Sáng mãi tinh thần Tô Hiệu

Wednesday, March 7, 2012


Kỷ niệm 100 năm Năm sinh Nhà cách mạng Tô Hiệu (1912-2012)

Trong những ngày này, không chỉ Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên mà Đảng bộ và nhân dân các tỉnh, thành phố Sơn La, Hải Phòng cũng đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm năm sinh của nhà cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu. Sinh năm 1912 (đến nay chưa xác định được ngày sinh), hy sinh lúc mới 32 tuổi (ngày 7.3.1944), tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng Tô Hiệu đã đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam. Tấm gương và tinh thần Tô Hiệu mãi mãi sáng ngời trong lịch sử dân tộc, là sự kết nối truyền thống yêu nước, bất khuất trước các thế lực ngoại xâm, là sự lạc quan của con dân một dân tộc dù đang bị đô hộ nhưng quyết đấu tranh cho sự độc lập của dân tộc mình.

Nhà Cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu

Trước tiên, có thể khẳng định Tô Hiệu là một người yêu nước nhiệt thành. Dòng họ Tô ở Xuân Cầu vốn là dòng họ có nhiều nhà khoa bảng, yêu nước mà tấm gương gần nhất đối với Tô Hiệu là cụ nội Tô Ngọc Nữu, sẵn sàng từ chức đốc học Nam Định, lui về ở ẩn để tỏ thái độ bất hợp tác với triều đình bán nước. Ông ngoại của Tô Hiệu, cụ Ngô Quang Huy, lại là một lãnh đạo rất có uy tín trong phong trào Bãi Sậy. Phát huy truyền thống của gia đình và quê hương, ngay từ năm 14 tuổi, khi đang theo học tại trường Pháp - Việt ở thị xã Hải Dương, Tô Hiệu đã tham gia các phong trào yêu nước của học sinh như bãi khoá, truy điệu, để tang cụ Phan Chu Trinh, tham gia phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu. Năm 1926, bị đuổi học ở Hải Dương, Tô Hiệu lên Hà Nội, ở nhà anh cả Tô Tu, học cao đẳng tiểu học. Trong thời gian này, Tô Hiệu tiếp tục tham gia các hoạt động đấu tranh cách mạng và được kết nạp vào Học sinh đoàn, một tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1929, Tô Hiệu vào Sài Gòn. Do chưa bắt liên lạc được với tổ chức cộng sản tại Nam Kỳ, nhưng với tâm nguyện mong mỏi nước nhà nhanh chóng giành được độc lập, đồng chí đã hoạt động cùng với anh ruột là Tô Chấn, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng. Năm 1930, Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt và kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Trong thời gian này, Tô Hiệu chính thức trở thành đảng viên cộng sản.

Sau khi mãn hạn tù, năm 1934, Tô Hiệu trở về làng Xuân Cầu. Tại quê hương, dù vẫn bị mật thám và bọn lý dịch trong làng theo dõi, Tô Hiệu không ngừng tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao dân trí, dân sinh, nâng cao thể lực của thanh niên. Đồng chí đã lập ra “Hội nông dân tương tế”, tổ chức cho thanh niên trong làng tập võ, đánh cờ tướng… Đồng chí còn mở lớp dạy học tại nhà cho trẻ em trong làng. Qua lớp học, đã giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc cho các em. Không chỉ vậy, với mong muốn thế hệ trẻ trong vùng được mở mang kiến thức, Tô Hiệu đã vận động bà con trong làng và người làng làm ăn ở xa góp công, góp của xây dựng Trường Kiêm Bị Xuân Cầu, một hình thức trường tiểu học chỉ có ở huyện lỵ lúc ấy. Gia đình Tô Hiệu trở thành nơi tập hợp những thanh niên có tư tưởng tiến bộ trong vùng. Cụ Ngô Thị Lý (còn gọi là cụ Cả Y), thân mẫu đồng chí Tô Hiệu, là người nuôi giấu nhiều cán bộ trong Xứ Ủy Bắc Kỳ.

Từ lòng yêu nước đồng thời là một đảng viên cộng sản, Tô Hiệu rất chú ý đến công tác xây dựng Đảng. Trong thời gian ở quê hương, Tô Hiệu đã cùng với các đồng chí Mai Vi, Trần Xuân Doanh tiến hành thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở huyện Văn Lâm[1][1] Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Lâm (1930-1945), Nxb Chính trị Quốc gia, tr.51, 52. và trực tiếp chỉ đạo Chi bộ. Theo đồng chí Nguyễn Văn Minh, Nguyên Phó Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, thì Xứ ủy Bắc Kỳ được thành lập tại nhà của đồng chí Tô Hiệu, căn gác nhỏ phố Hàng Bột (Hà Nội). Trong thời gian là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Tô Hiệu chú trọng công tác tuyên truyền bằng các hình thức rải truyền đơn, dán áp phích… Đồng thời, đồng chí còn đặc biệt coi trọng đấu tranh trên lĩnh vực báo chí. Đồng chí sáng lập ra tờ Chiến Đấu, cơ quan tuyên truyền của Liên tỉnh B, bản thân đồng chí vừa là chủ bút, vừa là phóng viên. Tô Hiệu cũng là người giác ngộ, đào tạo nhiều cán bộ cách mạng. Trong hồi ký của mình, nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng đã ghi nhận Tô Hiệu là “Người đào tạo nhiều cán bộ cho cách mạng” (Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương). Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trong bài “Đồng chí Tô Hiệu, người dìu dắt tôi đi trên con đường cách mạng” đã viết: “Những gì mà đồng chí Tô Hiệu dìu dắt, huấn luyện tôi đã theo tôi đi suốt cả quá trình hoạt động cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”; đồng chí Thành Ngọc Quản, nguyên Bí thư Liên tỉnh B, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đã viết “Tô Hiệu, người thầy cách mạng thân thiết nhất của tôi”[2][2] Thành Ngọc Quản, Sđd, tr115.

Bên cạnh đó, đồng chí Tô Hiệu còn rất quan tâm đến công tác công vận, lấy các cuộc đấu tranh của công nhân làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của quần chúng. Do vậy, chỉ trong khoảng từ tháng 3/1939 đến tháng 8/1939, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng, đứng đầu là đồng chí Tô Hiệu, Hải Phòng đã có tới 30 cuộc đấu tranh, bằng số cuộc đấu tranh của cả hai năm 1937, 1938 cộng lại.

Trong thời gian ở Nhà tù Sơn La, Tô Hiệu đã vượt lên bệnh tật để tổ chức công tác giáo dục trong tù, viết nhiều tài liệu quan trọng cho Chi bộ Nhà tù, mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh… Với cương vị là Bí thư Chi bộ, Tô Hiệu đã cùng với Chi bộ thành lập nhiều tổ chức trong nhà tù để đấu tranh với bọn cai ngục, nâng cao đời sống cho tù nhân. Mô hình tổ chức trong nhà tù Sơn La còn có tác dụng tốt với các đồng chí trong Chi bộ sau khi ra tù. Đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề nghị vinh danh đồng chí Tô Hiệu đã viết về tác dụng của mô hình tổ chức trong Nhà tù Sơn La “Khi Cách mạng tháng Tám thành công, mô hình tổ chức nhà tù Sơn La được vận dụng để xây dựng bộ máy chính quyền non trẻ khá thuận lợi”[3][3] Nguyễn Văn Trân, “Thư của Ban liên lạc Nhà tù Sơn La gửi Trung ương Đảng”, Tinh thần Tô Hiệu, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, H2009, tr12.. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng hồi tưởng “…được đồng chí Tô Hiệu lãnh đạo, tiếp tục huấn luyện làm quen với việc hoạt động quản lý chính quyền. Nhờ thế mà năm 1945 khi ra tù, Cách mạng tháng Tám thành công, tôi về làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng tỉnh Bắc Giang không còn bị bỡ ngỡ”. Đồng thời, cùng như khi đang làm Bí thư Liên khu B, Tô Hiệu rất chú ý đến tuyên truyền bằng báo chí. Tháng 5/1941, Tô Hiệu và Chi bộ Nhà tù Sơn La đã quyết định cho ra đời báo Suối Reo, cử đồng chí Trần Huy Liệu là chủ bút. Báo Suối Reo ra đời là một sự kiện lớn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, cổ vũ động viên rất lớn đối với anh em tù nhân ở nhà tù Sơn La. Chi bộ Nhà tù Sơn La đã được Trung ương Đảng công nhận là một chi bộ đặc biệt, được nhận Chỉ thị, nghị quyết; có trách nhiệm lãnh đạo người tù bảo vệ cuộc sống, phát triển ảnh hưởng của cách mạng trong đồng bào địa phương… Sau này, nhiều chiến sỹ cộng sản là đảng viên Chi bộ Nhà tù Sơn La đều trở thành những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội như đồng chí Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Thanh Bình, Mai Chí Thọ…

Tinh thần Tô Hiệu còn thể hiện ở ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Qua nhiều lao tù thực dân, từ địa ngục trần gian Côn Đảo, đến các nhà tù nổi tiếng với các tên cai ngục tàn bạo như Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La.. Tô Hiệu đều khiến quân thù phải khiếp sợ. Từ việc biến phiên tòa thực dân thành nơi tuyên truyền cách mạng, tố cáo quân cướp nước, đến việc biến nhà tù thành trường học cách mạng, trường học làm người, không những Tô Hiệu thể hiện được truyền thống của gia đình nhà nho yêu nước “uy vũ bất năng khuất” mà còn thể hiện được bản lĩnh của người cộng sản luôn tranh đấu nhằm thực hiện lý tưởng của mình. Nhà tù là nơi thực dân Pháp đặt ra để đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta, nhưng ở nhà tù Sơn La và nhiều nhà tù khác, với phẩm chất cách mạng, các chiến sỹ cộng sản, tiêu biểu là Tô Hiệu đã thể hiện “chính ở nơi đây, thực dân đã thua, cách mạng đã thắng”[4][4] Đại tướng Văn Tiến Dũng, “Tưởng nhớ đồng chí Tô Hiệu…”, Sđd, tr.22..

Bên cạnh đó, Tô Hiệu còn là một người có tấm lòng nhân ái. Sau khi mãn hạn tù Côn Đảo, Tô Hiệu được gia đình nhắm cho một người con gái, và cô gái cũng đã ưng thuận. Biết con đường cách mạng mà mình đang đi sẽ trải qua nhiều gian truân, bên cạnh đó căn bệnh lao quái ác của những ngày tù Côn Đảo vẫn mang trong người, Tô Hiệu đã kiên quyết từ chối tình yêu mà người con gái ấy trao cho mình. Trong thời gian hoạt động cũng như lao tù, Tô Hiệu đều thể hiện tình thương yêu chí tình chí nghĩa với đồng chí, đồng đội. Lúc ở phòng biệt giam tại Nhà tù Sơn La, dù bệnh tật hoành hoành, Tô Hiệu vẫn nhường những liều thuốc tiêm quý giá cho đồng chí cũng bị bệnh như mình. Trong cuộc sống thường nhật ở tù, Tô Hiệu cũng thường nhường suất ăn cũng như quần áo, tư trang của mình cho các đồng chí khác…

Phẩm chất và nhân cách, ý chí và tinh thần lạc quan cách mạng của Tô Hiệu đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và của dân tộc với biểu tượng, biểu trưng là Cây đào Tô Hiệu. Tinh thần ấy mãi mãi trường tồn cùng năm tháng, như một minh chứng cho sự bất diệt của một dân tộc chưa bao giờ khuất phục bất kỳ khó khăn, thử thách nào. Tự hào là quê hương của Tô Hiệu, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên quyết tâm phát huy tinh thần bất khuất, sự lạc quan cách mạng, ý chí luôn vượt qua mọi cản trở trong sự nghiệp cách mạng của các thế hệ tiền nhân, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.

V.V.T


----------------
[1] Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Lâm (1930-1945), Nxb Chính trị Quốc gia, tr.51, 52
[2] Thành Ngọc Quản, Sđd, tr115.
[3] Nguyễn Văn Trân, “Thư của Ban liên lạc Nhà tù Sơn La gửi Trung ương Đảng”, Tinh thần Tô Hiệu, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, H2009, tr12
[4] Đại tướng Văn Tiến Dũng, “Tưởng nhớ đồng chí Tô Hiệu…”, Sđd, tr.22




 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment