DIỄN VĂN KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN LƯƠNG (Do đc Nguyễn Văn Thông, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương)

Thursday, March 29, 2012


Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912 – 28/3/2012)


- Kính thưa đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng!
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố!
- Kính thưa đồng chí Nguyễn Thị Bích Thuận, phu nhân đồng chí Lê Văn Lương và gia đình!
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo tỉnh, các đồng chí đại biểu, khách quý và đại diện các tầng lớp nhân dân!


Hôm nay, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, chí tình, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người “cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên.

Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới đồng chí Lê Hồng Anh; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương; bà Nguyễn Thị Bích Thuận, phu nhân đồng chí Lê Văn Lương cùng đại biểu gia đình, dòng họ; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các đồng chí lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố; đại diện các lực lượng vũ trang; đại biểu các tầng lớp nhân dân đã về dự lễ kỷ niệm trọng thể này.

Với tấm lòng thành kính, biết ơn và tự hào về đồng chí Lê Văn Lương, người con yêu dấu của quê hương Hưng Yên, chúng ta cùng nhau ôn lại thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng và cuộc đời của đồng chí.


Kính thưa các đồng chí và các vị đại biểu!

Đồng chí Lê Văn Lương, tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28 tháng 3 năm 1912 trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Được thừa hưởng những giá trị tốt đẹp của gia đình, dòng họ và truyền thống của quê hương, ngay từ thuở nhỏ, đồng chí đã mang trong lòng tình yêu quê hương, đất nước và sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1926, ở tuổi 14, khi còn là học sinh Trường Bưởi, Hà Nội, đồng chí đã tham gia các hoạt động bãi khóa để tang nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Năm 1927, khi mới 15 tuổi, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tháng 6 năm 1929, đồng chí gia nhập nhóm Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức cộng sản ở nước ta lúc đó, khi 3 tổ chức cộng sản thống nhất thành một đảng, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí là người cộng sản kiên trung thuộc thế hệ những đảng viên Cộng sản đầu tiên của Đảng ta.

Tháng 8 năm 1929, đồng chí được cử vào Nam bộ để gây dựng cơ sở cách mạng. Từ năm 1930, thực hiện chủ trương “vô sản hoá”, đồng chí đã hoạt động trong phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn, lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh chống tư bản thực dân. Tháng 3 năm 1931, trong một cuộc lãnh đạo đấu tranh, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt và giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Sau hơn hai năm bị giam giữ, bị dùng nhiều cực hình tra tấn, kẻ thù vẫn không lấy được lời khai nào từ đồng chí. Tuy nhiên, Toà án đại hình Sài Gòn vẫn kết án tử hình đối với đồng chí Lê Văn Lương cùng 7 đồng chí khác. Những lời lẽ phản kháng của đồng chí Lê Văn Lương và các đảng viên cộng sản khác tại phiên toà đã có tiếng vang lớn, tác động sâu sắc đến nhân dân và công nhân Sài Gòn, Chợ Lớn, tạo nên phong trào đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải giảm án cho những người cộng sản. Cùng với đó, cuộc đấu tranh của lực lượng tiến bộ Pháp đòi bỏ án tử hình và trả tự do cho tù chính trị ở Đông Dương thắng lợi, đồng chí Lê Văn Lương đã được giảm từ án tử hình, xuống án chung thân, rồi lại bị đọa đầy nơi địa ngục trần gian Côn Đảo (tháng 1 năm 1934). Với tinh thần kiên trung của những người cộng sản, những người từng coi án chém nhẹ tựa lông hồng, đồng chí Lê Văn Lương đã cùng các đồng chí Ngô Gia Tự, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Duy Trinh, Tôn Đức Thắng... tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ nhà tù, tiến hành đoàn kết các lực lượng tù nhân, lãnh đạo đấu tranh chống khổ sai, hà khắc và tổ chức học tập văn hoá, biến nhà tù thành trường học cách mạng đầu tiên trong cả nước[1][1] Lời phát biểu của đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại buổi Lễ trao tặng Huân chương Sao vàng đối với đồng chí Lê Văn Lương.. Việc ra đời của “trường học sau song sắt”[2][2] Theo bài “Đồng chí Lê Văn Lương, một hạt nhân lãnh đạo của chi bộ đặc biệt trong nhà tù Côn Đảo” của Nguyễn Đình Thống. nơi địa ngục trần gian Côn Đảo có công rất lớn của đồng chí Lê Văn Lương. Trường học đã đào tạo nên một thế hệ cán bộ có lý luận, trưởng thành trong đấu tranh gian khổ, trở thành những hạt giống đỏ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Đảng và nhân dân ta.

Tháng Tám năm 1945, đồng chí Lê Văn Lương cùng với những người bị tù đầy ở Côn Lôn được đón mừng tin chính quyền về tay Việt Minh. Ngày 23/9/1945, trên chiếc canô mang tên Giải Phóng do đồng chí Tôn Đức Thắng cầm lái, đồng chí Lê Văn Lương đã cùng các chiến sỹ cộng sản trung kiên trở về đất liền. Tháng 10/1945, đồng chí tiếp tục quá trình hoạt động cách mạng. Là Uỷ viên dự khuyết Xứ uỷ Nam Bộ, đồng chí đã cùng tập thế Xứ uỷ chỉ đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ đến khi được Trung ương điều ra miền Bắc công tác (tháng 1/1946). Thời gian công tác của đồng chí Lê Văn Lương tại Sài Gòn và Nam Bộ không nhiều so với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, song đã để lại hình ảnh người thanh niên “Xứ nhãn lồng vẫn sống mãi trong lòng Đảng bộ và nhân dân thành phố mang tên Bác”[3][3] Bài “Về những năm tháng hoạt động của đồng chí Lê Văn Lương ở Sài Gòn và Nam Bộ” của Phạm Ngọc Bích. .

Từ tháng 1 năm 1946, đồng chí Lê Văn Lương được Trung ương điều ra công tác ở miền Bắc, giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Báo Sự thật và Nhà Xuất bản Sự thật. Đầu năm 1947, do nhu cầu kiện toàn bộ máy của Trung ương, đồng chí Lê Văn Lương được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng và được chỉ định làm Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng. Cuối năm 1948, đồng chí Lê Văn Lương được chỉ định làm Trưởng ban Đảng vụ, đồng thời được phân công giúp Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo Điều lệ và chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Tại Đại hội II, đồng chí được bầu là Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách Ban Tổ chức và chỉ đạo Văn phòng Trung ương, làm công việc thường trực của Trung ương bên Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh.

Năm 1954, hoà bình lập lại, đồng chí được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo triển khai nhiều cuộc vận động chỉnh đốn tổ chức, phối hợp với cuộc vận động cải cách ruộng đất, đồng chí được cử tham gia Ban lãnh đạo Cải cách ruộng đất. Do công tác cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức còn có những sai lầm, khuyết điểm, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã tự phê bình và đề ra phương hướng sửa chữa, đồng chí Lê Văn Lương đã thấy rõ phần trách nhiệm của mình, tự nhận cho mình một mức kỷ luật nghiêm khắc, rút ra khỏi Bộ Chính trị, chuyển sang làm Bí thư Khu uỷ Tả ngạn từ tháng 11 năm 1956. Ngoài các nhiệm vụ trên, từ năm 1949 đến năm 1956, đồng chí còn được phân công làm Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Tháng 8 năm 1957, đồng chí được Trung ương điều chuyển về làm Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Đầu năm 1959, đồng chí được cử giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Ban Bí thư. Khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1969, đồng chí được làm việc bên Bác Hồ nhiều hơn. Năm 1967, khi Bác đi kiểm tra sức khoẻ và điều trị ở Trung Quốc, đồng chí Lê Văn Lương đã được Bác tin tưởng cử đi cùng để trực tiếp giúp việc Bác. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bác giao khi đảm bảo thông suốt ý kiến của Bác với các đồng chí trong Bộ Chính trị để chỉ đạo cách mạng trong nước, đồng thời giữ mối quan hệ đối ngoại tốt đẹp, tranh thủ được sự giúp đỡ của Trung Quốc với cách mạng Việt Nam. Quá trình rèn luyện, công tác và phẩm chất đạo đức tốt đẹp của đồng chí từ thời thanh niên sôi nổi trong phong trào công nhân Chợ Lớn, trong xà lim, án chém rồi địa ngục trần gian Côn Đảo cho đến khi được đảm nhận các chức vụ công tác ở Trung ương được Bác Hồ quý mến, ghi nhận.

Từ năm 1973, đồng chí được phân công kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội Đại biểu lần thứ IV của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Đầu năm 1977, đồng chí được phân công tham gia Thành ủy Hà Nội và được bầu làm Bí thư Thành ủy. Đại hội đại biểu lần V của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. 10 năm trong cương vị Bí thư Thành uỷ, đồng chí đã mang hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô. Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa VI và khóa VII.

Năm 1986, dù đã được nghỉ hưu, song với đức độ và kinh nghiệm trong công tác, đồng chí vẫn được Bộ Chính trị phân công giúp Trung ương tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Đồng chí lo toan việc Đảng, việc nước cho đến những ngày cuối đời mình.


Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, qua nhiều thời kỳ với nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Lê Văn Lương luôn tỏ rõ là một người cộng sản kiên cường, dũng cảm; một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng và đức độ. Đồng chí thường được Đảng, Bác Hồ giao những nhiệm vụ quan trọng ở những thời điểm quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.

Những năm 1950, Đảng ta quyết định tổ chức Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II, đưa Đảng trở lại hoạt động công khai sau 15 năm hoạt động bí mật. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị về nhân sự và các điều kiện cho Đại hội II là công việc đặc biệt quan trọng. Ở thời điểm này, đồng chí Lê Văn Lương đã được Đảng và Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh tin tưởng giao chuẩn bị lập danh sách những người ứng cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Việc chuẩn bị về nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương ở thời điểm này là vấn đề rất khó, do từ năm 1948 -1950, số người vào Đảng tăng lên rất nhanh, số đồng chí xứng đáng được lựa chọn tham gia ứng cử khá đông, phân tán ở các vùng, miền trong cả nước. Với đức tính thận trọng, công bằng, trách nhiệm, bằng cách thức dân chủ, lắng nghe ý kiến của cán bộ và nhân dân, đồng chí Lê Văn Lương đã giúp Thường vụ Trung ương Đảng xây dựng được danh sách các đồng chí tham gia ứng cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Cùng với việc chuẩn bị về nhân sự, đồng chí đã tích cực giúp Trung ương chuẩn bị chu đáo dự thảo Điều lệ Đảng, góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Năm 1954, đồng chí Lê Văn Lương được phân công đảm nhiệm cương vị mới: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Khi Đảng, Bác Hồ phát hiện có những sai lầm, khuyết điểm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, trong vai trò thành viên Ban cải cách, đồng chí Lê Văn Lương đã rất tích cực đi cơ sở xác minh tình hình. Đồng chí đã giúp Trung ương xây dựng báo cáo, tổng hợp đầy đủ những sai lầm, tổn thất, đề ra những biện pháp sửa sai trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1956 xem xét, quyết định. Với tinh thần dũng cảm, nghiêm túc của Trung ương Đảng và Bác Hồ, công tác sửa sai của Đảng đã được tiến hành khẩn trương và có kết quả.


Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta có hàng vạn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị địch bắt, tù đày, trong đó có số ít người đã không chịu nổi sự tra tấn, đầu hàng địch. Lúc bấy giờ, một số tổ chức Đảng nghi ngại, thiếu tin tưởng những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị địch bắt, có nơi không bố trí, đề bạt vào các vị trí quan trọng của Đảng và nhà nước, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của đại bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sỹ kiên trung. Trong cương vị Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Lê Văn Lương lắng nghe báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương và thay mặt Ban Bí thư ban hành Chỉ thị rất quan trọng “Về việc đón tiếp những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị địch bắt, tù đày là những người chiến thắng trở về”, được cán bộ, đảng viên, chiến sỹ rất hoan nghênh.

Công tác tổ chức, công tác cán bộ là sự nghiệp gần như gắn bó trọn cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương. Từ những ngày biệt giam chờ án chém ở Khám Lớn Sài Gòn hay những đêm ngày tranh đấu không mệt mỏi ở ngục Côn Đảo, đồng chí luôn là người tổ chức, đoàn kết tập hợp bạn tù thành khối thống nhất, đấu tranh bảo về quyền được sống và đấu tranh phản kháng chế độ hà khắc của nhà tù thực dân. Phần lớn thời gian làm công tác tổ chức cán bộ, với tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì công việc; với đạo đức cách mạng sáng trong chí công vô tư; với lối sống khiêm tốn, giản dị, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã có những đóng góp tích cực vào công tác tổ chức xây dựng Đảng và sự nghiệp chung của cách mạng Việt Nam.

Không chỉ là nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, đồng chí Lê Văn Lương còn là một cây bút xuất sắc trong nhiều lĩnh vực. Nơi ngục tối Côn Đảo, đồng chí đã được chi uỷ giao nhiệm vụ viết thư và tài liệu gửi về đất liền; viết bài chỉ đạo Báo “Tiến lên”, tờ báo bí mật của Hội tù nhân hướng dẫn đấu tranh trong tù và Tập san “Ý kiến chung”, tập san nghiên cứu lý luận trong tù; chỉ đạo biên tập xuất bản Báo “Độc lập” ở Côn Đảo. Trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc, đồng chí đã nghiên cứu thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm nêu lên 10 nội dung cần thiết cho kháng chiến từ công tác chỉ huy, công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực và công tác tiến hành[4][4] “Bài kinh nghiệm kháng chiến” đăng Báo Sự thật ngày 05/12/1946. . Đáng chú ý, đồng chí còn có các bài viết rất quan trọng về công tác xây dựng Đảng như “Học tập Nghị quyết Đại hội Đảng như thế nào”[5][5] Bài đăng Báo Nhân Dân số 13, ngày 21/6/1951. , “Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng”[6][6] Bài đăng Báo Nhân Dân từ số 14, ngày 26/6/1951 đến số 18, ngày 26/7/1951. , cho đến nay vẫn những bài viết của đồng chí vẫn còn rất sâu sắc, nhất là trong dịp Đảng ta chuẩn bị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Những cống hiến của đồng chí Lê Văn Lương đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta đã được giáo sư Vũ Khiêu trân trọng, thể hiện trong câu đối:
"Mười lăm tuổi lên đường chính khí vươn cao trời biển rộng
Bảy mươi năm cùng Đảng công huân rực sáng cổ kim soi"[7][7] Câu đối do Giáo sư Vũ Khiêu đề tặng gia đình đồng chí Lê Văn Lương vào dịp đồng chí được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng năm 1991. .



Kính thưa quý vị đại biểu!

Gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, liên tục; suốt đời trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh, đem hết sức lực, tài năng và trí tuệ phục vụ sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân. Là người cộng sản trung kiện thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng ta, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Văn Lương đã cùng Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã nêu cao tấm gương trong sáng, với quân thù: hiên ngang, bất khuất, coi án chém nhẹ tựa lông hồng; với công việc: tận tuỵ, trung thành và liêm chính, đặt lợi ích cách mạng lên trên hết; với đời sống nhân dân: chăm lo thiết thực, cụ thể; với đông chí: khiêm nhường, chu đáo, gần gũi, thân tình; đối với gia đình: một người con hiếu thuận, người chồng, người cha mẫu mực; đối với bản thân: một tấm gương sáng về tự phê bình và phê bình. Với những cống hiến to lớn, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân chương cao quý khác. Đảng và nhân dân ta ghi nhớ công lao của đồng chí, người con ưu tú của đất nước và quê hương Hưng Yên.


Kính thưa các đồng chí và các vị đại biểu!

Trong phần lớn cuộc đời cách mạng của mình, do sự phân công của Đảng, của tổ chức, đồng chí Lê Văn Lương không hoạt động cách mạng và công tác ở địa bàn Hưng Yên, song đồng chí luôn nặng nghĩa, vẹn tình với gia đình, dòng họ và quê hương, luôn dành cho Hưng Yên những tình cảm đặc biệt sâu nặng, đồng chí đã thường xuyên liên lạc và giác ngộ cách mạng đối với anh chị em, con cháu trong gia đình, dòng họ và thanh niên quê hương.

Sau này, khi đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng do Đảng và nhân dân giao phó, đồng chí vẫn luôn dành thời gian quan tâm đến sự phát triển và dành thời gian về thăm quê hương. Năm 1981, khi xã Nghĩa Trụ làm xong chiếc cầu bê tông kiên cố bắc qua sông Nghĩa Trụ, nối xã với quốc lộ số 5, đồng chí Lê Văn Lương đã về dự lễ khánh thành. Ngày 11 tháng 1 năm 1984, khi Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Trụ khởi công xây dựng Nhà truyền thống của xã, đồng chí Lê Văn Lương đã về thăm bà con quê hương và dự Lễ khởi công. Khi Nhà truyền thống được khánh thành, đồng chí đã cùng với lãnh đạo Bộ Văn hóa duyệt nội dung trưng bày tại Nhà truyền thống…Không chỉ với quê hương Nghĩa Trụ, đồng chí Lê Văn Lương còn dành nhiều tình cảm các địa phương khác trong tỉnh. Hiện nay, ở xã Long Hưng (Văn Giang) vẫn còn cây phượng vĩ do đồng chí trồng lưu niệm trong lần về thăm và động viên giáo viên, học sinh Trường cấp 1-2 của xã...


Kính thưa các đồng chí và các vị đại biểu!

Là tỉnh có truyền thống văn hiến và cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên luôn tự hào sâu sắc khi thời nào, lĩnh vực nào cũng có những danh nhân tiêu biểu. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, Hưng Yên tự hào có lớp lớp những người con theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ và của non sông anh dũng chiến đấu không quản hy sinh thân mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong lớp lớp những người con ưu tú đó phải kể đến: cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người đảm nhận xứ mệnh chèo lái con thuyền cách mạng của đất nước ta trong sự nghiệp đổi mới đến bến bờ thắng lợi; đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành uỷ Hà Nội và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Đó là những người con ưu tú không chỉ của quê hương Hưng Yên, mà là những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam đã góp phần làm rạng danh cho Tổ quốc, là những tấm gương sáng để Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên học tập và noi theo.

Phát huy truyền thống của quê hương, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Hưng Yên đang nỗ lực vươn lên cùng cả nước thực hiện sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát về kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, song được sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương, sự cố gắng nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, sau 15 năm tái lập, Hưng Yên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng nhanh, toàn diện và tương đối vững chắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước bình quân trên 12% năm. So với khi mới tái lập, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp trên 50 lần; thu ngân sách tăng gấp 50 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 25 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 6 lần. Đáng chú ý, năm 2011 Hưng Yên đã đã long trọng tổ chức thành công 3 sự kiện lớn của tỉnh, 180 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 15 năm tái lập tỉnh. Cũng trong năm 2011, thu ngân sách của tỉnh đạt 4.248 tỷ đồng tăng trên 20% so với kế hoạch đã đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông nghiệp 24% - công nghiệp, xây dựng 45% - dịch vụ 31%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,4 triệu đồng. Hạ tầng kinh tế - xã được nâng cấp và đầu tư xây mới. Diện mạo đô thị và nông thôn ngày một khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy, dân chủ được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; công tác chính trị, tư tưởng có nhiều đổi mới, tạo sự thống nhất tin tưởng trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân; cuộc vận động xây dựng Đảng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ. Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo sức lan toả rộng khắp trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong toàn xã hội. Hưng Yên hôm nay đang ngày càng khởi sắc. Những thành tựu đạt được rất đáng tự hào, là tiền đề quan trọng để Đảng bộ tỉnh ta tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng.


Kính thưa các đồng chí và các vị đại biểu!

Hôm nay chúng ta họp mặt tại đây để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương, một chiến sỹ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm có uy tín của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Hưng Yên nguyện noi theo tấm gương người cộng sản kiên trung, mẫu mực của đồng chí Lê Văn Lương và tinh thần cách mạng của các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối, phát huy truyền thống của quê hương, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, nhất là công cuộc quy hoạch, đào tạo cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; khai thác lợi thế, huy động nguồn lực, chủ động hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế cao, chất lượng và bền vững; xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang nét đặc trưng của địa phương. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.

Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo của đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ hiệu quả của các ban, bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đối với Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên; cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu và nhân dân đã tới dự Lễ kỷ niệm trọng thể này.






---------------------------
[1] Lời phát biểu của đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại buổi Lễ trao tặng Huân chương Sao vàng đối với đồng chí Lê Văn Lương.
[2] Theo bài “Đồng chí Lê Văn Lương, một hạt nhân lãnh đạo của chi bộ đặc biệt trong nhà tù Côn Đảo” của Nguyễn Đình Thống.
[3] Bài “Về những năm tháng hoạt động của đồng chí Lê Văn Lương ở Sài Gòn và Nam Bộ” của Phạm Ngọc Bích.
[4] “Bài kinh nghiệm kháng chiến” đăng Báo Sự thật ngày 05/12/1946.
[5] Bài đăng Báo Nhân Dân số 13, ngày 21/6/1951.
[6] Bài đăng Báo Nhân Dân từ số 14, ngày 26/6/1951 đến số 18, ngày 26/7/1951.
[7] Câu đối do Giáo sư Vũ Khiêu đề tặng gia đình đồng chí Lê Văn Lương vào dịp đồng chí được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng năm 1991.


 ✯✯ 



0 nhận xét:

Post a Comment