Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội (28/3/1912 – 28/3/2012)

Thursday, March 22, 2012

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà cách mạng Lê Văn Lương (28/3/1912 - 28/3/2012)

_ Ban tuyên giáo tỉnh ủy Hưng Yên _

I - KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN LƯƠNG (28/3/1912 -25/4/1995)


Đồng chí Lê Văn Lương, tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28 tháng 3 năm 1912 trong một gia đình nho học tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ lúc theo học tại trường Bưởi, Hà Nội, đồng chí đã được Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giác ngộ cách mạng, cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ tham gia bãi khóa, để tang Phan Châu Trinh (1926). Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tháng 6 năm 1929, đồng chí gia nhập nhóm Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức cộng sản ở nước ta lúc đó, và đến khi thống nhất tổ chức thành một đảng duy nhất, đồng chí trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 8 năm 1929, đồng chí được cử vào Sài Gòn hoạt động để gây dựng cơ sở cách mạng. Đến tháng 3 năm 1931, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt và giam tại Khám Lớn Sài Gòn.
Năm 1933, đồng chí bị kết án tử hình cùng với 7 người khác. Do sự vận động và đấu tranh của nhân dân ta, đặc biệt là của các nghị sĩ tiến bộ Pháp, đòi bỏ án tử hình và trả tự do cho tù chính trị ở Đông Dương, đồng chí được giảm xuống án chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Trong tù, đồng chí tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ nhà tù, cùng các đảng viên lãnh đạo đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Trung ương đón về Nam Bộ, tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Bộ. Tháng 10 năm 1945, đồng chí được cử làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ. Tháng 1 năm 1946, đồng chí được Trung ương điều ra Bắc, giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật. Đầu năm 1947, đồng chí được cử làm Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng.

Tháng 2 năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Từ giữa năm 1953, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Cải cách ruộng đất Trung ương do đồng chí Trường Chinh làm Trưởng ban, đồng chí Lê Văn Lương được phân công tham gia Ban lãnh đạo Cải cách ruộng đất.
Hòa bình lập lại, năm 1954, đồng chí được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 11 năm 1956, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Khu ủy Tả ngạn. Tháng 8 năm 1957, đồng chí làm Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Đầu năm 1959, đồng chí được cử giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Ban Bí thư. Năm 1973, đồng chí được phân công kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Từ năm 1976 đến năm 1986, đồng chí được phân công tham gia Thành ủy Hà Nội và được bầu làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Cuối năm 1986, do tuổi cao sức yếu, đồng chí không tham gia Ban Chấp hành Trung ương, thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trong thời gian này, đồng chí vẫn được Bộ Chính trị phân công tham gia tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Đồng chí còn là đại biểu Quốc hội các khóa VI và khóa VII.

Đồng chí từ trần ngày 25 tháng 4 năm 1995 tại Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội, thọ 83 tuổi.
Là một trong những đảng viên cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, III, IV, V. Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Văn Lương thể hiện tấm gương của một chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng chí là một cán bộ có ý thức tổ chức kỷ luật rất cao, sống trung thực, giản dị, hòa nhã với mọi người, luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đồng chí, của nhân dân.

Với những hoạt động và cống hiến đối với Đảng, cách mạng và dân tộc, đồng chí Lê Văn Lương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.


II. NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN LƯƠNG VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC


1. Đồng chí Lê Văn Lương thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, dũng cảm, trung kiên, một lòng một dạ theo lý tưởng cộng sản.

Sinh ra trong một gia đình nho học và khoa bảng ở một địa phương có truyền thống hiếu học và yêu nước, đồng chí Lê Văn Lương đã kế thừa được các phẩm chất cao quý của gia đình, dòng họ và quê hương. Từ những năm học trường Bưởi, cùng với người bạn học Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương được Ngô Gia Tự giác ngộ cách mạng. Năm 15 tuổi, đồng chí đã tham gia Hội Việt nam Cách mạng Thanh niên. Được đấu tranh và rèn luyện trong tổ chức cách mạng, đồng chí đã đem nhiệt huyết của tuổi trẻ đấu tranh chống áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến. Năm 17 tuổi, đồng chí đã là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng.

Thực hiện chủ trương "vô sản hóa" của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương cùng với đồng chí Ngô Gia Tự vào Sài Gòn hoạt động trong phong trào công nhân, lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Sau khi bị mật thám bắt, đồng chí Lê Văn Lương cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lý Tự Trọng, Lê Quang Sung đều bị kết án tử hình... Lúc ấy, đồng chí Lê Văn Lương mới 18 tuổi. Với bản lĩnh và khí phách của người cộng sản chân chính, các đồng chí đã chuẩn bị sẵn tinh thần để hiên ngang lên máy chém… Bản lĩnh và khí phách ấy đã khiến những viên cai ngục nổi tiếng tàn bạo của chế độ thực dân phải nể trọng.

Do những tác động tích cực của cách mạng thế giới và sự đấu tranh trực tiếp của các đảng viên cộng sản, thực dân Pháp buộc phải đày đồng chí Lê Văn Lương và các đồng chí Phạm Hùng, Lý Tự Trọng, Lê Quang Sung ra Côn Đảo. Suốt 15 năm lao tù, trong đó có 11 năm tại Côn Đảo, nơi được coi là địa ngục trần gian do thực dân đặt ra để đày đọa những người chống đối, đồng chí luôn giữ vững khí tiết cách mạng, phẩm chất cộng sản. Với tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, Lê Văn Lương đã cùng với các đồng chí của mình thành lập Chi bộ cộng sản ngay tại cái “địa ngục trần gian” ấy. Cũng tại đây, đồng chí được Chi bộ cử vào Ban lãnh đạo nhà tù Côn Đảo, lãnh đạo các đảng viên trong nhà tù đấu tranh kiên cường với kẻ thù. Ngày đi làm khổ sai, tối đến, đồng chí Lê Văn Lương vẫn cần mẫn viết bài chỉ đạo cho báo “Tiến lên”, tờ báo bí mật của Hội tù nhân, hướng dẫn đấu tranh trong tù và tập san “Ý kiến chung” - tập san nghiên cứu lý luận trong tù. Đến tháng 7/1935, khi đồng chí Trần Văn Giàu bị bắt và đày ra đảo, đồng chí Lê Văn Lương đã bàn với đồng chí Phạm Hùng giao cho Trần Văn Giàu mở lớp dạy lý luận trong tù. Bản thân đồng chí Lê Văn Lương cũng là một học viên chăm chỉ của lớp. Tấm gương của đồng chí có ảnh hưởng tích cực đến những người tù ở toàn đảo, đến phong trào cách mạng ở trong nước qua những đồng chí được trả lại tự do hay hết hạn tù. Những hoạt động tích cực của Chi bộ nhà tù và đồng chí Lê Văn Lương đã góp phần đào tạo, rèn luyện được một thế hệ cán bộ của Đảng dày dạn kinh nghiệm chỉ đạo phong trào cách mạng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Lê văn Lương luôn thể hiện là một người cộng sản chân chính, vì nước, vì dân, vì sự nghiệp của Đảng.


2. Đồng chí Lê Văn Lương thuộc thế hệ lãnh đạo đầu tiên của ngành tổ chức Trung ương Đảng; một nhà lãnh đạo nòng cốt, có công trong nhiều mặt của công tác Đảng, có tác phong làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, công bằng.

Đồng chí Lê Văn Lương đã trải qua nhiều chức vụ của Đảng và Nhà nước. Trên các cương vị của mình, đồng chí đều thể hiện sự thận trọng, khéo léo trong xử lý công việc, nhưng kiên định về nguyên tắc Đảng.

Năm 1948, khi được bầu bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Chánh Văn phòng Trung ương, đồng chí là người làm việc bên cạnh Bác Hồ và trong Thường vụ Trung ương, cùng với đồng chí Trường Chinh giải quyết các công việc hàng ngày của Đảng. Khi các Ban xây dựng Đảng lần lượt ra đời: Đảng vụ (Tổ chức), Kiểm tra, Dân vận, Tài chính, với cương vị Chánh Văn phòng, đồng chí đã chủ động sắp xếp, giúp Trung ương bảo đảm sự vận hành có hiệu quả công việc của Đảng, giữ mối liên hệ giữa Trung ương và các Khu ủy, Tỉnh ủy. Trong thời gian làm Trưởng ban Đảng vụ từ 1948 - 1950, đồng chí đã giúp Trung ương Đảng soạn thảo Điều lệ Đảng mới, lập danh sách những người ứng cử vào Ban Chấp hành, Ban Bí thư, Bộ Chính trị… để góp phần vào công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ II.

Sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, ngày 21/6/1951, đồng chí Lê Văn Lương đã viết bài cho báo Nhân dân với chủ đề “Học tập Nghị quyết Đại hội Đảng như thế nào”. Bài viết chỉ rõ những mặt được và chưa được trong việc học tập Nghị quyết Đại hội Đảng. Theo đồng chí, cần xác định rõ mục đích của việc học Nghị quyết, đó là: “làm cho mỗi đảng viên tăng gia tinh thần trách nhiệm, tăng gia ý thức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân”. Đến ngày 26/7/1951, đồng chí tiếp tục viết bài “Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng”, trong đó nêu rõ vai trò quan trọng của công tác tư tưởng trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời cần nêu cao ý thức phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân, nhất là phải “nắm vững lập trường và quan điểm giai cấp” trong xây dựng Đảng; thực hiện đúng đường lối quần chúng của Đảng và nâng cao ý thức tổ chức. Đồng chí nêu rõ: “Tất cả cán bộ và đảng viên bất kỳ hoạt động ở ngành nào, cũ hay mới, công nông hay trí thức, cấp trên hay cấp dưới đều phải đoàn kết, nhất trí, phải hăng hái công tác, hăng hái chấp hành Nghị quyết của đa số và cấp trên, tuyệt đối phải phục tùng kỷ luật của Đảng”.

Khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh. Đã góp phần phát triển được đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực, xây dựng hệ thống tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh ở các cấp, các ngành, các địa phương với cơ chế hoạt động ngày càng tiến bộ. Trong công tác tổ chức, đồng chí còn có trách nhiệm cao đối với sinh mạng chính trị của cán bộ đảng viên và công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, yêu thương cán bộ, công minh, kiên quyết bảo vệ cái đúng và người tốt, đấu tranh không khoan nhượng đối với cái sai; gần gũi quần chúng, vì sự tiến bộ của đồng chí mình. Đồng chí luôn đi sát cơ sở, đặc biệt chú trọng chỉ đạo việc thực hiện đường lối, chính sách cán bộ của Đảng.

Trong 10 năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (giai đoạn 1976- 1986), đồng chí rất chú trọng đến việc xây dựng thế hệ cách mạng cho đời sau. Nhiều cán bộ trẻ được tuyển lựa làm công tác Đoàn ở cơ sở thời kỳ ấy, nay đã giữ vị trí chủ chốt trong bộ máy Đảng, chính quyền của thành phố Hà Nội.

Đồng chí Lê Văn Lương là học trò, cộng sự thân tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng cuối đời của Bác, khi Bác đang chữa bệnh ở nước ngoài, đồng chí đã luôn ở bên Bác, nhận những chỉ thị của Bác đối với Bộ Chính trị và truyền đạt lại các ý kiến của Bộ Chính trị đối với Bác. Tấm gương giản dị, chí công vô tư của Bác được đồng chí Lê Văn Lương thấm nhuần sâu sắc. Ngay sau khi không tham gia Ban Chấp hành Trung ương và thôi giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí đã có ý định trả lại căn nhà công vụ mà Trung ương dành cho mình.Ý nguyện ấy đã được người vợ thân yêu của đồng chí - đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận - thực hiện sau này.


3. Đồng chí Lê Văn Lương là một người lãnh đạo trung thực, ngay thẳng, dám nhận trách nhiệm trước sai lầm, không vì lợi ích cá nhân, đồng thời cũng là người nhân hậu, sống có tình, có nghĩa với đồng chí, đồng bào.

Trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, do không xuất phát từ thực tiễn nước ta, lại làm theo kinh nghiệm của nước ngoài nên ta đã phạm phải một số sai lầm. Trước khuyết điểm chung ấy, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã dũng cảm tự phê bình và đề ra phương hướng sửa chữa. Đồng chí Lê Văn Lương đã tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình và xác minh những sai lầm để báo cáo với Bác Hồ, với Trung ương Đảng, giúp Trung ương đề ra những biện pháp sửa sai. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, đồng chí Lê Văn Lương đã dũng cảm, trung thực nêu lên tất cả những sai lầm, thể hiện trong bản báo cáo do đồng chí chuẩn bị trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1956. Bản báo cáo đã nhìn thẳng vào sự thật, tổng hợp đầy đủ những sai lầm, tổn thất để Hội nghị Trung ương xem xét và được Hội nghị Trung ương chấp nhận. Hội nghị Trung ương cũng đồng ý những biện pháp sửa sai đã đề ra trong báo cáo như: thả ngay những người bị bắt oan; minh oan ngay cho những người bị bắt oan, bị xử oan; khôi phục đảng tịch cho những đảng viên bị xử lý sai, vv… Do đó, công tác sửa sai của Đảng được tiến hành rất khẩn trương và có kết quả. Bản thân đồng chí Lê Văn Lương thấy mình có phần trách nhiệm về sai lầm trong công tác chỉnh đốn tổ chức Đảng, đã tự xin rút khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. Đồng chí được điều về làm Bí thư Khu ủy Tả Ngạn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, có hàng vạn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị địch bắt, tù đày. Trong số đó, cũng có một số người không chịu nổi sự tra tấn của địch, đã đầu hàng làm tay sai cho chúng. Do đó, một số tổ chức Đảng đã nghi kị, không tin tưởng những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị địch bắt, có nơi không bố trí đề bạt vào các vị trí quan trọng, không bố trí ở một số ban của Đảng. Nhận thấy bất cập ấy, đồng chí Lê Văn Lương, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư đã đề xuất với Ban Bí thư ra chỉ thị về vấn đề này. Đó là Chỉ thị “Về việc đón tiếp những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị địch bắt, tù đày là những người chiến thắng trở về”. Từ đó, những nghi kỵ, mặc cảm được giải tỏa. Những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị bắt được xác minh rõ ràng thì bố trí, đề bạt như những cán bộ khác. Rất nhiều anh em bị tù đày trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, sau ngày thắng lợi năm 1954, vì Đảng và Nhà nước trước đây chưa có chính sách thật phù hợp, chịu thiệt thòi nhiều mặt, từ ngày có chính sách mới của Đảng đã được an ủi, động viên rất nhiều.

Lúc còn là tù án chém ở Sài Gòn, những cử chỉ, hành động của đồng chí Lê Văn Lương không những thể hiện tấm lòng nhân hậu của đồng chí, mà còn cảm hóa được nhiều tên cai ngục ác ôn. Đằng sau xà-lim có rặng đu đủ, chim đến kêu ríu rít. Nhưng ít ngày sau thấy tù án thường cứ vác sào, vác gậy đuổi. Hỏi mới biết cai ngục ra lệnh cho họ phải đuổi chim giữ đu đủ chín cho các tử tù ăn. Đồng chí đã gọi cai ngục vào, bảo: “Cho các anh đuổi chim, chúng tôi không nghe chim ríu rít nữa cũng được… Nhưng đu đủ chín phải để cho con nít ở khám phụ nữ. Chúng không có tội gì mà đã phải ở tù”. Khi bọn lính gác tước quà của tù án thường để cho tù chính trị án tử hình, đồng chí đã nói với bọn này: “Người ta ở tù so với chúng tôi còn khổ hơn, chúng tôi cấm các anh lấy của người ta như thế”. Với chính bọn lính gác, đồng chí cũng giác ngộ chúng: “Chúng tôi đánh thằng Tây, đánh đế quốc, thù oán gì các ông”.

Đi công tác ở Hải Phòng khi mới tiếp quản thành phố, đồng chí đã đến ngay các xóm lao động, cùng các đồng chí lãnh đạo của Hải Phòng xem xét giải quyết những vấn đề bức xúc nhất trong cuộc sống của người lao động.

Giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội trong 10 năm (1976- 1986), là thời kỳ Hà Nội chịu nhiều khó khăn như thiếu lương thực thực phẩm, chất đốt, thiếu điện, thiếu nước sạch…, đồng chí Lê Văn Lương đã luôn luôn chăm lo, tìm cách giải quyết kịp thời các khó khăn của dân. Đồng chí thường xuyên kiểm tra còn bao nhiêu gia đình chưa mua được gạo trong tháng, không có nước sạch để dùng, bao nhiêu nơi mất điện, thận trọng xem xét khiếu kiện của dân và có các ý kiến cần thiết cụ thể để giải quyết. Đồng chí đã đem hết tâm huyết lo cho thành phố, lo cho nhân dân vượt qua thời kỳ khó khăn đó.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Lương đã để lại những tình cảm tốt đẹp đối với đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân. Khi nhắc đến đồng chí Lê Văn Lương, mọi người đều nghĩ ngay đến một người cộng sản kiên cường, dũng cảm, trung thực, một người lãnh đạo, người đồng chí mẫu mực, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.


III - ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN LƯƠNG VỚI QUÊ HƯƠNG HƯNG YÊN


1. Đồng chí Lê Văn Lương với quê hương Hưng Yên

Tuy xa quê hương từ nhỏ, nhưng tình cảm quê hương vẫn sâu đậm đối với đồng chí Lê Văn Lương. Trong những năm tháng hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí đã thường xuyên liên lạc và giác ngộ cách mạng cho những người đồng hương. Sau này, khi nắm giữ các vị trí quan trọng của Đảng, dù rất bận việc công, song đồng chí vẫn dành nhiều tình cảm cho quê hương.

Năm 1981, khi xã Nghĩa Trụ làm xong chiếc cầu bê tông kiên cố bắc qua sông Nghĩa Trụ, nối xã với quốc lộ số 5, đồng chí Lê Văn Lương đã về dự lễ khánh thành.

Ngày 11 tháng 1 năm 1984, khi Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Trụ khởi công xây dựng Nhà truyền thống của xã, đồng chí Lê Văn Lương đã về thăm bà con quê hương và dự Lễ khởi công. Sau đó, đồng chí đã nhiều lần góp ý và cùng với lãnh đạo Bộ Văn hóa duyệt nội dung trưng bày tại Nhà truyền thống. Ngoài ra, đồng chí còn quan tâm tạo điều kiện đưa đường điện về xã Nghĩa Trụ, xây dựng Trường cấp 1 - 2 Tô Hiệu tại quê hương…

Không chỉ với quê hương Nghĩa Trụ, đồng chí Lê Văn Lương còn dành nhiều tình cảm các địa phương khác trong tỉnh. Hiện nay, ở xã Long Hưng (Văn Giang) vẫn còn lại cây phượng vĩ do đồng chí trồng lưu niệm nhân lần về thăm và khánh thành ngôi trường cấp 1- 2 kiên cố cao tầng đầu tiên của huyện (20/11/1977).


2 - Quê hương Hưng Yên với đồng chí Lê Văn Lương

Do bận nhiều công việc cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương ít có dịp về thăm quê hương. Nhưng những lần trở về thăm quê hương, đồng chí luôn để lại cho Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên ấn tượng khó phai về tình cảm thắm thiết, sâu sắc. Ghi nhớ những lời động viên, định hướng của đồng chí Lê Văn Lương và noi gương những cống hiến của đồng chí đối với đất nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và chăm lo việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Tỉnh uỷ đã xây dựng, ban hành 6 Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương chương trình, 8 đề án; hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH đến năm 2020, quy hoạch phát triển vùng đến năm 2030… Đặc biệt, năm 2011, Hưng Yên đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 15 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, để lại trong cán bộ, nhân dân niềm tự hào sâu sắc về truyền thống cách mạng và văn hiến của quê hương. Từ đó quyết tâm đoàn kết, phát huy các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế- xã hội. Tính đến hết năm 2011, tổng sản phẩm của tỉnh (GDP) tăng 11,58%; giá trị sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản tăng 8,85%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,54%, giá trị các ngành dịch vụ tăng 12,42%; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,4 triệu đồng; cơ cấu kinh tế NN0-CN,XD-DV: 24% - 45% - 31%; kim ngạch xuất khẩu 762 triệu USD; thu ngân sách đạt 4.248 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 3.150 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,96%; tỷ lệ hộ nghèo còn 9%; tạo thêm việc làm mới 2,3 vạn lao động; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 94%; tỷ lệ làng, khu phố văn hoá 74%.

Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện; năng suất, sản lượng và giá trị tăng cao; cơ cấu giống, trà vụ chuyển đổi mạnh theo hướng tích cực. Chăn nuôi, thuỷ sản phát triển khá ổn định. Kinh tế trang trại, các làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển, giải quyết được nhiều lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân. Đang tiến hành lập Quy hoạch xây dựng Nông thôn mới và triển khai xây dựng ở 20 xã điểm. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường được quan tâm, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 89,1%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 22.948 tỷ đồng. Tiểu thủ công nghiệp được mở rộng, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhất là các ngành nghề truyền thống, các mặt hàng xuất khẩu. Hợp tác đầu tư tiếp tục phát triển, điều kiện thu hút dự án đầu tư thuận lợi, số dự án đầu tư vào địa bàn tăng, các doanh nghiệp cơ bản chấp hành tốt các qui định của Nhà nước và của tỉnh. Tổng số dự án đầu tư trên địa bàn lên 921 dự án (trong đó 717 DA trong nước, 204 DA ngoài nước), với tổng số vốn đăng ký 49,6 nghìn tỷ đồng và 1,73 tỷ USD. Đã có thêm 43 dự án mới đi vào hoạt động, đưa tổng số dự án đi vào hoạt động lên 563 dự án, tạo việc làm thường xuyên cho gần 9 vạn lao động.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ 12.313 tỷ đồng. Xuất khẩu có nhiều thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu 762 triệu USD. Hệ thống giao thông vận tải từng bước được phát triển; đã cải tạo, nâng cấp và xây mới nhiều tuyến đường quan trọng, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài các trục đường 39A, 39B đã được nâng cấp, các đường đê tả sông Hồng, đường 200, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và đường nối giữa 2 đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình vv... đang tích cực thi công. Bưu chính, viễn thông phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường được tăng cường. Triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2013.
Cơ bản hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng; đang tích cực triển khai lập quy hoạch chung xây dựng các huyện Mỹ Hào, Văn Giang, khu đô thị mới Bô Thời - Dân Tiến. Đang triển khai các dự án Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường tại các thị trấn (giai đoạn II), dự án Hệ thống cấp nước thành phố Hưng Yên, dự án năng lượng nông thôn tại 48 xã. Dự án xây dựng hạ tầng thành phố Hưng Yên đã đàm phán xong, đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư.

Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, điểm bình quân 3 môn thi đại học xếp thứ 3 toàn quốc, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tăng. Cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng tăng: Mầm non đạt 62,9%, Tiểu học đạt 86,4%, THCS đạt 90,1%, THPT đạt 87,6% và GDTX đạt 60,7%. Đến hết năm 2011, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trong tỉnh là 185 trường. Đang triển khai lập quy hoạch chi tiết Khu Đại học Phố Hiến, hiện tại trường Đại học Thủy lợi đã được Chính phủ cho phép xây dựng tại Hưng Yên, đang tiến hành lập qui hoạch chi tiết, lập dự án và đang gấp rút lập phương án đền bù và GPMB; các trường Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Ngoại thương đang khảo sát để đầu tư; tỉnh đã có chủ trương tiếp nhận Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cơ sở Hưng Yên và Đại học Công đoàn.

Công tác đào tạo nghề được quan tâm, tăng quy mô, đa dạng hoá các hình thức dạy nghề. Toàn tỉnh hiện có 40 cơ sở dạy nghề và tham gia dạy nghề phát huy có hiệu quả, triển khai và thực hiện bước đầu có hiệu quả mô hình dạy nghề theo định hướng thị trường đáp ứng nhu cầu học nghề và sử dụng lao động có tay nghề của doanh nghiệp và xã hội.

Quản lý nhà nước về y tế có nhiều tiến bộ. Tập trung đầu tư xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất tại các bệnh viện và Trung tâm y tế, thành lập mới Bệnh viện Sản Nhi. Đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật và áp dụng các kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Duy trì ổn định mức tăng dân số tự nhiên 0,96%. Triển khai có hiệu quả đề án khám sức khỏe, tư vấn tiền hôn nhân, sàng lọc sơ sinh.

Các hoạt động văn hoá, văn nghệ diễn ra sôi động, đảm bảo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Công tác quản lý lễ hội được quan tâm, các lễ hội diễn ra đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở cơ sở tiếp tục khởi sắc. Đang triển khai lập dự án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch và Quy hoạch bảo tồn Khu di tích quốc gia Đình Đại Đồng, Chùa Nôm. Hoàn thành giai đoạn 2 trùng tu, tôn tạo di tích đền Đa Hoà, xã Bình Minh - Khoái Châu. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu liên hợp thể thao của tỉnh và đang lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì thường xuyên. Công tác báo chí, xuất bản, phát thanh và truyền hình hoạt động đa dạng và phong phú, truyền tải kịp thời các thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh tới người dân.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi đối với người có công và giải quyết tích cực những tồn tại, vướng mắc cho các đối tượng. Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gần 3.000 hộ nghèo theo tinh thần Quyết định 167 của Chính phủ đã cơ bản hoàn thành.

Công tác quốc phòng - quân sự địa phương đã được triển khai tổ chức thực hiện một cách toàn diện. Công tác bảo vệ an ninh chính trị được giữ vững, an ninh xã hội, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, nội bộ được đảm bảo, an ninh nông thôn diễn biến ít phức tạp. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai rộng khắp, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm.

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính. Thực hiện và triển khai có hiệu quả cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" gắn với rà soát đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày một chặt chẽ và chất lượng được nâng cao. Tổ chức triển khai thực hiện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 thành công tốt đẹp, đảm bảo đúng Luật, an toàn và tiết kiệm.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên tất cả các lĩnh vực: tư tưởng- chính trị, tổ chức… Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên có nhiều đổi mới. Coi trọng nhiệm vụ xây dựng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo sức lan toả trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua sâu rộng trong xã hội. Việc nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được các cấp ủy tiến hành nghiêm túc, kịp thời, gắn với xây dựng chương trình hành động sát thực, khả thi, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Các hoạt động tuyên truyền được duy trì, có chất lượng khá. Đội ngũ báo cáo viên được kiện toàn và hoạt động tích cực. Tài liệu tuyên truyền, thông tin được phát hành thường xuyên, tăng lượng thông tin và số lượng phát hành. Công tác giáo dục truyền thống được quan tâm, đa dạng hoá bằng nhiều hình thức phong phú, có tác dụng giáo dục tốt.

Tập trung củng cố, phát triển và xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên bằng những chủ trương và giải pháp thiết thực. Tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng sinh hoạt. Công tác đánh giá, phân loại, khen thưởng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, cán bộ làm công tác xây dựng Đảng đảm bảo dân chủ, công khai và thiết thực hơn. Bình quân hàng năm, số tổ chức cơ sở đảng đạt TSVM là 81,42%, số yếu kém giảm còn 0,6%; đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 71% (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 12,4%), số vi phạm tư cách giảm còn 0,47%. Phát triển đảng viên mới bảo đảm về chất lượng, tăng tỷ lệ là đoàn viên thanh niên, công nhân, trí thức; trung bình hàng năm kết nạp trên 1.500 đảng viên.

Công tác cán bộ được tiến hành đồng bộ các nội dung, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở có bước trưởng thành về mọi mặt, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện đúng quy định. Coi trọng xem xét tiêu chuẩn cán bộ trước khi đề bạt.

Công tác kiểm tra được coi trọng, Ủy ban kiểm tra các cấp được kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động. Góp phần tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa vi phạm, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn sự trong sạch của Đảng, củng cố lòng tin trong Đảng bộ và nhân dân.

Công tác dân vận được quan tâm, đã kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác dân vận, 100% bí thư đảng ủy cấp xã kiêm trưởng khối dân vận cơ sở. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai đạt nhiều kết quả. Nhận thức, trách nhiệm và thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị được nâng lên, có nhiều chuyển biến.

Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng tiếp tục được đổi mới, phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo và đảm bảo hoạt động theo quy định pháp luật của các tổ chức trong hệ thống chính trị; dân chủ trong Đảng được phát huy và mở rộng. Phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan Đảng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân; tăng cường đôn đốc, kiểm tra thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng.
*
*   *
Nhằm ghi nhớ cống hiến của đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam nói chung, tỉnh Hưng Yên nói riêng, đồng thời tạo thêm một địa chỉ văn hóa, giáo dục truyền thống cho thế hệ tương lai, năm 2003, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết định xây dựng Nhà lưu niệm đồng chí tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Nhà tưởng niệm được xây dựng tại khu đất cũ của gia đình với diện tích 720m2. Công trình mang dáng dấp nhà thờ truyền thống gồm 3 gian với tường xây, kết cấu gỗ, lợp ngói mũi hài, nền lát gạch Bát Tràng. Tại đây trưng bày nhiều hình ảnh và hiện vật về thân thế, sự nghiệp đồng chí.

Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912-28/3/2012), năm 2011, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên đã quyết định nâng cấp khu Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Văn Lương. Hiện Nhà tưởng niệm đã được kiên cố hóa nhưng vẫn giữ nét truyền thống của kiến trúc Việt Nam. Khuôn viên Nhà tưởng niệm có thêm một số hạng mục kiến trúc, phong quang, sạch sẽ, xứng tầm với công lao của đồng chí đối với Tổ quốc, nhân dân.
*
*   *
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912-28/3/2012), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên, chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến lớn lao của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, những tình cảm sâu sắc của đồng chí với quê hương Hưng Yên. Đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức sáng ngời của các thế hệ đi trước để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo. Trên cơ sở ấy, động viên toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đưa Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.


Ban tuyên giáo tỉnh ủy Hưng Yên

0 nhận xét:

Post a Comment