Quê mẹ nắng hồng

Sunday, September 11, 2011
Tặng quê ngoại Xuân Cầu


Bao năm trở lại chốn nơi xưa

Nghe vọng bên hồn chuỗi Tuổi thơ

Quê Mẹ nắng hồng như cổ tích

Hàng tre xanh mát, cánh đu đưa

Nhịp cầu Nghĩa Trụ trăng lồng bóng

Phiên chợ Đình Ba má ửng mờ

Lối rẽ thôn Lê chiều bảng lảng

Hỏi ai ngơ ngẩn với tờ thư ?...









Nhà văn Băng Hồ

... Quê nội tôi chính là quê ngoại anh Đặng Trần Phiến. Anh nặng tình với Xuân Cầu hơn ai hết trong tất cả anh chị em trong họ. Tôi không thể viết về quê nội thật hay và đầy tình tự như bài Nắng Quê Ngoại của anh. Anh trắng trẻo như con gái, ăn mặc đúng điệu công tử Hà Nội, tóc chải bồng bềnh bóng mượt. Suốt ngày chỉ thấy anh ca hát, những bài như Trương Chi, Suối Mơ của Văn Cao, Tình Quê Hương của Việt Lang, Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương, Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Rồi lại viết chuyện, làm thơ. Bút hiệu anh là Băng Hồ, lấy từ câu Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ của Vương Xương Linh. Anh thường đi chơi chụp ảnh cùng một vài cô thôn nữ xinh đẹp. Có thể anh tiêu biểu cho các cậu ấm cô chiêu, lạc lõng trong thời kháng chiến.
...
Anh Băng Hồ hồi cư về Hà Nội đầu năm 1950 cùng với chúng tôi, tiếp tục sự nghiệp văn thơ, nhưng đến năm 1954 đã không di cư vào Nam.

Tết Dương lịch năm 1995, chúng tôi có dịp về thăm Hà Nội, và may được gập lại anh. Anh là người con duy nhất của nhà văn Đặng Trần Phất, tú tài tây học xuất thân từ trường Albert Sarraut, và cháu cụ Đặng Trần Vỹ, Tổng Đốc Bắc Ninh. Tuy mồ côi lúc hơn một tuổi, mà gần bẩy chục năm sau, trong cảnh một đất nước nghèo nàn và khói lửa triền miên, anh đã âm thầm sưu tầm để rồi tổng kết được những tác phẩm văn thơ tiếng Việt và tiếng Pháp của người cha.
Anh trân trọng tặng chúng tôi một cuốn sách mộc mạc chưa kịp đóng bìa: Văn thơ Đặng Trần Phất, nhà xuất bản Văn Học Hà Nội, 1994. Đọc Lời cuối sách anh viết về thân phụ, tôi mới hình dung được tình phụ tử của anh to lớn vô cùng. Anh phải chắp nối những chuyện kể lại từ bà mẹ và họ hàng nội ngoại, rồi tạo ra một hình ảnh về người bố, để mà sống bằng những kỷ niệm trong khung trời tâm tưởng ấy. Thân phụ anh là nhà văn viết xã hội tiểu thuyết sớm nhất, với Cành Hoa Điểm Tuyết, xuất bản năm 1921 và Cuộc Tang Thương năm 1923, cùng thời với Hoàng Ngọc Phách viết Tố Tâm xuất bản năm 1925. Và vì được mẹ nuôi dưỡng, nên anh rất nặng tình quê ngoại Xuân Cầu. Năm ngoái, anh lại gửi cho tôi cuốn Phượng ơi! mùa dĩ vãng, do nhà xuất bản Văn Học Hà Nội, 2002. Đây là tuyển tập những truyện ngắn của anh trong thời hồi cư 1950-54 tại Hà Nội, trong có bài Dòng mực đầu năm viết riêng về thân mẫu anh, bà Tô Thạch Lan.

Một người mẹ đã phải lặng lẽ từ khước biết bao nhiêu chân tình để mong khỏi phải đi bước nữa, vì sợ anh phải khổ hay phải tủi với người bố dượng. Một người mẹ chỉ cầu cho anh sớm yên bề gia thất để có con nối dõi tông đường, vì lo anh quá miệt mài với nghiệp chướng thi văn. Rồi trong cảnh mẹ góa con côi ấy, giọt nước mắt của mẹ lúc nào cũng là hình phạt mà anh sợ hãi nhất. Đọc xong, tôi lại càng mến phục anh thêm vì tình mẫu tử rất đặc biệt này.

Tô Đồng
2004

0 nhận xét:

Post a Comment