29 Đồng chí Lê Văn Lương với thế hệ trẻ

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Nhắc đến đồng chí Lê Văn Lương, chúng ta thường nhớ đến một đảng viên thế hệ đầu tiên, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, từng đi đầu trong cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù tàn bạo ở Côn Đảo, người được Đảng ta phân công phụ trách công tác tổ chức Đảng trong nhiều năm, người đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội trong 10 năm (1976-1986). Cùng với các sự kiện, lĩnh vực công tác nổi bật này, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương còn được ghi dấu thông qua những đóng góp quan trọng khác đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.


1. Tấm gương sáng cho thế hệ trẻ về sự lựa chọn mục tiêu, lý tưởng sống

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, cha làm huấn đạo, dòng họ có nhiều người làm quan, từ nhỏ Lê Văn Lương đã sớm kế thừa truyền thống hiếu học của gia đình và được cho ăn học chu đáo. Trước khi tham gia cách mạng, Lê Văn Lương theo học tại Trường Bưởi - ngôi trường danh tiếng trên toàn Đông Dương. Thi đỗ và được vào học tại Trường là ước mơ của biết bao người, bởi lẽ sau khi tốt nghiệp, người học sẽ có cơ hội thuận lợi để vào làm việc trong bộ máy chính quyền thực dân và sống cuộc đời sung túc, an nhàn.

Tuy nhiên, người thanh niên Lê Văn Lương đã không chọn con đường đang rộng mở đó. Trước cảnh nước nhà đang bị ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp đè nặng, dân tộc đang chìm đắm trong vòng nô lệ, Lê Văn Lương đã chọn con đường gắn liền cuộc đời mình với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người dân. Đây là con đường đầy chông gai, thách thức, nguy cơ bị bắt giam, bị tra tấn và bị giết hại luôn luôn rình rập. Song con đường này cũng rất vẻ vang và rất đáng tự hào, bởi nó mang lại tự do, hạnh phúc cho cả dân tộc. Truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, gia đình hòa quyện với ý thức trách nhiệm của bản thân đối với vận mệnh đất nước, dân tộc đã tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp Lê Văn Lương có sự lựa chọn đúng đắn về mục tiêu, lý tưởng sống.

Từ một trí thức trẻ, Lê Văn Lương đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên khi 15 tuổi; gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng, khi 17 tuổi và đi “vô sản hóa” tại Sài Gòn, hòa mình với cuộc sống lao động đầy khó nhọc, vất vả của giai cấp công nhân. Với nhiệt huyết cách mạng và tinh thần nỗ lực khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đồng chí đã nhanh chóng trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, trở thành một cán bộ ưu tú trong phong trào công nhân và là một trong những đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên.

Bị thực dân Pháp bắt giam trong một cuộc đấu tranh của công nhân hãng dầu Nhà Bè - Sài Gòn và bị tòa án đế quốc kết án tử hình khi mới 19 tuổi, người chiến sĩ cộng sản Lê Văn Lương vẫn giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng và hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù, sẵn sàng chờ ngày lên máy chém. Chẳng những vậy, những ngày bị giam trong xà lim án chém ở Sài Gòn, đồng chí còn cùng đồng chí Phạm Hùng cảm hóa những tử tù thường phạm giữ thái độ bình thản trước cái chết, khiến bọn cai ngục phải nể phục.

Được giảm án tử hình xuống án chung thân và bị đày ra Côn Đảo[1][1] Khi bị đày ra Côn Đảo, đồng chí Lê Văn Lương bị giam chung còng, chung xiềng với đồng chí Phạm Hùng ở Khám 7 của Banh 1. Xem Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 133-134. - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” đối với những tù nhân, Lê Văn Lương vẫn nêu cao khí tiết của người cộng sản. Đồng chí tham gia lãnh đạo Chi bộ Đảng của Nhà tù, tổ chức tù nhân đấu tranh chống lại chế độ lao tù man rợ, khắc nghiệt, đòi giảm nhẹ chế độ lao động khổ sai, cải thiện điều kiện sinh hoạt và quyền sống, đồng thời không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận, văn hóa và rèn luyện bản lĩnh cách mạng, lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, tinh thần kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Gần 15 năm bị đày ải, hành hạ trong chốn lao tù đế quốc chẳng những không khuất phục được người cộng sản trẻ tuổi Lê Văn Lương, mà còn giúp đồng chí tôi luyện và trưởng thành, trở thành một cán bộ lãnh đạo có năng lực tổ chức thực tiễn, có tinh thần cách mạng kiên định với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù.


2. Người thường xuyên quan tâm, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ

Từ khi được giác ngộ cách mạng, được chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng con đường cách mạng và xuất phát từ thực tiễn kinh nghiệm của chính bản thân, đồng chí Lê Văn Lương rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ - những người có ưu điểm nổi bật là tinh thần nhiệt tình, hăng hái, nhanh nhạy với cái mới và sẵn sàng đi đầu trong các phong trào đấu tranh. Khi vào Sài Gòn đi “vô sản hóa” cùng đồng chí Ngô Gia Tự, để gây dựng phong trào công nhân, đồng chí trước hết tập trung tuyên truyền, giác ngộ các anh em công nhân trẻ tuổi và tổ chức cho họ đấu tranh. Thông qua thực tiễn đấu tranh, đồng chí tuyển chọn, đào tạo những cán bộ cốt cán của phong trào công nhân nói riêng, phong trào cách mạng toàn dân tộc nói chung.

Thời gian bị bắt giam trong ngục tù đế quốc, nhất là sau khi bị đày ra Côn Đảo, trong cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù tàn bạo, đồng chí Lê Văn Lương cùng các đồng chí lãnh đạo Chi bộ Nhà tù rất chú ý công tác tập hợp, tổ chức các chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi. Dưới sự tổ chức chỉ đạo của đồng chí và các đồng chí trong Chi ủy Chi bộ Nhà tù, những anh em tù nhân trẻ tuổi đã trở thành lực lượng xung kích trong các hoạt động của tù nhân, đặc biệt là trong việc chống bọn cai ngục khủng bố, tiến hành cứu tế. Mỗi khi bọn cai ngục kiếm cớ đánh đập tù nhân dã man, những anh em trẻ tuổi luôn đứng ở hàng đầu và dồn ra phía ngoài để che đỡ cho những đồng chí có tuổi, đang bị đau yếu. Những đồng chí trẻ tuổi cũng sẵn sàng xẻ cơm, nhường áo, để dành thuốc men để cứu giúp những đồng chí bị ốm đau, bệnh tật.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, được đón về đất liền tiếp tục tham gia sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Lê Văn Lương đã có những bài viết tuyên truyền, giáo dục nhân dân ta, trong đó trước hết là thế hệ trẻ, hăng hái tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược.

Sự quan tâm và đóng góp của đồng chí Lê Văn Lương đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ được thể hiện đặc biệt rõ trên cương vị Bí thư Văn phòng Ban Thường vụ Trung ương Đảng (từ đầu năm 1947) và Bí thư Trung ương Đảng (từ tháng 2-1951 đến cuối năm 1956 và từ tháng 9-1960 đến tháng 12-1976). Ngày 16-12-1950, thừa lệnh Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí ký ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương về việc chấn chỉnh công tác thanh vận. Chỉ thị chỉ ra những khuyết điểm đang tồn tại trong công tác thanh vận của tổ chức Đảng các cấp, như chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí của công tác thanh vận; không chú ý tổ chức thanh niên; không quyết tâm đào tạo cán bộ thanh niên; không tích cực lãnh đạo và hoạt động trong các đoàn thể thanh niên, thậm chí có nơi biến Đoàn Thanh niên thành tổ chức “chuyên phụ trách công tác linh tinh và vui khỏe”; trong khi đó, phần đông cán bộ thanh niên vẫn còn lúng túng về tổ chức và công tác thanh niên, chưa nhận rõ tính chất mặt trận của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam, chưa hiểu rõ tác dụng và phạm vi hoạt động của Đoàn Thanh niên cứu quốc, ít chú ý thu thập và phổ biến kinh nghiệm, kém sáng kiến trong vận động và tổ chức thanh niên, nên không làm nổi bật phong trào thanh niên.

Chỉ thị yêu cầu phải sửa chữa gấp những khuyết điểm trên bằng cách thực hiện 4 nội dung. Một là phải thảo luận, nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị cán bộ thanh vận về tổ chức và công tác của thanh niên (gửi kèm theo Chỉ thị). Hai là nhận thức đúng về vai trò và nhiệm vụ của công tác thanh vận hiện tại. Ba là nhận thức rõ sự cần thiết phải tổ chức Đoàn Thanh niên cứu quốc thành một tổ chức thanh niên trung kiên, gần Đảng, trở thành trụ cột của lực lượng thanh niên. Bốn là chú trọng hướng dẫn cán bộ thanh vận trong công tác, chú trọng đào tạo cán bộ thanh niên và phổ biến kinh nghiệm công tác thanh niên[2][2] Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 560-562 ..

Ngày 22-12-1952, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương ký ban hành Thông tri của Ban Bí thư về việc chọn con cán bộ nhà nghèo đưa ra nuôi dạy ở nước ngoài. Thông tri nêu rõ mục đích việc làm này là “cốt để đỡ bớt một phần gánh nặng gia đình cho cán bộ, để họ được yên tâm tích cực công tác, đồng thời cũng để đào tạo những thanh niên tốt để sau này phục vụ đắc lực cho nhân dân” và chỉ ra điều kiện tuyển chọn các em, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ này[3][3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 384..

Tháng 8-1955, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị về việc tăng cường công tác bảo vệ và giáo dục thiếu nhi. Chỉ thị nêu những tồn tại trong công tác bảo vệ và giáo dục thiếu nhi hiện tại và xác định: “Muốn đẩy mạnh công tác bảo vệ và giáo dục thiếu nhi trước hết các cấp Đảng cần phải coi trọng công tác đó, đồng thời kết hợp chặt chẽ công việc các đoàn thể, các ngành trực tiếp có trách nhiệm như: các đoàn thể công, nông, thanh, phụ, các cơ quan tuyên truyền, giáo dục, các đơn vị bộ đội, v.v.. Đoàn Thanh niên Lao động các cấp là cánh tay giúp Đảng trong việc này cần thường xuyên báo cáo tình hình vận động thiếu nhi với các cấp ủy Đảng và chủ động đề nghị với các ngành có kế hoạch phối hợp giáo dục và bảo vệ thiếu nhi”[4][4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 597..

Ngày 14-2-1969, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương ký ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác giáo dục trong ba năm 1968-1970. Chỉ thị chỉ ra một số thành tựu của công tác giáo dục ở miền Bắc thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh so với yêu cầu trước mắt và lâu dài của sự nghiệp cách mạng, công tác giáo dục còn nhiều thiếu sót. Trong đó đáng chú ý là số thiếu niên chưa học hết cấp II còn gần 1 triệu; số thanh niên có trình độ cấp II, cấp III chưa đáp ứng nhu cầu tuyển sinh hằng năm của các trường đào tạo công nhân kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khoa học, cán bộ quản lý kinh tế; phong trào bổ túc văn hóa cho người lớn tuổi chưa được tổ chức và lãnh đạo tốt; ở miền núi và một số nơi đồng bào theo đạo Thiên chúa, tỷ lệ mù chữ còn cao, số người có trình độ cấp II, cấp III còn ít; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa có nề nếp, chưa gắn chặt với nhiệm vụ của trường học; nội dung chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu cách mạng; sức khỏe, vệ sinh và việc rèn luyện thân thể của học sinh bị coi nhẹ ....

Chỉ thị nêu rõ quan điểm cơ bản của Đảng ta về giáo dục là: “nhà trường là một công cụ đắc lực của nền chuyên chính vô sản, công tác giáo dục là một bộ phận rất quan trọng của cuộc cách mạng tư tưởng và văn hoá”. Thế hệ sau này như thế nào, có trở thành những người kế tục đáng tin cậy sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta hay không, có đủ sức xây dựng xã hội mới nhanh và tốt hay không, phần lớn là tuỳ thuộc ở công tác giáo dục thế hệ trẻ, ở chất lượng của nhà trường xã hội chủ nghĩa, ở phẩm chất cách mạng và năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên”[5][5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 30, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 22-23.. Từ đó, Chỉ thị đề ra các phương hướng, nhiệm vụ đối với công tác giáo dục nói chung và yêu cầu cụ thể đối với các cấp học mẫu giáo, vỡ lòng, trường phổ thông, bổ túc văn hóa, đối với giáo dục miền núi, đối với việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đồng thời xác định các biện pháp chính để chuẩn bị tốt cho sự nghiệp giáo dục những năm sắp tới.

Tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, ngày 14-3-1969, đồng chí Lê Văn Lương cùng các đồng chí trong Ban Bí thư như Lê Duẩn, Tố Hữu, Nguyễn Văn Trân họp cho ý kiến về công tác vận động thanh niên năm 1969. Hội nghị nêu những nhận định về phong trào thanh niên và công tác của Đoàn Thanh niên năm 1969 với cả những ưu điểm và hạn chế, trong đó điểm nổi bật là: “công tác thanh vận nói chung và công tác của Đoàn Thanh niên nói riêng còn có những thiếu sót và nhược điểm”. Điều này được thể hiện ở bốn điểm cơ bản là: công tác vận động thanh niên chưa tập trung vào quản lý lao động và cải tiến kỹ thuật; công tác giáo dục thanh niên chưa tiến kịp với yêu cầu của phong trào; việc tổ chức và chỉ đạo học tập văn hóa còn yếu; kinh nghiệm vận động thanh niên chưa được tổng kết và nhiều cán bộ đoàn chưa nắm vững nghệ thuật vận động thanh niên. Nhằm khắc phục những hạn chế này, Hội nghị đề ra những phương hướng, nhiệm vụ công tác vận động thanh niên trong năm, trước mắt là tập trung thực hiện tốt hai nhiệm vụ cụ thể: Tăng cường giáo dục thanh niên, nâng cao ý thức và năng lực làm chủ tập thể của thanh niên; củng cố và phát triển tổ chức đoàn đáp ứng với phong trào thanh niên và sự nghiệp cách mạng[6][6] Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 30, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 36-40..

Sự quan tâm của đồng chí Lê Văn Lương đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ còn thể hiện trong thời gian đồng chí đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội (từ tháng 12-1976 đến cuối năm 1986). Trong hoàn cảnh nước nhà vừa hoàn toàn thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội với bao khó khăn, thách thức của một sự nghiệp hoàn toàn mới mẻ, đồng chí rất chú trọng phát huy vai trò xung kích của thế hệ trẻ trong việc khắc phục các trở ngại, xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quý báu của thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy và Thành đoàn tổ chức lại lực lượng thanh niên xung phong Thủ đô, lập ra lực lượng thanh niên xung phong Thủ đô đi xây dựng vùng kinh tế mới, trước tiên là ở Lâm Đồng. Đến ngày 18-5-1985, dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế Thủ đô chính thức ra đời với nhiều mô hình làm kinh tế, giải quyết việc làm cho thanh niên, như khai thác than tại Quảng Ninh, trồng rừng ở Ba Vì, trồng cói ở Hà Nam Ninh[7][7] Nay là 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.... , với hàng loạt các chế độ đãi ngộ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên tham gia. Với tác phong ân cần, sâu sát, đồng chí Lê Văn Lương đã nhiều lần đến thăm những nơi ở và làm việc của lực lượng thanh niên xung phong Thủ đô để động viên anh chị em, đồng thời sẵn sàng giúp anh chị em tháo gỡ khó khăn.

Đồng chí cũng dành thời gian thường xuyên xuống thăm, động viên các cơ sở đoàn, các điển hình tiên tiến trong thế hệ trẻ Thủ đô. Đồng chí còn trực tiếp chủ trì nhiều hội nghị chuyên đề về công tác đoàn phường và chính sách đối với cán bộ đoàn phường. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ đoàn phát huy tinh thần nhiệt tình, hăng hái tham gia công tác, để họ được tu dưỡng, rèn luyện và cống hiến trong thực tiễn. Từ đó, đội ngũ cán bộ đoàn không ngừng trưởng thành, bổ sung nguồn cán bộ cho cấp ủy Đảng và chính quyền Thủ đô.

Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương đã được Đảng, Nhà nước ta giao phó nhiều trọng trách và có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Riêng đối với thế hệ trẻ, đồng chí là tấm gương sáng về sự lựa chọn mục tiêu, lý tưởng sống, đồng thời cũng để lại những bài học quý báu về sự quan tâm, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.


---------------------
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Khi bị đày ra Côn Đảo, đồng chí Lê Văn Lương bị giam chung còng, chung xiềng với đồng chí Phạm Hùng ở Khám 7 của Banh 1. Xem Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 133-134.
[2] Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 560-562.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 384.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 597.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 30, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 22-23.
[6] Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 30, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 36-40.
[7] Nay là 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment