20 Đồng chí Lê Văn Lương - Người con ưu tú của quê hương Văn Giang

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Văn Giang là huyện nằm ở phía Tây bắc Tỉnh Hưng Yên, cửa ngõ Đông nam của Thủ đô Hà Nội, nằm trong trục giao thương giữa hai trung tâm chính trị, thương mại lớn của cả nước “thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, Văn Giang có điều kiện thuận lợi giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hoá của các vùng miền trong và ngoài nước. Văn Giang là vùng quê văn hiến với nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, nhiều địa danh, dòng họ, con người đã đi vào lịch sử, thơ ca như: chợ Mễ; làng Xuân Cầu; làng Phú Thị; làng Đa Ngưu, làng Đan Nhiễm.v.v..

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Văn Giang là một miền quê bất khuất, kiên cường, đóng góp nhiều sức người, sức của cùng cả nước làm nên những chiến thắng huy hoàng. Xã Phụng Công xưa từng là nơi đóng quân của Hai Bà Trưng; xã Mễ Sở trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông là nơi tập kết lương thảo, vũ khí, quân trang, quân dụng của quân đội nhà Trần; đình Đa Ngưu là nơi tế cờ của nghĩa quân Bãi Sậy. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Mễ Sở là cơ sở nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng của Đảng và trong kháng chiến chống Mỹ, Mễ Sở tiếp tục là nơi trung chuyển lương thực, vũ khí đạn dược cho tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt .v.v.

Người dân Văn Giang chuyên cần, ham hiểu biết, nhanh nhạy với thời cuộc, nên trong lịch sử dân tộc thời nào cũng có những người con ưu tú làm rạng danh cho dòng tộc, cho quê hương, đất nước. Suốt thời kỳ Nho giáo và Hán học trải dài 845 năm (1075-1919) xứ Kinh Bắc có 700 người đỗ đại khoa, thì huyện Văn Giang có 72 người và trong đó xã Nghĩa Trụ có 12 vị đỗ đại khoa, tiếp đến là các làng Đan Nhiễm, Lại Ốc, Đa Ngưu, Phú Thị... nhiều cổng làng trong huyện có các đại tự thể hiện sự hiếu học như “Đa văn vi phú” hay “Văn nhã hạng”...

Đến những năm đầu của thế kỷ XX, những người con ưu tú của huyện Văn Giang tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương, tích cực tham gia các tổ chức, các phong trào yêu nước đấu tranh đòi độc lập dân tộc, như Dương Bá Trạc tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục (1907); Phó Đức Chính, Tô Chấn tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng (1927)... Khi có ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, những người con ưu tú của Văn Giang nhanh chóng tiếp thu và trở thành những chiến sĩ cộng sản trung kiên, những lãnh đạo cao cấp của Đảng trong đó có đồng chí Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miều) - người con ưu tú của làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.

Đồng chí Lê Văn Lương sinh ra trong một gia đình nhà Nho, hiếu học, nhiều tài năng. Chính từ làng Xuân Cầu và dòng họ Nguyễn Công đã có nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực. Các anh ruột đồng chí Lê Văn Lương là nhà văn Nguyễn Công Hoan; đồng chí Nguyễn Công Mỹ nguyên Giám đốc Nha bình dân học vụ; Các em ruột gồm: đồng chí Nguyễn Công Bồng nguyên Phó tổng giám đốc Nha công an, đồng chí Nguyễn Công Bông nguyên Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Tuyên Quang; Đồng chí Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là cháu gọi đồng chí Lê Văn Lương là chú... Họ ngoại của đồng chí Lê Văn Lương là họ Tô với những nhà cách mạng tên tuổi như Tô Hiệu, Tô Chấn...

Thời thiếu niên, đồng chí theo học bậc Tú tài tại trường Trung học Bưởi, Hà Nội. Tại đây, đồng chí có những liên hệ đầu tiên với đồng chí Ngô Gia Tự và Nguyễn Văn Cừ, tham gia bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh. Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội). Tháng 6/1929, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 1 năm 1930, đồng chí vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đồng chí đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng, từng là Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI và khóa VII.

Đồng chí Lê Văn Lương là một người cộng sản kiên trung thuộc thế hệ lớp đầu của Đảng ta, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Văn Lương đã nêu tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy, tinh thần cách mạng, dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần kiệm, liêm chính và tình thương đối với cán bộ và nhân dân, được toàn Đảng, toàn dân thương yêu kính trọng. Đối với quê hương Văn Giang, đồng chí luôn quan tâm, có nhiều tình cảm chân thành, quý báu, không đơn thuần chỉ là tình cảm của người lãnh đạo cấp cao của Đảng với địa phương mà còn là tình cảm của một người con xa quê với mong muốn được góp sức mình xây dựng quê hương.

Vì điều kiện công tác với cương vị của một cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước nên đồng chí không thường xuyên về thăm quê, nhưng những lần về thăm và làm việc với huyện Văn Giang đồng chí đều để lại những ấn tượng sâu sắc đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện nhà.

Tháng 9/1962, Đại hội Đảng bộ huyện Văn Giang lần thứ VII đã vinh dự được đón đồng chí Lê Văn Lương về dự, phát biểu với Đại hội, đồng chí đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng Đảng đồng thời nhấn mạnh việc nâng cao trình độ lý luận, tư tưởng văn hoá và kỹ thuật cho cán bộ đảng viên, quán triệt tư tưởng tự lực cánh sinh, đẩy mạnh đấu tranh phê bình và tự phê bình, giữ vững nguyên tắc của Đảng…

Những năm đế quốc Mỹ leo thang ném bom đánh phá miền Bắc, mỗi khi nghe tin Văn Giang bị ném bom, đồng chí đều gọi điện gặp các đồng chí lãnh đạo thăm hỏi, động viên, đồng thời căn dặn phải nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống cho nhân dân, phải thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội….


Trên các cương vị của mình, đồng chí còn nhiều lần về làm việc với lãnh đạo huyện và có lẽ do xuất thân từ gia đình trí thức, dòng dõi khoa bảng nên đồng chí đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục đào tạo và việc biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng của quê hương để giáo dục cho các thế hệ người Văn Giang, bản thân đồng chí nhiều lần trực tiếp tham dự hội thảo cuốn sơ thảo lịch sử Đảng bộ huyện Văn Giang (1936-1972). Khi huyện Văn Giang được tái lập (9/1999), Cuốn sơ thảo này đã được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Văn Giang khoá XXI kế thừa, tiếp thu và biên soạn thành cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Giang tập I (1930-1975) được in và phát hành vào dịp kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2 năm 2004.

Mỗi lần về thăm và làm việc, đồng chí thường đến thăm trường học, hợp tác xã nông nghiệp trong huyện như: trường Cấp 1-2 Tô Hiệu xã Nghĩa Trụ; cấp 1-2 xã Long Hưng, HTX Ngọc Long-xã Long Hưng... đồng chí luôn quan tâm, thăm hỏi đời sống của nhân dân, việc học tập của các cháu học sinh, việc sản xuất nông nghiệp được tổ chức ra sao? địa phương có những khó khăn, vướng mắc gì? Nếu những khó khăn, vướng mắc nằm trong phạm vi có thể giải quyết được hoặc hỗ trợ được, đồng chí đều rất nhiệt tình giúp đỡ... Khi về quê, đồng chí thấy quê mình cách đường 5 vài trăm mét mà nhân dân đi lại rất khó khăn, già trẻ đều phải đi qua cây cầu gỗ bấp bênh rất nguy hiểm, đồng chí đã xin Chính phủ tạo điều kiện xây dựng cây cầu bê tông giúp cho nhân dân đi lại, giao thương thuận tiện hơn. Ngày nay, cây cầu đó vẫn còn và đang trở thành một trong những cây cầu quan trọng của huyện... Những ngôi trường cấp 1-2 Tô Hiệu xã Nghĩa Trụ (nay là trường mầm non Tô Hiệu), trường cấp 1-2 xã Long Hưng, nhà truyền thống xã Nghĩa Trụ vẫn còn mang nhiều dấu ấn và kỷ niệm của đồng chí Lê Văn Lương.

Có thể nói suốt một đời, từ một trí thức yêu nước trở thành một người lãnh đạo cấp cao của Đảng đến lúc rời xa trần thế đi theo tiên tổ, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, thống nhất nước nhà và sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội nhưng cũng là một người con trung, hiếu, trọn nghĩa, vẹn tình với dòng tộc với quê hương.

Phát huy truyền thống của quê hương và ghi nhớ những lời động viên, căn dặn và sự mong mỏi của đồng chí; cán bộ, đảng viên và nhân dân Văn Giang đã không ngừng thi đua, hăng hái học tập và lao động sản xuất, lập được nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào công cuộc kháng chiến cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành thắng lợi, dân tộc được độc lập, đất nước được thống nhất, hàng ngàn tập thể, cá nhân của huyện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các loại; 6/11 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, trong đó có hai xã Mễ Sở và Tân Tiến 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng (Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới); 86 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam anh hùng”; Liệt sỹ Nguyễn Ngọc Sâm (xã Mễ Sở) được phong tặng dạnh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”. Huyện Văn Giang đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đảng bộ và nhân dân Văn Giang tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Đặc biệt năm 2011 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Văn Giang tiếp tục đạt được nhiều thành tựu và tiến bộ. Kinh tế tăng trưởng cao, đạt 16,5%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá; giá trị thu trên 1ha đất canh tác bình quân đạt 127 triệu đồng, tăng 95 triệu đồng so với năm 1999, khi mới tái lập huyện; thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/năm. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hóa, làng văn hoá, cơ quan đơn vị văn hoá đạt nhiều kết quả thiết thực. Toàn huyện có 72,2% làng văn hoá, 97,8% cơ quan, đơn vị văn hoá. Giáo dục đào tạo phát triển cả về qui mô và chất lượng luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh: 20/24 trường tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; trường THPT Dương Quảng Hàm là một trong những trường đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia bậc THPT; Văn Giang có 2/4 trường THPT toàn tỉnh được xếp vào tốp các trường dẫn đầu về tỷ lệ học sinh đỗ vào đại học. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được nâng lên một bước, 11/11 xã giữ vững chuẩn quốc gia về y tế. Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước và các đối tượng bảo trợ xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 5,37%. Chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Bước vào năm mới 2012 với khí thế mới, cán bộ, đảng viên và nhân dân Văn Giang đang ra sức thi đua thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thiết thực lập thành tích chào mừng 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương, 100 năm Ngày sinh Tô Hiệu, quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết, khai thác mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của huyện; tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tạo nền tảng để xây dựng Văn Giang trở thành đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học kỹ thuật và công nghiệp theo hướng hiện đại; phát triển và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa, hiếu học; viết tiếp những trang sử hào hùng của quê hương Văn Giang mà các thế hệ cha anh đã dày công gây dựng.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment