18 Ảnh hưởng của truyền thống quê hương đến sự hình thành tư tưởng yêu nước cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Đồng chí Lê Văn Lương, người đảng viên cộng sản lớp đầu của Đảng ta, một cán bộ lãnh đạo có uy tín của Đảng và nhân dân, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28-3-1912, tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Hưng Yên là một tỉnh nằm giữa đồng bằng Bắc Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh; phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Thái Bình và Hà Nam; phía Đông giáp tỉnh Hải Dương; phía Tây giáp Thủ đô Hà Nội.

Hưng Yên là vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, vào thời kỳ đồ đá, mảnh đất Hưng Yên đã có con người sinh sống. Trải qua quá trình dựng nước, giữ nước và chinh phục thiên nhiên, con người đã khai phá, xây dựng lên quê hương Hưng Yên giàu đẹp như ngày nay.

Năm Minh Mệnh thứ 12, tháng 10 năm Tân Mão (1831), tỉnh Hưng Yên được thành lập, gồm 4 huyện của phủ Khoái Châu và 4 huyện của phủ Tiên Hưng - thuộc Sơn Nam hạ hợp thành. Năm 1832, tách hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ của phủ Khoái Châu. Năm 1858, huyện Phù Cừ nhập vào phủ Tiên Hưng. Năm 1894, cắt hai huyện Duyên Hà và Hưng Nhân về Thái Bình. Năm 1947, huyện Văn Giang của Bắc Ninh nhập vào Hưng Yên [1][1] Trước khi hợp nhất với Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, Hưng Yên có các huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Mỹ Hào, Kim Động, Tiên Lữ, Yên Mỹ, Phù Cừ, Ân Thi và Thị xã Hưng Yên..

Là một tỉnh tiếp giáp giữa Thủ đô Hà Nội và Hải Phòng, Hưng Yên có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quân sự.

Hưng Yên có nhiều tuyến giao thông thủy, bộ quan trọng chạy qua, như đường 5 và đường xe lửa Hà Nội - Hải Phòng, đường 39 chạy qua các huyện nối thành phố Hưng Yên với thành phố Hải Dương qua đường 5 về Hà Nội. Ngoài hai con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc, Hưng Yên còn có hệ thống sông nhỏ, sông đào như sông Ngưu Giang, sông Bắc-Hưng-Hải, sông Cửu An... Hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, cho việc đi lại, giao lưu kinh tế và văn hóa giữa Hưng Yên với các vùng.

Hưng Yên là một tỉnh có kinh tế khá phát triển, ngoài nghề nông còn có các nghề thủ công sản xuất ra nhiều vật phẩm có giá trị trên thị trường, như nghề buôn đồng ở Cầu Nôm, đúc đồng ở Lộng Thượng (Văn Lâm); dệt lụa ở Liên Phương (Tiên Lữ); tương Bần (Mỹ Hào); rượu nếp Trương Xá (Ân Thi); v.v.. Phố Hiến xưa (thành phố Hưng Yên hiện nay) là một trong ba trung tâm buôn bám sầm uất ở miền Bắc Việt Nam - "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến" là điều được nhiều người nhắc đến.

Nằm giữa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, khí hậu nóng ẩm, nguồn nước dồi dào, đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng. Tuy nhiên, hàng năm Hưng Yên thường chịu những đợt giông bão, lũ lụt, hạn hán. Cuộc đấu tranh với thiên nhiên đã tôi luyện nên những phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây: giàu nghị lực, thông minh, sáng tạo và có truyền thống văn hóa.

Hưng Yên là một tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Đền Phù Ủng (Ân Thi), di tích kỷ niệm danh tướng Phạm Ngũ Lão; nơi ra đời của truyền thuyết tình sử Tiên Dung và Chử Đồng Tử, của truyện khuyết danh Phạm Tải - Ngọc Hoa, v.v..

Hưng Yên xưa còn có truyền thống học hành, trong các triều đại Lý - Trần - Lê, có hàng trăm người học hành đỗ đạt; là mảnh đất sản sinh ra nhiều danh nhân tài giỏi, có nhiều đóng góp cho đất nước trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, văn học, nghệ thuật.

Nhân dân Hưng Yên vốn có truyền thống yêu nước, căm thù quân xâm lược. Suốt chiều dài của lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân Hưng Yên đã tích cực tham gia vào các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương. Trên mảnh đất này còn để lại nhiều dấu tích ghi lại chiến công hiển hách của quân và dân Hưng Yên: Đầm Dạ Trạch (Khoái Châu) đánh quân Lương (năm 550); Tây Kết (Khoái Châu) đánh quân xâm lược Nam Hán (năm 938) và đánh quân Nguyên (năm 1285); bến Hàm Tử (Khoái Châu)... còn vang mãi chiến công.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc, nhân dân Hưng Yên đã anh dũng đứng lên chống lại quân xâm lược. Quân và dân đã làm hàng rào cọc tre và dây xích lớn ngăn trên sông Luộc để cản tàu Pháp khi chúng đánh thành Hưng Yên (năm 1873 và 1883). Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương, nhân dân Hưng Yên dưới sự chỉ huy của Đinh Gia Quế (Đổng Quế), Nguyễn Thiện Thuật (Tán Thuật), với đại bản doanh đóng ở Bãi Sậy (vùng Văn Lâm, Khoái Châu, Mỹ Hào, Văn Giang), đã đánh địch theo lối du kích, tập kích bất ngờ làm tiêu hao lực lượng của địch, khiến cho quân giặc thất điên bát đảo.

Sang đầu thế kỷ XX, nhân dân Hưng Yên tích cực tham gia vào các phong trào yêu nước theo xu hướng dân chủ tư sản, như phong trào Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục...

Làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ thuộc huyện Văn Giang xưa vốn là một làng cổ. Thời Vua Hùng thuộc bộ Vũ Ninh; thời phong kiến phương Bắc đô hộ thuộc đất Luy Lâu; thời Lý - Trần thuộc phủ Siêu Loại; thời Lê thuộc huyện Văn Giang, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc; thời Pháp thuộc, thuộc Tổng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh. Sử cũ ghi lại, vào đời Đường, Xuân Cầu có tên là Hoa Kiều. Đến đời Vua Thiệu Trị, để tránh trùng tên hoàng hậu, tên làng gọi chệch đi là Huê Cầu, rồi sau đổi thành Xuân Cầu.

Từ xa xưa, Xuân Cầu là một làng có kinh tế khá trù phú. Người dân Xuân Cầu không chỉ trồng lúa, trồng khoai, đỗ, lạc; trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải, mà còn là làng có nhiều nghề truyền thống sản xuất ra nhiều vật phẩm tiêu dùng phục vụ cho nhân dân trong làng và cho các vùng xung quanh, như: Nghề nhuộm vải thâm; nghề làm bánh mỡ (một đặc sản không mấy ở đâu có); nghề làm đậu phụ; nghề nung gạch ngói, nghề rèn... Vải thâm Xuân Cầu mặc đến sờn, rách mà vẫn không phai màu. Người xưa có câu:

"Ai về Đồng Tỉnh, Xuân Cầu,
Đồng Tỉnh bán thuốc, Xuân Cầu nhuộm thâm"
.

Vải thâm ở Xuân Cầu không chỉ bán ở Chợ Cầu, ở bến Ngóng (bến Vọng Tân), ở Tam Kỳ, mà hàng có thể đến phố Hiến, lên tận Kinh đô Thăng Long hoặc xuôi về Hải Dương, Hải Phòng, Uông Bí, Nam Định v.v..

Xuân Cầu là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Miếu cổ là nơi thờ Thành hoàng có tước vị Hoa Kiều Lang. Đình làng thờ vị Á thần Nguyễn Tính, một vị đại khoa có công phò Vua giúp nước, xây dựng quê hương. Trước đình có gác chuông, sân đá, sân bàn cờ. Văn chỉ có nhiều bia đá ghi công tích các bậc danh nhân khoa bảng của địa phương qua các triều đại.

Xuân Cầu còn là xứ sở của nhiều hội hè và sinh hoạt văn hóa dân gian. Vào mùa Xuân, người dân thường tổ chức hát tuồng, hát chèo, đánh vật, đánh đu, chơi cờ người; mùa Hè có hội thi thả chim, thả diều; mùa Thu có hát trống quân, v.v.. Các hình thức sinh hoạt văn hóa ấy được đông đảo nhân dân ưa thích và tham gia.

Tuy làm những nghề khác nhau (làm ruộng, làm nghề thủ công hay buôn bán), song người Xuân Cầu luôn sống với nhau có tình nghĩa, "tối lửa tắt đèn có nhau". Người Xuân Cầu rất mến khách. Người xưa có câu:

Ai về Đồng Tỉnh, Hoa Cầu
Để thương, để nhớ để sầu cho ai?
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương, để nhớ cho ai bây giờ
.

Xuân Cầu là một làng quê giàu truyền thống yêu nước cách mạng. Cuối thế kỷ 19, ngay sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Hải Dương và Hưng Yên, chúng đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của nghĩa quân Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật (Tán Thuật) và Ngô Quang Huy (Tán Huy) [2][2] Ngô Quang Huy làm đốc học ở tỉnh Bắc Ninh, là ông ngoại của Tô Chấn, Tô Hiệu. lãnh đạo (1885-1889). Nhân dân Xuân Cầu đã tích cực hưởng ứng và tham gia vào khởi nghĩa Bãi Sậy, như quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho nghĩa quân.

Khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên đất nước ta thì làn sóng yêu nước lại dâng lên khắp cả nước. Nhân dân Xuân Cầu tích cực tham gia chống thực dân Pháp.

Lịch sử và con người Xuân Cầu trong quá trình phát triển đã tạo nên một miền quê có bề dày lịch sử và truyền thống văn hiến với những tính cách tiêu biểu của con người Việt Nam: Yêu nước, cần cù, chịu khó, có tinh thần cách mạng, đoàn kết gắn bó với cộng đồng, trọng hiền tài, khéo léo tế nhị trong quan hệ ứng xử...

Đồng chí Lê Văn Lương sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nước và khoa bảng ở Xuân Cầu.
Thân phụ là ông Nguyễn Đạo Khang, từng đỗ Tú tài, làm Huấn đạo. Họ Nguyễn ở Xuân Cầu là một dòng họ nối đời khoa bảng, như:
Nguyễn Hằng đỗ Tiến sĩ năm Bính Tuất (1586),
Nguyễn Tính (con trai út của Nguyễn Hằng) đỗ Tiến sĩ khoa thi Bính Tuất (1646),
Nguyễn Hành (cháu ngoại của Nguyễn Tính, đỗ Tiến sĩ năm Mậu Thìn (1693);
Nguyễn Gia Cát (hậu duệ của Nguyễn Tính) đỗ Tiến sĩ năm Đinh Mùi (1787);
Nguyễn Đạo Quán (bác ruột của Nguyễn Công Miều) đỗ Phó bảng năm Mậu Tuất (1898)...
Thân mẫu là bà Tô Thị Tám, con gái cụ Đốc Nam Tô Ngọc Nữu. Cụ Đốc đỗ Cử nhân năm 1850, từng làm quan ở Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, nên dân trong vùng gọi là cụ Đốc Nam. Dòng họ Tô cũng là một dòng họ có nhiều người đỗ đạt, như:
Tô Trân đỗ Tiến sĩ năm Bính Tuất (1826)
Tô Đăng (con trai Tô Trân) đỗ Cử nhân năm 1867;
Tô Hiền đỗ Hương Cống;
Tô Huân (con trai Tô Hiền) đỗ Phó bảng năm Mậu Thìn (1868), v.v...

Ông bà Khang sinh được 7 người con (5 trai, 2 gái), đồng chí Lê Văn Lương là người con thứ ba trong gia đình. Hai anh trai là Nguyễn Công Hoan (nhà văn) và Nguyễn Công Mỹ (nguyên Giám đốc Nha Bình dân Học vụ). Hai em trai là Nguyễn Công Bồng (nguyên Phó Giám đốc Nha Công an) và Nguyễn Công Bông (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang).

Sinh ra và lớn lên ở Xuân Cầu (Hưng Yên) - một vùng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương đã sớm hấp thụ được truyền thống của quê hương, dòng họ, hình thành trong Anh nhân cách và nghị lực sống có lý tưởng vì dân, vì nước, thôi thúc anh quyết tâm đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc.

--------------------
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Trước khi hợp nhất với Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, Hưng Yên có các huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Mỹ Hào, Kim Động, Tiên Lữ, Yên Mỹ, Phù Cừ, Ân Thi và Thị xã Hưng Yên.
[2] Ngô Quang Huy làm đốc học ở tỉnh Bắc Ninh, là ông ngoại của Tô Chấn, Tô Hiệu.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment