2 Đồng chí Lê Văn Lương - Người cộng sản mẫu mực

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (7/1954), tôi được trực tiếp làm việc với anh Lê Văn Lương nhiều lần, lúc đó anh phụ trách công tác tổ chức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao trọng trách chỉ đạo công tác tiếp quản vùng mới giải phóng khi Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam có hiệu lực.

Mặc dù không hoạt động với anh Lê Văn Lương ngay từ những ngày đầu cách mạng, nhưng tôi cũng đã được nghe nói nhiều về anh, vì anh là một trong những đảng viên cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, một đồng chí đấu tranh rất kiên cường, không bao giờ khoan nhượng trước kẻ thù, một tấm gương cộng sản trung thành, tận tụy, mẫu mực của Đảng và của nhân dân ta.

Anh Lê Văn Lương tham gia cách mạng từ rất sớm, ngay khi còn đang theo học ở Trường Bưởi, anh đã được kết nạp vào tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Được các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh dìu dắt giúp đỡ, anh Lê văn Lương cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ và nhiều thanh niên trí thức khác như Hoàng Quốc Việt, Lương Khánh Thiện, Tô Hiệu ...tham gia hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều tỉnh Bắc Kỳ, đặc biệt là các mỏ than vùng Hồng Quảng. Anh Lê Văn Lương có nhiều đóng góp vào việc thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng ta.

Cuối năm 1929, thực hiện chủ trương “vô sản hóa” nhằm đẩy mạnh việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân, tổ chức cử anh vào hoạt động ở Sài Gòn. Để che mắt mật thám Pháp, anh phải nhập nhiều vai, khi thì làm công nhân ở hãng dầu Nhà Bè, khi làm phu khuân vác ở cảng Ba Son. Cùng ăn, cùng ở với anh em công nhân, tính anh dễ gần, hòa đồng với quần chúng, được anh em mến mộ, vì thế công tác tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho công nhân, anh làm rất hiệu quả.

Năm 1931, anh Lê Văn Lương trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân hàng dầu Nhà Bè chống bọn tư bản bóc lột và chính quyền thực dân. Anh bị mật thám bắt, bị tòa án thực dân Pháp kết án tử hình, lúc đó anh mới 19 tuổi. Trải qua thời gian hơn nửa năm trời bị giam cầm trong xà lim án chém ở Khám Lớn (Sài Gòn), trong đó gần một tháng bị nhốt ở hầm cấm cố không có ánh sáng, anh vẫn không một phút bi quan, dao động, mà luôn luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng, quyết tâm hy sinh vì lý tưởng của Đảng; thanh thản, sẵn sàng lên máy chém, tỏ rõ tinh thần bất khuất của người cộng sản.

Trước sức ép đấu tranh của nhân dân ta và các lực lượng tiến bộ Pháp đòi ân xá, giảm án cho tù chính trị, chính quyền thực dân phải giảm án cho anh Lê Văn Lương, từ án tử hình xuống án chung thân khổ sai và đưa anh đi đày ở nhà tù Côn Đảo. Trải qua những năm tháng bị tra tấn, giam cầm trong nhà tù đế quốc, vượt qua những thử thách nghiệt ngã và đòn roi tàn bạo của kẻ thù, anh Lê Văn Lương luôn thể hiện ý chí bất khuất, kiên cường, giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản. Được đồng chí, anh em tín nhiệm, anh tham gia chi ủy bí mật của nhà tù Côn Đảo, cùng với các đồng chí lãnh đạo, tổ chức, động viên anh em tù chính trị vừa đấu tranh, vừa tranh thủ học tập, rèn luyện, để nâng cao nhận thức lý luận cách mạng.

Đối với kẻ địch, anh rất cứng rắn, nhưng đối với anh em đồng chí, anh Lương là một con người rất hiền hậu, khiêm tốn, sống chan hòa, bình dị gần gũi với mọi người. Làm việc với anh, tôi thấy anh có tinh thần trách nhiệm rất cao. Khi ta mới tiếp quản Hải Phòng (13/5/1955), anh Lê Văn Lương xuống chỉ đạo công tác tiếp quản. Sau khi nghe tôi báo cáo tình hình, anh trực tiếp đến ngay các xóm lao động, cùng chúng tôi xem xét, giải quyết những vấn đề khó khăn bức xúc của nhân dân. Với tác phong sâu sát, thái độ khiêm tốn, anh lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cán bộ, nhân dân; không chủ quan, áp đặt; anh Lê Văn Lương là người có ý thức tự giác chấp hành kỷ luật, tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình, tinh thần dám chịu trách nhiệm rất cao. Khi phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, trong bối cảnh bấy giờ, nhiều người thấy sai, nhưng không dám nói sai vì sợ bị liên lụy. Nhưng anh Lương đã thẳng thắn, nghiêm túc tự phê bình, nhận trách nhiệm trước Đảng. Thể hiện qua bản báo cáo do anh Lương trình bày tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) tháng 9 năm 1956, anh đã nhìn thẳng vào sự thật, tổng hợp đầy đủ tổn thất trong cải cách ruộng đất và đề xuất những biện pháp sửa sai để Hội nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét. Về trách nhiệm cá nhân, anh tự đề nghị cho mình một mức kỷ luật nghiêm khắc: Xin rút khỏi Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng và đề nghị được về công tác ở khu Tả Ngạn. Những vấn đề anh Lương đưa ra trình bày tại Hội nghị cơ bản đã được Trung ương đồng ý. Đặc biệt, thái độ và hành động trung thực, dũng cảm nhận sai lầm của anh Lương làm rất nhiều đồng chí cảm động và càng kính trọng anh.

Anh Lê Văn Lương xứng đáng là một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một tấm gương cộng sản mẫu mực, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

---------------------
Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.


 ✯✯ 


Nguồn Trang thông tin điện tử Ban tuyên giáo Tỉnh Ủy Hưng Yên; Trích trong cuốn Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2012, tr. 155-159.


0 nhận xét:

Post a Comment