23 Quan điểm của đồng chí Lê Văn Lương về vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong công tác xây dựng Đảng

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Đồng chí Lê Văn Lương – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là chiến sĩ cách mạng lão thành, cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng gần 70 năm của mình, đồng chí Lê Văn Lương đã từng có nhiều năm được Đảng phân công phụ trách công tác tổ chức của Trung ương, đã có cống hiến quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và công tán cán bộ nói chung, trong đó có vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên nói riêng.

Nâng cao chất lượng đảng viên là một nhiệm vụ có nhiều nội dung: củng cố đội ngũ Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ Đảng viên, phát triển quy mô, nền tảng của công tác tổ chức, công tác cán bộ của Đảng v.v... Do vậy, trong hoạt động lý luận và thực tiễn, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin cùng với việc khẳng định sức mạnh của tổ chức, đã chỉ ra cái cốt lõi của việc xây dựng tổ chức chính là đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ đảng viên. Mọi biểu hiện coi nhẹ, thái độ không nghiêm túc, không khoa học trong công tác xây dựng đội ngũ đảng viên là nguồn gốc dẫn tới Đảng lỏng lẻo về tổ chức, giảm sút khả năng lãnh đạo và sức chiến đấu; trong những trường hợp mắc sai lầm nghiêm trọng kéo dài có thể làm biến chất hoặc tan rã Đảng.

Thấm nhuần lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, đồng chí Lê Văn Lương thường lưu ý việc xây dựng đội ngũ đảng viên của Đảng ta là phải coi trọng chất lượng. Đồng chí nói: “Nói đến xây dựng Đảng, nhiều đồng chí chỉ nghĩ đến việc kết nạp nhiều đảng viên, gây cơ sở Đảng khắp nơi, sửa chữa lề lối làm việc, kiện toàn cơ quan chỉ đạo các cấp v.v... Thậm chí, có đồng chí coi những việc đó là toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Như thế là sai lầm”[1][1] Lê Văn Lương – Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 48.. Đồng chí cho rằng, nếu như đảng viên đông, cơ sở đảng rộng, nhưng chất lượng đảng viên không tốt thì sẽ làm biến chất Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và dẫn đến nguy cơ tan rã Đảng.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đồng chí Lê Văn Lương đã chỉ ra các biện pháp sau:


1. Xây dựng tư tưởng – phương châm chủ yếu

Đồng chí Lê Văn Lương coi việc xây dựng tư tưởng cho đảng viên là một mặt trọng yếu, một yếu tố có tính chất quyết định để nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Qua hoạt động thực tiễn, đồng chí đã khẳng định: “Một Đảng sinh trưởng ở một nước nông nghiệp như Đảng ta, rất dễ có tình trạng tư tưởng phức tạp, vì đa số đảng viên là nông dân, tiểu tư sản. Đã vậy, từ trước đến nay, Đảng ta lại ở một hoàn cảnh đấu tranh gay go, gian khổ, thiếu điều kiện thuận tiện để trau dồi lý luận. Đảng ta có nhiều đảng viên dũng cảm, hy sinh, hết lòng phục vụ nhân dân, được nhân tín nhiệm, nhưng một bộ phận đảng viên trình độ lý luận thấp kém, lập trường, quan điểm của Đảng còn hiểu lờ mờ. Do đó, nhiều khi làm sai đường lối, chính sách Đảng, hoặc có khi chống hẳn chủ trương của Đảng mà không biết. Một số không ít, tuy về tổ chức thì đã gia nhập Đảng, nhưng về tư tưởng còn ở ngoài Đảng....vì tư tưởng chưa đúng, nên thỉnh thoảng họ lại có một vài hành động có tính chất chống Đảng”[2][2] Lê Văn Lương – Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 48-49.. Theo đồng chí, đối với những đảng viên như vậy, nếu chỉ dùng sự chỉ đạo chặt chẽ và kỷ luật sắt của Đảng để sửa chữa thôi thì vẫn chưa đủ mà cần phải tiến hành công tác giáo dục tư tưởng sâu sắc và thường xuyên.

Không chỉ dừng lại ở việc nêu lên vấn đề mà đồng chí Lê Văn Lương còn chỉ ra hai biện pháp xây dựng tư tưởng:

Một là: Giáo dục lý luận – tăng cường học tập chủ nghĩa Mác-Lênin.

Muốn bảo vệ Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức thì mỗi đảng viên phải nắm được những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thu được những kinh nghiệm của cách mạng thế giới, nắm vững được lập trường quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng. Đó là đường lối rất căn bản để đảng viên vững vàng, làm chủ trước sự phát triển của thực tiễn cách mạng, thấy rõ được những biểu hiện trái với đường lối, chính sách của Đảng, tích cực thực hiện đường lối của Đảng, chủ động bảo vệ Đảng. Theo đồng chí Lê Văn Lương, giáo dục lý luận, tăng cường học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, nắm vững đường lối chính sách của Đảng là rất cần thiết.

Hai là: Cải tạo tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng

Đồng chí Lê Văn Lương đặt vấn đề tại sao cần phải cải tạo tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng. Đồng giải thích: Cải tạo tư tưởng là “làm cho đảng viên bỏ được di tích tư tưởng phi vô sản còn ẩn nấp trong đầu óc, đấu tranh chống những tư tưởng và khuynh hướng sai lầm, trau dồi lập trường và quan điểm vô sản làm cho tư tưởng đảng viên ngày càng thêm trong sạch, đồng thời đảm bảo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, đảm bảo thực hiện đường lối, chính sách đúng của Đảng”[3][3] Lê Văn Lương – Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 50.. Đồng thời với cải tạo tư tưởng, phải làm tốt lãnh đạo tư tưởng, tuyên truyền vận động trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên phát huy truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến kiến quốc và đi lên xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Theo đồng chí Lê Văn Lương, giáo dục lý luận, cải tạo và lãnh đạo tư tưởng có sự liên hệ mật thiết với nhau, không thể có mặt này mà thiếu mặt kia. Nếu chúng ta chú ý làm những công tác trên thì chúng ta nhất định nâng cao được chất lượng đội ngũ đảng viên góp phần nâng cao chất lượng Đảng, “làm cho Đảng thật xứng đáng đóng vai trò tiền phong lãnh đạo nhân dân trên con đường kháng chiến và kiến quốc”[4][4] Sđd, tr. 50..


2. Nâng cao ý thức phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân

Đồng chí Lê Văn Lương giải thích, Đảng ta mưu lợi ích cho quần chúng nhân dân, ngoài lợi ích của quần chúng nhân dân, Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Chính vì vậy, nhiệm vụ của mỗi đảng viên là hết lòng phụng sự lợi ích của quần chúng nhân dân, lợi ích của Đảng, tuyệt đối phục tùng nghị quyết và kỷ luật của Đảng. Đây là những yêu cầu căn bản mà mỗi cán bộ, Đảng viên phải nhận thức rõ, phải thấm nhuần.

Thấu hiểu lý luận cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhận thức rõ tầm quan trọng mối liện hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân là những yêu cầu được đồng chí nhắc lại nhiều lần. Đồng chí nhận định: Trong Đảng ta, có rất nhiều đảng viên thực hành đúng. Hàng nghìn, hàng vạn chiến sĩ; hàng nghìn, hàng vạn cán bộ; hàng nghìn, hàng vạn công nhân, nông dân, trí thức; hàng nghìn đảng viên đã “không sợ hy sinh, gian khổ, khó khăn, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân”[5][5] Sđd, tr. 51.. Nhưng: “trong Đảng ta, còn một số đảng viên chưa hiểu rõ quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của Đảng, của nhân dân. Khi cần lựa chọn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của Đảng và nhân dân, họ lựa chọn lợi ích cá nhân, có khi hoàn toàn không nghĩ gì đến lợi ích của Đảng và của nhân dân nữa”[6][6] Sđd, tr. 51.. Một số đồng chí vào Đảng để mưu cầu danh lợi, địa vị... Kém ý thức phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân dẫn đến sai lầm khuyết điểm.

Làm thế nào để nâng cao được ý thức phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân của đảng viên? Đồng chí Lê Văn Lương nói rõ, mỗi cấp bộ Đảng phải làm cho mỗi đảng viên hiểu rõ vai trò và lực lượng vĩ đại của nhân dân trong sự nghiệp cải tạo xã hội, hiểu rõ con đường phát triển của của xã hội, sự thắng lợi tất yếu của cách mạng và những bước đường đấu tranh gay go phải qua để đi đến thắng lợi.

Mặt khác, phải giáo dục, bồi dưỡng để đảng viên nhận thức được vai trò lãnh đạo của Đảng, nhận thức sự nghiệp và tiền đồ vẻ vang của Đảng, nhận thức nhiệm vụ mà mỗi đảng viên phải làm là để đưa Đảng thực hiện tiền đồ vẻ vang ấy. Mỗi đảng viên phải tự ý thức, tự bồi dưỡng quan điểm lập trường mang tính Đảng, tính quần chúng nhân dân đúng đắn, phải học tập để nâng cao kiến thức và năng lực vận động quần chúng, tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở. Dù ở cương vị nào, đảng viên cũng phải phục tùng kỷ luật và điều lệ Đảng, cũng phải là người tôn trọng và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo đến lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững và không ngừng củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác thực hiện tự phê bình và phê bình, để xem mình đã làm được gì cho Đảng, cho dân; phải nhận thấy được khuyết điểm để sửa chữa.


3. Nắm vững lập trường và quan điểm giai cấp

Để phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân, đồng chí Lê Văn Lương cho rằng “Mỗi đảng viên phải nắm vững lập trường và thấm nhuần quan điểm giai cấp của Đảng thì mới hiểu rõ đường lối chính sách của Đảng; do đó, mới có thể chủ trương đúng, hành động đúng trong công tác hàng ngày, tránh được sai lầm, khuyết điểm”[7][7] Sđd, tr. 55.. Lập trường giai cấp của Đảng ta là lập trường của giai cấp công nhân; cuộc đấu tranh giai cấp hiện nay là cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đấu tranh để lật đổ chủ nghĩa đế quốc, để tự giải phóng và giải phóng nhân loại. Đồng chí Lê Văn Lương cho rằng, trong đảng viên còn có hai khuynh hướng sai lầm căn bản khi nhận thức về vấn đề này: “Một là, khuynh hướng coi nhẹ lập trường giai cấp và thiếu quan điểm giai cấp, do đó phạm vào sai lầm hữu khuynh. Hai là, khuynh hướng theo lập trường và quan điểm giai cấp một cách máy móc, do đó phạm sai lầm tả khuynh”[8][8] Sđd, tr. 56.. Những người ba hoa, vỗ ngực nói mấy câu sáo rỗng về lập trường và quan điểm giai cấp, chỗ nào cũng đưa công nông ra và chỉ biết có công nông sẽ không có lợi cho cách mạng, sẽ làm cho bạn đồng minh xa lánh, công-nông bị cô lập.


4. Đi đúng đường lối quần chúng của Đảng

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng là một tổ chức tự nguyện, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng quần chúng khỏi ách áp bức và bóc lột, quần chúng cần có Đảng với tư cách là người lãnh đạo trong cuộc đấu tranh ấy. Nếu không có sự đồng tình ủng hộ của quần chúng thì mọi đường lối, chủ trương của Đảng đều không trở thành hiện thực.

Lênin chỉ ra rằng, những người cộng sản chỉ như giọt nước trong đại dương nhân dân mênh mông và chỉ riêng với bàn tay những người cộng sản thì không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng và tầm quan trọng của đường lối quần chúng của Đảng từ trong “trường học cách mạng”-Côn Đảo, đồng chí Lê Văn Lương nhấn mạnh, mọi chính sách và phương pháp của Đảng đều phải từ quần chúng mà ra, rồi trở lại về quần chúng.

Đồng chí Lê Văn Lương có thực tiễn hoạt động cách mạng nhiều năm, trong công tác rất sát sao với cơ sở, nên đồng chí đã nhận thấy trong đội ngũ đảng viên còn một số đồng chí mắc bệnh quan liêu, quân phiệt, chủ nghĩa mệnh lệnh cần phải đấu tranh, loại bỏ.

Đồng chí Lê Văn Lương cho rằng mỗi đảng viên muốn đi đúng đường lối quần chúng của Đảng, cần phải: có ý thức phục vụ nhân dân, có tinh thần phụ trách trước quần chúng, tin tưởng quần chúng, biết học tập kinh nghiệm của quần chúng, đồng thời phải theo đúng lối làm việc dân chủ, mọi việc phải đem bàn bạc với quần chúng, khi quần chúng chưa giác ngộ chưa tiếp thu ý kiến thì phải kiên nhẫn giải thích, không được dùng mệnh lệnh cưỡng bách quần chúng thi hành,


5. Nâng cao ý thức tổ chức

Đoàn kết thống nhất là quy luật phát triển của Đảng. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bắt nguồn từ bản chất của giai cấp vô sản. Đảng chỉ thu nhận vào đội ngũ của mình những đại biểu ưu tú của giai cấp vô sản và nhân dân lao động tự nguyện xin gia nhập Đảng. Đó là những người có cùng lý tưởng, mục đích và lợi ích.

Lênin khẳng định, tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cao nhất của Đảng. Đảng viên phải có một sự thống nhất ý chí mới đưa cách mạng đến thắng lợi. Lênin còn chỉ rõ, đó là nguồn gốc sức mạnh của Đảng, là điều kiện để đoàn kết giai cấp.

Đảng ta đã trải qua nhiều thời kỳ đấu tranh cách mạng và ở trong bất kỳ thời kỳ nào, Đảng cũng luôn coi trọng xây dựng khối đoàn kết thống nhất của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của sự thành công”[9][9] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nxb CTQG,H.1996,t.11, tr.154..

Là một người Mácxít–Lêninnít chân chính, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Văn Lương nhận thức rõ điều này. Để có được sự thống nhất trong Đảng, đồng chí yêu cầu mỗi đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức, tức là phải đoàn kết nhất trí, chấp hành nghiêm nghị quyết, tuyệt đối phục tùng kỷ luật của Đảng, đem sáng kiến, kinh nghiệm của mình góp vào việc quyết định các chủ trương, chính sách của Đảng và giúp sức các cơ quan chỉ đạo làm việc.

Đồng chí Lê Văn Lương cũng chỉ ra, vẫn còn một số đảng viên không thành thật trong đoàn kết vì đầu óc cá nhân; thấy ưu, khuyết điểm của nhau không bổ sung cho nhau, giúp nhau cùng sửa chữa mà lợi dụng đó để bài trừ nhau, trong quản lý thiếu sự công tâm; suy bì trong công tác; rụt rè, e ngại, không thẳng thắn khi phát biểu; báo cáo với cấp trên thiếu sót, chậm chạp...

Để thực sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng chí Lê Văn Lương nhấn mạnh mỗi đảng viên cần phải gạt bỏ những hiện tượng, sai lầm nói trên bằng cách thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình, đặc biệt là thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng.

Quan điểm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong công tác xây dựng Đảng của đồng chí Lê Văn Lương bằng các biện pháp: xây dựng tư tưởng; nâng cao ý thức phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân; nắm vững lập trường và quan điểm giai cấp; đi đúng đường lối quần chúng của Đảng; nâng cao ý thức tổ chức là một đóng góp quý báu cho Đảng ta về lý luận cũng như thực tiễn xây dựng Đảng ở nước ta hiện nay.



---------------------
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Lê Văn Lương – Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 48.
[2] Lê Văn Lương – Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 48-49.
[3] Lê Văn Lương – Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 50.
[4] Sđd, tr. 50.
[5] Sđd, tr. 51.
[6] Sđd, tr. 51.
[7] Sđd, tr. 55.
[8] Sđd, tr. 56.
[9] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nxb CTQG,H.1996,t.11, tr.154.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment