9 Đồng chí Lê Văn Lương - Giám đốc đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 15 tuổi, trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, với tinh thần nhiệt huyết cách mạng, tấm lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn, đồng chí Lê Văn Lương đã được Đảng, Nhà nước ta giao đảm đương nhiều trọng trách. Trong đó, có cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, kiêm Giám đốc đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc - nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Ngay từ khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn luôn quan tâm đến công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ và coi đây là công tác có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của Đảng. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong điều kiện Đảng trở thành đảng cầm quyền, công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ càng trở nên quan trọng. Trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”“huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” [1][1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 269..

Dù vậy, trong hoàn cảnh đầy khó khăn và thử thách của những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ của Đảng chưa thể tiến hành thường xuyên, tập trung và quy mô, mà chủ yếu là một số khoá ngắn hạn, số lượng học viên còn hạn chế, chương trình chưa thống nhất. Cùng với đà phát triển thuận lợi của cuộc kháng chiến, nhất là sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947, quân và dân ta đã đánh bại cuộc hành quân lớn của thực dân Pháp, bảo vệ căn cứ đầu não của kháng chiến, yêu cầu mở trường huấn luyện, đào tạo cán bộ Đảng với quy mô lớn, tập trung trở nên bức thiết và có điều kiện để thực hiện.

Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ V (tháng 8-1948) khi đề cập về vấn đề củng cố, phát triển Đảng đã chỉ ra một trong những thiếu sót, sai lầm lớn “nạn thiếu cán bộ đã thành vấn đề lớn. Song trường huấn luyện cán bộ của Đảng chưa mở được đủ và đều, chương trình huấn luyện các cấp chưa được thống nhất” [2][2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 236..

Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ VI (tháng 1-1949) đặt vấn đề: “Trung ương cũng như các khu cần mở trường huấn luyện thường trực, thống nhất chương trình huấn luyện các cấp và kiện toàn các Ban Tuyên huấn các cấp” [3][3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 66. và quyết định: “Các trường Đảng mở luôn, liên tiếp, phân công rành mạch giữa trường của Trung ương, khu và tỉnh” [4][4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 21..

Từ đây, Trường Nguyễn Ái Quốc - trường Đảng ở Trung ương chính thức ra đời. Đồng chí Lê Văn Lương - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương được cử kiêm nhiệm Giám đốc đầu tiên của Trường từ năm 1949 đến năm 1956.

Ra đời giữa vùng núi rừng Việt Bắc, trong hoàn cảnh kháng chiến đang diễn ra quyết liệt, Trường Nguyễn Ái Quốc đứng trước rất nhiều khó khăn. Cán bộ, nhân viên, học viên của Trường phải dựng hội trường, phòng học, nơi ăn ở bằng tranh tre, nứa lá. Địa điểm Trường đứng chân phải được nguỵ trang cẩn thận và thường xuyên di chuyển để bảo mật phòng gian. Đảm nhiệm cương vị Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Lê Văn Lương đã tổ chức, động viên các cán bộ, nhân viên và học viên Trường khẩn trương khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để vừa xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của Trường, vừa thực hiện dạy tốt, học tốt, hoàn thành nhiệm vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao.

Ngay trong năm đầu tiên thành lập, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Văn Lương, Trường Nguyễn Ái Quốc đã mở được hai khoá đào tạo cán bộ. Khoá thứ nhất mở vào tháng 2 và kết thúc tháng 4-1949, với 40 học viên. Khoá thứ hai mở vào tháng 9-1949, với 175 học viên. Nội dung, chương trình đào tạo của hai khoá này đều được gắn chặt giữa lý luận chung của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn cuộc kháng chiến kiến quốc đang diễn ra, nhất là những vấn đề cơ bản về đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ trong kháng chiến nhằm đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Quan tâm đến công tác giảng dạy, học tập của các giảng viên, học viên nhà trường, đồng chí Lê Văn Lương vừa tranh thủ xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác của trường, đề nghị sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời. Ngay từ khoá đào tạo thứ nhất, cán bộ, giảng viên, học viên Trường đã được sự khuyến khích, động viên thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi phần thưởng cho một số học viên đạt thành tích tốt trong học tập, rèn luyện. Đặc biệt, khi khoá đào tạo thứ hai được mở, ngay trong buổi đầu tiên, cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Người đã nói chuyện, dự liên hoan văn nghệ cùng với các cán bộ, giảng viên, học viên và ghi vào Sổ vàng lưu niệm của Trường:

“Học để làm việc,
làm người,
làm cán bộ.

Học để phụng sự Đoàn thể,
phụng sự giai cấp và nhân dân
phụng sự Tổ quốc và nhân loại.

Muốn đạt mục đích đó phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Những lời ghi trên là di huấn vô cùng quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục đích, phương châm, phương pháp học tập của người cán bộ cách mạng và đã được đồng chí Lê Văn Lương cùng các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên Trường Nguyễn Ái Quốc quán triệt sâu sắc trong công tác giảng dạy, học tập.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ công tác huấn luyện, đào tạo của Trường Nguyễn Ái Quốc. Với vai trò tổ chức của đồng chí Lê Văn Lương, các học viên của Trường đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, ... đến giảng dạy và giải đáp các thắc mắc. Đồng chí Lê Văn Lương cũng trực tiếp tham gia giảng dạy, giải đáp cho học viên. Nhờ đó các học viên có điều kiện thuận lợi để hiểu sâu và nắm bắt chính xác các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách mới.

Trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Lê Văn Lương đã góp phần hiệu quả giúp Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ I về công tác huấn luyện và học tập (6-5-1950), trong đó bao gồm công tác của Trường Đảng Trung ương. Hội nghị đã uốn nắn những thiếu sót, những nhận thức sai lầm trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ, đặc biệt là tình trạng “việc huấn luyện còn hữu danh vô thực, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực chu đáo” [5][5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 46. và quán triệt những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối tượng huấn luyện, người huấn luyện, nội dung huấn luyện, nguyên tắc huấn luyện, phương pháp huấn luyện, tài liệu huấn luyện, về mục đích học tập, phương pháp học tập và nêu cao tinh thần tự học của học viên.

Những kết quả trên đây của Hội nghị đã giúp soi sáng thêm công tác huấn luyện, học tập ở Trường Nguyễn Ái Quốc, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Cuối năm 1950, sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, Trung ương Đảng chủ trương chuẩn bị triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, Tuyên Quang. Trong điều kiện các công việc chuẩn bị Đại hội đòi hỏi phải khẩn trương, đồng chí Lê Văn Lương đã chỉ đạo cán bộ, giảng viên Trường Nguyễn Ái Quốc tạm ngừng việc mở các lớp huấn luyện để tập trung tham gia xây dựng cơ sở vật chất và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để phục vụ Đại hội. Cùng với nhân dân địa phương, cán bộ, giảng viên nhà trường đã tham gia hoàn thành xây dựng hội trường, phòng họp, nơi ăn, nghỉ của các đại biểu và hệ thống hầm, hào phòng tránh máy bay địch bắn phá.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), trong Báo cáo chính trị, khi đề cập về biện pháp chủ yếu sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm hiện thời trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức là những việc cần kíp của Đảng” [6][6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 28..

Tiếp thu quan điểm này, trong báo cáo về công tác xây dựng Đảng, đồng chí Lê Văn Lương khẳng định: từ nay, Đảng phải kêu gọi toàn Đảng gia tăng học tập lý luận hơn nữa.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo trên đây, trên cơ sở phát huy kết quả Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Văn Lương, Trường Nguyễn Ái Quốc mở khoá đào tạo mới, với số lượng học viên lên tới 222 người. Đặc điểm nổi bật của khoá đào tạo này là chương trình học tập đã có bước cải tiến, nâng cao theo hướng tăng cường nội dung cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình, gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn ngay trong quá trình học tập. Kết thúc khoá học, để tăng cường không khí học tập, thảo luận, Trường đã ra nội san Kinh nghiệm học tập. Tuy còn đơn sơ, song nội san đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, học tập tại Trường và trao đổi kinh nghiệm bổ ích với các trường, lớp huấn luyện khác ở cấp khu, tỉnh, huyện.

Bước sang năm 1952, Trung ương Đảng quyết định tổ chức chỉnh huấn trong toàn Đảng nhằm giáo dục lập trường tư tưởng, đạo đức, tác phong của cán bộ, đảng viên, làm cơ sở đưa cuộc kháng chiến phát triển lên một bước mới. Trường Nguyễn Ái Quốc được giao nhiệm vụ mở những lớp chỉnh huấn cho cán bộ ở Trung ương, cán bộ chủ chốt cấp liên khu và tỉnh, thành, từ đó mở rộng công tác chỉnh huấn trong toàn Đảng. Đồng chí Lê Văn Lương đã chỉ đạo cán bộ, giảng viên Trường tổ chức ba khoá chỉnh huấn. Khoá thứ nhất từ tháng 5 đến tháng 8-1952, khoá thứ hai từ tháng 9-1952 đến tháng 1-1953, khoá thứ ba từ tháng 3 đến tháng 6-1953. Tiếp đó, thực hiện nhiệm vụ Trung ương Đảng giao, Trường tổ chức lớp huấn luyện lý luận chính trị cho một số cán bộ được lựa chọn đã qua chỉnh huấn.

Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo lý luận chính trị cho các cán bộ, đảng viên theo nhiệm vụ Trung ương Đảng giao, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của thực tiễn, đồng chí Lê Văn Lương cũng chỉ đạo Trường mở một số lớp bồi dưỡng về chính sách cụ thể và công tác trước mắt như lớp giảng viên chuyên nghiệp cấp tỉnh năm 1949, lớp thu hồi thành thị năm 1951 ...

Sau ngày cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đồng chí Lê Văn Lương chỉ đạo cán bộ, giảng viên Trường Nguyễn Ái Quốc tiếp tục mở thêm các lớp học, trong đó có hai khoá chỉnh huấn mới, chủ yếu là dành cho các cán bộ hoạt động từ miền Nam tập kết ra. Khoá thứ nhất khai giảng tháng 11-1955, khoá thứ hai khai giảng tháng 1-1956.

Trong những hoạt động và cống hiến của đồng chí Lê Văn Lương với sự nghiệp cách mạng Việt Nam có những hoạt động và cống hiến trên cương vị Giám đốc đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, Trường Nguyễn Ái Quốc đã ra đời và vượt qua những khó khăn, gian lao buổi đầu để không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho. Các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên Trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh luôn luôn ghi nhớ và biết ơn sâu sắc những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Văn Lương đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đối với quá trình xây dựng và phát triển của Học viện.





---------------------
Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 269.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 236.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 66.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 21.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 46.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 28.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment