Xã hội Đại Việt vào những năm thuộc giai đoạn cuối triều Trần có nhiều rối ren, bất ổn, đặc biệt sự lộng quyền về chính trị của Hồ Quý Ly đã đẩy xã hội Đại Việt vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, nội triều chia bè kéo phái, các trung thần lần lượt hoặc chết dưới tay Hồ Quý Ly, hoặc bị cô lập dèm pha mất hết quyền lực phải rút về ở ẩn. Sự sai lầm nghiêm trọng dẫn tới mất cả triều chính bắt đầu từ sự chuyên chế thiếu sáng suốt của vua Dụ Tông, bỏ qua những lời can gián của trung thần, dung thứ cho bọn tiểu nhân xiểm nịnh, đặc biệt là lũ hoạn quan nội triều được thể như giống cỏ dại gặp mưa mặc sức hoành hành tác oai tác phúc làm suy yếu pháp luật của triều đình là điều kiện tốt cho triều đình nhà Minh sang xâm lược, đặt ách đô hộ mới. Khởi đầu sự kiện thay đổi xã hội có tính bùng nổ này ngoài sự lộng quyền của cha con Hồ Quý Ly còn có cả sự nhu nhược của các vị vua triều Trần như Trần Nghệ Tôn, Trần Thuận Tôn.
Thượng hoàng Trần Nghệ tôn quá mụ mị, như ông vua giở giấc giữa chiếc giường chính trị đã mọt rỗng và đầy rẫy nguy cơ sập đổ, ông thiếu tỉnh táo đến mức suy đồi ý chí, để cho nạn ngoại thích được thể hoành hành, chỉ biết nghe Hồ Quý Ly qua ba tấc lưỡi mà hại đến tính mệnh cháu nội mình qua việc truất ngôi cháu (đế Hiện dòng đích con Duệ tông) trao cho con út (Thuận tông dòng thứ), tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho Quý Ly rảnh rang bước lên vũ đài chính trị, hay nói cách khác chính Nghệ Tông đã vô tình gián tiếp tự san bằng công nghiệp của tổ tiên mình mở đường cho Quý Ly.
Tháng 12, mùa đông. Trung tuyên Quốc thượng hầu là Quý Ly gièm pha với Thượng hoàng truất ngôi nhà vua, giáng làm Linh đức đại vương rồi giết chết tại chùa Tư Phúc. Lại giết cả bọn ngự sử đại phu là là Lê Á Phụ, các Tướng quân là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Ha, Nguyễn Bát Sách, Lê Lặc và học sinh là Lưu Thường.
Sự lộng hành của Hồ Quý Ly (Lê Quý Ly) lên chỉ lên tới tột đỉnh sau khi Nghệ Tông chết (1394), xu hướng thoán nghịch cướp ngôi vua đã lộ rõ ràng qua việc ép vua Thuận Tông nhường ngôi cho con là thái tử An khi ấy mới 3 tuổi để dễ bề chuyên chính
“Mậu Dần, 1398, Tháng 3, mùa xuân. Nhà vua truyền ngôi cho Hoàng thái tử An. Thái tử lên ngôi, tôn Khâm thánh hoàng hậu làm hoàng thái hậu. Quý Ly tự xưng là đại vương, thay vua giữ chính quyền trong nước.”, để đạt được mục đích của mình, đã không từ cả việc giết chết con rể mình là vua Thuận Tông (1399). Sau khi đã truyền ngôi vua, Thuận Tông dời ra ở quán Ngọc Thanh. Quý Ly ngầm sai nội tẩm học sinh Nguyễn Cẩn đi theo trông nom coi sóc. Thuận Tông hỏi Cẩn:
"Anh đi theo ta, ý muốn làm gì?". Cẩn không nỡ nói rõ. Quý Ly làm tho bảo Cẩn rằng:
"Nếu nguyên quân không chết, thì nhà ngươi phải chết". Cẩn dâng thuốc độc, Thuận Tông không chết, lại dâng nước dừa và không cho ăn, cũng không chết. Quý Ly bèn sai Xa kị thượng tướng quân Phạm Khả Vĩnh đem thắt cổ cho chết và cướp ngôi của cháu ngoại mình (Thái tử An chính là cháu ngoại của Hồ Quý Ly)
“Tháng 2, mùa xuân. Quý Ly truất nhà vua làm Bảo Ninh đại vương, Quý Ly tự xưng hoàng đế.”... cuộc khủng hoảng chính trị giai đoạn này có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nhân dân cả nước theo chiều hướng tiêu cực, đặc biệt với vùng đất Nghĩa Trụ, nơi tập trung đông đảo các thân tộc nhà Trần, bao năm nay con cháu xa đời của Trần Tự Khánh vẫn yên ổn trụ lại làm ăn, sinh sôi phát triển, nay lâm vào tình trạng thiên tai loạn lạc liên miên, năm 1262 xảy đại hạn, trong dân gian đói lớn, người chết gối đầu lên nhau, lại thêm chính sách hạn điền, hạn nô khiến đời sống của họ càng thêm khốn cùng, cực khổ, đất đai thái ấp từ thuở ông cha họ mở mang bờ cõi, khai điền lập thửa, nay phần lớn bị sung công. Không khí tù đày chết chóc ngày ngày bao phủ lấy xóm làng, lại thêm phe cánh Hồ Quý Ly ra sức bức bách, tìm mọi mưu kế, tận dụng mọi cơ hội để khép tội, tuyệt diệt họ Trần tâng công cùng cha con Quý Ly khiến cảnh làng xóm đã tiêu điều xơ xác, lại càng bi thảm hơn. Quá nửa dân số tha hương sau trận lụt lội, hạn hán nay lại thêm số người phải thay tên đổi họ phiêu tán đi các nơi khác kiếm sống cầu an. Dân số Nghĩa Trụ sụt giảm nhanh chóng, làng xóm trước kia đông đúc, trù phú là thế, vào giai đoạn này chỉ còn lèo tèo thưa thớt vài trăm nóc nhà, nằm rải rác dọc triền sông. Nghĩa Trụ lâm vào nạn đói triền miên, nhiều trai đinh của hai làng Đồng Tỉnh và Hoa Cầu hội lại đi cướp bóc các phủ quan trong kinh thành, sau vì thế cô lực yếu, quân triều đình vây ráp, đích thân Hồ Qúy Ly điều quân thẳng tay đàn áp bắt giết bố mẹ, vợ con của những người tham gia trong đội quân nổi loạn ấy, khiến loạn quân tự tan vỡ, nhiều người bị giết chết.
Sau khi Quý Ly thoán đạt trọn vẹn quyền bính của họ Trần, để ổn định xã hội về mặt quản lý nhân khẩu và điều chỉnh lại một phần cơ cấu dân cư trong các địa hạt, đồng thời chuẩn bị dự phòng nhân lực cho công cuộc kháng chiến chống Minh, triều đình nhà Hồ ra sắc lệnh làm sổ hộ, con trai từ 2 tuổi trở lên phải ghi vào sổ hộ, người ở kinh kỳ đến trú ngụ nơi phiên trấn bắt phải về nguyên quán kê tên vào sổ. Sắc lệnh này ban ra khiến đời sống xã hội của dân cư khi ấy bị ít nhiều xáo trộn, dân thiên cư gốc Nghĩa Trụ từ khắp nơi trốn tránh nạn, nay bị dồn về, nhiều gia đình, dòng họ hoàng thất cũ phải thay tên đổi họ tránh sự tìm diệt của triều đình nhà Hồ.
Số dân trở lại bản quán sinh sống tăng đột biến, đem theo về cho vùng đất này nhiều nghề mới, cải thiện cuộc sống kinh tế, dân sinh như nghề trồng dâu, chăn tằm dệt vải, đan chài, buông lưới, đánh đăng giăng lờ bắt cá. Một số dân lưu tán, giang hồ, gia nô của vương triều cũ không có ruộng đất cũng nhân sắc lệnh này tìm về định cư tại các khu đầm lầy lau sậy xin ngụ cư và khai sổ, lấy vùng đất Nghĩa Trụ làm nơi nương thân, gây dựng cơ nghiệp. Cuộc tranh giành địa bàn canh tác, ngư trường khai thác nguồn lợi thuỷ sản giữa dân bản xứ và dân ngụ cư đã lẻ tẻ xuất hiện ở nhiều nơi trong vùng, các cuộc đánh chém tranh giành quyền lợi diễn ra theo sự chỉ đạo của các ông tộc trưởng hoặc ông trưởng mỗi chi họ. Vai trò và luật lệ của triều đình chỉ xuất hiện trên danh nghĩa giấy tờ, công văn, quyền lực lãnh đạo và khả năng chi phối công việc làng xã khi ấy vẫn nằm trong tay các hào phú, thổ hào địa phương và các già làng, tộc trưởng.
Quý Ly học hỏi phép truyền ngôi theo cách của nhà Trần, năm Qúy Mùi (1403), ông nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, lấy đó là năm Khai Đại thứ nhất. Hồ Hán Thương tiếp tục công cuộc mở mang bờ cõi của một đế chế vừa phôi thai hình thành. Tháng 2 năm ấy, ra sắc lệnh tuyển mộ dân phu phục vụ công cuộc di dời, xây dựng cơ sở mới là châu Thăng Hoa. Công việc di dời dân cư này của Hán Thương thực chất vẫn là tiếp nối nốt phần việc của người cha Hồ Quý Ly từ những năm trước, khi Chiêm Thành cắt dâng đất Chiêm Động và Cổ Luỹ cho triều đình nhà Trần, nhưng lại kéo hết dân cư đến ở vùng đất khác. Quý Ly nhân cơ hội đó chiêu tập dân lưu tán và những trai đinh không có ruộng đất gì cho sung vào đội quân Thăng Hoa đóng đồn thú tại nơi đây lập nên châu huyện mới. Khi Hán Thương lên ngôi, tiếp tục thực hiện chiến lược mở mang bờ cõi, ổn định đời sống xã hội. Mục đích chính của cuộc di dân lần này là chuyển toàn bộ số vợ con, gia thuộc của đám binh lính từ các nơi về sinh sống theo nơi họ đang đồn trú, cụ thể là châu Thăng Hoa, vùng phiên trấn mới mà châu hiệu đã được Hồ Quý Ly khi trước hạ lệnh cho đội quân trấn giữ thích vào cánh tay, để sinh cơ lập nghiệp làm kế phát triển lâu dài cho công cuộc trị vì sau này của nhà Hồ. Nhờ vào chính sách này của Hán Thương đưa ra kịp thời đã giải quyết được triệt để vấn đề tranh chấp ruộng đất canh tác giữa đám người bản xứ và đám người đang ngụ cư trên vùng đất Nghĩa Trụ. Nhưng cũng thật bất hạnh cho những người dân ngụ cư, đã quyết tâm chọn lựa đất Nghĩa Trụ làm nơi gửi gắm quãng đời lang bạt của mình, nay lại phải lênh đênh trên biển trong đoàn quân di dân đến nơi ở mới, chuyến đi không định trước và cũng không hẹn ngày trở lại của đám gia quyến binh lính đã gặp bão, đại đa số đều gửi xác dưới đáy biển.
Biên giới liên tục cấp báo về kinh sư ý đồ xâm lược của nhà Minh, Hán Thương cử Tướng Nguyễn Quân được trấn thủ Bắc Giang, cùng Nguyễn Hi Chu đảm nhiệm chức An phủ sứ Bắc Giang lập phòng tuyến phía đông bắc bảo vệ kinh thành.
Bến thuyền Hoa Cầu và bến Cầu Nổi (lối cầu thông từ đất của xã Đồng Tỉnh sang Chợ Cái, chiến luỹ xưa của triều Lý chống quân Trần Tự Khánh) được Nguyễn Quân trưng dụng trở lại làm trại thuỷ quân, theo lệnh Hán Thương, gấp rút đóng thuyền chiến cung cấp cho phòng tuyến phía đông bắc, Bình Than, Ngã Ba Hạc, sông Cầu, Sông Đuống. Các toán lính thợ và thợ thạo nghề từ các châu lộ lân cận được điều động về ngày đêm kết hợp cùng dân các hương xã, ấp Đồng Tỉnh, Hoa Cầu, Đại Tài, Bảo Vực vùng Nghĩa Trụ tập kết vận chuyển gỗ vật liệu. Tất cả các công việc nông tang, buôn bán đều bị đình lại, tập trung mọi nguồn lực cung cấp cho công tác quân sự, chuẩn bị khí cụ phục vụ chiến tranh. Các chiến thuyền được sản xuất ra ở đây đều thống nhất theo mẫu mã chiến thuyền của Hồ Nguyên Trừng thiết kế gọi là thuyền đinh sắt, phía bên trên được ghép tre nứa làm lối đi lại, bên dưới bố trí các tay chèo, hai người chung sức chèo một mái chèo. Với kết cấu như vậy chiến thuyền của nhà Hồ rất lợi hại và cơ động đạt tốc độ hành quân cao, đáp ứng được yêu cầu di chuyển nhanh của thuỷ quân trong hành binh chiến đấu, đảm bảo yếu tố thần tốc bất ngờ, tăng thêm nhiều lợi thế và chủ động được trên các chiến trường vùng hạ lưu nhiều kênh rạch. Song song cùng việc cung cấp thuyền chiến cho quân đội, đất Nghĩa Trụ thực sự trở thành kho tập kết dự trữ gỗ lớn của kinh thành. Là nơi chuyên chở và phân phối gỗ lạt cùng xích sắt từ xứ Đông chuyển về phục vụ công tác đóng rào cản khoá các cửa sông lớn khi xảy ra chiến sự. Vùng đất Nghĩa Trụ đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nên 700 dặm rào xích sắt, cọc gỗ dọc bờ nam sông Cái ngăn bước tiến của quân Minh và là nơi di dân chiến lược dự phòng cho quân triều đình khi phải rút khỏi kinh thành.
Năm 1406, lợi dụng việc Trần Thiêm Bình nhân danh con cháu nhà Trần sang cầu viện binh, vua Minh liền sai 5000 quân hộ tống về nước, thực chất là cất quân sang tiến đánh nhà Hồ, lập ánh đô hộ của nhà Minh lên dân Đại Việt. Nguyễn Hi Chu cùng Nguyễn Quân thống xuất binh lính hai xứ Đông, Bắc đánh trả gây cho quan quân nhà Minh nhiều tổn thất, sau thế giặc mạnh, lòng dân lại không quy phục nhà Hồ, các cánh quân hai xứ đều tự tan rã, Nguyễn Hi Chu bị Trương Phụ bắt, do không chịu quy phục nhà Minh, liền bị giết.
Quân dân Nghĩa Trụ, dưới sự thống xuất của vị hào trưởng Trần Đạo cháu dòng đích, đời thứ 13 của Trần Tự Khánh, nhờ biết khéo vận động, đi lại giao du với đám quan thân cận với nhà Hồ, nên được Hán Thương nể trọng cho sai tập hợp hương binh tổ chức lại thành luỹ làm căn cứ chống đạo quân Minh vùng Lưỡng Quảng tràn qua xứ Đông vây lấn uy hiếp kinh thành và thực hiện sứ mệnh bảo vệ phía bờ nam sông Cái cho triều đình rút an toàn khỏi kinh thành.
Nhờ hệ thống bùn lầy lún sụt như những cái bẫy tự nhiên với quân ngoại bang và cánh rừng lau sậy um tùm chỉ có thể di chuyển được bằng thuyền nhỏ, khi quân nhà Hồ hoàn toàn tan rã, Trần Đạo vẫn giữ vững được địa bàn Nghĩa Trụ, đêm đêm đem quân từ các ngả lau sậy quấy rối quan quân nhà Minh, khiến viên đô đốc Giang Hạo phải từ bỏ ý định đắp thành luỹ trên đất Nghĩa Trụ, đành dẫn quân tiến về Siêu Loại đắp thành Điêu Diêu trấn giữ mặt đông bắc kinh thành.
Năm 1410, đế Quý Khoáng đem binh từ Thanh Hoa ra Hồng Châu, cùng Nguyễn Cảnh Dị vận động các thổ hào vùng Bắc Giang như Phạm Tất Đại, Nguyễn Thiêm Hữu, Nguyễn Liễu, Nguyễn Trinh, Ngô Cự Lại, Đường Cường, Nguyễn Cẩn và Trần Đạo, Trần Trí ở Nghĩa Trụ đem hương binh cùng đánh, quân của Giang Hạo thua to phải bỏ thành mà chạy.
Năm 1413 nhà hậu Trần mất hẳn, kết thúc một giai đoạn dài thống trị, đất nước Đại Việt lại rên xiết dưới ách đô hộ tham tàn, ác nghiệt của bọn vua quan nhà Minh. Trần Đạo cùng thổ hào các châu huyện xứ Bắc tiếp tục duy trì đội hương binh Nghĩa Trụ cùng các nghĩa sĩ thường xuyên tổ chức các trận đánh nhỏ tiêu hao sinh lực địch chờ đợi thời cơ vùng dậy, Nguyễn Cẩn sau một trận đánh lớn bị sa vào tay giặc, sau hàng giặc và ra làm quan cho nhà Minh .
Ở phía Tây Đại Việt, Lê Lợi người thủ lĩnh của đất Lam Sơn đã không chịu khuất phục trước uy quyền triều đình nhà Minh, từ Thanh Hoá ông chiêu tập binh mã nổi dậy, phất cao ngọn cờ đại nghĩa đánh đuổi giặc Minh giành lại tự chủ cho nhân dân Đại Việt và lập nên triều đại nhà Lê.
Khi vây thành Đông Đô, Lê Lợi đặt đại quân doanh tại Bồ Đề huyện Siêu Loại, ông cho dựng tháp quan sát ngày đêm cùng bộ tướng theo dõi mọi biến động trong thành Đông Đô.
Dùng hương quân của Trần Đạo kết hợp cùng các toán quân khắp vùng Bắc Giang làm thế gọng kìm chế ngự thành Điêu Diêu của quân Minh.
Năm Bính Ngọ (1426) chia các tướng đi tuần thú các lộ thị sát tình hình quân Minh để chuẩn bị đánh lớn, Thiếu uý Lê Nhân Chú, Bùi Bị dẫn quân từ Thiên Quan qua Thiên Trường sau đó vào Kiến Xương, rồi theo cửa sông mạn Tân Hưng ngược về Thượng Hồng, Hạ Hồng, Bắc Giang, sau đó tiến lên Lạng Sơn chặn đánh cánh quân tiếp viện của nhà Minh kéo từ vùng Lưỡng Quảng xuống, khi quân qua địa phận Nghĩa Trụ, Trần Đạo cho con trưởng là Trần Trí dẫn một đội hương binh theo giúp.
Năm Đinh Mùi (1427) viện binh của nhà Minh bị quân phục của Lê Lợi phá tan, khiến quân giữ thành các nơi đều hoang mang dao động. Quân Minh giữ thành Điêu Diêu dưới sự chỉ huy của thủ tướng Trương Lân, không chịu nổi áp lực bao vây của cánh quân Lê Quốc Hưng đang ngày một thắt chặt vòng vây, lại thêm toán quân của cha con Trần Đạo, đêm đêm vượt sông hò reo quấy nhiễu, phóng lửa vào thành khiến quan quân mất ăn mất ngủ, liền mở cửa thành ra hàng.
Ở Tây Phù Liệt, Lê Nguyễn đang trấn giữ do khinh suất, chủ quan lơi lỏng phòng bị, lại gặp Vương Thông lợi dụng cơ hội đang đêm cho thuyền vượt sông Cái đánh lén, Lễ và Xí dẫn quân đến tiếp cứu nhưng do bùn thụt, voi bị sa lầy lên đều bị bắt.
Quân Minh ngày càng yếm thế, các thành lần lượt bị hạ và ra hàng Lê Lợi. Phủ Khoái và một phần đất phủ Thuận An trở thành nơi nuôi giữ hàng binh Minh, toán hương binh của Trần Đạo được lệnh rút về căn cứ Nghĩa Trụ làm nhiệm vụ giám sát và nuôi dưỡng hàng binh.
Nhận sắc chỉ của Bình định vương Lê Lợi, Trần Đạo ra sức vận động trong họ tộc những người phải đi lánh nạn giặc Hồ trở về sum họp làm ăn tại Nghĩa Trụ, được hơn 30 người, lại chọn lấy số trai đinh vừa trở về tòng quân theo Trần Trí đi vây hạ các thành.
Năm Kỷ Dậu (1429) đất nước sạch bóng quân giặc, tháng 2, triều đình lập phép chia ruộng và cho thao diễn quân thuỷ bộ ở 5 đạo, mỗi đạo chia 5 phiên, lấy một phiên làm nhiệm vụ đồn thú bảo vệ kinh sư còn 4 phiên cho về quê quán sinh sống sum họp cùng gia đình. Giai đoạn này Vùng đất Nghĩa Trụ được đổi thành Xuân Cầu và làng Hoa Cầu được đổi thành Huê Cầu.
Ở Nghĩa Trụ, ruộng đất được chia cấp cho các quân giải ngũ trở về lấy từ quỹ đất chung của các hương xã, chủ yếu là ruộng của các quan lại thân vương triều cũ đã bị bỏ hoang hoá và thêm một phần đất mới ở các bãi bồi ven rừng lau sậy.
Nghề canh cửi ở Huê Cầu trở lại thời kỳ phát triển rầm rộ, các bãi hoang ven sông lần lượt được phủ xanh màu dâu lá, xóm thôn ngày đêm rộn rã tiếng quay tơ suốt chỉ, có thêm lực lượng quân binh giải ngũ về làng góp công sức, xóm thôn thêm trù phú. Thương thuyền các nơi nườm nượp kéo về, bến thuyền Huê Cầu mang dáng dấp của một khu chợ sầm uất với người mua kẻ bán tấp nập, các mặt hàng lâm thổ sản và sản vật địa phương được trao đổi phong phú, đa dạng. Lại thêm lệnh trưng thu vải thâm của Huê Cầu từ triều đình sắc xuống làm lễ vật tiến cống sang Trung Quốc, nghề nhuộm thâm ở đây bắt đầu được phát triển theo diện rộng, không còn là sản phẩm độc quyền của một vài dòng họ nữa, cả làng Huê Cầu cùng bắt tay tham gia vào từng công đoạn nhuộm, phơi, sấy để cho ra đời những tấm vải nâu tươi bền.
Chàng đi trấn chốn phương xa
Nhớ chăng dải đất Cầu Huê quê mình
Bến trăng sóng nước lung linh
Tấm nâu thiếp nhuộm tình riêng Huê Cầu.
Ở Đồng Tỉnh, năm Mậu Thìn tức năm 1508 đời vua Lê Uy Mục, với sự góp mặt 635 nhân khẩu của 9 dòng họ lớn, nhờ có giống cây lạ được du nhập vào địa phương theo bước chân đoàn quân 234 người cùng Chàng Lang tướng quân đi đánh nước Hắc La La chiến thắng trở về đem trồng thử trên đất bãi Đồng Tỉnh khi hút có vị đượm, say và thơm hiếm có, rất quyến rũ. Nhờ vào giống thuốc mới, đời sống của dân trong làng thay đổi rõ rệt, sản lượng trồng ra không đủ cung cấp cho khách phương xa đến tìm mua, thuốc lào Đồng Tỉnh theo các thương thuyền toả đi khắp tứ trấn, cây thuốc lào ở Đồng Tỉnh trở thành đặc sản địa phương.
Đáp ứng lại nhu cầu của khách ngày một tăng cao và đa dạng sở thích, một số gia đình ở Đồng Tỉnh truyền cây giống cho con cháu họ tộc ở các vùng đất khác về trồng, nhưng chất lượng thuốc không thể bằng, kể cả một số làng lân cận như Bảo Vực, Khúc Lộng... cũng trồng thử nhưng thuốc trồng các nơi hút vừa nhạt, cảm giác nóng cháy cổ, vị khét nồng, dân gian gọi thuốc “lõi ngô”. Một số người ở làng Đồng Tỉnh thử đem đấu (trộn) hai loại thuốc với nhau để hút theo một tỷ lệ nhất định, thấy hương vị tuy giảm đi đôi chút, nhưng độ nồng say lại tăng thêm. Nhờ những phát kiến này mà dân Đồng Tỉnh có thể chế ra nhiều loại thuốc đa dạng, phù hợp với sở thích của từng lớp người.
Người dân Đồng Tỉnh khi bán thuốc lào cho khách thường dùng các thể thơ, vè để kể về truyền thống chế thuốc của làng mình.
Dân ta lấy thuốc lào làm Quốc tuý
Chẳng thú vị gì bằng thú vị yên vân
Từ người quan cho đến người dân
Ai mà chẳng làm bạn thân với điếu
Từ người thừa cho đến người thiếu
Khi ra đường phi điếu bất thành sang
Chốn công đường vịn xe trúc nghênh ngang
Hút (một) mồi thuốc óc nhà quan thêm sáng suốt
Nhà thi sĩ muốn gọt câu thơ cho trải chuốt
Cũng cần dùng điếu thuốc gọi hồn thơ
Và những khi óc mỏi mắt mờ
Hút một mồi thuốc óc ta tỉnh tớm
Dân thuyền thợ thức khuya dậy sớm
Cũng cần dùng điếu thuốc để làm khuây
Khi nghỉ mát ngồi tựa gốc cây
Hút một điếu cũng say ngây, say ngất
Rồi ngả lưng trên đám cỏ tươi xanh ngắt
Dễ thiu thiu làm một giấc êm đềm
Bọn nhà binh canh gác thâu đêm
Cũng nhờ thuốc khỏi lim dim ngủ gật.
Chốn phòng khách anh em hội kiến
Có thuốc lào câu chuyện mới thêm duyên
Lòng ta tư lự không yên
Hút một điếu cũng giải phiền đôi chút
Nghe tiếng điếu kêu nhìn khói bay nghi ngút
Nỗi lo phiền theo khói thăng thiên
Cái điếu cùng với ta là bạn chí hiền
Từ thượng cổ đã se duyên gắn chặt
Nhưng...
Cũng có kẻ muốn dứt tình khăng khít
Vùi điếu đi cho bớt nỗi đa mang
Nhưng nỗi nhớ nhung day dứt tấm gan vàng
Đem điếu lại đa mang tận tuỵ
Thế mới biết thuốc lào là quốc tuý
Thật là lời chí lí chẳng ngoa
Thuốc lào ta hút điếu ta
Điếu ta thọ với san hà muôn năm...
Năm 1585, triều đình nhà Mạc nhân cơ hội miền Đông đạo và Bắc đạo mất mùa do hạn hán kéo dài, nhân dân đói kém, thóc lúa lương thực tích luỹ không đủ tiêu dùng, Mậu Hợp quyết định chuyển về định đô trong thành Thăng Long. Sau một năm dài chuẩn bị cho quân lính di chuyển gỗ lạt, gạch ngói tu sửa lại kinh thành, Mạc Mậu Hợp quyết định lấy năm Bính Tuất (1586) làm năm Đoan Khánh thứ nhất, và gấp rút tổ chức lại hệ thống khoa cử lựa chọn nhân tài. Nguyễn Hằng làng Huê Cầu ứng thí và đỗ khoa này, được nhà Mạc trọng dụng vời ra làm quan. Giai đoạn này xã hội Đại Việt bị nhiều thế lực phong kiến cát cứ, chia sẻ quyền lực. Song song tồn tại cùng triều đình nhà Lê đóng tại đất Thanh, Nghệ, có phủ chúa Trịnh Tùng. Triều đình nhà Mạc do Mậu Hợp trị vì cai quản 4 xứ Tây, Bắc, Đông, Nam đạo, dân 4 trấn thuộc đều theo về nhà Mạc.
Cuộc chiến quyền lực giữa phủ chúa Trịnh và triều đình nhà Mạc thường xuyên xảy ra, nội bộ triều đình nhà Mạc Mậu Hợp nảy sinh nhiều mâu thuãn, chủ yếu do chuyện vua, tôi tranh đoạt nhau tì thiếp, dẫn đến lục đục nội bộ, lòng quân oán hận sinh phản trắc. Quân Trịnh dò biết được thời cơ đó, từ Thanh, Nghệ liên tiếp kéo ra tiến đánh khiến quân Mạc liên tục phải rút chạy, năm 1592 vua Mạc Mậu Hợp núng thế phải trao binh quyền lại cho con rồi vượt sông Nhị Hà trốn sang Kinh Bắc, sau bị quân Trịnh bắt và đem chém.
Nguyễn Hằng kể từ khi ra làm quan trong triều đình nhà Mạc, liên tục phải di chuyển phò tá theo vua rong ruổi hết Lạng Sơn lại Cao Bằng, rồi đến đất Chí Linh, Nam Sách, Kim Thành, Hải Dương.
Năm 1593, Trịnh Tùng dẫn quân đến Cẩm Giàng chia làm hai mũi ồ ạt tấn công quân nhà Mạc. Quân của Mạc Kính Chỉ khi ấy tuy đông đến 7 vạn người nhưng là quân ô hợp, chưa được luyện tập, khi lâm trận lớ ngớ chỉ tìm đường bỏ chạy, khiến quân Trịnh chưa đánh tới đã tan tác hết cả. Mạc Kính Chỉ cùng triều thần phải lui binh về thôn Tân Manh huyện Hoành Bồ, xứ Yên Quảng đóng quân cố thủ, nhưng quân Trịnh đang đà thắng và quyết tâm tiễu trừ hết dư đảng nhà Mạc của Trịnh Tùng đã thành quân lệnh, thúc giục các cánh quân nhanh chóng vây chặt và quyết bắt được toàn bộ vua cùng triều thần nhà Mạc về kinh xét tội. Mạc Kính Điển không còn con đường nào khác đành chịu trói và bị giải về kinh cùng toàn bộ các triều thần nhà Mạc trong đó có Đô cấp sự trung Hoàng Kỳ, Nguyễn Tuấn Ngạn, Nguyễn Hằng vị tiến sĩ của làng Huê Cầu có công đóng góp nhiều tài trí phụng sự triều đình Mạc.
Khi Nguyễn Hằng còn đương chức trong triều đình nhà Mạc, ông thường dốc sức chăm lo cho con cái hướng theo sự nghiệp học hành khoa cử, khi thất thế chốn quan trường, ông lại gửi gắm giấc mơ tận trí giúp đời, tận trung báo quốc của mình còn dang dở bằng việc mời thầy về tư gia rèn cặp cho các con. Các con ông đều có chí nối nghiệp cha, dùi mài kinh sử, thi phú chờ thời ra ứng thí.
Khi triều đình nhà Lê và phủ chúa Trịnh có những thay đổi tích cực trong chính sách đối xử với con cháu các quan đại thần triều Mạc cũ, Nguyễn Tính là con út của Nguyễn Hằng mới ra ứng thí khoa Canh Thìn (1640), đỗ tiến sĩ (đời vua Lê Thần tông tức thái tử Duy Kỳ, và chúa Minh đô vương Trịnh Tráng), Trịnh Tráng từ nhỏ có lòng yêu văn chương, ham học hỏi và đặc biệt rất trọng nhân tài, khi gặp Nguyễn Tính là người minh kinh bác sử, đã đã đem lòng kính trọng yêu mến tài học, liền cho giữ chức quan bồi tụng ở phủ chúa Trịnh, rồi thăng dần đến Lễ bộ Hữu thị lang. Sau khi đi sứ phương Bắc về được thăng lên Nghĩa quận công.
Nguyễn Tính làm quan to trong triều nhưng vẫn không quên cội rễ, thương dân làng phải trải qua nhiều biến cố đời sống lầm than cơ cực, chịu nhiều thiệt thòi, cả vật dụng sinh sống hàng ngày cho đến nơi gửi gắm tâm linh. Để cải thiện đời sống tinh thần cho những người dân làng ông, ngầm giáo dục truyền thống ghi nhớ công ơn tiên tổ, ông đã khéo vận động mọi người trong làng cùng hợp sức dựng đình chung, lấy đó làm nơi sinh hoạt, gửi gắm tâm linh và làm nơi cúng tế chung cho dân làng. Ngôi đình làng Huê Cầu được sửa sang tôn tạo mới đến hai lần đều nhờ công ông đóng góp của cải và công sức.
Khi ông mất, dân làng nhớ công ơn của ông, xin thờ ông làm thành hoàng làng và thờ trong ngôi đình đó, được triều đình chấp nhận và ban tặng sắc phong “Dực Bảo Trung Lương Linh phù chi thần”.
Ngoài hai cha con Nguyễn Hằng, Nguyễn Tính làng Hoa Cầu có tới nhiều người thành danh trong đường khoa cử như các vị:
- Đồng tiến sĩ Nguyễn Hành, đỗ khoa Mậu Thìn (1688) làm quan tới chức Thượng thư, tước Dương Trạch Bá.
- Đồng tiến sĩ Quản Danh Dương, đỗ khoa Canh Dần (1710), làm quan tới chức Thị lang, tước Hoa phái hầu.
- Đồng tiến sĩ Nguyễn Quốc Dực, đỗ khoa Mậu Tuất (1718), làm quan tới chức phó Đô ngự sử.
- Cử nhân Nguyễn Nhã Trực, đỗ khoa Bính Ngọ (1726), làm quan tri huyện Yên Dũng.
- Đồng tiến sĩ Quản Dĩnh, đỗ khoa Đinh Mùi làm quan tới chức Đại học sĩ.
- Chánh tiến sĩ Quản Đình Du, đỗ khoa Tân Hợi (1731) làm quan đến chức Hàn lâm thị chế.
- Cử nhân Nguyễn Viết Thục, đỗ khoa Mậu Ngọ (1735).
- Cử nhân Nguyễn Giản Kính đỗ khoa Quý Mão (1747) làm quan tri huyện Thanh Châu (Phú Thọ).
- Đồng tiến sĩ Nguyễn Gia Cát, đỗ khoa Đinh Mùi (1787).
Trải suốt thời gian tính từ triều đại Lê sơ, Lê Trung hưng, Hậu Lê, vận nước thịnh cường, khang thái. Ở hai làng Đồng Tỉnh – Huê Cầu đời sống dân cư no ấm nhờ nguồn phù sa màu mỡ từ dòng sông Nghĩa Trụ theo thời gian luân chuyển đắp bồi, tạo nên những cánh đồng lúa màu tươi tốt, lại thêm tính kiệm cần chăm chỉ làm lụng bán buôn khuya sớm của người dân nơi đây đã giúp vùng đất Nghĩa Trụ mang dáng dấp của một thị tứ xứ Bắc. Với hàng loạt công trình phục vụ nhu cầu cải thiện đời sống tâm linh dân trong vùng được tôn tạo, xây mới, mang dáng dấp của một quần thể kiến trúc tâm linh.
Làng Đồng Tỉnh
Ngôi đình làng Đồng Tỉnh được khởi công xây dựng trên nền cung phủ cũ của Trần Tự Khánh, khi ông đóng quân doanh tại đây. Ngôi đình do cháu nội của Trần Trí là Trần Thân đứng ra chiêu mộ các tốp phu, thợ giỏi xây dựng, chạm khắc từ Sơn Nam Hạ về, tiền đình hướng về Đông, nơi dòng sông Nghĩa Trụ cuồn cuộn chảy. Thế đất này gọi thần long ấp noãn, là chốn cát địa, Thời lê thái tổ dụng binh, bên thành Điêu Diêu quân sư của Giang Hạo vẫn thường vượt sông sang đàm đạo cùng cha con Trần Đạo, Trần Trí. Nhân lần Trần Trí cùng cánh quân của Lê Hưng Quốc vây thành Điêu Diêu quyết đánh, vị quân sư này liền vận động Giang Hạo mở cửa thành ra hàng để tránh cho quân sĩ hai bên phải đổ thêm máu oan uổng. Ra hàng được Trần Đạo nể tình nghĩa xưa ra lệnh cho dân trong ấp đối đãi rất hậu với chủ tướng Giang Hạo cùng vị quân sư. Để trả ơn, trước ngày về nước, vị quân sư đã bí mật tìm và chỉ vẽ ra cho Trần Đạo chỗ huyệt đất tốt, tuy không giúp gia đình ông phát đế vương nhưng cũng giúp được dân trong ấp nhiều đời thịnh vượng, no ấm. Trần Đạo một phần do tuổi tác, một phần do hoàn cảnh binh biến chưa thể thực hiện, đành mật truyền lại cho con cháu, tính đến đời Trần Thân là được 4 đời, mới thực hiện được. Khi dựng đình, ông chủ ý cho mặt tiền quay hướng dòng sông, lưng tựa rừng lau sậy, lấy đó làm điểm tựa chính nuôi dưỡng thần mạch chủ (long thần) của làng. Liền ngay trước đình là hệ thống đầm nước liên hoàn xưa là nơi thao diễn, luyện tập thuỷ, bộ binh của Lại Linh. Trong đình phối thờ Phật, Mẫu theo nghi đúng mẫu đình thời Trần, cách bên kia đầm nước, về phía đông bắc của đình là điếm tuần đê của làng.
Năm Ất Mão, Hồng Phúc (1495) thứ nhất, khoảng vài ngày đầu tháng 3, dân trong làng Đồng Tỉnh nháo nhác với sự xuất hiện của vòi rồng trong đêm đến hút nước tại đầm ao trước cửa đình, vòi rồng cuốn theo một số gạch đá, cá tép, và cả những mảng thịt còn ròng ròng máu rơi xuống trước cửa điếm, tình trạng hoang mang, nơm nớp lo sự ôn dịch ập đến khiến mọi nhà trong làng lũ lượt đi mời bằng được thầy cúng về trừ tai hoạ, nhiều người trong làng đều đổ lỗi cho ngôi đình mới dựng vào nơi đất phạm, riêng một số hào phú, chức dịch làng muốn nhân cơ hội dậu đổ bìm leo, tung tin bịa đặt vu khống cho gia đình Trần Thân chôn bùa chú trù ếm dân làng, nhà nhà hợp nhau đòi đi báo quan. Chỉ đến khi nhà sư trụ trì ngôi chùa ven sông gặp nhà chức trách thì thầm chuyện đêm hôm trước mơ thấy thần nhân báo mộng có hổ tướng sắp về làng mọi chuyện mới được thu xếp ổn thoả, ngôi đình lại được quét dọn và mở rộng cửa chờ đón điềm lành sẽ đến.
Giờ Tí ngày 14 tháng 3 khi mọi nhà đang yên trong giấc ngủ, trời đêm vần vũ từng đám mây hồng. Ánh trăng khuya vằng vặc toả xuống khu đầm như dát vàng, dát bạc trước cửa đình, đám hương binh đi tuần đêm cũng vừa về tới tiền sảnh, đang kháo nhau những chuyện ma quái, rùng rợn xảy ra ở các nơi, như chuyện mưa huyết ở vùng thượng lưu, rồi các chuyện thâm cung bí sử của chốn quan trường v.v... Bỗng nhiên tất cả như bị sét đánh, chết sững người trong giây lát khi một dải chớp sáng loà màu vàng rực rỡ, từ phía dòng sông lao thẳng vào phía điếm tuần như một vì sao sa. Tất cả đám tuần đinh bấy giờ đều hốt hoảng, không còn tin nổi vào bản thân mình nữa, họ cho rằng họ đang trong giấc mơ, vẻ tráng lệ của hiện tượng vừa diễn ra và họ vô tình được chứng kiến khiến họ xúc động thật sự, một vài người không nén nổi bật khóc rưng rức như bị ma ám khiến mọi người trong đình phải rủ nhau lén bỏ ngang phiên gác trốn về đóng kín cửa nằm nhà.
Sáng hôm sau sắc vàng của đám mây đêm trước còn tụ trên nóc điếm chưa tan hết, nhuộm sẫm một vùng sương, các vị thân hào chức dịch trong làng cho là điềm lạ sai gọi đám tuần binh đêm hôm trước đến tra hỏi cặn kẽ. Bán tín, bán nghi, đành bắt đám tuần binh vượt đầm sang dò xét phía điếm canh. Khi đám người này trở về thưa lại trong điếm chẳng có gì khác lạ, ngoài người ăn mày đang nằm ngủ ở đó cùng đứa trẻ mới sinh. Mọi người mới vỡ lẽ, lại nhớ lời dặn dò của sư ông khi trước, đám hào phú trong làng, dẫn đầu là Phan Định, rồi đến đoàn của Lê Thông nối nhau lên thuyền bơi sang sông, thấy tình cảnh hai mẹ người ăn mày như vậy, liền cho người dựng nhà cỏ ở ven sông, ngay cạnh điếm và đưa hai mẹ con họ sang trú ngụ bên đó, lại cấp tiền ăn và cho người thay nhau sang chăm sóc giúp đỡ hai mẹ con những ngày còn trứng nước kiêng khem.
Đến khi đứa trẻ tròn 13 tuổi, vào một ngày tháng 8, vua Lê Uy Mục thả thuyền du ngoạn thăm thú các vùng dân cư quanh kinh thành, tháp tùng chuyến vi hành có hai vị ấu tướng là Thừa Nghiệp và Tử Mô khi ấy mới chừng 15, 16 tuổi được vua yêu chiều hết mức, luôn giữ bên cạnh mình. Thuyền rồng xuôi qua địa phận làng Bát đến Nghĩa Trụ rồi đến địa giới làng Hoa Cầu, Đồng Tỉnh thấy đời sống dân cư hai làng khá sung túc, làng xóm đông đúc, trù mật, liền hạ lệnh neo thuyền lên bộ thưởng ngoạn cảnh đồng quê. Đoàn hộ tống của vua vừa vượt qua triền dốc nhô lên mặt đê, gặp ngay đám trẻ chăn trâu của làng Đồng Tỉnh đang mải chơi đánh trận giả, gươm kiếm là những cành tre, cành trúc bẻ ven đê. Thấy đám người lạ, ăn mặc sang trọng gươm giáo sáng loà, lại có phèng la khua ầm ĩ xuất hiện bất ngờ, lũ trẻ sợ hãi bỏ chạy tán loạn, duy chỉ có thằng bé, mặt mũi lộ dị tướng vẫn đường hoàng đứng lại, gườm mắt ngó đám người lạ vừa thâm nhập vào lãnh địa của nó. Vua mới nhìn đã thấy cảm tình bèn quay qua đám hộ vệ sai triệu vào hỏi chuyện. Thấy đứa bé đối đáp lưu loát, vua liền cho hạ trại lập đồn ở đó rồi dẫn quân vào thẳng trong làng cho tập hợp dân chúng đến hỏi cho rõ đầu đuôi. Đám hào phú trong làng cử Lê Thông, Phan Định vào yết kiến và tâu rõ sự tình. Vua liền truyền lệnh triệu ngài vào đặt tên cho là Hương Chàng lang công. Dự định chờ dịp thử tài sẽ phong tước trọng.
Sau đó ít lâu, khoảng đầu tháng 10, có nạn giặc Hắc La La quấy nhiễu biên giới, vua cùng đoàn hộ giá cho vời ngài đi trận, ngài lấy cớ còn mẹ già nên không đi, vua không nghe, lệnh truyền phong cho ngài làm tiên phong tấn đại tướng quân, dẫn hơn 234 người cùng làng theo quân phá giặc, vua lại thưởng voi chiến cho ngài dẫn đầu đoàn quân. Trận này ngài lập được công lớn giữ yên bờ cõi.
Chiến thắng trở về, vua cho quân về Đồng Tỉnh mở tiệc ăn mừng, vua quan cùng nhau xướng hoạ đối ẩm, đến quá trưa, phần vì đường xá xa xôi vất vả, phần vì còn trẻ tuổi lại uống quá nhiều ban thưởng chúc tụng, ngài say đi nằm trong cung và hoá tại đó.
Vua thương xót sắc lệnh cho dân trong làng tu sửa cung sở làm lăng miếu thờ ngài tại đó, lại ban cho 500 quan tiền làm hương hoả tế tự hai mùa xuân thu, cho nơi đây làm ấp thang mộc, miễn binh lương sưu dịch. Bao phong mĩ tự cho ngài là Thượng đẳng phúc thần, phong là Tiền phong mộ tấu Trung quân, tặng Nguyên soái Đại tướng quân, hoàn liệt, đoan túc, Hương Chàng lang Thượng đẳng phúc thần.
Dân làng Đồng Tỉnh nhớ ơn ngài đã vinh danh và đem nghề trồng thuốc lào về cho bản thôn, nhân dịp đó đã góp công, của tu sửa lại ngôi đình làm nơi dân làng chung thờ ngài, để tưởng nhớ vùng đất quê cha, đất tổ của ngài, dân làng đã tâu xin triều đình được chở những tấm đá xanh do thợ mạn Thanh Hoá chế tác đem về làm bậc tam cấp trước cửa đình.
Chùa làng Đồng Tỉnh xây dựng từ thời Trần, được tu bổ lại trong giai đoạn này nhờ sự việc khi mẹ con vị thần hoàng làng phiêu dạt đến đất Đồng Tỉnh, nhà sư trụ trì có công báo cho dân làng biết việc ngài ứng mộng xuất hiện, dân làng nhớ ơn xin phép nhà chùa cho đúc chuông và sửa sang lại cho ngôi chùa thêm khang trang, ruộng chùa từ đấy thường xuyên được mọi người trong làng chăm sóc, hiến tặng và cầy cấy lấy tiền phục vụ hương hoả thờ phật mẫu.
Đền thờ sinh, hoá được xây dựng song song cùng công việc sửa sang tu bổ đình và dựng lăng miếu thờ. Đền thờ nơi vị thần hoàng làng Đồng Tỉnh sinh là chỗ điếm canh đê cũ được xây dựng đền thờ ngay trước của đình khang trang, to đẹp, tục gọi đền sinh, là nơi trú chân dành cho những khách cơ nhỡ độ đường, ở đây có lệ bất kỳ người khách nào đã trú đêm tại đây đều được các ông từ mở rộng cửa đền đón tiếp và đối đãi nồng hậu như người trong làng.
Đền thờ hoá, được xây nơi ngài hoá trên nền cung cũ sau chùa, trước đền là một giếng đất, có mạch ngầm thông ra sông Nghĩa Trụ, điều đặc biệt là nước trong giếng không bao giờ cạn, kể cả vào những dịp khô hạn, giếng này xuất hiện cùng thời điểm ngài hoá, do hiện tượng lún sụt ngầm của dải cát trôi bên sông mà thành, tục gọi giếng sen. Tại nơi này hàng năm vào ngày 25 tháng 10 Âm lịch, dân làng làm lễ dâng nhang tưởng niệm và tập trung cúng giỗ, linh vị của ngài cùng các sắc phong đều cũng được lưu giữ trong đền.
Quán xá và giếng xá
Nằm trong quần thể kiến trúc chung của hệ thống đền, đình xây dựng cùng thời điểm, theo phong thuỷ ở vị trí trung tâm giữa đền hoá và đền sinh. Nơi khi trước gặp ngài (thần Hoàng), vua đã cho hạ kiệu dừng chân và vời dân làng đến hỏi thăm sự tình về ngài, điều trùng lặp là khi mẹ ngài từ Thanh Hoá trở về, cũng ngồi nghỉ tại nơi đây sau một chặng hành trình mỏi mệt và nhận được tin ngài đã mất, bà vật vã khóc than thương tiếc rồi ngay đêm đó bà đã nhảy xuống giếng Xá tuẫn tiết, bên đền này cũng có một cái giếng kè đá tục gọi giếng Bà Cua, dân làng sau khi tu bổ đổi tên gọi là đền Bà Cua, lấy nơi đó làm chỗ thờ bà. Mộ bà được táng ở gò đất nổi giữa đầm nước, phía sau đền thờ ngài tục gọi mả Mẫu. Đền thờ Bà Cua từ đó được dân làng lấy làm nơi đón tiếp thi thể những người làng khi chết ở xứ ngoài đưa trả về bản quán.
Đình làng Hoa Cầu...
Chùa làng Hoa Cầu...
Suốt thời gian dài của triều đại nhà Lê trị vì, hai làng Đồng tỉnh và Hoa Cầu vẫn song hành tồn tại và phát triển trong dòng chảy chung của xã hội Đại Việt, trải qua nhiều lần thay đổi địa ranh, địa giới, tên gọi đơn vị làng từ ấp, đến hương, xã, trang, sách theo mỗi giai đoạn điều chỉnh trên văn bản hành chính của mỗi triều đại, nhưng tên gọi Đồng Tỉnh, Hoa Cầu từ ngày khởi lập đến hết giai đoạn này vẫn giữ nguyên, không có sự thay đổi gì và tên gọi mọi người vẫn quen gọi một cách thân thiết mỗi khi đi xa hay có dịp kể chuyện về quê hương bản quán của mình là làng Đồng tỉnh và làng Hoa Cầu.
0 nhận xét:
Post a Comment