Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912 - 28/3/2012)

Thursday, March 22, 2012

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà cách mạng Lê Văn Lương (28/3/1912 - 28/3/2012)

_ Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội _

I - KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN LƯƠNG


Đồng chí Lê Văn Lương, tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28 tháng 3 năm 1912 trong một gia đình nho học tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ lúc theo học tại trường Bưởi, Hà Nội, đồng chí đã được Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giác ngộ cách mạng, cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ tham gia bãi khóa, để tang Phan Châu Trinh (1926). Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tháng 6 năm 1929, đồng chí gia nhập nhóm Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức cộng sản ở nước ta lúc đó, và đến khi thống nhất tổ chức thành một đảng duy nhất, đồng chí trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 8 năm 1929, đồng chí được cử vào Sài Gòn hoạt động để gây dựng cơ sở cách mạng. Đến tháng 3 năm 1931, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt và giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Năm 1933, đồng chí bị kết án tử hình cùng với 7 người khác. Do sự vận động và đấu tranh của nhân dân ta, đặc biệt là của các nghị sĩ tiến bộ Pháp, đòi bỏ án tử hình và trả tự do cho tù chính trị ở Đông Dương, đồng chí được giảm xuống án chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Trong tù, đồng chí tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ nhà tù, cùng các đảng viên lãnh đạo đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Trung ương đón về Nam Bộ, tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Bộ. Tháng 10 năm 1945, đồng chí được cử làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ. Tháng 1 năm 1946, đồng chí được Trung ương điều ra Bắc, giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật. Đầu năm 1947, đồng chí được cử làm Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng.

Tháng 2 năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Từ giữa năm 1953, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Cải cách ruộng đất Trung ương do đồng chí Trường Chinh làm Trưởng ban, đồng chí Lê Văn Lương được phân công tham gia Ban lãnh đạo Cải cách ruộng đất.
Hòa bình lập lại, năm 1954, đồng chí được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 11 năm 1956, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Khu ủy Tả ngạn. Tháng 8 năm 1957, đồng chí làm Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Đầu năm 1959, đồng chí được cử giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Đồng chí Lê Văn Lương (giữa) và Đại tướng Văn Tiến Dũng đón Bác Tôn Đức Thắng vào dự lễ ra mắt của Chính phủ tại Tp.HCM.Đồng chí Lê Văn Lương (giữa) và Đại tướng Văn Tiến Dũng đón Bác Tôn Đức Thắng vào dự lễ ra mắt của Chính phủ tại Tp.HCM.

Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Ban Bí thư. Năm 1973, đồng chí được phân công kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng.

Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Từ năm 1976 đến năm 1986, đồng chí được phân công tham gia Thành ủy Hà Nội và được bầu làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Cuối năm 1986, do tuổi cao sức yếu, đồng chí không tham gia Ban Chấp hành Trung ương, thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trong thời gian này, đồng chí vẫn được Bộ Chính trị phân công tham gia tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Đồng chí còn là đại biểu Quốc hội các khóa VI và khóa VII.

Đồng chí từ trần ngày 25 tháng 4 năm 1995 tại Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội, thọ 83 tuổi.

Là một trong những đảng viên cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, III, IV, V. Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Văn Lương thể hiện tấm gương của một chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng chí là một cán bộ có ý thức tổ chức kỷ luật rất cao, sống trung thực, giản dị, hòa nhã với mọi người, luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đồng chí, của nhân dân.

Với những hoạt động và cống hiến đối với Đảng, cách mạng và dân tộc, đồng chí Lê Văn Lương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.


II. NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN LƯƠNG VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC


1. Đồng chí Lê Văn Lương thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, dũng cảm, trung kiên, một lòng một dạ theo lý tưởng Cộng sản.

Sinh ra trong một gia đình nho học và khoa bảng ở một địa phương có truyền thống hiếu học và yêu nước, đồng chí Lê Văn Lương đã kế thừa được các phẩm chất cao quý của gia đình, dòng họ và quê hương. Từ những năm học trường Bưởi, cùng với người bạn học Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương được Ngô Gia Tự giác ngộ cách mạng. Năm 15 tuổi, đồng chí đã tham gia Hội Việt nam Cách mạng Thanh niên. Được đấu tranh và rèn luyện trong tổ chức cách mạng, đồng chí đã đem nhiệt huyết của tuổi trẻ đấu tranh chống áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến. Năm 17 tuổi, đồng chí đã là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng.

Thực hiện chủ trương "vô sản hóa" của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương cùng với đồng chí Ngô Gia Tự vào Sài Gòn hoạt động trong phong trào công nhân, lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Sau khi bị mật thám bắt, đồng chí Lê Văn Lương cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lý Tự Trọng, Lê Quang Sung đều bị kết án tử hình... Lúc ấy, đồng chí Lê Văn Lương mới 18 tuổi. Với bản lĩnh và khí phách của người cộng sản chân chính, các đồng chí đã chuẩn bị sẵn tinh thần để hiên ngang lên máy chém… Bản lĩnh và khí phách ấy đã khiến những viên cai ngục nổi tiếng tàn bạo của chế độ thực dân phải nể trọng.

Do những tác động tích cực của cách mạng thế giới và sự đấu tranh trực tiếp của các đảng viên cộng sản, thực dân Pháp buộc phải đày đồng chí Lê Văn Lương và các đồng chí Phạm Hùng, Lý Tự Trọng, Lê Quang Sung ra Côn Đảo. Suốt 15 năm lao tù, trong đó có 11 năm tại Côn Đảo, nơi được coi là địa ngục trần gian do thực dân đặt ra để đày đọa những người chống đối, đồng chí luôn giữ vững khí tiết cách mạng, phẩm chất cộng sản. Với tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, Lê Văn Lương đã cùng với các đồng chí của mình thành lập Chi bộ cộng sản ngay tại cái “địa ngục trần gian” ấy. Cũng tại đây, đồng chí được Chi bộ cử vào Ban lãnh đạo nhà tù Côn Đảo, lãnh đạo các đảng viên trong nhà tù đấu tranh kiên cường với kẻ thù. Ngày đi làm khổ sai, tối đến, đồng chí Lê Văn Lương vẫn cần mẫn viết bài chỉ đạo cho báo “Tiến lên”, tờ báo bí mật của Hội tù nhân, hướng dẫn đấu tranh trong tù và tập san “Ý kiến chung” - tập san nghiên cứu lý luận trong tù. Đến tháng 7/1935, khi đồng chí Trần Văn Giàu bị bắt và đày ra đảo, đồng chí Lê Văn Lương đã bàn với đồng chí Phạm Hùng giao cho Trần Văn Giàu mở lớp dạy lý luận trong tù. Bản thân đồng chí Lê Văn Lương cũng là một học viên chăm chỉ của lớp. Tấm gương của đồng chí có ảnh hưởng tích cực đến những người tù ở toàn đảo, đến phong trào cách mạng ở trong nước qua những đồng chí được trả lại tự do hay hết hạn tù. Những hoạt động tích cực của Chi bộ nhà tù và đồng chí Lê Văn Lương đã góp phần đào tạo, rèn luyện được một thế hệ cán bộ của Đảng dày dạn kinh nghiệm chỉ đạo phong trào cách mạng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Lê văn Lương luôn thể hiện là một người cộng sản chân chính, vì nước, vì dân, vì sự nghiệp của Đảng.


2. Đồng chí Lê Văn Lương thuộc thế hệ lãnh đạo đầu tiên, nòng cốt của ngành tổ chức Trung ương Đảng, có công trong nhiều mặt của công tác Đảng, có tác phong làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, công bằng.

Đồng chí Lê Văn Lương đã trải qua nhiều chức vụ của Đảng và Nhà nước. Trên các cương vị của mình, đồng chí đều thể hiện sự thận trọng, khéo léo trong xử lý công việc, nhưng kiên định về nguyên tắc Đảng.

Năm 1948, khi được bầu bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Chánh Văn phòng Trung ương, đồng chí là người làm việc bên cạnh Bác Hồ và trong Thường vụ Trung ương, cùng với đồng chí Trường Chinh giải quyết các công việc hàng ngày của Đảng. Khi các Ban xây dựng Đảng lần lượt ra đời: Đảng vụ (Tổ chức), Kiểm tra, Dân vận, Tài chính, với cương vị Chánh Văn phòng, đồng chí đã chủ động sắp xếp, giúp Trung ương bảo đảm sự vận hành có hiệu quả công việc của Đảng, giữ mối liên hệ giữa Trung ương và các Khu ủy, Tỉnh ủy. Trong thời gian làm Trưởng ban Đảng vụ từ 1948 - 1950, đồng chí đã giúp Trung ương Đảng soạn thảo Điều lệ Đảng mới, lập danh sách những người ứng cử vào Ban Chấp hành, Ban Bí thư, Bộ Chính trị… để góp phần vào công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ II.

Sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, ngày 21/6/1951, đồng chí Lê Văn Lương đã viết bài cho báo Nhân dân với chủ đề “Học tập Nghị quyết Đại hội Đảng như thế nào”. Bài viết chỉ rõ những mặt được và chưa được trong việc học tập Nghị quyết Đại hội Đảng. Theo đồng chí, cần xác định rõ mục đích của việc học Nghị quyết, đó là: “làm cho mỗi đảng viên tăng gia tinh thần trách nhiệm, tăng gia ý thức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân”. Đến ngày 26/7/1951, đồng chí tiếp tục viết bài “Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng”, trong đó nêu rõ vai trò quan trọng của công tác tư tưởng trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời cần nêu cao ý thức phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân, nhất là phải “nắm vững lập trường và quan điểm giai cấp” trong xây dựng Đảng; thực hiện đúng đường lối quần chúng của Đảng và nâng cao ý thức tổ chức. Đồng chí nêu rõ: “Tất cả cán bộ và đảng viên bất kỳ hoạt động ở ngành nào, cũ hay mới, công nông hay trí thức, cấp trên hay cấp dưới đều phải đoàn kết, nhất trí, phải hăng hái công tác, hăng hái chấp hành Nghị quyết của đa số và cấp trên, tuyệt đối phải phục tùng kỷ luật của Đảng”.

Khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh. Đã góp phần phát triển được đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực, xây dựng hệ thống tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh ở các cấp, các ngành, các địa phương với cơ chế hoạt động ngày càng tiến bộ. Trong công tác tổ chức, đồng chí còn có trách nhiệm cao đối với sinh mạng chính trị của cán bộ đảng viên và công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, yêu thương cán bộ, công minh, kiên quyết bảo vệ cái đúng và người tốt, đấu tranh không khoan nhượng đối với cái sai; gần gũi quần chúng, vì sự tiến bộ của đồng chí mình. Đồng chí luôn đi sát cơ sở, đặc biệt chú trọng chỉ đạo việc thực hiện đường lối, chính sách cán bộ của Đảng.

Trong 10 năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (giai đoạn 1976 - 1986), đồng chí rất chú trọng đến việc xây dựng thế hệ cách mạng cho đời sau. Nhiều cán bộ trẻ được tuyển lựa làm công tác Đoàn ở cơ sở thời kỳ ấy, nay đã giữ vị trí chủ chốt trong bộ máy Đảng, chính quyền của thành phố Hà Nội.

Đồng chí Lê Văn Lương là học trò, cộng sự thân tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng cuối đời của Bác, khi Bác đang chữa bệnh ở nước ngoài, đồng chí đã luôn ở bên Bác, nhận những chỉ thị của Bác đối với Bộ Chính trị và truyền đạt lại các ý kiến của Bộ Chính trị đối với Bác. Tấm gương giản dị, chí công vô tư của Bác được đồng chí Lê Văn Lương thấm nhuần sâu sắc. Ngay sau khi không tham gia Ban Chấp hành Trung ương và thôi giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí đã có ý định trả lại căn nhà công vụ mà Trung ương dành cho mình. Ý nguyện ấy đã được người vợ thân yêu của đồng chí - đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận - thực hiện sau này.


3. Một người lãnh đạo trung thực, ngay thẳng, dám nhận trách nhiệm trước sai lầm, không vì lợi ích cá nhân, đồng thời cũng là người nhân hậu, sống có tình, có nghĩa với đồng chí, đồng bào.

Trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, do không xuất phát từ thực tiễn nước ta, lại làm theo kinh nghiệm của nước ngoài nên ta đã phạm phải một số sai lầm. Trước khuyết điểm chung ấy, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã dũng cảm tự phê bình và đề ra phương hướng sửa chữa. Đồng chí Lê Văn Lương đã tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình và xác minh những sai lầm để báo cáo với Bác Hồ, với Trung ương Đảng, giúp Trung ương đề ra những biện pháp sửa sai. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, đồng chí Lê Văn Lương đã dũng cảm, trung thực nêu lên tất cả những sai lầm, thể hiện trong bản báo cáo do đồng chí chuẩn bị trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1956. Bản báo cáo đã nhìn thẳng vào sự thật, tổng hợp đầy đủ những sai lầm, tổn thất để Hội nghị Trung ương xem xét và được Hội nghị Trung ương chấp nhận. Hội nghị Trung ương cũng đồng ý những biện pháp sửa sai đã đề ra trong báo cáo như: thả ngay những người bị bắt oan; minh oan ngay cho những người bị bắt oan, bị xử oan; khôi phục đảng tịch cho những đảng viên bị xử lý sai, vv… Do đó, công tác sửa sai của Đảng được tiến hành rất khẩn trương và có kết quả. Bản thân đồng chí Lê Văn Lương thấy mình có phần trách nhiệm về sai lầm trong công tác chỉnh đốn tổ chức Đảng, đã tự xin rút khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. Đồng chí được điều về làm Bí thư Khu ủy Tả Ngạn.


Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, có hàng vạn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị địch bắt, tù đày. Trong số đó, cũng có một số người không chịu nổi sự tra tấn của địch, đã đầu hàng làm tay sai cho chúng. Do đó, một số tổ chức Đảng đã nghi kị, không tin tưởng những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị địch bắt, có nơi không bố trí đề bạt vào các vị trí quan trọng, không bố trí ở một số ban của Đảng. Nhận thấy bất cập ấy, đồng chí Lê Văn Lương, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư đã đề xuất với Ban Bí thư ra chỉ thị về vấn đề này. Đó là Chỉ thị “Về việc đón tiếp những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị địch bắt, tù đày là những người chiến thắng trở về”. Từ đó, những nghi kỵ, mặc cảm được giải tỏa. Những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị bắt được xác minh rõ ràng thì bố trí, đề bạt như những cán bộ khác. Rất nhiều anh em bị tù đày trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, sau ngày thắng lợi năm 1954, vì Đảng và Nhà nước trước đây chưa có chính sách thật phù hợp, chịu thiệt thòi nhiều mặt, từ ngày có chính sách mới của Đảng đã được an ủi, động viên rất nhiều.

Lúc còn là tù án chém ở Sài Gòn, những cử chỉ, hành động của đồng chí Lê Văn Lương không những thể hiện tấm lòng nhân hậu của đồng chí, mà còn cảm hóa được nhiều tên cai ngục ác ôn. Đằng sau xà-lim có rặng đu đủ, chim đến kêu ríu rít. Nhưng ít ngày sau thấy tù án thường cứ vác sào, vác gậy đuổi. Hỏi mới biết cai ngục ra lệnh cho họ phải đuổi chim giữ đu đủ chín cho các tử tù ăn. Đồng chí đã gọi cai ngục vào, bảo: “Cho các anh đuổi chim, chúng tôi không nghe chim ríu rít nữa cũng được… Nhưng đu đủ chín phải để cho con nít ở khám phụ nữ. Chúng không có tội gì mà đã phải ở tù”. Khi bọn lính gác tước quà của tù án thường để cho tù chính trị án tử hình, đồng chí đã nói với bọn này: “Người ta ở tù so với chúng tôi còn khổ hơn, chúng tôi cấm các anh lấy của người ta như thế”. Với chính bọn lính gác, đồng chí cũng giác ngộ chúng: “Chúng tôi đánh thằng Tây, đánh đế quốc, thù oán gì các ông”.

Đi công tác ở Hải Phòng khi mới tiếp quản thành phố, đồng chí đã đến ngay các xóm lao động, cùng các đồng chí lãnh đạo của Hải Phòng xem xét giải quyết những vấn đề bức xúc nhất trong cuộc sống của người lao động. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội trong 10 năm (1976-1986), là thời kỳ Hà Nội chịu nhiều khó khăn như thiếu lương thực thực phẩm, chất đốt, thiếu điện, thiếu nước sạch…, đồng chí Lê Văn Lương đã luôn luôn chăm lo, tìm cách giải quyết kịp thời các khó khăn của dân, đem hết tâm huyết lo cho thành phố, lo cho nhân dân vượt qua thời kỳ khó khăn đó.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Lương đã để lại những tình cảm tốt đẹp đối với đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân. Khi nhắc đến đồng chí Lê Văn Lương, mọi người đều nghĩ ngay đến một người cộng sản kiên cường, dũng cảm, trung thực, một người lãnh đạo, người đồng chí mẫu mực, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.


III - NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN LƯƠNG VỚI THỦ ĐÔ HÀ NỘI


Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Bộ Chính trị phân công đồng chí Lê Văn Lương về Hà Nội công tác và đồng chí đã được bầu làm Bí thư Thành ủy (khoá VII).

Suốt 10 năm (từ 30/5/1977 đến 23/10/1986), được Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội tín nhiệm bầu làm Bí thư Thành ủy từ khóa VII đến hết khóa IX(1985), đồng chí Lê Văn Lương đã mang hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, chăm lo cuộc sống của nhân dân Thành phố. Đây cũng là thời kỳ Hà Nội được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Bộ Chính trị đã ra các nghị quyết quan trọng về quy hoạch, cải tạo và xây dựng Thủ đô Hà Nội, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng: xây dựng Thủ đô Hà Nội vững mạnh là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng XHCN và xây dựng CNXH trên đất nước ta.

Trong 10 năm đứng mũi chịu sào trong điều kiện hết sức khó khăn về đời sống và mọi mặt kinh tế - xã hội, vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh để lại, cải thiện đời sống nhân dân, vừa từng bước xây dựng Hà Nội cho xứng với vị thế mới, đồng chí Lê Văn Lương đã nêu cao tinh thần chủ động, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân và có nhiều đóng góp to lớn, thể hiện đậm nét nhất trên các vấn đề sau:


1. Nỗ lực và chủ động tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - văn hóa của Thủ đô, bảo đảm đời sống nhân dân

Năm 1977, khi thành phố được mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi về nhân tài vật lực cho Thủ đô, nhưng cũng nảy sinh ra nhiều khó khăn bất cập, đời sống nhân dân ngày càng gieo neo trong sự khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nắm vững chủ trương của Trung ương và vận dụng sáng tạo vào điều kiện đặc thù riêng của Thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Văn Lương với vai trò Bí thư Thành ủy đã nêu cao và giữ vững luận điểm “phát huy nội lực Thủ đô”, nêu cao ý chí tự lực tự cường, tiềm năng và sức sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân Hà Nội, lấy sản xuất làm gốc để giải quyết các vấn đề nhức nhối, nóng bỏng trên mặt trận phân phối lưu thông.

Tư tưởng chủ động, huy động mọi nguồn lực của các tầng lớp nhân dân Thủ đô là chính, để phát triển kinh tế, cũng được đồng chí nêu rõ trong bút tích để lại (tháng 6 -1983): “Khi Trung ương xác định nhiệm vụ xây dựng Thủ đô không chỉ là nhiệm vụ của địa phương mà là trách nhiệm của cả Trung ương và Trung ương phải tập trung đầu tư cho Thủ đô, chúng ta vẫn không được ỷ lại. Tôi nghĩ rằng, đặc biệt trong bước đi ban đầu ở nước ta càng phải hết sức phát huy tiềm năng của địa phương, trên cơ sở đó mới tính đúng được phần đầu tư của TW, tuy phần đầu tư này rất to lớn”. Với quan điểm đó, đồng chí đã chỉ đạo các ngành kinh tế nỗ lực tích cực chủ động liên kết với các tỉnh thành phía Bắc và phía Nam. Đặc biệt, chủ trương tăng xuất khẩu nông sản và hàng hóa trong các ngành nghề thủ công tinh xảo ở nông thôn đã phát huy được thế mạnh của nông nghiệp ngoại thành, góp phần quan trọng tăng thu nhập lương thực, thực phẩm và ngoại tệ cho Thành phố, đưa nghị quyết Đảng đi vào cuộc sống, hợp lòng dân và là những căn cứ quan trọng, góp phần tạo tiền đề để Trung ương ban hành Chỉ thị 100 (ngày 13-1-1981) về cải tiến công tác khoán đến nhóm lao động và người lao động trong nông nghiệp HTX nông nghiệp.


2 - Thực hiện tốt từng bước dỡ bỏ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp không phù hợp để thúc đẩy và mở đường cho sản xuất phát triển

Sau Đại hội IX của Đảng bộ thành phố, với khí thế mới, quyết tâm mới, đồng chí Lê Văn Lương đã chỉ đạo những mặt công tác cụ thể để phát huy tốt hơn nữa thế mạnh của Thủ đô. Đặc biệt, ý kiến của đồng chí về việc huy động vốn của Việt kiều về để mở rộng liên kết, làm nhiều hàng công nghệ xuất khẩu, đặt trong bối cảnh lúc đó, là hết sức mạnh dạn, chủ động trong việc huy động tiềm năng của các tầng lớp nhân dân.

Nhờ áp dụng từng bước cơ chế quản lý mới và kiên quyết tập trung chỉ đạo sửa đổi một số chính sách kinh tế đã lỗi thời, nên kinh tế - văn hóa Hà Nội dần dần có nét khởi sắc: sản xuất công nghiệp có tiến bộ, nông nghiệp đã giành được những thắng lợi đáng kể, xuất nhập khẩu và kinh tế đối ngoại bước đầu có tiến bộ; nhà ở, trường học được chăm lo xây dựng nhiều hơn trước. Ngành giáo dục đã phổ cập hết cấp I trong toàn nội thành và 4 huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, bắt đầu thực hiện chương trình cải cách giáo dục hệ phổ thông.

Tuy vậy, năm 1984- 1985 tình hình kinh tế - xã hội vẫn chưa được ổn định, thị trường rối loạn, đời sống của cán bộ, nhân dân gặp nhiều khó khăn, những hạn chế, khuyết điểm của Thủ đô Hà Nội đã bộc lộ tập trung, rõ rệt nhất hậu quả của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Tại Đại hội X của Đảng bộ Thành phố (tháng 10/1986), đồng chí Lê Văn Lương trong bản Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đã nhấn mạnh cương lĩnh hành động cách mạng của Đảng bộ, trong đó nêu rõ phương châm hành dộng cho toàn Đảng, toàn dân Thủ đô: “Mọi công việc phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu; coi trọng tổ chức công tác thực tiễn, kiên quyết chuyển đổi cơ chế quản lý từ tập trung quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa... nâng cao sức chiến đấu của Đảng, đặc biệt coi trong củng cố tổ chức Đảng ở cơ sở, kiên quyết đưa những phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất ra khỏi Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh”.


3 - Chỉ đạo có hiệu quả trong công tác quy hoạch và mở rộng đô thị, gắn công tác quản lý đô thị với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền quản lý ở ba cấp.

Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VII (tháng 6/1977), đồng chí Lê Văn Lương đã đề xuất ý kiến: Nghiên cứu quy hoạch, kế hoạch, bước đi của sự nghiệp xây dựng Thủ đô. Sau đó, tháng 6/1978, đồng chí thay mặt Ban Thường vụ, trình Bộ Chính trị ý kiến của Thành ủy Hà Nội về mở rộng quy hoạch thành phố. Đó là cơ sở thực tiễn để ngày 29/12/1978, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 4 đã phê chuẩn việc mở rộng thành phố lần thứ hai. Hạ tầng đô thị sau hơn 10 năm dồn sức tất cả cho tiền tuyến, đã xuống cấp và nhân dân sau chiến tranh có nhu cầu hết sức bức thiết về giải quyết nhà ở, trường học bệnh viện, điện nước sinh hoạt. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Văn Lương, một số công trình hạ tầng giao thông vận tải đã được mở mang với những công trình trọng điểm: cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Đuống, cảng Phà Đen, sân bay Nội Bài. Nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên ở nội thành và các cửa ô, đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở cho công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang. Đồng chí đã mạnh dạn chủ động đề nghị với Trung ương, làm thí điểm thành lập cấp phường - đơn vị hành chính cấp cơ sở - có con dấu riêng. Từ đó, góp phần quan trọng vào nghị quyết của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI (ngày 18/12/1980), đóng góp sửa đổi một số điều Hiến pháp mới, trong đó, ghi rõ bộ máy chính quyền thành phố tổ chức thành ba cấp: thành phố - quận - phường.

Khi thành phố có ba cấp chính quyền, việc nâng cao trình độ của cán bộ để đáp ứng yêu cầu của đô thị Hà Nội đã mở rộng lại càng trở nên cấp bách, đòi hỏi phải đổi mới trong công tác cán bộ và đổi mới tư duy, biết cải tiến cách làm kế hoạch, thể hiện tính tích cực, chủ động, kiên quyết chấn chỉnh bộ máy, đổi mới phong cách làm việc có tính thiết thực.

Từ những cán bộ đầu tiên khi mới thành lập phường, quận, được Đảng bộ quan tâm, không ngừng xây dựng, kiện toàn, củng cố, đội ngũ cán bộ cấp quận, phường đã dần đáp ứng yêu cầu quản lý, xây dựng của một đô thị với vị trí đặc biệt là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của cả nước, mà người đặt nền móng đầu tiên, chính là đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Lương.


4 - Chú trọng nâng cao năng lực chỉ đạo và quản lý của đội ngũ cán bộ, nêu gương sáng của người cộng sản mẫu mực

Trong những năm tháng trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lê Văn Lương đã nêu tấm gương sáng về người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tận tụy. Các cán bộ Thành ủy thời kỳ đó đã quen với hình ảnh đồng chí Lê Văn Lương thức khuya để tính toán cân đối lương thực từng tuần, từng tháng cho các quận, huyện. Đồng chí nói với mọi người thật giản dị, chân thành: “Dẫu ta vất vả đến mấy nhưng lương thực được đảm bảo cho đồng bào, đấy là hạnh phúc”. Đối với Thành ủy và UBND thành phố, cần cải tiến lề lối làm việc từ chính tư duy, lề lối của cán bộ lãnh đạo: “Phải chống một quan niệm hình như cho rằng: cơ quan lãnh đạo ra nghị quyết, hoặc tổ chức một hội nghị cán bộ thông báo nghị quyết, thế là đã tròn nhiệm vụ. .. Vấn đề cơ bản vẫn là phải biến nghị quyết thành hành động cách mạng thực tiễn của đông đảo quần chúng nhân dân để cải biến tình hình, đưa cách mạng tiến lên. Đó là một vấn đề phải dứt khoát để thanh toán hiện tượng một số nghị quyết không thực hiện được hoặc thực hiện “đầu voi đuôi chuột”. Công tác cán bộ được đồng chí chú trọng quan tâm thông qua nâng cao trình độ và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, đưa nghị quyết vào cuộc sống có hiệu quả thật sự, chống bệnh thành tích, phô trương.

Những năm tháng công tác trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí đã rút ra bài học quý, đó là: Địa phương nào nắm vững nghị quyết, năng động, sáng tạo, đi từ thực tế của địa phương mình, cụ thể hóa nghị quyết, đề ra những biện pháp sát, đúng, làm rõ chế độ trách nhiệm, động viên được tình cảm cách mạng, ý thức làm chủ tập thể của quần chúng trong quá trình thực hiện thì địa phương đó biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực.

Cẩm nang hành động để đi đến thắng lợi của người lãnh đạo mà đồng chí đã tâm huyết đúc rút là:

- Phải tích cực làm nhiệm vụ Đảng viên, trung thực, đoàn kết.

- Lối ra cơ bản trước khó khăn là: gặp bất kỳ khó khăn nào cũng phát huy trí tuệ của tập thể, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.

- Hết sức phát huy trí sáng tạo của đông đảo quần chúng, nắm vững phương châm: dựa vào quần chúng sẽ giải quyết được mọi việc.

- Định ra chương trình, kế hoạch làm việc tốt. Chọn đúng mắt xích để giải quyết tập trung dứt điểm, phát huy các điển hình tiên tiến trong địa phương”.

Đó cũng chính là phẩm chất của người cán bộ suốt đời vì Dân vì Đảng. “… là tấm gương phấn đấu sống, làm việc và đấu tranh như một người cộng sản mẫu mực…” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết, để lại bao tình cảm ấp áp, nghĩa tình trong lòng đồng chí, đồng bào ở những nơi đồng chí đến thăm như Cổ Loa - Đông Anh, Mê Linh, Ba Vì, Lâm Đồng, Tổng đội Thanh niên xung phong ở Quảng Ninh,...


*
*   *


Suốt đời tận tụy, trung thành cống hiến cho Dân, cho Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng ngày 31-1-1989 và nhiều huân chương cao quý khác. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí, chúng ta càng thấm thía sâu sắc khi đọc di cảo đồng chí để lại trong đợt kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng: “Tất cả cán bộ đảng viên chúng ta cần đem những gì tốt đẹp nhất của mình đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp của Đảng. Phải nâng cao củng cố Đảng, xây dựng Đảng thật vững mạnh, đảm bảo thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng do Đảng đề ra. Đây là thái độ đúng đắn nhất cần xác định nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng quang vinh của chúng ta”.



Ban tuyên giáo thành ủy

0 nhận xét:

Post a Comment