39 Dấu ấn gia đình và quê hương trong tư duy và nhân cách của nhà cách mạng Lê Văn Lương

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Trong Sổ vàng Nhà truyền thống làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên lưu lại nhiều cảm nghĩ của khách tham quan trong và ngoài nước, trong đó tôi đặc biệt xúc động trước những dòng cảm tưởng của một bà giáo người Pháp, ngắn gọn, nhưng nêu bật được những nét đặc trưng của làng:
“Tôi rất xúc động và cảm phục ở một làng nhỏ bé trồng lúa nước như thế này mà đã sản sinh ra nhiều nhà cách mạng ưu tú và nhiều nhà văn hóa nổi tiếng”.
Cảm tưởng của bà giáo người Pháp trong Sổ vàng Nhà truyền thống làng Xuân Cầu là nguồn cảm hứng cho bài tham luận của tôi mang tựa đề Dấu ấn quê hương và gia đình trong tư duy và nhân cách của nhà cách mạng Lê Văn Lương tại Hội thảo khoa học nhân 100 năm Ngày sinh của ông.



1. Dấu ấn gia đình.

Gia đình là không gian sinh tồn nhỏ nhất của một cá nhân từ khi cất tiếng khóc chào đời. Trong không gian đó, ở thời ông Lê Văn Lương sinh ra, có sự hiện hữu của cha mẹ và con cái, có khi ở một số gia đình hiện hữu tam đại, tứ đại đồng đường. Chắc chắn trường hợp của ông Lê Văn Lương chỉ dừng lại ở nhị đại đồng đường, vì ông là con trai thứ hai trong gia đình lớn. Ông sinh năm 1912 trong một gia đình quan lại xuất thân nho học đã hết thời với tên khai sinh là Nguyễn Công Miều, em trai của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Ông nội của ông là Nguyễn Đức Liên có đặt ra một quy ước đặt tên đệm cho dòng họ Nguyễn của ông bằng tám chữ “ Đức, Đạo, Công, Tài, Trường, Thiên, Thế, Tộ”, hết đời thứ tám quay lại từ đầu. Chắc chắn dòng họ Nguyễn, làng Xuân Cầu cho đến nay đã đến đời thứ bảy hoặc thứ tám. Nhưng theo chỗ chúng tôi biết chỉ dừng lại ở đời thứ sáu, như sau:

  1. Nguyễn Đức Liên (mở đầu theo quy ước này)
  2. Nguyễn Đạo Khang…
  3. Nguyễn Công Hoan và 3 em trai là Nguyễn Công Miều, Nguyễn Công Bồng và Nguyễn Công Mỹ.
  4. Nguyễn Tài Khoái (tức Nguyễn Tài), Nguyễn Tài Dư, Nguyễn Tài Anh.
  5. Nguyễn Trường Thống Nhất, Nguyễn Trường Đại…
  6. Nguyễn Thiên Tùng…
  7. ?

Cách đặt tên như vậy thú vị ở chỗ anh em trong dòng tộc dễ nhận ra nhau và đặc biệt biết được thứ bậc của nhau.

Không phải dòng họ Nguyễn ở Xuân Cầu đầu tiên nghĩ ra cách đặt tên như vậy. Đầu tiên có thể là vua Minh Mệnh (1820-1840). Vì vua Minh Mệnh có tới 170 người con, cả trai lẫn gái. Vì lo về sau con cháu sẽ khó nhận ra nhau trong đám bá tính, nên Minh Mệnh mới đặt sẵn một mớ tên gọi theo thứ tự, cho 20 đời kế thế, về sau có thể kế vị được vua. Tên gọi này có thể theo giá trị xa gần của dòng máu chính thống. Năm 1823, sau khi đúc Bửu vàng (Hoàng đế chi bửu) để truyền kế, Minh Mệnh cho khắc vào Kim sách 20 chữ, đó là:
“ Miêng, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh
Bảo, Quý, Định, Long, Trường.
Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật,
Thế, Thọai, Quốc, Gia, Xương”.
Với hy vọng Triều Nguyễn truyền được 20 đời, nhưng đến đời thứ năm, Vĩnh Thụy, tức vua Bảo đại, thì suy vong.

Chúng ta còn biết nữa, ở huyện Kiến Xương, Thái Bình, hồi còn thuộc tỉnh Nam Định, có dòng họ Nguyễn ở Động Trung cũng đặt tên lót theo cách đó, bắt đầu từ nhà nho Nguyễn Mậu Kiến: “Mậu, Hữu, Công, Danh, Tái…”. Theo đó, ta được biết các đời kế tiếp của dòng họ Nguyễn ở Động Trung là: Nguyễn Mậu Kiến -> Nguyễn Hữu Cương và Nguyễn Hữu Bài; Nguyễn Công Viễn và Nguyễn Công Thu; Nguyễn Danh Thọ và Nguyễn Danh Đới; Nguyễn Tái Kiên…

Có thể bắt đầu từ vua Minh Mệnh, các nhà nho có tiếng học theo cách đặt tên lót như thế với ý hay như đã nói ở trên.

Dòng họ Nguyễn ở Xuân Cầu, bắt đầu từ ông nội của Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Công Miều…là Nguyễn Đức Liên học theo cách đặt tên lót như trên với hy vọng giữ gìn gia phong và những giá trị truyền thống của dòng họ trong sự ganh đua với các danh gia vọng tộc khác trong thiên hạ. Cách đặt tên đó chắc chắn đã sớm gieo vào đầu cậu bé Miều sự gắn bó với dòng họ, ý thức tránh nhiệm tiếp nối truyền thống học hành của gia đình và làm rạng danh cho dòng họ.

Cha ông là Nguyễn Đạo Khang đỗ tú tài, làm Huấn đạo. Bác là Nguyễn Đạo Quán, đỗ Phó bảng, làm Tri huyện, sau được thăng làm Tri phủ. Cha ông là nhà giáo, lương ít mà đông con, nên hai anh em, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Công Miều, được bác nuôi. Mặc dù làm quan trong hệ thống quan chức phong kiến mạt kỳ, nhưng bác sống cuộc sống thanh liêm của những bậc hàn nho biết tự trọng. Sống với bác, lối sống gần dân, thương dân của gia đình bác chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều trong suy tư và nhân cách của đám trẻ, trong đó có Nguyễn Công Miều. Không những thế, những chuyện quan trường diễn ra trong Huyện đường, Phủ đường ít nhiều cũng lọt vào tai lớp trẻ như Miều để từ đó mà lớp con cháu tiếp nhận những gì có lý, hợp thời và những gì không hợp thời kiên quyết chối bỏ. Về sau, khi trở thành nhà văn, Nguyễn Công Hoan lấy nguyên mẫu người bác ruột của mình cho hình tượng nhân vật Lê Sĩ Cư trong Thanh đạm. Trong gia đình nhà bác còn có bà nội cùng sinh sống, nhưng không bỏ nghề dệt vải truyền thống của quê hương. Qua bà nội, lớp con cháu nhận được từ bà hình mẫu người phụ nữ Việt Nam cuối thế kỷ XVIII: Chăm làm, tần tảo nuôi chồng nuôi con ăn học và những câu chuyện kể thấm đậm tình nhân ái về quê hương, về họ hàng, về các mối quan hệ trong cộng đồng làng nước và môi trường xung quanh. Trong những ứng xử với người, với đời của nhà cách mạng Lê Văn Lương sau này có thể dễ dàng tìm thấy những dấu ấn của bà nội qua những câu chuyện kể ở buổi thiếu thời.


2. Dấu ấn của quê hương.

Chúng tôi xin chuyển sang một không gian khác, rộng hơn, nơi có những gia đình, những dòng họ cùng tồn tại, cùng lao động, cùng chung lưng đấu cật phấn đấu cho quê hương rạng danh.

Làng Xuân Cầu, còn có những tên khác như Huê Cầu, Hoa Cầu, Xuân Kỳ, thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hiện nay, nơi Nguyễn Công Miều sinh ra và lớn lên những năm đầu đời, trước khi lập tỉnh Hưng Yên năm 1831, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đó là một làng quê, như những làng quê khác của châu thổ sông Hồng, đều sinh sống bằng nghề trồng lúa nước, nhưng cũng có thêm nghề thủ công truyền thống. Những làng có nghề phụ thường có cuộc sống khá hơn những làng thuần nông, nên lớp trẻ được học hành nhiều hơn. Làng Xuân Cầu, quê của ông Miều, cũng làm nghề nông trồng lúa nước, nhưng còn có nghề dệt vải và đặc biệt là nghề nhuộm thâm có tiếng khắp vùng. Bởi vậy trong dân gian thường truyền tụng mấy câu ca dao về vùng đất này:

“Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu,
Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm.
Nào ai đi chợ Thanh Lâm,
Mua anh một áo vải thâm hạt dền”.

Vải thâm làng Xuân Cầu được nhộm bằng củ nâu đun trong nước lá sòi, có nơi dùng lá bàng hoặc hạt dền. Sau khi được nhuộm xong, tấm vải có màu đen thâm, dày dặn, không phai, rất dai và bền, nhưng khi mặc lại không nóng, không bí. Vải thâm làng Xuân Cầu có thương hiệu và được người nông dân vùng châu thổ sông Hồng ưa chuộng. Người dân Huê Cầu lên Kinh kỳ lập nên phố Hàng Vải Thâm (nay gọi là phố Hàng vải, đoạn phố từ phía Đông phố Thuốc Bắc đến phố Hàng Gà) bán buôn, bán lẻ sản phẩm quê mình cho dân tứ xứ sống ở Thăng Long hoặc khách thập phương mỗi khi về kinh trẩy hội. Đây là tụ điểm dân Huê Cầu tại Thăng Long – Hà Nội mà những năm học hành ở Trường Bưởi, anh thanh niên làng Huê Cầu Nguyễn Công Miều tìm thấy ở đây chỗ dựa tinh thần và có thể cả vật chất cho mình.

Làng Xuân Cầu gồm 3 xóm – Tam Kỳ, Phục Thọ, Lê Cao, có 3 ngôi đình cổ. Cạnh đình có văn chỉ thờ cúng các bậc tiên hiền, có bia đá khắc tên các vị khoa bảng trong làng.

Làng Xuân Cầu còn là một không gian văn hóa hội tụ nhiều dòng họ như Nguyễn, Tô, Hoàng, Quản, Vũ, Lê, Cao…, nhưng nổi trội hơn về truyền thống học hành khoa bảng và truyền thống yêu nước và cách mạng là hai dòng họ đầu. Thời thuộc Pháp, làng nổi danh với các tên tuổi họ Nguyễn như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Công Miều, Nguyễn Công Bồng, Nguyễn Công Mỹ và họ Tô như Tô Hiệu, Tô Chấn, Tô Ngọc Vân, Tô Dĩ (Lê Giản), Tô Quang Đẩu…Đó là những người con sinh ra, được nuôi dưỡng và rèn luyện trong hai dòng họ lớn đó và khi lớn lên họ đã góp phần làm rạng danh cho dòng họ, quê hương, đất nước bằng những tài năng riêng của mình. Nếu như Nguyễn Công Hoan làm rạng danh dòng họ, quê hương bằng văn chương, Tô Ngọc Vân bằng hội họa thì Nguyễn Công Miều, Tô Hiệu, Tô Chấn, Tô Dĩ, Tô Quang Đẩu làm rạng danh gia đình, làng mạc bằng sự xả thân cho nền độc lập tự do của đất nước. Có lẽ vì thế mà cái làng quê nhỏ bé, trồng lúa nước ở châu thổ sông Hồng mới có thể gây ấn tượng mạnh mẽ tới khách tham quan Nhà truyền thống, đặc biệt khách nước ngoài, như mở đầu bài viết này đã đề cập tới.

Đồng chí Lê Văn Lương nói chuyện với cán bộ và nhân dân quê hương Xuân Cầu, năm 1981 (ảnh: tuyengiaohungyen.vn).Đồng chí Lê Văn Lương nói chuyện với cán bộ và nhân dân quê hương Xuân Cầu, năm 1981 (ảnh: tuyengiaohungyen.vn).

Nếu đúng như kết luận của các nhà khoa học rằng nếp nghĩ, tư duy và nhân cách của một con người được hình thành căn bản ở độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi, thì tư duy và nhân cách ở Nguyễn Công Miều căn bản hình thành trong những năm tháng gắn bó mật thiết với gia đình, dòng họ, quê hương bằng những trò chơi dân gian, những câu chuyện kể, bằng những trải nghiệm cuộc sống và môi trường tự nhiên xung quanh v.v…Nếp nghĩ đó, tư duy đó sẽ tiếp tục được mài sắc thêm ở tuổi trưởng thành bằng giao tiếp, bằng sự dấn thân. Còn nhân cách sẽ được tôi luyện, rèn dũa để cuối cùng tỏa sáng trong cuộc sống bình dị với nhân dân, nhưng bất khuất trước những bất công trong xã hội, trước cường quyền và đặc biệt trước kẻ thù khi phải đối mặt. Tấm gương hoạt động cách mạng của Lê Văn Lương, của Tô Hiệu, Tô Chấn…cho chúng ta những ví dụ điển hình về tư duy, về nhân cách mà gia đình, dòng họ và quê hương đã tạo nên những dấu ấn sâu đậm đó.

Chúng tôi xin trích một đoạn hồi ký hiếm hoi của nhà cách mạng Lê Văn Lương bộc lộ một tính cách, một cá tính, một kiểu suy tư trong một hoàn cảnh điển hình – Nhà tù đế quốc, khi ông đối diện giữa cái sống và cái chết, làm kết luận cho bài viết này:
“Một hôm Căngxenlơri vào đưa tiền cho chúng tôi. Chúng tôi từ chối không lấy:
- Chúng tôi đủ cả, không cần tiền. Ông cãi cho chúng tôi là được rồi. Cangxenlori vội vàng nói:
- Tiền của Quốc tế Cứu tế Đỏ gửi các anh đấy.
- Của Quốc tế Cứu tế Đỏ à? Thế thì chúng tôi nhận. Nhờ ông gửi lời cảm ơn Cứu tế Đỏ hộ chúng tôi”[1][1] Nhân dân ta rất anh hùng. Hồi ký cách mạng. Nxb Văn học. Hà Nội, 1960, tr., 70..

----------------
[1] Nhân dân ta rất anh hùng. Hồi ký cách mạng. Nxb Văn học. Hà Nội, 1960, tr., 70.

 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment