36 Đồng chí Lê Văn Lương với công tác xây dựng Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 23 khóa III (12.1974)

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương đã nêu một tấm gương sáng: Với quân thù- luôn hiên ngang bất khuất, coi án chém nhẹ tựa lông hồng; với công việc - luôn tận tuỵ, trung thành, liêm chính, bao giờ cũng đặt lợi ích cách mạng lên trên hết và trước hết; với đời sống của nhân dân- luôn hết lòng chăm lo thiết thực và cụ thể; với đồng chí, đồng đội - luôn khiêm nhường, chu đáo, gần gũi, thân tình; đối với bản thân - một tấm gương về tự phê bình, một nếp sống giản dị, khoan dung. Với những phẩm chất tuyệt vời đó, trong gần bảy thập kỉ tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó nhiều chức vụ quan trọng như: Uỷ viên dự khuyết Xứ uỷ Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI và VII[1][1] Ghi nhận những cống hiến đặc biệt xuất sắc của đồng chí Lê Văn Lương, ngày 28-3-1991, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng- phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Việt Nam. . Ở lĩnh vực nào, đồng chí Lê Văn Lương cũng để lại nhiều dấu ấn quan trọng, trong đó đồng chí đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho công tác tổ chức xây dựng Đảng, đặc biệt là đối với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 23 (khóa III).

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28-3-1912 trong một gia đình nho học tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hiến và đấu tranh cách mạng, nên từ rất sớm, đồng chí Lê Văn Lương đã có tinh thần giác ngộ cách mạng. Năm 1927, khi vừa tròn 15 tuổi, đồng chí đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; năm 1929- gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng và đến năm 1930, đồng chí vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tháng 3-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn và năm 1933 bị kết án tử hình. Tuy nhiên, trước sự đấu tranh mạnh mẽ của của các lực lượng tiến bộ, thực dân Pháp đã giảm án xuống chung thân, đày đi Côn Đảo. Trong tù ngục của kẻ thù, mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng xiềng xích và gông cùm của đế quốc, thực dân không thể làm lay chuyển ý chí người cộng sản. Đồng chí Lê Văn Lương tiếp tục tham gia Ban Chi ủy của Chi bộ nhà tù cho đến ngày đất nước được giải phóng.

Trở lại hoạt động cách mạng sau thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc- Thu Đông 1947, mặc dù âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp đã bị chặn đứng, nhưng thủ đoạn trước sau như một của chúng vẫn là tìm mọi cách dìm cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong bể máu. Trước tình hình đó, để đối phó với những xoay chuyển mới của địch, ngoài sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, thì một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho thắng lợi của cuộc kháng chiến là công tác tổ chức xây dựng Đảng phải luôn luôn được chú trọng. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm thành lập Bộ Tổ chức Trung ương, gồm các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng và Lê Văn Lương[2][2] Theo Quyết nghị số 50/QN/TW ngày 5-12-1948..

Được giao nhiệm vụ tham gia Ban lãnh đạo Bộ Tổ chức Trung ương ở thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách là một trở ngại không nhỏ với đồng chí Lê Văn Lương. Nhưng bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình của mình, đặc biệt là được sự chỉ bảo tận tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự giúp đỡ các cộng sự, đồng chí Lê Văn Lương đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, đồng chí đã cùng ban lãnh đạo Bộ Tổ chức Trung ương đề xuất nhiều chủ trương đúng đắn về công tác xây dựng Đảng, qua đó giúp Trung ương Đảng đưa ra nhiều quyết sách quan trọng về công tác xây dựng Đảng. Kết quả là, từ năm 1948 đến 1950, số lượng đảng viên được kết nạp vào Đảng tăng lên rõ rệt.

Ghi nhận những thành công trong công tác tổ chức xây dựng Đảng của đồng chí Lê Văn Lương, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (2-1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu làm Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, sau đó là Uỷ viên chính thức Bộ Chính trị. Sau Đại hội II, Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết thành lập các Ban và Tiểu ban của Trung ương[3][3] Nghị quyết số 09/NQ/TW, ngày 16-4-1951., trong đó có Ban Tổ chức Trung ương, đồng thời cử đồng chí Lê Văn Lương làm Trưởng ban. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, công tác tổ chức xây dựng Đảng những năm này vừa đảm bảo thắng lợi cuộc chiến đấu giữa ta và địch ngày càng ác liệt trên khắp các chiến trường, vừa phát động chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân sâu rộng, vừa bảo đảm thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với toàn dân.

Kháng chiến chống Pháp kết thúc, tháng 11-1956, đồng chí Lê Văn Lương được chỉ định làm Bí thư Khu uỷ Tả Ngạn. Đến tháng 8-1957, đồng chí trở lại giữ chức Phó ban Tổ chức Trung ương. Tiếp đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Ban Bí thư. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ buộc phải chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Pari. Lúc này, đồng chí Lê Đức Thọ được Trung ương phân công trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh ngoại giao với Mỹ tại bàn đàm phán Pari, nên từ năm 1973, đồng chí Lê Văn Lương thay đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho đến tháng 12-1976. Năm 1986, do tuổi cao, đồng chí không tham gia Trung ương và thôi giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội, được Bộ Chính trị phân công tham gia tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ.

Nhiều năm đứng đầu ngành tổ chức, đồng chí Lê Văn Lương đã cùng tập thể Ban Tổ chức Trung ương tham mưu đúng- trúng cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiều vấn đề quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng, qua đó góp phần nâng cao năng lực và sức chiến của Đảng, đáp ứng mọi yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và thực tiễn đặt ra.

Đối với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 23, ngay trong quá trình thảo luận, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều ý kiến sắc sảo góp ý vào Dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đồng chí Lê Văn Lương và của Hội nghị Trung ương 23 (10-1974), ngày 25-12-1974, Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng” trong giai đoạn mới của cách mạng được ban hành. Hội nghị nhận định: “Sự tiến triển mạnh mẽ của cách mạng nước ta, sự trưởng thành của chế độ và của nhân dân ta, yêu cầu ngày càng cao và tính chất phức tạp của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, của cuộc đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà, tác động hàng ngày của cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng trên thế giới vào nước ta, - đó là những nhân tố khách quan đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao sức chiến đấu của Đảng”[4][4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35, Nxb CTQG, Hà Nội.2004, tr.281..

Hội nghị điểm lại những thắng lợi chủ yếu của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong 45 năm qua và khẳng định: Đảng ta là một Đảng Mác-Lênin vững mạnh, một Đảng trải qua nhiều thử thách, một đội ngũ kiên cường của phong trào cộng sản quốc tế. Sức mạnh của Đảng thể hiện ở chỗ Đảng ta vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác- Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta, đề ra một cách độc lập và sáng tạo đường lối chính trị về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, về cách mạng xã hội chủ nghĩa; Đảng ta có phương pháp cách mạng đúng nên đã động viên và tổ chức được những lực lượng tiềm tàng vô cùng to lớn của dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ rất khó khăn; Đảng ta có mối liên hệ rất chặt chẽ với quần chúng, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ; Đảng đã xây dựng và củng cố Nhà nước xã hội chủ nghĩa vững mạnh, công cụ quan trọng quan trọng nhất để động viên và tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng; Đảng ta có truyền thống đoàn kết và chiến đấu cách mạng kiên cường, có hệ thống tổ chức vững chắc, cơ sở Đảng được xây dựng khắp nơi, số đông cán bộ, đảng viên tận tuỵ với sự nghiệp cách mạng, không sợ gian khổ hi sinh,v.v... Tuy nhiên, “càng có thành tích lớn thì Đảng ta càng phải nghiêm khắc với những nhược điểm và khuyết điểm”[5][5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35, Nxb CTQG, Hà Nội.2004, tr.282.. Khuyết điểm chính trong công tác xây dựng Đảng là: Chưa gắn thật chặt công tác xây dựng Đảng với việc phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chính trị; chưa kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức; chưa kết hợp chặt chẽ việc nâng cao chất lượng của đảng viên với việc nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng; thiếu sót lớn là đã đưa vào Đảng nhiều người không đủ tiêu chuẩn; Đảng chậm đề ra chủ trương về xây dựng Đảng thích hợp với tình hình mới, chưa chú trọng công tác tổng kết kinh nghiệm, nghiên cứu lí luận về xây dựng Đảng; thấy chưa hết những đặc điểm của Đảng lãnh đạo chính quyền...

Từ sự kiểm điểm và phân tích đó, Hội nghị đã xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng trong giai đoạn mới là: “Phải tăng cường công tác xây dựng Đảng, bảo đảm cho Đảng ta luôn luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lí của chủ nghĩa Mác- Lênin trong điều kiện mới của cách mạng nước ta, có đường lối, chính sách đúng, có tư tưởng cách mạng triệt để, có tổ chức vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện đầy đủ, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[6][6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35, Nxb CTQG, Hà Nội.2004, tr.287. .

Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Trung ương Đảng có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam. Hội nghị đã thảo luận và quyết định những vấn đề cần thiết và cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình cách mạng cả nước ta đang phát triển mạnh mẽ. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng trước mắt cũng như lâu dài trong việc chuẩn bị về lí luận, tư tưởng và tổ chức cho Đảng khi bước vào giai đoạn mới, lãnh đạo hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.


Vì Nghị quyết Hội nghị Trung ương 23 rất quan trọng, nên công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết để các cấp, cách ngành thực hiện, vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế đất nước là việc làm không hề đơn giản. Bởi vậy, hơn ai hết, tập thể Ban Chấp hành Trung ương là những người đi tiên phong. Trong công việc này, đồng chí Lê Văn Lương là một trong những ngọn cờ đầu.

Ngay khi Nghị quyết vừa ban hành, cuối tháng 12-1974, đồng chí Lê Văn Lương có buổi phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 23 tại Trường Tuyên giáo Trung ương. Lí giải cho việc chọn Trường Tuyên giáo Trung ương là một trong những đơn vị phổ biến Nghị quyết sớm, đồng chí Lê Văn Lương nhấn mạnh: “Hôm nay trước khi phổ biến cho các ngành, các cấp, chúng tôi phổ biến để các đồng chí thảo luận trước, để các đồng chí giúp Trung ương phổ biến cho các ngành, các cấp và giúp ý kiến về thi hành cho chặt chẽ hơn... ”[7][7] Phổ biến Nghị quyết Trung ương 23 khoá III, tài liệu tổng kết, số kí hiệu TW 389, lưu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam..

Để cán bộ, đảng viên dễ hiểu, nhanh chóng nắm bắt được tinh thần Nghị quyết 23, đồng chí Lê Văn Lương đi vào 4 vấn đề chính:
1-Đánh giá tình hình Đảng và công tác xây dựng Đảng;
2-Nhiệm vụ xây dựng Đảng trong giai đoạn mới;
3-Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng;
4-Những công việc cấp bách trước mắt.

Đánh giá tình hình Đảng và công tác Đảng, đồng chí Lê Văn Lương thẳng thắng chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm của Đảng.

Về ưu điểm, đồng chí nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng Mác- Lênin vĩ đại, vững mạnh, xứng đáng là một đội ngũ tiền phong của giai cấp, của dân tộc và làm tốt nhiệm vụ quốc tế... Có được những kết quả đó là do Đảng nắm vững chủ nghĩa Mác- Lênin, chúng ta có một Bộ Chính trị do Bác đứng đầu lãnh đạo đúng đắn và sắc sảo; dân ta là một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm anh dũng, quật cường; quần chúng ta rất cách mạng... ”.[8][8] Phổ biến Nghị quyết Trung ương 23 khoá III, tài liệu tổng kết, số kí hiệu TW 389, lưu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

Cùng với những ưu điểm, đồng chí Lê Văn Lương đã chỉ ra những khuyết điểm như: Về đường lối chính sách xây dựng chủ nghĩa xã hội đã có nhưng chưa cụ thể... Về xây dựng Đảng: Phát triển Đảng không chặt chẽ, không cảnh giác với việc hạ thấp tiêu chuẩn đảng viên... Về công tác cán bộ: Cũng là một khuyết điểm lớn, không kịp thời bổ sung vào đội ngũ cán bộ bằng những người mới...

Từ sự phân tích trên, đồng chí Lê Văn Lương chỉ rõ “Nhiệm vụ xây dựng Đảng trong giai đoạn mới”, là phải đảm bảo cho Đảng luôn luôn nắm vững và vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin, để cho Đảng ta có đường lối chính trị đúng, có tư tưởng cách mạng triệt để, có tổ chức Đảng vững mạnh, có đủ năng lực tổ chức thực hiện mọi chủ trương đường lối,v.v...

Về phương châm xây dựng Đảng, đồng chí Lê Văn Lương yêu cầu:
a, Phải xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức;
b, Phải xây dựng Đảng gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Vận động quần chúng xây dựng Đảng, tổ chức để quần chúng phê bình cán bộ, đảng viên;
c, Xây dựng Đảng phải gắn liền với nâng cao năng lực, kiện toàn quản lí nhà nước, để Đảng, nhà nước, và quần chúng tạo thành sức mạnh tổng hợp của chuyên chính vô sản;
d, Nâng cao chất lượng đảng viên phải gắn liền với nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở, nâng cao chất lượng cán bộ phải gắn với nâng cao chất lượng tổ chức;
e, Phát triển Đảng phải coi trọng chất lượng. Phát triển phải đi đôi với củng cố, phải thu hút những người ưu tú, kịp thời đưa ra khỏi Đảng những người không còn đủ tiêu chuẩn hoặc biến chất.

Trong phần “Nâng cao sự lãnh đạo của Đảng”, đồng chí Lê Văn Lương nêu 10 vấn đề:
1- Lãnh đạo về đường lối chính sách.
2- Về cải tiến, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan nhà nước.
3- Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức quần chúng.
4- Về công tác tư tưởng.
5- Về tổ chức cơ sở Đảng.
6- Công tác đảng viên.
7- Công tác cán bộ.
8- Về kiện toàn tổ chức.
9- Công tác kiểm tra của Đảng.
10- Củng cố tăng cường đoàn kết trong Đảng.

Trong từng vấn đề, đồng chí đều nhấn mạnh những trọng tâm chính, ví dụ như, vấn đề tăng cường sự lãnh đạo các tổ chức quần chúng: Phải coi trọng các đoàn thể quần chúng. Các cơ quan nhà nước không được xem nhẹ các tổ chức quần chúng. Phải định rõ nhiệm vụ của từng đoàn thể, xác định mối quan hệ giữa từng đoàn thể với nhà nước. Tiến hành tổng kết kinh nghiệm công tác vận động quần chúng. Về công tác tư tưởng, thì phương hướng phải nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức, nâng cao ý chí cách mạng, tinh thần tự lực tự cường, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa; nâng cao tinh thần đoàn kết đấu tranh, chống bè phái, chia rẽ,v.v...

Về những công tác cấp bách trước mắt, đồng chí Lê Văn Lương yêu cầu: Xây dựng Đảng phải gắn liền với nhiệm vụ chính trị. Một phần là củng cố Đảng, một phần là thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, qua thực hiện nhiệm vụ chính trị mà xây dựng Đảng. Do đó,
1- Phải tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị trong Đảng, kết hợp với Nghị quyết 21, Nghị quyết 22. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi Ban phải có một kế hoạch cụ thể để làm.
2- Phải sắp xếp một bước đội ngũ cán bộ: Phải kiện toàn những nơi yếu, những đồng chí đến tuổi về hưu, đề bạt một số cán bộ trẻ. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thanh toán những nơi mất đoàn kết.
3- Cải tiến chế độ làm việc: Đầu tiên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Chính phủ làm việc thế nào. Mối quan hệ giữa Ban Bí thư và các Ban. Mối quan hệ giữa Trung ương và các tỉnh tìm ra những chỗ chưa hợp lí để sửa chữa.
4- Đẩy mạnh phê bình và tự phê bình đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tiêu chuẩn.
5- Phải gắn với nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy sản xuất, hoàn thành nghĩa vụ tòng quân để thiết thực kỉ niệm mấy ngày lễ lớn. Qua phong trào mà phát hiện những phần tử ưu tú để bổ sung vào đội ngũ.

Kết luận buổi phổ biến Nghị quyết, đồng chí Lê Văn Lương yêu cầu: Bây giờ từng cơ quan một cần nghiên cứu kỹ Nghị quyết 23 rồi bàn kế hoạch thực hiện cụ thể và bàn cách giúp Trung ương thi hành Nghị quyết này như thế nào. Cần khắc phục tình hình chỉ phổ biến Nghị quyết, còn không thảo luận, không có kế hoạch cụ thể để thi hành đến nơi,

Có thể nói, Nghị quyết Trung ương 23 là một văn kiện đặc biệt quan trọng, nó ra đời đáp ứng được yêu cầu của tình hình cấp bách về công tác tổ chức xây dựng Đảng, bởi theo đồng chí Lê Văn Lương, thì “đây là lần đầu tiên Trung ương bàn một cách hoàn chỉnh về công tác xây dựng Đảng”[9][9] Phổ biến Nghị quyết Trung ương 23 khoá III, tài liệu tổng kết, số kí hiệu TW 389, lưu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.. Nhờ có Nghị quyết Trung ương 23, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhanh chóng được củng cố, phát triển, là nhân tố then chốt đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và là bước chuẩn bị quan trọng cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng.

Như đã trình bày ở trên, góp phần vào thành công của sự ra đời và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 23 một cách hiệu quả có nhiều nhân tố, song chúng ta không thể không nói tới vai trò của đồng chí Lê Văn Lương. Đánh giá công lao của đồng chí với công tác tổ chức xây dựng Đảng nói chung và với Nghị quyết Trung ương 23 nói riêng, Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đồng chí Lê Văn Lương đã từng nhiều năm được Đảng phân công phụ trách công tác tổ chức của Trung ương Đảng, đã có những cống hiến quan trọng trong công tác xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta... Đảng và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”[10][10] Lê Văn Lương- Trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội.2000, tr.21. .


---------------------
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Ghi nhận những cống hiến đặc biệt xuất sắc của đồng chí Lê Văn Lương, ngày 28-3-1991, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng- phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
[2] Theo Quyết nghị số 50/QN/TW ngày 5-12-1948.
[3] Nghị quyết số 09/NQ/TW, ngày 16-4-1951.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35, Nxb CTQG, Hà Nội.2004, tr.281.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35, Nxb CTQG, Hà Nội.2004, tr.282.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35, Nxb CTQG, Hà Nội.2004, tr.287.
[7] Phổ biến Nghị quyết Trung ương 23 khoá III, tài liệu tổng kết, số kí hiệu TW 389, lưu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
[8] Phổ biến Nghị quyết Trung ương 23 khoá III, tài liệu tổng kết, số kí hiệu TW 389, lưu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
[9] Phổ biến Nghị quyết Trung ương 23 khoá III, tài liệu tổng kết, số kí hiệu TW 389, lưu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
[10] Lê Văn Lương- Trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội.2000, tr.21.



 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment