5 Đồng chí Lê Văn Lương với công tác an ninh, trật tự

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, những người cộng sản Việt Nam luôn đứng ở vị trí tiên phong, vừa là người lãnh đạo, vừa là chiến sĩ xung kích, luôn kiên định, sẵn sàng hy sinh, bất chấp mọi thử thách. Tiêu biểu cho lớp người hội tụ đầy đủ những phẩm chất cao quý đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Cùng với Người là thế hệ đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta. Họ tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1920 và đầu những năm 1930, xứng đáng với sứ mạng mở đường để rồi trở thành lớp người đặt nền tảng tư tưởng, tổ chức và nêu cao phẩm chất cách mạng cho các thế hệ sau noi theo. Một cái tên được nhiều người biết đến trong lớp người ấy là đồng chí Lê Văn Lương.

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, tên thường gọi ở nhà tù Côn Đảo là Phạm Văn Khương, sinh ngày 28/3/1912 trong một gia đình có truyền thống nho học yêu nước thuộc dòng họ Nguyễn nhiều đời thi thư, khoa bảng ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Với tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng, sớm giác ngộ cách mạng, năm 15 tuổi (1927) đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn được cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, tháng 6-1929 đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức cộng sản đầu tiên ở nước ta và khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Bị thực dân Pháp bắt, giam cầm gần 15 năm, dù bị tra tấn dã man, tàn bạo, dù bị đọa đày khắc nghiệt trong xà lim án chém, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản, nhất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Sau khi ra tù (ngày 23/9/1945), đồng chí được đón về Nam Bộ. Từ tháng 10-1945 đến năm 1948, đồng chí lần lượt được cử làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, sau đó là Ủy viên chính thức Bộ Chính trị trực tiếp phụ trách công tác tổ chức và nhiều chức vụ quan trọng khác trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Từ năm 1976-1986, đồng chí được Trung ương phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội trong 3 khóa liên tục.

Là người cộng sản kiên trung thuộc thế hệ đảng viên đầu tiên của Đảng ta, trong quá trình hoạt động cách mạng với nhiều cương vị công tác và nhiều địa bàn hoạt động khác nhau, đồng chí luôn tỏ rõ là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tận tụy, trung thành, cần, kiệm, liêm, chính, giản dị và trung thực. Bao giờ đồng chí cũng đặt lợi ích cách mạng lên trước hết và trên hết. Cuộc đời hoạt động cách mạng trong sáng của đồng chí gắn liền với sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân. Đồng chí đã làm việc hết sức mình, đóng góp trí tuệ, công sức, cùng Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khi hoạt động trong tù, khi công tác ở miền Nam cũng như khi tham gia Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí luôn được Đảng tín nhiệm giao phụ trách công tác tổ chức, bởi vậy công tác tổ chức gắn liền hầu như suốt sự nghiệp cách mạng của đồng chí. Trong lĩnh vực công tác vô cùng khó khăn, phức tạp này, đồng chí đã có cống hiến lớn về nhiều mặt, từ việc nghiên cứu tổng kết lý luận đến đào tạo, huấn luyện, bố trí, sắp xếp cán bộ, xây dựng bộ máy, hệ thống tổ chức của Đảng và Nhà nước… Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và sau này là Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí đã dành trọn tâm sức, trí tuệ của mình cho việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách về công tác cán bộ của Đảng, góp phần kiến tạo một đội ngũ cán bộ xứng tầm yêu cầu nhiệm vụ cách mạng; tham gia tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ.v.v… Qua những hoạt động đó, đồng chí đã góp phần bổ sung, phát triển, làm sáng tỏ lý luận về Đảng cầm quyền, trên cơ sở vận dụng sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Với bản lĩnh kiên cường, thẳng thắn, quyết đoán, trách nhiệm, thận trọng từ việc nhỏ đến việc lớn và cái tâm trong sáng, đồng chí đã giúp Trung ương và Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, tổ chức, quản lý và bố trí đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược một cách đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng.

Trong những thời điểm bước ngoặt của cách mạng Việt Nam ở giữa thế kỷ trước, chính đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo dũng cảm đi vào thực tế, nhận ra những sai lầm đã phạm phải để sửa sai trong cải cách ruộng đất, không chối bỏ phần trách nhiệm của mình, kiên quyết sửa chữa, tiếp tục phấn đấu vươn lên. Về lĩnh vực này, đồng chí Lê Huy Bảo, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương từng nói: "Anh Lương là một cán bộ lãnh đạo trung thực, một lòng vì Đảng, vì dân. Thấy sai ở đâu thì sửa ở đó, thấy sai ở mức nào thì sửa ở mức đó. Và khi anh thấy rõ tính phổ biến và nguyên nhân sâu xa của sai lầm đã dũng cảm tự phê bình, tự giác nhận những sai lầm của mình trong những sai lầm dẫn đến tổn thất nghiêm trọng của Đảng và nhân dân, không vin vào khách quan để giảm nhẹ khuyết điểm" [1][1] Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng - Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2000, tr. 173..

Đối với công tác an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam, đồng chí luôn có sự gắn bó và chỉ đạo chặt chẽ. Không chỉ trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà cả ở những cương vị trọng trách hơn, đồng chí Lê Văn Lương có nhiều kỷ niệm gắn bó với lực lượng Công an Nhân dân. Trong lúc đương nhiệm, "với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, trong những cuộc họp Bộ Chính trị về công tác tổ chức Công an, anh Lương ủng hộ mạnh mẽ chủ trương của lãnh đạo Bộ Nội vụ (Công an) và đóng góp những ý kiến quan trọng với Bộ Chính trị, với lãnh đạo Bộ Nội vụ (Công an) về xây dựng lực lượng Công an Nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chủ trương, biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ Công an mạnh về chất lượng, đủ về số lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong mọi tình hình..." [2][2] Trích bài viết của đồng chí Trần Đông, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trong Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng - Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2000, tr. 190..

Những năm tháng giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí luôn coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trong đó có nhiều đóng góp rất quan trọng đối với công tác bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đồng chí thường xuyên phối hợp với cấp ủy, lãnh đạo Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo công tác công an và lực lượng Công an Hà Nội.

Năm 1977-1978, bọn phản động quốc tế tăng cường hoạt động móc nối xây dựng cơ sở, thu thập tình báo, gieo rắc chiến tranh tâm lý hòng tiếp tục thực hiện âm mưu chiến lược là phá hoại, kìm hãm công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, gây chia rẽ Việt Nam và các nước trong khu vực. Là nơi tập trung các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, nơi tập trung các sứ quán, cơ quan đại diện nước ngoài, đồng thời là địa bàn có trên một vạn người Hoa đã cư trú lâu năm và là địa bàn tập trung nhiều đầu mối giao thông với các địa phương…, Hà Nội được xác định là địa bàn trọng điểm cần được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Trước tình hình đó, ngày 8-8-1978, đồng chí Lê Văn Lương cùng Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã kịp thời ra Nghị quyết số 11-NQ/TU về bảo đảm trật tự an ninh ở Thủ đô trong tình hình mới.
Đây là nghị quyết rất quan trọng của Thành ủy Hà Nội trong tình hình phức tạp lúc bấy giờ. Nghị quyết không chỉ phân tích rõ âm mưu của các thế lực phản động; nêu rõ nhiệm vụ của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô là phải kịp thời chuyển hướng về nhận thức, tư tưởng, tổ chức, kiên quyết khắc phục những sơ hở, khẩn trương tiến hành những biện pháp đề phòng và đánh bại mọi âm mưu, hoạt động của các loại gián điệp, phản động quốc tế; đồng thời chỉ ra nhiệm vụ của Công an Thủ đô là: Sở Công an phải có kế hoạch củng cố tốt hơn nữa các biện pháp nắm tình hình, không để sót lọt đối tượng nguy hiểm… Thực tiễn lịch sử chứng minh những nhận định, đánh giá của Nghị quyết 11 là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện tầm nhìn và tư duy lãnh đạo sắc sảo về công tác an ninh quốc phòng của Thành ủy và cá nhân đồng chí Lê Văn Lương.

Ngày 6-11-1979, đồng chí tiếp tục ký ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về những nhiệm vụ công tác cấp bách của thành phố để thi hành Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VI, trong đó xác định "Tăng cường công tác quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu" là một trong 5 nhiệm vụ công tác cấp bách của thành phố Hà Nội.

Tiếp đó, ngày 21-10-1980, đồng chí ký ban hành Nghị quyết số 03/QN-TU về việc tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ an ninh trật tự Thủ đô, thực hiện cuộc vận động "Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới". Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình giữ gìn an ninh trật tự, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng lực lượng Công an Hà Nội trong tình hình mới, nghị quyết nêu rõ những điểm còn tồn tại, nguyên nhân của những khuyết điểm đó, đồng thời chỉ ra 3 nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Công an thủ đô thời gian này… Nghị quyết 03 đã có đóng góp tích cực, góp phần xây dựng lực lượng Công an Thủ đô ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiến lên chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội nói chung, của đồng chí Lê Văn Lương nói riêng đã giúp cho công tác giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô cơ bản được giữ vững; không xảy ra những vụ phá hoại, gây rối, chống đối nghiêm trọng; nhiều vụ ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa được khám phá, ngăn chặn kịp thời; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển rộng, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác bảo vệ an ninh trật tự của lực lượng Công an nhân dân nói chung. Lực lượng công an đã nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động tiến công, phát hiện, ngăn chặn và đánh bại hoạt động chống phá của các lực lượng thù địch từ bên ngoài vào, các lực lượng chống đối ở trong nước, giữ vững an ninh chính trị ở Thủ đô; đập tan ý đồ nhen nhóm lực lượng chống đối của một số tổ chức phản động trên địa bàn Hà Nội (Mặt trận hòa bình dân tộc, Hội cộng hòa những người tự do độc lập…). Công an Hà Nội đã kết hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội trong việc giữ vững trật tự an toàn xã hội, đấu tranh, tấn công bọn tội phạm hình sự và kinh tế; chống âm mưu của các thế lực thù địch dùng chiến tranh tâm lý làm xói mòn lòng tin của quần chúng đối với Đảng, lôi kéo người trốn ra nước ngoài. Ngành công an đã cùng các ngành hữu quan huy động, hướng dẫn và tổ chức tốt công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở các xí nghiệp, cơ quan, phường, xã; tổ chức tiến hành tuần tra, canh phòng bảo vệ an toàn tài sản xã hội chủ nghĩa; ngăn chặn các hành vi đầu cơ buôn lậu, đưa các phần tử lưu manh, côn đồ đi tập trung cải tạo hoặc truy tố trước pháp luật, giảm tội phạm hình sự…

Là một cán bộ lãnh đạo sâu sát thực tiễn, giàu lòng thương người, thể hiện tính nhân văn cao cả của người cộng sản, đồng chí Lê Văn Lương không chỉ chỉ đạo bằng quan điểm, chủ trương, quyết sách lớn mà đối với những việc cần thiết, cấp bách, quan trọng liên quan đến an ninh, trật tự Thủ đô, đồng chí còn thường chủ động trao đổi, bàn bạc trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo Công an trong công tác bố trí, điều động, phân công cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Ban Giám đốc Công an Hà Nội; việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu; việc lãnh đạo nhiệm vụ chuẩn bị động viên khi xảy ra chiến tranh…. Điển hình là việc đồng chí trao đổi trực tiếp với lãnh đạo chủ chốt của lực lượng công an khi lãnh đạo Bộ Nội vụ phát hiện, kiểm tra, kết luận, đề nghị và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra văn bản minh oan cho một cán bộ cao cấp của Bộ Công an, do sơ suất - sai lầm về kỹ thuật nghiệp vụ của một vài cán bộ công an gây ra. Đồng chí tâm sự: "Chúng tôi ở Bộ Chính trị, nhưng không thể có điều kiện xem xét công việc cụ thể về mọi mặt kỹ thuật nghiệp vụ của công an!... Từ việc này, các anh đã rút được kinh nghiệm cả về kỹ thuật nghiệp vụ cụ thể và trách nhiệm chính trị, phương pháp lãnh đạo của công an đối với công việc, con người..." [3][3] Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng - Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2000, tr. 190, 191.. Những tâm sự chân thành của đồng chí đã giúp cho cả tập thể lãnh đạo đương nhiệm và các đồng chí lãnh đạo cũ của Bộ đều tự giác thấy hạn chế, thiếu sót và nghiêm túc nhận khuyết điểm, sửa chữa sai lầm.

Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Văn Lương luôn trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chiến đấu, hy sinh, đem hết sức lực, tài năng và trí tuệ phục vụ sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Phẩm chất cách mạng, tài năng trí tuệ của đồng chí luôn bộc lộ trong những giai đoạn đấu tranh cam go và phức tạp, những thời điểm lịch sử quan trọng, khi mà thực tiễn cách mạng đòi hỏi người lãnh đạo phải thể hiện bản lĩnh vững vàng, ý chí tiến công, sự quyết đoán, sáng tạo. Đồng chí đã nêu một tấm gương sáng của người cộng sản về lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù; tinh thần lạc quan cách mạng, đức tính cần, kiệm, liêm, chính và chu đáo, gần gũi, thân tình với đồng chí, đồng đội.

Với cái tâm, cái tình, cái trí của một người "cộng sản tới tận chân tơ kẽ tóc", đồng chí Lê Văn Lương đã suốt đời phấn đấu, vươn tới những phẩm chất cao quý của người cộng sản mẫu mực thế hệ đầu tiên của Đảng ta, tạo nên uy tín cao trong lòng cán bộ đảng viên và nhân dân, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy, được Đảng, Nhà nước ta ghi nhận và tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.

Đồng chí Lê Văn Lương là một người "bạn lớn", người đồng chí thân thiết của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam. Học tập, phát huy tinh thần cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương và các bậc lãnh đạo cách mạng tiền bối, trong chặng đường sắp tới, chúng ta quyết tâm đổi mới vươn lên; chủ động nắm bắt thời cơ; đẩy lùi nguy cơ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, trong đó trọng tâm là xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và sự đồng thuận xã hội; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức quần chúng; tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa./.



---------------------
Ủy viên BCHTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
[1] Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng - Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2000, tr. 173.
[2] Trích bài viết của đồng chí Trần Đông, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trong Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng - Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2000, tr. 190.
[3] Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng - Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2000, tr. 190, 191.



 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment