Làng Đồng Tỉnh - Làng Xuân Cầu (2.2) LẠI LINH VÀ CÔNG CUỘC TÁI THIẾT KHU CĂN CỨ NGHĨA TRỤ

Monday, March 18, 2013

Chương II - LÀNG ĐỒNG TỈNH – LÀNG XUÂN CẦU QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ



Xin nhấp chuột vào mục cần đọc để xem chi tiết


2. LẠI LINH VÀ CÔNG CUỘC TÁI THIẾT KHU CĂN CỨ NGHĨA TRỤ

Lại Linh được giao đảm trách việc khôi phục và tái thiết căn cứ Nghĩa Trụ, việc đầu tiên là chiêu mộ dân lưu tán từ các vùng đất lân bang, nhưng công việc này thật phức tạp và khó khăn gấp bội lần như ông hằng nghĩ. Dân Nghĩa Trụ xưa chủ yếu sống bằng nghề chài lưới và cuộc sống bám vào các cửa sông lớn theo mùa nước, đất đai trồng cấy chỉ được một vụ mà còn bấp bênh như đánh bạc với trời bởi nạn lụt lội vào mùa mưa bão, nước từ thượng nguồn sông cái đổ về, dâng cao vượt mặt đê, cả lộ Tế Giang thành đầm chứa nước mênh mông. Dân cư sống nhờ nghề nông chỉ chiếm một phần nhỏ, độ đôi mươi nóc nhà nơi những gò cao khả dĩ tránh được nạn lụt lội vào mùa nước lũ. Khi Trần Tự Khánh chọn nơi đây làm căn cứ quân sự, khai hoá mở rộng đất đai, mộ dân lập ấp, trước kia dân cư sinh sống ở đây chủ yếu là gia quyến của đám binh lính dưới trướng, dân từ các lộ lân cận đổ về làm ăn buôn bán thông thương khá nhộn nhịp, sau khi Đoàn Thượng hợp binh cùng triều đình đánh lén, Trần Tự Khánh phải bỏ Tế Giang về Quốc Oai lập căn cứ, vùng đất Nghĩa Trụ bị quân của Đoàn Thượng tàn phá nặng nề, sự tàn sát trả thù của người lộ Hồng khiến cho vùng đất trù mật Nghĩa Trụ trở thành vùng đất chết, dân Nghĩa Trụ lâm vào thảm trạng bi ai, li tán kẻ sống sót phải tha phương cầu thực đi kiếm ăn các nơi.

Trước tình trạng như vậy, việc tổ chức củng cố lại cơ cấu hành chính và công tác mộ dân lập ấp, khai hoang phục hoá, và trị thuỷ là công việc thiết yếu, được Lại Linh hết sức chú trọng. Ông chủ trương dồn sức cho công việc khơi thông, nạo vét dòng chảy sông Nghĩa Trụ tạo điều kiện thoát nước tiêu úng nhanh cho các vùng đất vừa được khai phá có thể đi vào trồng cấy, cho phép dân tứ xứ kéo đến ngụ cư và kêu gọi dân bản địa trở về làm ăn sinh sống bằng cách xuất 3 tháng lương thực trong kho quân lương giúp đỡ mỗi hộ dân cư mới đến lập nghiệp ổn định cuộc sống. Bản thân ông cũng mang toàn bộ gia quyến về ra sức cùng dân binh khai hoang khẩn hoá lập thành những điền trang. Căn cứ vào địa giới trước kia, ông tổ chức lại bộ máy hành chính trên đất Nghĩa Trụ thành trại ấp, Hoa Cầu và Đồng Tỉnh, Bảo Vực...

Đất Hoa Cầu là nơi đóng quân doanh của thuỷ quân với các xưởng quân đóng mới và sửa chữa thuyền bè, cung cấp cho nội phủ và các cánh quân đang chinh chiến, đồn trại trên các vùng đất khác. Đồng thời Hoa Cầu cũng có thể được coi như một trường huấn luyện quân thuỷ đặc biệt với địa hình khá nhiều kênh rạch tự nhiên phù hợp cho công việc huấn luyện và cung cấp cho toàn quân những toán quân thuỷ tinh nhuệ được chọn lọc, chiến đấu thuần thục trên các địa bàn đồng bằng và đầm lầy ở các lưu vực sông.

Đất Đồng Tỉnh có địa thế bằng phẳng, tương đối cao với các gò bãi được coi là trung tâm của căn cứ Nghĩa Trụ, trong con mắt của nhà tổ chức, Lại Linh chọn làm nơi đóng trị sở, hành cung với các trại quân doanh san sát, đây là nơi tập kết và huấn luyện quân bản bộ rất ưu việt.


Trên đất Đồng Tỉnh, có nhiều đầm nước tự nhiên, tất cả đều rất sâu và có mạch ngầm thông ra sông nhánh Nghĩa Trụ, nên nước trong đầm không bao giờ cạn, và là môi sinh thuận lợi cho các loại cá tôm nước ngọt phát triển quanh năm.

Dân cư lưu trú quanh các đầm nước này khá đông đúc, họ đời sống phát triển theo phương thức săn bắt tôm cá trên đầm và trồng cấy trên các dải ruộng cao, khi các cánh quân của triều đình tiến từ kinh sư hội thuỷ binh trên đoạn Thiên Mạc rồi chia hai mũi tiến quân, một nhánh qua cửa Xuân Quan xuôi về, một cánh qua cửa Đông đất Siêu Loại hợp binh cùng cánh quân của Đoàn Thượng từ vùng Hồng ngược theo sông Khoái tràn về cướp phá, triệt hạ, những người dân sống ở đây nhờ thông thổ địa hình và nhờ vào các lạch nước dày đặc giữa rừng lau sậy um tùm mà lánh lấp, thoát nạn. Khi quân triều đình kéo đi, họ lại trở về sinh sống, gây dựng lại điền trang gia sản.

Để đưa dân binh dần ổn định cuộc sống, Lại Linh chia các thuộc hạ thân tín đi cai quản, khai phá thêm các vùng đất mới, mở rộng lãnh địa về hướng Tây – Tây nam của căn cứ, đồng thời ra các lệ mới trong toàn quân như không được cướp phá hoặc khai thác tranh chấp xâm hại các sản vật của dân bản xứ, không được cướp đoạt những vùng đất đai đã có chủ sở hữu, mỗi hộ dân binh khi có thêm xuất đinh đều được hưởng thêm những phần ruộng đất ưu đãi, được cấp lương ăn cho bà mẹ… v.v. nhờ vậy dân lưu tán các nơi nườm nượp kéo về lập nghiệp sinh sống, sản xuất phát triển, thóc lúa tích trữ đầy các kho đụn, quân số nhờ vậy tăng trưởng không ngừng. Trên vùng đất Đồng Tỉnh trước kia chỉ có vài mươi nóc nhà dân, với dăm dòng họ chính như Tô, Trần, Phan, Lê… nay nhờ chính sách mới của Lại Linh mà tăng thêm rất nhiều.

Lại Linh có vóc người nhỏ nhắn, linh hoạt, theo Trần Tự Khánh từ những ngày họ Trần mới dấy binh, gia đình vốn thạo nghề đánh bắt cá và canh tác nông nghiệp ở xứ Nghĩa Trụ, ngay thuở nhỏ đã thạo thông sông nước, thường cùng cha lênh đênh trên các cửa sông lớn, làm nghề hạ bạc, sau lớn lên cầm đầu một số dân phiêu tán tụ tập nhau đi đánh cướp của cải các nhà giàu có trong các xứ lân bang. Sau đôi lần chạm trán cùng cánh quân của Trần Tự Khánh trên sông Thiên Mạc, đã tình nguyện đem quân phò tá và được Tự Khánh thu phục trọng đãi, trở thành một cánh tay đắc lực của Tự Khánh, trong công cuộc khai khẩn và xây đắp khu căn cứ Nghĩa Trụ của Trần Tự Khánh và gia tộc Trần hương Tức Mặc, ông là người có công lớn trong việc thuyết phục, phân tích và gợi ra được vai trò của vị trí chiến lược tối quan trọng trên vùng đất Nghĩa Trụ với Tế Giang và với kinh thành.



 ❧ ❀ ❧

3. ĐỒNG TỈNH - HOA CẦU VÀ CÔNG CUỘC KHAI ĐIỀN TẠO THỔ CỦA LẠI LINH

Giữa vùng lau sậy um tùm, vùng đất Nghĩa Trụ nổi lên như một con mãnh xà đang vươn mình quay đầu theo vòng cung Đông bắc; Tây nam, trung tâm của doi đất hình đầu mãnh xà này là ấp Đồng Tỉnh, nơi có những đầm nước nổi tiếng nhiều cua cá và không bao giờ cạn, được Lại Linh chọn đóng làm trung tâm lị sở và phát triển các trại quân doanh theo 3 hướng đều nhau trong sơ đồ chữ tỉnh (#), (tên gọi Cửu Tỉnh bắt đầu có từ đây), và vị trí lị sở, cùng hành cung của Lại Linh đặt tại khoảng trung tâm giữa hai doanh trại quân doanh thuỷ bộ, phát triển theo hướng Đông bắc là thuỷ trại Hoa Cầu, xuôi dòng sông Nghĩa Trụ xuống mạn Tây nam là khu vực huấn luyện quân bản bộ Bảo Vực, hướng Tây là rừng lau lách với các lạch chảy tự nhiên hình thành nên những thửa ruộng mà mỡ sau mùa nước lũ.

Ấp Cửu Tỉnh với nhiều dòng họ được chia quản lý theo các khoảnh ruộng thành từng đơn vị nhỏ tương đương các xóm ấp như, Hổ, Xá, Đình, các ấp đều có những đội quân dân binh được tập luyện chính quy nhằm tăng khả năng tự vệ và cung cấp nhân mạng cho các chiến trường sau này. Trong kiến trúc cơ sở theo sơ đồ chữ Tỉnh, Lại Linh đặc biệt chú ý chia các địa giới theo các doi đất tự nhiên, phù hợp địa thế và phong thuỷ, rất thuận tiện cho việc phối hợp tác chiến ứng cứu giữa các cánh quân và dân binh, giữa thủy binh và bộ binh, đảm bảo giao thông từ trung tâm tới các quân doanh hết sức cơ động và cơ hội tiếp cận với trung tâm thuận tiện ngang bằng nhau.

Từ điểm cao nhìn xuống đất Cửu Tỉnh, gồm năm xóm ấp toạ trên 5 doi đất tụ lại như hình hài của bầy chiến mã đang phục quỳ chầu vào trung tâm, xét theo mặt phong thuỷ thì những doi đất này ví như những bước tường thành tụ khí tàng phong cho ngôi đất chủ, những đầm nước có mạch ngầm thông với nhau tạo thành nhiều thần long che kín, bảo vệ cho long mạch chủ tụ khí tích thuỷ mỗi ngày thêm vượng phát. Nơi đóng trị sở và hành cung của Lại Linh, trước khi bị quân triều đình và quân Đoàn Thượng triệt hạ, thì đất Cửu Tỉnh vẫn được Trần Tự Khánh chọn làm nơi đặt trị sở điều tiết quân cơ.

Trong quy mô triển khai chiến lược lần này, căn cứ Nghĩa Trụ và trị sở Cửu Tỉnh được Trần Tự Khánh và các bộ tướng nhận định có tầm chiến lược trọng yếu liên quan đến vận thế đại cục, nên việc gìn giữ và xây dựng lâu dài căn cứ này là yếu tố sống còn, bổ trợ tiềm lực quân sự cho công tác phát triển các chiến trường chinh phạt và bành trướng thế lực, căn cứ quân sự này có tiềm năng đối trọng khống chế toàn bộ triều đình. Lần tái thiết này là hành động khẳng định rất rõ quan điểm của Trần Tự Khánh với triều đình, không còn e dè, cả nể, rất quyết đoán và cũng là lời thông báo cáo buộc sự bạc nhược, kém tài của vị vua đương triều Lý Huệ Tông trước trăm quan và thiên hạ.

Căn cứ Nghĩa Trụ với đại quân doanh thuỷ bộ ra sức chiêu tập và huấn luyện quân cơ cho các tướng suý và dân quân binh, thành sức ép lớn với triều đình và đặc biệt với thế lực của bà thái hậu khiến vua tôi nội triều ngày đêm nơm nớp lo sợ, nó như mũi tên tẩm độc chĩa thẳng vào nhân thân các vị thân vương và ngay cả bản thân vị vua đương triều vừa thức giấc trên chiếc giường chính trị đã ruỗng mọt cũng không tránh khỏi cảm giác ám ảnh đe doạ. Lại thêm tin tức cấp báo ở các chiến trường không ngớt bay về báo thảm tin khiến ông vua bạc nhược đành phải lựa chọn phương án trốn khỏi hành cung, rời bỏ kinh sư để tìm nơi nương náu tạm thời ru mình và ru trăm quan trong giấc mộng đầy ảo tưởng rằng một ngày kia, khi các cánh quân hợp lực đồng lòng cùng triều đình và thái hậu thì việc tảo thanh quân của Trần Tự Khánh chỉ là ngày một ngày hai. Những căn cứ quân sự của Trần tộc mọc lên và phát triển bành trướng mỗi ngày một rộng lớn như chiếc mụn bọc lâu ngày trong cơ thể triều đình vốn dĩ đã kiệt quệ không còn sức đề kháng là chiếc nhiệt kế đo nhiệt độ của cái cơ thể bắt đầu chết dần từng phần của triều đình nhà Lý khi ấy.

Căn cứ Nghĩa Trụ phát huy được trọn vẹn tác dụng của nó, tuy góp phần làm lung lay tinh thần của đám quan lại, thân vương huý tử tham sinh. Nhưng với một trận đánh mang tính quyết chiến trên diện rộng của các thế lực sau khi đã hợp tụ được lại như lần hợp binh đánh lén lần trước của quân triều đình và quân của Đoàn Thượng thì căn cứ Nghĩa Trụ vẫn chưa đủ tầm để kháng cự lâu dài. Là vị tướng dày dạn trận mạc, biết rõ thực lực của quân mình tuy mạnh nhưng vẫn chưa đủ đông để đáp ứng cho nhu cầu bảo toàn, cai trị các vùng đất vừa chinh phục được. Một mặt Tự Khánh tiếp tục lệnh cho Lại Linh đốc thúc tiến hành nhanh công cuộc tái thiết mở rộng địa bàn, ổn định dân sinh và lương thực cung cấp cho toàn quân, tạm thời dưỡng binh chờ cơ tung quân đánh những trận lớn. Một mặt ông ra sức điều đình dàn hoà với triều đình, lường tránh mọi khả năng bất lợi nhất có thể xảy ra cho các cánh quân của mình.

Bằng hành động của con mèo già trước con mồi vừa bắt được, không vội vàng nghiến ngấu cắn xé, cứ nhẩn nha tung thả vồ bắt, khiến đối phương rã rượi tinh thần, mất hết phản xạ trốn chạy vì khiếp đảm, hoặc giả có còn chút sức lực để guồng chân trốn chạy giữa cuộc chơi, thì những phản xạ chạy trốn ấy cũng là vô thức, phản ánh lại tình trạng tuyệt vọng đến cùng cực của con mồi.

Để vuốt ve tính tự mãn, tự cao của đối phương, Trần Tự Khánh tự cắt tóc mình và sai người dâng cho nhà vua và tâu rõ ý mình: "Tôi thấy bọn tiểu nhơn ở cạnh vua, chúng che lấp ngăn cản các bậc trung lương, dân tình thì uất ức không biết theo đâu mà chuyển đạt thấu lên trên. Cho nên nhân đó mà (tôi tụ họp) người trong nước khởi binh đánh bọn này, cắt bỏ gốc rể của sự hiểm họa để làm yên lòng dân. Và, đến phận mệnh của vua tôi thì không dám một tí xúc phạm,lại há có cái ý quá ỷ vào việc chăm đánh dẹp đó hay sao! Chẳng ngờ là tôi đã khiến cho xa giá phải lẫn tránh chỗ khác. Tôi tự lượng biết thân tôi. Tội tôi thật đáng muôn chết. Xin bệ hạ hãy tạm nguôi cơn giận mà đưa xa giá trở về kinh sư". Một mặt Trần Tự Khánh lại sai Đàm Kinh Bang đốc xuất trăm quan chuẩn bị pháp giá để đón vua trở về kinh.

Hành động vờn vỡ của Trần Tự Khánh giống như một sợi dây quẳng ra giữa dòng nước xiết để cho vua tôi triều Lý lăn xả vào bám víu. Chỉ bằng một hành động dâng tóc, một câu nói hoà hoãn tỏ ý thần phục tung ra đúng thời điểm, đã bóp vỡ mọi ý chí kháng cự của vua tôi triều đình nhà Lý. Nhà vua muốn theo về, quần thần đều mừng rỡ. Nhưng vẫn là chữ “nhưng” đầy trắc ẩn, rất may hoặc không may cho đám người mệt mỏi bạc nhược mất hết tinh thần sau những chặng đường dài ròng rã hộ giá bên vua, trong đám lếch thếch ấy vẫn còn một cái đầu tương đối sáng suốt, quả cảm đã một mực ngăn cản bẻ gãy mọi ý định của vua bằng những hành động cương quyết – Thái hậu Đàm thị, với uy quyền và thế lực của mình trong hoàn cảnh ngặt nghèo này vẫn có thể dẫn đạo được đám người đang hoang mang mất phương hướng trên cuộc lữ hành vô định.

Ở căn cứ Nghĩa Trụ, Lại Linh tranh thủ cơ hội hoà hoãn tập trung mọi khả năng thiên bẩm của mình cúc cung tận tuỵ hướng đạo quân sĩ một lòng luyện tập, sản xuất khí cụ, lương thực tích trữ. Trong quân doanh lúc nào cũng nhộn nhịp bóng người vào ra thưa bẩm, tiếng quân reo tập trận, ngoài cánh đồng, đầm nước tiếng gõ chèo đuổi cá vang khắp các đầm nước, tiếng dân binh í ới gọi nhau chuẩn bị nông cụ ra đồng, tiếng lưỡi mác phạt lau sậy mở rộng diện tích canh tác ràn rạt tiến sâu dần vào rừng lau sậy. Xóm ấp ngày thêm trù mật, trẻ con nô đùa quanh các trại quân. Một không khí thanh bình hiếm có giữa thời buổi loạn li, báo hiệu vùng đất Cửu Tỉnh và xứ Nghĩa Trụ đang chuyển mình vươn tới sự phát triển đỉnh cao.



0 nhận xét:

Post a Comment