6 Anh Lê Văn Lương Người anh cả của Ngành tổ chức xây dựng Đảng

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Trong lớp cán bộ tiền bối Khai quốc Công thần có Anh Lê Văn Lương. Anh tham gia cách mạng từ lúc Đảng mới ra đời và cùng thời với Anh Lý Tự Trọng. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Bác Hồ và Bộ Chính trị tin cậy giao cho những trọng trách quan trọng nhất là phụ trách công tác xây dựng Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (năm 1951) cùng với các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh .v.v.. trong những năm đất nước còn chiến tranh cho đến lúc đất nước được giải phóng. Có thời gian do yêu cầu của Đảng, Anh được phân công Thường trực Ban Bí thư, rồi Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội. Trong quá trình hoạt động của Anh Lê Văn Lương thì thời gian anh được Bác Hồ và Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác xây dựng Đảng là thời gian nhiều nhất. Vì vậy khi nhắc đến công tác tổ chức xây dựng Đảng thì không thể không nhắc đến Anh Lê Văn Lương.

Công lao của anh Lê Văn Lương cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, trong thắng lợi có sự đóng góp rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Khi anh Lương còn trực tiếp phụ trách công tác tổ chức, Anh quan tâm trước hết là bố trí cán bộ cho chiến trường miền Nam, có lúc phải điều hàng vạn cán bộ vào tăng cường. Không những cho chiến trường miền Nam, mà cả cho yêu cầu của bạn, công tác tổ chức trong thời điểm đất nước còn chiến tranh phải phục vụ cho cả hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và yêu cầu chi viện cho miền Nam. Khi Anh được phân công Thường trực Ban Bí thư, ngoài công việc chung của Trung ương Anh vẫn quan tâm đến công tác tổ chức vì Anh nhắc nhở chúng tôi công tác tổ chức, trong đó có vấn đề cán bộ là yếu tố quyết định nhất của cách mạng. Anh quan tâm đến công tác chỉnh đốn Đảng, nên đã phát động cuộc vận động chỉnh đốn Đảng, xây dựng “Chi bộ 4 tốt” và công tác quy hoạch cán bộ.

Anh có hai băn khoăn cho đến lúc sức khỏe của Anh đã yếu dần, nhưng tôi biết trong lòng Anh chưa thật thanh thản. Đó là sau khi đất nước hòa bình, cán bộ đảng viên hư hỏng ngày càng nhiều, nhiều cán bộ trong chiến đấu kiên cường, sau khi hòa bình lại bị cám dỗ vì vật chất, trong đó kể cả cán bộ cấp cao, Anh không vui khi nhắc tới tình hình suy thoái trong Đảng!

Điều băn khoăn thứ hai mà Anh thường nhắc tới là sự đoàn kết trong Đảng, nhất là cán bộ cấp cao. Trong kháng chiến ít xuất hiện, vì sao sau khi đất nước thống nhất rồi lại nẩy sinh sự bất đồng giữa một vài anh trong lãnh đạo cấp cao không như lời dạy của Bác Hồ: nội bộ Đảng phải đoàn kết thương yêu nhau. Đôi ba lần gặp tôi là người giúp việc Anh nhiều năm, tôi biết Anh rất tin tôi nên mới nói ra những điều Anh còn trăn trở. Qua hai nhiệm kỳ Đại hội IV và V, anh Lương được phân công trong Tiểu ban nhân sự, có trường hợp Anh không nhất trí nhưng tập thể đã quyết định nên Anh chấp hành, nhất là khi xem xét số cán bộ bị bắt, bị tù dưới thời Mỹ-ngụy.

Tính cách của Anh Lương tôi rất hiểu. Tôi trực tiếp phục vụ bốn đời Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, mỗi người có một tính cách riêng, không ai giống ai. Riêng đối với anh Lương là một người lãnh đạo rất cẩn thận, rất chu đáo, nhất là khi nghe cán bộ của Ban báo cáo với Anh về đánh giá cán bộ. Anh thường chú ý và hỏi đi hỏi lại nhiều lần những chi tiết mà Anh còn phân vân. Anh sợ cán bộ chủ quan, cảm tính hoặc sợ nhất là “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Anh thường nhắc nhở chúng tôi đánh giá cán bộ trong thời chiến đã khó, trong hòa bình lại càng khó hơn. Tôi còn học được ở anh Lương cách dự thảo văn bản. Có một lần tôi nhớ mãi khi anh Trường Chinh gọi tôi sang chữa một bản dự thảo do tôi viết. Anh Trường Chinh sửa xong và nhẹ nhàng nhắc nhở: “Đồng chí phục vụ anh Lương nhiều năm mà không học được cách viết văn của Anh Lương”. Từ đó về sau tôi nhớ lời anh Trường Chinh để sửa khuyết điểm của mình. Qua câu chuyện này để nói anh Lương rất cẩn thận khi viết văn bản, chú ý cả từ gạch nối và dấu chấm, phẩy. Thường văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được Anh Lương sửa thông qua thì khi trình lên trên ít bị sửa lại.

Tôi được sống phục vụ anh Lương nhiều năm. Tôi học được ở anh Lương nhiều điều bổ ích. Trước hết là Anh rất thương cán bộ và có trách nhiệm với cán bộ. Sau khi đất nước được giải phóng Anh quan tâm nhiều đến số cán bộ bị bắt, bị tù. Không chỉ là sự chăm sóc về sức khỏe, mà chăm sóc đến cả bố trí công việc sao cho xứng đáng với công lao và sự chịu đựng của cán bộ trong những năm tháng bị tù đày. Điều học được ở anh Lương là tính nguyên tắc và nghiêm túc trong công việc. Anh không thích cán bộ thiếu trung thực, không dám nói thẳng trước mặt lãnh đạo, che dấu khuyết điểm của bản thân mình. Có lúc Anh nóng nhưng vì công việc, còn trong quan hệ hàng ngày Anh thẳng thắn chỉ bảo cho anh em chúng tôi từng công việc cụ thể. Có trực tiếp làm việc với anh Lương mới biết được tình thương của Anh đối với cán bộ dưới quyền, và không chỉ là tình thương, mà còn luôn thể hiện sự lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cán bộ cấp dưới. Sự gần gũi, ân cần, bao dung, độ lượng của một cán bộ lãnh đạo như anh Lương làm cho chúng tôi mãi ghi nhớ và coi Anh như người Anh cả của Ngành tổ chức xây dựng Đảng.

Khi Bác Hồ ốm nặng, Bộ Chính trị phân công anh Lương luôn ở bên Bác cho đến lúc Bác đi xa.

Anh Lương kính mến, hôm nay nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Anh, một lão tiền bối của Đảng, một người anh cả của Ngành tổ chức, công lao của Anh đối với Đảng và đất nước đã được ghi vào sử sách. Riêng Ngành tổ chức xây dựng Đảng mãi mãi ghi nhớ tên tuổi của Anh và rất đáng tự hào có một Trưởng Ban mang tên Lê Văn Lương kính mến./.


 ✯✯ 







0 nhận xét:

Post a Comment