Làng Đồng Tỉnh - Làng Xuân Cầu (2.4) SỰ PHÁ SẢN CỦA CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐỒNG LOẠT CÁC CĂN CỨ QUÂN SỰ

Monday, March 18, 2013

Chương II - LÀNG ĐỒNG TỈNH – LÀNG XUÂN CẦU QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ




4. SỰ PHÁ SẢN CỦA CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐỒNG LOẠT CÁC CĂN CỨ QUÂN SỰ


Song song cùng sự phát triển của Nghĩa Trụ, rất nhiều vùng đất khác được Trần Tự Khánh điều bộ tướng của mình đi khai thác, mở mang phục vụ cho chiến lược phát triển thế lực lâu dài sau này. Việc cử tướng, điều binh dù được ông chọn mặt gửi vàng, đặt lòng tin trọn vẹn nhưng cũng không tránh khỏi những sơ xuất đáng tiếc bởi lòng trung trong mỗi con người đều có hạn, mà lòng tham thì khôn lường, lại thêm sự kích động lôi kéo của vị Thái hậu nhà Lý đã biết đánh đòn phản công trực tiếp vào những yếu điểm tất có của các bộ tướng dưới trướng Trần Tự Khánh trong chiến lược bành trướng thế lực. Rất nhiều tướng quân được cử đi trấn thủ các vùng đất nối nhau làm phản khiến các cánh quân khác không khỏi dao động, công cuộc cát cứ thế lực trên diện rộng của Trần Tự Khánh khi này hầu như bị phá sản hoàn toàn.

Mùa hạ, tháng 4 tướng quân ở Cam Giá (xứ Mía) là Phan Cụ làm phản, Trần Tự Khánh phải dẫn quân đi đánh và bắt được Phan Cụ, đem cầm tù ở Mỹ Lộc, giao lại quyền cho thuộc tướng Đỗ Bị thay thế.

Đỗ Bị lại tiếp tục làm phản, Trần Tự Khánh sai Phan Lân đi bắt, nhưng bị Đỗ Bị đánh thua, cánh quân của Phan Lân bị thiệt hại nặng, có nguy cơ bị Đỗ Bị thôn tính, Trần Tự Khánh sai Lại Linh dẫn cánh quân Nghĩa Trụ đi cứu Phan Lân, cánh quân này đã không giải cứu được Phan Lân, lại bị đánh thua gây thiệt hại lớn cho quân Nghĩa Trụ, Trần Thừa thấy hai vị tướng quân đều thua bèn tự làm tướng dẫn quân đi đánh Đỗ Bị, nhưng đánh không nổi phải rút lui.

Ở Bắc Giang Nguyễn Nộn nhân cơ hội quân của Trần Tự Khánh đang rối ren, vội nổi lên làm phản khiến Trần Tự Khánh phải đích thân xuất quân tham chiến, nhân đó rẽ qua căn cứ Nghĩa Trụ thăm người vợ và cung thất đang xây dựng ở đó.

Giữa khi quân tướng các mặt nối nhau làm phản, Trần Tự Khánh lại được mật báo Nghĩa Tín Vương ở Diêu Đàm thông đồng với Nguyễn Nộn cùng âm mưu tạo phản chống lại thế lực tộc Trần.

Hoang mang dao động trước hiện tượng đồng loạt làm phản của các bộ tướng, khiến bộ óc có tài thao lược Trần Tự Khánh lâm vào tình trạng bất an đến cùng cực, lương thực, tiền của đổ vào để lấp đi khảng trống chi phí cho các cuộc tiễu trừ đám loạn quân đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Các tướng soái trụ cột lần lượt hoặc trốn đi, hoặc bị giết khiến lòng quân thêm rối loạn. Lại thêm quân triều đình và các thế lực khác của thái hậu lại đồng loạt nổi lên ra mặt chống lại quyền lực của Trần tộc trong nội triều khiến cuộc khủng hoảng nội bộ trong toàn quân tộc Trần lại nhăm nhe bùng phát.

Ngôi vị và ngay cả tính mạng của Trần Thị Dung đại diện cho nấc thang dang vọng và quyền lực tối thượng của Trần tộc lúc này cũng bị đe doạ nghiêm trọng bởi đích thân thái hậu Đàm Thị và phe cánh của Thái hậu trong triều. Con bài Lý Huệ Tông được Trần Tự Khánh vuốt ve chăm chút không ngoài mục đích ràng buộc chặt sợi dây trách nhiệm giữa Lý Huệ Tông và Trần Thị, thì nay lại chính con bài này cũng tỏ ra không chắc chắn trước uy lực của Đàm thái hậu, sau nhiều lần nhiều lần tìm cách triệt hạ tận ngọn nguồn gốc rễ của quyền lực tộc Trần trong nội triều.

Biết chắc Lý Huệ Tông còn do dự, chưa dám quyết sách vì sức bao trùm quyền lực của thái hậu đang che phủ cả ngai vàng, Tự Khánh và các thân tộc Trần cần phải tìm ra một đối sách nào để đối phó. Một mặt vừa phải đảm bảo chắc chắn cho sự tồn tại của Trần Thị trong triều, vừa để ve vuốt vị vua đang ngày càng mai một quyền lực, vị thế, vừa đảm bảo kín kẽ không để cho Thái hậu có cơ hội phất cờ động binh vào lúc này, vì đó là điều bất lợi dễ nhìn thấy ngay trong các cánh quân của Trần Tự Khánh và thân tộc. Điều cốt yếu nhất, tạo ra điều kiện thuận lợi cho căn cứ Nghĩa Trụ và toàn vùng đất Tế Giang được an toàn mà phát triển làm hậu cứ bành trướng quyền bính cứu vãn tình thế.

Như đứa trẻ trong trò chơi trêu chọc những trẻ lớn tuổi hơn mình, có sức mạnh hơn mình, nó phải thoả mãn được yêu cầu tự thân của trò chơi đó bắt buộc để bảo vệ an toàn cho mình mà vẫn khiến những kẻ lớn mạnh hơn biết rằng bị trêu chọc mà không cớ gì nổi xung, đánh quật lại được dẫu mười mươi biết rằng mình đang bị xúc phạm, là tiêu điểm của trò chơi do đứa bé kia tạo ra. Trần Tự Khánh phát binh đi cướp vàng bạc và tài vật ở trong phủ đường của các quan. Nhân đó mới đón Nguyễn Vương đi đến hành cung Lị Nhân. Rồi sai Lại Linh đốt cung thất ở kinh đô, gồm có 19 sở. Hành động đốt phá cung thất, cướp bóc tài vật trong trong các dinh phủ của các quan lại đương triều của Trần Tự Khánh vừa là đòn đánh tâm lý răn đe các quan nội triều, vừa nhằm mục đích tăng cường, bổ sung tài lực cho căn cứ Nghĩa Trụ, cái nôi đào tạo quân tinh nhuệ cung cấp cho các chiến trường, lúc này đang lâm vào tình trạng kiệt quệ trầm trọng, đang bị quân triều đình và các thế lực khác dồn vây tứ phía, giữ vững được căn cứ Nghĩa Trụ cũng đồng nghĩa với việc tăng thêm một nút thắt trói buộc, khống chế chặt thêm mối quan hệ vốn đang mỗi ngày thêm rạn nứt giữa ông vua Lý Huệ Tông bạc nhược trước phe cánh Thái hậu với Trần Thị Dung.

Có được thêm tài vật, công cuộc xây dựng căn cứ Nghĩa Trụ lại tiếp tục được đẩy lên tầm cao mới, thành một căn cứ mạnh cả về quân sự lẫn vị thế chính trị, chiến lược, từ đó khống chế và chi phối, giảm đến mức tối đa sự nổi loạn của các phe phái trong quân trướng được cử đi đảm nhiệm trấn thủ các vùng đất lại quay giáo làm phản. Trần Tự Khánh đã chuyển một số gia thuộc về Cửu Tỉnh, một mặt lấy vùng đất này làm chốn dự phòng chiến lược cho gia nhân nếu chính cung bị tấn công bất ngờ, hơn nữa từ lâu Lại Linh là cánh tay đắc lực trong quân doanh của ông, nếu để xảy ra sự tạo phản từ cánh quân này thì thật nguy hiểm, toàn bộ sự nghiệp và mưu đồ chiếm lĩnh đỉnh cao quyền lực của tộc Trần sẽ bị phá sản hoàn toàn. Để đảm bảo chắc chắn Trần Tự Khánh tiếp tục đóng quân ở bến Đại Thông, và đắp lũy ở Nghĩa Trụ.

Phan Lân là một thuộc tướng của Trần Tự Khánh, được Trần Tự Khánh giao cho trấn binh tại Siêu Loại, thấy quân cơ tộc Trần đang lâm vào tình trạng khủng hoảng, lại thêm thế lực của Thái hậu từ lâu có ý mua chuộc, o bế, nên muốn cất binh hưởng ứng theo Nguyễn Nộn. Âm mưu bị tiết lộ, Trần Tự Khánh nhân cơ hội hội quân kiểm tướng tập trận tại châu Đại Thông đã chém chết Phan Lân.

Các tướng giỏi lần lượt bị mua chuộc, phản bội, hoặc bị giết, bị bắt cầm tù, bỏ ngục làm nao lúng tinh thần toàn quân, lại thêm thế lực của Nguyễn Nộn ngày một phát triển, tỏ ra thân thiết với thái hậu qua các mối liên hệ quân sự liên tục triển khai các trận đánh phá cánh quân của các thế lực khác. Mối liên kết chính trị quân sự này khiến quân triều đình được tăng cường thêm sức mạnh, rảnh tay với lộ Bắc Giang mà tập trung bao vây các cánh quân Trần tộc, buộc Trần Tự Khánh phải ra tay trấn áp, công khai đối địch với Nguyễn Nộn, mặc dù khi tiến đánh đạo Bắc Giang, trong tình thế này hết sức bất lợi cho quân Trần Tự Khánh, bởi Bắc Giang có vị trí địa lý, hệ thống đường giao thông thuỷ bộ, lại liền biên giới với Tế Giang, thông thương cùng Nghĩa Trụ, gây chiến với đạo quân này cũng có nghĩa căn cứ quân sự Nghĩa Trụ sẽ phải tăng cường thêm rất nhiều tài lực để có đủ sức phòng vệ, phản kháng với đạo quân Bắc Giang khi chúng ồ ạt tiến công. Nhưng tập trung đánh Nguyễn Nộn, trong tình thế này là là bài học cần phải có của các cánh quân Trần tộc để dạy cho các thế lực khác đang nhăm nhe chờ gió bẻ măng, rình cơ hội liên kết với thái hậu và triều đình để mưu lợi, đó cũng là con bài chiến thuật phòng vệ từ xa ngăn cản sự bành trướng thế lực của Thái hậu và triều đình đến các đạo khác, đồng thời nó cũng ngầm phô trương thanh thế, tăng cường và củng cố lòng quân vững tin vào chiến lược và kế sách của Trần Tự Khánh đã đặt ra khi trước quyết tâm đánh kinh sư.


Tháng 6, Trần Tự Khánh (xuất quân tiến) đánh Nguyễn Nộn ở cung Thánh Nghi, rồi đốt cung ấy.

Đánh Bắc Giang, Trần Tự Khánh đã vô tình đấy con bài Trần Thị Dung vào thế chông chênh, chịu thêm nhiều sức ép mới, ngay cả Huệ Tông khi này cũng ngày một hướng sự nghi ngờ vào đội ngũ quan lại tộc Trần, phế Thị Dung xuống làm ngự nữ. Nguyễn Nộn, sau cú đánh mang tầm chiến thuật của Trần Tự Khánh đã một mực về hùa cùng Thái hậu, ra sức công kích phe phái Trần tộc, cùng gây sức ép khiến vua Lý Huệ Tông phải xuống chiếu dụ tuyên chiến cùng Trần tộc.

Mùa thu, tháng 7, ngày Mậu Thìn nhà vua xuống chiếu đắp lũy từ cửa thành Vạn Xuân đến chợ Cái để ngăn cản Trần Tự Khánh.

Con đường phía tả ngạn sông Nghĩa Trụ đến Siêu Loại và dẫn vào kinh sư giờ đây bị phong bế hoàn toàn bởi ba, bốn cánh quân của ba bốn thế lực. Mạn Tế Giang, lãnh địa của Trần Tự Khánh mỗi ngày càng bị co hẹp lại bởi các trận vây ráp, đánh lẫn nhau giữa các phe phái. Trong nội triều, lá bài chính trị Trần Thị Dung có cơ hồ đổ sụp trước đủ mọi nguy cơ, hiểm hoạ đe doạ từ thế lực Thái hậu, Lý Huệ Tông bị sự lấn lướt của phe phái Nguyễn Nộn, ngày càng hoang mang nghi ngờ Trần Tự Khánh và vai trò Trần tộc trong triều. Đây là sự bất lợi hay thất bại chiến thuật nặng nề nhất mà Trần Tự Khánh và Trần tộc không thể không tính đến. Các căn cứ quân sự mỗi ngày đều bị o ép, bao vây, cô lập. Để cứu vớt tình trạng này, dù trong lòng lửa hận có bốc lên ngùn ngụt, Trần Tự Khánh và thân tộc Trần vẫn phải chọn lấy một giải pháp mang tính quyết định nhanh lấy một phương sách đối phó tạm thời với tình thế.

Tháng 9, Trần Tự Khánh sai Nguyễn Ngạnh đưa Đàm Kinh Bang về kinh sư tâu rõ rằng mình chẳng có ý gì khác. Nhà vua nghe Nguyễn Ngạnh đến lại càng sợ mới sang nhà Doãn Bá ở ngõ Phiên Cầm. Nguyễn Ngạnh đi rồi nhà vua mới trở về cung.
Thất bại ngày càng đến gần, lá bài Lý Huệ Tông có nhiều xu hướng tách xa Trần tộc, sau nhiều lần liên tục, gián tiếp đánh động đến ông vua nhu nhược Lý Huệ Tông mà không có kết quả, lại thêm sự nóng lòng tiếc xót cho cơ hội vươn lên duy nhất của tộc Trần đang ngày đêm bị đe doạ xâm hại, o bức trong hoàng cung bởi bà Thái hậu quá ư khắc nghiệt, Trần Tự Khánh trở lên mất hết bình tĩnh và sự sáng suốt vốn có của mình, liên tiếp phạm lại những sai lầm.

Ngày Đinh Hợi, Trần Tự Khánh dẫn binh xâm phạm cửa khuyết. Nhà vua cùng với Thái hậu may mắn được hội quân để chống giữ. Ngày đó Trần Tự Khánh thả quân sĩ đi cướp lấy các tài vật trong phủ của nhà vua. Rồi lại đốt phá gần hết cung thất và nhà dân ở trong kinh thành.

Ngày Kỷ Tỵ, nhà vua cùng với Thái hậu trở về kinh sư thấy cung thất bị thiêu hủy hư hỏng hết cả mới trọ lại ở đền Chúa Thánh bên cạnh cầu Thái Hòa. Nhà vua sai dựng ngôi nhà tranh để ở.

Trước tình trạng cướp phá, gây sức ép ngày càng thái quá của Trần Tự Khánh, năm Ất Hợi là năm Kiến gia thứ 5 (năm 1215) vua Lý càng dốc lòng đề phòng. Dù Trần Thị Dung ngày đêm tìm mọi cơ hội gần gũi khuyên giải, nung lạc tinh thần, tưởng chừng vua đã quên hẳn cuộc chiến quyền lực với tộc Trần, nay quân của Tự Khánh ngang nhiên mượn cớ vào đánh Nguyễn Nộn, lại xâm phạm cửa khuyết và cướp phá lãnh cung, tỏ ý coi thường vua và triều đình quá rõ ràng, cuộc chiến với tộc Trần là điều dễ dự báo và không thể tránh khỏi sau hàng loạt những hành động quá quắt của Trần Tự Khánh.

Tháng giêng nhà vua hạ chiếu rằng:
"Trần Tự Khánh tụ tập đảng tặc hung bạo cướp phá trộm cắp chốn kinh sư. Dưới nước, trên cạn đều có quân tiến đánh làm phương hại đến tông miếu xã tắc mà trong mùa đông qua, cái khí thế mạnh lại càng bốc mạnh hơn. Trần Tự Khánh đốc xuất lũ buông tuồng tham tàn bạo ngược. Chúng cướp bóc tài vật của ta. Chúng đốt sạch cung thất của ta. Cho đến nỗi các khu xóm ở kinh thành hóa thành đống tro tàn. Trẫm nhân vì cái nỗi căm giận của ức triệu thần dân lại nhờ cái linh thiêng của một ông tổ và sáu ông tông. Đem cả sáu quân, thân hành đánh dẹp chúng. Vậy tướng soái sĩ tốt các ngươi khi đã đều được nghe lời chiếu này thì mỗi người phải đem hết tâm lực ra mà dùng làm cho đầy đủ theo ý trẫm".

Lời chiếu ban ra đã rõ ràng, ngòi nổ của cuộc phân tranh quyền lực đã được chính tay Huệ Tông châm, Tự Khánh chỉ là nguyên nhân gián tiếp gây nên mầm hoạ loạn này, nhưng đứng sau tất cả vẫn là bàn tay của Thái hậu và Nguyễn Nộn. quân triều đình và quân Trần tộc đánh nhau, rõ ràng mối quan hệ giữa Trần Thị Dung, nấc thang bước tới giấc mộng quyền lực tối cao của tộc Trần đã bị chính tay nhà vua hất bỏ. Trong nội triều, uy vũ của Thái hậu sẽ không còn mối lo bị chia sẻ bởi thế lực họ Trần, Huệ Tông đã chấp nhận lao vào cuộc phân tranh này, có nghĩa sức mạnh tập hợp các thế lực khác đang dần đi vào quỹ đạo, vận hành đúng hướng mong muốn của Thái hậu và Nguyễn Nộn. Khi lâm trận, thế quân của Tự Khánh sẽ bị cô lập hoàn toàn.

Để đối kháng lại, Trần Tự Khánh đóng quân ở Cứu Liên, phân chia cho các tướng sĩ của y đóng quân ở Cửu Cao và Cửu Ông để ngăn ngừa Nguyễn Nộn. Rồi sai tướng quân ở Khoái Lộ là Nguyễn Đường và Nguyễn Giai lại giữ dân đất ấy. Nguyễn Đường và Nguyễn Giai lại cùng với Nguyễn Nộn thông đồng mưu sự với nhau để đánh Trần Tự Khánh. Trần Tự Khánh sai Lại Linh giữ An Duyên Phù Liệt, để từ đó đến đánh Đường, Giai và Nguyễn Nộn. Nhà vua sai người đánh An Duyên Phù Liệt và thắng được.

Liên tiếp thất bại trên các chiến trường, Tự Khánh khi này như con ngựa chiến trúng thương, điều binh xuất trận, quân doanh được căng ra chống đỡ ở các hướng, đối với những thế lực bên ngoài thì vậy, bên trong quân các tướng lại tiếp tục làm phản, như một phản ứng dây chuyền khiến chiến lược phát triển và bành trướng thế lực của ông rơi vào tình thế khủng hoảng trầm trọng, căn cứ Nghĩa Trụ không còn đủ sức cung cấp quân binh, lương thực cho các chiến trường, bản thân Lại Linh cũng được điều động đi đánh dẹp khắp mọi nơi, đại quân doanh của Lại Linh cùng Tự Khánh ở Cửu Tỉnh tạm thời được giao cho người cháu của Tự Khánh tên Châu Đình trấn giữ, coi sóc.

Phía triều đình nhà Lý, có được vùng đất Bắc Giang làm đối trọng quân sự với Trần Tự Khánh, Thái hậu như tìm thêm được đôi cánh cho thế lực của mình, Nguyễn Nộn biết được điểm yếu của Huệ Tông vốn nhu nhược, bị Thái hậu quản chế, o ép liền lợi dụng ngay chính Thái hậu làm con bài tiến thân của mình, ra sức ve vuốt quyền bính của Thái hậu bằng những trận đánh quấy phá quân Trần tộc, từ đó tỏ cho thái hậu rõ tiềm năng quân sự, chỉ Nguyễn Nộn là có thể đối chọi, khống chế được thế lực của Trần Tự Khánh. Qua đó lôi kéo thái hậu cùng o bế Huệ Tông xin tập phong tước vương ở đất Bắc Giang. Nhìn thấy cái lợi của việc phong tước vương cho Nguyễn Nộn sẽ đảm bảo cho quyền bính của mình trong triều, đồng thời sau này có thể dựa hẳn vào thế lực Nguyễn Nộn để bảo đảm cho cơ đồ nhà Lý bền vững lâu dài, Thái hậu ra sức chỉ trích Tự Khánh và thúc bách vua sớm quyết định. Trước sức ép của Thái hậu, tháng 2 năm đó vua đành phong Hầu tước ở Bắc Giang là Nguyễn Nộn thành tước Vương.



0 nhận xét:

Post a Comment