19 Bên nhau mãi mãi

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

_ Nguyễn Thị Bích Thuận _Phu nhân đồng chí Lê Văn Lương .
Nhân kỉ niệm 100 năm Ngày sinh anh Lê Văn Lương, hồi tưởng lại những năm tháng sống bên nhau gần nửa thế kỉ, tôi vô cùng xúc động.

Biết anh, phần nào hiểu anh về phẩm chất, đạo đức và qua lời giới thiệu tác thành của anh Lê Đức Thọ "anh muốn những đồng chí tốt gặp nhau", tôi xây dựng gia đình với anh. Bác Tôn làm chủ hôn, Bác Hồ chúc "Lương-Thuận đoàn kết chặt chẽ". Các anh Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, anh em trong cơ quan Văn phòng Trung ương cùng dự.

Ảnh chụp lễ cưới ông Lê Văn Lương và bà Nguyễn Thị Bích Thuận tại Việt Bắc năm 1948 với Bác Tôn (người ngồi trước), các đồng chí Hoàng Quốc Việt (ngoài cùng bên phải), Trường Trinh, Lê Đức Thọ (từ trái qua). Ảnh: Vũ Năng An.Ảnh chụp lễ cưới ông Lê Văn Lương và bà Nguyễn Thị Bích Thuận tại Việt Bắc năm 1948 với Bác Tôn (người ngồi trước), các đồng chí Hoàng Quốc Việt (ngoài cùng bên phải), Trường Trinh, Lê Đức Thọ (từ trái qua). Ảnh: Vũ Năng An.


Anh hứa yêu nhau suốt đời. Anh giải thích cho tôi: "Anh chỉ xin hứa yêu nhau suốt đời vì anh tin chắc chắn anh và em sẽ phục vụ cách mạng suốt đời". Bản thân anh tuổi thanh niên đã bị tù đầy phải tự bảo vệ đấu tranh giành lại quyền sống nên nếp sống cứng cỏi. Nếu có điều gì làm tôi không vừa lòng thì nói anh biết để anh sửa. Anh rất chân thành. Lời nói giản dị không bay bướm. Còn tôi chỉ nói với anh: "Anh là đảng viên, là cán bộ của Đảng em tin ở sự thuỷ chung. Đừng bao giờ làm mất lòng tin của em. Chỉ một lần thôi, anh lấy lại lòng tin rất khó". Bên nhau chúng tôi đã giữ vững lòng tin, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình trọn nghĩa vợ chồng, trọn tình đồng chí - mỗi người một nhiệm vụ, trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Bên nhau, có lần anh tự kể cuộc đời chịu cảnh lao tù của anh. Rời trường Bưởi, anh đi vô sản hoá với anh Ngô Gia Tự vào Nam, làm công việc công nhân Nhà Bè. Sau cuộc lãnh đạo công nhân Nhà Bè chống đánh đập, đòi tăng lương, giảm giờ làm, anh cũng bị bắt cùng với một số anh, do có người khai ra. Anh bị tra tấn, chịu những hình phạt đòn roi ác hiểm, đầu và thân toé máu, nhưng nhất mực không khai tên thật cùng nguồn gốc gia đình, cũng như nhiệm vụ được giao. Anh khai tên trong thẻ căn cước mà anh nhờ mua được là Phạm Văn Khương - tên anh mang trong suốt thời gian bị bắt, khi bị đầy ra Côn Đảo chịu án khổ sai chung thân.

Anh chịu đựng những đòn tra tấn ban đầu, thà chết để giữ vững không làm lộ cơ sở Đảng, liên lụy đến anh em trong gia đình. Một mực là người nghèo, cha mẹ chết, vào Nam kiếm sống. Anh biết càng khai, chúng càng tra tấn để lấy khẩu cung. Khi thành án, anh lại bị một anh không chịu được đòn tra tấn khai ra. Lại chịu đòn roi, hình phạt ác độc, ngất đi sống lại. Đầu và thân thể máu lại chảy. Kẻ thù vẫn không thể khai thác ở anh lời khác lời khai ban đầu. Trên đầu anh vẫn còn chỗ lõm dấu vết roi quất vào đầu.

Trong vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương xử tại Toà đại hình Pháp năm 1933, anh bị kết án tử hình. Anh chống án cùng các anh Ngô Gia Tự, Phạm Hùng phong trào đòi ân xá cho những người bị án tử hình trong nước và được Đảng Cộng sản Pháp ủng hộ. Án tử hình được đăng tải trên nhiều báo chí. Chính phủ Pháp hạ án tử hình xuống tù chung thân khổ sai, đầy ra Côn Đảo - địa ngục trần gian. Anh đã thể hiện ý chí kiên cường bất khuất trước kẻ thù, lòng trung thành nhất mực đối với Đảng, kiên định rõ ràng, tin tưởng vào tương lai độc lập, tự do của đất nước. Anh cũng bị đầy xuống hầm xay lúa. Hầm là một nhà nhỏ, chật hẹp. Cối xay lúa quay ầm ầm không thể không làm nhức nhối đầu óc. Không khí ngột ngạt, bụi cám bay mù. Anh nói đây là âm mưu thâm độc của kẻ thù đầy chính trị phạm xuống làm khổ sai để nhờ bọn tù thường phạm lưu manh gian ác chịu khổ sai trong hầm thủ tiêu. Chúng không bị mang tiếng và bị lên án.

Bác Tôn đang làm cạp-rằng. Anh và anh Phạm Hùng trợ lực cùng Bác cảm hoá và thuần phục được họ bằng cải tạo chế độ làm việc, tổ chức phân công hợp lý, quy định giờ làm việc, được ăn gạo, được nghỉ ngơi, ốm đau được săn sóc. Dựa vào trách nhiệm của Bác Tôn, các anh đã vận động được họ xay sát, dần sàng rồi để lại gạo trong thóc xay đưa ra ngoài để anh em sàng sẩy lấy gạo lại, dùng bồi dưỡng cho anh em đau ốm, hoặc ăn thêm và làm lương thực dự trữ cho anh em được tổ chức bố trí vượt ngục.

Thoát khỏi hầm xay lúa, mắt anh mờ, thị lực giảm. Ngoài việc đi lao động khổ sai, cùng các anh tham gia tranh đấu chống chế độ lao tù hà khắc, bảo vệ quyền sống, anh quyết tâm luyện tập để mắt trở lại bình thường. Anh tìm một chỗ có ánh sáng lờ mờ, với một chiếc kim khâu anh tung lên, theo dõi ánh sáng cỏn con của kim loại để tìm chiếc kim rơi, tìm kim nhặt lên, lại tung kim, lại tìm kim. Kiên nhẫn ngày này qua ngày khác một thời gian cộng với việc giữ gìn vệ sinh mắt, mắt anh đã trở lại bình thường.

Anh cùng với anh Phạm Hùng đấu tranh giảm nhẹ khổ sai vận chuyển củi từ An Hải về Lò Than. Cuộc đấu tranh thắng lợi từ năm chuyến mỗi ngày xuống còn ba chuyến, từ năm người vận chuyển tăng lên bảy người. Anh giao nhiệm vụ cho từng người, không manh động. Anh căn thời gian vận chuyển ăn khớp với đường dài, hợp lý hoá cuộc đấu tranh. Anh cũng phải leo núi lấy yến về cho cai ngục. Núi cao, vách dựng đứng, hang sâu thăm thẳm. Anh thận trọng bám chắc thành núi lấy tổ yến, tránh được mấy lần tuột tay. Được bao nhiêu tổ, phải giao cả cho cai tù. Sau này, có lần các anh khu 5 ra Trung ương họp đều mang tổ yến ra cho anh. Tôi hỏi được cách nấu, kiên nhẫn nhặt lông yến, nấu cho anh ăn để anh biết hương vị đặc trưng của một loại chim nhiều thành phần dinh dưỡng, chỉ vua chúa mới được ăn mà đời anh phải mạo hiểm phục tùng quyền lợi cai ngục. Cũng có một thời gian anh và anh Phạm Hùng phải xiềng chung một xiềng. Làm gì cũng phải làm chung, thậm chí phải cùng nhau đi cầu dù muốn hay không muốn. Trong đời thường anh và anh Phạm Hùng cũng thân nhau. Tôi nghĩ tình cảm thân thương ấy xuất phát, nảy sinh từ những cảnh cùng nhau bị cùm chân trong xà lim cầm cố chịu án tử hình, cùng nhau đấu tranh và lãnh đạo đấu tranh và sau này cùng nhau được Đảng giao nhiệm vụ lãnh đạo đất nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và trong xây dựng bảo vệ đất nước, thống nhất Tổ quốc.

Ngoài việc làm khổ sai vất vả ban ngày, ban đêm anh còn tranh thủ viết báo. Anh viết cho báo Tiến lên, cho tờ Ý kiến chung, trích và dịch tài liệu trong tác phẩm của Ănghen - Lênin để chuyển về Xứ uỷ Nam kỳ. Dưới ngọn đèn dầu lạc, ánh sáng tù mù, anh đã viết 8 dòng chữ giữa 2 dòng kẻ bằng ngòi bút răng cưa (incomparable). Viết xong, trèo lên nóc nhà tù cất giấu. Anh cũng khoan đũa ăn, cuốn tài liệu vào trong gửi các banh để truyền đạt tình hình.

Sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất Bắc Nam, anh trở lại thăm Côn Đảo. Tôi cùng đi. Anh đã đưa tôi đi xem các nơi anh đã từng bị giam cầm, từng đấu tranh chống đòn roi cai ngục, nóc nhà anh cất giấu tài liệu… Anh rất ớn lạnh, rùng mình nhớ lại cảnh nhừ đòn khi bị tra tấn, cảnh bị xiềng xích. Khi anh đau phải truyền huyết thanh, anh chỉ mong sao cho mau hết để tinh thần được thư thái, tháo được dây chằng tay chân. Tôi rất thương anh, ngồi bên đếm từng giọt nước chảy để anh yên tâm.

Khi sang thăm Bungarie, anh nhớ lại báo chí đưa tin thái độ hiên ngang với bản cáo trạng kết tội phát xít của đồng chí Dimitrof trước toà án Leipgig mà anh rất khâm phục khi ở trong tù và cũng nguyện noi theo dùng toà án địch để kểt tội địch. Đồng chí nữ Bí thư thủ đô Sophia đón tiếp chúng tôi. Qua tin tức báo chí đồng chí cũng biết được vụ xử án Đông Dương tại toà đại hình Pháp năm 1933. Cái tên Phạm Văn Khương lúc bấy giờ với hai từ "oui" ou "nông" (có hay không) cũng làm đồng chí rất cảm phục. Nay được gặp trực tiếp, đồng chí rất vui mừng. Đồng chí tin tưởng rằng sẽ được gặp đồng chí Lương ở tuổi già. Nhưng trước mặt đồng chí lại là một đồng chí Lương còn ở tuổi trẻ, khoẻ. Đồng chí đưa chúng tôi đi thăm lăng Dimitrof (lúc hãy còn tồn tại). Anh được tặng Kỷ niệm chương 100 năm Thủ đô Sophia, Kỷ niệm chương 90 năm ngày sinh Dimitrof.

Bên anh, tôi hiểu anh rất kính trọng Bác. Anh dành cả thời gian vật chất của mình cùng các anh trong Bộ Chính trị thực hiện và lãnh đạo thực hiện chủ trương, chính sách theo đường lối định hướng của Bác và Trung ương, đào tạo cán bộ nhằm vào sự trung thành, vào khả năng thực hiện, dám chịu trách nhiệm.

Anh thương Bác thiếu tình cảm gia đình. Ngay từ trên An toàn khu Việt Bắc, trong kháng chiến chống Pháp, những lần Bác sang Trung ương họp, anh đều cho triệu tập các cháu, con các đồng chí ở Văn phòng đến gặp Bác. Các cháu quây quần chung quanh Bác hát, rất vui khi được Bác phát kẹo tận tay. Những năm hoà bình, tại Phủ Chủ Tịch có những buổi ca, múa hát, ngâm thơ của các ca sĩ bên quân đội, buổi hát chèo của nữ chiến sĩ cảnh vệ… Anh đều cho tôi và các con sang vui chung cùng với Bác và các anh. Bác muốn gặp gỡ dân, anh em bộ đội. Anh cùng anh Trần Quốc Hoàn tìm cách để Bác đi. Bác muốn thăm chợ Đồng Xuân tìm hiểu tình hình dân ăn Tết cổ truyền, các anh bàn kế hoạch đưa Bác đi. Bác hoá trang, cảnh vệ cũng hoá trang. Các anh bí mật bảo vệ bên ngoài. Bác vui khi ra về nói vui với các anh: "Các chú công an nhát quá".

Bác cũng rất thương anh, tin anh, bàn việc trực tiếp với anh. Anh bị giun chui ống tuỵ phải nằm viện, Bác dặn phải cứu anh bằng bất cứ giá nào. Hai lần Bác vào viện thăm anh - gửi tặng anh bức ảnh của Bác với dòng chữ "Chúc chú mau khoẻ - gửi chú nhiều cái hôn. Ký tên Bác Hồ". Bức ảnh này tôi còn giữ phóng to treo trên tường phòng truyền thống thờ anh tại gia đình. Cũng có lần, Bác sang Văn phòng Trung ương họp, khi ra về rẽ vào nhà chơi với anh và các cháu.

Hôm Bác mất, anh về nhà khóc to thành tiếng, bảo tôi "Em ơi Bác mất rồi", bỏ cơm không ăn, lên giường nằm lặng lẽ, trăn trở. Anh lo, hiểu cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi không còn có Bác. Anh nói với tôi: "Bác mất rồi, các anh lãnh đạo lớn cũng đã nhiều tuổi, anh còn ít tuổi hơn, còn có sức khoẻ. Em vừa lo công tác, lo cả việc nhà, việc nuôi dạy con thay anh".

Anh vào Trường Sơn - Vĩnh Linh khi đi một mình, khi cùng anh Lê Đức Thọ, làm việc với anh Đồng Sỹ Nguyên, thăm mặt trận, thăm anh em bộ đội, xuống địa đạo Vĩnh Kim, Vĩnh Mốc thăm bà con, ra Cồn Cỏ tìm hiểu về việc vận chuyển vũ khí vào Nam, cùng anh Đinh Đức Thiện khảo sát tuyến đường dẫn nhiên liệu cung cấp cho chiến trường. Anh rất khâm phục tinh thần kiên định sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chịu đựng gian khổ hy sinh đánh cho Mỹ cút, tin tưởng vào tương lai thống nhất đất nước.

Nhớ Bác, anh lại cho tôi và con vào thăm nhà Bác, nơi Bác nằm, nơi làm việc, nơi đầu nhà Bác ngắm trăng soi, nơi ven hồ Bác ngồi cho cá ăn. Bản thân anh cũng tung cám cho cá ăn, hồi tưởng lại hình ảnh của Bác.

Bên nhau, qua những năm tháng, tôi cảm nhận được sâu sắc đạo đức phẩm chất cách mạng cao đẹp của anh, thể hiện tính đảng trong sáng của anh, người cộng sản mẫu mực, khai quốc công thần. Trong đời sống riêng tư, cũng như trên cương vị trách nhiệm đối với toàn quốc, tôi không thấy anh giành một quyền lợi riêng nào cho bản thân, cho gia đình và ngay cho cả quê hương. Tất cả vì lợi chung của Đảng, của dân trên hết và trước hết. Anh chăm lo đến sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, trong cấp lãnh đạo. Anh quan tâm làm theo lời Bác: tổ chức tại nhà Bác những bữa cơm thân mật cho các đồng chí trong Bộ Chính trị gặp gỡ nhau, cùng nhau trao đổi trong bữa ăn để tăng cường đoàn kết nội bộ, cùng nhau tháo gỡ những bất đồng nếu có. Anh nói về sự trong sáng, trung thành cần thiết của những người đảng viên chân chính, sự kiên quyết phải chống tham nhũng và quan trọng hơn cả là loại trừ khỏi Đảng những đảng viên cơ hội, nhất là cơ hội chính trị của đảng viên trong mọi cấp uỷ.

Đối với gia đình, anh chân thành nhận yếu điểm là không có thời gian để trông nom, săn sóc cụ thể các con, khẳng định trước các con trong sự nghiệp cách mạng của anh, có sự đóng góp 50% công sức của tôi. Anh tin, trọng, nể tôi. Trong thời gian bao cấp, đã có những bữa cơm anh chia đôi quả chuối với tôi. Đối với con, anh thương yêu, không nuông chiều nhượng bộ những sai trái bất kì của con nào, thầm lặng cùng tôi rèn luyện đào tạo, nuôi dạy con cháu.

Khi còn sống bên nhau, tôi đã thực hiện lời hứa của anh yêu nhau suốt đời bằng những tình cảm chân thành, những nội lực trí tuệ vun đắp vào sự nghiệp cách mạng và cuộc sống gia đình.

Ngày nay 90 năm tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, tôi vẫn noi gương anh phấn đấu xứng đáng là người đảng viên mẫu mực, trong sạch, kiên định, thay anh rèn luyện con cháu xứng đáng với truyền thống gia đình. Với anh, tôi vẫn nhớ “bên nhau mãi mãi” - nguyện vọng cuối đời - anh uỷ thác cho tôi và con. Tuỳ thực tiễn của tình hình và điều kiện cho phép, tôi xây dựng cuộc đời hạnh phúc bên con cháu với hy vọng "Tôi và anh mãi mãi bên nhau".


---------------------
Phu nhân đồng chí Lê Văn Lương.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment