo. Nguyễn Duy Trinh vừa từ nhà lao Buôn Ma Thuột ra được bổ sung vào chi ủy, tham gia bộ phận biên soạn tài liệu. Võ Thúc Đồng tỉ mẩn luồn tài liệu vào gấu quần áo, hoặc bồi vào bìa sách. Phạm Hùng, Bác Tôn còn nhồi tài liệu vào những con vích, đồi mồi, tẩu thuốc lá bằng cây dương nước, gậy đầu rồng, hộp thuốc lá bằng gỗ găng, nhờ các thủy thủ tin cậy chuyển về cơ sở ở Sài Gòn. Những vật phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo do Bác Tôn và những người thợ thủ công tài hoa sản xuất còn là quà tặng cho các thủy thủ đã giúp việc giao liên. Lê Văn Lương khoan đầu đũa thành lỗ, cẩn thận cuộn tài liệu đã viết trên giấy pơluya gài vào, chuyển cho các khám.

Sau hàng loạt cuộc đấu tranh và vượt ngục của tù nhân, Thống đốc Nam Kỳ đã ra lệnh cấm cố toàn bộ số tù chính trị đang làm khổ sai ở các sở ngoài vào Banh I. Lê Văn Lương, Phạm Hùng và nhiều người lãnh đạo chủ chốt của chi bộ bị cấm cố tại khám 6 - khám 7 Banh I. Bọn gác ngục gọi là khám bất trị. Tù nhân hai khám này bị xiềng chân, hai người chung một xiềng sắt, dài 5 tấc. Bác Tôn cũng bị đưa vào cấm cố tại khám 8. Đây là thời kỳ học tập lý luận và hoạt động sôi nổi, đi vào chiều sâu của tù chính trị Banh I. Ngô Gia Tự đã vượt ngục và hy sinh trên biển. Nguyễn Duy Trinh làm bí thư chi bộ. Bác Tôn vẫn tham gia chi ủy. Bác Tôn hơn Lương và Hùng hai giáp, tuổi như cha con, nhưng tình như anh em.

Bác Tôn đã gắn bó với Lê Văn Lương và Phạm Hùng trong suốt cuộc đời tù, trong tổ chức, đấu tranh và chỉ đạo một thế hệ tù chính trị. Bác Tôn điềm đạm mà kiên quyết. Phạm Hùng sôi nổi trong hành động, võ nghệ cao cường, gan góc và ngang tàng, khiến đám tù lưu manh loại anh chị cũng phải kiêng nể. Lương bằng tuổi Hùng, trầm tĩnh, tận tuỵ, kiên trì, khi bàn bạc thì cân nhắc, thuyết phục, khi hành động thì nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương. Bộ ba Tôn Đức Thắng, Lê Văn Lương, Phạm Hùng trở thành trụ cột của tù chính trị Côn Đảo từ thuở khởi sắc đấu tranh cho đến khi giành chính quyền ở Côn Đảo (8-1945).

Tù mang án chính trị tập trung ở Banh II không phải đi làm khổ sai, nên có điều kiện tổ chức học tập văn hóa, lý luận từ nhiều năm trước. Cùng hoạt động cách mạng, nhưng những người tù chính trị ở Banh I lại bị kết các án khổ sai, bị giam chung với tù thường phạm, bị cưỡng bức lao động khổ sai nặng nhọc với chế độ đòn roi và kỷ luật nghiệt ngã, với những công việc nguy hiểm chết người. Trong hoàn cảnh đó, tù chính trị Banh I đã tổ chức ra chi bộ Đảng, đoàn kết các lực lượng tù nhân, kể cả thường phạm và Quốc dân Đảng, đấu tranh cải thiện chế độ lao tù hà khắc, giành lấy quyền sống và tổ chức học tập văn hóa, lý luận một cách có hệ thống để khi có điều kiện trở về hoạt động hữu hiệu cho cách mạng.

Tháng 7-1935, sau hàng loạt cuộc đấu tranh sôi nổi ở Khám Lớn Sài Gòn, Trần Văn Giàu bị đày ra Côn Đảo. Biết Giàu nổi tiếng là cây lý luận, tốt nghiệp hạng ưu ở Đại học Phương Đông (Liên Xô) về, Lê Văn Lương bàn với Phạm Hùng, giao cho Trần Văn Giàu mở lớp dạy lý luận trong tù. Trước đây, các anh chỉ huấn luyện kiểu "du kích" cho từng nhóm, với vốn kiến thức lý luận đơn giản đã được học và tự học. Lúc này, tù chính trị mang án khổ sai đã bị tập trung cấm cố ở Banh I, nên việc tổ chức học lý luận một cách bài bản đã được chi ủy nhất trí cao. Anh em tù chính trị phấn khởi lao vào học tập.

Hồi ở Đại học Phương Đông, Giàu đã học lý luận từ kinh điển theo sự hướng dẫn của các giáo sư viện sỹ có tên tuổi. Vốn thông minh, và sáng tạo, đọc kinh điển đến đâu, Giàu dịch ngay ra tiếng Việt, từ nguyên bản tiếng Pháp. Lê Hồng Phong học cùng khóa, giỏi tiếng Nga, kiểm tra bản dịch theo bản tiếng Nga, sau đó đánh máy bản dịch phát cho các học viên khác. Với bài bản sẵn có, Trần Văn Giàu đã dạy Chương trình Chủ nghĩa Lênin ở Đại học Phương Đông cho tù chính trị. Chương trình gồm 9 bài:

  1. Tầm quan trọng của lý luận và mối quan hệ hữu cơ giữa Chủ nghĩa Mác và Chủ nghĩa Lênin.
  2. Lý luận Mác-Lênin về cách mạng vô sản.
  3. Chuyên chính vô sản.
  4. Đảng Lêninnít của giai cấp vô sản.
  5. Chiến lược và chiến thuật.
  6. Vấn đề nông dân.
  7. Vấn đề dân tộc và thuộc địa.
  8. Vấn đề xây dựng CNXH ở Liên Xô và cách mạng thế giới.
  9. Chiến tranh và cách mạng.

Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Bác Tôn đều tham gia lớp học. Ngày đầu, Trần Văn Giàu trình bày bài học một cách hệ thống, viết các đề mục trên nền khám. Ngày thứ hai, các học viên nêu câu hỏi, Giàu giải đáp. Những ngày tiếp theo, Giàu nêu câu hỏi, học viên trả lời, hoặc thảo luận từng vấn đề đặt ra. Cuối cùng, Giàu tổng kết bài học, sửa những ý mà anh em hiểu sai, đề cao ý đúng, nhấn mạnh những vấn đề cơ bản nhất, phê phán những lý luận hoạt đầu (cơ hội), liên hệ với tình hình thực tiễn của cách mạng Đông Dương.



Lối giảng của Trần Văn Giàu khiến học viên nắm bài rất chắc, học tới đâu, nhập tâm tới đó, ngay cả đối với những người mà trình độ văn hóa không cao. Lương thích lắm. Có thể nói, sau những lớp học mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở ở Quảng Châu (Trung Quốc), những người cộng sản đã biến ngục Côn Lôn thành trường học cách mạng đầu tiên ở trong nước. Trường học sau song sắt này đã đào tạo nên một thế hệ cán bộ có lý luận, trưởng thành trong đấu tranh gian khổ, góp phần làm nên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thành công.

Sau này, có dịp gặp lại bạn cũ, Lê Văn Lương thường tâm sự: "Mình trưởng thành nhiều trong thời gian ở tù". Khi làm Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng, anh cũng nói chuyện với các cán bộ lý luận rằng, nên nghiên cứu, vận dụng những kinh nghiệm dạy và học trong nhà tù Côn Đảo vào giảng dạy trong các trường Đảng một cách hiệu quả.

Nhờ liên lạc được với đất liền, Chi bộ Côn Đảo nhận được nhiều tài liệu của Đảng ta. Căn cứ vào Điều lệ mà Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã thông qua tại Ma Cao (Trung Quốc, 1935), Chi bộ Đảng trong nhà tù Côn Đảo được xem là Chi bộ đặc biệt. Những tài liệu nhận được, Lê Văn Lương biên soạn lại, thông tin cho các khám và gửi cho anh em bên Banh II. Đôi khi, anh viết bài, thông tin trên tờ Tiến Lên và Ý Kiến Chung.

Đầu năm 1936, được tin Mặt trận nhân dân Pháp đang giành nhiều thắng lợi trong cuộc vận động tranh cử ở Pháp, Chi bộ đặc biệt quyết định phát động một cuộc đấu tranh lớn, phối hợp với phong trào Đại hội Đông Dương đang phát triển sôi nổi ở Sài Gòn và một số tỉnh. Ngày 27-3-1936, báo La Lutte đăng bản yêu sách của tù chính trị Côn Đảo, phản đối chế độ lao tù hà khắc, phản đối chế độ thuộc địa ở xứ Đông Dương, đòi cải thiện chế độ lao tù và đại xá tù chính trị. Những bức thư ngỏ và những bản hiệu triệu ngắn là do Phạm Văn Đồng viết, được giới thiệu trên báo La Lutte đã gây xúc động lớn trong các giới đồng bào Sài Gòn, làm bọn thực dân hết sức lúng túng.

Sáng 28-3-1936, Phạm Hùng gặp Xếp Banh I, đưa bản yêu sách của tù nhân đòi tháo xiềng, cải thiện chế độ ăn uống, đòi thực hiện chế độ tù chính trị và đại xá chính trị phạm. Đúng lúc ấy, chúa đảo Bouvié vừa trở lại cai trị đến thị sát Banh I. Bouvié xổ ngay một câu thô tục rồi ra lệnh cho bọn đao phủ: "Đánh thẳng cánh! Nhốt hầm! Đó là quyền lợi mà chúng được hưởng ở Côn Lôn". Bọn gác ngục xông vào quất những khúc mây tầm vông lên đầu tù nhân, bắt Phạm Hùng nhốt xà lim. Trận ấy anh Khâu (số tù 5930) bị đánh chết tại chỗ, hàng trăm người bị gãy tay, lủng đầu, phải chuyển sang khám 10 băng bó.

Lê Văn Lương đề nghị phát động một cuộc đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực, phản đối khủng bố, đòi các quyền lợi đã nêu trong yêu sách, đòi chữa chạy cho những người bị thương và trả Phạm Hùng về khám. Cuộc tuyệt thực kéo dài 9 ngày, bọn thực dân mới chấp nhận một phần yêu sách, thả Phạm Hùng, cải thiện đời sống, cho nhận thư và bưu phẩm, được đọc một số sách báo đã được nhà tù kiểm duyệt. Chúng chỉ chấp nhận cho số tù cứng đầu ở Banh I được hưởng chế độ "nửa chính trị", nghĩa là bị cắt xén theo xu hướng chính trị từng lúc.

Được tin Mặt trận nhân dân Pháp giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp (3-5-1936), Lê Văn Lương đã bàn với chi ủy, thảo yêu sách gửi Thống đốc Nam Kỳ, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa và Thủ tướng Pháp đòi đại xá tù chính trị. Ngày 11-6-1936, Chi bộ đặc biệt phát động một cuộc bãi thực và lãn công trên toàn đảo để nhắc lại các yêu sách ngày 28-5-1936 đòi đại xá tù chính trị. Theo lệnh của Thống đốc Nam Kỳ, bọn chúa ngục lập danh sách 90 tù nhân gần mãn án, tập trung về Khám 10 Banh I để chuẩn bị đưa về Sài Gòn ân xá trong dịp Quốc khánh Pháp (14-7-1936).

Đúng lúc đó, Chi bộ đặc biệt nhận được bản báo cáo của đồng chí Manouinsky tại Đại hội Đảng bộ thành phố Lêningơrát (Liên Xô) cùng tạp chí Thư tín Quốc tế của Quốc tế cộng sản. Bản báo cáo của đồng chí Manouinsky phân tích sâu sắc bản chất và nguy cơ của chủ nghĩa phát xít, đề ra nhiệm vụ trước mắt của giai cấp vô sản, không phải là lựa chọn giữa nền chuyên chính vô sản và dân chủ tư sản mà phải lựa chọn giữa dân chủ tư sản và chủ nghĩa phát xít. Vì thế, nhiệm vụ cấp bách của giai cấp vô sản lúc này là tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, thành lập Mặt trận nhân dân rộng rãi, đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình.

Lê Văn Lương thức suốt đêm, sao chép bản báo cáo, kịp phổ biến cho 90 tù chính trị sắp được ân xá để anh em trở về báo cáo với Đảng và xác định phương châm hoạt động trong tình hình mới. Bản báo cáo của đồng chí Manouinsky còn được sao chuyển cho anh em ở Banh II và quán triệt trong toàn thể tù chính trị Banh I. Công việc nhiều, Lê Văn Lương phải thức trắng đêm. Nguyễn Ngọc Cư (Trần Cung), người bạn chung xiềng có nhiệm vụ bảo vệ anh cùng thức bên ngọn đèn tù mù thắp bằng mỡ lợn, chụp trong ống bơ mà anh em nhà bếp cung cấp.

Tháng 6-1936, Chính phủ phái tả của Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, Léon Blum, lãnh tụ Đảng Xã hội làm Thủ tướng, Marius Moutet, Đảng viên Đảng Xã hội làm Bộ trưởng Bộ thuộc địa. Ra đời trong cao trào nhân dân chống phát xít, Chính phủ Pháp phải thi hành một số quyền lợi cho quần chúng lao động trong nước và các thuộc địa theo cương lĩnh của Mặt trận nhân dân. Trong hai năm 1936-1937 đã có khoảng 1100 tù chính trị được ân xá, trong đó có 500 tù chính trị Côn Đảo. Đội ngũ cán bộ từ Côn Đảo trở về đã tăng cường cả số lượng và chất lượng lãnh đạo của Đảng ta. Quá trình học tập và nghiên cứu lý luận trong tù đã củng cố lập trường giai cấp và lòng tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng. Những năm tháng đối mặt với kẻ thù trong lao tù xiềng xích, trong khủng bố đọa đày, đã tôi luyện ý chí và bản lĩnh những người cộng sản. Đó là hành trang quý giá mang về, đúng vào lúc Đảng ta nắm thời cơ, phát động cao trào Mặt trận dân chủ Đông Dương sâu rộng hiếm có ở một nước thuộc địa.

Lớp tù chính trị Côn Đảo trở về đợt ấy đã có nhiều đóng góp cho Đảng trên nhiều lĩnh vực hoạt động như củng cố tổ chức Đảng và vận động quần chúng, nâng cao trình độ lí luận, chính trị và tư tưởng trong Đảng, tổ chức mít tinh, biểu tình, diễn thuyết, làm báo công khai... Nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng trong cao trào Mặt trận dân chủ Đông Dương như Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Diểu, Hà Huy Giáp, Lê Duẩn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh... Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Tổng bí thư của Đảng (1938).


3. Duy trì hoạt động trong thời kỳ bị khủng bố trắng

Lê Văn Lương vẫn bị cấm cố tại khám 6 Banh I cùng Phạm Hùng, và Bác Tôn. Anh nhận được nhiều tờ báo công khai của Đảng mà các bạn tù trở về gửi cho như: Tin Tức, Nhành Lúa, La Lutte (Tranh Đấu), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta)...

Năm 1937, Nguyễn Chí Diểu gửi cho Lương một tấm ảnh lưu niệm gắn trên bìa cáctông, bên trong có bức thư thông báo kết qủa Hội nghị Trung ương tháng 3- 1937 về Chủ trương tổ chức mới của Đảng ta. Lương bàn với chi ủy và tổ chức cho anh em học tập, nghiên cứu một cách nghiêm túc chủ trương thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương của Đảng. Lương rất tâm đắc với sách lược đấu tranh linh hoạt, phong phú và mềm dẻo mà Đảng ta chủ trương trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Từ kinh nghiệm của bản thân, anh đã thấm thía sức mạnh tiềm tàng trong các phương pháp vận động, tranh thủ, thuyết phục.

Mùa thu năm 1940, kíp dọn tàu nhận được tài liệu của Xứ ủy Nam Kỳ, trong đó có Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 về vấn đề giải phóng dân tộc. Chi bộ đã quán triệt cho anh em tù chính trị cộng sản. Lê Văn Lương hiểu rằng cách mạng đang chuyển giai đoạn, bão táp cách mạng sắp bùng lên. Bọn gác ngục ngày càng lỳ lợm. Mỗi lần tù nhân đấu tranh, chúng chỉ nhượng bộ một vài yêu sách nhỏ. Bọn gác ngục dọa dẫm tù nhân: "Liệu hồn! Mặt trận nhân dân của chúng mày chết rồi". Qua tin tức nắm được, Lê Văn Lương biết Chính phủ Pháp ngày càng ngả về phía hữu và đi sâu vào con đường phản động, từ khi Daladié lên cầm quyền (1938).

Trong năm 1941, có hơn 4000 tù chính trị tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ bị đày ra đảo. Banh I, Banh II, Banh III đều nhốt chật tù. Bọn gác ngục đánh tù như điên như dại. Chúng cấm đọc sách báo, cấm hội họp, học tập. Phát hiện được một mẩu giấy vụn, báo chí, một mẩu san hô hay gạch non làm phấn viết là chúng đánh đập cả khám. Chế độ cấm cố, nhốt chật, đánh đập thường xuyên và ăn uống tồi tệ làm cho sức khỏe tù nhân suy sụp, bệnh tật phát triển. Hai căn bệnh phổ biến, lây lan nhanh và nguy hiểm chết người lúc đó là kiết lỵ và ghẻ hờm.

Ghẻ hờm lớn con, dễ lây và phát triển nhanh. Con ghẻ đục rãnh sâu làm thối rữa thịt, người bệnh bị hoại tử và chết rất nhanh. Hàng ngàn người đã chết thê thảm, trong đó có đồng chí Lê Hồng Phong và hai nhà yêu nước tên tuổi như Nguyễn An Ninh, Võ Công Tồn. Chi ủy họp, cử Phạm Hùng làm bí thư, thay Nguyễn Duy Trinh vừa mãn án. Một số đồng chí có năng lực được bổ sung vào cấp ủy như Trần Ngọc Danh, Võ Sỹ, Văn Viên. Chi bộ tập trung mọi nỗ lực vào hoạt động cứu tế tù nhân. Nhiều đảng viên được vận động ra làm các sở ngoài bằng cách lót tiền cho Giám thị trưởng. Bác Tôn được trở lại Sở Lưới. Trần Xuân Độ ở Banh II ra làm ở Bản Chế. Lê Văn Lương, Phạm Hùng cũng được làm khổ sai trong sân Banh I, Lang Kiều ra chữa bệnh cho Sở Recherche (Sở Truy tầm tù trốn)[2][2] Lang Kiều sinh trưởng ở Cao Lãnh, nổi tiếng là thần đồng về Đông y từ năm 17 tuổi, bị án 20 năm khổ sai trong vụ đánh cướp tàu Nguyễn Văn Kiệu, làm "kinh tế mạo hiểm", lấy của nhà giàu tài trợ cho cách mạng....

Mùa hè năm 1944, thực dân Pháp đày 140 tù chính trị án nặng (trên 15 năm) ở Sơn La và Hỏa Lò (Hà Nội) ra Côn Đảo. Đây là chuyến tù cuối cùng bị đày ra Côn Đảo trước Cách mạng tháng Tám (1945), trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo cấp trung ương, Xứ ủy và tỉnh ủy. Trong đoàn tù Sơn La - Hỏa Lò có nhiều đồng chí đã tham gia làm báo bí mật và công khai của Đảng. Anh em tập hợp hơn 20 người, mở lớp huấn luyện cán bộ làm báo. Lớp học không có thầy, anh em tự nghiên cứu, xây dựng chương trình và thảo luận với nhau, trọng tâm là hai phần: Nghiên cứu học tập và Nghiệp vụ báo chí. Lớp học nghiên cứu tổng quát lịch sử văn học thế giới, chú ý phân tích đặc điểm văn hóa của các chế độ xã hội. Những nét lớn của lịch sử văn học Việt Nam cũng được nghiên cứu và thảo luận sôi nổi. Lê Văn Lương được Đảo ủy phân công chỉ đạo lớp huấn luyện báo chí. Anh cũng theo học nghiêm túc như một học viên cần mẫn. Nhờ học tập một cách nghiêm túc, Lê Văn Lương sau này đã trở thành một cây bút lý luận sắc sảo trên Tạp chí Sinh hoạt nội bộ (1947-1950)[3][3] Tiền thân của Tạp chí Cộng sản. với bút danh Lê Thu.


4. Tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở Côn Đảo và trở về kháng chiến

Nhật đảo chính (9-3-1945), bắt giam toàn bộ lính Pháp ở Côn Đảo. Riêng số gác ngục, chúng tước vũ khí, tiếp tục cho coi tù dưới sự điều khiển của gác ngục người Việt và số tù thân Nhật. Chi bộ giao cho Lang Kiều, bằng mọi cách tranh thủ Toustou – chủ sở Recherche (sở truy tầm tù trốn) để tổ chức một cuộc vượt ngục đưa một số cán bộ có năng lực về tiếp sức cho Đảng, đón thời cơ lớn. Qua những lần tiếp xúc, Toustou nói với Lang Kiều rằng, trước đây hắn ghét cộng sản, nhưng bây giờ hắn thấy cộng sản đứng đắn, không trả thù cá nhân, không giống đám thân Nhật...

Phạm Hùng quyết định tiến thêm một bước nữa, chủ động gặp Toustou tấn công: “Quân Nhật thua đến nơi rồi. Sự thất bại của Nhật có lợi cho cả chúng tôi và các ông. Chúng ta không thể ngồi yên mà chờ được. Ông có thể ủng hộ một số anh em chúng tôi vượt ngục về hoạt động chống Nhật được không?”

Toustou trả lời: “Các anh muốn làm gì thì làm, tôi không ủng hộ được”.

Phạm Hùng trao đổi với Lê Văn Lương: tín hiệu được đấy, lặng lẽ mà làm. Lê Văn Lương nhắn Lang Kiều khẩn trương xúc tiến việc đóng thuyền, vượt ngục. Con thuyền hạ thuỷ vào trung tuần tháng 4-1945, chi ủy phân công Lang Kiều đi cùng Bác Tôn, Phạm Hùng, Cẩm Tài, Văn Viên. Toustou lờ đi nhưng không may, tên Quản Liễn đã cho quân vây bắt lại để tâng công với quân Nhật.

Tiếp quản tốp tù vượt ngục, Toustou không đánh, không phạt, chỉ bắt phơi nắng chiếu lệ rồi cho về khám.

Bọn Nhật thất trận thất thểu xuống tàu về Sài Gòn chờ giải giáp. Chúng đưa tất cả binh lính và gác ngục Pháp về để bàn giao cho quân Đồng Minh sắp kéo vào. Hôm đó là 25-8-1945. Trước đó chúng đã trao quyền cai trị quần đảo và nhà tù cho Lê Văn Trà trong một lễ trao trả độc lập giả hiệu. Hai trung đội lính bảo an người Việt được phái ra đảo làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự. Người sỹ quan chỉ huy tên là Bao tìm gặp Phạm Hùng để thông báo tình hình trong nước và truyền đạt chủ trương của Xứ ủy về việc nắm thời cơ, giành chính quyền. Bao cho biết, Hà Nội và nhiều tỉnh ngoài Bắc, chính quyền đã về tay Việt Minh. Trong này thì Long An làm rồi, Sài Gòn có lẽ chỉ nay mai. Bao khẳng định rằng, anh em bảo an binh có cảm tình với cách mạng.

Lực lượng bảo an trở thành hậu thuẫn đắc lực cho tù chính trị. Hôm sau, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Bác Tôn, Trần Ngọc Danh, Văn Viên, Võ Sỹ, Lã Vĩnh Lợi gặp chúa đảo Lê Văn Trà, yêu cầu bàn giao chính quyền trên đảo cho tù chính trị. Trà không chịu, viện cớ chưa có lệnh của chính phủ. Nhiều anh em nôn nóng, muốn bạo động cướp chính quyền. Lương, Hùng, Bác Tôn giữ thái độ kiên quyết nhưng mềm mỏng, tránh đổ máu. Khi biết lực lượng bảo an đã ngả theo tù chính trị, Lê Văn Trà chịu lui một bước, đề nghị thành lập chính quyền liên hiệp, gọi là Hội đồng Liên hiệp quốc dân Côn Đảo. Phạm Hùng tổ chức ngay lực lượng võ trang, gọi là Đoàn phòng thủ Côn Lôn với hơn 300 đội viên, nhiều người từng tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, tham gia Cứu quốc quân. Bác Tôn cùng một nhóm thợ giỏi lao vào sửa chiếc canô mà bọn Nhật phá hỏng trước khi rút để liên lạc với đất liền và sửa rađiô để nghe tin tức. Lê Văn Trà vẫn được sử dụng điều hành các hoạt động hành chính quản trị dưới sự giám sát của Trần Ngọc Danh và Lã Vĩnh Lợi. Lê Văn Lương được chi ủy giao nhiệm vụ lập danh sách toàn bộ tù chính trị cùng những tù thường phạm đã được giác ngộ chuẩn bị cho ngày trở về.

Đảo ủy phân công Lê Văn Lương chỉ đạo xuất bản tờ báo Độc lập để góp phần phổ biến đường lối chính sách của Đảng ta và của Mặt trận Việt Minh. Ban biên tập có các đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Đình Trọng, Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Mạnh Hoan, Sư Thiện Chiếu... Báo in thạch được khoảng 20 bản. Vì không có giấy khổ lớn nên phải in trên nhiều trang giấy học trò, khổ nhỏ như cuốn tạp chí; trang đầu in hai chữ Độc lập thật to, tiếp theo là bài xã luận nhan đề: Kiên quyết bảo vệ Độc lập - Tự do của Tổ quốc.

Ngày 17-9-1945, đoàn ghe tàu của Uỷ ban Hành chánh Nam Bộ ra rước chính trị phạm đã cập bến Côn Đảo. Đêm 22-8-1945, đoàn ghe tàu nhổ neo, đưa những người con ưu tú bị lưu đày trên hòn đảo địa ngục trở về đất liền. Trần Ngọc Danh, Lã Vĩnh Lợi, Tô Thúc Rịch đại diện cho chính trị phạm cộng sản trên tàu Phú Quốc; Lê Văn Lương đi trên chiếc canô mang tên Giải Phóng do chính người thủy thủ Tôn Đức Thắng cầm lái, đưa Phạm Hùng và Ban chỉ huy Đoàn Phòng thủ Côn Lôn đi hộ tống đoàn ghe.

Bác Tôn quả là người cầm lái vĩ đại, không chỉ trên chiếc canô Giải phóng mà trong suốt 15 năm trong ngục Côn Đảo, Bác Tôn vẫn là trụ cột trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảo ủy và Hội tù nhân. Bên cạnh Bác Tôn là hai chàng trai trẻ Lê Văn Lương - Phạm Hùng đầu đội án chém, gan góc và thông minh khiến cả đám gác ngục Tây - tà đều kính nể, mà với đồng chí mình rất đỗi thân thương. Lương siết chặt tay Hùng, ngắm nhìn gió biển lướt trên mái tóc bạc bồng bềnh của Bác Tôn trong bình minh của tự do - Độc Lập.

Đêm 23 tháng 9 năm 1945, tàu Phú Quốc cùng 25 chiếc ghe bầu đã đưa 1800 tù chính trị về Sóc Trăng an toàn. Đoàn tù chính trị đặt chân lên đất liền cũng là lúc thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Chưa được hưởng trọn một ngày độc lập thật sự, những người tù chính trị Côn Đảo đã lao vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Toàn thể tù chính trị Côn Đảo đã biểu lộ quyết tâm kháng chiến và giao cho Lê Văn Lương thảo bức điện gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng xin tình nguyện ở lại tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.

Cuối tháng 9-1945, Tàu Phú Quốc còn trở ra đảo một chuyến nữa, đưa 400 tù chính trị còn lại về đất liền, trong đó có cả một số tù thường phạm đã được giác ngộ. Thể theo nguyện vọng của tập thể tù chính trị, tại cuộc hội nghị Xứ ủy mở rộng tháng 10-1945, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã công bố quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tăng cường tất cả tù chính trị Côn Đảo vừa trở về cho các tỉnh Nam Bộ. Xứ ủy đã phân công các cựu tù chính trị Côn Đảo đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo chủ chốt trong các lực lượng quân-dân-chính-Đảng các cấp ở Nam Bộ./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Di tích danh thắng Bà Rịa - Vũng Tàu, Nxb CTQG, H. 1996
  2. Côn Đảo – ký sự, tư liệu, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh 1996
  3. Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo, Nxb CTQG, H. 1996
  4. Bà Rịa -Vũng Tàu Đất và Người, Văn nghệ Tp HCM, 1999
  5. Lê Văn Lương trọn đời vì sự nghiệp của Đảng. Nxb CTQG, H. 2000
  6. Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Côn Đảo 1862-1975. Nxb CTQG, H. 2010
  7. Nhà tù Côn Đảo 1862-1975. Nxb CTQG, H. 2010.

---------------------
Giảng viên khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV TPHCM.
[1] Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Diểu cùng bị xử một vụ với Lê Văn Lương, lãnh án chung thân khổ sai, bị đày ra Côn Đảo từ cuối tháng 5-1933.
[2] Lang Kiều sinh trưởng ở Cao Lãnh, nổi tiếng là thần đồng về Đông y từ năm 17 tuổi, bị án 20 năm khổ sai trong vụ đánh cướp tàu Nguyễn Văn Kiệu, làm "kinh tế mạo hiểm", lấy của nhà giàu tài trợ cho cách mạng.
[3] Tiền thân của Tạp chí Cộng sản


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment