17 Câu chuyện anh Lê Văn Lương vào nhà kho lưu trữ hồ sơ của địch để khám phá ra bí mật của chúng, giải oan cho nhiều cán bộ, đảng viên bị nghi kỵ sau khi ở nhà tù của địch trở về

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Sau giải phóng miền Nam, hàng ngàn cán bộ, đảng viên và chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy được ra tù là những người trung thành với Đảng, dũng cảm chiến thắng trở về. Trong số đó cá biệt “con sâu làm rầu nồi canh” không chịu nổi sự tra tấn của địch đã đầu hàng nhận làm tay sai cho chúng. Do đó một số tổ chức đảng nghi kỵ, không tin, không bố trí công tác cho những cán bộ, đảng viên bị địch bắt trở về. Trước tình hình như vậy, anh Lương rất suy nghĩ, anh Lương bàn với Ban Bí thư Trung ương Đảng việc phân công anh Lương vào kho lưu trữ hồ sơ của địch ở Sài Gòn để xem xét, tìm ra sự thật. Nhà kho chứa đựng hàng ngàn hồ sơ cán bộ, đảng viên và chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tra tấn như thế nào. Trước đây, nhà kho chúng niêm phong rất cẩn mật, khi chúng bị thất bại bỏ chạy không kịp phá hủy nên nhà kho còn nguyên vẹn.

Khi anh Lê Văn Lương và người phụ trách nhà kho lưu trữ hồ sơ mở cửa, anh Lương cho tôi đi theo để giúp anh. Nhà kho lưu trữ hồ sơ rất rộng. Địch chia ra hai loại hồ sơ, một loại bắt xét hỏi bao nhiêu lần và tra tấn như thế nào chúng tả hết trong hồ sơ và thừa nhận, ghi lại trong hồ sơ người cán bộ Việt Minh rất ngoan cố không chịu khai báo, không đầu hàng. Loại hồ sơ này chúng niêm phong rất cẩn mật.

Còn một loại hồ sơ địch làm giả cán bộ Việt Minh A-B… đã khai báo cơ sở cách mạng và nhận làm tay sai cho chúng nhằm chia rẽ nội bộ ta, để ta không tin tưởng những người bị địch bắt trở về. Có một cán bộ cao cấp ở cơ quan cẩn mật trong hồ sơ địch dựng lên cán bộ này đã đầu hàng khai báo nhiều cơ mật của Việt Minh. Nhưng cán bộ đó ra tù cam đoan với Đảng, trung thành với Đảng, không đầu hàng, không khai báo một số đồng chí cùng bị bắt cũng thừa nhận như vậy. Anh Lương tiếp tục điều tra xác minh hơn một năm mới tìm ra sự thật. Ban Bí thư kết luận đồng chí này vô tội.

Sau khi nghiên cứu nắm được những hồ sơ địch để lại, anh Lương bàn với Ban Bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, Bộ Công an và cấp các địa phương điều tra xác minh và được tổ chức đảng xác nhận cho cả ngàn cán bộ đảng viên là những người chiến thắng trở về. Ở chi bộ hưu trí của tôi có đồng chí Phương, Đại tá công an, được tổ chức đảng cấp chứng nhận như vậy đồng chí Phương rất sung sướng. Từ thực tế đó Trung ương và Chính phủ có chính sách ưu đãi cho những người bị bắt và tù đày hiện nay đang thi hành.

Hồ sơ địch để lại thật giả lẫn lộn, nhưng không qua được con mắt người cộng sản đã từng bị bắt tù đầy 15 năm tù khổ sai ở nhà tù Côn Đảo có nhiều kinh nghiệm lần lượt khám phá ra sự thật. Trong đó có kẻ phản bội đầu hàng nhận làm tay sai cho chúng cũng được đưa ra ánh sáng. Dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, anh Lương được phân công cùng với Ban Bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, Bộ Công an và các cấp ủy của các địa phương, giải quyết một việc sau chiến tranh rất tỉnh táo và sáng suốt được nhân dân tin tưởng.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của anh Lê Văn Lương, tôi nhớ lại hình ảnh của anh, như anh Đỗ Mười nguyên Tổng Bí thư đã viết: “Đồng chí Lê Văn Lương, người đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên của Đảng ta, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng suốt đời gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng”.

Trong 18 năm tôi làm thư ký cho anh, tôi học tập ở anh nhiều điều quý báu. Năm 1976, anh Lê Văn Lương được Bộ Chính trị phân công về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, tôi tiếp tục làm thư ký cho Anh. Tôi thấy Anh là người cán bộ lãnh đạo xuất sắc, tầm nhìn chiến lược. Việc đầu tiên anh chấn chỉnh tổ chức là cấp phường, cấp cơ sở rất quan trọng. Lúc bấy giờ ở phường chỉ có vài cán bộ làm đại diện không có chính quyền, anh Lương đề nghị Chính phủ cho thành lập chính quyền phường và Đảng ủy ở phường cũng được thành lập. Anh Lương thấy các chi bộ và tổ chức đảng ở cơ sở yếu kém, anh Lương đề nghị với Trung ương cho những đảng viên ở các cơ quan Trung ương và thành phố về tham gia sinh hoạt với chi bộ nơi đảng viên cư trú để tăng sức mạnh cho cơ sở, hiện nay đang thực hiện chủ trương đó.

Anh Lương thấy Hà Nội diện tích hẹp, xây dựng Thủ đô khó khăn và nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, rau xanh cho Hà Nội không đáp ứng nhu cầu của nhân dân nội thành, anh Lương đề nghị với Trung ương và Chính phủ cho mở rộng Thủ đô Hà Nội, được Quốc hội thông qua thị xã Hà Đông, Sơn Tây và một số huyện của tỉnh Hà Tây sát nhập vào Hà Nội được một thời gian, nhưng vì khó khăn thế nào đó nên trả lại. Nay Trung ương, Chính phủ và Quốc hội cho hợp nhất cả tỉnh Hà Tây vào Hà Nội là chủ trương rất đúng đắn như anh Lương đã đề nghị trước đây.



---------------------
Nguyên Thư ký của đồng chí Lê Văn Lương.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment