33 Những cống hiến nổi bật của đồng chí Lê Văn Lương trên cương vị Trưởng ban tổ chức Trung ương

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Đồng chí Lê Văn Lương đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban tổ chức Trung ương trong hai thời kỳ: Từ năm 1951-1957 và từ năm 1973–1976. Đây là những năm tháng ghi nhận hai thắng lợi oanh liệt và những bước chuyển liên tiếp của cách mạng nước ta lên giai đoạn mới, phát triển cao hơn. Thời kỳ thứ nhất, vừa ghi nhận sự toàn thắng của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược, chấm dứt hơn 90 năm đô hộ của chúng, vừa buộc cả dân tộc ta phải tiến hành ngay cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược thần kỳ hơn, khó khăn, phức tạp hơn và đòi hỏi sự hy sinh nhiều của, nhiều người hơn. Thời kỳ thứ hai, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” cả dân tộc đoàn kết một lòng, đã “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, thu non sông về một mối – thống nhất Tổ quốc và cả nước tiến ngay lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chưa hề có thời kỳ lịch sử kế tiếp nhau nào lại chứa đựng nhiều sự biến lịch sử to lớn, liên tục, dồn dập, chồng chất, khó khăn, phức tạp và đòi hỏi cả dân tộc phải thực sự hy sinh nhiều của, nhiều người đến thế. Để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của tất cả những sự biến lịch sử ấy, đòi hỏi cách mạng phải có đường lối, chính sách đúng đắn và cách thức tổ chức thực hiện thành công đường lối, chính sách ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“ Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi.
Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh.
Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra”
[1][1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, Tr.520..
Trong hai thời kỳ lịch sử tiêu biểu nói trên, là người đứng đầu cơ quan và ngành tổ chức của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn toàn diện của công tác tổ chức lúc bấy giờ và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đồng chí thật sự là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một người đi đầu và có công lao to lớn trong việc xây dựng và phát triển ngành tổ chức xây dựng Đảng, góp phần đưa cách mạng nước ta tới thành công ngày càng rực rỡ.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951), Đảng quyết định ra hoạt động công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đã nghe, thảo luận và thông qua báo cáo của đồng chí Lê Văn Lương về tổ chức và Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam. Theo Điều lệ đã được thông qua, Đại hội đã bầu ngay Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị và Ban Bí thư. Đại hội cũng bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư và bầu Ban kiểm tra Trung ương. Đồng chí Lê Văn Lương được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, ủy viên dự khuyết Bộ chính trị, Ban Bí thư và làm Trưởng Ban kiểm tra Trung ương. Đồng chí được Ban chấp hành Trung ương quyết định làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương theo Nghị quyết số 9-NQ/TW, ngày 16-4-1951, do Tổng bí thư Trường Chinh ký [2][2] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXGCTQG, Hà Nội, 2001, T.12, Tr. 526.. Từ đó đến tháng 3-1957, liên tục hơn 6 năm, đồng chí đảm nhiệm trọng trách Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Đây là thời kỳ mà đồng chí Lê Văn Lương cống hiến nhiều nhất, nổi bật nhất cho nghành Tổ chức của Đảng, tập trung trong báo cáo của đồng chí về tổ chức và Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam tại Đại hội II của Đảng và nhiều Nghị quyết về tổ chức, xây dựng Đảng do đồng chí ký những năm sau đó.


1. Xác định rõ mục đích, tôn chỉ của công tác tổ chức, xây dựng Đảng trong điều kiện lịch sử mới

Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng đã chỉ rõ mục đích của công tác tổ chức và xây dựng Đảng thời kỳ này là đảm bảo cho Đảng “tăng cường lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo quân đội và lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ” đến thắng lợi hoàn toàn; “phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” [3][3] Ban tổ chức Trung ương: Truyền thống 72 năm ngành tổ chưc xây dựng Đảng (1930–2002), NXBCTQG, Hà Nội – 2002, Tr. 47..

Để thực hiện thắng lợi mục đích đó, theo đồng chí Lê Văn Lương nêu trong báo cáo, cần phải làm rõ tính chất giai cấp công nhân của Đảng, mở rộng dân chủ, tăng cường tập trung và phát triển tự phê bình và phê bình; các đồng chí lãnh đạo và cơ quan chỉ đạo cần làm gương trong tự phê bình, coi tăng cường tự phê bình và phê bình là khâu chính để mở rộng dân chủ trong Đảng, nâng cao chất lượng các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, khuyến khích, giúp đỡ quần chúng phê bình chủ trương, chính sách của Đảng, phê bình cán bộ và phê bình đảng viên.


2. Kiện toàn bộ máy tổ chức của Đảng; tổ chức Đảng trong vùng bị địch tạm chiếm, trong Quân đội và Công an

Về kiện toàn bộ máy tổ chức của Đảng, Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam ghi rõ Đảng được tổ chức theo “nguyên tắc dân chủ tập trung và có kỷ luật rất nghiêm, kỷ luật tự giác” [4][4] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, Tr.445., “Đảng dùng phương pháp phê bình và tự phê bình một cách thường xuyên để sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm của mình” [5][5] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, Tr.445., “Đảng phải luôn chống bệnh cô độc, mệnh lệnh, quan liêu cũng như bệnh theo đuôi quần chúng” [6][6] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, Tr.446. và bệnh cơ hội, bè phái…

Theo những nguyên tắc đó, bộ máy tổ chức của Đảng Lao động Việt Nam gồm sáu cấp:

- Ban chấp hành Trung ương.
  • Xứ ủy
  • Khu ủy (liên Khu ủy)
  • Tỉnh ủy (Thành ủy)
  • Huyện ủy (Quận ủy)
  • Chi ủy (ở xã, đảng bộ không đặt ra như một cấp)
Chi bộ là tổ chức nền tảng của Đảng. Dưới Chi bộ là Tổ đảng.

Khi tổ chức hệ thống bộ máy của Đảng, phải căn cứ vào đơn vị sản xuất, công tác, hành chính. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo cao nhất ở mỗi cấp đảng bộ là Đại hội đại biểu của Đảng bộ đó. Điều lệ cũng quy định rõ khoảng thời gian tổ chức Đại hội Đảng ở mỗi cấp bộ đảng: ba năm đối với Trung ương; 18 tháng đối với Xứ bộ, Khu bộ, Tỉnh bộ,Thành bộ; một năm đối với Huyện bộ, Quận bộ; 6 tháng đối với Chi bộ. Trong trường hợp đặc biệt có thể tổ chức Đại hội sớm hơn hoặc muộn hơn và phải tuân theo những điều kiện đã quy định.

Trong các cơ quan Nhà nước và đoàn thể nhân dân lập các Đảng đoàn. Đảng đoàn cấp nào do cấp ủy cấp ấy chỉ định và làm việc dưới sự chỉ đạo của cấp ủy ấy. Nhiệm vụ của Đảng đoàn là thực hiện đường lối, chính sách và nghị quyết của Đảng, tăng cường ảnh hưởng của Đảng trong tổ chức của mình; nghiên cứu và đề nghị cấp ủy đảng quyết dịnh chủ trương công tác đối với tổ chức, đơn vị của mình.

Hệ thống tổ chức đảng trong vùng địch tạm chiếm và trong quân đội, công an do Trung ương quyết định riêng để đảm bảo bí mật. Để thực hiện quy định này, ngày 20-5-1952, Trung ương Đảng ra nghị quyết về tổ chức đảng trong bộ đội chủ lực và công tác công an. Với bộ đội chủ lực, Trung ương quyết định lập chế độ cấp ủy đảng để thực hiện sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối của Đảng trong quân đội, bảo đảm thi hành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, tăng cường sự lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị cho bộ đội. Về công tác công an, Trung ương quyết định: Ở các cấp đảng bộ trực tiếp làm công tác công an sẽ do cấp ủy mỗi cấp trực tiếp chỉ đạo: Ở Trung ương do Bộ Chính trị chỉ đạo…Trong bộ máy Nhà nước thì Nha Công an sẽ tách khỏi Bộ Nội vụ thành lập một Bộ trong Chính phủ. Ở các cấp sẽ dần tiến hành đưa đồng chí cấp ủy phụ trách công an vào Ủy ban hành chính kháng chiến cùng cấp. Đảng đoàn Chính phủ sẽ căn cứ vào nhiệm vụ của công an mà quy định bộ máy tổ chức của công an các cấp…

Theo Điều lệ Đảng đã được thông qua, Ban chấp hành Trung ương ra Nghị quyết số 9-NQ/TW do Tổng Bí thư Trường Chinh ký, ngày 16-4-1951, về việc thành lập các Ban và Tiểu ban của Trung ương gồm có: Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban Mặt trận, Ban kinh tế - Tài chính, Ban Kiểm tra, Tiểu ban Miên–Lào, Tiểu ban Công vận, Tiểu ban Nông vận, Tiểu ban Thanh Vận và Tiểu ban Phụ vận [7][7] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, T. 12, Tr. 526 - 527.. Trên tinh thần đó, các cấp ủy từ Huyện (Quận) đến Khu được thành lập các cơ quan chuyên môn tương ứng theo quy định của Trung ương.


3. Mở đầu xây dựng, kiện toàn và đặt nền nếp cho sự hoạt động của Ban Tổ chức Trung ương

Từ Bộ Tổ chức kiêm giao thông (10-1930) đến Bộ Tổ chức - Kiểm tra (3-1935) cho thấy công tác tổ chức của Đảng chưa thực sự được chuyên môn hóa: Đầu thì gắn với công tác giao thông, sau đó lại gắn với công tác kiểm tra. Tình trạng gắn với công tác kiểm tra kéo dài cho đến tận trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II.Trong Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2-1951), đồng chí Lê Văn Lương đã phân tích rõ những hạn chế của mô hình tổ chức gắn với kiểm tra trước những yêu cầu của thực tiễn cách mạng mới và đề xuất mô hình tổ chức mới là thành lập Ban Tổ chức Trung ương cùng với các Ban chuyên môn khác của Đảng. Đại hội đã thảo luận, thống nhất với đề xuất của đồng chí Lê Văn Lương và ghi vào Nghị quyết của Đại hội. Ban Tổ chức Trung ương được chính thức thành lập theo Nghị quyết số 9-NQ/TW ngày 16-4-1951. Đây là một cống hiến to lớn về công tác tổ chức cho Đảng và cho cách mạng Việt Nam.

Chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức Trung ương là giúp Ban Chấp hành Trung ương làm tròn công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý cán bộ và công tác bảo vệ Đảng. Định ra phương châm, nguyên tắc, kế hoạch xây dựng, chỉnh đốn bộ máy và lề lối làm việc của các tổ chức quân, dân, Chính phủ và bộ máy của Đảng nhằm bảo đảm thực hiện thành công mọi đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng.


Sự hình thành Ban Tổ chức Trung ương đánh dấu bước phát triển mới và bước ngoặt mới trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của Ban Tổ chức Trung ương. Từ năm 1951 đến nay, Ban Tổ chức Trung ương vẫn giữ nguyên tên gọi của mình. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban ngày càng được hoàn thiện, cụ thể hơn.

Từ năm 1951 đến đầu năm 1957, là người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Lê Văn Lương đã tham mưu cho Trung ương Đảng nhiều công tác tổ chức lớn và chỉ đạo toàn ngành tổ chức thực hiện thành công những công tác đó, góp phần to lớn đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Ví dụ như: Cuộc vận động chấn chỉnh Đảng (ngày 29-12-1951). Quyết định thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến (9-1-1953), trước mắt là “phát động quần chúng nông dân triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức, chia lại công điền, chia hẳn ruộng đất của thực dân Pháp và việt gian cho nông dân… ” [8][8] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, T. 14, Tr. 70.. Đảng chính thức tuyên bố thi hành chính sách ruộng đất (11 – 1953), tại Hội nghị cán bộ toàn quốc lần thứ nhất của Đảng, Chỉnh đốn Đảng, Nông hội và Chính quyền. Ra Nghị quyết về chỉnh huấn cơ quan (4–1953) với phương pháp là học tập lý luận, kiểm thảo tư tưởng, chỉnh đốn tổ chức, kiện toàn cấp ủy để xây dựng cơ quan trong sạch.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và ở Hội nghị Giơnevơ đã mở ra một thời kỳ lịch sử mới: cách mạng nước ta tiếp tục thực hiên hai nhiệm vụ chiến lược là khôi phục, cải tạo, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Đây là bước ngoặt lớn của cách mạng, đòi hỏi công tác tổ chức và xây dựng Đảng phải giải quyết một khối lượng công việc hoàn toàn mới, vừa rất đa dạng, khó khăn, phức tạp, vừa đan sen, chồng chéo lẫn nhau. Đồng chí Lê Văn Lương đã cùng toàn ngành tổ chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đã tham mưu cho Đảng ra những quyết sách về tổ chức một cách kịp thời rất linh hoạt, cứng rắn, mềm dẻo và đúng đắn. Ví dụ như: Kịp thời ra các thông báo, thông tri, tổ chức các đội tuyên truyền… để giải thích, hướng dẫn cho nhân dân và các cấp ủy đảng về việc khôi phục chính quyền ngay trước và sau khi ký Hiệp định đình chiến, đấu tranh chống địch tuyên truyền phản động và phá hoại, ổn định ngay đời sống vật chất và động viên tinh thần cho đảng viên, cán bộ và nhân dân. Tổ chức tốt việc trao trả tù binh và tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ ta bị địch bắt, cũng như tiếp đón các đoàn cán bộ, chiến sĩ ta ở miền Nam tập kết ra Bắc… Tập trung chỉ đạo kiện toàn tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và quân đội để tổ chức tốt việc tiếp quản, ổn định đời sống, khôi phục kinh tế và tiếp tục thực hiện giảm tô, cải cách ruộng đất ở nông thôn (3-1955). Cũng trong thời gian này Đảng ra Nghị quyết số 19- NQ/TW về tổ chức đảng trong bộ đội địa phương; Quyết số 13-QĐ/TW(4-1955) về thành lập Đảng bộ Tổng cục đường sắt; Tổ chức Hội nghị cán bộ tổ chức toàn miền Bắc lần thứ hai (4-1955); Thành lập Ban Tôn giáo cấp Trung ương, cấp khu và tỉnh (8-1955); Củng cố và phát triển bộ máy Nhà Nước. Kế hoạch kiện toàn Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam (19-10-1955). Củng cố Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (cuối 1955); Củng cố và chấn chỉnh Ban tuyên huấn Trung ương. Nổi bật là từ năm 1955 đến năm 1957, tập trung hàng vạn cán bộ mở rộng cuộc vận động cải cách ruộng đất. Trong đó có tổ chức Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương để đánh giá những thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Đảng thẳng thắn nhận những sai lầm đó và kiên quyết sửa sai. Tiếp tục phát triển Đảng theo mức bình thường; thống nhất nguyên tắc quản lý cán bộ; chế độ nhận xét cán bộ và tiếp tục chấn chỉnh Ban tổ chức các cấp, trước hết là chấn chỉnh Ban Tổ chức Trung ương. Trọng tâm của vấn đề này là tiếp tục chấn chỉnh, kiện toàn cơ quan tổ chức các cấp về bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn, bổ sung cán bộ và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng. Ban Bí thư đã ra Nghị quyết số 04 (6-3-1957) và Nghị quyết số 05 (18-3-1957) “Về chấn chỉnh Ban Tổ chức Trung ương và cử cán bộ vào Ban Tổ chức Trung ương”. Theo các Nghị quyết này, đồng chí Lê Văn Lương được cử làm Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Năm 1973, đồng chí Lê Văn Lương được phân công thay đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban Tổ chúc Trung ương cho đến tháng 12-1976. Một lần nữa, trong bối cảnh lịch sử mới, cách mạng có nhiều bước phát triển mới, tài năng tổ chức của đồng chí Lê Văn Lương càng được thể hiện rõ cả về lượng và chất. Đó là: đồng chí đã cùng Ban Tổ chức tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư định ra những quyết sách toàn diện, đúng đắn về công tác tổ chức và tổ chức thực hiện thành công những quyết sách đó, góp phần to lớn đưa cách mạng nước ta đến thắng lợi hoàn toàn. Ví dụ như: Tham mưu và tổ chức thực hiên thành công Nghị quyết 225 về công tác cán bộ trong giai đọan mới của Bộ Chính trị (20-2-1973); Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 21(7-1973) về “hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”; Nghị quyết lần thứ 22 (22-1-1974) về “Nhiệm vụ, phương hướng khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc trong hai năm 1974–1975”; Nghị quyết lần thứ 23 (25–12–1974) về “tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng”; đề xuất và tổ chức tốt việc thực hiện Nghị quyết 224 của Ban Bí thư về thành lập Đảng bộ Quân khu Trị-Thiên, Quyết định số 2063 của Ban Bí thư về thành lập Đảng đoàn Nha Khí tượng, cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên, kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh, tăng cường cán bộ và công tác cán bộ, tiếp tục kiện toàn chi bộ, đảng bộ cơ sở và kiện toàn cấp huyện. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đồng chí tiếp tục cùng Ban Tổ chức kịp thời tham mưu và tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết 24 của Ban chấp hành Trung ương (29–9–1975) về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới và giải quyết thành công hàng loạt những vấn đề tổ chức cấp bách như xây dựng và củng cố hệ thống chính trị thống nhất của cả nước; thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, bầu Quốc hội của cả nước; điều động và tăng cường hàng vạn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn cho miền Nam; đặc biệt là tham mưu và tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tại Thủ đô Hà Nội (20-12-1976); thành lập thêm Vụ Dân vận trong Ban Tổ chức Trung ương (19-6-1974). Đây là công việc đột xuất của Ban Tổ chức Trung ương trong năm 1974…


4. Góp phần xây dựng và hoàn thiện đường lối, chính sách công tác tổ chức cán bộ của Đảng

Để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức thì công tác tổ chức cán bộ của Đảng giữ vai trò nòng cốt, quyết định. Đối với đồng chí Lê Văn Lương, đây là công việc tâm huyết, gắn bó suốt đời từ khi đồng chí tham gia hoạt động cách mạng. Nhiều năm làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ở vào những thời điểm phát triển đánh dấu những bước ngoặt lớn có tính quyết định của cách mạng, đồng chí có điều kiện thể hiện đức độ, trí tuệ, tài năng sáng tạo của một nhà lãnh đạo tổ chức hàng đầu của Đảng, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ.

Đồng chí Lê Văn Lương chẳng những tham mưu, đề xuất với Trung ương, mà còn tổ chức thực hiện tốt đường lối, chính sách công tác tổ chức cán bộ của Đảng ở mỗi giai đoạn cách mạng trên tinh thần “Hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới, bắt buộc Đảng ta phải có con đường chính trị mới, con đường chính trị mới lại bắt buộc phải có một con đường tổ chức mới” [9][9] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB.CTQG, Hà Nội – 1998, T.6, Tr. 222.: Đồng chí luôn quán triệt lập trường tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tuân theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của người cán bộ và đội ngũ cán bộ đối với sự thành, bại của cách mạng trong công tác tổ chức của mình. Đây vừa là cơ sở lý luận và thực tiễn, vừa là quan điểm giai cấp và lập trường chính trị để xác định đường lối, phương châm, nhiệm vụ tổ chức cán bộ của Đảng. Chỉ có trên cơ sở như vậy mới có thể xây dựng được phương án tổ chức cán bộ tốt trên các mặt: phân loại cán bộ, quy định tiêu chuẩn cán bộ, xác định số lượng cán bộ, quy hoạch cán bộ, lựa chọn cán bộ, sử dụng cán bộ, đào tạo gắn với giáo dục cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và quản lý cán bộ (theo nghĩa hẹp)…

Trong sự nghiệp tổ chức của mình, đồng chí Lê Văn Lương đã góp phần lớn đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng về công tác tổ chức như: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải luôn chăm lo tổ chức xây dựng Đảng để xứng đáng “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (lời dậy của Chủ tich Hồ Chí Minh); đảm bảo thực hiện nghiêm những nguyên tắc tổ chức Mác-Lênin và lời dậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Biết “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong công tác tổ chức xây dựng Đảng; phải bám sát thực tiễn, biết vận động và tổ chức nhân dân tạo ra được “những ngày hội cách mạng của quần chúng”, trong cả thời vận động cách mạng giành chính quyền, cũng như trong thời chiến tranh giữ nước và xây dựng đất nước… Những bài học quý giá đó chỉ có thể có được trên cơ sở tổ chức thật tốt hội nghị tổng kết thực tiễn công tác tổ chức của Đảng. Những bài học đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.



------------------
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, Tr.520.
[2] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXGCTQG, Hà Nội, 2001, T.12, Tr. 526.
[3] Ban tổ chức Trung ương: Truyền thống 72 năm ngành tổ chưc xây dựng Đảng (1930 – 2002), NXBCTQG, Hà Nội – 2002, Tr. 47.
[4] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, Tr.445.
[5] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, Tr.445.
[6] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, Tr.446.
[7] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, T. 12, Tr. 526 - 527.
[8] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, T. 14, Tr.70.
[9] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB.CTQG, Hà Nội – 1998, T.6, Tr. 222.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment